Đầu Bờ, Bến Vựa rồi Bến Đá
Núi Sam phượng nở tới đỉnh cao
Nhìn xuống ruộng đồng xanh bát ngát
Không khí trong lành thêm nhớ nhau !
Chiều xuống Cầu Quan nghe sông hát
Kinh Ông Cò, đường lá me bay
Cây Bồ Đề mang từ Ấn Độ
Cầu sắt An Biên thương nhớ ai !
Trường Đua, anh thở hồn hương lúa
Thoại Ngọc Hầu mở đất, chưa vơi
Chùa Bà vẫn khói nhang nghi ngút
Tiếng chuông ngân, ngộ đạo và đời!”
( Châu Đốc )
Với Cầu Quan, Kinh Ông Cò, tiếng gió vờn qua xào xạc cành lá Bồ Đề, cầu sắt An Biên …, tác giả đã đưa bạn trở về thuở ấy với một Châu Đốc ngày nào! Chẳng những thế, tác giả còn muốn nắm tay bạn dắt bạn về qua Cồn Tiên với chút sương mù, hoặc nơi cố quận Tân Châu với buổi ban đầu tay nắm lấy bàn tay:
“Nắng gượng thở, mây thả hồn trên núi
Lá bồ đề reo tiếng phạn vi vu
Ba nhánh sông, phù sa như tươm mật
Phía Cồn Tiên, huyền ảo chút sương mù !
Quê lụa Tân Châu, mùa xuân khép nép
Bỗng thèm thương màu áo tím sen bay
Và lòng anh ngập tràn mơ ước cũ
Buổi ban đầu, tay chẳng muốn rời tay ! “
( Châu Đốc một tình yêu )
Hoặc:
“Con nước sông Tiền già hơn trước
Đàn chim tung cánh lửng lơ trời
Hàng cây xanh ngát thời con gái
Kỷ niệm trong đời em với tôi !
Sáng nay nắng lụa vàng óng ánh
Long Sơn nhớ mãi một thời xa
Đi qua cầu sắt ngang chợ cũ
Vẫn chưa quên được Lãnh Mỹ A!”
( Quê lụa Tân Châu )
Qua vài nét sơ lược về tiểu sử của tác giả, Trúc Thanh Tâm dù chào đời ở Chương Thiện, quê gốc tận Cà Mau, nhưng với Châu Đốc quê em lại là nơi vấn vương hoài trong tâm hồn thi sĩ:
“Cám ơn Châu Đốc chưng diện
Để em ra phố những chiều
Cám ơn Núi Sam lễ hội
Chúng mình có dịp bên nhau !
Cám ơn dòng kinh Vĩnh Tế
Con đường Vĩnh Phú thân quen
Gió ơi, gởi giùm ta nhé
Ân tình, nỗi nhớ về em ! “
( Về Châu Đốc quê em )
Nhắc đến Châu Đốc, Trúc Thanh Tâm không quên nhắc dãy núi Thất Sơn sừng sững một vùng biên giới phía Tây Nam đất Việt. Nào là đồi Tức Dụp, Hang Dơi, Thủy Đài, Thiên Cấm cùng những tên gọi thiêng liêng của cả một vùng đất có núi có mây, có trăng có nước huyền bí ở mọi thời:
“Em từ chén ngọc đánh rơi
Xuống đồi Tức Dụp, cứ ngồi chờ trăng
Phụng Hoàng, điện Kín hóa thân
Gặp ta để mối nợ trần vấn vương !
Ngũ Hồ, đêm vẫn mờ sương
Ta vờ quên mất nỗi buồn đang rơi
Em nghe trộm tiếng ai cười
Từ trong ký ức vọng lời tri âm !
Long hoa bảy sắc phù vân
Thuyền em như đã đến gần bến mơ
Ta nhìn Thiên Cấm trăng tơ
Dáng em lồ lộ bài thơ diệu kỳ !
Rượu trần ai, cứ nâng ly
Để cho đời vẫn còn si dại đời
Thủy Đài dao động, tình ơi
Thì ra tất cả để rồi, đáng yêu !
Hang Dơi, mỏi mắt trông theo
Đêm reo tiếng vạc, em reo tiếng lòng
Ngọa Long, mười điện nhớ mong
Em như chim sáo sổ lồng về đây !”
(Thất Sơn huyền thoại)
Nhắc đến Bảy Núi, có lẽ cũng nên dừng lại với vùng đất Tịnh Biên, Nhà Bàng một trong những vùng đất rất quen thân của người dân miền núi non cao vút giữa cánh đồng bằng ấy:
“Những ngày xưa, tôi bắt gặp bây giờ
Ngày mỗi ngày, em đi về ngang cửa
Áo trắng bay má hồng hoa mắc cở
Tuổi học trò ngày tháng rất vô tư !
Chiều Nhà Bàng chờ đợi những cánh thư
Nghiêng nón hứng chùm thời gian tiếc nuối
Em phơi phới mắt đen tròn con gái
Có bao chàng thơ thẩn tập tành yêu !
Tịnh Biên ơi, hương tóc quyện hương chiều
Em yểu điệu chở mùa hè dạo phố
Chiếc lá rơi dạt hồn cong nỗi nhớ
Mưa bất thần thui thủi một mình em !”
(Tịnh Biên mùa hạ lại về)
Và rồi vùng đất Tri Tôn (Xà - Tón) cũng không ra khỏi ký ức của nhà thơ qua những “mùa phượng cũ”:
“Xa xa núi đứng níu mây
Gió đồng em thả tóc bay hương tình
Hoa trên triền đá lung linh
Ta nghe đời sớm bình minh gọi mời
Lúm tiền duyên tiếng em cười
Đời ta cánh bướm một đời lãng du
Trời đêm chìm giữa sương mù
Nhớ trăng hiu quạnh buổi từ tạ xưa
Vẫn còn mùa phượng tiễn đưa
Tri Tôn ta nợ cơn mưa cuối ngày
Qua vùng Bảy Núi, nhớ hai
Nên trời già cứ mãi đày đọa ta !”
(Tri Tôn mùa phượng cũ)
Mà nói gì Tri Tôn (Xà - Tón), ngay như những vùng đất ít ai để ý như Láng Linh ngày trước với mùa bông điên điển nhuộm vàng cả một vùng đất cũ:
“Đồng Láng Linh mùa mưa tháng chín
Em bơi xuồng nhỏ hái hoa vàng
Anh hóa tình anh vào cơn gió
Xuống bến đợi chờ em quá giang.”
( Châu Phú quê em )
Còn nhiều lắm những tên gọi các vùng đất cũ ấy nơi đất biên cương; giờ xin mời bạn theo nhà thơ thăm lại vài tên gọi miệt Long Xuyên (An Giang). Trước hết với cù lao Ông Hổ, nằm trên sông cái Hậu Giang cùng với cảnh sinh hoạt nơi làng quê thời thơ ấu của Trúc Thanh Tâm:
“Mẹ kể, tản cư về Ông Hổ
Nhà nội gần sông, lợp lá dừa
Cha đi giữ nước từ dạo đó
Gió lùa khóm trúc, tiếng gà trưa !
Tóc nội dần pha bông gòn chín
Là biết đời tôi thêm lớn khôn
Thương nọc trầu vàng, hàng cau trắng
Nhìn khói đốt đồng, rạ cháy lan !
Lòng mẹ như con sông êm ả
Lớn ròng, xuôi ngược cả đời tôi
Vườn sau chim hót bình yên quá
Còn thấy riêng tôi một khoảng trời !
Khoai lùi tro nướng thương mùi khói
Mát lòng từng ngụm nước mưa thơm
Quày chuối nghiêng cây vừa chín bói
Đậm đà như cá lóc nướng rơm !
Gần tết, tát đìa đông vui quá
Tôi xuống quậy sình để bắt hôi
Đâu chơi trốn kíếm mà ma giấu
Giấu suốt một thời tuổi thơ tôi !
Nội lại dọn nhà về miệt dưới
Long Xuyên từ đó cách xa hơn
Bìm bịp kêu, nhớ mùa nước nổi
Nước mắt rơi, tôi đã biết buồn !”
( Tiếng quốc kêu )
Ngay như cái tên Mặc Cần Dưng (Bình Hòa) quê ngoại tôi, trong văn chương ít nghe ai nhắc, nhưng với Trúc Thanh Tâm, ông cũng đã ghi lại một chút tình qua một lần chia tay khá luyến lưu bịn rịn:
“Thời gian chưa tắt màu thu úa
Gió bấc non về lạnh bến sông
Em giấu nỗi sầu trong hương tóc
Tháng mười mưa trắng Mặc Cần Dưng
(…)
Xếp áo học trò anh lang bạt
Em theo chồng về đất Bình Hòa
Gởi lại Rạch Chanh bao kỷ niệm
Một thời chinh chiến lửa binh ca”
(Em gái Bình Hòa)
Còn Núi Sập, nơi có vùng văn minh Ốc Eo với núi Ba Thê nằm giữa vùng đồng bằng Định Mỹ, Vọng Thê, Ba Bần, Kinh Xáng Bốn Tổng … lan tỏa khắp một vùng rộng bao la với những cánh đồng lớn về hai phía tây nam với ruộng lúa bạt ngàn, vậy mà rồi nhà thơ cũng ghi lại được một lần chia tay buồn như mây nghiêng núi cắt:
“Em ơi, có nhớ tình thơ
Nắng hồng ngày cũ bên bờ sông quê
Tiếng ve âu yếm gọi hè
Thư tình mực tím đường về trao tay
Xa rồi Núi Sập nghiêng mây
Gió mênh mang gió chẻ hai vạt buồn
Đâu rồi ánh mắt em thương
Tình trên lối rẽ héo hon duyên đời
(Lần xa Núi Sập)
Nhưng có lẽ không nỗi lòng nào buồn cho bằng nỗi nhớ Cà Mau, nơi quê nhà của thi sĩ. Dù có đi qua biết bao vùng, và ghé lại biết bao bến bờ khó lòng quên được nhưng hơn ba mươi năm xa vùng cố quận Cà Mau là chốn cố hương làm ray rứt cả một khoảng đời dài trong cuộc hành trình dường như chưa bao giờ biết dừng lại, nhà thơ Trúc Thanh Tâm bổng giật mình ngồi đếm lại những bụi bám vào hồn qua những dặm trường:
“Hơn ba mươi năm, biền biệt Cà Mau
Bến tàu đó, em biết còn chốn cũ
Mái trường tỉnh tôi chưa lần được học
Rồi chiến tranh, từ đó cách xa mình !
Nước nổi nơi nầy, nhớ gió U Minh
Điên điển bông vàng nhớ tràm bông trắng
Mắm Châu Đốc hương vị còn sâu đậm
Than đước Cà Mau âm ấm nỗi lòng !
Hơn ba mươi năm, dấu bụi mù tăm
Nhưng dĩ vãng vẫn còn trong hơi thở
Cầu quay đó cũng một lần bỡ ngỡ
Mắt nhìn nhau, thương nhớ đến bây giờ !
Cà Mau em, là nét đẹp trong thơ
Châu Đốc tôi, dòng phù sa bồi mãi
Có thổn thức mới thấy lòng trống trải
Có xa quê mới thấu hiểu bao điều !”
(“Nỗi lòng” - Gởi Châu Đốc - Cà Mau)
Nỗi lòng với Cà Mau và Châu Đốc, tượng trưng cho chốn cũ và nơi này, cho quá khứ và hiện tại, mãi mãi là những nỗi niềm rung cảm rất thật ngay trong lòng của tác giả! Điều ấy, chúng tôi nghĩ, rất khế hợp với lời tâm sự thật tha thiết của ông và được chính nhà thơ nhắc đi nhắc lại nhiều lần qua hai câu thơ rất cảm động:
“Đời tôi là cả đời thơ
Gởi quê hương, gởi ngày xưa của mình!”
Hồn cố quận trong thơ Trúc Thanh Tâm là cả một trời thương nhớ, không có thước nào đo được nỗi lòng, và cũng không có thời khắc nào ngăn được mối tương tư mãi mãi dạt dào ấy ở ông; giống như câu ca dao thuở nào:
“Trông chừng mây bạc lưng chừng,
Phải chăng cố quận dưới vừng mây kia!”
Hai Trầu
Kinh Xáng Bốn Tổng, ngày 01 tháng 11 năm 2015.