Tác giả Thục Lê và tập thơ "Quê hương"( 1)
Tác giả Thục Lê tên thật là Lê Văn Thục sinh năm 1930 ở thôn Châm Khê xã Phong Khê huyện Yên Phong tỉnh Bắc Ninh nay là khu Châm Khê phường Phong Khê thành phố Bắc Ninh. Năm 15 tuổi ông đã tham gia du kích chống Pháp và là một trong số những người khởi nghĩa cướp chính quyền thành Bắc Ninh vào tháng 8 năm 1945. Năm 1949 ông được kết nạp vào đảng cộng sản Đông Dương. Năm 1953 ông bị bắt và bị đày ra Phú Quốc. Đầu năm 1954 ông được tự do qua trao trả tù binh theo hiệp định Giơnevơ và về sống ở quê nhà. Trong cải cách ruộng đất do gia đình bị quy là thành phần phú nông nên ông đã bị đình chỉ sinh hoạt đảng và các hoạt động xã hội. Tới thời kỳ sửa sai, gia đình xuống thành phần trung nông, được phục hồi sinh hoạt đảng nhưng ông đã khước từ. Mặc dù không còn là đảng viên nhưng ông vẫn được tín nhiệm bầu làm chủ nhiệm HTX nhiều năm liền, làm cán bộ thống kê, văn hoá của xã. Khi tuổi cao nghỉ giữ các cương vị trên ông lại tiếp tục với 17 năm có chân trong BCH hội người cao tuổi thôn tới năm 2008. Từ đó tới nay ông đã nghỉ mọi hoạt động xã hội.
Quá nửa cuộc đời gắn liền với xóm làng, mảnh ruộng, con trâu. Nên tuy đã làm chủ nhiệm HTX nhiều khoá liền, làm cán bộ thống kê, cán bộ văn hoá được nhà nước tặng bằng khen ông vẫn chỉ tự nhận mình là một "ông lão thợ cày", một "lão nông thuộc dòng Lê moóc coọc" như những người bạn cùng trang lứa khác trong thôn. Điểm khác biệt là lão nông này đã viết được tới hàng trăm bài thơ cho người thân, bạn bè, xóm làng. Không gửi đài đăng báo, chỉ được truyền miệng nên thơ ông ít độc giả và chưa có một nhà phê bình nào nhận xét. Nhưng có thể khẳng định những người đã đọc đều khen thơ ông hay, sâu sắc, dễ đọc và dễ nhớ. Chỉ mới qua lớp 3 trường làng và chữ nho thì học thày đồ là người trong thôn nhưng với lòng ham hiểu biết cùng trí thông minh, ông đã tự trang bị cho mình một kiến thức uyên bác về xã hôi, lịch sử, văn học, ngôn ngữ. Và con người lãng mạn với trái tim nhân hậu, yêu thơ, có năng khiếu làm thơ, gắn bó với đồng quê đã dần trở thành nhà thơ của thôn làng. Độc giả thích thơ ông còn vì ông đã dùng trong thơ thứ ngôn ngữ giản dị, dễ hiểu . Nhiều người đọc đã thuộc lòng nhiều bài thơ của ông vì thơ ông dễ nhớ. Chính vì thế nên dù không được in ấn, ghi chép thơ ông vẫn được lưu trữ đầy đủ theo thời gian trong trí nhớ của ông và độc giả. Một câu chuyện có thật xảy ra chứng tỏ tài xuất khẩu thành thơ của ông đã được chính ông kể lại như sau: Khoảng năm 2000 câu lạc bộ thơ người cao tuổi của thị xã Bắc Ninh tổ chức sinh hoạt để nghe giới thiệu về tập thơ của một thành viên. Tham dự, ngoài các thành viên còn có một nhà thơ có tên tuổi ở Hà Nội. Được mời phát biểu, sau khi nhân xét về tập thơ, nhà thơ nọ đã kết luận tỏ ý xem thường" thơ của các cụ ở đây chỉ gọi là mới chạm được vào thơ thôi". Khán giả là các thành viên trong đó có tác giả tập thơ rất bất bình liền đề nghị ông lên đáp từ trả đũa. Ngay lập tức. ông lên diễn đàn và đọc liền một mạch bài thơ chưa hề được chuẩn bị trước.
Chạm vào thơ
Răng đã lung lay mắt đã mờ
Nhập nhèm đâu dám chạm vào thơ
Tiền lưng gạo bị mình không sẵn
Buồm gió lèo mây họ chẳng chờ
Thi đáo Tùng, Tuy không dám ước
Văn như Siêu, Quát chẳng hề mơ
Năm hai nghìn chẵn thiên nhiên kỷ
Lại thấy đây rồi gã bán tơ
Ông được hoan nghênh nhiệt liệt còn nhà thơ nọ thì bẽ mặt lặng lẽ ra về. Sau này không thấy về Bắc Ninh nói chuyện thơ nữa.
Năm 2010 nhân dịp ông 80 tuổi, hai trong số các độc giả hâm mộ vốn thuộc rất nhiều thơ ông đã cùng ông để biên tập và cho ra mắt tập thơ "Quê hương"(2)
Không kể một số ít bài mà ông và những người biên tập không đưa vào vì những lý do nào đó, "Quê hương" đã ghi lại gần như tất cả các sáng tác trong sự nghiệp "làm thơ" của ông. Tập thơ gồm 186 bài (có một vài bài của các bạn thơ xướng hoạ) trong đó có 34 bài thể lục bát, 108 bài thất ngôn bát cú, 2 bài song thất lục bát, 19 bài 5 chữ, còn lại là thể tự do. "Quê hương" - tên một trong những bài thơ hay nhất đã được chọn làm nhan đề của tập thơ với hàm ý "nói về quê hương". Quê hương trong ông là dòng sông Ngũ Huyện, là cây cầu, là những cánh đồng xanh, . . . , là dải đất hình chữ S, là người yêu, người thân, là bạn bè,. . ., là những người lam lũ ở làng quê, đất nước ông sống. Ông yêu quê hương nên ông yêu tất cả và "nói về quê hương" trước tiên là nói về cái tình yêu đó. Nhưng cách thể hiện tình yêu của ông với mỗi đối tượng lại rất khác nhau.
Yêu dòng sông Ngũ Huyện đã tắm mát cuộc đời
"Nhưng dòng sông ấy con ơi
Đã từng tắm mát cuộc đời của cha"
( Quê hương).
Yêu cây cầu đã từng đưa đón bao nhiêu người dân quê và chứng kiến mối tình đầu của những đôi trai gái
"Những đêm gió lạnh trăng mờ
Nơi đây là chỗ hẹn hò người yêu"
( Quê hương).
Yêu những cánh đồng xanh bên kia sông nơi thấm đẫm mồ hôi và cả nước mắt của những con người mà ông yêu thương.
" Con qua những cánh đồng xanh
Con Dơi, Cái Nhảo, đồng Đanh, đồng Từa
Bao người dầu dãi nắng mưa
Khi cày ruộng cạn khi bừa dộc sâu"
(Quê hương).
Yêu những địa danh gắn liền với những trang sử hào hùng của dân tộc
" Đây Tràng Kênh, nọ cửa sông Bạch Đằng
Tàu xuôi, thuyền ngược, lưới giăng
Tưởng đâu thủa chống xâm lăng đời Trần
Mấy ngàn giặc Thát vùi thân
Nghe đâu đây vẳng tiếng quân reo hò"
( Cảm tác về một chuyến đi xa)
Tình yêu đôi lứa dù ở bất kỳ giai đoạn, cung bậc nào cũng luôn là cảm hứng của những bài và câu thơ hay của ông.
Khi mặn nồng
"Bàn tay hai đứa chúng mình
Ta luồn khít lại dệt thành bài thơ"
( Đôi tay).
Lúc chia tay
" Thế rồi bỗng có tin về
Nhìn mình ta biết nói gì nũa đây
Đành lòng gạt lệ chia tay
Trùng phùng ta hẹn ngày này năm sau"
( Chia ly)
Khi mối tình tan vỡ
" Cõi lòng tôi không khỏi xót thương tôi
Khi tuổi xanh thấm thoát đã qua rồi
Khi thân thể đã bao lần đau khổ
Tim đã héo khi mảnh tình tan vỡ"
( Qua sân khấu).
Và khi yêu lại
"Thế rồi ngọn lửa lại nhen
Bài thơ lại ngát hương sen ái tình
Đời tươi như buổi bình minh
Nỗi riêng nói nhỏ chỉ mình chị thôi
Lòng em đã ấm lại rồi
Trẻ trung như thủa đôi mươi thủa nào"
( Gửi chị)
Có lúc tình yêu đôi lứa trong thơ ông mãnh liệt tới độ vượt khỏi cả những rào cản luân lý
" Chúng ta đã trót xa rời nghĩa vụ
Để yêu nhau trong hèn yếu, lỗi lầm"
( Chưa nói)
Tha thiết tới mức không thể dừng lại được
"Nhưng khốn nỗi mỗi lần ta gặp gỡ
Em vẫn tươi như một đoá phù dung
Nên tôi lại đành thôi không nói nữa
Vì nói ra e em lại đau lòng"
( Chưa nói)
Sâu sắc tới mức sau 40 năm, tóc đã bạc da đã mồi vẫn không quên lời thề
" Lời thề của một đêm mưa
Bốn mươi năm tưởng như vừa hôm qua"
( Vào chùa)
và mối tình đầu
" Vẫn còn em vẫn còn tôi
Cả hai tóc bạc da mồi như nhau
Vẫn chưa quên mối tình đầu
Vẫn nghe văng vẳng tiếng chầu làng bên"
( Tình xưa)
Trong gia đình ông dành nhiều tình yêu thương cho những đứa cháu nhỏ. Chỉ mới một ngày bận đi họp không bế ông cũng có ngay bài thơ( Một ngày không bế cháu). Bế cháu lúc tuổi đã cao nhưng ông vẫn nghĩ tới khi gả chồng cho cháu
"Ông sẽ sắm chăn bông
Sắm màn tuyn màn gió
Chọn anh nào không có
Ông sẽ gả cháu cho"
( Bế cháu bài 1)
và lo cháu mình không gặp may mắn trên đường đời
"Liệu có vuông tròn và thanh thản
Hay là dang dở khổ thân ông"
(Không đề).
Với bạn hữu, xóm giềng tình yêu thương của ông là lời dạy con
"Chớ ngại thương người luỵ đến thân"
( Nhủ con)
Là sự cảm thông với nỗi vất vả của những người lao động ở làng quê
" Đốt gạch hun trời trai đóng gạch
Lăn ngòi ngoi nước gái buôn tro"
( Bùi thôn tức sự)
" Chỉ hiềm một nỗi lương hơi thấp
So với công lênh chẳng bõ bèn"
( Gửi chú Lợi bài 2)
Là lời hỏi thăm an ủi
" Xa quê thuốc đắng không buồn nuốt
Nhớ vợ nhà thương chẳng muốn nằm"
( Hỏi thăm ông Sổ bị tai nạn)
Là lời chúc thọ
" Mới đây bà đã tuổi bảy mươi
Không hơn nhưng cũng chẳng thua người"
( Mừng bà Bốn 70 tuổi)
Là lời chia vui, tán dương
" Không thua Lý Mực thời đương nhiệm
Chẳng kém Càn Long thủa trị vì"
( Mừng cụ Sổ mới sắm quần áo)
Là lời ngợi ca hạnh phúc
" Trung trinh đền đáp mười phân vẹn
Hiếu nghĩa nâng niu một dải đồng
Song hỷ nhân đôi thành tứ hỷ
Thôn Bùi xin đến học thôn Đông"
( Mừng đám cưới vàng ông Lưỡng Đông Xá)
Là lời thương tiếc
" Những tưởng thuốc tiên trừ bệnh quỷ
Nào ngờ bãi bể hoá nương dâu"
( Viếng ông Ngư)
Là lối sống dân dã, thẳng thắn, khí khái
" Giao du chẳng chuộng người vai vế
Khấn khứa không quen giọng sụt sùi
( Khấn thánh đình Đống Cao)
" Hiên ngang chất phác chẳng ươn hèn
Ngẩng lên ngạo nghễ khinh phường nịnh
Cúu xuống ôn tồn đón bạn quen"
( Vịnh cổng chùa Bùi)
để luôn gần gũi, bênh vực cho những kẻ nghèo khó, yếu đuối, " thấp cổ bé họng" trước cường quyền.
"Họ đã vào hùa cả với nhau
Bao nhiêu tội lỗi đổ cho Mầu
Hương câm đắc ý thường xoa gáy
Đồ điếc hợm mình vẫn vuốt râu"
( Chiếu chèo ngày ấy)
Hội làng là một trong các lễ hội truyền thống có ở hầu hết các làng quê Bắc bộ trong đó có làng quê ông. Đây là lễ hội được tất cả người làng ở quê và xa quê quan tâm, tham dự. Chính vì vậy "Quê hương" có tới 10 bài nói về hội làng. Các hoạt động trong hội làng được lặp lại từ năm này qua năm khác. Nhưng đọc 10 bài" hội làng" của "Quê hương" người ta lại không hề cảm thấy sự lặp lại nhàm chán đó. Bởi mỗi năm ông lại có một cách tiếp cận, cách viết về hội làng khác nhau. Có năm ông mô tả khá đầy đủ, tỉ mỉ
( Hội làng)
Có năm chỉ nói đến một vài
" Kinh văn cụ vãi tha hồ tụng
Chiêng trống ông từ thoả sức khua
Bàn bóng kê trong vành móng ngựa
Sới gà cắm giữa khúc đường cua"
( Hội làng (bài 1))
Có năm hội là thời điểm mà ông chờ mong để gặp người bạn già đồng niên
" Hội làng liệu cụ có về không
Khi phải băng qua mấy cánh đồng
Vẫn biết quỷ thần không trách cứ
Nhưng còn bè bạn vẫn chờ mong"
( Hội làng) ( gửi cụ Vị)
Có năm chỉ là sự trách cứ
" Cầy cấy chưa xong đã hội hè
Vội vàng chân vịt dẫm chân le"
và than vãn về hậu quả của nó
" Còn hơn tháng nữa mùa xuân hết
Ta lại mình trần nhặt xác ve"
( Hội làng - bài 4)
Lại có năm khi hội làng qua ông cảm thấy như trút được một gáng nặng vì thấy việc tổ chức rình rang tốn kém chỉ làm khổ những người nghèo khó là dịp để những kẻ sang giàu khoe mẽ
" Thôi thế là xong cái hội làng
Cực lòng kẻ khó khoái người sang"
tới mức kệch cỡm
" Đặc sệt thơ trào Hồ Trọng Hiếu
Y sì truyện ngắn Nguyễn Công Hoan"
( Hội làng - bài 5 )
Có lẽ do ảnh hưởng phong cách từ các nhà thơ tiền bối nên hầu hết những lần nói về mình trong " Quê hương" ông đều tự trào. Từ hình dáng bên ngoài
" Mắt đã phạm vào điều tứ kỵ
Môi còn dính tới chuyện tam sao
Hình dung diện mạo là như thế
Chỉ tự ty thôi chẳng tự hào"
( Chân dung tự hoạ),
đến sự hiểu biết
"Đọc truyện chưa thông đường tiến thoái
Nghe kinh không hiểu nghĩa tư tà"
( Sáu ba tuổi tự vịnh),
tài năng
" Nghĩ mình dốt nát lại già nua
Cái khăn cái áo cam bề kém
Câu chuyện câu trò chịu phận thua"
( Hội làng( tự vịnh - bài 3),
đức độ
" Ngoài miệng nói toàn điều lễ nghĩa
Trong lòng nhớ rặt chuyện trăng hoa"
( Xuân 65 tự vịnh)
những việc đã làm
" Chống chèo kê kích không còn sức
Kẻ vẽ sơn quang cũng hết màu
Ngậm miệng giả câm thương phận hến
Cưa sừng làm nghé tủi thân trâu"
( Mười bảy năm làm Chấp hành phụ lão)
và kết cục thì tự nhận là "đồ tồi"
" Tôi ngồi tôi nghĩ đời tôi
Người ta thường gọi đồ tồi chẳng oan"
( Tự thán)
Cái nhìn về thời cuộc được thể hiện khá rõ rệt trong "Quê hương". Đó là kết quả của những trằn trọc, suy tư trước hiện tình quê hương, đất nước. Là cả một " hành trình" thay đổi theo thời gian từ khi là thanh niên tới khi là một ông già. Khi mới trở về từ nhà tù của Pháp thì nhìn đời còn hăm hở lạc quan
" Nhưng về đâu đều có ánh sao vàng
Toả ánh sáng dẫn ta không lạc lối"
( Về đâu)
Lúc chứng kiến cảnh đói nghèo của người dân trong HTX
"Chiêm khá tốt sao người dân còn đói
Biết sự thật nhưng nào ai dám nói
Đành vét bồ ra đóng thuế khả năng
Rồi kéo nhau lên núi đỏ rừng xanh
Mua bòn mót từng củ khoai gióc sắn
Để sống tiếp những chuỗi ngay đằng đẵng"
thì cái nhìn đã có phần chua chát
" Xe quay bánh nhưng tôi còn ngoái lại
Lòng nhủ thầm thôi nhé Nhã Nam ơi
Nỗi lòng ta chua xót muốn kêu trời"
( Chợ Nhã Nam)
Đến khi thấy bất công ngang trái ngày càng nhiều và trắng trợn
" Họ đâu hiểu nước mình
Đang lâm vào quẫn bách
Đề bao nhiêu chính sách
Ra bao nhiêu chủ trương
Chỉ là dịp mở đường
Cho những phường cơ hội
Làm giàu nhanh như thổi"
( Bế cháu - bài 3)
thì ông đã hiểu ra nguyên nhân
" Xử đi xét lại bao giờ hết
Khi đấng quân vương vốn bất tài"
( Cảm tác khi xem phim Bao công).
để rồi ân hận vì sự lầm lỡ của mình trong cuộc đời
"Cả một đời mải miết
Theo cái thuyết viển vông
Nhưng không lại hoàn không
Thành dã tràng xe cát"
( Xuân 75 tuổi gửi các cháu)
Thơ là sản phẩm tinh thần. Được tạo ra từ cảm xúc, trí tuệ của con người. Vì vậy qua thơ có thể đánh giá được con người tác giả. Chắc chắn "Quê hương" còn nói tới nhiều điều khác nũa mà người viết chưa đề cập được. Nhưng chừng đó là đủ để hiểu thêm về tác giả Thục Lê. Một người tài hoa, nhân hậu và yêu quê hương tha thiết.
MAI PHƯƠNG
Chú thích
(1) Gần đây nhiều bài thơ của tập thơ đã được gửi đăng trên saimonthidan.com với tên tác giả là Lê Văn Thục
(2) Chỉ in khoảng vài chục cuốn để tặng cho người thân và bạn bè