Dạo một vòng thành phố Đà Lạt, chắc chắn bạn không thể tìm ra bất kỳ một cột đèn xanh đèn đỏ nào. Điều tưởng như hiển nhiên với người dân Đà Lạt nhưng lại không nhiều khách du lịch biết.
Cho đến giờ tôi vẫn không rõ mình đã yêu Đà Lạt từ lúc nào, chỉ biết rằng nếu bất giác mỏi mệt với những thứ xoay vòng ở cuộc sống thành thị ồn ào vồn vã, tôi lại vác ba lô lên Đà Lạt.
Đến thăm Đà Lạt nhiều lần, nhưng tôi lại chẳng để ý một đặc điểm kỳ lạ ở thành phố này, đó là không có bất kỳ một cột đèn xanh đèn đỏ nào ở các giao lộ, nơi từng dòng xe vẫn tấp nập chạy lướt qua nhau một cách nhịp nhàng đến thú vị.
Thành phố không có đèn xanh đèn đỏ
Ở Đà Lạt thích nhất là được chạy xe máy vi vu khắp phố, khám phá đủ mọi cung đường dốc lên, dốc xuống. Nhưng không giống với bất kỳ thành phố nào ở Việt Nam, tìm mỏi mắt cả thành phố Đà Lạt cũng không thể thấy nổi một cột đèn xanh đèn đỏ để điều tiết giao thông. Lí do thì như người dân ở đây lí giải: "Đà Lạt không có đèn xanh đèn đỏ vì đa phần mọi con đường đều dốc, nếu dừng lại chờ đèn đỏ ở lưng chừng dốc sẽ gây khó khăn và nguy hiểm cho các phương tiện tham gia giao thông"
Vậy mà vào những chiều tan tầm, vòng xoay ấy vẫn nhịp nhàng đón từng dòng xe từ mọi ngã đường đổ về, dù là ngã năm, thậm chí ngã sáu, tình trạng ùn tắc vẫn không hề xảy ra mặc cho chẳng có một ngã nào phải dừng lại chờ đèn đỏ.
Có những ngã năm, ngã sáu ở thành phố Đà Lạt vẫn không có đèn giao thông. Thay vào đó là những vòng xoay lớn.
Có người nghe được chuyện thành phố không đèn đỏ thì thắc mắc mãi, rồi phỏng đoán phải chăng ở Đà Lạt thưa dân, ít xe, nên không cần đèn giao thông vẫn có thể chạy an toàn chỉ cần chịu khó dòm trước ngó sau? Cũng chưa hẳn là đúng, giả như một ngã ba có đèn xanh đèn đỏ, có hai người lưu thông từ hai hướng, nhưng nếu không nhường nhịn, không ý thức thì vẫn dễ có tai nạn như thường.
Tôi nói về ý thức là bởi, có một buổi trưa vắng khi dạo phố đến vòng xoay Trần Hưng Đạo trước Dinh 2, tôi đã thấy một anh chàng chạy xe từ đường Trần Hưng Đạo về phía vòng xoay khi chỉ có 1,2 xe khác đang lưu thông, anh chàng vẫn ôm hết một vòng xoay để quay về đường Hồ Tùng Mậu nằm ngay bên cạnh, vị trí mà anh chỉ cần rẽ trái là tới, nhưng không, anh vẫn chậm rãi đi hết một vòng lớn, mặc cho chẳng có CSGT hay đèn giao thông đổi màu.
Những biển báo nơi giao nhau chạy theo vòng xuyến thay thế cho tất cả cột đèn giao thông ở Đà Lạt.
Khách du lịch có lẽ thấy khó hiểu, nhưng người dân Đà Lạt cho rằng đó là điều hết sức bình thường, họ lưu thông chậm rãi theo vòng xoay dù lớn dù nhỏ, hướng nào nhiều xe thì toàn bộ phương tiện đang lưu thông các hướng còn lại tự giác đi chậm, thậm chí dừng lại vài ba giây, rồi lại tiếp tục lăn bánh. Từng vòng xoay cứ thế nhịp nhàng trên phố, tạo nên một đặc trưng hiếm có của thành phố yên bình này.
Dù vòng xoay lớn nhỏ thế nào, người Đà Lạt vẫn đi hết một vòng để sang đường khác mà không băng ngang vô cớ.
"Tiết trời Đà Lạt dịu mát, nên bớt được những cái đầu... nóng"
Không đèn xanh, đèn đỏ từ lâu đã trở thành nét đẹp văn hóa giao thông ở thành phố này. Người dân Đà Lạt có ý thức tham gia giao thông, mà ý thức này như một bản năng tự có, bắt nguồn từ lòng tự trọng và nhường nhịn lẫn nhau.
Anh Tuấn - một tài xế taxi khi chở tôi tham quan thành phố Đà Lạt, đã tự hào nói rằng người dân nơi đây vốn không cần một cột đèn nào để điều tiết giao thông, vì họ đã có phản xạ khi lưu thông vào các vòng xuyến đông đúc xe cộ.
"Việc không có đèn xanh đèn đỏ chả ảnh hưởng gì đến ai. Chỉ cần quan sát một tí là chạy "ngon" như thường, mà nếu có lỡ va chạm thì người này cười huề với người kia một cái là xong, ở đây ai cũng... hiền, một phần vì họ không phải chịu cái ngột ngạt khói bụi như ở những thành phố đông đúc, phần vì tiết trời lúc nào cũng dịu mát, nên bớt được những cái đầu... nóng, vậy là ai lưu thông cũng nhường nhịn nhau được thôi", anh Tuấn cười, giải thích.
"Nếu có lỡ va chạm thì người này cười huề với người kia một cái là xong, ở đây ai cũng... hiền", Anh Tuấn nói.
Ngã ba trước Nhà thờ Con Gà.
Người Đà Lạt sợ nhất là những mùa lễ hội, khi khách du lịch từ đâu ùn ùn kéo về, vì chưa quen văn hóa giao thông nơi đây nên họ cứ thế chạy toán loạn, làm người dân cũng... hốt hoảng theo. Chính vì thế mà lực lượng CSGT ở Đà Lạt ra quân nhiều nhất vào những ngày lễ, Tết hoặc những mùa hoa nở để hướng dẫn lưu thông cho khách du lịch.
Hai chiếc xe máy chạy chậm rãi lên dốc chờ dòng xe đang lưu thông ở vòng xoay với bớt để tăng ga.
Khách du lịch sang đường vào bất cứ lúc nào nhưng cũng phải luôn ngó trước sau.
Một anh bạn kỹ sư người Đà Lạt của tôi đã nói rằng, khi nào Đà Lạt chưa lắp đèn giao thông, nghĩa là mọi thứ vẫn còn kiểm soát được, chỉ sợ một ngày nào đó khi mật độ dân cư đông đúc, khách du lịch tràn về bất cứ thời điểm nào trong năm, để rồi những cột đèn giao thông bất đắc dĩ phải mọc lên để điều tiết các hướng, thì lúc đó Đà Lạt đã không còn yên bình rồi.
Nơi đây còn được gòi là thành phố có giao thông hiền hòa nhất cả nước.
Đà Lạt đẹp mà buồn, người Đà Lạt thì lại hiền hòa và rất... vui vẻ, hiếu khách. Mong sao sự bao dung, nhường nhịn của người Đà Lạt vẫn tồn tại mãi theo thời gian, để thành phố này sẽ mang mãi một vẻ đẹp yên bình, tĩnh lặng trong lòng du khách.
Quỳnh Trâm