Oct 31, 2024

Biên khảo

Nguyễn Huy Oánh (1713-1789)
Nhất Uyên Phạm Trọng Chánh * đăng lúc 05:50:29 PM, Mar 24, 2015 * Số lần xem: 2421
Hình ảnh
#1
 Bậc Thầy Thi Ca Thời Lê Trung Hưng

                Nguyễn Tông Khuê, Nguyễn Huy Oánh, Hồ Sĩ Đống được Phạm Đình Hổ nhắc đến trong Vũ Trung Tùy Bút phần Thi Ca, là ba nhà thơ lớn, được người đương thời ca tụng là bậc thầy của thi ca; nhưng ngày nay chúng ta không còn biết đến tác phẩm, vì lịch sử văn học cha ông ta xây dựng hơn ngàn năm bằng chữ Hán. Trong bài viết này tôi xin dịch thơ những tác phẩm danh tiếng củaông, mong được tìm lại một phần nào quá khứ văn học nước ta.

                 Thám Hoa Nguyễn Huy Oánh là một bậc thầy lỗi lạc hàng đầu nước ta, Trường Lưu học hiệuđãđãđào tạo 36 Tiến sĩ, trong đó có những người danh tiếng như Phạm Nguyễn Du, Phạm Quý Thích.. hàng trăm Cử nhân, một kỷ lục chưa từng có trong lịch sử Giáo Dục Việt Nam ngày xưa, vì mỗi ba năm cả nước chỉ lấy đỗ khoảng 10 ông Tiến Sĩ, 30 ông Cử nhân, trên hàng vạn thí sinh.Ông còn  xây dựng một Phúc Giang Thư Viện hàng vạn quyển sách làm nơi cho học trò học tập, thư viện duy nhất Việt Nam được triều đình sắc phong năm 1824, một nhà in Thạc Đình mỗi năm in mộc bản hơn 400 sách, và một tổ chức ruộng Học điền 20 mẫu dành cho nho sinh nghèo.. Ông là cha Nguyễn Huy Tự tác giả truyện Hoa Tiên, ông nội của Nguyễn Huy Hổ tác giả Mai Đình Mộng Ký.  Ông còn để lại một sự nghiệp trước tác đồ sộ. Một bậc thầy vào hàng đầu nước ta, một bậc thầy thi ca được Phạm Đình Hổ nhắc tên,  thế màtác phẩm ông ngày nay chúng ta đã quên lãng.

                Nguyễn Huy Oánh tự Kính Hoa, hiệu Lưu Trai, Thạc Đình, người làng Trường Lưu, xã Lai Thạch, huyện La Sơn (nay là xã Trường Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Làng Trường Lưu có 8 cảnh đẹp được ca tụng trong thi ca:  Quan thị triêu hà(Chợ Quan buổi ráng sớm),Phượng Sơn tịch chiếu (Núi Phượng trong ánh chiều), Liên trì nguyệt sắc (Ao sen dưới trăng),Cổ miếu âm dung (Bóng đa miếu cổ), Thạc tỉnh tuyền hương(Mùi hương giếng Thạc), Nguyễn trang hoa môi (Hoa trang viên họ Nguyễn), Hân tự hiểu chung (Chuông sớm chùa Hân), Nghĩa thương vãn thác (Kho Nghĩa mõ chiều).Ông sinhnăm 1713 trong một gia đình nho học. Viễn tổông là Nguyễn Uyên Hậu, đỗ Ngũ Kinh bác sĩ đời Lê Hồng Đức. Cha là Nguyễn Huy Tựu (1690-1750) làm Tham Chính Thái Nguyên, tước Khiết Nhạ hầu, được phong tặng Công Bộ Thượng thư. Họ Nguyễn Huy là một dòng văn học lớn nước ta kết thông gia với họ Nguyễn Tiên Điền. Con cả Nguyễn Huy Oánh là Nguyễn Huy Tự(1743-1790) tác giả Hoa Tiên là con rễ Thượng thư Nguyễn Khản, anh Nguyễn Du.Kết duyên với trưởng nữ Nguyễn thị Bành, vợ chết năm 31 tuổi ông tục huyền với em gái vợ Nguyễn ThịĐài được 9 trai, 4 gái trong đó có Nguyễn Huy Phó(1765-1838) đậu Giải nguyên và con thứ Nguyễn Huy Hổ (1783-1841) là tác giả Mai Đình Mộng Ký.

Nguyễn Huy Oánh, 20 tuổi đi thi Hương đỗ đầu, được bổ làm Tri phủ Trường Khánh. Năm 1748, Mậu Thìn niên hiệu Cảnh Hưng thứ 9 , ông trúng cách kỳ thi Hội, và vào thi Đình ông đỗĐình nguyên (Thám Hoa), được bổ Hàn Lâm Viện đãi chế. Năm 1749 Kỷ tỵ, ông Tham mưu cho đạo Thanh Hoa. Năm 1750 thăng Đông các  hiệu thư. Năm 1757, ông được cử làm Giám khảo kỳ thi Hội, thăng Đông các đại học sĩ. Năm 1759 ông làm Nhập nội thị giảng kiêm Quốc tử giám tư nghiệp. Năm 1765 ông được cử làm Chánh sứ sang nhà Thanh. Năm 1768, ông được cử làm Tán lý quan vụ dẹp hải tặc ở các đạo Thanh Hoa, Sơn Nam, Hải Dương. Do có quan công, năm 1779ông được thăng Ngự sửđài Đô ngự sử, lại làm tán lý quan vụ dẹp giặc núi ở Tuyên Quang, Hưng Hóa, Thái Nguyên, Cao Bằng. Sau đóông dâng sớ xin về quê dạy học, được phong Công bộ Thượng thư. Ông mất ngày 9 tháng Nam năm Kỷ dậu 1789, thọ 76 tuổi..

                Tác phẩm ông hiện có tại Viện Hán Nôm và Trường Viễn Đông Bác Cổ Paris: Bắc dư tập lãm (A.2009), Hoàng Hoa sứ trình đồ. Sơ học chỉ nam (1.1634). Quốc sử toàn yếu (A.1923). Phụng sứ Yên kinh tổng ca (A.373) Thạc Đình di cảo (A.3133) và một số thơ văn chép rải rác trong các tập thơ khác.

                PHỤNG SỨ YÊN KINH TỔNG CA

Tập thơ sáng tác năm 1766 khi Nguyễn Huy Oánh làm Chánh sứ sang Bắc Kinh, nhà Thanh triều Lê Cảnh Hưng. Gồm 470 câu lục bát chữ Hán.Điều thú vị là lục bát bằng chữ Hán, thể thơ này không cóở Trung Quốc chỉ cóở nước ta vàở Lào. Tôi xin dịch 22 câu đầu ra thơ lục bát, đoạn đường đi từ Thăng Long đến Trấn Nam Quan. Năm thứ 27 niên hiệu vua Lê Hiển Tông(1740-1786) tháng giêng năm Bính Tuất. Ngựa tốt thắng đầy đủ yên cương. Theo đường cái quan sẽđi xa thăm thẳm, ta chuẩn bị xe kiệu. Vó ngựa gõ nhịp điệu hành ca. Buổi sáng sớm vượt sông Hồng, nghỉở thôn Ái Mộ thuộc xã Gia Thị, Gia Lâm. Kẻ bề tôi đi sứ mang nặng ơn vua, luôn luôn ghi nhớ những lời dặn dò nhắn nhủ. Hành trình đã ghi sẳn trong cẩm nang, chỉ việc đi theo.. Tới dinh Thị Cầu, tỉnh Bắc Ninhnghỉ ngơi, sáng sớm đi Thọ Xương nơi có thành Xương Giang, tỉnh Bắc Giang.Đi mấy ngày mới tới Cần Dinh thuộc huyện Bảo Lộc phủ Lạng Giang. Nơi có 8 ngọn núi nhô lên có cầu bắt ngang Hóa Giang đầu sông Thương. Đến Quỷ Môn Quan tức Ải Chi Lăng làm lễ dâng hương. Sứ bộ tạm nghỉở Quang Lang thuộc Lạng Sơn. Hôm sau đi qua hai núi Kháo Mẫu và Kháo Tử (Mẫu Sơn và Tử Sơn) liền nhau, vượt núi đến Đoàn Thành tức thành Tròn Lạng Sơn.. Chờ đợi đến ngày 28 tháng giêng, tiến đến đài Ngưỡng Đức, thấy những quyđịnh cũ phải theo còn ghi rõ. Sớm hôm sau đến gặp các vịở Thượng ty, viên chức trông coi Ải  Nam  Quan của nhà Thanh,nghi lễđánh phèng la và đốt pháo nổ vang. Then khóa ở cửa Nam Quan mở. Sứ bộđi qua, đến đài Chiêu Đức bên Trung Quốc, nơi bày vật cống phẩm, dâng tờ biểu chương.

                Năm hai mươi bảy Cảnh Hưng,

                Là năm Bính Tuất ngày cùng tháng giêng.

                Ngựa tốt thắng đủ đai cương,

                Kiệu xe chuẩn bị lên đường thẳm xa.

Vó ngựa gõ nhịp hành ca,

Vượt sông Nhị Hà, nghỉ Ái Mộ thôn.

Bề tôi đi sứ nặng ơn,

Nhớ lời nhắn nhủ quân vương dặn dò.

Hành trình ghi sẳn chỉ theo,

Thọ Xương đi sớm, nghỉ neo Dinh Cầu.

Cần Dinh vượt mấy  ngày mau,

Núi nhô tám ngọn bắt cầu Hoá giang.

Dâng hương núi Quỷ Môn quan.

Sứ bộ nghỉ tại Quang Lang trạm đình.

Kháo Tử, Kháo Mẫu liền cùng,

Vượt qua thẳng tới Đoàn Thành trú quân.

Sáng ngày hai tám dời chân.

Đến đài Ngưỡng Đức theo phần lệ ghi.

Sớm sau gặp các Thượng ty,

Tiếng phèng la, tiếng pháo thì vang lên.

Mở then qua cửa Nam Quan,

Đến đài Chiêu Đức biểu chương dâng tờ…

Nguyên tác phiên âm Hán Việt

PHỤNG SỨ YÊN KINH TỔNG CA

Cảnh Hưng nhị thập thất niên,

Tuế phùng Bính Tuất nhật triền trưu ty.

Mã duy kì bí như ti,

Chu đạo uy trì ngã xuất ngã xa.

Ly câu thanh náo hành ca,

Triêu độ Nhị Hà, trú Ái Mộ thôn.

Thể thân dao ức hoàng ân,

Đinh ninh sổ ngữ, ôn tồn nhất chương.

Xu trình hiệp tập hành nang,

Cầu Dinh thoát bạc, Thọ Xương hiểu hành.

Sổ thiên phủ đáo Cần Dinh,

Sơ thê bất vị , kiều hành Hóa Giang.

Quỷ Môn quan miếu tiền hương.

Chinh phu phục đáo Quang Lang tạm đình.

Kháo liên Mẫu, Tử tài kinh,

Việt sơn trực để Đoàn Thành trú quân.

Nhị thập bát nhật xâm thần,

Tiến lai Ngưỡng Đức chiếu tuần cựu quy.

Thứ triêu liệt vị Thượng ti,

Minh la phóng pháo nhất thì tề lai.

Nam Quan toà thược động khai,

Nghệ Chiêu Đức đài lai tiến biểu chương..

THẠC ĐÌNH DI CẢO

Tập sách sưu tầm biên chép thơ văn Nguyễn Huy Oánh do người cháu của tác giả là Nguyễn Huy Vịnh biên soạn. Ngoài hơn 100 bài thơ còn chép khá nhiều những bài ca từ, ký, tấu, khải.. của tác giả khi làm quan và khi đã về trí sĩ.

Bài Chùa Thủy Sơn tả việc mở đất phá nền tạo nên hồ lớn thay Thợ Trời, sườn núi dựa lên nháu, cây tùng mọc xanh biếc lớp lớp như nước thủy triều dâng sóng xanh. Làm nền cho bức tranh sơn thủy là nhà giáp với khí núi trời xanh. Ảnh ngược lại là mây soi gương trên mặt hồ. Trong khói dày xa xa có tiếng quạ kêu lẫn trong tiếng sáo ai thổi trong làng chài. Triều nước lên, có tiếng trống cầm canh lẫn tiếng chuông chùa. Theo xe vua ta đến đây là lần thứ năm, tin rằng giang sơn này mình có duyên gặp gỡ.

CHÙA THỦY SƠN

Mở đất phá hồ thay hóa công,

Triều dâng sườn núi biếc tùng xanh.

Nhà giao khí núi nền phong cảnh,

Ảnh ngược mây soi gương nước trong.

Khói quyện quạ kêu lồng tiếng sáo,

Triều lên tiếng trống lẫn chuông ngân.

Theo xe vua đã năm lần đến,

Tự nhủ giang sơn duyên có phần.

bản dịch thơ Nhất Uyên

Nguyên tác phiên âm Hán Việt:

THỦY SƠN TỰ

Tước khôn phách khảm cự linh công,

Cương diệp ban văn thúy lãm tùng.

Giao thất phù lam thiên tác để,

Vân căn đáo ảnh kính vi dung.

Yên thâm ô ngữ kiêm ngư địch,

Triều trướng đà canh gián Phạn chung.

Bồi tất như kim kinh ngũ độ,

Giang sơn tự tín hữu duyên phùng.

 

Ngày 23 tháng giêng năm Bính Tuất (1766) lúc vượt núi Mẫu Tử, Thám Hoa Nguyễn Huy Oánh viết bài thơ. Núi vút lên cao, mất tầng chất ngất, chỗ sông suối phân dòng, địa thế rộng rãi.Núi có hình dáng như bà mẹ do khí quẻ khôn ngưng lại, quẻ chỉâm, chỉ người mẹ. Núi trọc hiện ra là bởi tượng của quẻ cấn nặn ra, quẻ cấn chỉ người con. Trên đường đi trong mây khói lẫn tiếng cười nói. Bên tổ chim lành chim khách báo tin khách đi về.. Kẻđi chơi xa dừng ngựa đưa mắt dõi nhìn, nhận ra quê nhà trong khoảng mây trắng.

NGÀY 23 THÁNG GIÊNG

VƯỢT NÚI  MẪU TỬ ĐỀ  THƠ

Núi cao chất ngất mấy tầng lên,

Sông Hán phân dòng đất bạt ngàn.

Khí tụ Khôn sinh thành lão cốt,

Núi trơ Cấn tạc khéo nên hình.

Trên đường mây khói ai cười nói,

Bên tổ chim lành báo khách tin.

Du tử dừng cương tầm mắt ngắm,

Nhận ra quê cũ, đám Mây Tần.

Nhất Uyên dịch thơ

Nguyên tác phiên âm Hán Việt:

CHÍNH NGUYệT NHỊ THẬP TAM NHẬT

VƯỢT MẪU TỬ LĨNH LƯU ĐỀ NHẤT THỦ

Nguy phong khởi tổ việt trùng quan,

Giang hán phân lưu địa thể khoan.

Khí tụ khôn ngưng thành lão cốt,

Tượng lưu cấn trĩ xuất đồng san.

Vân yên lộ thượng nhân ngôn tiếu,

Điểu thước sào biên khách khứ hoàn.

Du tử đình tham tần ngụ mục,

Gia hương nhận thị bạch vân gian.

Bài Thuận phong ổn phiếm, viết trên đường đi trên sông. Vì ta thần sông cũng hiểu thấu nhân tình. Cho buồm no gió thuyền lướt êm trên mặt gương phẳng lặng. Đá như được cắt nhỏ làm rộng thoáng bãi cồn. Ánh mặt trời rạng rỡ soi sáng tận đảo xa. Một màn sáng nước soi sáng cả trời và in trên bóng nước. Ráng đỏ chiều tà côđơn nhưđuổi theo chim bay dọc ngang. Câu thơ này làm ta nhớ câu thơ tuyệt tác của Vương Bột: Lạc hà dữ cô vụ tề phi, Thu thủy cộng trường thiên nhất sắc.(Ráng chiều cò lẽ đồng bay. Nước thu cùng với  trời xanh một màu). Ở đây Nguyễn Huy Oánh mô phỏng nhưng đổi lại thật tài tình, biến cảnh vật thành sinh động, một đằng con cò bay côđơn cùng ráng chiều, một đằng ráng chiều đuổi theo chim bay dọc ngang.. Giữa dòng đun trà, ngâm thơ hoài tráng. Múc một ít của mênh mang rót vào chung trà cho khách. Hai câu kết thật thi vị và tuyệt tác.

THUẬN GIÓ BUỒM YÊN

Giang thần cũng thấu hiểu tình ta,

Cho gió buồm căng gương nước qua.

Mây lướt bãi cồn xa thoáng rộng,

Trời cao đảo hiện bến bờ xa.

Dưới trên một nước trời in bóng,

Ngang dọc chim bay ánh ráng tà.

Trà nấu giữa dòng thơ sảng khoái,

Rót chút mênh mang chén bạn ta..

Nhất Uyên dịch thơ

Nguyên tác phiên âm Hán Việt :

THUẬN PHONG ỔN PHIẾM

Vị ngã giang thần hiểu thế tình,

Bão phàm chu hướng kính trung hành.

Vân căn tế tiễn sa đình khoát,

Nhật sắc xung khai viễn đảo minh,

Nhất thủy quang hàm thiên thượng hạ.

Cô hà ảnh trục điểu tung hoành.

Trung lưu chữ mính thi hoành tráng.

Tiểu chước phân hồ nhập khách bình.

 

Bài Đề Vân Nham động. Núi  Vân Nham huyện Hùng Quan, phủĐoan Hùng Phú Thọ. Tác giả làm bài này nhân được cử làm Tán lý dẹp giặc núi ở Hưng Hóa, Tuyên Quang khoảng năm 1780. Nếu chẳng vì việc chúa giao phóđến dẹp giặc ở biên thùy phía Tây. Thìđâu biết núi rừng âm u có cảnh kỳ lạ thế này. Từ trên vách núi cao thác nước chảy tràn  trắng xóa.. Cửa động không song, chỉ tua tủa những thạch nhủđá lỏm chỏm. Trăng sáng vằng vặc vây trùm đỉnh núi. Mặt trời vén bóng cây dày dặc, in bên mé nước.. Dưới núi Vân Nham có chùa Hổ Nham thờ Phật. Cúi lạy trước bàn thờ Phật không cần biện bạch.Nguyện dựa vào hình tượng giác ngộ của Phật và dẹp bỏ tam độc, ba thứ độc hại : tham sân si : Tham lam, nóng nẩy, tà kiến . Động Vân Nham được Nguyễn Huy Oánh nói đến ca tụng mà ngày nay không có tên trong các thắng cảnh du lịch Việt Nam, quả là một thiếu sót lớn của ngành du lịch ngày nay.

ĐỀĐộNG VÂN NHAM

Chẳng vì việc chúa đến biên Tây,

Đâu biết rừng sâu cảnh lạ kỳ.

Vách núi nước cao tràn thác trắng,

Không song cửa động đá phô bày.

Trăng sáng soi cao tràn đỉnh núi,

Trời cao vén bóng nước in cây.

Cúi lạy Phật tiền không biện bạch,

Nguyện bằng hình tượng hiểu sân si.

Nhất Uyên dịch thơ

Nguyên tác phiên âm Hán Việt:

ĐỀ VÂN NHAM ĐộNG

Bất do vương sự đáo Tây thùy,

Bất thức u nham hữu thử kỳ.

Tiêu bích lang tông vân tử hoạt,

Hư song hổng động thạch bình nguy.

Nguyệt tương hạo sắc vi sơn lĩnh,

Nhật bả, ngoan âm ẩn thủy mi.

Cung chúc Phật tiền vô biệt ngữ.

Nguyện bằng tượng giáo giác sân si.

Bài Thu Nhật thư hoài. Ra làm quan từ thuở mùa Xuân năm Mậu Thìn(1748). Trôi nổi theo ba đào bể hoạn, thật đáng thẹn cho thân mình. Thế tục chỉ biết theo ra làm quan là vui. Ta kẻ thư sinh ra làm quan vốn thực vì nghèo. Thương cho mình không dám lạm nhận lâu người tu Phật tại gia. Sao cho đời khỏi nói mình là kẻ học đòi đạo gia mà thờơ với đời. Đãđủ mức hưu trí triều đình vốn có lệ sẵn. Cho nên ta về hưu, chẳng phải nhớ quê lâu.

TỎ LÒNG NGÀY THU

Làm quan từ buổi Mậu Thìn xuân,

Trôi nổi ba đào thẹn tấm thân.

Thế tục làm quan là lạc thú,

Thư sinh vì cảnh tại nghèo bần.

Thương mình chẳng dám danh cư sĩ,

Đời nói học đòi danh đạo nhân.

Đã đủ mức hưu triều định sẳn,

Cho nên chẳng phải nhớ quê tần.

Nhất Uyên dịch thơ

Nguyên tác phiên âm Hán Việt

THU NHẬT THƯ HOÀI

Sách danh kế tự Mậu Thìn xuân,

Trực lãng tùy ba quý thử thân.

Thế tục dân tri tùng sĩ lạc,

Thư sinh lý vị tại gia bần.

Tự lân nại nhục xưng cư sĩ,

Khải tự vọng cơ học đạo nhân.

Cập cách triều đình nguyên hữu lệ,

Quy lai bất thị nại ngư thuần.

Bài Tuế sơ diệu vũ Hạ thánh triều, tả cho ta không khí một buổi lễ duyệt binh đầu năm ngày xưa thời Lê -Trịnh :  Nơi lầu Ngũ long, nơi diễn ra các buổi duyệt binh, ra quân  cờ rồng bay phấp phới. Sáu đội quân hiện diện hàng ngũ chỉnh tề, ngày xưa chia quân đội làm ngũ quân  có 5 lá cờ hiệu: Kim, Mộc, Thủy, Thổ, Hỏa và Trung quân, quân tinh nhuệ, bảo vệ triều đình của thống tướng chỉ huy. Binh sĩ mặc áo giáp dọc ngang, mỗi đội binh có voi trận, có quản tượng, có đội quân kỵ mã. Chỉ huy và quân sĩ phân biệt.. Súng pháo thần công bắn xuống sông, làm rung động bốn phương. Một chủ trương trước sau như một. Văn lo công việc nước và triều đình, Vũ lo việc phòng bị, dẹp giặc,kỷ cương trị nước.

DIỄU VÕ ĐẦU NĂM MỪNG THÁNH TRIỀU

Lầu Ngũ Long dựng long kỳ,

Uy nghiêm bày  Lục quân.

Giáp binh ngang dọc,

Voi ngựa tiến lui.

Tướng quân phân biệt.

Ầm ầm súng pháo động bên sông.

Bốn phương thảy chuyển rung.

Tinh nhuệ hai đường,

Một chủ trương duy nhất

Văn trị võ công.

Nhất Uyên dịch thơ.

Nguyên tác phiên âm Hán Việt:

TUẾ SƠ DIỆU VŨ. HẠ THÁNH TRIỀU

Ngũ Long lâu thượng long kỳ,

Trương hoàng ngã lục sư.

Giáp binh xuyên thức,

Tượng mã đột trì,

Tụ chính phân kỳ.

Ngao ngao pháo hướng động giang my,

Thiên thanh chấn tứ duy.

Tinh dụng song hành,

Nhất trương nhất thỉ,

Văn điềm vũ trị.

Bài thơ Vô Đề, tác giả làm khi về hưu, tác giả khiêm nhường cho rằng được ra làm quan hàng đầu làm nhơ chốn cung đình.Thế mà khư khư giữ sự vụng về trong 30 năm trời. Ngày nay cổ xe vạn dậm quay về được, được về hưu trí nhởơn trên sâu dày. Bảy mươi tuổi nghỉ hưu, trộm có chút nhàn thừa. Bạn bày với lũ hươu nai cũng may được toại nguyện với tư chất bình thường. Hâm mộ cùng loài phượng loan (bậc quyền quý cao sang) càng làm sâu thêm khuôn phép nhã nhặn. Đời này cả tấm thân đều nhờơn thánh chúa. Xin chúc bề trên muôn tuổi lộc tựa Nam sơn. Bài thơ này được 76 người hoạ lại trong đó có Thượng thư Nguyễn Khản , anh Nguyễn Du.

VÔ ĐỀ

Dự vào hạng nhất, hổ Thanh Ban,

Vụng giữ khư khư trong thế gian.

Vạn dậm quay về, ơn Chúa nặng.

Bảy mươi hưu dưỡng chút thân nhàn.

Gần bầy nai hoảng lòng phàm tục,

Mến bạn phượng loan chí cao sang.

Tất cả đời này ơn thánh cả,

Ức niên chúc thọ tựa Nam San.

Nhất Uyên dịch thơ

Nguyên tác phiên âm Hán Việt:

VÔ ĐỀ

Lạm giai đệ nhất điếm Thanh Ban,

Thủ chuyết khu khu táp tải gian.

Vạn lý quy biền, bằng hậu tý,

Thất tuần giải tổ, thiết dư nhàn.

Phàm tư hạnh toại quần my lộc,

Nhữ phạm di thâm cách phượng loan.

Đính chủng thử sinh toàn thánh trạch,

Ức niên cận chúc thọ Nam San.

Bài Quế chi hương toại sơ hành trạng, tác giả sau khi về hưu nơi quê nhà mới toại lòng kể danh trạng. Tác giả sinh ra gặp thời, núi Nhạc giáng thân chẳng muộn, Học hỏi nơi Nho học Núi Ni Sơn, nơi Khổng Tử sinh ra. Trao dồi tài năng trở nên bậc tú kỳ. Thuở trai tráng trong Lýđình trướng đỏ. Gối họÔn, Ôn Đình Quân, có tiếng hay chữ đời Đường: Túi Ôn tráp Lý. Lý là Lý Bạch, thuở nhỏ học không được, chán nản, bỏ học, gặp bà lão đang mài cục sắt để thành cây kim, ông hỏi chuyện, từđóông chuyên cần theo gương “mài sắt nên kim” và trở nên một thi hào. Màn ông Đổng, Đổng Trọng Thư người đời Hán, huyện Quảng Xuyên, may màn ba năm đọc sách không ra ngoài, sau trở thành một triết gia lớn chuyên trị sách kinh  Xuân Thu, được mời dạy thái tử. Đổng dâng vua bộ sách Thiên Nhân tam sách, vua khen hay nhưng không dùng chỉ cho ra làm quan đất Giang Đô. Trời cao chẳng phụ người đọc sách thánh hiền. Tin đỗ tức tốc bay được phu trạm đưa về làng. Đắc ý chốn Kinh đô, ghi danh nơi Giáp bảng, bảng đầu tiên. Đem niềm vui an ủi cho cha mẹ.. Nghĩ công danh ngàn năm ở chổ này, bèn trau dồi thêm nghiệp võ bị, mài gươm cỡi ngựa trao dồi thành kẻ văn võ song toàn. Vẽ tường, kết sợi, chăm lo công việc  được triều đình cất cử dẹp loạn khi Đông, khi Tây, Nam , Bắc. Miệt mài vệc quân vụ lúc ở trong triều lúc ở ngài các trấn. Khi làm Tham mưu, khi Tán lý lập nhiều công trạng. Khi làm Chánh Sứđi sứ sang nhà Thanh Trung Quốc mang cờ vua đi Yên Kinh.Nay xong việc hưu trí, trở về với đồng cỏ xanh rờn. Với gió thổi cây thông, trăng soi vườn cải. Đi tìm tứ thơ nơi cầu Bá Nha gặp Tử Kỳ.

QUẾ CHI HƯƠNG

TOẠI LÒNG  KỂ DANH TRẠNG

Xuống núi Nhạc chẳng muộn,

Chính dòng Khổng núi Ni,

Vun trồng kẻ đức tài.

Trai trẻ Lý đình trướng đỏ,

Gối Ôn, màn Đổng.

Trời cao chẳng phụ thư sinh.

Tin thi đỗ tức tốc bay về,

Đắc ý chốn đế kinh,

Ghi danh nơi giáp bảng,

Đem niềm vui an ủi song thân.

Nghĩ công danh ngàn năm chính ở lúc này,

Bèn quất ngựa mài gươm,

Vẽ tường kết sợi,

Khi Đông, Tây, Nam, Bắc.

Khi trong triều khi trấn biên thùy,

Tham mưu ,Tán lý lập nhiều công,

Khi Hoàng hoa đi Sứ dậm ngàn.

Trở về chốn đồng xanh,

Gió thông trăng vườn,

Tứ thơ cầu Bá.

Nhất Uyên dịch thơ

Nguyên tác phiên âm Hàn Việt

QUẾ CHI HƯƠNG

TOẠI SƠ HÀNH TRẠNG

Nhạc giáng bất trì,

Chính Ni sơn, Khổng thủy.

Diễn tú chủng kỳ,

Đinh niên Lý đình giáng trướng,

Ôn chẩm, Đổng duy,

Hoàng thiên bất phụ độc thư nhân,

Thiếp kim nê, tiệp tín suyển phi.

Hoàng đô đắc ý,

Giáp bảng đề danh,

Hỷ ủy song tỳ (từ).

Niệm công danh, thiên tải tư kỳ thì.

Toại sách nô lệ độn,

Hoa man trừu ty

Đông Tây Nam Bắc.

Nội triều, ngoại trấn ty ty (tư tư).

Tham mưu, Tán lý tấu phu công.

Hựu hoàng hoa diêu ủng sứ huy.

Dã lục quy lai,

Tùng phong la nguyệt,

Bá kiều tầm thi.

Bài Vịnh Chùa Thiên Tượng là bài thơ nôm tác giả viết nhân đi thăm ngôi chùa trên núi Hồng Lĩnh. Do Nguyễn Huy An cung cấp trích trong Năm thế kỷ thơ Nôm người Nghệ . nxb Nghệ An 1994.Trải xem khắp nơi trong trần gian này. Duy nhất nơi này cảnh chùa Thiên Tượng. Chim hót vang lừng trong tiếng kinh kệ nhà sư. Suốt chảy róc rách nhặt khoan làm lòng chốn thiền môn trong sáng.Một kho gió trăng nơi này làm cho lòng sảng khoái, thói phàm tục uống rượu cũng dứt bỏ. Tu theo đạo Bồ Đề dù chẳng xuất gia bước theo thầy, vì lòng từ bi chưa dễ chất đầy trong lòng.

VỊNH CHÙA THIÊN TƯỢNG

Trải xem thế giới khắp ba nghìn,

Đòi một là đây cảnh Tượng Thiên.

Ánh ỏi chim ca vang tiếng kệ,

Nhặt khoan suối hát tỏ rừng thiền.

Kho phong nguyệt càng lưu loát,

Thói phàm trần chẳng bá men.

Bồ đạo mặc thầy dầu chẳng bước,

Từ bi chưa dễ chất đầy thuyền.

Paris 30-12-2014

Tài liệu tham khảo :

Tinh Tuyển Văn Học Việt Nam. Tập 5 quyển I.  Văn Học Thế kỷ XVIII PGS Nguyễn Thạch Giang chủ biên. nxb Khoa Học Xã Hội. 2004.

Nguyễn Huy Oánh Thi viện Internet.

Paris 29-12-2014

PHẠM TRỌNG CHÁNH

*Tiến sĩ  Khoa Học Giáo Dục Viện Đại Học Paris V.

 

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.