|
Tin tứcVườn Văn Hoá Việt tại San Jose. Webmaster * đăng lúc 04:25:36 PM, Mar 06, 2016 * Số lần xem: 1435
#1 |
Posted by: Viet VungVinh Posted date: 7:45 AM / comment : 0
|
Ủy Ban Tổ Chức: Lai Duc Hung, Ho Quang Nhut, Ng. Duc Lam, Vu van Loc. |
Giao Chỉ viết về vườn Văn Hoá Việt tại San Jose.
Tìm lối đoạn trường mà đi...
1) Lời nói đầu:
Cụ Nguyễn Du ngày xưa đã viết rằng. "Ma đưa lối, quỷ dẫn đường. Lại tìm những lối đoạn trường mà đi." Sau khi chúng tôi định cư và hoạt động cộng đồng được gần 10 năm tại thung lũng Hoa vàng thì miền đất này biến thành Silicon Valley.
Thành phố San Jose vốn đã có nhiều vườn cảnh. Người Nhật hoàn tất vườn Nhật trên đường Senter. Người Trung Hoa tạm xong vườn Tàu ở Mc.Kee. Chính quyền địa phương khích lệ các sắc dân lập thêm vườn Mễ, vườn Phi và vườn Việt Nam.
Năm 1985 chúng tôi gửi thư cho thị trưởng Tom Mc. Enery để nhận lời góp phần xây dựng một công viên văn hóa Việt Nam. Mục đích tiên khởi là muốn có nơi chính thức dựng cờ VNCH. Vào thời gian nầy cộng đồng Việt Nam còn nhỏ bé hiền lành. Sinh hoạt dưới hình thức Liên Hội người Việt Quốc gia có vị tổng thư ký là anh Lại Đức Hùng phối hợp. Cá nhân chúng tôi là giám đốc cơ quan định cư, có chút phương tiện hoạt động chính thức nên thường được tín nhiệm gián tiếp quản trị chung.
Cơ quan IRCC chính thức ra đời từ 1976 đến nay 2016 vừa đúng 40 năm. Năm nay sẽ là năm tổng kết tất cả các chuyện vui buồn một thời dâu bể. Đã đến lúc ghi lại các biến động trong cộng đồng chính mình liên hệ. Sự thật, chỉ có sự thật, nhưng không vì chút hận thù nên không thể là tất cả sự thật.
Chuyện đầu tiên là lịch sử việc thành lập vườn văn hóa truyền thống Việt Nam tại San Jose. Nếu mình không viết, ai viết. Nếu bây giờ không viết, bao giờ? Từ khi viết lá thư đầu tiên cho thành phố năm 1985 đến nay là năm 2016, trải qua 31 năm mà giấc mơ vườn Việt cũng chưa xong, là điều đáng buồn cho tất cả chúng tôi là những người trước sau cùng liên quan đến đề tài. Quả thực, ma đưa lối, quỷ dẫn đường, sao tìm những lối đoạn trường mà đi. Xin giãi bày đầu đuôi như sau.
2) Cho hay muôn sự tại trời?
Trong khi khắp mọi nơi, việc xin danh hiệu Little Saigon nhẹ nhàng như chơi mà sao San Jose quá vất vả. Có lẽ chuyện Vườn văn hóa cũng lại không may mắn.
Bác sĩ Nguyễn Xuân Ngãi, người trách nhiệm sau cùng của dự án này trong lễ chào cờ đầu năm 2016 trên đất công viên có phổ biến một bài diễn văn nhẹ nhàng trách cứ thành phố San Jose quá nhiều khó khăn về thủ tục.
Nhân dịp này, vốn là người rất quan tâm theo dõi, tôi hỏi ông nghị viên Nguyễn Tâm. Ông Tâm cho biết quả thực dự án đã tiêu trên 3 triệu mỹ kim bao gồm tiền của thành phố, của tiểu bang và tiền quyên góp. Trong số này chính bác sĩ Ngài đã đóng góp hơn một triệu mỹ kim. Bằng lời rất chân thành và công bằng, ông Tâm nói rằng trong dự án này bác sĩ Ngãi là người đóng góp nhiều nhất mà lại bị phiền trách nhiều nhất.
Trong một dịp khác, tôi nghe ông nghị Nguyễn Mạnh nói rằng, dù dự án này nằm trong khu 7 của ông Tâm nhưng chính ông thị trưởng và 2 nghị viên Việt Nam sẽ cùng làm việc để hoàn tất.
Tôi rất vui mừng nghe được như thế và biết rằng quý vị chính quyền hiện có từ 4 đến 8 năm để hoàn tất công trình mà chúng tôi mơ ước từ năm 1985 nhưng bất tài, bất lực không làm xong.
Nhưng chuyện xưa cũng xin lễ phép nhắc lại. Thời kỳ thai nghén dự án kỳ đài VNCH và công viên văn hóa cuối thập niên 80, ông Nguyễn Mạnh và đài Việt Nam Tự Do đã kịch liệt đả kích anh em chúng tôi kéo theo thiên hạ xúm vào đánh hôi, tưởng là dự án tan thành mây khói. Sẽ không bao giờ có cờ bay trên thành phố thân yêu.
Nhưng sau cơn phong ba, truyền thông VN Tự do kết luận tuyên bố tha bổng vì xem ra tội tình chúng tôi không đáng kể. Vì vậy dự án hoàn tất đoạn đầu với 9 năm kỳ đài bay trên mây trời Cali. Ngày nay, định mệnh đưa ông Mạnh ở vào vị thế sẽ phải tiếp tay hoàn tất đoạn cuối của công viên văn hóa. Cho hay, muôn sự tại trời. Đau thương tìm lối đoạn trường mà đi.
3) Xem lại hồ sơ.
Thứ năm cuối tháng giêng 2016, sở công viên San Jose mời họp cộng đồng để thuyết trình về chương trình tổng quát Kelley Park. Người Việt đến tham dự đông đảo hy vọng sẽ nghe nói đến việc thực hiện công viên văn hóa và trung tâm sinh hoạt cộng đồng. Hy vọng sẽ được chính ông thị trưởng cam kết và có dịp bày tỏ các ý kiến xây dựng. Nhưng bên sở công viên lại hứa hẹn sẽ trình bày các để tài trên vào một dịp khác. Có lẽ các nhân viên của sở công viên cũng chưa nhận được chị thì rõ ràng của hội đồng thành phố về việc này. Tuy nhiên, nhân dịp này tôi có dịp gặp riêng bác sĩ Ngãi và ông cho biết dự án công viên sắp xong giai đoạn 1. Bác sĩ Ngãi cũng xác nhận là ông đã đóng góp phần cá nhân là 1 triệu và 300 ngàn tiền cash trong nhiều năm qua. Ông muốn thành phố tiếp tục công tác xây dựng ngay trung tâm cộng đồng trong công viên đã có khu đất dành sẵn.
Tôi gặp nhân viên trách nhiệm bên San Jose và được biết khu đất bên công viên dự trù xây Museum. Không phải là xây trung tâm cộng đồng. Nay đã có Việt Museum trong khu San Jose History rồi thì không cần xây nữa. Thành phố lại có khuynh hướng sẽ xây trung tâm tại khu đất bên cạnh. Không hiểu lý do vì sao.
Về ngân khoản thành phố cho rằng còn tùy thuộc khả năng gây quỹ của cộng đồng. Bác sĩ Ngãi nói rằng không có ý định góp thêm tiền. Phần tôi không nghĩ rằng sẽ có một vị ân nhân nào khác ra đời.
Ngày hôm sau chúng tôi nhận được bản sơ đồ bên bác sĩ Ngãi gửi đến về Vườn Truyền thống, tôi có đem kính phóng đại ra xem kỹ và nhận thấy sơ đồ có khá nhiều chi tiết. Chùa Một Cột, tháp Thiên Mụ, chợ Bến Thành, tháp Chàm, cột cờ..Cổng Tam Quan, vườn tre, khu Thiền v v Hoàn toàn như bản phác họa chúng tôi đưa ra năm 1985. Chỉ có thêm chợ Bến Thành và tháp Chàm. Riêng khu 7,000 SF ghi là dùng để xây Museum. Không ghi là dành cho trung tâm sinh thoạt. Tôi có kịp thời nhắc bác sĩ Ngãi sửa lại dành cho trung tâm sinh hoạt cộng đồng. Ông Ngãi đã ghi nhận để sửa lại.
4) Nhắc lại chuyện xưa:
Nhân dịp này xin nhắc lại hồ sơ cũ như sau: Từ 1985, chúng tôi là một số người sáng lập công trình vườn Văn Hóa Việt tại San Jose. Vị trí đầu tiên trên đường Capitol Expw góc Senter. Đã hoàn tất các bản vẽ gồm có các công trình căn bản như sau:
*Kỳ đài VNCH, cờ CA và US.
*Đền Hùng. * Chùa Một Cột,(Bắc) *Tháp Thiên Mụ (Trung) và
* Cổng Tam quan Lê văn Duyệt.(Nam).
* Viện Bảo tàng và trung tâm sinh hoạt cộng đồng.
Ý nghĩa chính của các công trình kiến tạo qua đề tài: Chúng ta đi đem theo quê hương.
Công trình quan trọng nhất là kỳ đài 3 cột cờ cao 60 F đã hoàn tất với 4,500 người tham dự trong lễ khánh thành năm1991.
|
4,500 người tham dự trong lễ khánh thành năm1991. |
Toàn khu đã được bang đất, nghiên cứu địa thế, làm hệ thống điện. Sau đó ban quản trị theo tinh thần dân chủ bàn giao cho quý vị hội đồng nhiệm kỳ kế tiếp.
Trong giai đoạn đầu thành phần chúng tôi gồm có: Vũ văn Lộc, Hồ quang Nhựt, Lại Đức Hùng, Nguyễn Đức Lâm, cụ Trần hữu Phúc, Trần Văn Nhơn và một số quý vị khác.
Năm 1995 chúng tôi bàn giao toàn thể dự án cho cụ Trần Hữu Phúc và ông Liêm phụ trách để chuẩn bị xây đền Hùng. Các vị nầy đang là chủ tịch và tổng thư ký Đền Hùng. Trong gia đình có ông Bùi Đức Lạc là con rể cụ Phúc yểm trợ rất đắc lực.
Theo kế hoạch lâu dài dự trù sau đền Hùng sẽ đến chùa Một cột là đi tích miền Bắc. Nếu mọi chuyện thành công tốt đẹp sẽ mời các nhân sĩ và đoàn thể miền Nam nối tiếp với công trình cổng Tam Quan miền Nam. Lúc đó chúng tôi chọn cổng tam quan lăng Ông Lê Văn Duyệt làm mẫu.
Sau miền Nam, sẽ mời hội Ái Hữu miền Trung xây tháp Thiên Mụ. Vì khả năng giới hạn nên làm từ từ. Làm đến đâu xử dụng đến đó. Tổ chức nào làm sẽ lo gây quỹ và phụ trách bảo toàn.
5) Khánh thành kỳ đài.
|
Kỳ đài ngày khánh thành |
Đầu thập niên 90 chúng tôi khánh thành kỳ đài trên đường Capitol có 4 ngàn 500 người tham dự. Hào hứng biết chừng nào. Các đoàn thể tại Bắc CA đều có mặt.
Ông Trần An Bài đưa đoàn rước cờ và ban nhạc tây từ bên trung tâm công giáo vượt qua đường Capitol Expw. Nhạc sĩ Phạm Duy đứng lên làm quản ca cho mọi người hát Việt Nam Việt Nam. Cô Đoan Trang là một trong các MC. Các phe phái khác biệt đều có mặt.
Hôm đó là ngày cuối tuần tháng 6-1991. Dù công tác chung đã bàn giao nhưng riêng về phần kỳ dài ủy ban chúng tôi vẫn trách nhiệm và ông Lại Đức Hùng là thành viên tích cực trực tiếp đảm trách. Ông Hồ Quang Nhựt là ủy viên kỳ đài và ông Nguyễn Đức Lâm là tổng thư ký của hội công viên văn hoá.
Trong thời gian 9 năm ngọn cờ vàng bay trên thành phố San Jose đã chịu nhiều sóng gió nhưng cũng có nhiều hãnh diện. Đây là thành tích đầu tiên về công tác nêu cao lá cờ VNCH trên thế giới người Việt hải ngoại. Thời kỳ 1991 việc vận động treo cờ Vàng trên đất Hoa kỳ, dù đất công hay tư cũng là điều rất khó khăn. Niềm hãnh diện hơn 20 năm về trước vẫn còn mãi trong nước mắt tuổi già cho đến hôm nay.
6) Giai đoạn chuyển tiếp.
Sau khi bàn giao xong cho hội đền Hùng thì thành phố San Jose có kế hoạch dùng khu đất Vườn Văn Hóa Việt làm sân Gôn. Nghị viên khu 7 thời đó là ông George Shirakawa. Ông bố có khả năng đã tận tình giúp cho công đồng Việt xúc tiến dự án. Chợt ông bố chết trước khi hết nhiệm kỳ. Thành phố thương tình cho con vào làm tiếp. Ông con ăn cánh với tư bản đưa vị trí công viên qua đất mới để lấy đất làm sân Gôn. Họ đề nghị dời công viên đến vị trí mới trên đường Roberts hiện nay. Giai đoạn này có ông Liêm, ông Hướng rồi đến bác sĩ Ngãi đảm trách. Bác sĩ Ngãi mời được sự cộng tác của nhiều nhà tư bản nổi tiếng trong vùng. Việc quyên góp tài chánh và vận động với chính phủ rất thành công. Về phía chính quyền có sự hiện diện của cô nghị viên Việt Nam đầu tiên về sau trở thành phó thị trưởng. Cá nhân tôi sẵn sàng cộng tác và theo dõi công trình tiếp tục nhưng rất tiếc không có cơ hội.
7) Tìm con đường mới.
Đối với hơn 20 ngàn đồng bào và chiến sĩ hải quân Việt Nam, lễ hạ cờ VNCH trên các chiến hạm tại hải phận Phi Luật Tân sau 30 tháng tư-1975 là giây phút đau thương nhất.
Đối với cá nhân chúng tôi, trong 40 năm qua, giờ phút cay đắng và khốn nạn nhất là khi thành phố cho chuyên viên đến cưa 3 ngọn cờ của hệ thống kỳ đài vĩ đại đã dựng năm 1991 trên đường Capitol.
Biết rằng công viên có vị trí mới. Đã được các thành viên có khả năng và thế lực đảm trách công tác tương lai. Nhưng vẫn không thể không buồn bã cay đắng.
Ngày hôm đó trong ủy ban kỳ đài chỉ có duy nhất cá nhân tôi hiện diện. Hết sức đau lòng tôi yêu cầu chuyên viên cắt 3 cột cờ thành 9 khúc. Rồi đem di sản về cất tại trụ sở trên đường Park. Sau này dọn cơ quan nhiều lần, chúng tôi rất vất vả để di chuyển 9 khúc di vật đau thương. Có lần thầy trò phải dùng 2 xe chợ buộc 2 đầu và chuyên chở từng khúc dài ngay trên đường phố. Sau cùng hiện nay 9 khúc di sản của một thời xưa nằm dưới hầm của Việt Museum. Sẽ có ngày dựng thành một đài kỷ niệm.
Mặt khác, chúng tôi biết rằng với khả năng tài chánh của các nhà tư bản, với ảnh hưởng mạnh mẽ của chính quyền, trước sau vườn Việt Nam cũng sẽ thành công. Chỉ có 2 điều quản ngại là kỳ đài chắc không vĩ đại như xưa và Viện bảo tàng tại công viên văn hóa dự trù có thể hoàn tất nhưng không thể có được những tác phẩm và di sản để bảo toàn và trưng bày.
Trong nỗi niềm đau thương của buổi trưa xem người ta hạ những cột cờ, tôi quyết định bằng mọi giá phải xây dựng được một viện bảo tàng đầu tiên và duy nhất tại hải ngoại. Viện bảo tàng Thuyền nhân và VNCH. Lần này chúng tôi sẽ làm một mình.
8) Viện Bảo tàng:
|
Viện Bảo Tàng tại San Jose |
Nhìn chung các dự án trong vườn văn hóa truyền thống chúng tôi thấy việc xây dựng một Viện Bảo tàng là quan trọng nhất và thời gian sưu tầm di sản cần làm ngay. Chúng tôi bèn nỗ lực dùng phần lớn phương tiện cá nhân hoàn thành Viet Museum hiện nay. Với quyết tâm và nỗ lực hoàn toàn đơn độc, tôi tìm cách đi con đường riêng để thực hiện Việt Museum.
Vì hoàn cảnh rất phức tạp của cộng đồng trong thời gian 15 năm qua và tôi cũng không có khả năng vận động chính quyền, không vận động được quần chúng nên gần như nỗ lực làm một mình với sự góp sức của các thân hữu thông cảm.
Đầu tiên là dựng cột cờ và công trình tiếp tục trong thầm lặng. Bây giờ chuyện Việt Museum tạm yên. Đây là công trình duy nhất trên thế giới người Việt hải ngoại. Các tác phẩm căn bản và di sản đã thu về một nơi kịp thời trong suốt hơn 30 năm qua.
Trị giá di sản 2 triệu và 500 ngàn US. Tài sản địa ốc gồm ngôi nhà và khu đất chung quanh thuộc thành phố nếu tính theo trị giá thương mại hiện nay là 2 triệu mỹ kim. Việt Museum đã phải bỏ tiền ra sữa chữa ngôi nhà và xây đúng toàn bộ vườn cảnh tốn kém 350 ngàn US. Chỉ riêng con đường cho xe lăn vào thăm tầng dưới đã tốn hết 35 ngàn US. Hàng ngày có trên 10 nhân viên bán thời gian trông nom mở cửa 6 giờ một ngày, 7 ngày một tuần.
|
Các em sinh viên trước cổng vào History Park |
|
Các vị Tổng trưởng VNCH thăm viếng viện bảo tàng Việt Museum ngày 20-2-2016 |
|
Các di tích lịch sử trưng bày trong viện Bảo Tàng Việt Museum |
|
Cựu Đại tá Vũ Văn Lộc, giám đốc IRCC đang hướng dẫn các vị Tổng trưởng VNCH thăm Việt Museum ngày 20-2-2016 |
|
Đồ hình Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa trong Việt Museum |
|
Bức tường tưởng niệm các vị anh chùng chiến sĩ VNCH tuẫn tiết và hy sinh 30/4 được đặt ngay bên hông cạnh Việt Museum. |
|
Hàng năm có hàng ngàn sinh viên học sinh đến Việt Museum để tìm hiểu và học hỏi về lịch sử của người tỵ nạn cộng sản |
|
Hàng năm có hàng ngàn sinh viên học sinh đến Việt Museum để tìm hiểu và học hỏi về lịch sử của người tỵ nạn cộng sản |
9) Công viên truyền thống và trung tâm cộng đồng.
Chuyện mình tạm xong. Tuy nhiên nhìn đến công trình của Vườn truyền thống tôi vẫn hết sức đau lòng. Lại được bác sĩ Ngãi cho biết và bên thành phố cũng xác nhận tổng số chi ra khoảng 4 triệu US, trong số đó riêng cá nhân bác sĩ Ngãi đã bỏ ra 1 triệu 300 ngàn tiền mặt. Phải thực tình nói rằng, với số tiền lớn lao như thế. Chính cá nhân người trách nhiệm đã bỏ ra hàng triệu Mỹ Kim.
Hội đồng quản trị một thời toàn là các nhà tư bản quan trọng. Các vị thị trưởng và nghị viện đều đồng lòng yểm trợ. Lại có cả một vị dân cử gốc Việt làm nghị viên kiêm phó thị trưởng suốt 10 năm. Đất đã được chấp thuận. Với sức mạnh về tiền tài và thế lực như vậy, vườn văn hóa Việt chưa xong quả thực là điều đáng tiếc.
Trong hoàn cảnh hiện nay, sau khi đã xem qua hồ sơ, tôi xin mạnh dạn đề nghị với thành phố San Jose và bác sĩ Nguyễn Xuân Ngãi như sau.
Thứ nhất: Làm ngay một hàng rào tạm thời bằng vật liệu thuê tạm để bảo vệ an toàn vì khu vực này hiện thường xuyên bị phá hoại.
Thứ hai: Cho vẽ lại sơ đồ thật đơn giản và thật rõ các vị trí quan trọng bao gồm các kiến trúc điển hình của ba miền Trung Nam Bắc Việt Nam. Có thể dành một khu xây cất trung tâm sinh hoạt cộng đồng trong tương lai. Xin bỏ ngay dự án xây cất Museum vì hoàn toàn không thực tế. Cũng không cần đề cập đến các dự án Kiếng Garden, Chợ Bến Thành, khu vườn tre, Vườn Thiền, Tháp Chàm v. v trên bản vẽ cũ đã đưa lên City từ năm 2005.
Thứ Ba: Những khu vực nào có thể xin bắt đầu trồng cây. Trong khi còn thảo luận, gây quỹ và chưa dứt khoát về các công trình xây cất thì cây vẫn mọc. Chỗ nào không trồng cây thì trồng cỏ và thực hiện nhà vệ sinh cũng như phương tiện cho các hội đoàn Picnic.. Đặc biệt cộng đồng chúng ta rất cần chỗ cho các liên đoàn hướng đạo sinh hoạt ngoài trời. Nếu bắt đầu trồng cây ngay từ 2005 và xây kỳ đài 60 F thì ngày nay vườn đã thành công viên VNCH lý tưởng rồi.
Thứ Tư: Đồng thời xin thực hiện ngay 3 cột cờ ít nhất 60 F cho xứng đáng để đồng hương có thể làm lễ chào cờ, các phái đoàn quân khách thăm viếng, tổ chức các lễ hội ngoài trời. Hàng năm chúng ta không phải đến dự lễ chào cờ tại quận hạt và tại City.
Thứ Năm: Tóm lại trong khi chờ đi tìm cách gây quỹ bạc triệu để hoàn tất thì cộng đồng cũng vẫn cứ tìm cách tiếp tục xử dụng khu đất đã được dành riêng. Hiện thành phố còn dành 700 ngàn cho dự án công viên. Đủ để xúc tiến các công việc kể trên.
Thứ Sáu: Vì lý do cần nhiều triệu bạc mới có thể xây được trung tâm cộng đồng, dù xây ở bất cứ chỗ nào. Chúng tôi xin đề nghị thành phố San Jose cho cộng đồng Việt Nam xử dụng ngay trung tâm Leininger Center hiện có tại Kelley Park làm trung tâm sinh hoạt cộng đồng. Trung tâm này hiện đã có sẵn, rất đủ điều kiện căn bản, giữa thành phố, cạnh Little Saigon, tiện đường di chuyển. Hiện có nhiều yếu tố thuận lợi và nằm trong khả năng giải quyết và trong quyết tâm đã cam kết của ông thị trưởng và 2 nghị viện gốc Việt. Chúng tôi sẽ có thư riêng gửi thành phố San Jose đề nghị trực tiếp về việc này với đấy đủ chi tiết . Xin quý độc giả đóng góp ý kiến và yểm trợ đề nghị của chúng tôi.
Tin giờ chót. Bản tin mới nhận được, xin dăng nguyên văn như sau.
Thành phố San Jose Chấm Dứt Hợp Đồng với bác sĩ Ngãi San Jose
– Sau 11 năm họat động của hội Việt Heritage Society (VHS) dưới sự lãnh đạo của BS Nguyễn Xuân Ngãi, và sau 5 năm khởi công xây cất với tổng chi phí toàn bộ là $3,520,800, dự án Vườn Việt lại dẫn đến tình trạng bế tắc với một vài công trình xây cất dở dang gồm 1 bãi đậu xe, 3 cột cờ, 1 cổng tam quan, 1 cái hồ khô, và 1 hàng rào. Ngoài ra không còn một dự tính xây cất nào khác vì ngân quỹ của hội đã hết tiền. Do đó hôm thứ Tư ngày Mar. 2, 2016 vừa qua, Thành Phố San Jose đã chính thức trao tận tay cho BS Ngãi tờ thông báo chấm dứt hợp đồng với hội VHS, lấy lại quyền quản trị và sẽ hòan tất giai đọan (1a)với số tiền $700,000 trong quỹ của thành phố.
Ngòai ra, lá thư của ông Norberto Duenas, tổng quản lý thành phố (City Manager), cũng nói rõ là nếu VHS muốn tổ chức bất cứ sinh họat gì tại vườn Việt thì phải xin giấy phép trước. Chiếu theo tinh thần của hợp đồng thì bên VHS có 6 tháng để bàn giao mọi công việc cho thành phố kể từ ngày 2 tháng 3, 2016 vừa qua. Nội dung công văn thông báo chấm dứt hợp đồng như sau: Công văn gởi BS Nguyễn Xuân Ngãi chấm dứt hợp đồng Vườn Việt:
Ngày 29 tháng 2, 2016 Dr. Ngai Nguyen, MD Chairman, Viet Heritage Society, Inc. 696 E. Santa Clara St. #200 San Jose, CA 95112 Đề tài: Hợp đồng Phát triển, Họat động, và Bảo trì dự án Vườn Truyền Thống Việt
Kính thưa BS Ngãi:
Kể từ khi công bố “Notice to Proceed” vào ngày 17 tháng Năm, 2011, Thành phố San Jose đã hợp tác làm việc với tổ chức VHS. Tuy nhiên cho đến hôm nay thì dự án nầy vẫn chưa hòan tất. Thành phố San Jose rất quan tâm về việc nầy, tức là sự dở dang của việc xây cất, và tình trạng thiếu vệ sinh và an ninh tại hiện trường. Thành phố San Jose, do đó, đã quyết định là sẽ tự đảm nhận hòan tất giai đọan 1a của dự án mà không chờ đợi vào hội VHS nữa. Vì thế, qua công văn nầy chúng tôi muốn thông báo rằng thành phố San Jose sẽ chấm dứt hợp đồng với VHS chiếu theo điều khỏan 30.A.4 như sau: “Điều khỏan 30 A. Hợp đồng nầy có thể được chấm dứt như sau: 4. Do Thành phố hay do VHS, bằng việc gởi thông báo 6 tháng.” Thông báo nầy nhằm khởi sự cho giai đọan 6 tháng ấy. Trong vòng 6 tháng nầy, thành phố yêu cầu VHS chuyển giao công tác bảo trì qua cho thành phố. Trong khi ấy, xin vui lòng xem lại các nghĩa vụ được phân định trong bản hợp đồng ký kết ngày 12 tháng 4, 2005 liên quan đến việc quản trị vườn Việt như sau:
-Điều 8: Chủ nhân và Sử dụng: VHS phải xin phép sở Công Viên (PRNS) mỗi khi muốn sử dụng vườn Việt chiếu theo hiệu đính D. Do đó, trong vòng 6 tháng tới, VHS không được tổ chức bất cứ sinh họat gì tại vườn Việt mà không có giấp phép do sở PRNS cung cấp.
-Điều 14: Cho phép VHS sinh họat tại vườn Vịêt: VHS phải tuân thủ các điều lệ của hợp đồng về việc cung cấp các chương trình sinh họat trên danh nghĩa của thành phố. -Phụ đính D: Lịch sinh họat: Bản lịch nầy bao gồm các sinh họat thường niên tại vườn Việt phải được lên lịch với sở Công viên PRNS: 200 East Santa Clara Street San Jose, CA 95113 tel (408) 535-8100 fax (408) 920-7007 www.sanjoseca.gov -Phụ đính E: Bảo hiểm: Xin vui lòng cung cấp chứng thư bảo hiểm chiếu theo nội quy của hợp đồng trong vòng 10 ngày kể từ hôm nay. Xin liên lạc ông Steve Hammack, Deputy Director, steve.hammack@sanjoseca.gov, 408.793.5579.
Trong vòng 6 tháng tới, chúng tôi mong có dịp thảo luận với qúy hội về các chương trình gây qũy của hội VHS để tiếp tục dự án. Xin liên lạc với bà Marybeth Harasz, Interim Deputy Director, marybeth.harasz@sanjoseca.gov, 408.793.5514.
Xin gởi chứng thư bảo hiểm đến cho: Stephanie Williams, Risk Manager, City of San Jose, Finance Department, 200 E. Santa Clara Street, 13th floor, San Jose, CA 95113. Trân trọng, Noberto Duenas, City Manager Tổng quản lý thành phố
*
Ngòai ra, trước đây khỏang một tháng, TP San Jose cũng đã công bố một bảo báo cáo về tình trạng của hội VHS do ông Giám đốc sở Công Viên Angel Rios ký tên. Nội dung bản báo cáo sau một cuộc kiểm tra hồ sơ của hội VHS cho thấy tình trạng dang dở bế tắt hiện nay là do sự quản lý kém cỏi của hội VHS khiến gây ra chậm trể và lãng phí số tiền hơn $3 triệu rưỡi đô trong việc xây dựng các công trình dỡ dang.
Nội dung bản báo cáo của ông Giám đốc sở Công Viên Angel Rios như sau: Ngày 2 tháng 2, 2016 Kính thưa Thị trưởng Sam Liccardo cùng hội đồng Nghị viên: Thông tư nầy nhằm báo cáo cập nhật cho hội đồng thành phố và mọi cộng đồng được biết về tình trạng của dự án “Vườn Truyền Thống Việt” (“Vietnamese Cultural Heritage Garden Project”)
Lịch sử: Vào ngày 26 tháng 9 năm 2000, Hội đồng TP San Jose chấp thuận bổ túc vào kế họach tổng thể có tên là Kelly Park Marter Plan để ghi thêm một dự án mới của Vườn Việt. Dự án vườn Việt gốm có 4 mẫu đất để xây dựng những kiến trúc biểu trưng nền văn hóa Việt Nam cho mọi người cùng thưởng lãm. Vào ngày 12 tháng Tư năm 2005, thành phố chấp thuận hợp đồng với tổ chức Vườn Việt, viết tắt là VHS (Viet Heritage Society) và giao công cho họ công tác quy họach, họat động, quản lý và bảo trì dự án nầy.
Hợp đồng nguyên thủy cho biết thành phố San Jose sẽ cung cấp cho VHS số tiền là $1,080,000 để phác họa và xây dựng giai đọan “Phase I.” Sau đó từ năm 2006 đến 2011 hợp đồng được hiệu đính nhiều lần để gia tăng tiền tài trợ lên $1,830,000, gia tăng thời hạn để hoàn tất, và thay đổi lịch trình kế họach. Tổ chức VHS khởi công xây cất giai đọan 1a từ tháng 5, 2011. Nội dung gồm cải thiện lối đi bộ, bang đất, chạy điện nước, bãi đậu xe 57 chỗ, lối vào, cổng tam quan, quảng trường chính, vườn sen, trồng hoa cỏ, hệ thống thóat nước, và những hạ tầng liên hệ.
Cho đến nay thì mọi việc xây dựng đã đình trệ và còn dở dang. Một việc trì trệ lâu dài liên quan đến việc xây cất cái cổng không hợp lệ.
Hiện nay thì cái vườn nầy được bao bọc bởi hàng rào giây thép, nhưng vẫn bị phá họai, vẽ bậy, xả rác, và bị chiếm ngụ. Thành phố, do đó, đã tiến hành một cuộc kiểm tra hợp đồng với VHS để xác định vai trò, trách nhiệm, và nghĩa vụ tài chính của cả hai bên. Có hai mục tiêu rõ rệt: Tìm hiểu xem tại sao việc xây cất bị dang dở; và xác định rằng tiền công qũy đã được chi tiêu đùng với quy định. Tổ chức VHS có nghĩa vụ quản lý mọi công trình xây dựng của công viên nầy chiếu theo điều khỏan hợp đồng. Chúng tôi đã kiểm tra việc đấu thầu, giao thầu, và quản lý xây dựng. Kết quả sơ khởi cho thấy rằng tổ chức VSH đáng lẽ phải quản lý một cách hữu hiệu hơn. Cho đến nay thì công trình đang bị bỏ dỡ, và công tác kiểm tra vẫn còn đang tiếp diễn. Chúng tôi đã duyệt qua hồ sơ tài chánh kể ảc hồ sơ do VHS cung cấp. Chiếu theo hợp đồng giữa hai bên, thành phố San Jose đã tài trợ VHS một số tiền là $1,050,000 trong các năm 2006-2012 cho công việc phác họa và xây dựng. Các cơ quan chính phủ khác cũng tài trợ như Quận hạt Santa Clara County và Tiểu bang California. Về phía tư nhân cũng đóng góp khỏang $1 triệu nữa.
Tóm lượt tòan bộ tài chính như sau: Quận hạt Santa Clara: $100,000. Tiểu bang California: $1,300,000. TP San Jose: $1,130,000. Tổng cộng công qũy tài trợ: $2,530,000 Chi phí Phác họa: $850,000. Xây dựng: $2,670,800. Tòan bộ chi phí: $3,520,800
Kết quả kiểm tra cho thấy tiền công qũy đã được sử dụng vào việc xây cất. Tuy nhiên đáng lẽ nó phải được quản lý một cách hữu hiệu hơn. Do đó dẫn đến hậu quả là dự án hiện đang bị dở dang. Hiện nay thành phố đang còn lưu giữ số tiền $700,000 dành cho dự án. Chúng tôi đồng ý với VHS rằng sở công chánh (City’s Public Works Department) sẽ dùng số tiền nầy để hòan tất giai đọan 1a, và để mở cửa cho công chúng bắt đầu ra vào sử dụng công viên nầy. Công tác sẽ bao gồm việc xây dựng hàng rào an tòan chắc chắn, hệ thống thóat nước và hòan tất mái cổng, và làm an tòan hồ sen khô nuớc để chờ đợi cho việc xây dựng về sau.
Chúng tôi đã phác họa dự án và sẽ bắt tay vào mùa hè 2016, và sẽ hòan tất vào mùa thu 2016. Theo dự tính thì trong tương lai, những công trình tiếp theo sẽ được ây dựng bởi thành phố, vả sẽ được quy họach theo khả năng tài trợ của cộng đồng. Ngòai ra, theo ngân sách của Thị trưởng cho tài khóa 2015-2016 thì số tiền $200,000 đã được dành ra để điều nghiên khả thi cho dự án Trung Tâm Cộng Đồng Việt Nam (Vietnamese Community Center), gồm việc phác họa, thu nhận đóng góp ý kiến quần chúng, và địa điểm bên cạnh vườn Việt tại Kelly Park là chọn lựa ưu tiên. Sẽ có buổi họp xin ý kiến quần chúng vào ngày 25 tháng 2, 2016 tại Kelly Park từ 6:30 đến 8 giờ tối.
Trân trọng Angel Rios, Jr. Giám đốc sở Công viên Director, Department of Parks, Recreation and Neighborhood Services Nếu có câu hỏi xin liên lạc Marybeth Harasz, Interim Deputy Director, at (408) 793-5514.
Nhận xét của Giao Chỉ sau khi đọc qua các tài liệu này.
1) Về cá nhân bác sĩ Nguyễn Xuân Ngãi. Bác sĩ Ngãi là một nhân vật rất đặc biệt của cộng đồng Việt Nam tại San Jose. Ngày 30 tháng 4-75 ông là y sĩ trung úy nội trú tại bệnh viện Nguyễn Văn Học bên Gia Định. Gần như là y sĩ duy nhất còn ở lại với bệnh nhân. Các bác sĩ khác và ngay cả y tá cũng chạy hết. Sau này qua Mỹ, ông là chủ tịch hội y sĩ VN của Bắc California. Là một bác sĩ nổi tiếng về tim mạch đồng thời cũng lại là một nhà kinh doanh rất thành công. Ông cũng lại là phó chủ tịch của đoàn thể cách mạng, không ngần ngại khi về nước trực diện với cộng sản. Ông bị bắt giam vì tội âm mưu lật đổ chế độ rồi bị cộng sản trục xuất khẩn cấp. Khi tình nguyện hy sinh gánh vác trách nhiệm xây dựng vườn Văn Hoá Việt là một thái đó dấn thân can đảm. Đám hy sinh bỏ tiền cá nhân đóng góp hàng triệu mỹ kim là việc rất đáng ca ngợi. Tiếc thay ông không có kinh nghiệm trong việc điều hành cơ quan bất vụ lợi làm việc với thành phố. Tôi khâm phục sự hy sinh và thông cảm với hoàn cảnh của bác sĩ Ngãi. .
2) Thất bại của dự án công viên Văn hóa là thất bại của cả hội VHS và của thành phố suốt thời gian hợp tác trong gần 20 năm qua. Phía VHS chỉ có một mình bác sĩ Ngãi gánh chịu. Các thành viên khác của VHS gần như không có ai.
Phía thành phố là trách nhiệm của sở công viên và các nghị viên. Đặc biệt là trách nhiệm của nghị viên khu 7 và thị trưởng trong 10 năm qua. Quý vị không theo dõi và không kiểm soát công việc hàng tháng và hàng năm trong suốt thời gian giao tiền cho hội VHS. Trách nhiệm bao gồm cả cơ quan cấp hơn một triệu mỹ kim từ tiểu bang CA.
Nếu tôi có thẩm quyền sẽ truy tố tất cả các quý vị liên hệ. Tổng số tiền gần 4 triệu Mỹ kim dù của tiểu bang, của County, của City hay của cá nhân đóng góp cũng đều trở thành tiền công quỹ.
3) Rõ ràng trách nhiệm sau cùng đổ cho riêng bác sĩ Nguyễn Xuân Ngãi, tuy nhiên với những lời lẽ nặng nề không cần thiết, sau này không còn ai có can đảm cộng tác với chính quyền. Các giơ chức liên quan nên lưu ý. 4) Cần triệu tập và thành lập một ủy ban cố vấn có thẩm quyền và có khả năng trong cộng đồng Việt Nam để hoàn tất hợp lý dự án công viên văn hóa và trung tâm cộng đồng. Vũ Văn Lộc, giám đốc IRCC, Sáng lập viên hoàn tất Việt Museum trong History San Jose. Chủ tịch sáng lập dự án công viên văn hoá nhiệm kỳ đầu tiên 1991-1995.
--
Ý kiến bạn đọcVui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.
|
|