Nguồn INTERNET
LUẬT HỎI NGÃ
Phan Lục
Vì luật dùng dấu hỏi ngã có khác nhau giữa các loại từ tiếng Việt nên trước hết, ta phải biết phân biệt hai loại từ: từ Hán Việt và từ thuần Việt. Từ Hán Việt là những từ vay mượn trong tiếng Hán nhưng đọc theo giọng Việt. Từ thuần Việt hay còn gọi là từ Nôm tức là những từ thuần túy của người Việt Nam hoặc do người Việt Nam tạo nên với những tiếng mượn của nước ngoài nhưng đã Việt hóa.
PHÂN BIỆT TIẾNG NÔM VÀ TIẾNG HÁN VIỆT
- Từ Nôm là những từ nói sao hiểu vậy. Ví dụ: con dao, tờ giấy... Còn từ Hán Việt thường phải dịch ra bằng một từ thông dụng (tiếng Nôm) cho dễ hiểu hơn. Ví dụ: học đường (trường học), phi cơ (máy bay), bệnh nhân (người bịnh) v.v... Tuy nhiên, cũng có một số từ Hán Việt không dịch ra từ thông thường được nhưng vẫn có thể hiểu được. Ví dụ: thành công, hạnh phúc, kết quả v.v... Có những tiếng đơn Hán Việt được dùng làm tiếng Nôm gọi là tiếng Nôm gốc Hán Việt. Ví dụ: lãnh, danh, đạo, pháp, lý, huyết v.v...
- Nhìn ngữ pháp, ta có thể dễ dàng phân biệt được từ Nôm hay từ Hán Việt. Nếu từ đứng trước là hình dung từ làm rõ nghĩa cho danh từ đứng sau thì đó là từ Hán Việt (ngữ pháp giống tiếng Tàu). Ví dụ:thắng cảnh (cảnh đẹp), yếu điểm (điểm trọng yếu), tiểu quốc (nước nhỏ) v.v... Nếu hình dung từ đứng sau làm rõ nghĩa danh từ đứng trước thì đó là từ thuần Việt (từ Nôm). Ví dụ: cảnh đẹp, điểm yếu
(nói theo tiếng Hán Việt thì là nhược điểm – chú ý: yếu điểm và điểm yếu không cùng nghĩa).
- Nhìn từ ghép để phân biệt: tiếng Nôm ghép với tiếng Nôm, ví dụ:
tươi tốt, mỏi mệt v.v...và tiếng Hán Việt ghép với tiếng Hán Việt, ví dụ: họa sĩ, học sinh, giáo sư v.v... Do đó, nếu biết chắc một từ là Nôm hay Hán Việt thì có thể quả quyết từ kia là Nôm hay Hán Việt. Ví dụ: biết ‘tốt’ là từ Nôm thì quả quyết từ ‘tươi’ cũng là từ Nôm. Như vậy, ‘hóa’ là từ Hán Việt thì chỉ có thể ghép với từ Hán Việt như ‘nông thôn hóa’, ‘xích hóa’ v.v... chứ không thể ghép với từ Nôm như ‘mặn hóa’, ‘sạch hóa’ v.v... (‘mặn’ và ‘sạch’ là từ thuần Việt thì không thể ghép với ‘hóa’ là từ Hán Việt). Cũng vậy, từ ‘siêu’ là từ Hán Việt thì chỉ có thể ghép với từ Hán Viêt như ‘siêu đẳng’, ‘siêu cường’ v.v... chứ không thể ghép với từ Nôm như ‘siêu mỏng’, ‘siêu đẹp’ .... (‘mỏng’, ‘đẹp’... là từ Nôm)
- Nhìn thấy một từ có nghĩa nhưng không thể đứng một mình mà phải ghép với một từ khác mới có nghĩa đầy đủ thì đó là từ Hán Việt. Ví dụ: quốc gia, sơn hà, quan sát v.v... Khi gặp một từ ghép mà cả 2 tiếng đều mơ hồ về nghĩa, nhất là đối với những người có trình độ Hán học hạn chế, thì đó là từ Hán Việt. Ví dụ: cảnh giác, hy sinh
v.v...
- Đặc biệt trong từ thuần Việt có dạng tiếng đôi lấp láy là một cặp từ gồm một tiếng có nghĩa ghép với một tiếng không có nghĩa hoặc do hai tiếng không có nghĩa ghép lại nhưng giọng nghe hài hoà, thuận tai, dễ đọc. Ví dụ: mát mẻ, dễ dãi, đẹp đẽ v.v... (một tiếng không có nghĩa) – châu chấu, lải nhải, rù rì v.v... (hai tiếng không có nghĩa).
DẤU HỎI NGÃ TRONG TỪ HÁN VIỆT
Như đã nói ở trên, nhận biết một từ Hán Việt thì sẽ rất có lợi vì phân biêt được một phần khá lớn những từ mang dấu hỏi ngã trong nhóm từ Hán Việt. Ta có thể tóm tắt luật hỏi ngã trong từ Hán Việt như sau:
1) Những từ Hán Việt bắt đầu bằng các phụ âm d, l, m, n, nh, ng, v thường viết dấu ngã (trừ một ngoại lệ duy nhất là ‘ngải cứu’). Để cho dễ nhớ 7 phụ âm đầu của các chữ viết dấu ngã thì nên học thuộc lòng câu sau đây:
Mình Nên Nhớ Vũ Là Dấu NGã
Tuy nhiên, xin đừng nhầm lẫn từ Hán Việt với những từ Nôm sau đây:
Lả (lả lơi, ẻo lả)
– Lảng (lảng vảng)
– Lảnh (lảnh lót)
– Lảo (lảo đảo)
– Lẩm (lẩm rẩm)
– Lể (lể ốc)
– Lưởng (lưởng thưởng)
– Mả (mồ mả)
– Mải (mải miết)
– Mảnh (mảnh mai)
– Mẩn (mê mẩn)
– Mẩu (mẩu chuyện)
– Ngả (ngả quỵ)
– Ngủ (đi ngủ)
– Nhả (nhả mồi, nhả tơ)
– Nhản (nhan nhản)
– Nhỉ (vui nhỉ?)
– Nhủ (khuyên nhủ)
– Dẩn (dớ dẩn)
– Dỉ (dỉ hơi)
– Vảng (lảng vảng)
– Vỉ (vỉ lò, vỉ bánh)
– Viển (viển vông)
– Vỏ (vỏ ốc, vỏ sò).
2) Ngoài các trường hợp kể trên, những từ Hán Việt bắt đầu bằng nguyên âm hoặc các phụ âm khác thì viết dấu hỏi, trừ những trường hợp ngoại lệ cần nhớ thuộc lòng:
b: bãi (bãi thị, bãi công, bãi nại)
– bão (bão hòa, hoài bão)
- bĩ (bĩ vận)
c: cữu (linh cữu)
– cưỡng (cưỡng bách, cưỡng đoạt)
đ: đãi (bạc đãi, đãi bôi)
- đãng (khoáng đãng, đãng tử)
– đễ (hiếu đễ)
– điễn (điễn khí)
– đỗ (chim đỗ quyên, họ Đỗ)
h: hãi (kinh hãi)
- hãm (hãm hại)
– hãn (hãn hữu)
– hãnh (hãnh diện,kiêu hãnh)
- hoãn (hoãn binh, hoãn đãi)
– hỗ (hỗ trợ) – hỗn (hỗn tạp,hỗn mang)
– huyễn (huyễn hoặc, huyễn mộng)
– hữu (bằng hữu, hữu hảo, hữu lý)
k: kĩ (ca kĩ, kĩ sư, kĩ thuật, kĩ xảo)
ph: phẫn (phẫn nộ)
– phẫu (phẫu thuật)
q: quẫn (quẫn bách)
– quỹ (quỹ đạo, quỹ tích, ngân quỹ)
s: sĩ (bác sĩ, viện sĩ)
– suyễn (suyễn tức)
t: tễ (dược tễ, dịch tễ)
- tiễn (tiễn biệt)
- tiễu (tiễu trừ, tuần tiễu)
– tĩnh (tĩnh mịch, tĩnh dưỡng)
– tuẫn (tuẫn tiết)
th : thuẫn ( mâu thuẫn)
– thũng (phù thũng)
tr: trãi (tên một loài thú hoang đường, Nguyễn Trãi)
– trẫm (tiếng vua tự xưng, trẫm triệu)
– trĩ (ấu trĩ, trĩ nội, trĩ ngoại)
– trữ (dự trữ, lưu trữ, tích trữ)
x: xã (xã hội, xã tắc)
DẤU HỎI NGÃ TRONG TỪ THUẦN VIỆT
Tiếng thuần Việt được chia thành 2 nhóm giọng (thanh):
- giọng Bổng gồm các giọng Không (dấu), Sắc và Hỏi.
- giọng Trầm gồm các giọng Huyền, Nặng và Ngã.
Dựa vào các bậc trầm bổng mà ta có thể rút ra luật hỏi ngã của từ
thuần Việt như sau:
1) Khi hai tiếng Nôm có thể lấp láy với nhau thì hễ một tiếng không dấu hoặc có dấu sắc thì tiếng kia phải mang dấu hỏi và ngược lại, hễ một tiếng mang dấu huyền hoặc dấu nặng thì tiếng kia phải mang dấu ngã. Ví dụ: đẹp đẽ, mới mẻ, vui vẻ, vội vàng, vẻ vang, lạnh lùng, lững lờ, ngất ngưởng, thỉnh thoảng, đo đỏ, lở lói, vắng vẻ, nhão nhoẹt, lạnh lẽo, não nùng, ỡm ờ v.v...
Trừ ngoại lệ: bền bỉ, chàng hảng, hoài hủy, niềm nở, ngoan ngoãn, phỉnh phờ, sành sỏi, trễ nải, vỏn vẹn, ẻo ẹo, se sẽ, luồn lỏi, sửng sờ v.v...
2) Khi một từ có thể chuyển thanh điệu sang từ không dấu hoặc có dấu sắc nhưng không thay đổi ý thì chắc chắn mang dấu hỏi; ví dụ: tan, tán, tản – len, lén, lẻn – can, cản – không, khổng - quăng, quẳng v.v...
Ngược lại, khi một từ có thể chuyển sang thanh huyền hoặc thanh nặng thì chắc chắn mang dấu ngã; ví dụ: lời, lãi lợi – ngờ, ngỡ, ngợ - dầu, dẫu – cùng, cũng – chưa, chửa – đà, đã - đậu, đỗ - giẵm, giậm – trĩu, trịu – chõi, chọi – ngẫm, gẫm v.v...
Cũng tương tự, tiếng Nôm chuyển gốc từ tiếng Hán Việt thì phải theo dấu giọng của tiếng gốc. Ví dụ: hô (hấp) > thở - tu > sửa – giá (thú) > gả - giả (độc giả) > kẻ - hàng (hóa) > hãng (buôn) – dĩ (vãng) > đã – kỵ (mã) > cỡi v.v... Tuy nhiên, phải trừ những ngoại lệ: gõ/khỏ - hõm/hóm – kẻ/gã – rải/vãi – mặn/mẳn - làu/ lảu (thuộc) – lử/luỗi (mệt) – phồng/phổng – ngõ/ngả - quãng/khoảng – rõ/tỏ - trội/trổi – lõm/lóm.
3) Khi hai tiếng đứng gần nhau mà mỗi tiếng có nghĩa riêng thì giữ dấu riêng.
Ví dụ: lú lẫn, mồ mả, mòn mỏi, trồng tỉa, ủ rũ v.v...
4) Các tiếng nói gộp âm đều mang dấu hỏi. Tiếng nói gộp âm là
tiếng gộp hai âm tiết thành một như: bà ấy > bả - ông ấy > ổng –
bên ấy > bển – trong ấy > trỏng – hồi ấy > hổi – năm ấy > nẳm v.v...
5) Những từ bắt đầu bằng nguyên âm a, ă, â, e, ê, i, y, o, ô, ơ, u, ư đều mang dấu hỏi. Ví dụ: ả đào, ẳng ặc, ẻo lả, im ỉm, ỉa, ấp ủ, ỷ v.v... Trừ ngoại lệ: ẵm, ẽo ẹt, ễ, ĩnh, õng, ỡm, ĩ, ũi, ưỡn
6) Các tiếng vay mượn từ tiếng nước ngoài và đã chuyển sang giọng tiếng Việt thì thường viết với dấu hỏi. Ví dụ: mỏa (moi = tôi), lủy (lui = nó), đi rỏn (ronde = đi tuần quanh), sở cẩm (commissaire de police = sở cảnh sát), làm cỏ vê (corvée = làm tạp dịch) v.v...
VÀI QUY TẮC KHÁC
- Các chữ là trạng từ đều mang dấu ngã. Ví dụ: cũng, đã, nữa v.v...
- Các chữ là tên quốc gia hoặc họ cá nhân đều mang dấu ngã. Ví dụ: A Phú Hãn, Bão Gia Lợi, Mỹ v.v... (ngoại lệ: Bỉ) – Đỗ ngọc Hà, Nguyễn văn Dũng, Lữ văn Thiện, Sữ duy Nhân, Dãn thành Chung, Quãng trọng Vịnh, Mã giám Sinh, Vũ đại Phu v.v...
Tóm lại, viết sai dấu hỏi ngã sẽ làm sai lạc cả câu văn, có thể đưa đến sự hiểu lầm tai hại và làm mất giá trị của câu văn. Đọc một đoạn văn viết sai dấu hỏi ngã cũng khó chịu như ăn miếng cơm mà gặp hạt sạn. Xin đơn cử một vài trường hợp viết sai dấu hỏi ngã làm thay đổi ý nghĩa câu văn như sau:
- Viết ‘mở mặt mở mày’ có nghĩa là được sống đàng hoàng, hãnh diện và tự hào với xung quanh nhưng nếu viết ‘mỡ mặt mỡ mày’ thì có thể hiểu là mặt mày có mỡ (mập).
- ‘Nhân sĩ’ (chữ sĩ với dấu ngã) có nghĩa là người trí thức có danh vọng trong xã hội nhưng nếu vô tình viết ‘nhân sỉ’ (chữ sỉ với dấu hỏi, có nghĩa là sỉ nhục) thì ý nghĩa sẽ bị đảo ngược.
- ‘Sửa chữa’ (sửa với dấu hỏi và chữa với dấu ngã) có nghĩa là sửa sang cái gì bị hư hỏng nhưng nếu viết ngược lại là ‘sữa chửa’ (sữa dấu ngã và chửa dấu hỏi) thì có thể hiểu là sữa của người đàn bà đang mang bầu.
Vì vậy, việc phân biệt dấu hỏi và dấu ngã thật khó khăn nhưng rất cần thiết để nâng cao trình độ hiểu biết về chuẩn mực ngôn ngữ của tiếng Việt. Muốn đạt kết quả tốt trong việc viết văn và giữ gìn cho tiếng Việt được trong sáng, chúng ta cần phải thực tập công phu và đều đặn trong việc áp dụng luật hỏi ngã. Làm sao cho việc viết dấu hỏi ngã trở thành thói quen mà không cần phải suy nghĩ nữa.
|