LỤC BÁT – HOÀI KHANH
Tuệ Sỹ
Một thời xa xưa, đã qua rồi; tuổi thơ được nuôi lớn bằng lời ru của Mẹ. Những
buổi trưa nhiệt đới, mặt trời nóng chảy, hoang vắng như tàn bạo, song đẹp một
cách huyền ảo ngây người bởi giọng ru tha thiết theo nhịp tiếng võng đưa, quyện
theo âm điệu bất chợt vang vọng xa vời.
Tuổi ấu thơ ấy, những ngày đầu tiên mới mở mắt chào đời ấy, không ai còn nhớ
Lớn lên một chút, tôi biết lắng nghe cô bé hàng xóm ru em, để mường tượng lời
Mẹ ru khi mình còn tấm bé. Bé cũng bằng tuổi tôi thôi; còn bé lắm, chưa ẵm nổi
em mười mấy tháng. Cô bé đưa võng em, những lời ru liên miên bất tận, không biết từ đâu, mà cô hát lên theo cảm hứng ngẫu nhiên, theo vần điệu tự nhiên. Cô
bé không được đi học, không biết chữ. Thơ là hơi thở của Mẹ ru, đã thấm vào da
thịt, thấm sâu vào tim. Vần điệu theo lời ru, như con gió qua đồng lúa chín rì
rào, không vì sao, không vì ai. Sự sống được nuôi dưỡng, được lớn lên trong
những chuyển động hồn nhiên như vậy.
Lời Mẹ ru, khi ta còn quá bé bỏng để nghe và nhớ. Cơ hồ như hoài niệm mông lung về một quá khứ huyền thoại hoang sơ, vừa thoáng qua trong khoảnh khắc mà thôi.
Một cái gì đó vô tình, hồn nhiên và tinh khiết, vẽ lên những ảnh tượng mơ hồ,
không hình thù, không tên gọi, chập chờn theo nhịp sáu-tám, như à ơi theo tiếng
võng đưa. Nó chập chờn trong tôi suốt cả một đời, thăng trầm theo sông nước.
Lớn lên theo năm tháng, như dòng suối trôi qua bến bờ hoang vu, tĩnh lặng, rồi
bất chợt đổ xuống ghềnh thác, gào thét và bắn tung bụi nước, qua làng mạc, qua
phố thị, ngập tràn khói lửa. Từ đó, trong giấc mơ, nghe lời Mẹ ru rơi trong
tiếng khóc nghẹn ngào của chinh phụ. Một thế kỷ đảo điên, điệu lục bát bỗng
nghe trong cung bậc lạc loài. Lời thơ thay đổi; điệu thơ thay đổi; một thế kỷ
thi ca thay đổi. Nhưng những ai từng lớn lên trong tiếng Mẹ ru, làm sao quên
được những câu thơ lục bát? Tôi biết mình không thể làm được một bài thơ lục
bát; mà hồn thơ đã bị đẽo gọt qua những khúc quanh phố thị. Phố thị với những khủng hoảng cơ giới. Rồi những đêm, theo dõi bóng trăng mờ, tìm về “cây đa bến
cũ, con đò nằm xưa”, âm hưởng lục bát của Nguyễn Du chợt đầy tâm tư vào những
bước đường phiêu lưu của lịch sử.
Tình cờ, những câu thơ lục bát của Hoài Khanh chợt khuấy động. Nó ngân vang từ
phương trời đồng vọng của Nguyễn Du, ngay giữa dòng lịch sử cuồn cuộn sóng,
hay bên lề cuộc lữ tồn sinh. Ấy là âm vang đồng vọng trên những bước chân:
“Ngược xuôi bao kẻ đi về
Tấm thân bé mọn bên lề tồn vong
Chuyện đời có có không không
Phù vân một áng bụi hồng xa xa
Cớ sao thiên hạ người ta
Vẫn chưa tròn một Quê-Nhà-Bao-Dung?
Vẫn chưa tỉnh giấc hãi hùng?
Trong cơn-trường-mộng-vô-cùng-thời-gian”
(Nhớ Nguyễn Du)
Nó hồn nhiên như lời ru của Mẹ, mà lại cay đắng như thân phận Thúy Kiều. Đó là
ngữ điệu của nông dân chất phác, không văn hoa hay tráng lệ như các thể điệu
cũ, mới, lại mang nặng trong nó trường thiên bi kịch lịch sử.
Lịch sử bồng bột như tấn kịch trên sân khấu ồn ào. Trong những lúc tỉnh cơn tàn
mộng, ta cảm thấy mình như nghệ sĩ giữa đám khán giả cuồng nhiệt nhưng bạc
tình. Để cho Thúy Kiều “Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh, giật mình mình lại thương
mình xót xa”. Một ánh sao cô độc, mà vẫn chung thủy, chân tình muôn thuở. Song,
“Chắc chi thiên hạ người ta,
Cũng thương cho một cành hoa héo tàn”
(Theo Nguyễn Trãi)
Ta yêu người, sao người chối bỏ? Ta yêu đời, sao đời ruồng rẫy? Không đâu. Bóng
thời gian đi qua, mấy ai không đầu bạc. Bởi vì con nước trôi xuôi cho nên bến
bờ cô độc. Bởi vì thời gian hóa thân thành lịch sử, để cho mặt đất dậy lửa, và
khung trời khói ám, người chơi vơi trong cuộc chiến tình-thù. Hãy chờ khi dứt
cuộc chiến trong ta, khi mặt trời đổ màu xám xanh lên tử thi trên chiến địa, ta
đi nhặt những ngôi sao đã tắt trong con mắt lịm của một thời, yêu và hận, sống
và chết:
“Một phương đã rực suối nguồn
Vai mang xiềng xích vẫn thương bạo tàn”
(Cát và sóng)
Ta hận người, vì bóng chiều tàn hoang dại. Ta vẫn yêu người trong hơi thở còn
ấm giọng Mẹ ru. Vẫn lầm lì trên phố thị, cho hết buổi thanh xuân. Bỗng chốc,
phố thị, điện đường, lâu đài, tất cả biến mất. Trong bóng tối mịt mù của ngày
tận diệt, ta ngửa bàn tay, chờ đợi. Bất giác, long lanh một ánh sao rừng, như
giọt sương ngưng tụ trong tinh thể tồn sinh. Ngày xưa, ta ngủ say trong lòng
Mẹ, chợt thấy trên tóc Mẹ một đóa sao cài. Ngày sau, trong cuộc lữ đi tìm tính
thể tồn sinh trong tính thể hủy diệt, đâu đó mơ hồ một đóa sao cài:
“Tóc em nửa đóa sao cài
Đã long lanh nỗi lạc loài sương vây…
Và tôi hạt cát xa mờ
Một đêm nào bỗng tình cờ sương tan”
(Trong giọt sương tan)
Hai câu thơ đẹp kinh hồn. Làm sao ta có thể tĩnh lặng, âm thầm, lắng đọng, để
nhìn thấy giọt sương lấp lánh trên tóc ai? Giọt sương soi bóng ngôi sao nào đó
lẻ loi, heo hút; giữa một trời sương lạnh buốt kinh người. Đấy thôi, tàn cuộc
nhân sinh. Một trời sương bãng lãng. Một vì sao cô độc, lấp lánh, và long lanh
như khóe mắt vương nỗi sầu thiên cổ, nỗi sầu trường mộng nhân sinh.
Rồi anh bước đi, và tôi cũng bước đi, từ giã nơi này, vô định, như hạt cát xa
mờ, để mà
“Ngùi nghe trái đất thì thầm
Nhỏ dòng máu lệ kiếp trầm luân sâu”.
Trong mỗi bài thơ, trong cả tập thơ, tôi nhặt từng hạt sương, mà chợt nghe lạnh
buốt âm thầm, bởi đâu đó trong hoài niệm xa xôi, đôi mắt u huyền của một thời,
một đoạn đời đã thành thiên cổ. Những hạt sương trong lòng tay chợt thoáng tan;
dòng thời gian ngưng đọng, để đông cứng thành hạt bụi, ray rứt.
Còn gì nữa chăng?
“Trong ta là núi là rừng
Là trăm tiếng hát đã dừng trên môi”
Vẫn còn ngân vang mãi đó, lời ru của Mẹ, trong vần thơ sáu-tám.
T.S.