Oct 31, 2024

Truyện ngắn

Nửa Chừng Xuân
Thủy Điền * đăng lúc 03:04:52 AM, Mar 06, 2016 * Số lần xem: 1075
Hình ảnh
#1

        Từ đầu làng, đến cuối xóm. Ai ai cũng trách phiền con Bé năm sau mà tệ thật. Chồng thì chết, con ba bốn đứa nheo nhóc, nhà thì nghèo không chịu lo. Cứ tối ngày lên Chùa làm công quả. Biết rằng làm điều ấy là tốt, nhưng phải lo cái bụng, cái nhà mình trước đã. Còn đàng nầy…. ….thật không sao hiểu nổi.

   Năm mười tám tuổi nó thi đậu Tú tài, rồi định thi Đại học. Nhưng nó nghe lời thằng bồ nó cũng vừa đậu Tú tài, thôi em đừng đi học nữa, ở nhà chờ anh đi lính, học khoá Sĩ quan Thủ Đức chín tháng xong, ra trường anh về cưới em, rồi hai đứa mình đi nơi khác mà sinh sống.

   Đúng như lời hứa, sau khi học xong Thủ Đức chín tháng, Thanh được đưa về Tiểu đoàn Địa phương quân, đóng quân tại quận Bến Tranh tỉnh Định Tường. Được nghỉ phép một tuần trước khi ra đơn vị, Thanh về gia đình bảo cha mẹ chuẩn bị cưới Bé năm và sau đó đưa Bé năm về Mỹ tho ở cho gần đơn vị.

   Sau khi cưới nhau, hai người đã sinh được 4 đứa con ba trai, một gái. Mỗi đứa cách nhau chỉ một tuổi, ngoài việc chăm sóc các con, Bé năm chỉ ở nhà và sống vào đồng lương vợ lính cộng tiền trợ cấp trẻ con hàng tháng. Riêng Thanh cũng đi đi, về về vì căn cứ Tiểu đoàn đóng cạnh Mỹ tho cách chừng mười hai cây số. Chỉ khi nào lâu về là vì bận hành quân xa mà thôi. Một năm sau khi ra trường, Thanh mang lon Thiếu úy và giữ chức vụ Đại đội trưởng, Thời gian nầy Thanh hay ít về nhà, vì bận rất nhiều công việc hơn khi còn ở Hậu cứ. Thời gian, rồi thời gian. Bỗng mấy chốc những đứa con càng ngày càng lớn, mới hôm nào nay đã lên bốn, lên năm và cấp bậc của Thanh cũng tăng dần theo từ đó. Bây giờ Thanh đã trở thành một Đại úy Tiểu đoàn phó và được thuyên chuyển về Tiểu đoàn Địa phương quân khác, đóng tại quận Cái bè.

   Một ngày mùa hè 1974 trong lúc tình hình chiến sự cả nước rất căng thẳng. Vùng bốn, quân khu bốn nói chung và Khu chiến thuật Tiền giang nói riêng cũng lâm vào hoàn cảnh nầy. Đơn vị Thanh cũng như những đơn vị bạn phải hành quân liên tục, có lúc phải hành quân tăng cường cho các quận khác. Một ngày tháng năm đơn vị Thanh đụng nặng tại xã Tân Hội Đông thuộc quận Bến Tranh. Thanh và một số Hạ sĩ quan và Binh sĩ bị tử thương.

   Bé năm và bốn con thơ quì trước chiếc Quan tài được phủ lá cờ vàng ba sọc đỏ trông rất là xót thương và thê thảm.

   Khi Thanh mất, Bé năm cũng lãnh được một số tiền tử sĩ. Nàng luôn buồn rầu và nghĩ tìm cách gì để nuôi bốn đứa con thơ. Cuối cùng sự suy nghĩ cũng chẳng vào đâu và số tiền ấy càng ngày cũng dần dần cạn mất.

   Năm 1975 khi đất nước hoàn toàn giải phóng, Bé năm và bốn đứa con trở về quê nhà, sống gần bên cạnh ông bà Nội. Ông bà Nội thương tình cho Bé năm một công ruộng để làm nuôi các cháu. Cha mẹ cho thì lấy, nhưng Bé năm không thể nào làm được, vì bao năm trời sống ở Mỹ tho nàng chưa hề đụng đến móng tay, riêng các cháu thì còn nhỏ dại quá.

   Trong những lúc nửa buồn cho số phận, nửa thương chồng. Thỉnh thoảng nàng hay ghé qua ngôi Chùa để thắp những nén hương cho linh hồn chồng mình mau siêu thoát và giải bớt nỗi sầu. các nhà Sư thấy nàng hay lui tới làm công quả và cúng vái, nên thường hay hỏi han và tâm sự. Các nhà Sư thấy hoàn cảnh Bé năm rất đáng thương hại, nên nhã ý giúp đỡ đôi phần.

   Thế là, kể từ đó ngày nào Bé năm cũng đến làm công quả như: Quét dọn Bàn thờ Phật, Chánh điện và xung quanh ngôi chùa, rồi nấu cơm cho các Sư ăn. Khi các Sư ăn xong, Bé năm cũng có phần ăn riêng của mình và đặc biệt khẩu phần thức ăn hàng ngày các Sư đi bát mang về hay Phật tử đến Chùa cúng các Sư cũng tách phần riêng cho các cháu. Ngoài ra mỗi khi Chùa bán được những trái cây như: Dừa, Chuối, Cam , Quýt các nhà Sư cũng đều chia chát cho Bé năm một ít để mang về nhà. Bởi thế, kể từ ngày Bé năm phụ giúp Chùa, các con của Bé năm được mẹ nấu cho toàn những món cơm chay. Hồi đầu chúng ăn, chúng thấy lạ và ngon, nhưng dần dần chúng bảo mẹ nấu món khác, cứ ăn chay mãi ngán quá, các con ăn không nổi. Mỗi khi nhìn thấy các con đang ăn nghẹn tới, nghẹn lui Bé năm cũng đau xót vô cùng. Nhưng nghĩ lại xung quanh mình nhiều người còn khốn khổ hơn, lắm lúc phải chạy gạo từng lon, rau luộc chấm nước tương cũng không có, mà mình hiện tại có đầy đủ gạo ăn, chỉ tội không có thịt cá mà thôi. Rồi mỗi ngày nhìn thấy các Sư đều ăn như thế và chính mình cũng thế. Các Sư vẫn mạnh khỏe và mình cũng chẳng bệnh hoạn gì cả, nên mỗi bữa cơm nào cũng cố gắng động viên các con ráng ăn, dần dà thì cũng sẽ quen. Thật, cái gì cũng vậy phải kiên nhẫn, tập luyện, chịu đựng  thì mới thành công. Cứ thế và cứ thế, thời gian trôi qua- trôi qua Bé năm không còn nghe những tiếng „ Mẹ ơi ngán quá „ nữa. Và từ đó vào những bữa cơm là chúng ăn sành sạch, ngon miệng như đang ăn thịt cá hàng ngày. Thấy các con khỏe mạnh, da thịt hồng hào, chăm lo học tập, hiền hậu, ngoan ngoản. Bé năm mừng thầm trong dạ và ngày ngày vẫn tiếp tục công việc phụ giúp các Sư.

   Thời gian đi đi, lại lại làm công quả cho Chùa, nàng phải nhận lãnh biết bao tiếng dèm pha của người đời, cũng như hờn trách của gia đình và làng xóm. Nhưng nàng cứ thản nhiên, phế mặc và âm thầm làm theo ý mình. Nàng biết, nếu nàng không làm thế, nàng không cách nào nuôi nổi bốn đứa con thân yêu của mình. Trong khi ông bà hai bên thì già yếu, hơn nữa nàng là một Tiểu thơ, vợ Sĩ quan chưa bao giờ biết làm một công việc nặng nhọc. Tiếng dèm pha rồi đến lúc cũng mỏi miệng, chuyện ai nấy làm, cơm ai nấy ăn hơi đâu mà lăm le chuyện người khác.

   Trong cái rủi, cũng có cái may mắn. Tuy, mất chồng là niềm đau khổ nhất cuộc đời, nhưng nàng cũng còn được sự an ủi từ những đứa con ngoan hiền, chăm lo học tập và hằng ngày cạnh bên Bàn thờ Phật, Bàn thờ Chồng, thắp lên những nén hương cho người quá cố được ấm lòng nơi chín suối là nàng cũng thấy thanh thản và toại nguyện lắm rồi. Còn hơn khi nhìn cảnh nhà bần bạc và những đứa con lêu lỏng nơi đầu đường xóa chợ.

 

 

 

 

“Biết Phật thì Phật biết ta

 

 

Ngồi yên một chỗ không ra chốn ngoài

 

 

Phật đâu có biết rằng ai

 

 

Ngoài đời đang khổ, ra tay cứu cùng”

 

 

 

 

 

THỦY ĐIỀN

 

 

Ngày 03, tháng 09, năm 2015

Có đăng trong Newvietart (Pháp)một lần

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.