Nov 23, 2024

Tùy bút - Bút ký

Email từ Phần Lan: Chàng như mây mùa thu
Nguyễn Bá Trạc * đăng lúc 05:03:15 AM, Apr 14, 2017 * Số lần xem: 1875
Hình ảnh
#1

Email từ Phần Lan: Chàng như mây mùa thu

                                Nhà văn Vũ Khắc Khoan.

1956 – Ông bước vào dạy lớp tôi. Lồng lộng mái tóc. Vững vàng bước đi. Nét mặt nghiêm buồn, nhưng không dữ. Ông dạy chúng tôi Việt Văn. Giờ đầu, ông nói về chương trình học. Một chương trình lộn xộn, thiếu hụt những điều cần và thừa thãi những điều không cần do những người dốt Việt Văn, kém văn học ở Bộ Quốc Gia Giáo Dục hồi đó soạn ra. Dù vậy, thầy trò vẫn cùng nhau điềm đạm làm việc cho đến hết năm. Ðó là đề nghị của ông đối với những thiếu niên 15, 17 tuổi ở lớp Ðệ Tam.

Chúng tôi nghe chăm chú và đồng ý.

 

Ông cũng khuyên thanh niên phải khỏe. Ông chê lớp chúng tôi oèo oặt quá, không có những cánh tay rắn chắc, những cái vai nở nang, làm sao xông pha gánh vác việc đời mai sau! Ông vừa dứt lời thì chừng mười cái tay áo xắn lên và cả lớp cười ồ. Ông không cười. Ðứng lên quan sát từng cánh tay ấy, rồi gật đầu: “Tay các anh được, tuổi trẻ phải vậy.” Cả năm tôi học Ðệ Tam, không khí trầm và ấm mỗi giờ Việt Văn. Tình thầy trò, tình bạn bè, theo dòng thời gian lớn mãi lên với cuộc đời, với cõi lòng sâu thấm hơn mãi.

Cái biến cố lịch sử 1954 còn chưa nguôi và không bao giờ nguôi khi giặc còn. Những người chập chững đi vào tuổi thanh niên thời ấy, tình non nước, hồn lịch sử như ngọn lửa nung nấu tâm can. Những bài giảng của ông, do đó càng dễ nhớ, khó quên.

1956 – Lớp 3B4, lầu hai Chu Văn An, hai hàng cửa sổ mở tung hai bên, bông điệp miền Nam tím hồng làm xao xuyến những kỷ niệm còn ôm chặt tình cảm với sắc đỏ tươi của hoa phượng vĩ nơi nghìn năm văn vật Thăng Long… Hồ Gươm nước biếc, Tây Hồ sóng bạc mênh mang… Lá bàng đỏ tía đổ xuống vệ đường vào Chu Văn An cửa Bắc thủ đô. Một trời yêu dấu không nguôi. Mỗi lần tưởng tiếc là mỗi lần xao xuyến. Hoa điệp mới quen, dễ yêu nhưng chưa đằm thắm tình tự học trò… xao xuyến thì trốn học, năm ba đầu xanh rủ nhau chia sẻ nỗi nhớ quê hương… Cái tình tự buồn nhớ của đám thiếu niên học trò trong hoàn cảnh đất nước chia đôi ba mươi năm trước được các vị thầy chia sẻ. Có ai chia sẻ và nâng đỡ tình cảm thiếu niên mười một năm nay trong cảnh mất nước, sống đời lưu ly?!

Những vấn đề thuộc phạm trù tâm lý và đạo đức xã hội cũng như gia đình, rất phức tạp và đa diện, cần phải được mổ xẻ kỹ càng và hệ thống đứng đắn. Mười một năm chưa được khởi nguyên. Ba mươi năm trước đây, các vị thầy chúng tôi làm việc ấy cho chúng tôi, tôi muốn nói những vị thầy thương yêu tuổi trẻ như thương yêu tương lai của đời mình, trong đó có thầy Vũ Khắc Khoan. Còn những người bán chữ thì nói làm chi, ở đây!

Ban B, toán là quan trọng nhất trong chương trình học. Chúng tôi thường bỏ giờ Toán, giờ Vật Lý cũng thế. Lý do đơn giản và minh bạch: Anh em chúng tôi đã “làm thịt” gọn gàng các ông Le Bossé, Gimbal, George Eve thì còn nghe giảng bài trong lớp làm chi. Chỉ cần có mặt trong giờ làm bài hoặc thi để lấy điểm vào thông tín bạ mà thôi. Các giáo sư thông cảm. Các thầy giám thị thông cảm. Các thầy thông cảm và xót xa lũ đầu xanh thông minh đang giao động tâm hồn vì biến cố Genève. Các thầy không coi chúng tôi là ngỗ nghịch, là kiêu căng, là hư đốn, cho dù chúng tôi, trên một khía cạnh nào đó có… đốn hơi sớm… Vậy mà, không ai bỏ giờ Việt Văn. Không phải vì giáo sư khe khắt mà ngại. Ông không khắt khe. Ông không điểm danh bao giờ. Ông cho tự do ra khỏi lớp, nếu thích ra. Chúng tôi không bỏ học giờ ông, vì trong giờ ấy, tuổi thiếu niên mơ hồ như gặt hái được chút ít gì giá trị. Biết thêm chút sắc thái dân tộc, biết thêm chút hình thành sân khấu qua chuyện Trinh Thử của Hồ Thuyền Quy đời Trần chẳng hạn, cũng lý thú lắm.

1958 – Ông trở lại với chúng tôi ở lớp 1B3 với bộ môn sử. Học sử, theo ông, không phải chỉ nhằm mục đích thuộc năm tháng và nhớ dữ kiện. Học sử để hiểu tinh thần lịch sử và để đóng góp thân thế vào lịch sử. Năm nay mái tóc bồng bềnh của ông đã hơi điểm bạc. Ông nhìn học sinh đệ nhất (lớp 12) như những bạn trẻ.

Ông bàn luận với chúng tôi một số vấn đề lịch sử… đàn chim non này đang sửa soạn dấn thân bay vào cuộc đời, xây dựng, đóng góp. Và biết đâu, trong những cơn đau đớn, thất bại chúng tôi cần lịch sử để tựa lưng, để đi về như nơi nương náu ấm cúng của tinh thần.

Hai bên cửa sổ, lũ cây điệp hàng năm vẫn trổ bông tim hồng. Mầu phượng vĩ đỏ tươi của quê hương miền Bắc vẫn xao xuyến cõi lòng lớp học sinh di cư. Và xao xuyến thì vẫn trốn học, dù năm thi… Sau này tôi có làm nghề giáo một cách giáo mác với mấy môn Triết, Việt. Khi ấy, mới thấy rằng các thầy tôi thực đáng tư cách bậc thầy và các em học trò tôi, đứa nào cũng ngoan và khá hơn lớp chúng tôi.

Hôm nay, ngồi trên đất Mỹ, viết bài tưởng niệm 49 ngày thầy Vũ Khắc Khoan, hình ảnh ngôi trường xưa, mầu hoa điệp, sắc tươi phượng vĩ, Sài Gòn, Hà Nội làm tôi nghe rờn rợn da gà… Ba mươi năm. Một thế hệ. Chưa nên chuyện gì.

1975 – Một trời mây chó mơ màng!

Tôi tỵ nạn! Ông cũng tỵ nạn. Tôi đến trại, ông đã xuất trại. Ðược tin ông bình an, tôi mừng trong niềm đau rách nát. Ðược biết ông có dựng lại vở kịch Thành Cát Tư Hãn trong trại. Tôi nghe một thoáng vui giữa biển trời tê tái.

1978 – Ðặng Ðình Khiết tổ chức Ðại Hội Thanh Niên Phật Tử tại Oklahoma. Tôi có đến tham dự và gặp ông ở đây. Thầy tôi đã trở thành một ông già đúng nghĩa của mầu tóc. Nhưng hai vai ông vẫn đầy đặn và rộng thênh, màu da muôn đời bánh mật. Thầy đến hòa hợp với đám thanh niên lưu lạc trên đất lạ. Học trò cũ của thầy quy tụ dăm ba: Lê Mộng Hoan cặp kè chai rượu, Nguyễn Thanh Hùng tay xách nách mang một túi vài ngàn bản dân ca, Nguyễn Thượng Hiệp suy tư cách thế trồng người dựng nước… Có mấy vị thầy tu thuyết giảng đạo pháp sắc không với lẽ vào ra thế cục. Một đêm uống rượu ngâm thơ tại nhà Phạm Quân, người hùng ngã ngựa. Thời gian xoáy quá nhanh. Thật không ngờ, anh Quân già nua quá vội! Chị Quân trước ngày mất nước còn đẹp như bông hồng Ngọc Hà mà bây giờ mắt trũng tóc hoa. Tôi nắm chặt hai vai chị nhìn sâu vào đáy mắt chị cố tìm một chút ngày xưa còn sót lại. Chị cười, lắc đầu thông cảm. Khi ấy ông cũng từ từ bước vào, cặp mắt ông vốn to như mở to thêm, to hết cỡ, nhìn vợ chồng Phạm Quân và ông cũng lắc đầu: “Già mau thế !”…

Mùa Ðông 1978 – Ông đến San Jose ở nhà chị Gấm, con gái ông, để tránh cái lạnh Minnesota. Ông gọi tôi lại và muốn tôi đem cả vợ con lại ông xem. Chúng tôi đến, đứng xếp hàng chào ông và bà. Ông nhìn lũ con tôi kỹ lưỡng, rồi nắm chặt vai tôi, cười: “Ðược lắm!” Nụ cười của ông làm tôi nghe đau xót trong lòng. Tôi nghĩ trong đầu: Khi mối căm hận đã mở, miệng đã cười là thấy đã già đau thương lắm rồi.

Tôi hỏi ông: Bây giờ thầy cười? Bao nhiêu năm con chưa thấy thầy cười.

Ông lại cười: Ờ! Mà phải cười chứ nhỉ!

Giọng ông thật nhẹ nhõm. Từ đó, mỗi năm tôi gặp ông chừng ba bốn lần.

Năm nay, ông hẹn sang San José chơi vào dịp Hè. Mùa Hè ông đau. Ðình lại mùa Thu. Mùa Thu ông cũng đau. Chừng 1 tháng trước khi ông mất, tôi gọi điện thoại thăm ông. Thầy tôi giọng nói yếu và mệt. Tuần sau đó, tôi lại gọi thăm thầy, giọng nói ông trong ấm. Tôi nghĩ trong đầu: ông hãy còn thọ lắm, giọng ông rất tốt. Ông hẹn sẽ sang San José ở chừng vài tháng.

Một buổi tối, Tường Vũ Anh Thi lại tôi chơi, anh nói mới gọi điện thoại thăm cụ Khoan. Giọng cụ yếu lắm. Mấy ngày sau, Ðặng Ðình Khiết gọi tôi, báo tin cụ mất… Chim đã bay mất vào chân trời. Ðường chim bay hiện hữu mà không dấu vết.

Phương Tây, mặt trời lặn mỗi hoàng hôn. Thích Ca, Lão Ðam đi về phương Tây, có chăng cố đuổi theo bóng mặt trời cho ngày dài thêm ra, cho đời sống dài thêm ra?!

Lẽ tử sinh! Mối sầu vạn cổ của nghệ sĩ phương Ðông. Ðành rằng sống gửi chết về, nhưng còn ghét yêu nối kết với dương gian! Nối kết bằng nghiệp dĩ văn chương cũng là một giá trị đẹp và có ý nghĩa.

Trong những năm cuối ở cuộc đời, ông đã nhiều lần nói với tôi về Ngọn Cỏ Bồng của Nguyễn Bá Trạc. Lần nào gặp tôi ông cũng gửi lời hỏi thăm anh, gửi lời cám ơn anh về tác phẩm mà anh tặng ông 1 cuốn “Anh biết không, trời lạnh Minnesota, đọc ‘Ngọn Cỏ Bồng’ của anh Trạc, thú lắm. Anh ấy viết thật lắm. Thật với lòng người. Với tôi, đây là tác phẩm lý thú nhất trong mười năm tỵ nạn. Giang cảm ơn anh Trạc hộ tôi nhé… Lại một món nợ văn chương.”

“Hỡi ơi! Ta vỡ lòng trong mốc bụi dĩ vãng, nhớn lên cùng tập giấy mủn… Nhìn thế cuộc xoay vần bằng con mắt cổ nhân. Nay lại định giải quyết hiện tại bằng phương pháp quá khứ! Còn vỗ ngực trách ai nữa!

“Thế rồi một cuộc phần thư, tưởng để đốt tan tất cả quá khứ hà ngôn! Nào dè lại hiện lên một hình bóng lịch sử diễm kiều. Lại sống với lịch sử tận cùng, điên mê cho đến ngày bóng dáng lịch sử biến mất trong một thời gian lạ thường, để chuẩn bị cho một cuộc thay đổi, quyết tuyển nhập cuộc, đi làm lịch sử.

“Bóng dáng lịch sử dù xuất hiện trước hay sau cuộc phần thư, cũng chẳng hề gì. Vì khi kẻ sĩ đã nhập tâm, thời ngọn lửa thiêu kia chỉ để soi sáng thêm ngời ánh tâm thức, ngời nét tư duy trầm thống của kẻ sĩ trong một thời, và nung nấu thêm chuyến đi của con người nắm cầm được gươm thiêng để làm lịch sử.”

Ðoạn trên trong Thần Tháp Rùa là một đoạn lòng thầy Vũ Khắc Khoan. Những va chạm ở đời, ai mà hoàn toàn, trừ ông thánh. Ông không phải là thánh, chắc cũng có những vấp váp, đúng sai. Nhưng ông là ông thầy đúng nghĩa.

Ông tốt nghiệp kỹ sư thủy lâm, ông không cộng tác với Tây để làm trưởng ty, giám đốc.

Ông chọn con đường cách mạng Duy Dân chiến đấu với thực dân Pháp xâm lăng cũng như với cộng sản ngược nhân tính.

Gặp cảnh éo le, ông chọn đường xây dựng văn học nghệ thuật, đem tâm tình lịch sử đến với tuổi hoa niên.

“Công cha nghĩa mẹ ơn thầy
Ở sao cho xứng những ngày còn thơ.”

                               
                                         


 

 

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.