Chủ đề : Xã hội dân sự và chế độ dân chủ
Bài 2: Nhóm áp lực và chế độ dân chủ
Nhiều người đang trông chờ “Luật về hội”, một đạo luật mà “Quốc hội của Đảng” (chứ không phải của Dân) hứa sẽ ban hành và chưa biết ngày nào sẽ ban hành. Tuy nhiên, nếu cứ trông chờ vào một đạo luật để có thể hội họp và lập hội thì đó có thể chỉ là một giấc mơ hay một ảo tưởng. Một khi những người nắm quyền không mong muốn thì cho dù có ban hành một đạo luật hay vài đạo luật, người dân cũng khó lòng hội họp và lập hội (vì không phải ai cũng có thể được cấp phép). Ngược lại, khi trong xã hội không có một thế lực độc tài cản trở dân chủ thì chỉ cần một vài câu trong hiến pháp, người dân vẫn có thể tự do hội họp và lập hội, như độc giả sẽ thấy sau đây…
Quyền tự do lập hội và các nhóm áp lực:
Sự hình thành và phát triển của các nhóm áp lực (bao gồm các nhóm lợi ích và các nhóm mục đích)[1] không phải là kết quả tự nhiên của một bản hiến pháp – cho dù là một bản hiến pháp thật sự dân chủ. Trong thực tế, chúng là kết quả của việc người dân thực thi các quyền tự do căn bản của con người - đặc biệt là quyền tự do lập hội (freedom of association).
Một trường hợp điển hình là Hoa Kỳ. Tại quốc gia này, các quyền tự do căn bản nói trên được quy định tại Tu chính án số 1, được thông qua vào cuối năm 1791 – hai năm sau ngày Hiến pháp 1787 bắt đầu có hiệu lực. Nội dung của tu chính án (amendment) này được ghi như sau:
“Quốc Hội sẽ không làm ra một đạo luật nào nhằm thiết lập tôn giáo hoặc ngăn cấm tự do tôn giáo, hoặc để hạn chế tự do ngôn luận hay tự do báo chí; hoặc để hạn chế quyền của dân chúng được hội họp một cách ôn hòa và kiến nghị với chính phủ nhằm sửa chữa những điều gây bất bình.”
Mặc dù trong tu chính án không nói đến quyền tự do lập hội (freedom of association), các nhà lập pháp và tư pháp ở Hoa Kỳ đều hiểu rằng tự do lập hội chính là sự phối hợp giữa quyền hội họp một cách ôn hòa (peaceably to assemble) với các quyền tự do tôn giáo (freedom of religion), tự do ngôn luận và báo chí (freedom of speech and of the press) và tự do kiến nghị với chính phủ (freedom to petition the government).[2]
Vài thập niên sau khi tu chính án số 1 ra đời (chính xác là vào năm 1831), Alexis de Tocqueville đã quan sát và nhận ra đặc điểm của nền dân chủ Hoa Kỳ khi so sánh với các nền dân chủ ở châu Âu. Trong cuốn Về nền dân chủ tại Mỹ (De la démocratie en Amerique), ông nhận xét:
“Người Mỹ thuộc mọi lứa tuổi, mọi hoàn cảnh, mọi khuynh hướng, đều không ngừng gắn bó với nhau. Họ không chỉ có các hội thương mại và công nghiệp mà mọi người đều tham gia, mà còn có hàng ngàn kiểu hiệp hội khác (…). Ở bất cứ nơi nào có một công trình mới, nếu ở Pháp bạn thấy đứng đầu công trình là chính quyền và ở Anh là một đại lãnh chúa thì bạn cứ tin rằng ở Hoa Kỳ, sẽ nhìn thấy một hiệp hội (une association).”[3]
Ông còn nhấn mạnh: “Trong các nước dân chủ, khoa học về lập hội (science de l'association) là khoa học mẹ, sự tiến bộ của các khoa học khác tùy thuộc vào sự tiến bộ của khoa học đó.”[4]
Có thể nói người dân Hoa Kỳ qua các thời đại - nhất là những nhóm người bị thua thiệt trong xã hội (công nhân, người da đen, phụ nữ, v.v…), đã vận dụng các điều khoản trong Tu chính án số 1 để thành lập và phát triển các nhóm áp lực, hình thành nên một xã hội dân sự phong phú như ngày nay. Biểu đồ sau đây giúp chúng ta hình dung được quá trình phát triển đó:
Các làn sóng hình thành nhóm lợi ích tại Hoa Kỳ[5]
Giai đoạn
|
Miêu tả
|
Ví dụ
|
1830 - 1860
|
Thành lập các tổ chức toàn quốc đầu tiên
|
YMCA và nhiều nhóm chống chế độ nô lệ
|
1880 - 1900
|
Thành lập nhiều hiệp hội doanh nhân và hiệp hội lao động, được kích thích bởi công nghiệp hóa
|
Hiệp hội toàn quốc các nhà sản xuất (National Association of Manufacturers, NAM), Liên đoàn Lao động Mỹ (American Federation of Labor, AFL)
|
1900 – 1920
|
Giai đoạn đỉnh cao của sự hình thành nhóm lợi ích
|
Phòng Thương mại (Chamber of Commerce); Hiệp hội Y tế Mỹ (American Medical Assocication)
|
1960 – 1980
|
Thành lập nhiều nhóm lợi ích môi trường và lợi ích công
|
Tổ chức Phụ nữ Toàn quốc (National Organization of Women), Common Cause.
|
Nguồn: Hrebenar, R. and Scott, R., Interest Group Politics in America, 3rd edn, Englewood Cliffs, NJ: Prentice-Hall, 1997, pp. 13–15.
Vai trò và tác dụng của các nhóm áp lực trong chế độ dân chủ:
Việc thực thi các quyền tự do căn bản (tự do tư tưởng và tôn giáo, tự do ngôn luận và báo chí, tự do hội họp và lập hội) dẫn đến hệ quả là trong một xã hội dân chủ, ở bất cứ thời điểm nào và với bất kỳ vấn đề gây tranh cãi nào, các nhóm áp lực đều có thể nhập cuộc vào một cuộc đấu tranh hoàn toàn hợp pháp – đấu tranh lẫn nhau và đấu tranh với chính quyền, nhằm mục đích gây ảnh hưởng vào việc hoạch định chính sách. Đây là điều cực kỳ quan trọng vì hành động chính trị có tổ chức là một trong những phương thức chủ yếu để các công dân trong một quốc gia có thể tác động đến chính quyền, buộc chính quyền phải chịu trách nhiệm và đáp ứng các đòi hỏi của người dân.
Có thể nói các nhóm áp lực là gạch nối, là mối liên kết giữa xã hội với nhà nước. Người dân – với tư cách cá nhân, rất khó khăn trong việc đối mặt với chính quyền, vì thế họ cần đến các tổ chức dân sự để làm chỗ dựa mỗi khi gặp bất công, áp bức.
Vào những thế kỷ trước, khi định nghĩa một chế độ dân chủ, người ta thường chỉ chú ý đến các cuộc bầu cử định kỳ và hoạt động của các đảng phái chính trị. Nhưng từ giữa thế kỷ 20 – đặc biệt là từ khoảng hai thập niên sau cùng của thế kỷ này, khi dân chủ trở thành xu hướng chung của toàn thế giới, thì định nghĩa về dân chủ không còn bó gọn trong việc ứng cử - bầu cử. Vấn đề nhân quyền (quyền con người) ngày càng được quan tâm nhiều hơn, và các nhà chính trị học bắt đầu coi trọng vai trò của xã hội dân sự, nghĩa là vai trò của các nhóm áp lực. Vì thế trong khi đánh giá, xếp loại các chế độ dân chủ hoặc độc tài, các nhà chính trị học không thể bỏ qua các bảng đánh giá của các tổ chức nhân quyền như Freedom House (Căn nhà Tự do), Reporters Without Borders (Phóng viên không Biên giới), v.v…
Nhìn chung, các nhóm áp lực ngày càng đóng vai trò quan trọng trong một chế độ dân chủ thành thục, vì ba đặc điểm sau đây:
-Tính tham dự: Ưu điểm lớn nhất của các chế độ dân chủ so với các chế độ độc tài là người dân được quyền dùng lá phiếu của mình để chọn lựa các nhà lãnh đạo quốc gia – bao gồm cả những người thực thi quyền lực chính trị lẫn những người kiểm soát quyền lực. Các cuộc bầu cử tại Hoa Kỳ (nhất là bầu cử Tổng thống và các nghị sĩ tại hai viện của Quốc hội) hoặc các cuộc bầu cử các thành viên của Nghị viện tại Anh, Nhật Bản, Thụy Điển, v.v… đều là các sinh hoạt chính trị quan trọng mà mọi người dân đều được quyền tham gia.
Nhưng giữa các cuộc bầu cử định kỳ, một khi người dân đã bầu ra các cơ quan hành pháp và lập pháp, sinh hoạt chính trị rơi vào tay các đảng chính trị và người dân có thể bị hất ra khỏi quy trình soạn thảo và ban hành các chính sách. Chính các nhóm áp lực tạo điều kiện để người dân có thể tham dự vào sinh hoạt chính trị trong giai đoạn giữa các cuộc bầu cử định kỳ. Kể từ thập niên 1960 của thế kỷ 20, người ta chứng kiến một sự tham gia ngày càng đông đảo của người dân vào các hoạt động của các nhóm áp lực, trong khi số lượng thành viên của các đảng phái chính trị giảm xuống. Bill Coxall nhận xét về hiện tượng này tại nước Anh như sau:
Trong khi thành viên của các đảng giảm sút trong giai đoạn sau chiến tranh, số lượng thành viên các nhóm áp lực gia tăng nhanh chóng, đặc biệt là sau thập niên 1960, với kết quả là tổng số thành viên các đảng giờ đây chỉ được tính theo hàng trăm ngàn nhưng toàn bộ các thành viên của các nhóm áp lực được tính theo số triệu, chỉ tính riêng các nhóm môi trường đã có từ 4 đến 5 triệu thành viên vào đầu thập niên 1990.[6]
- Tính đại diện: Trong khi các đảng chính trị đóng vai trò đại diện trực tiếp cho người dân thông qua các cuộc bầu cử định kỳ thì các nhóm áp lực cũng đóng vai trò đại diện thông qua năng lực tổ chức và thể hiện quan điểm của các bộ phận đặc biệt trong cử tri đoàn đến chính quyền tất cả các cấp.
Nhược điểm của các đảng chính trị là thường phải đáp ứng yêu cầu của đa số cử tri đã bỏ phiếu cho mình, nên không quan tâm đầy đủ đến nguyện vọng đa dạng của tất cả các bộ phận cử tri, nhất là của các nhóm thiểu số. Các nhóm áp lực có khả năng bù đắp sự thiếu sót này, và do đó có thể đại diện cho các khối thiểu số, ngăn ngừa tình trạng mà các nhà chính trị học thường gọi là sự chuyên chế của đa số (the tyranny of the majority).
- Giáo dục chính trị : Các nhóm áp lực làm phong phú cho xã hội dân chủ bằng cách phát triển và truyền bá thông tin trên một loạt các chủ đề liên quan đến đời sống thực tế của người dân. Tại các nước đã phát triển, nhiều nhóm áp lực có uy tín đối với xã hội và chính phủ vì đã tham gia nghiên cứu và có hiểu biết chuyên sâu về các vấn đề đặc thù và nhờ đó, góp phần nâng cao phẩm chất của các cuộc tranh luận. Không có các nhóm áp lực, người dân thường rất ít hiểu biết về những vấn đề như tính độc hại của chất hữu cơ có chứa phốt-phát (organophosphate), những khó khăn của người khuyết tật, việc bảo vệ các loài động vật quý hiếm, các vấn đề ô nhiễm môi trường hay những nguy hiểm của chiến tranh hạt nhân, v.v… Các nhóm áp lực thường xuyên nêu ra các chủ đề nóng bỏng, giúp hình thành các ý kiến trong công luận về các vấn đề nan giải, đồng thời cung cấp thông tin giúp cho người dân có thể chọn lựa giải pháp hoặc biểu quyết một cách hiểu biết. Nói cách khác, cùng với các đảng chính trị, các nhóm áp lực góp phần vào cuộc tranh luận không ngừng nghỉ của nền chính trị dân chủ.
Tóm lại, các nhóm áp lực bù đắp sự thiếu sót của các đảng chính trị, giúp cho người dân có thể tác động đến các chính sách của chính quyền trong thời gian giữa các cuộc bầu cử, buộc chính quyền phải đáp ứng các đòi hỏi bức thiết của người dân, khắc phục tệ quan liêu của bộ máy thư lại, và do đó tăng cường tính chịu trách nhiệm của các đại biểu trước nhân dân. Nền chính trị dân chủ ngày nay không chỉ là chính trị của đa số, mà còn bảo đảm lợi ích cho các khối thiểu số trong dân cư.
TẠM KẾT:
Các nhóm áp lực (tức xã hội dân sự) có thể được coi như nền tảng của chế độ dân chủ. Cũng như một tòa nhà chỉ có thể đứng vững nếu được xây trên một nền móng vững vàng, một chế độ dân chủ vững bền chỉ có thể tồn tại và phát triển trên cơ sở một xã hội dân sự khỏe mạnh. Cho nên, ở bất cứ nơi nào mà xã hội dân sự yếu kém, cho dù chế độ dân chủ đã được thiết lập vẫn không thể được coi là vững chắc.
Trở lại với các nhà tư tưởng của chủ nghĩa tự do (liberalism) như Benjamin Constant, Alexis de Tocqueville, chúng ta có thể khẳng định: tự do chính là điều kiện cần thiết để có một nền dân chủ đích thực – một nền dân chủ tự do (liberal democracy) chứ không phải là một nền dân chủ phi–tự do (illiberal democracy).
Trong những ngày này, các đại biểu của Đảng Cộng sản Việt Nam đang họp “đại hội” để quyết định những vấn đề quan trọng nhất của đất nước. Điều mỉa mai là vận mệnh của cả quốc gia với hơn 90 triệu dân lại nằm trong tay một thiểu số đại biểu không do dân bầu ra. Phải chăng đó là thành tích to lớn nhất của một cuộc “cách mạng” nhân danh nhân dân để nô dịch nhân dân? Thế nhưng bên lề đại hội, vẫn còn có người dùng lời nói mượt mà, bóng bẩy để tuyên truyền cho khái niệm “tự do” theo kiểu cộng sản. Ông Vũ Ngọc Hoàng, một nhà tuyên giáo cao cấp của Đảng, thuyết giảng như sau:
Cũng cần nói thêm rằng, tự do là khách quan. Không thể bằng ý chí chủ quan của người lãnh đạo mà chống lại yêu cầu tự do và cũng không thể tự do vượt trước quá xa trình độ phát triển khách quan của xã hội (để tránh rối loạn). Mặt khác, mức độ tự do còn phụ thuộc tâm huyết, sự nhạy cảm và nhất là tư tưởng khai minh của người lãnh đạo có được đến đâu.[7]
Nói như ông Vũ Ngọc Hoàng, “tự do” phụ thuộc vào ba yếu tố: (1) người lãnh đạo có chống lại yêu cầu tự do hay không, (2) người lãnh đạo có đủ tâm huyết, sự nhạy cảm và tư tưởng khai minh hay không và (3) tự do không thế vượt trước quá xa trình độ phát triển khách quan của xã hội (để tránh rối loạn). Nhưng nếu tự do còn phải lệ thuộc vào “cái tâm” của người lãnh đạo (minh quân?) đồng thời không thể vượt trước quá xa “trình độ phát triển khách quan của xã hội” thì biết đến bao giờ người dân Việt Nam mới được hưởng thứ tự do mà nhân dân Mỹ đã được hưởng cách đây chừng 185 năm?
Có lẽ trong thời gian chờ đợi một cách mòn mỏi các điều kiện nêu trên, quý ông Vũ Ngọc Hoàng khuyên nhân dân Việt Nam nên nhẫn nhịn, tạm thời hưởng thứ “tự do” mà nhà thơ Chế Lan Viên đã từng miêu tả:
Chưa cần cầm lên nếm, anh đã biết là bánh vẽ
Thế nhưng anh vẫn ngồi vào bàn cùng bè bạn
Cầm lên nhấm nháp.
Chả là nếu anh từ chối
Chúng sẽ bảo anh phá rối
Ðêm vui
…
Đà Lạt, 22/1/2016
MAI THÁI LĨNH
[3] Alexis de Tocqueville, De la démocratie en Amerique, vol.2, deuxième partie, chapitre V (De l'usage que les Américains font de l'association dans la vie civile).
[5] Rod Hague and Martin Harrop, Comparative Government and Politics - An Introduction, 6th Edition, Palgrave Macmillan, 2004, Box 10.1, p. 167. Hai tác giả của cuốn sách này sử dụng cụm từ “nhóm lợi ích” theo nghĩa rộng (nghĩa là gồm cả nhóm lợi ích lẫn nhóm mục đích).
[6] Bill Coxall, Pressure Groups in British Politics, Routledge – Taylor&Francis Group, Pearson Education Limited, Great Britain 2001, pp. 3-4.