Jan 10, 2025

Biên khảo

Tử Xuân Hàm Nghi vị vua lưu đày thành nghệ sĩ
Nhất Uyên Phạm Trọng Chánh * đăng lúc 06:24:05 PM, Dec 24, 2015 * Số lần xem: 1520
Hình ảnh
#1

TỬ XUÂN HÀM NGHI (1872 -1942)

vị vua  lưu đày thành nghệ sĩ

TS PHẠM TRỌNG CHÁNH

                Năm 1926, để kỷ niệm 10 năm thành lập Viện Bảo tàng Auguste Rodin (1840-1917)  Hotel Biron 79 rue de Varenne. Paris 7è, năm 1916. Rodin nhà điêu khắc vĩ đại của thế kỷ 19, 20. La Porte d’Enfer, Cửa Địa Ngục tác phẩm vĩ đại của Rodin lấy cảm hứng từ Divine Comédie (Thần Khúc) của Dante Aligrierie và Fleur du Mal (Hoa Thương Đau) của Charles Baudelaire đã được đúc thành đồng cao 7m nặng 8 tấn. Cùng trong buổi kỷ niệm này các học trò, phụ tá, thân hữu của Rodin tham gia trưng bày triển lãm. Các cuộc triễn lãm kỷ niệm Rodin từ Dépôt des Martres số 182 rue l’Université. Paris 7è, nơi xưởng điêu khắc nhà điêu khắc lúc sinh thời, đến trường Mỹ Thuật Paris 11 quai Malaquais Paris 6è nằm trên bờ sông Seine, đến các Galerie  Hội Họa, Điêu Khắc tại Paris, đến Villa des Bridarts số 19 Avenue Auguste Rodin, ngoại ô Meudon nơi Rodin sinh sống và chôn cất tại đây. Giữa các buổi triễn lãm  tưởng niệm Rodin  đó người ta chú ý đến một nhà điêu khắc, họa sĩ  không phải người Âu Châu, mà mọi người đều thân mật gọi là « Hoàng Tử An Nam », người đó là  Tử Xuân Hàm Nghi triễn lãm tại Galerie Mantelet,  phố La Boétie, Quận 8 Paris. Người giúp đỡ tổ chức buổi triễn lãm này là bà Suzanne Meyer Zundel (1882-1971) nghệ sĩ tạo hình, bạn nhà văn Judith Gauthier. Năm đó Vua Hàm Nghi 54 tuổi , bạn thân của Rodin, đã từng học Điêu Khắc với Rodin từ năm 1893, cứ mỗi hai năm mỗi lần nghỉ hè ông được mời sang Paris hàng tháng. Ngoài việc du lịch, ông bị theo dõi thường xuyên. Nhà cách mạng Kỳ Đồng có gặp được nhiều lần kín đáo, nhưng cuối cùng cũng bị trục xuất. Vì thế ông ít gặp ai trừ vài người như Bùi Quang Chiêu, Trần Văn Thông, Thân Trọng Huề.. được phép của chính phủ Pháp, ngoài các viên chức thuộc địa bó buộc phải gặp, ông dành thì giờ học điêu khắc với Rodin. Rodin khi còn sống đã được mọi người công nhận là một tài năng lớn. Rodin được nhiều đơn đặt hàng khắp các nước. Nơi sáng tác điêu khắc của ông trở thành một  xưởng lớn luôn luôn có từ từ 5 đến 25 nhà điêu khắc phụ tá và hàng chục học trò, thi sĩ danh tiếng Rainer Mania Rilke cũng từng  là thư ký riêng của ông. Và nhiều người cộng tác với ông trở thành những nhà điêu khắc danh tiếng như Antoine Bourdelle, Camille Claudel, Jean Escoula, Bertrand-Jacques Barthélemy, Louis Mathet, Victor Péter, David Lasksine... Năm 1901 nhân L’Exposition Universelle de Paris. Trong Hội Chợ Triễn Lãm Hoàn Cầu tại Paris, người ta đã dành một  cung văn hóa riêng Pavillon Rodin tại gần cầu Alma, để chưng bày toàn tác phẩm của ông. Mối quan hệ giữa Rodin và Hàm Nghi được trân trọng gìn giữ tại khu lưu niệm các kỷ vật Rodin có bức ảnh  le Prince d’Annam của chính nhà vua tặng Rodin, đó là bức ảnh chúng ta thường thấy nhà vua khoảng 30 tuổi mặc áo dài khăn đóng. Mỗi lần có thân hữu từ trong nước sang như nhà thơ Huy Cận, Xuân Diệu.. sang chơi Paris tôi thường đưa đến xem nơi này.

                Ảnh hưởng sự hưng thịnh của  các cuộc triển lãm điêu khắc, Pablo Picasso đang trong thời kỳ Tân Cổ điển (1919-1925) vẽ những người đàn bà mập tròn, cũng bước vào lãnh vực điêu khắc, năm 1926 ông dùng vải, dây nhợ, dây thừng nút áo, giấy bìa cứng cắt dán thành tác phẩm Cây đàn và hoàn thành một loạt các tác phẩm điêu khắc hiện đại khác… Năm 1926 cũng là năm Claude Monet (1840-1926) ráng sức tàn vẽ những nét cuối cùng bộ bích họa 22 bức Hoa súng, tặng cho Nhà Nước chưng bày tại Viện Bảo Tàng Orangerie, vườn Tuillerie.

                Ngày 24-11-2010 một bức tranh Chiều tà ký tên Xuân Tử được bán đấu giá tại Paris, được báo chí Việt viết bài. Mọi người Việt Nam khám phá ra cuộc đời nghệ sĩ một vị vua lưu đày. Ngày 13-11-2015 cô Armendine Dabat sinh năm 1987 người cháu đời thứ năm trình luận án Tiến sĩ tại Viện Đại Học Sorbonne Paris  về vua Hàm Nghi, và cô cũng đã từng về thăm Việt Nam ở lại 18 tháng, nhắc nhở chúng ta vị vua anh hùng trọn đời lưu vong, và cho ta những tài liệu hiếm có chỉ có gia đình mới biết.

                Sách chép về vua Hàm Nghi cho ta biết : Đêm mùng 1 tháng 11 lúc 10 giờ đêm giữa rừng núi thâm u. Trương Quang Ngọc và Nguyễn Đình Tình dẫn 10 tên lính Mường bao vây túp lều tranh vách tre của vua Hàm Nghi bên bờ khe Tảo Bèo. Nghe phía ngoài có tiếng động, hai người thân cận nhà vua chạy ra, đó là :  Thống chế Nguyễn Thùy và con trai ông 45 tuổi, giữ chức Tham Biện Nội Các. Cả hai cha con đều bị tên Ngọc đâm chết liền tại chỗ. Còn lại Tôn Thất Thiệp, 17 tuổi, con út đại thần Tôn Thất Thuyết, cận vệ nhà vua, cầm gươm nhảy ra,  cũng bị một tên lính Mường phóng một ngọn giáo đâm vào ngực chết. Nhìn thấy thảm cảnh ba người thân cận của mình bị bọn phản tặc giết chết, vua Hàm Nghi, mặc dầu rất đau lòng, vẫn cố gắng bình tĩnh, bước ra khỏi lều, cầm gươm chỉ vào mặt tên Trương Quang Ngọc mà nói : «Mi giết ta đi còn hơn là mang ta nộp cho Tây. » Vua Hàm Nghi nói chưa dứt lời thì một tên lính Mường khác nhảy vào giật lấy gươm và ôm choàng ngang lưng, vác vua lên đặt vào võng khiêng xuống thuyền. Thế là vua Hàm Nghi bị bắt lúc 17 tuổi. Ba ngày sau 14-11-1888. Vua nước Nam được đưa về Thuận Bài bằng thuyền . Đồn này ở phía Bắc sông Gianh, bên kia phà Quảng Khê.

                Khi nhà vua từ thuyền bước lên, quân đội Pháp do một thiếu tá chỉ huy, cử nhạc bồng súng chào mừng, thì vua Hàm Nghi liền kéo khăn che mặt lại. Đến khi viên thiếu tá đọc lời chúc từ thì vua nói : « Tôi không dám nhận lời chúc mừng của ông, vì tôi chỉ là bề tôi của vua Hàm Nghi. Vua chúng tôi hiện ở trong rừng. Nếu tôi không bị ốm nặng, thì tôi đã tẩu thoát với nhà vua rồi. » Ý nhà vua không tự nhận mình là vua Hàm Nghi,các sĩ quan Pháp cũng hoang mang.

Được tin vua Hàm Nghi đến Thuận Bài, các quan địa phương đến bái hạ, thì nhà vua giả như không biết đến một ai. Nhưng lúc đó thấy ông Nguyễn Nhuận , thầy học cũ của mình thì nhà vua cúi đầu vái chào một cách hồn nhiên. Từ lúc ấy người Pháp hiện diện mới nắm chắc, đã bắt được trong tay ông vua bé nhỏ mà họ phải hao tổn bao nhiêu xương máu quân đội viễn chinh trong gần bốn năm trời. (Hương Giang Thái Văn Kiểm. Việt Nam Gấm Hoa. Làng Văn, Canada, 1997. Tr 203.)

                Vua Hàm Nghi là con thứ 5 của Kiên Thái Vương Nguyễn Phúc Hồng Cai (em vua Tự Đức- Hồng Nhậm) và bà Phan Thị Thanh Nhàn. Em ruột vua Kiến Phước và vua Đồng Khánh. Hiện nay Kiên Thái Vương Phủ nằm đường Phan Đình Phùng, Huế.

Lên ngôi ngày 2-8-1884 lúc 13 tuổi. Năm 1885 nhân sự việc quan Phụ chính Đại thần Tôn Thất Thuyết hạ lệnh tấn công Đồn Mang Cá, nơi Pháp đồn trú, cuộc tấn công thất bại. Tôn Thất Thuyết đem cả triều đình chạy ra Tuyên Hóa, Quảng Bình truyền chiếu Cần Vương. Năm 1888 nhà vua bị kẻ hầu là Trương Quang Ngọc làm phản bắt nộp cho Pháp.

Tháng giêng 1889 bị đày sang Algérie, trên chiếc tàu mang tên Biên Hòa, đi cùng có một người thông dịch tên Trần Bình Thanh và một đầu bếp.  Vua Hàm Nghi được đại úy Đại Úy Henri de Vialar, sĩ quan tùy tùng của Toàn quyền Algerie, Tirman thay mặt tiếp đón và lo liệu mọi việc, nhà vua ở cách thủ đô Alger vài cây số trên đồi Mustapha Supérieur, sống trong Villa des Pins (Biệt Thự Tùng Hiên), ngôi biệt thự xung quanh có vườn hoa, có sân, đường vào nhà có hai hàng thông. Ngôi nhà ngày nay trở thành Sứ quán Nga, số 7 chemin du Prince D’Annam. Alger.

                Năm 1905 Biệt thự Gia Long được xây cất do Guiauchoun, kiến trúc sư tại Alger thiết kế, và từ đó vua Hàm Nghi cưới vợ và ở đó cho đến cuối đời. Trong ngôi vườn này  nhà vua đã tạc những bức tượng lớn, về sau tượng đã được đem về một viện bảo tàng.

                Lúc đầu nhà vua không chịu học tiếng Pháp chỉ thông qua người thông dịch, nhưng sau đó 6,7 tháng, sống lẽ loi, không tiếp xúc gì được với người Việt Nam, thư từ đều bị chận lại, bị theo dõi, vua Hàm Nghi đã học tiếng Pháp. So với vua Dục Đức, bị giam bỏ đói, không ăn không uống trong ngục kín, vua Hiệp Hòa, vua Kiến Phước bị bức tử, ép uống thuốc độc bởi các quan đại thần Việt Nam chuyên quyền, vua Đồng Khánh cũng  bị đầu độc, « nôn mửa ra máu đen hấp hối 10 ngày ». Vua Hàm Nghi có số phận may mắn hơn. Tuy xa nước nhưng được hưởng trợ cấp 25000 đồng một năm số tiền ấy khá lớn so với tiền thời bấy giờ, lấy từ ngân sách Đông Dương. Được người  đến dạy học, tiếng Pháp, học đàn dương cầm, học nhiếp ảnh, học vẽ tranh sơn dầu, học điêu khắc, học đánh kiếm và chơi đánh Tenis, đi xem hát, đi săn. Vua Hàm Nghi được giáng xuống làm Hoàng tử Ưng Lịch, nhưng cả đời vẫn là ông Hoàng tử có thể trở lại ngôi vua. Nhiều lần nhà vua được trong danh sách những người kế vị sau cái chết vua Đồng Khánh, rồi sau khi vua Duy Tân bị đi đày..  nhưng rồi vua Hàm Nghi bị chính phủ Pháp bác bỏ vì,  sợ nguy hiểm, không nắm chắc được con cờ trong tay. Vua Hàm Nghi khéo tay, có tài nghệ thuật và trở thành một nghệ sĩ  trong hoàn cảnh đó.

                Ngày 15-11-1889,  Đại Úy Henri de Vialar đưa họa sĩ Marius Reynaude, từng đoạt giải nhất giải Hội Họa Roma đến thăm vua Hàm Nghi, và hỏi nhà vua có thích hội họa không. Vua Hàm Nghi đồng ý, thế là Reynaud đến dạy mỗi tuần hai buổi, thứ hai và thứ sáu. Vua Hàm Nghi học tiến bộ nhanh chóng, ngày nào cũng say sưa vẽ cả buổi, bất chấp thời tiết, và bệnh sốt rét còn lại trong thời gian ở chiến khu. Từ đam mê hội họa nhà vua đã được Reynaude giới thiệu mời tham gia vào các buổi gặp mặt văn nghệ sĩ tại Alger. Từ năm 1893, mỗi mùa hè vua Hàm Nghi được đi sang Pháp, cứ hai năm một lần. Dĩ nhiên là có người đi kèm, nhà vua không được gặp gỡ bất cứ người Đông Dương nào. Ngoài việc đi thăm các thắng cảnh nhà vua đã đến học điêu khắc với Auguste Rodin, bậc thầy điêu khắc danh tiếng thế giới tại xưởng 182 rue l’Université Paris, quận 7. Rodin đối xử chân tình, thường mời về dự tiệc gia đình như một người bạn thân. Và  nghệ thuật điêu khắc của vua Hàm Nghi ảnh hưởng phong cách điêu khắc cổ điển của Rodin. Các tác phẩm điêu khắc Tử Xuân Hàm Nghi trong bức ảnh chụp nhà vua ngồi phía trước, cho ta thấy những bức tượng bán thân phụ nữ, những thanh niên với thân hình tráng kiện, bắp thịt nổi cuộn như tượng Người suy tư của Rodin. Vua Hàm Nghi đã đi xem các buổi triễn lãm các danh họa, điêu khắc gia đương thời như Gauguin năm 1899, Renoir, Monet, Boudelle.. tại Grand Palais.  Nhà vua hoàn toàn không bị ảnh hưởng bởi các trường phái Lập thể, Da Da, Siêu Thực gây phong ba bão táp đầu thế kỷ 20. Vua Hàm Nghi và gia đình cũng thường đến chơi nhà bà Judith Gauthier, nhà văn con gái văn hào Théophile Gauthier người phụ nữ đầu tiên vào Hàn lâm Viện Goncourt, trong các tác phẩm bà có nói đến  Hoàng tử  Annnam, và trên ngôi mộ bà mất năm 1917 tại Dinard, có hàng chữ viết bằng chữ Hán nét viết của vua Hàm Nghi.

Vua Hàm Nghi đã triễn lãm lần đầu tiên tại Paris năm 1926, một năm trước Trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương ra đời. Vua Hàm Nghi và họa sĩ Lê Văn Miến tốt Nghiệp Trường Mỹ Thuật Paris năm 1894 là hai người Việt đầu tiên đi vào  Hội Họa Sơn Dầu.

Vua Hàm Nghi vẽ nhiều tranh phong cảnh Algérie và Pháp bằng phong cách, kỹ thuật Hội Họa Tây Phương, nhưng với tâm hồn Việt Nam. Tranh của ông được đánh giá cao về hai mặt tình cảm và nghệ thuật.

Theo cô Armandine Debat : « Tranh cấu trúc chặt chẽ, màu sắc chọn lọc, nội dung đi tìm cái đẹp của thiên nhiên, nhưng kín đáo, trầm buồn, u uẩn bởi nghệ thuật là phương tiện để thể hiện lòng hoài nhớ quê hương. Ông sáng tác nhiều :  vẽ tranh sơn dầu, phấn tiên, điêu khắc đồng, thạch cao.. Nếu như phần lớn chủ đề tranh của vua Hàm Nghi là phong cảnh, thì trong điêu khắc, vua Hàm Nghi thể hiện những khuôn mặt phụ nữ hay con người qua những bức tượng bán thân. Vua Hàm Nghi luôn luôn thể hiện như một nghệ sĩ phương tây, và một nghệ nhân Việt Nam. »

                Trong những buổi tiếp tân tại gia đình nam tước De Vialar tại Alger, vua Hàm Nghi quen biết với, ông Chánh Biện Lý toà Thượng Thẩm Alger François Laloë, ông góa vợ và có cô con gái  tên Marcelle Laloë, sang Alger cùng ông từ năm cô 16 tuổi. Hàm Nghi có cảm tình với cô gái, từ đó người ta thường thấy  hoàng  tử  luôn luôn mặc áo dài Việt Nam, khăn đóng, đi chơi với một cô đầm xinh đẹp áo đầm tây phương, trong một thành phố người Algérie ăn mặc áo dài và sắc phục của họ.

Ngày 4-11-1904, 15 năm sau ngày lưu đày,  vua Hàm  Nghi 32 tuổi, kết hôn cùng cô Marcelle Laloë (1884-1974), 20 tuổi tại Thánh đường toà Tổng Giám Mục Alger, do ông François đứng làm chủ hôn. Marcelle trở thành La princesse d’Annam. Vương phi An Nam.. Vua Hàm Nghi được miễn không bó buộc phải theo đạo Thiên Chúa mới lấy vợ.  Vương phi vì Hàm Nghi không còn là vua, và từ thời Gia Long có ba điều là không lập Hoàng Hậu, không phong Tể Tướng và không lấy Trạng Nguyên. Đến đời Bảo Đại là ngoại lệ, Nam Phương nhất định đòi tấn phong Hoàng Hậu và triều đình Huế đã nhượng bộ. Hai ông bà sinh ra được ba người con :

Công chúa Như Mai (1905-1999)

Công chúa Như Lý (1908-2005)

Hoàng tử Minh Đức (1910-1990)

                Công chúa Như Mai, hay Nhu May Marcelle Suzanne Henriette Ưng Lịch Hàm Nghi  d’Annam, sinh tại Biệt thự Tùng Hiên. El Biar ngày 17-8-1005 và mất ngày 1-11-1999. Từng đỗ Thủ khoa vào trường Kỹ Sư Nông Lâm. Sau khi học xong bà về với vua cha một thời gian rồi sang Pháp làm việc vùng Dordonne, Corrèze, đưa kỹ thuật trồng trọt giúp dân nghèo và được mọi người quý trọng. Bà thường mặc quốc phục Việt Nam,  báo chí hỏi  công chúa đáp : Ăn mặc như thế là theo ý muốn Vua Hàm Nghi. Bà không lập gia đình cả đời nghiên cứu Nông Nghiệp và làm việc. Bà thường xuyên hoạt động từ thiện xã hội. Công chúa Như Mai mua lâu đài Cosse từ năm cô 25 tuổi.

Nhà vua mất ngày  14-1-1944 tại Alger vì bệnh ung thư dạ dày. Trong lúc Đệ Nhị Thế Chiến, hai cô gái sống ở Pháp không về được. Hoàng Tử Minh Đức, lúc đó là  Thiếu Tá chỉ huy Chiến Xa về dự đám tang cha. Sau khi vua Hàm Nghi mất, bà  Marcelle về sống với các con tại lâu đài Cosse cho đến ngày mất năm 1994.

Công chúa Như Lý . Nguyễn Phúc Như Lý sinh năm 1908. Học Dược, nhưng sau khi lập gia đình ngày 20-4-1033 với François Barthomivat, Bá Tước de la Besse (1905-1987) Đại Tá Không Quân, bà ở nhà chăm sóc con cái. Hai ông bà ở lâu đài Château de la Nauche. Vigeois, Dordonne. Có 3 con, 1 trai, 2 gái.

-Philippe Barthomivat, bá tước de la Besse, sinh ngày 25-2-1937 tại Château de la Nauche (Vigeois) két hôn với Jane Boardman, không có con.

-Françoise Barthomivat de la Besse, kết hôn với ông Jacques Matis de Bisschop, có 2 trai, 1 gái.

Marc Matis de Bischop sinh ngày 31-1-1960 kết hôn với Véronique Dupuis

Luc Matis de Bischop

Hélène Matis de Bischop

-Anne Alice Marie Barthomivat de la Besse kết hôn với Guy Dabat nên gọi là Anne Dabat, có 3 con trai, 1 con gái : Philippe Dabat, François Dabat, Jean Dabat, Maylid Dabat.

Những năm cuối đời Hoàng Hậu Nam Phương chuyển về sống gần Château de la Nauche của gia đình công chúa Như Lý. Bà có dự đám tang Hoàng Hậu Nam Phương năm 1964. Mộ Nam Phương nằm trong phần mộ  dòng họ bá tước de la Besse. Năm 1965 công chúa Như Lý cải táng mộ vua Hàm Nghi từ Alger về làng Thonac, chị em Như Mai, Minh Đức cũng nằm đây.

Năm 1787 Bá tước de la Besse qua đời.

Ngày 9-7-2005 công chúa Như Lý qua đời tại Château de la Nauche (Vigeois) Dordonne thọ 96 tuổi. Bà được chôn cất tại Château de Losse làng Thonac. Sinh thời bà có về Việt Nam, nguyện đem hài cốt vua cha về Việt Nam nhưng ý nguyện chưa thành thì bà mất.

Hoàng Tử Minh Đức (1910-1990) Jean Ưng Lịch Hàm Nghi d’Annam, sinh tại biệt thự Gia Long El Biar ngày 6-7-1910. Kết hôn ngày 14-12-1945 với Renée Paule Bonnaud, tức Renée Paule Minh Đức sinh 8-10-1918. Học trường Võ Bị Saint Cir. Sau Đệ Nhị Thế Chiến (1939-1945) ở trong quân đội Pháp với cấp Thiếu tá chỉ huy chiến xa. Trong lúc ông đóng quân tại bờ bồ Constanz vùng chiếm đóng Pháp. Sau khi Đức thua trận, ông được lệnh đưa sang  tái chiếm Việt Nam  trong quân đội Pháp. Ông tuyên bố với chính phủ Pháp rằng : « Ông không thể cầm súng bắn lại đồng bào ông. Nếu chính phủ Pháp muốn đưa ông ra tòa án binh, thì cứ đưa. Ông không chịu qua Việt Nam đánh giặc cho Pháp, chống lại Việt Nam. » Chuyện này do một sĩ quan người Pháp, đồng đội với ông Minh Đức lúc ấy, sau này vào giúp việc bộ Ngoại giao Pháp, lên cấp Đại sứ Jean de Latour Dejean bạn thân của Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thọ kể cho ông nghe (Nguyễn Xuân Thọ. Bước đầu sự thiết lập hệ thống thuộc địa Pháp ở Việt Nam 1858-1897. TGXB. Paris. California 1995. tr 419)  Sau chính phủ  Pháp điều ông phục vụ một đơn vị lính Lê Dương tại Alger. Ông về hưu với quân hàm Đại Tá, mất năm 1990 thọ 80 tuổi.

                Đã 130  năm qua, nhân dân Việt Nam vẫn nhớ đến vị vua anh hùng. Ước mơ di hài nhà vua một ngày nào đó trở về quê hương trong khu lăng tẩm và tại Huế có được một Viện Bảo Tàng vua Hàm Nghi chưng bày các tác phẩm và di vật nhà vua. Đây là một việc làm mang tầm vóc quốc gia, nếu Bộ Văn Hóa và Du Lịch, và Thành phố Huế nhận lãnh trách nhiệm với những dự án tốt, hoàn hảo mới có thể thuyết phục được gia đình nhà vua. Không ai có thể tặng những di sản quý báu, nếu nơi tiếp nhận không có những cơ sở xứng đáng, việc bảo quản tổ chức không chu đáo.

Paris ngày 21-12-2015

PHẠM TRỌNG CHÁNH

Tiến sĩ Khoa Học Giáo Dục Viện Đại Học Paris V, nhà điêu khắc.

 

 

 

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.