Nov 21, 2024

Viết về tác giả & tác phẩm

Thơ Nguyễn Quang Thiều Sẽ Ra Rác
Phạm Ngọc Thái * đăng lúc 08:39:13 PM, Jan 11, 2016 * Số lần xem: 2118
THƠ NGUYỄN QUANG THIỀU SẼ RA RÁC
          VÀ CHỦ TỊCH HNVVN HỮU THỈNH "ĂN ỐC NÓI MÒ"
                      . Qua nhận định và đánh giá "Sự mất ngủ của lửa"

                                                                  PHẠM NGỌC THÁI




     Muốn đọc và hiểu được thơ Nguyễn Quang Thiều cho dễ, trước hêt phải nhìn ra cách Nguyễn Quang Thiều thường hành trình để xây dựng cấu tứ cho một bài thơ. Thơ Nguyễn Quang Thiều không phải là loại thơ tượng trưng, siêu thực hay cách tân cách tiếc gì hết? Một số người nói nó "Tây" quá, chỉ vì họ đọc thơ Thiều thấy khó hiểu. Nhiều bài ngôn ngữ, giọng điệu nghe từa tựa như kiểu người nước ngoài nói lơ lớ, ngọng nghịu... khi phát âm tiếng Việt.
     Tôi đã đọc khá nhiều thơ của Thiều, cả thơ đã xuất bản thành sách và đăng trên mạng. Theo nhận định của tôi: "Sự mất ngủ của lửa" là tập thơ hơn cả so với các tập thơ khác, trong đời thi ca Nguyễn Quang Thiều. Được tác giả cho xuất bản lần đầu vào năm 1992 và nay, sau 23 năm lại cho tái bản.  
     Phần nhiều các bài thơ của Thiều thuộc loại thơ... miêu tả. Khi tả cảnh, lúc miêu tả sự việc. Hầu hết là tả nổi... ít tư duy trong. Không ít bài đến hết thơ cũng chỉ dừng lại ở sự miêu tả đó. Nhiều bài đọc mãi, đọc mãi... mà vẫn không hiểu thơ nói cái gì? Sau đây, khi phân tích một số bài cụ thể, tôi sẽ dẫn chứng về vấn đề này.
     Giờ xin đi vào bình - "Sự mất ngủ của lửa" bao gồm 25 bài thơ, phụ thêm 22 bức tranh họa của 15 hoạ sĩ, không kể bức tranh họa bìa sách. Nhưng với 22 bức tranh minh họa đó cũng chỉ có ý nghĩa trang trí, hoặc tăng thêm sự quảng cáo mà bán sách, hoặc để đọc cho đỡ rức mắt. Nhất là với loại thơ viết câu cú thường rất dài của Nguyễn Quang Thiều. Bởi vậy, những bức hoạ đó tôi không bàn đến trong bài bình luận này.
      Khuôn khổ của một bài viết không thể bình tất cả các bài được, vì quá dài. Nhưng để cho khách quan, trong 25 bài thơ của cả tập... tôi sẽ bình hẳn 10 bài. Thế đã là nhiều lắm rồi! Năm bài đầu và năm bài cuối. Những bài đầu và cuối thường là các bài thơ trội nhất, các tác giả hay chọn để sắp xếp khi cho in. Sau đó sẽ nhận định, đánh giá chung cho cả tập.
 

       
Nguyễn Quang Thiều - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam.                                                

                                                NĂM BÀI THƠ ĐẦU TIÊN
   1.  Mở đầu tập là bài "Sông Đáy" Quả nhiên, tuy Sông Đáy chưa được gọi là bài thơ thật sự hay, nhưng đã là bài khá nhất tập. Tôi để lại sẽ bình cuối cùng.

   2.  Sang bài "Ban mai":  Chia làm năm khúc với 20 câu. Tác giả tả khung cảnh một buổi sáng sớm ở làng quê.
*  Khúc một - Tả bóng đêm dần tan như bóng một con mèo nhung khổng lồ bước đi. Anh ta tỉnh giấc dậy mỉm cười với sớm ban mai.
*  Khúc hai -  Những tiếng xôn xao từ cánh đồng mờ sương lùa về. Có tiếng xe trâu chất đầy hương cỏ tươi lặng lẽ đi qua.
*  Khúc ba -  Nghe như có tiếng ai gọi ơi... ơi... ơi... từ những con đường quen thuộc. Anh ta lách mình qua khe cửa nhòm ra.
*  Khúc bốn - Tác giả mường tượng...  người nông dân bế anh ta lên đặt vào thùng xe. Người nông dân cất cái giọng trầm trầm lên hát, như tiếng thóc khô chảy vào trong cót, như đất ấm trào lên trong loé sáng của lưỡi cày.
*  Khúc năm -  Vẫn là hình ảnh chiếc xe trâu một nửa đã ra ngoài sáng, một nửa còn trong đêm. Sau cái tiếng gọi huầy ơ như người chợt thức ấy, những ngọn ban mai mơn mởn rướn mình.
       Đấy là toàn bộ bài thơ mà tôi đã diễn giải ra. "Ban mai là bài thơ tả cảnh một buổi sớm quê, qua sự xuất hiện của chiếc xe trâu chở đầy cỏ tươi và người nông dân theo xe đi trên đường. Ngôn ngữ diễn tả thuộc ngôn ngữ nói thông thường. Tức là không phải ngôn ngữ bắn ra từ trong tâm linh hay cảm xúc của tư duy trong - Nên các hình ảnh thường cứng khô, không có thần.
       Tôi xin đưa ra vài thí dụ để minh họa.

- Bài thơ "Mùa xuân chín" của Hàn Mặc Tử:
  Mặc dù là bài thơ tả cảnh mùa xuân, khi thi nhân da diết một nỗi lòng thương nhớ làng quê. Mô tả qua hình ảnh trong hồi ức:
                       ... Chị ấy năm nay còn gánh thóc
                       Dọc bờ sông trắng nắng chang chang?
     Sắc điệu "... trắng nắng chang chang" vẽ ra cảnh trắng toát bên con sông mộng. Cảnh thực trong hồi ức mà như ảo ảnh. Hình tượng của những câu thơ đó được mô tả bằng thứ ngôn ngữ trào ra từ tâm linh, một thứ tư duy cảm xúc đã thăng hoa... mà tạo nên sự rung cảm mãnh liệt, đẩy tình thơ đi đến viên mãn tột cùng. Một bài thơ tả cảnh mùa xuân nhưng nó chứa chất, ôm bọc cả nỗi tình đời sâu sắc bằng một nghệ thuật ngôn ngữ siêu đẳng, mới có thể trở thành bài thơ hay!
     Hoặc khi ông tả về bóng trăng với nỗi lòng hiu hắt:
                        Với sao sương anh nằm chết như trăng
     Đây chính là một câu thơ thần cảm tuyệt hay! Bóng trăng mà chứa cả linh hồn cùng số phận thi nhân bên trong - Thứ ngôn ngữ siêu đẳng của thi ca, xuất thần từ trong tâm linh... như Chế Lan Viên từng viết trong Di cảo:
                       Ở bên kia bờ hư ảo - bờ thơ.
     Ngôn ngữ thi ca của Nguyễn Quang Thiều là thứ ngôn ngữ diễn tả theo lối kể lể thông thường, ngôn ngữ đại trà. Đơn giản là tả nổi bên ngoài, nên hồn thơ không có thần cảm. Thí dụ, cũng ở bài "Ban mai" - khi tác giả muốn nói về sự gắn bó thân thiết giữa mình với người nông dân ở quê, nhưng hình ảnh diễn tả khô cứng:
                       Người nông dân bế tôi lên và đặt vào thùng xe
                                                                 (câu thơ 13)
     Hoặc khi tả cảnh trời đêm đang sáng dần, anh ta cũng dùng hình ảnh ví nhưng kể như văn xuôi:
                      Bóng tối đêm dần sáng như con mèo nhung không lồ bước đi uyển chuyển
                                                                (câu thơ thứ nhất)
     Nếu trong thi ca mà dùng toàn loại ngôn ngữ diễn tả nông nổi, sơ đẳng này - Thứ ngôn ngữ không cần tư duy, thần cảm... thì khó lòng sáng tác nổi một câu thơ hay, chứ đừng nói đến bài thơ hay? Thơ Nguyễn Quang Thiều hầu như chỉ dùng loại ngôn ngữ kể lể sơ đẳng này.
     Một ví dụ nữa, nói về những ngôn ngữ thi ca tầm bậc của các thi nhân.

 - "Thu điếu" của Nguyễn Khuyến chẳng hạn?
Tả về một đêm thu ngồi thuyền câu cá, cảnh tình thì hiu hắt với nỗi cô đơn:
                      Ao thu lạnh lẽo nước trong veo,
                      Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo.
                      Sóng biếc theo làn hơi gợn tí,
                      Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo.
     Nhất là đến hai câu kết:
                     Tựa gối buông cần lâu chẳng được,
                     Cá đâu đớp động dưới chân bèo.
     Ta thấy đằng sau cảnh thu tĩnh lặng một tâm trạng khắc khoải chênh vênh của người ẩn sĩ, chán nơi quan trường từ quan về nương náu chốn thôn hương. Hình ảnh của hai câu thơ kết ấy thật sống động, như có thần... chứa cả nội tâm ở bên trong. Đó chính là thứ ngôn ngữ bậc cao của thi ca.

-  Tôi ví dụ thêm bài "Qua Đèo Ngang" của Bà huyện Thanh Quan -
Bốn câu đầu bà tả cảnh đèo:
                     Bước tới Đèo Ngang bóng xế tà,
                     Cỏ cây chen đá, lá chen hoa,
                     Lom khom dưới núi tiều vài chú,
                     Lác đác bên sông chợ mấy nhà.
     Cảnh đã rất sinh động và đẫm hồn nhưng vẫn chỉ là để tả cảnh trí. Sang đến hai câu sau:
                     Nhớ nước đau lòng con quốc quốc
                     Thương nhà mỏi miệng cái gia gia
     Thì cảnh tả ở đây đã ôm bọc cả nỗi nước tình nhà, sự da diết của bà giữa chốn Đèo Ngang hoang vu. Ý tình trong hình ảnh thơ bộc lộ tâm can, cõi lòng sâu xa nhất của người đi xa. Điển hình đến mức hoàn bích, cho nên tình thơ mới sống mãi với thời gian và nền văn học nước nhà. Những câu thơ thần cảm ấy phải được đẩy ra từ trong tâm linh. Như nữ sĩ Lâm Thị Mỹ Dạ từng viết:
                      Những câu thơ run rẩy
                      Những câu thơ trốn chạy...
                      Những câu thơ... cháy rôi !
     Thứ ngôn ngữ tả cảnh vật theo lối kể bên ngoài như của Nguyễn Quang Thiều không thể có được những câu thơ ôm chứa sâu sắc và hay đến như thế!
 
- TRỞ LẠI VỚI BÀI "BAN MAI":  Như tôi đã nói ở trên "
Phần nhiều các bài thơ của Thiều thuộc loại thơ... miêu tả" con người hoặc sự việc diễn ra
,
ý nghĩa bên trong chưa có gì sâu xa. Độc giả khi đọc thơ Thiều cũng rất khó hiểu? Không dễ nắm bắt như tôi đã trải rạch ròi ra như ở trên. 
     "Ban mai" là một bài thơ tả cảnh vào loại bình thường, ý nghĩa cũng chưa có gì.
 
3. "Tiếng cười":  Bài thơ dài 24 câu, nói về sự bỏ nhà ra đi của người cha. Tác giả tả từ lúc còn tuổi hai mươi cha đã bỏ mặc người vợ trẻ với một nỗi buồn đầy nước mắt, đứng vùi chân trong cát... ra đi không ngoảnh lại. Chỉ có tiếng chó rộ lên từ xóm tới đầu làng và con đò cô độc ở bến sông quê.
     Khi cha trở về thì tóc... đã trắng. Đêm đêm cha lại ngồi hút thuốc lào:
                    Tiếng điếu rít lên muốn khoan thủng nỗi buồn
                    Khoan vào phận con buốt nhức
     Nhưng lý do ông buồn vì vợ con... hay tại hoàn cảnh như thế nào? Bài thơ không nói. Chỉ thấy tác giả than:
                   Bốn anh em con...
                   ... không phải là đích cuối cùng của đời cha
     "Chỉ là bốn cột số"... trong nỗi buồn dằng dặc của ông. Bởi thế, tuổi 70 rồi cha lại bước lên con đò chao đảo, bỏ gia đình ra đi... trong sự hoảng hốt của những người con. Tiếng chó lại sủa từ đầu làng về ngõ.
     Nghĩa là, không thể bàn về tính nhân văn hay ý nghĩa xã hội... trong bài thơ này?
     Bởi vì, việc ông bỏ gia đình ra đi không phải vì nước non? mà cũng chẳng phải tại gia đình? Như ý thơ thì... vợ con ông vẫn yêu thương ông cơ mà?
Chỉ biết là... 4 người con với ông không có nghĩa gì hết. Người vợ nhìn ông bỏ nhà đi với một nõi buồn đầy nước mắt, đứng chôn chân trong cát. Còn do... "tại phận" mà ông buồn? Thì phận làm sao? Bài thơ mới chỉ vẽ lên cái cảnh cha rời nhà vào lúc nửa đêm, không giống người say rượu. "Đom đóm bay quanh ông" như những vòng dây thép nung đỏ đứt tung ra, rồi tiếng chó sủa v.v... để tác giả kết luận:
                   Tóc cha trắng một tiếng cuời ngửa mặt
     "... tiếng cười ngửa mặt" là một tiếng cười tự mãn, tiếng cười thách đố! Kết luận như thế này có vẻ cường điệu, cho kêu, cho thật... oách ! Chứ không hợp lý? Cái tính cách có vẻ dở người của một ông bó như thế, có gì mà tự mãn? mà thách đố? Người ta có thể suy luận: đó là một người cha kỳ cục, thậm chí là khùng... mới có cái "tiếng cười ngửa mặt" như thế.  Ngôn ngữ và tình ý thơ chưa có sự thuyết phục. Theo tôi, tác giả viết chưa thành. Tuy có màu sắc của một bài thơ tự sự, nhưng Nguyễn Quang Thiều chưa diễn đạt nổi tư duy ra thơ, vẫn còn ở trong dạng bản thảo.
     Bài thơ hỏng.

     4.  Bài "Cái đẹp":  Một bài thơ gồm 15 câu thơ ngắn. Tác giả tả mấy gương mặt, cả đàn ông lẫn đàn bà với một con bò đang kéo chiếc xe nặng nề đi trên đường - Qua đó để xây dựng hình tượng về... "cái đẹp" !? Song bài thơ không lột nổi ý tưởng. Câu cú, hình ảnh, ý nghĩa chưa có gì đáng bàn - Tôi bỏ qua cho bớt dài.
 
    5.  "Xô-nát hoàng hôn trên biển" Đến bài này thì mới thực là rối rắm. Một bài thơ dài tới 54 câu. Tác giả chợt loé lên ý tưởng của cảnh đánh cá biển trong hoàng hôn, rồi dẫn dụ mặt trời như cái vòng quay lửa đang lăn. Khi thì anh ta ví con sóng chìm tan trước mặt là con sóng chết; Lúc gọi những con sóng vỗ triệu năm đó điên cuồng, mệt mỏi; Rồi những dây buộc chèo xiết đến toé máu; Những tấm lưới bung ra và cả lũ cá dại khờ... vào cuộc chia ly! Nghĩa là chia ly với sự sống, bị bắt và chết.
     Thế thôi - Trong cái vòng ấy, mặt trời lăn thêm một vòng, một vòng nữa thì chạm vào mặt biển... và đó là cơn đau đớn vĩ đại, nỗi khát khao vĩ đại của lửa... và lúc đó lòng anh ta đau đớn nhất ? Ngôn ngữ thơ nói phóng đại, nói to tát, nhưng ý nghĩa hình ảnh chẳng ra đâu vào đâu. Chủ đề không rõ ràng. Đọc chán chê, rức cả mắt mà vẫn không biết Nguyễn Quang Thiều định nói về cái gì? Tứ còn loạn nên rất khó bình. Rồi anh ta than rằng: Không chịu nổi lúc có một bài ca lưu lạc trở về... Nhưng vì sao như vậy? Thì chịu. Phải gọi diêm vương dưới âm phủ về giàng nghĩa.
-  Nào là bài ca con thuyền vỡ.
-  Bài ca những tấm lưới rách.
-  Cả bài ca của những người đã chết rơi xuống đáy biển... mà rơi như một chiều đang buồn ngủ... nhưng, không đau khổ và không ân hận ???
      Thật vô lý và vô tâm !... Anh ta vơ tất cả những số phận bị hiểm hoạ phải rơi xuống đáy biển ấy làm thành một bài ca, rồi bảo họ chết không đau khổ và không ân hận !? Tình cảnh ra sao? Hiểm họa thế nào? Tại sao tất cả họ, ai cũng... vui vẻ chết? Đấy là nhà thơ vui vẻ ca, chứ có phải ai cũng sẵn sàng chết đâu?
     Cái mà người ta gọi thơ Thiều như... "thơ Tây"? Cái mà Hữu Thỉnh, ông Chủ tịch HNVVN chắc gì đã hiểu được mô tê về thơ của Thiều? nhưng cứ nói quàng: Đọc xong thơ Nguyễn Quang Thiều, ông trở thành một con người khác - và ông Chủ tịch kết luận: "như thế gọi là thơ hay!" ? Đúng là "ăn ốc nói mò". Một ông Chủ tịch Hội, trình độ thẩm định thơ ca đã yếu lại hay nói bậy, làm bậy.
    Trở lại với bài thơ. Tất cả cái mớ hình ảnh được miêu tả như thế, Nguyễn Quang Thiều vơ vào mà tạo thành " Xô-nát hoàng hôn biển". Tả đủ mọi kiểu như một tập an-bom hỗn độn. Suy lý tuỳ tiện, thả phanh. Đọc cứ nhoằng nhoằng, thấy có vẻ kêu kêu... kêu kêu... chứ chả có hình ảnh hoặc câu thơ nào được gọi là súc tích và hay.
    Kết luận: Bài này cũng chỉ là một thứ thơ... ra rác !!! Ai nói không ra rác, hãy bình thử tôi nghe?

                                           TÔI BÌNH SANG NĂM BÀI THƠ CUỐI
    6.  "Câu hỏi cuối ngày" tr.75-76:  Trước hết phải nói, đây là một bài thơ viết rất vớ vẩn. Không những thế, tác giả còn tỏ ra... hợm. Dù có bị dài, nhưng với bài thơ này tôi cũng xin chép cả ra đây:
                      Tôi tựa lưng vào bức tường xám mốc
                      Đợi chuyến xe tan tầm
                      Đó là khoảng thời gian tôi đói nhất và buồn nhất trong ngày

                      Phía bên kia đường tôi đợi
                      Những chiếc lá tôi không biết tên phủ đầy bụi
                      Những chiếc lá dịu dàng rụng xuống
                     Cơn mơ buổi chiều vàng thẳm dâng lên
                     Trong cơn mơ đói và buồn
                     Các cô gái đẹp mặc váy cưỡi xe máy phóng qua
                     Như dao sắc phất  vào tôi
                    Tôi nhói lên một câu hỏi
                    Như người ứa máu
                    Rằng nếu tôi lấy họ
                    Tôi sẽ ngủ với họ thế nào.

                    Và chuyến xe tan tầm lại đến
                    Ọp ẹp và bẩn thỉu như chiếc lồng vịt khổng lồ
                    Tôi vội vã bước vào trong đó
                    Các cô gái buôn chuyến đang ngoẹo đầu ngủ
                    Tóc tai quần áo sặc mùi cá khô
                    Giấc mơ sẽ thế nào trong giấc ngủ thế kia
                    Và lòng tôi nấc một câu hỏi
                    Như một người sặc khói
                    Rằng nếu tôi lấy họ
                    Tôi sẽ ngủ với họ thế nào.
     Có gì đâu, anh ta tả về một buổi chiều đợi chuyến xe tan tầm, chắc là để về nhà. Nội dung của bài thơ chỉ tả rằng: Anh ta tựa lưng vào một bức tường xám mốc, đợi xe trong sự đói và buồn. Ở bên kia đường chả có gì... ngoài những chiếc lá phủ đầy bụi.
     Nhưng có điều kì quặc là, những chiếc lá "phủ đầy bụi" mà lại... "dịu dàng rụng" ?... trong cái tâm trạng... "vừa đói vừa buồn"?
- Đói và buồn... lại thấy những chiếc là phủ đầy bụi... dịu dàng rụng xuống? Nguyễn Quang Thiều viết thơ với một cảm xúc thật quái gở và giả tạo.
     Nguyễn Du từng viết:
                       Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ
    Chưa hết, khi những chiếc lá phủ đầy bụi ấy... "dịu dàng rụng"? Thì: Cơn mơ buổi chiều vàng thẳm dâng lên /  (câu thơ 7) -  "Cơn mơ vàng thẳm"  là hình ảnh của một cơn mơ đẹp...
                                                                      ("vàng vọt" hay "vàng bệch" mới là màu biểu tượng cho sự úa tàn, buồn chán)
 - Đói và buồn mà lại có một... cơn mơ đẹp? khi những chiếc lá "phủ đầy bụi"... "dịu dàng rụng" - Thơ ơi là thơ!... Thiều ơi là Thiều!... Quả tình Nguyễn Quang Thiều viết thơ văng mạng. Người ta bảo thơ Thiều đọc như "Tây" cũng vì tả như thế này chăng? Một cách tả chẳng những vô lý, vô nghĩa mà lại còn sai bét cả.
     Thế rồi - nhìn thấy mấy cô gái đẹp mặc váy cưỡi xe máy phóng qua... lòng anh ta nhói đau "như có dao sắc phất vào... như kẻ ứa máu" - Anh ta than:
                      Rằng nếu tôi lấy họ
                      Tôi sẽ ngủ với họ thế nào ???
     Có phải ai người ta cũng muốn lấy cái anh chàng nhà thơ quèn Nguyễn Quang Thiều đâu? Họa chăng phải là kẻ lắm tiền, nhiều của như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chẳng hạn?... Chí ít cũng quyền cao chức trọng, không thiếu tiền tiêu sài, mà lại được Tàu Khựa rất yêu mến... như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng? Hoặc nguyên Tổng bí thư đảng cộng sản Nông Đức Mạnh... " liêm khiết" đến mức, khi về hưu rồi mới xây cả một cơ ngơi nhà cửa dát vàng, dát bạc hoành tráng, sàn lát đá hoa cương... nguy nga như cung vua, phủ chúa - lại còn vào loại... "đạo đức mẫu mực"... nên mới chiếm đoạt cả nhân tình của con trai về làm vợ?
    
Tôi nói tiếp phần cuối của bài - Hết cái đoạn anh ta tả về các cô gái phóng xe máy qua rồi thì, chuyến xe tan tầm đến. Anh ta lại tả về chiếc xe tan tầm đó: Nó "ọp ẹp và bẩn thỉu như chiếc lồng vịt khổng lồ" - vào trong thấy:
                      
Các cô gái buôn chuyến đang ngoẹo đầu ngủ
                       Tóc tai quần áo sặc mùi cá khô
     C
ũng một ý nghĩ như trên, nhưng lần này Thiều không "ứa máu" nữa, mà:
                       ... nấc lên một câu hỏi
                       Như một người sặc khói
      Rằng nếu lấy họ, thì anh ta sẽ phải ngủ với họ thế nào ??? Hết thơ!
     Đúng là thơ với chả thẩn? Ai cũng đòi ngủ. Lại còn tỏ ra kênh kiệu, kệch cỡm:
                    Không hiểu: Tôi sẽ ngủ với họ thế nào?
     Thế mà một số trong Hội nhà văn cứ khen rối, khen rít... Thơ hay?

     Hữu Thỉnh
thì buông lời phán bậy: Thơ Nguyễn Quang Thiều có tính dân tộc cao? - rồi tuyên bố: Sắp tới tập thơ "Sự mất ngủ của lửa " sẽ được tặng giải thưởng nhà nước là hoàn toàn xứng đáng? Đúng là một lão Chủ tịch Hội nhà văn hài hước hết mức.
     Mà cũng chẳng có gì là lạ: Nước đã mạt thì Hội nhà văn Quốc gia cũng suy, cũng mạt. Chẳng thế, ngay chính Hữu Thỉnh từng đem cả tập "Thương lượng với thời gian" thấp kém chỉ để vứt đi, cùng với tập trường ca biển làng nhàng, tranh giành lấy cái giải thưởng Hồ Chí Minh đó sao? Thì tập thơ "Sự mất ngủ của lửa" của Nguyễn Quang Thiều, chúng có đem trao cho nhau cái giải thưởng nhà nước... cũng đâu phải chuyện bất ngờ? Ngay nhà thơ Việt Phương, một Hội viên HNVVN đã phải buồn chán từng than rằng: "Hội nhà văn Việt Nam" đang bị thao túng bởi nhóm lợi ích".
Đúng là những kẻ mất nhân cách và đáng phỉ báng.


   7.  Bài "Thời gian" Là bài thơ Nguyễn Quang Thiều tự sự về đứa con gái đang ốm của mình. Với tình phụ tử ấy nên tôi không muốn bình nhiều, chỉ xin nói ít lời khái quát. Bài thơ chia làm bốn  khúc, 15 câu thơ.
-  Khúc đầu, giới thiệu tác giả ngồi bế cô con gái đang sốt. Bố cũng sốt và con cũng sốt "Trò chuyện với nhau bằng những cơn ho".
-  Khúc hai, tả cái bếp lửa gần đó và tiếng bẻ củi. Ngọn lửa linh thiêng cựa mình, hình như có bước chân đi quanh đống lửa làm những làn tro ấm bay lên.
-  Khúc ba, tác giả tưởng tượng ra một mùa thu thắm đỏ... có con rắn nâu bò qua vườn trên lớp lá vàng... rồi anh ta bỗng khóc cùng mùa hạ, khi thấy bóng mình quanh khu vườn đó?... Hoài niệm về tuổi thơ hay quá khứ chăng? Không biết. Ý nghĩa khi tả những hình ảnh ấy để nói cái gì? Con rắn nâu kia biểu tượng cho cái gì? Có quan hệ gì tới đứa con gái đang sốt? Như " thơ kín mít " Âu Châu thế kỷ XIX vậy.
-  Khúc bồn, trở lại với hình ảnh ban đầu: Tác giả đang ngồi ôm con trước lửa. Một cơn sốt ôm một cơn sốt: Những tiếng ho bình đẳng vỡ làm đôi / - Hết thơ.
     Hình ảnh, ngôn ngữ và ý nghĩa thơ còn làng màng, sơ giản bên ngoài... chưa rung cảm được trái tim đời. Bài thơ không đứng được với thời gian.

   8.  Sang bài "Âm nhạc" Cũng là một bài thơ tác giả tả về ngày đưa tang con gái. Thôi, nghĩa tử là nghĩa tận - Bài thơ này tôi bỏ qua, không động vào.
   9.  "Tha phương" Bài thơ gồm 22 câu ngắn và thuộc trong những bài thơ ngắn nhất tập. Tác giả nói về tâm trạng của người sống tha phương, chắc là ở nước ngoài.
-  Khúc thứ nhất tả con đường lạ, ngơ ngác... vừa bước vừa vấp.
-  Khúc thứ hai có 3 câu tả về "nỗi khóc" - Ba câu là ba kiểu khóc: Khóc trong cỏ gai? Khóc trong rơm rạ? và cuối cùng... khóc thành rêu? Tình thơ rất khó suy luận. Những hình ảnh nhặt nhạnh này không có tính đặc trưng, điển hình... nên thơ không thoát ý. Phân tích kỹ thì như tác giả cố bịa ra để thơ thêm màu sắc, chứ không phải thơ ra từ trong cảm xúc? Còn nỗi khóc thư ba "Khóc thành rêu": Tức là khóc liên miên, ngày này qua tháng khác - Ý nói, những ngày sống tha phương tác giả...  chỉ toàn khóc mà thôi !? Hình tượng tả bị hỏng.
     Đoạn thơ sau cũng tả vài hình ảnh để nói về nỗi đau, nỗi nhớ của kẻ tha phương, rồi tác giả kết thơ:
                      Chỉ mùi khói phân trâu khô bên đường bén lửa
                      Ngăn ngắt đắng vào giấc ngủ kẻ tha phương.
     Nói chung bài thơ bình thường, dưới trung bình. Từ nội dung ý nghĩa đến ngôn ngữ nghệ thuật... nhàng nhàng, nhàn nhạt.

   10. Cuối tập là "Bài hát về cố hương": Một bài thơ dài 33 câu, chia làm bốn khúc. Mỗi khúc đều được tác giả bắt đầu bằng câu thơ:
                      Tôi hát bài hát về cố hương tôi
-   Khúc mở đầu: Tác giả giới thiệu hát bài cố hương này vào lúc tất cả đã ngủ say, chỉ còn những vì sao và ngọn gió hoang cùng thức.
    Sau đó đến một só hình ảnh còn đọng trong tiềm thức - Nào là, có tiếng nói mê của đàn ông bên mé tóc đàn bà; thoảng mùi sữa mẹ tràn vào đêm; rồi những bầu vú con gái tuổi mười lăm như những mầm cây đang nhoi lên; cả tiếng ho khúc khắc của người già với vườn cỏ khuya vẫn thức một mình
    
Đấy, toàn bộ hình ảnh cố hương được gợi ra trong khúc một là thế!
-   Khúc hai:  Nói về ánh sáng của ngọn đèn dầu để tác giả sáng tác văn thơ... cũng là ngọn đèn của cố hương mà ông bà để lại, đẹp và buồn, cho tác giả biết yêu, biết khóc.
-   Khúc ba:  Nói về khúc ruột, ( tức là cái cuống rốn khi người mẹ sinh ra anh ta ) đã chôn ở đó. Nó thành con giun đất bò âm thầm dưới vại nước, bờ ao, quằn quại qua khu mồ dòng họ, qua bãi tha ma người làng chết đói, đất đùn lên máu chảy ròng ròng.
-   Khúc bốn:  Khúc cuối cùng để kết thơ, nói về những chiếc tiểu sành bên lò gốm. Một mai anh ta chết cũng sẽ nằm trong đó - Và chí nguyện của tác giả là kiếp này là người, nhưng kiếp sau phải là vật. Anh ta chỉ xin làm một con chó nhỏ... để canh giữ nỗi buồn, báu vật của cố hương.
     Tôi cứ đọc đi, đọc lại mãi bài thơ và luôn đặt ra một câu hỏi: Bài thơ viết về vấn đề gì nhỉ? Ừ, thì viết về cố hương - Nhưng ý của bài thơ muốn nói đến cái gì?
     Khi nói về hình ảnh của làng quê Việt Nam, người ta thường dùng hình tượng về "Cây đa, bến nước, sân đình..." hay các hình ảnh mang tính đặc trưng, đặc thù của quê hương đó.
     Nhưng hình ảnh cố hương của Nguyễn Quang Thiều lại chỉ là: Tiếng nói mê của những người đàn ông về đàn bà, những bầu vú của con gái tuổi mười lăm đang mơn mởn, rồi tiếng ho khúc khắc của mấy ông bà già...
-
Những hình ảnh này nhặt nhạnh ở cuộc sống... nơi nào mà chẳng thấy, đâu phải là những hình ảnh để làm biểu tượng? Chỉ có hình tượng về "dòng sữa thơm của mẹ" là chấp nhận được.
     Đến đoạn thơ tác giả nói về khúc ruột, nó không tiêu tan mà thành con giun đất bò đi khắp nơi, khắp chốn... máu chảy ròng ròng? - Vậy ta cũng có thể nói: khúc ruột đó nó không tiêu tan mà hoá thành... con gián. Con gián bò khắp nhà, từ xó này qua xó khác - Hoặc hoá thành con cáo cào bay khắp đồng trên, xóm dưới, phủ kín bầu trời cố hương v.v...
     Nghĩa là, những hình tượng trong "Bài hát về cố hương" của Nguyễn Quang Thiều còn mang tính lặt vặt, manh mún. Tác giả chưa khai thác được những nét riêng biệt, để bài thơ có tính đặc trưng hay đặc thù của cố hương. Tầm vóc thi ca thường, chưa gây được cảm xúc đối với người đọc.
 
 *  Giờ tôi quay trở lại bình vào bài "Sông Đáy": Chính là bài thơ in đầu tiên của tập. Như tôi đã nói, Sông Đáy tuy chưa đạt được là thơ hay, nhưng là bài thơ khá nhất tập. Tính đến nay, Thiều chưa có một bài thơ hay nào.

     Một bài thơ về quê hương dài 24 câu, phần lớn là những câu thơ dài. Thơ dễ đọc, cũng dễ hiểu. Cấu tứ bài thơ chia làm hai phần:
-  Phần 1/.   Tình cảm khi xa quê, tức là xa sông Đáy.
-  Phần 2/.   Trở về.
     Cái được của bài thơ là giầu cảm xúc, ngôn ngữ giản đơn hơn nhiều so với những bài thơ khác. Tuy nhiên, liệu bài thơ có tồn tại nổi với tháng năm không? Nó có giá trị về mặt thi ca như thế nào đối với nền văn học? Tôi sẽ bàn sau. Giờ xin đi vào phân tích một số nét cụ thể.
a. Phần 1/.  Xa quê - Tác giả ví dòng sông Đáy đi vào cuộc đời như hình ảnh người mẹ vất vả, sau mỗi chiều đi làm về người đẫm mồ hôi. Anh ta dụi mặt vào lưng áo người thấy mát một mảnh sông đêm. Những năm tháng sống xa quê, vẫn nhớ đến hình ảnh mái tóc của người mẹ trên bến mòn đứng đợi đã xoa dịu nỗi đau của lòng anh. Mẹ như cây ngô cuối vụ khô gầy:
                        Suốt đời buồn trong tiếng lá reo
     Lòng anh ta như người hụt hẫng. Trong cơn mơ vang tiếng cá quẫy tuột câu, như một tiếng nấc âm thầm vỡ...
     Rồi chiều chiều mong hình ảnh dòng sông dâng lên ngang trời. Đôi mắt nhớ thương của anh ta trở thành như hai hốc đất, nơi những con cá bống đến làm tổ giàn giụa nước sông.
b. Phần 2/.  Trở về gặp lại sông -  Tác giả reo lên:
                        Sông Đáy ơi! Chiều nay tôi trở lại
     Cảm xúc như những cánh buồm cổ tích bay xa về tức tưởi trong lòng - Phần này tách ra làm hai đoạn:
*  ĐOẠN MỘT:  Nghĩ về em. Tưởng tượng em đã mang đôi môi màu dâu chín sang đò vào một ngày sông bến vắng - Nhưng anh lại chỉ gặp những bẹ ngô trắng trên bãi... nhớ về một trăng xưa, chiếc áo em tuột rơi trên bến...
*  ĐOẠN HAI:  Trở lại với hình ảnh người mẹ. Mẹ giờ đã già như cát bên bờ. Ngỡ mùi cát khô như mùi tóc của mẹ, quì xuống vốc cát áp vào mặt và... khóc! Cát từ mặt chảy xuống dòng dòng.
     Đấy, toàn bộ bài thơ Sông Đáy mà tôi đã diễn giải ra. Tuy khá nhưng bài thơ chưa có gì đặc biệt. Từ hình tượng đến ngôn ngữ cũng chưa có một câu thơ nào thật hay - Với bài thơ này, Thiều cũng đã được một cái gì đó!... Nhưng liệu rồi bài thơ có đứng nổi với thời gian không? Thì tôi nghĩ rằng cũng khó.  So với các bài thơ hay của thi đàn như: Mùa Xuân Chín, Đây thôn Vĩ Dạ, Bẽn lẽn của Hàn Mặc Tử - Thu Điếu của Nguyễn Khuyến - Tương Tư hay Lỡ Bước Sang Ngang của Nguyễn Bính - Tràng Giang Huy Cận - Tranh Loã Thể Bích Khê - Hay như với Thuyền Và Biển của Xuân Quỳnh v.v... Thì Sông Đáy của Nguyễn Quang Thiều còn kém rất xa.
 
   KẾT LUẬN:  "Sự mất ngủ của lửa" là tập thơ vào loại trung bình và không có khả năng tồn tại đối với nền văn học nước nhà.
   -  Nghĩa là thơ của Nguyễn Quang Thiều sẽ ra rác - Vậy mà Hữu Thỉnh cứ trâng trâng tâng bốc: Như thế mới gọi là thơ hay! Thơ Nguyễn Quang Thiều có tính dân tộc cao, xứng đáng được tặng giải thưởng nhà nước? Thật là, một ông Chủ tịch Hội nhà văn toàn "ăn ốc nói mò".


       Hà Nội, 1/2016

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.