Oct 31, 2024

Truyện ngắn

Thôn Ma / Những Cái Nghề Không Thể Tưởng…. ! / Nỗi Ám Ảnh
Thủy Điền * đăng lúc 06:37:07 PM, Feb 17, 2016 * Số lần xem: 1135
Hình ảnh
#1

      


Thôn Ma

 
S
áng sớm, đúng 5 giờ 30. Một quả pháo từ xa bay đến, nổ cái « Ầm «  Giữa nóc căn nhà ba gian của ông Sáu Nguyệt, rung rinh trời đất, vang dậy cả thôn. Sau tiếng nổ ấy, căn nhà chỉ còn lại vài cây cột cháy và cái nền gạch tàu màu đỏ nhiều lỗ thủng. May mà gia đình ông Sáu đã tản cư sang làng khác cách mấy hôm.   

Tình hình giữa năm 1974 kéo dài đến tháng tư, năm 1975 nói chung cả nước thật bất ổn, riêng các xã, quận hẻo lánh cũng chẳng thua gì. Mọi sự đi lại dường như thưa dần trước những sự việc có thể xảy ra bất ngờ từng giờ, từng phút.      

Nhà ông Sáu nằm cạnh Trung tâm huấn luyện Điạ phương quân và Nghĩa quân chừng ba trăm mét. Kể từ đầu tháng giêng năm 1975 là nơi hứng chịu nhiều quả pháo nhất trong quận. Đủ các thứ như Cối 60, 61, 82 và 122 li. Những quả pháo nầy mục đích theo hướng vào Trung tâm huấn luyện, Đại đội Pháo binh, và Dinh Quận trưởng, nhưng không biết gì lý do gì cứ rớt loanh quanh trước Trung tâm khoảng vài ba trăm mét. Bởi thế các hộ dân lân cận hoàn toàn lãnh đủ.
    

Một hôm trời yên, đất lặng, trong thôn chỉ còn vài ba căn nhà bám trụ, trong lúc mọi người có kẻ thức, có người đang say ngủ, còn bao nhiêu thì đùm túm tản cư đi nơi xứ khác lâu rồi. Thường thì những trận pháo hay bắt đầu vào bảy tám giờ chiều. Vì thói quen mọi người cứ nghĩ năm, sáu giờ sáng trời bình minh bắt đầu lố dạng, không khí bình yên được trả lại. Nên kẻ xách giỏ đi mua, người mang hàng ra chợ bán, cảnh sinh hoạt nhộn nhịp bình thường. Nhưng không ngờ ! Quả pháo hôm nay không xuất phát vào bảy giờ chiều để mọi người tránh né, mà nó lại đến một cách bất chợt, bỗng dưng. Không thể trở bàn tay. Một quả pháo vô tình từ xa, vỡ tan giấc ngủ và làm đảo lộn cả một Thị trấn đang tưng bừng náo nhiệt. Quả pháo 122 li do Liên xô chế tạo đã phá banh ngôi nhà ông Sáu, trong phút chốc chỉ còn lại đống tro tàn mà ông Sáu không hề hay biết.
Các nhà lân cận cũng thế, tuy không tan nát, nhưng cũng chịu ảnh hưởng hư hại rất lớn. Những cửa sổ lá sách đong đưa, nằm nghiêng ngữa, bật bản lề rơi tung xuống đất. Những cái Lu, cái Hủ, cái Nồi, cái Ơ nứt vỡ ra từng mảnh nhỏ. Và, tệ hại hơn những đứa trẻ, mẹ còn đang mua bán ngoài chợ, ở nhà một mình, chẳng biết gì, cứ chạy tung ra ngõ tìm mẹ, hoảng hốt, khóc mếu máo « Mẹ ơi, mẹ ơi «  Trong thật thê thảm.
    

Tuy, không có điện thoại, dây thép, Di động tân tiến như ngày nay, nhưng miệng chuyền miệng, ông Sáu đã hay tin ngay sau vài tiếng đồng hồ và trở về căn nhà mà mình đã cách xa nó gần hai tuần nay đi lánh nạn. Đứng trước ngôi nhà, ông chỉ biết ôm đầu khóc ngất. Khóc cho số phận quê hương, khóc thương một đời công cốc. Bao nhiêu của cải, vật chất ông bà đã gầy dựng hơn bốn chục năm qua đã giây phút tan tành theo mây khói.
   

Cũng may là sáng hôm ấy chỉ duy nhất có một quả mà thôi, chỉ hư hại căn nhà ông Sáu và mấy nhà lân cận. Riêng ông Sáu cùng gia đình được thoát nạn, thật quả là phước đức. Nếu sáng hôm ấy cứ tới tấp hết quả nầy đến quả khác. Có lẽ đàn trẻ nhỏ chạy tung tìm mẹ tan xác hết rồi và cả thôn đã biến thành một bình địa và một đám tang tập thể không hơn, không kém.
    Trong tiếng khóc nứt nở, ông Sáu cố gượng người, hai tay xoa xoa, miệng lăm băm « Cám ơn Trời, Phật, cảm ơn những vị Thần linh » Đã cứu sống gia đình chúng con và cả một thôn nghèo. « Cảm ơn Trời, Phật. »

     Sau cơn đau, mất mác ấy. Cả thôn lần lượt từ già đến trẻ, thậm chí cả những con vật không còn ai bám trụ nữa. Bởi, một cảnh tượng hãi hùng còn đó, một nỗi ám ảnh bi thương của quả pháo 122 li giáng xuống căn nhà ông Sáu vào một buổi sáng sớm đầu năm.

     Ngoài đường cảnh người qua lại vắng vẻ, những ngôi nhà vắng chủ. Tất cả hiện lên như một thôn ma u ám, lạnh lùng.

Thủy Điền
 Tháng 10, năm 2015.

                                    


Những Cái Nghề Không Thể Tưởng…. !


       Ở
xã hội nào cũng thế, có rất nhiều ngành nghề, tất cả đều phát sinh từ cuộc sống, thành hình và tồn tại đến ngày nay. Nhưng trong mỗi nghề, có nghề nặng nhọc, có nghề nhẹ nhàng. Nói chung nghề nào cũng cao quý và cũng có mức độ nguy hiểm khác nhau. Đặc biệt sau ngày hòa bình được lập lại, người ta còn phát hiện thêm ra một vài nghề khác mà từ xưa đến nay ít ai nhìn thấy và công nhận như nghề tháo Mìn, Bơm để bán sắt vụn ở Miền trung và nghề quật Mồ ở Miền nam trong thật hãi hùng.

       Tháng tư năm 2002, trong một chuyến về thăm quê. Tôi gặp lại một người bạn thuở thời. Anh ta lớn hơn tôi một tuổi, người có vẻ già dặn hơn tôi nhiều lắm, đã làm sui gia hai lần rồi và cũng lên chức ông ngoại, ông nội đầy đủ. Anh mời tôi vào nhà uống trà, tâm sự. Anh hỏi tôi rất nhiều về gia cảnh và đời sống xứ Âu châu? Tôi cũng lịch sự lời qua, tiếng lại cho vui. Khoảng lâu tôi hỏi tiếp ?

    -          Thời gian tôi đi ngoại quốc, anh ở quê nhà làm nghề gì? Mà sao thấy khấm khá hơn thiên hạ xung quanh, anh có thể kể cho tôi nghe được không. Anh ta vui vẻ trả lời.

    *    Bạn mầy không hỏi, tớ cũng sẽ khai, có gì đâu mà giấu giếm.

    -          Vậy anh kể cho tôi nghe đi, chứ trước mắt là tôi phục anh rồi đó, cả thôn mấy trăm nóc gia, chỉ có một mình anh cất được nhà lầu ba tầng, còn bao nhiêu là nhà lá rách nát.

    *    May thôi bạn ơi.

    -          Anh trúng số độc đắc à ?

    *    Đâu có, phải tôi mà trúng số thì tôi đâu có già khú như thế nầy.

    -          Nếu trúng số, Anh sửa sắc đẹp sao ?

    *    Không ! Tớ sẽ ăn ngon, ngủ ngon, không bị ám ảnh.

    -          Anh nói cái gì ám ảnh. Tôi chả hiểu anh nói gì.

    *    Từ từ uống trà đi. Tớ sẻ kể cho bạn mình nghe.

    -          Kể đi, lòng vòng quá.

        Tháng năm, năm 1999 nhà nước ra thông báo, là sẽ sang bằng cái Nghĩa địa lớn ở thôn mình. Mục đích sẽ xây dựng Khu Văn hóa của Huyện. Thông báo nầy có hiệu lực trong vòng một năm. Nghĩa là tháng năm, năm 2000 tất cả thân nhân những ngôi Mộ nầy phải lấy cốt di chuyển đi nơi khác. Sau thời gian đó nhà nước sẽ sang bằng và không ai được quyền khiếu nại. Bạn biết, thời điểm ấy thật là nóng bổng, có người tự quật Mồ lấy, có người chạy đi mướn. Trong mười người, hết chín người chạy đi mướn. Tớ thì ở gần Nghĩa địa, nên họ đến nhờ tớ trước. Hồi đầu tớ sợ, tớ từ chối, nhưng họ cứ năn nỉ và đòi trả một số tiền khá lớn.

    -          Bao nhiêu tiền quật một cái Mồ ?

    *    Hai triệu rưởi.

    -          Một ngày anh quật được mấy cái ?

    *    Một hoặc hai là hết ga.

             Bạn để tớ kể tiếp, Suy nghĩ thấy số tiền quá lớn, so với công lao động hàng ngày chỉ năm chục ngàn đồng, nên tớ nhận làm. Ngày đầu quật xong cái Mộ, về tớ ăn không được, ngủ cũng chẳng yên, nằm chiêm bao thấy toàn Ma, Quỷ. Vợ tớ bảo, thôi đừng làm nữa, tớ ừ. Vừa định thôi là có người khác đến nhờ, năn nỉ. Tớ đi quật tiếp. Cứ thế và cứ thế, tớ quật trong năm đó hơn năm chục cái Mộ và kiếm khá nhiều tiền, nên mới có tiền cất ngôi nhà nầy đây, nếu không làm cái nghề quật Mồ thì đến hôm nay tớ cũng vẫn ở cái nhà lá rách nát như bao nhiều khác.

    -Trong thôn mình chỉ có một mình anh làm nghề nầy sao ?

    -Đúng, chỉ có mình tớ, còn bao nhiêu họ không dám và can đảm để làm cái nghề nầy.

    -Vậy một Nghĩa địa to lớn như thế nầy, ai làm nghề như anh ?

    -Họ hoàn toàn là những người xa lạ, từ nơi khác đến, tớ cũng không tiện hỏi. Bạn biết, họ đến rất đông, làm việc với tính cách Công ty.

    -Chuyên nghiệp vậy sao ?

    -Thật đấy.

    -Việc quật Mộ có khó khăn không ?

    -Khó thì không khó, nhưng khi thâu xác là một vấn đề lớn, có cái còn nguyên vẹn bộ xương, có cái còn phân nửa, có cái bị phân hóa, phải lụm từng đốt xương nhỏ, lớn bỏ vào thau nước rửa sạch rồi gói lại từng phần.

    -   Không sát trùng gì hết ?

    *  Có người mua Rượu, Alkohl, Nước tẩy. Có người không mua.

    -   Khi làm xong về có sợ không ?

    *  Như tớ vừa nói với bạn lúc đầu, rằng sợ lắm chứ, sao mà không sợ được, ngày đầu tớ bỏ cơm, bỏ ngủ, đêm nằm toàn thao thức. Ngày thứ hai đói quá, ăn đại vào bụng, cứ trợn trợn muốn cho ra. Ngày thứ ba, thứ tư và những ngày tiếp theo, tớ bớt sợ dần và ăn uống tốt hơn. Thú thật với bạn, mọi chuyện tuy đã qua và trở lại bình thường, nhưng đến giờ nầy tớ vẫn còn bị ám ảnh bởi những bộ xương còn nguyên vẹn. Tớ luôn tưởng tượng những bộ xương nầy lúc nào cũng đứng gần bên cạnh tớ, trách móc, hờn dỗi, than giản một cái gì. Ngày nào khi đêm về, tớ thường hay khấn nguyện, đốt gần một bó nhang xin lỗi họ. Vì nghĩ mình đã vô tình phá tan căn nhà của họ đang ở bấy lâu nay, họ đang lạnh, vất vơ, vất vưởng, không nơi nương tựa.
 
       Nghe ông bạn kể lúc đầu về câu chuyện làm nghề quật Mộ là cũng đủ lạnh da người. Giờ, lại nghe thêm người về báo mộng, tôi càng lạnh thêm và thương hại anh ta rất nhiều. Tất cả cũng gì hoàn cảnh mà nên, chớ thật tình cũng chẳng ai muốn làm những điều quái vị nầy. Mặc dù, khi làm xong có một khối tiền, nhưng nỗi ám ảnh cứ đeo đuỗi suốt cả một đời dai dẳng.

    Thủy Điền
    Tháng 11, năm 2015






Nỗi Ám Ảnh

 

         Thường ngày theo thói quen, tôi thường hay dậy sớm vào lúc 6giờ hoặc trễ nhất là 6giờ30 sáng, theo tiếng chuông đồng hồ báo thức. Rồi ngồi uống ly Cà-phê, hút vài điếu thuốc trước khi đến Công sở làm việc. Trong lúc nhả khói, đầu hay suy nghĩ vu vơ câu chuyện nầy, câu chuyện nọ để khi chiều về viết lại thành bài văn, bài thơ cho vui. Có ngày viết xong một đoạn, đọc thấy không hây, rồi xé, bỏ cuộc. Có ngày hứng chí viết tràng giang đại hải. Nói chung thì tôi hay ít bỏ cuộc, một khi nhất định viết câu chuyện, là tôi cố viết đến cùng, khi nào xong thì thôi.
 

       Nhưng hôm nay lại khác, ngày Chúa nhật, dậy trễ một tiếng. Ngồi vừa hít hơi thuốc, vừa uống ngụm Cà-phê, tôi nhìn thấy vợ mình hôm nay lại khác thường. Cô ta nhìn tôi chầm chập như có vẻ giận hờn điều gì mà không tiện nói ra, nên tôi đoán, cô ta chờ tôi uống hết ly Cà-phê, rồi hãy nói sau. Thật đúng như suy nghĩ, vừa uống xong, Cô ta hỏi tôi ngay ?

    -          Đêm qua anh làm gì mà lăn lộn, miệng la ó như đang chóng cự với một ai trong rất hãi hùng, dữ tợn. Có phải không ?

    -          Nếu em nghe hết chuyện thì còn gì phải hỏi lại.

    -          Miệng anh nói toàn là Ma. Đúng không ?

    -          Ừ, đêm qua anh nằm mộng thấy Ma.

    -          Tại sao ?

    -          Vì cách mấy ngày, anh có viết hai bài truyện ngắn : Thôn Ma và Quật Mồ.

    -          Em đã nói với anh nhiều lần, viết chuyện gì thì viết, đừng bao giờ viết ba cái chuyện vớ vẩn, vô hình ấy. Anh ừ ừ, rồi cũng viết, kết quả phiền toái cả mình và những người xung quanh.

    -          Ừ, đã nói là không viết nữa, nói hoài.

    

        Thật tình thì nhà Văn, nhà Thơ, Ca sỹ, Nhạc sỹ nào cũng thế. Việc làm của họ như là món ăn hàng ngày, lâu lâu họ muốn làm cái gì khác một chút như thay đổi không khí. Sáng tác, ca một thứ như Tình yêu, Xã hội hoài cũng chán. Người ta cũng vậy, chẳng lẽ ngày nào cũng cơm canh chua, cá kho. Thỉnh thoảng thay đổi Mấm kho, thịt Bò xào hoặc lẩu Lương đương nhiên sẽ thấy khoái khẩu hơn. Cá nhân tôi cũng thế, bấy lâu nay thường hay viết văn, làm thơ, tôi thường viết về chuyện Xã hội, tình cảm, thiên nhiên. Nhưng nhận thấy mình cần phải làm cái gì cho mới, lạ hơn để cuộc chơi càng ngày càng mới mẻ và sinh động. Bởi thế tôi mới mang hai câu chuyện ở quê tôi ra làm ví dụ.

    -          Câu chuyện thứ nhất là « Thôn Ma « Câu chuyện rất đơn giản, tôi kể về thôn tôi trước ngày giải phóng, giặc giã kéo về, cả thôn phải đi tản cư nơi khác, bỏ lại một thôn vắng lạnh, buồn bã, không người và tôi đặt cho bài văn cái tên là Thôn Ma vậy thôi, ngoài ra thôn tôi chẳng có con Ma nào và cả bài văn cũng chẳng đá động gì đến Ma, Quỷ cả.

    -          Câu chuyện thứ hai là « Những cái nghề không tưởng… ! « Câu chuyện mà tình cờ được người bạn kể lại, nghe thấy lạ lạ nên viết lại thành văn. Nói chung tôi đâu có trực tiếp hay gián tiếp tham gia vào vụ việc như ông bạn tôi đã từng quật hơn một trăm cái mộ trong vòng một năm.

         Qua hai câu chuyện trên về mặt cá nhân tôi thì chẳng có gì, chỉ có tội là suy nghĩ và viết lại mà còn bị ám ảnh đến như thế, huống hồ những người trực tiếp, có lẽ trong giấc ngủ họ khổ hơn tôi gấp trăm, ngàn lần. Và, điều tội nghiệp nhất cho ông bạn tôi, sau cơn ấy, đến giờ ông ta vẫn chưa nguôi.
    

       Cách đây khoảng chục năm, tôi có đọc quyển truyện của một nhà văn bên Mỹ, ông ta viết về những câu chuyện Ma. Những câu chuyện nầy đọc nghe cũng đả tai lắm và ông ta còn nhấn thêm một câu "Đây là câu chuyện Ma có thật" Đọc xong, tuy thích, nhưng tôi phê bình ngay "Ông nhà Văn nầy nói thế nào, làm gì có chuyện Ma thật" Sỡ dĩ tôi bất bình với ông ta là gì từ nhỏ đến giờ, tôi chưa bao giờ tin có con Ma nào thật. Tất cả là sự tưởng tượng quá trớn mà thôi.

             Quây lại giấc mộng đêm hôm qua, tôi không biết phải rút lại lời phê bình cách đây mười năm hay vẫn để yên như vậy. Vì đêm chiêm bao hôm qua tôi thấy rõ ràng trên đường về nhà, có ba bốn người đào, nghiên cứu Khảo cổ trước sân nhà tôi, khi đào xong, dọn dẹp sạch sẽ lòi lên những xác chết còn nguyên hình dạng, mặc đồ bỏ áo vào quần chỉnh tề, sình thối, nằm co ro bất động. Nhiều và nhiều xác người như vậy. Vừa nhìn thấy, tôi chạy một mạch vào nhà, mẹ tôi bảo ăn cơm, ăn cơm xong, tôi ói đến tận mật xanh. Tôi hoãng lên, la ó thật to và cũng là lúc vợ tôi đánh thức tôi dậy. Ngồi dậy, tay xoa xoa vầng trán, mồ hôi tuôn chảy, mệt ngất cả người, mặt mày bơ phờ và phải đành thức trọn cả đêm……. !
    
    Thủy Điền
    Tháng 12, năm 2015

 

 

 

 

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.