May 04, 2024

Viết về tác giả & tác phẩm

Lấy Thơ Làm Thuyền
Lê Thị Mỹ Công * đăng lúc 06:47:56 PM, Apr 23, 2024 * Số lần xem: 999
Hình ảnh
#1
* đăng lúc 07:30:57 PM, Mar 14, 2016 * Số lần xem: 972
*              
 
     Lấy Thơ Làm Thuyền

 Thật may mắn bất ngờ khi đọc tập thơ “Mai Sau Kiếp Khác” của thi nhân Trần Vấn Lệ (TVL), như cuộc du ngọan vào cõi tâm thơ sâu sắc và độc đáo! Được gặp một tâm hồn lãng đãng thơ ở thời hiện đại của thế kỷ 21 là điều vô cùng quí hiếm!!!

    Người thơ ấy bước trong đời thực như la đà trong cõi mơ! Thi nhân đã hòa tan hiện tại vào cõi hòai niệm; đem sắc màu k3 niệm tô lên đời sống thực để mà chiêm ngưỡng!

     “Ta vừa đốt thuốc cho bay khói, ta tưởng ta ngồi trong gió mưa!
    Mưa gió! Hỡi ơi! Mưa gió cũ! Chẳng bao giờ mới với thời gian! Năm xưa, đào nở thơm đầu ngõ. Năm mới, bây giờ, hương xốn xang…” (tr. 51)

    Mang “cái tâm thơ“, thi nhân cho rằng:

     “Không gì sâu hơn thương
    Không gì xa hơn nhớ!” (tr. 77)

    Và vì thế, bàng bạc khắp tập thơ luôn tràn đầy những trăn trở với kỷ niệm, với quê hương; những niềm thương và nỗi nhớ da diết xa xăm!

     Điều rất đặc biệt khi đọc tác phẩm của thi nhân TVL: mạch thơ chảy tuôn nhè nhẹ, thong thả như từ mạch liên tưởng miên man giữa thực và mộng, giữa hiện tại và hoài niệm; sự suy tưởng nhạy cảm, đa cảm và đầy suy tư! Một phong thái biểu cảm thoáng chừng như văn xuôi nhưng rất du dương nhịp nhàng, rất ngọt ngào, và thơ hơn thơ!

     Với cách riêng đó, thi nhân đem những điều trông thấy, hoặc chỉ ẩn bên trong những việc bình dị đơn sơ, nhưng mang cả nổi niềm, gợi ra những phần đời, đậm đà sắc màu kỷ niệm:
     “Ba giờ. Thức dậy, nghe xe ngựa lóc cóc…
    Hé cửa nhìn ra …sương sa trăng rọi…”
    “Ba giờ. Thức dậy theo thường lệ, ta bắc nồi cơm ngó lửa hồng, nhìn nước sôi lên và gạo nở và nồi cơm chín, vắt ra đồng…” (tr. 57)

    Bạn đã bao giờ ngồi bên bếp lửa hồng reo vui, bên nồi cơm sôi chín tới, và trông trời đêm hừng sáng?     

    Nghe thương quá những kỹ niệm nơi quê nhà! Đã bao lâu rồi bạn không nấu cơm như thế nữa?! Trong một ai đó đã từng có những phần đời chắt chiu như thế!

     Ơi! Những trái tim xa xứ hãy bồi hồi cùng thi nhân:
     “Lâu rồi, nhớ lắm đêm hừng sáng, thổ mộ lăn lăn đá sỏi buồn. Ta bỗng nghe lăn dòng nước mắt, chảy hoài biết có tới Quê Hương? “(tr. 58)

    Mạch thơ của TVL cứ tự nhiên, cứ ngọt ngào trong bất cứ đề tài nào: thời sự, lịch sử, hoặc kể chuyện bình thường nhất:
     …“Một hôm, tôi làm thơ, chợt nhớ chuyện con chó, tôi bèn viết về nó. Như vậy. Còn chi hơn? Nếu có hôm nào buồn, mở ra và đọc lại. Chuyện đời quên phải trái, giữ mãi trong tim mình, chữ Tình - Tình Bất Diệt!…” (tr. 118)
    (chuyện con chó giữ mồ chủ đã chết, rồi cũng chết sau đó ba năm)

    Hoặc những băn khoăn như:

     “Nước mạnh dân giàu, như thế chăng? Làm quan nhỏ, lớn, đều quan tham! Làm người, thì phải người xa xứ, áo gấm về làng mới vẻ vang!
    Tội nghiệp thằng dân ngồi ngó núi, nhìn sông, rên siết núi sông ơi!…” (tr. 31)

    Qua sự sụp đổ của hòn Phu Tử, người thơ buồn cho thế sự:
     “Đá cứng thế kia mà rã rượi
    Lòng mềm mấy cũng thế, không hơn?” (tr. 169)

    Thi nhân thường tựa lưng vào hiện tại nhưng mắt hướng về hòai niệm xa xưa:

     “Chỗ này, tôi biết, tôi đang ở xa lắm vườn dừa xao xác chim, xa lắm tiếng chuông chùa ngói đỏ rong rêu nằm bám giấc sầu miên…”
    “Tôi đứng ngã lưng cây trụ điện ngó ra xa lộ bụi bay mù - cái mù của một ngày đang xuống, cũng cái mù xui nhung nhớ xưa…” (tr. 14)
    …những con cò đã bay về núi. Núi đã mờ. Mờ, như Cố Hương…” (tr. 16)

    Con người bất lực trước vận mệnh. Thế cuộc xoay vần, người thi sĩ cũng không thóat khỏi vòng xoay ấy và người làm thơ chỉ còn một cứu cánh cho mình:

     “Ơi em, sông có hai bờ, đời ta không lẽ lấy thơ làm thuyền?…” (tr. 50)

    Vâng! Thơ là cứu cánh cho người làm thơ vậy!!! Thơ sẽ chuyên chở giùm thi nhân – người luôn mang nặng nợ ân tình; thương mây, thương gió, thương màu quê hương, thương hương đồng nội, thương hoài không thôi. Nên có khi:

     “Tôi ngồi trên đỉnh tháp (tháp xây bằng nổi buồn). Không gì sâu hơn thương. Không gì xa hơn nhớ!  Đà Lạt thương không ở, mỗi lần nhắc là đau như vừa tỉnh chiêm bao…” (tr. 77)

    Nhớ quá quê hương, Đà Lạt khi mưa lê thê của thi nhân đẹp như mái tóc thề trong mưa:

     “Tôi nhớ em muốn về, chải cho em tóc thề những dòng mưa lóng lánh…” (tr. 77)
    “Ôi tôi buồn tôi nói. Nghe gì không mưa, mưa…” (tr. 78)

    Tình quê thì quá nồng nàn, nhưng dòng đời cứ đem con người đi mãi…Cho nên người thơ bỗng trở thành lãng đãng:

     “Nếu có chiêm bao…chẳng bận lòng..”
    “Thấy được chiêm bao rồi tỉnh ngủ… người ta quên bẵng giấc sầu miên? Mười năm lạ xứ ngờ lâu lắm, mà đã hơn mười, vẫn chửa quen!” (tr. 98)

    Và cũng rất lãng đãng với tình yêu:
     “Em đọc bài thơ nhảm, xin em một nụ cười. Bây giờ xa thăm thẳm hồi anh tuổi hai mươi…”

    Tình yêu với thi nhân luôn ngời sáng như tia nắng mặt trời:
     “Nhiều lúc tôi bồng bềnh thấy mình như mây nổi, thấy ngày không bóng tối vì em là mặt trời. Nhiều lúc tôi bật cười, thấy mình vô lý lạ: tại sao em xinh quá cho thiên đường bao quanh?…” (tr, 108)

    Và người thơ còn muốn mang thơ để:
     “Nối cõi người ta với cỏi Tiên…” (tr. 137)

    Tình của thi sỉ là thế! Cứ trải rộng ra như không có giới hạn nào cho thơ:
     “Nếu dẫu giữa nhà bưng bít cửa, ngọn đèn leo lét…vẫn mông mênh!” (tr. 138)

    Thi nhân Trần Vấn Lệ đã làm điều kỳ diệu qua mạch thơ tự nhiên trôi trong bất cứ đề tài nào, như hơi thở ra, như lời tâm tình miên man của mạch văn xuôi, nhưng ngọt ngào hơn cả thơ!!!!

     Và trước tất cả những trăn trở của cuộc đời… người thi sĩ chỉ còn thốt lên:

     “Tôi làm gì, bây giờ, không lẽ cứ…làm Thơ?” (tr. 163)

    Vâng! Xin cám ơn Thi Nhân! Hãy dùng Thơ để chuyên chở giùm Cuộc Đời những gánh truân chuyên, bằng cung bậc THƠ nồng nàn; để Cuộc Sống nhẹ nhàng và thi vị hơn.
                                                                             
Lê Thị Mỹ Công

    Plano. Texas, 2005

  🌺 💛 🌺
 

 

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.