Oct 31, 2024

Tùy bút - Bút ký

Cảm Ơn Đà Lạt Cho Tôi Thương Nhớ Gửi Về
Trần Vấn Lệ * đăng lúc 10:04:21 PM, Jan 11, 2016 * Số lần xem: 1089
Hình ảnh
#1


 

Đà Lạt…

Tôi đến đó khi tôi mười sáu tuổi.  Tôi vừa thi rớt hai kỳ thi Trung Học Đệ Nhất Cấp, năm đó, 1958.  Tôi được lên lớp Đệ Tam vì Phan Thiết kể từ niên khóa 1958 – 1959 trường công Phan Bội Châu được phép mở lớp Đệ Tam, tôi đứng thứ 14 trên 56 học sinh lớp Đệ Tứ I (trường có 2 lớp Đệ Tứ), tôi bị đuổi học vì tôi ít chịu nghe lời Giáo Sư, nhất là nghe lời ông Hiệu Trưởng, Lê Tá.  Thường thì học sinh lênTrung Học Đệ Nhị Cấp Phan Thiết sau khi học xong Đệ Tứ, ai chọn đi lính để…khỏi học nữa mà có tiền thì xin vào trường Thủ Đức để học khóa Bảo An Đoàn, ra Thiếu Úy làm việc ở hậu cứ, hoặc ra Chuẩn Úy Bộ Binh, tình nguyện thì chỉ cần học bạ bốn năm trung học đệ nhất cấp, để đi tác chiến (khổ quá thì chết, bị thương giải ngũ hay…đào ngũ), ai chọn học nghề thì đi vào Sài Gòn kiếm việc làm và học một nghề nào đó, may áo quần, chạy taxi…, ai muốn học tiếp thì ra Nha Trang hoặc vào Sài Gòn học tư và chờ thi lại Trung Học Đệ Nhất Cấp và Tú Tài I; ít có gia đình nào cho con cái mình lên Đà Lạt học vì xa xôi và lạnh lẽo.  Tôi, “bị” lên Đà Lạt học để khỏi hư như anh tôi!  Tôi lên Đà Lạt, biết Đà Lạt…nhờ bị đuổi học khỏi trường công Phan Bội Châu Phan Thiết!

 

Muốn lên Đà Lạt, từ Phan Thiết đi xe lửa ra Tháp Chàm, gọi là Tour Cham (đổi xe ở ga Mương Máng (cái máng nước bắc qua cái mương đưa nước ngọt về Phan Thiết), sau này người ta quen gọi là Mường Mán (vì chỗ này chính phủ Nam Việt Nam thành lập Khu Dinh Điền cho đồng bào thiểu số Mường, Mán ngoài Bắc di cư năm 1954).  Từ ga Mương Máng xe lửa ra Phan Rang, ngừng ở Tour Cham, đổi xe lên Đà Lạt. Không có ga nào ngay trung tâm thị trấn Phan Rang.

 

Ba tôi đưa tôi đi học.  Chúng tôi lên xe lửa và tới ga K’Rong Pha mất hơn tiếng đồng hồ.  Xe lửa vẫn chạy đường bằng, qua cánh đồng bát ngát.  Tới K’ Rong Pha, xe ngừng khoảng hai tiếng để chờ xe trên núi xuống và người ta thay đầu máy có ngàm răng cưa để kéo đoàn xe lửa, chừng năm bảy wagons thôi lên đường sắt có thêm hàng răng cưa cũng bằng sắt ở chính giữa hai đường rails.  Xe khởi hành chầm chậm và khi vào đường răng cưa thì nghiến kêu nghe bắt rùng mình!  Xe chun qua ba cái hầm, cái thứ hai dài nhất, chắc vài trăm mét, khói mịt mù trong lòng xe và tro lửa bay tứ tung, nghe có mùi khét chắc tóc ai bị lửa bén.  Xe ra khỏi ba hầm chạy một đỗi xa thì ngừng lại ở ga Eo Gió.  Khí hậu khác hoàn toàn, không nóng nữa mà lạnh mơn man rất dễ chịu.  Tại đây, có người xuống có người lên, hầu hết là bạn hàng chợ.  Đồng bào địa phương đem trái cây, hoa quả làm từ vườn ra bán cho khách đi xe lửa, vui vẻ.  Khách đi lên Đà Lạt không nhiều, vài chục người, đa phần họ mua vé giường nằm, couchette, hạng nhất, hạng nhì, còn hạng ba và hạng tư là chỗ ngồi gần như quen thuộc của bạn hàng chợ.  Điều tôi thấy hay hay là không có cảnh chen lấn hay la lối ồn ào, không có chuyện “bốc ga” (móc túi hay cướp giật).  Hành khách đều dễ thương và lịch sự, nhân viên trách nhiệm xe lửa rất hiền hòa, từ tốn, mặc complet, đội nón nĩ.  Tôi bắt đầu thấm cái “thổ nhưỡng” cao nguyên rồi đây…Tôi hay ngó ra cửa sổ nhìn cảnh rừng, rừng thông xanh ngắt, có nhiều loài chim rất lạ, rất lớn, có cả nai, khỉ di chuyển trong rừng, kêu, hí, hót rất vui tai mà tất cả đều…hiền mơ!  Tôi khoác thêm cái áo ngoài, trời đã lạnh…

 

Xe chạy tiếp vào ga Đơn Dương, bảng tên ga đề chữ Gare Càn Rang, chua chữ Pháp Dran.  Ga này lớn, nhiều ghi, nhiều nhà kho phía sau nhà ga (chắc để dụng cụ cho xe và làm chỗ ở cho nhân viên – hồi đó không có tiếng Quan Chức).  xe lửa đậu chừng ba muơi phút, nhân viên nhà ga kiểm soát xe cẩn thận và đón khách lên Đà Lạt, từ đây lên Đà Lạt chừng 27 km.  Khách lên xe khá nhiều, đàn ông, đàn bà, thanh niên và con nít, ai cũng đẹp và
đàng hoàng.  Nhà ga không trong trung tâm quận lỵ Đơn Dương, khi chạy tiếp mới vào trung tâm, nhà, phố, cảnh sinh hoạt trầm lặng và hình như ai cũng khoan thai, dịu dàng.  Đơn Dương đẹp quá chừng, nó là một thung lũng, xung quanh núi, mây bay trắng xóa, ruộng xanh, vườn xanh, hoa muôn màu muôn sắc…

 

Xe lửa vẫn chạy trên đường răng cưa, qua ga Trạm Hành, Cầu Đất, Trại Mát,  Từ Trại Mát lên Đà Lạt, 6,700 km, hàng răng cưa mới không còn vì đoạn đường này đường bằng.  Không khí không lạnh buốt mà mát dịu và thơm tho lạ lùng.  Chỗ này đồi trà, chỗ kia rừng  thông, xen kẽ là hoa.  Hoa ơi là hoa!  Cảnh Bồng Lai chắc cũng thế không hơn?

 

Tôi không để ý các ga xép dọc đường chi nữa, chăm chú ngắm cảnh và chờ xe vào Đà Lạt.  Xe vào Đà Lạt khi ra khỏi Trại Mát chừng 3 km, nhà cửa đều đẹp, hầu hết là villas mái ngói đỏ, đen, nhà nào cũng nhiểu mái, người ta nói đây là nhà cất theo kiểu chalet của Thụy Sĩ.  Ngó lên đường, đường nhựa láng bóng, sạch bong, xe đạp nhiều, xe hơi thì chỉ thấy xe taxi và xe nhỏ hiệu Citroen, gọi là xe traction.  Thấy nhiều người đi bộ, ai cũng xúng xính quần áo lạnh, complet cravate…như Tây!

 

Ôi chao Ga Đà Lạt, đẹp quá chừng!  Nhà ga đã đẹp, cảnh trí hai bên nhà ga khỏi chê, hoa trồng đầy trong ga và trong mỗi nhà:  trên đồi, dưới lũng, toàn biệt thự xinh xắn…

 

Ba tôi và tôi ra khỏi ga Đà Lạt, gọi taxi về ngay trường Việt Anh để ba tôi ghi tên tôi học.  Chiều còn nắng, nắng vàng như nhung.  Thầy Hiệu Trưởng tiếp Ba tôi, ông, Giáo Sư Nguyễn Đình Chung Song, người Huế, thanh lịch, mặc áo laine, rất lịch sự và dễ thương.  Thầy vui vẻ…và buổi chiều vui vẻ!  Tôi ở trọ ở một Ký Túc Xá gần trường, số 7 đường Hoàng Diệu của vợ chồng giáo sư dạy ở Lycée Yersin.  Ba tôi thì đến nhà quen và ở mai về lại Phan Thiết…

 

Tôi bắt đầu đến Đà Lạt tháng 9 năm 1958, thành phố Đà Lạt với tên chữ Pháp:  Ville de Dalat.  Ông bà chủ trọ và các bạn ở chung có nói với tôi về “nếp sống” ở đây:  tôn trọng luật lệ, không xả rác, không hái trộm hoa, không bẻ bất cứ cành cây nào.  Tôi sẽ bị phạt nặng nếu phạm một trong những lỗi đó.  Thành phố không có bóng dáng lính tráng, ở ngã ba, ngã tư mới thấy Cảnh Sát đứng làm việc, chẳng nhọc nhằn gì…Đà Lạt có máy bay bay, thỉnh thoảng; có hai phi trường:  Liên Khương và Cam Ly.  Đà Lạt là cao nguyên, cao 1.500 met.  Đà Lạt không có biển, chỉ có biển lòng bao la…

 

*

Tôi ở với Đà Lạt cho đến đầu năm 1989 mới rời.  Ba muơi mốt năm, nhiều chuyện muốn nói lắm, muốn nhắc lắm…mà hai mươi bảy năm nay, ở quê người, chỉ ràn rụa trông về.  Tôi biết Đà Lạt đổi khác hết rồi, ngay cả tiếng công nhân viên chức người ta nói thành quan chức.  Người ta “nghiêm” vô cùng, nói hung dữ, tàn bạo thì đúng hơn và cảnh trí Đà Lạt xệ thê thảm: phố xá thò ra thụt vô, muốn cất thế nào thì cứ cất, ăn mặc thế nào thì cứ tự nhiên…thiên nhiên! Tôi xin hai chữ im lặng để…buồn cho đến ngày tôi nhắm mắt xuôi tay.  Tôi thương quá ngôi trường tôi từng dạy học, năm cuối cùng, 1974-1975, lúc đó có khoảng 3.000 học trò con gái, hơn sáu mươi cô giáo, hơn bốn mươi thầy giáo, sáu mươi lớp…nay nghe còn một ngàn tư học sinh, bốn trăm thầy cô được gọi là quan chức ngành giáo dục.  Học trò tôi bây giờ đã trên năm muơi tuổi, có nhiều em đã sáu muơi.  Tôi nhớ những tà áo dài…Tôi nhớ những mái tóc thề, tôi nhớ hoa quỳ nở quanh quanh trường, trên triền đồi Sân Cù, dọc đường Bùi Thị Xuân, Võ Tánh.  Tôi nhớ Cây Số Bốn.  Tôi nhớ Đa Thành, hồ Vạn Kiếp.  Tôi nhớ tới Đơn Dương xanh biếc giàn chouchou.  Tôi nhớ Eo Gió, nghĩ thầm gió cũng có eo thì đời người…cong queo cũng chịu vậy!  Tôi nhớ ông Nguyễn Du có nói:  “Đã không lấy sống làm vui, tấm thân nào thấy thiệt thòi mà thương!”.  Bao nhiêu vật đổi sao dời, tôi xin một điều:  lòng tôi như con đường Hai Bà Trưng có những cây đào mà Tết nào cũng đỏ rực.  Ôi lòng tôi thơm phức, Đà Lạt biết không?

 

Trần Vấn Lệ

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.