Jan 10, 2025

Biên khảo

Nguyễn Du Qua Đỉnh Tô Tần
Nhất Uyên Phạm Trọng Chánh * đăng lúc 03:03:17 AM, Jul 23, 2016 * Số lần xem: 1824
Hình ảnh
#1

 

NGUYỄN   DU    QUA   ĐÌNH     TÔ TẦN

TS  PHẠM  TRỌNG   CHÁNH


          Nguyễn Du có hai bài thơ viết về đình Tô Tần khi đi qua cố kinh Lạc Dương, nơi quê hương Tô Tần. Lạc Dương là một trong 4 kinh đô lớn trong lịch sử Trung Quốc, phía Tây tỉnh Hà Nam, tỉnh phía Nam sông Hoàng Hà, giáp tỉnh lị Trịnh Châu, Lạc Dương nằm bên bờ sông Hà Lạc còn có tên là Đông Kinh, Tây Kinh. Được xây dựng từ thế kỷ 11 trước Công nguyên đặt tên là Thành Chu, trở thành kinh đô nhà Đông Chu từ năm 770 trước CN. Từ năm 25 đến 190 sau CN thành kinh đô nhà Đông Hán từ Hán Quang Vũ Đế đến Hán Hiến Đế. Nhà Tùy thống nhất Trung Quốc năm 589 định đô ở Trường An. Năm 605 Tùy Dạng Đế cho xây dựng Đông Đô Lạc Dương. Trong thời hạn một năm nhân công dùng mỗi tháng đến 2 triệu người.

Do việc đôn đốc khắc khe, 10 người chết đến 4, 5. Do hao tổn nhân lực tiền bạc, nhà Tùy suy sụp, các cuộc khởi nghĩa bùng nổ , nhà Tùy diệt vong năm năm 617. Nguyễn Du viết các bài Đình Tô Tần, và Phân Kinh Thạch Đài tại cựu kinh đô Lạc Dương năm 1789-1790.

Khi đi sứ Nguyễn Du có đi ngang qua tỉnh Hà Nam, qua huyện An Dương, nhưng không đến Lạc Dương. Đình Tô Tần lập ở quê hương Tô Tần là Lạc Dương. Lạc Dương có ngôi chùa Bạch Mã là chùa đầu tiên của Trung Quốc, lập năm 65 sau công nguyên, có lẽ Phân Kinh Thạch Đài nhà Tùy nằm nơi này. Tôi có đến Trường An năm 2009 tìm Phân Kinh Thạch Đài nơi chùa Đại Hồng Nhạn và Tiểu Hồng Nhạn, nơi Trần Huyền Trang dịch kinh nhưng không ai biết.

Tô Tần người đất Lạc Dương, đi du thuyết mấy năm không ai nghe theo, trở về nhà bị cả nhà khinh thường rẻ rúng. Tô Tần cố học nghị luận, sang nước Tần, Tần không dùng. Tô Tần bèn sang du thuyết 6 nước Yên, Triệu, Hàn, Ngụy, Tề, Sở từ Bắc xuống Nam gọi là « hợp tung  » để chống Tần ; Tô Tần được làm Tung Uớc Trưởng, đeo ấn tướng quốc sáu nước. Mười lăm năm sau, Trương Nghi du thuyết sáu nước từ Đông sang Tây thần phục nước Tần, gọi là « Liên hoành » với nhau, phá thuyết hợp tung của Tô Tần. Về sau Tô Tần làm quan ở Tề, tranh giành địa vị với quan đại phu, bị ám sát chết.

Đối với nhân vật Tô Tần, Nguyễn Du có ác cảm và chê bai không tiếc lời : Kế tung hoành chỉ lừa phỉnh được bọn vua chúa tầm thường, giàu sang Tô Tần chỉ để ngạo nghễ với người đàn bà góa : chị dâu. Lời Tô Tần nói với chị dâu thật là thô bỉ, khí độ hèn mọn. Ấn phong sáu nước tiêu tan vì kế hoạch hợp tung thất bại, sáu nước đều bị Tần chiếm đoạt. Ngôi đình Tô Tần trong cỏ thu rậm rạp vì chẳng còn ai thăm viếng. Quyền lợi người đời thật vô vị vì thành quả của Tô Tần chỉ là sự mê muội.

Lời chê bai của Nguyễn Du đúng với tư cách của Tô Tần, nhưng kế hợp tung các nước yếu hợp lại là một sáng kiến hay vẫn có thể áp dụng đến ngàn đời. Nước mạnh thích dùng thủ đoạn « hợp tác song phương » giữa một nước mạnh và một nước yếu để chèn ép, lấn lướt, mua chuộc « cây gậy và củ cà rốt » và lý kẻ mạnh bao giờ cũng thắng ; nếu các nước yếu hợp lại thành một khối thì trở thành một sức mạnh, nước mạnh phải đối xử ngang hàng, bình đẳng.

Rách áo da cừu, không trở lại miền Tây. Sang miếu đường nước Triệu, đập bàn tay thở ra khí cầu vòng. Kế lớn tung hoành có thể phỉnh lừa được bọn vua chúa tầm thường. Giàu sang còn có thể ngạo nghễ với đàn bà góa. Ấn sáu nước phong tướng tiêu tan, chỉ còn bãi cát mịt mùng. Một ngôi đình trong cảnh thu muộn, cỏ rậm rạp. Đời người quyền lợi thật vô vị. Xưa nay, ai có thể phá được cái mê muội ấy !

ĐÌNH TÔ TẦN

Áo rách da cừu bỏ hướng Tây,

Triệu đường múa lưỡi với khua tay.

Tung hoành lừa phỉnh loè vua dốt.

Phú quý khoe khoang với vợ gầy.

Sáu nước ấn phong, cồn gió cát,

Một đình thu muộn cỏ tung bay.

Kiếp người danh lợi thành vô vị,

Kim cổ ai người tỉnh giấc say.

Nhất Uyên dịch thơ

TÔ TẦN ĐÌNH

Tệ tận điêu cừu bất phục tê (tây),
Triệu đài để chưởng thổ hồng nghê.
Tung hoành tự khả ngu dung chúa,

Phú quý hoàn năng cứ quả thê.

Lục quốc ấn tiêu sa mạc mạc,

Nhất đình thu mộ thảo thê thê.

Nhân sinh quyền lợi thành vô vị.

Kim cổ thành năng phá thử mê.

Bài II Nguyễn Du kể chuyện Tô Tần. Chuyện Tô Tần được chép trong Sử Ký Tư Mã Thiên và Đông Châu Liệt Quốc. Theo Đông Châu Liệt Quốc, Hồi 90 quyển 3 chép :

« Tô Tần và Trương Nghi, hai người là bạn đồng môn học trò Quỉ Cốc. Sau khi từ giả thầy xuống núi, Trương Nghi thì về nước Ngụy, còn Tô Tần thì về Lạc Dương, ai cũng tính về quê thăm viếng rồi sẽ lo việc tiến thân. Tô Tần về đến nhà, gia đình còn người mẹ già, một bà chị dâu và hai em trai là Tô Đại, Tô Lệ. Lâu ngày xa cách, gia đình sum họp tưởng không gì vui bằng. Vài ngày sau, Tô Tần muốn đi chơi các nước, nhưng không có tiền, muốn xin người mẹ bán hết gia tài để làm lộ phí. Người mẹ nói:

– Con không lo cày cấy làm ăn, chỉ hòng đem miệng lưỡi cầu sang, bỏ cái nghiệp đã thành, mà ước cái lợi chưa có, sau này bị nghèo túng hối hận không kịp. Tô Đại và Tô Lệ cũng nói :

– Nếu anh có tài du thuyết sau không đến nói với Châu Vương. Ở quê hương mà tìm được vinh hiển chẳng hay hơn nước ngoài sao ?

Tô Tần bị cả nhà cản trở liền xin vào yết kiến Châu Hiền Vương, bày tỏ cái thuật tự cường.

Châu Hiền vương mời ra quán trọ. Triều thần đều biết Tô Tần vốn là một gã nông phu trước kia nên có ý khinh bỉ và cho lời nói Tô Tần là viễn vông không dùng được.

Tô Tần lưu nơi quán xá gần một năm trời, vẫn không ai để ý đến, bực tức bỏ về nhà, bán hết gia sản được một trăm lượng vàng, may một cái áo lông cừu đen, sắm sửa xe ngựa và kẻ hầu hạ, còn thừa dùng làm lộ phí đi chu du các nước, xem xét địa hình, địa vật và phong tục khắp nơi, rõ hết các điều lợi hại trong thiên hạ.

Độ một năm sau, Tô Tần nghe Vệ Uởng được làm Thượng Quân, vua Tần tin dùng lắm, liền đi sang Hàm Dương. Nhưng khi sang đến nơi Tần Hiếu Công mất, Vệ Ưởng chẳng còn, bèn xin vào yết kiến Huệ Văn Vương.

Huệ Văn Vương triệu Tô Tần vào, hỏi :

-Tiên sinh chẳng quản đường xa cực nhọc đến đây, chẳng hay có điều gì chỉ giáo chăng ?

Tô Tần nói :

– Đại Vương ức chế chư hầu, bắt các nơi phải cắt đất tiến dâng, như thế là Đại Vương có ý muốn thôn tính thiên hạ ?

Huệ Văn Vương đáp:

– Phải.

Tô Tần nói :

-Đại Vương đông có Quan Hà, tây có Hán Trung, nam có Ba Thục, bắc có Hồ Lạc, đó là nơi có thế gây nghiệp đế vương. Tôi xin giúp Đại Vương thôn tính chư hầu, nuốt nhà Châu, thống nhất thiên hạ như trở bàn tay, xin Đại Vương xét lại.

Huệ Văn Vương mới giết Vệ Ưởng, trong lòng vẫn ghét những kẻ du thuyết bèn từ chối :

– Con chim lông cánh chưa đủ chưa thể bay cao. Tiếc rằng tài tiên sinh rất hay, mà sức ta chưa làm nổi, vậy xin đợi vài năm nữa, binh lực dồi dào ta sẽ bàn đến việc đó.

Tô Tần lui ra, đem thuật của tam vương, ngũ bá dùng công chiến mà được thiên hạ, chép thành quyển sách dày, ước hơn mười vạn chữ, đem dâng cho vua Tần. Vua Tần không có ý dùng Tô Tần nên chỉ xem qua. Tô Tần lại qua yết kiến quan Tướng quốc Công Tôn Diễn. Công Tôn Diễn ganh tài không chịu tiến dẫn. Tô Tần ở đó hơn một năm, áo lông cừu đã bạc màu, tiền lộ phí đã dùng hết, không biết xoay vào đâu, phải bán xe ngựa và đầy tớ để lấy tiền tiêu đỡ, rồi quảy gói trở về nhà.

Mẹ Tô Tần thấy vậy mắng nhiếc, vợ Tô Tần đang dệt cửi cứ ngồi yên không thèm hỏi han đến, Tô Tần đói quá hỏi người chị dâu xin cơm ăn, thì chị dâu bảo là hết củi, không nấu cơm được. Tô Tần ứa nước mắt tự nghĩ :

-Ta bán hết tài sản, đem thân lưu lạc mấy năm, chẳng làm được việc gì đến nổi vợ không coi là chồng, mẹ không coi là con, chị dâu không nhận là em. Thế thì lỗi này do ta cả, còn trách cứ ai . Tô Tần thò vào gói, lục lạo xem còn sót đồng tiền nào chăng. Nhưng tiền không có, chỉ có quyển sách Thái công âm phù mà Quỉ Cốc Tiên sinh trao tặng lúc giả biệt. Tô Tần sực nhớ lời Quỉ Cốc nói, nếu du thuyết không gặp vận chỉ nên đọc kỹ quyển sách này ắt có tiến ích. Bèn đóng cửa đọc sách, đem ngày không nghỉ. Lúc nào buồn ngủ lắm thì dùng cây nhọn chích vào chân cho chảy máu để đau nhức ngủ không được. Khi đã hiểu hết tinh nghĩa trong sách, Tô Tần lại đem hình thế các nước xem xét kỹ càng. Được một năm Tô Tần thấy mình thông hiểu mười phần , nghĩ thầm :

– Sức học ta như vầy, chẳng lẽ không chiếm được ngôi khanh tướng, làm nên sự nghiệp sao ?

Tô Tần nói với hai người em là Tô Đại và Tô Lệ :

– Nay sức học ta đã thành, lấy giàu sang như bỡn, các em nên giúp ta tiền hành lý để đi du thuyết các nước. Ngày thành công ta sẽ dìu dắt các em. Lại đem quyển Âm phù ra giảng giải cho Đại và Lệ hiểu. Đại và Lệ rất hài lòng, đem tiền giúp cho Tô Tần làm lộ phí. Tô Tần từ biệt gia đình, cất bước phiêu lưu, ý muốn qua nước Tần lần nữa, nhưng lại nghĩ :

– Ngày nay trong bảy nước chỉ có Tần là mạnh hơn cả, có thể giúp nên nghiệp đế được. Tuy nhiên trước kia vua Tần đã không muốn dùng ta, nay lại đến đó e lại về không thì còn mặt mũi nào trông thấy gia đình.

Liền sanh một kế :

Tần mạnh sẽ là kẻ thù của sáu nước yếu, ta làm cho các nước cùng lòng hợp sức chống Tần, làm cô lập nước Tần thì mới có thể đứng vững được.

Nghĩ vậy liền sang nước Triệu. Bấy giờ Triệu Túc Hầu đang ở ngôi, em trai là công tử Thanh làm Tướng Quốc gọi là Phụng Dương Quân. Tô Tần vào yết kiến Phụng Dương Quân, Phụng Dương Quân không thích nghe, Tô Tần liền bỏ Triệu sang Yên, xin vào yết kiến Yên Văn Công. Tuy nhiên, những người thân cận không ai chịu giúp, nên Tô Tần đợi hơn một năm mà vẫn chưa có dịp vào yết kiến được. Lúc bấy giờ tiền lương đã hết. Tô Tần phải nhịn đói nằm lì nơi quán trọ. Người trong quán động lòng cho vay một trăm đồng tiền. Tô Tần nhờ đó tạm sống qua ngày. Một hôm, nhân lúc Yên Văn Công đi chơi, Tô Tần liền quì mọp bên đàng nghênh đón. Yên Văn Công thấy thế, cho người đỡ dậy hỏi :

– Nhà ngươi tên họ là chi, có việc gì oan ức ? Tô Tần tâu:

– Chẳng có điều gì oan ức cả. Tôi tên Tô Tần muốn được yết kiến Chúa Công song không có người tiến dẫn, nên phải làm liều. Yên Văn Công nghe đến tên Tô Tần, mừng rỡ nói :

– Ta nghe nói tiên sinh năm trước có dâng vua Tần tập thư mười vạn chữ, ta lấy làm hâm mộ, ước sao được tập thư ấy. Nay lại gặp tiên sinh đây, thực là may cho nước Yên lắm. Dứt lời, truyền lệnh hồi loan, và đòi Tô Tần vào đàm đạo. Tô Tần nói :

– Đại Vương đặt mình trong chiến quốc, đất chỉ vuông hai ngàn dậm, binh giáp vài mươi vạn, xe sáu trăm cỗ, ngựa sáu nghìn con so với Trung nguyên chưa bằng phân nửa, thế mà tai không nghe tiếng vó ngựa giao vành, mắt không thấy cái họa đổ xe chém tướng, được sống trong cảnh thanh bình an lạc, trong lúc các nước rộn rịp đao binh. Đại Vương có biết tại sao như thế chăng ?

Yên Văn Công nói :

– Ta thực không rõ, tiên sinh cứ tường trình cho ta nghe thử. Tô Tần nói :

– Nước Yên sở dĩ không bị binh đao là nhờ có nước Triệu đứng che. Đại Vương không biết kết giao với Triệu, lại xu nịnh nước Tần, thật cũng thẹn lắm ru ? Yên Văn Công nói :

– Ý tiên sinh bảo ta làm thế nào trong lúc nước Tần đất rộng binh hùng, có thể thôn tính chư hầu như trở bàn tay. Tô Tần nói :

– Cứ theo ngu ý thì « mãnh hổ nan địch quần hồ». Nước Yên dẫu yếu nhưng nếu liên kết với nhiều nước khác chống lại nước Tần, thì nước Tần phải sợ. Đó mới là kế làm cho nước được yên ổn lâu dài. Yên Văn Công nói :

– Lời Tiên sinh rất hợp ý ta, song thì sợ chư hầu không đồng lòng thôi. Tô Tần nói :

– Tôi dẫu bất tài, xin thay mặt Đại Vương diện kiến chư hầu để bàn việc ấy.

Yên Văn Công mừng rỡ, đem vàng bạc, ngựa xe giao cho Tô Tần, lại sai tráng sĩ theo hầu, đưa Tô Tần qua nước Triệu. Bấy giờ Phụng Dương Quân Triệu Thành đã mất. Triệu Túc Hầu nghe nước Yên sai du khách đến vội ra tiếp đón nói :

– Thượng khách hạ cố đến nước ta chẳng hay có điều gì chỉ giáo chăng ? Tô Tần sụp lạy tâu :

– Tôi nghe những người hiền sĩ khắp nơi đều kính mến hiền hầu, muốn tỏ bày nguyện vọng để hợp sức với hiền hầu, chỉ vì Phụng Dương Quân là kẻ đố kỵ, ghen ghét tài năng, cho nên hiền sĩ bốn phương đều dừng chân không đến, cuốn lưỡi không nói. Nay Phụng Dương Quân từ trần, nên tôi mới dám đến đây dâng vài lời tâm huyết. Phàm việc trị dân không gì bằng nắm được thế nước, mà thế nước không có cách nào mạnh hơn là đoàn kết. Nước Triệu so với các nước phương đông thì đất rộng binh hùng hơn. Tuy nhiên so với nước Tần thì kém xa. Sở dĩ Tần chưa xâm chiếm Triệu, là còn sợ Hàn, Ngụy thừa cơ đánh úp mặt sau. Vì vậy nước Tần phải lo diệt Hàn , Ngụy trước. Ngày kia Hàn, Ngụy đã đầu Tần rồi, thì cái họa binh đao sẽ đến với Triệu. Triệu Túc Hầu nói :

– Thế thì phải làm sao để tránh khỏi cái nạn ấy ? Tô Tần nói :

– Phải giữ hai nước Hàn và Ngụy đừng cho lọt vào tay nước Tần để dùng làm bình phong che nước Triệu. Hàn và Ngụy tuy yếu, nhưng nếu liên kết lại thì sẽ có sức mạnh phi thường, nước Tần không làm gì nổi. Theo ý tôi, các nước yếu nên họp lại ăn thề, kết làm anh em, hễ Tần đánh một nước thì năm nước cùng cứu, còn trong năm nước, nếu có nước nào trái lời thề, thì các nước cùng đánh. Sức năm nước đã họp lại thì nước Tần khó địch. Triệu Túc Hầu nói :

– Ta mới lên ngôi, tuổi còn trẻ, kinh nghiệm chưa bao nhiêu, và cũng chưa hề nghe nói những lời vàng ngọc như thế. Nay tiên sinh muốn liên hiệp chư hầu để chống lại Tần, ta đồng ý cho đó là thượng sách. Vậy phải nhờ sức tiên sinh mới được. Dứt lời giao ngay ấn tướng cho Tô Tần, cho ở một dinh thự, thưởng năm trăm nén vàng kim, năm đôi thạch bích, nghìn tấm gấm vóc và cử làm chức Liên hiệp trưởng.

Tô Tần sang nước Hàn, vào yết kiến Tuyên Huệ Công, nói :

– Nước Hàn tuy sông núi ít hiểm trở mà đất rộng hơn chín trăm dậm, quân vài mươi vạn, vũ khí không phải ít, thế mà cứ thỉnh thoảng lại phải cắt đất sang triều phục nước Tần. Tôi e đất nước Hàn có hạn, mà lòng tham nước Tần vô biên. Nước có rộng đến đâu mà cứ cắt lần hồi thì cũng phải hết. Đại vương có đức hiền, lại có quân mạnh, mà lại cứ mãi thần phục mãi nước người thật là xấu hổ. Tuyên Huệ Công nói :

– Ta nghe tướng quân đề xướng ra thuyết liên hiệp chư hầu, lấy làm thích. Nay ta nguyện đem cả nước thực hiện theo lời tướng quân, phục tùng theo các điều ước mà nước Triệu đã định. Nói xong, đem tặng Tô Tần năm trăm lượng vàng kim. Tô Tần lại lần lượt đi đến các nước Ngụy, Sở, Tề, vua nước nào cũng cho chánh sách liên hiệp là phải, phong cho Tô Tần làm Liên Hiệp Trưởng, hẹn nhau hội nghị nơi Hằng Thủy. Tô Tần trở về báo với Triệu Túc Hầu. Khi Tô Tần qua Lạc Dương (quê hương Tô Tần) các nước đều sai sứ đi tiễn, nghi trướng, cờ quạt, tiền hô hậu ủng hơn hai mươi dậm chưa hết, uy nghi, chẳng khác nào một đấng vương giả.

Châu Hiền Vương nghe Tô Tần sắp đến, sai người quét dọn đường xá sạch sẽ, và bày cung tướng ngoài châu thành để đón. Các quan đều đến đấy chúc mừng.

Lúc đó, bà mẹ Tô Tần cũng chống gậy ra xem. Hai người em trai, chị dâu và vợ của Tô Tần đều che mặt không dám nhìn. Tô Tần ngồi trên xe, trông thấy gọi người chị dâu đến hỏi :

– Chị trước kia không nấu cơm cho tôi ăn, tại sao ngày nay lại tỏ ra cung kính quá như thế ? Người chị dâu nói :

– Tô thấy hôm nay ngài ngồi đưọc ngôi cao và tiền nhiều, nên tôi phải kính sợ. Tô Tần ngậm ngùi than :

– Tình đời ấm lạnh, giá người thấp cao chỉ vì tiền bạc và địa vị.  Nói xong, sai lấy xe chở tất cả thân quyến mình cùng về làng cũ, xây một ngôi nhà rất lớn, họp cả họ hàng cùng ở, cấp tiền nong, vàng bạc cho từng người để sống một đời sung túc.

Hai người em của Tô Tần là Tô Đại và Tô Lệ hâm mộ sự giàu sang của anh, cùng nhau cố sức học tập về du thuyết. Tô Tần ở nhà mấy hôm rồi lại lên xe sang Triệu. Vua Triệu phong làm Võ An Quân, sai đi ước với năm nước Tề, Sở, Ngụy, Hàn Yên đúng ngày họp nhau ở Hằng Thủy.

Tô Tần cùng với vua Triệu đến Hằng Thủy trước, đắp một cái đài cao, để làm nơi hội trường. Đến kỳ, vua các nước đều lần lượt đến, chiếu vị thứ, đứng xếp hàng trên đài. Tô Tần từ dưới bước lên tâu với sáu vua :

-Nay nước Tần ỷ mạnh, áp bức các nước nhược tiểu, lần hồi thôn tính đất đai. Nếu không có một sức mạnh kháng cự tất kẻ yếu phải bị kẻ mạnh vật chết. Tôi thiết tưởng, sức mạnh ấy là sức mạnh đoàn kết của sáu nước vậy. Lời xưa có nói : « Mãnh hổ nan địch quần hồ ». Kẻ yếu biết đoàn kết bảo vệ lấy nhau nhất định trừ được bạo lực. Thế thì trong sáu nước có đồng ý liên hiệp chống Tần chăng ? Chư hầu đều nói :

– Xin theo chánh sách của Tiên sinh, quyết lòng đoàn kết tự vệ. Tô Tần nói :

-Các điều ước về liên hiệp quốc trước đây tôi đã tỏ bày với các vua rồi. Ngày nay chỉ còn việc uống máu ăn thề để kết tình tương hữu, trong mục đích bảo vệ lấy nhau, tiêu trừ bạo lực. Sáu vua đồng thanh đáp :

– Xin vâng theo lời dạy. Tô Tần liền bưng cái khay lần lượt mời sáu vị vua làm lễ huyết thệ, rồi thảo ra sáu bản điều ước giao cho mỗi nước một bản. Đoạn cùng nhau dự yến. Vua Triệu nói là Tô Tần sáng lập ra hội liên hiệp quốc giữ an được sáu nước nên phong tước cao, để có đủ quyền thay mặt nước Triệu, đi lại sáu nước giao hảo.

Vua năm nước : Tề, Sở, Ngụy, Hàn, Yên cũng đồng thanh phong cho Tô Tần giữ chức Liên Hiệp Trưởng, kiếm đeo ấn tướng sáu nước, bài vàng, gươm báu, thống hạt thần dân cả sáu nước. Mỗi vua lại ban cho Tô Tần trăm lượng hoàng kim, mười cỗ xe ngựa tốt. Tô Tần tạ ơn. Mãn tiệc, các vua đều trở về, Tô Tần theo Triệu Túc Hầu trở về nước Triệu. »

Trong thơ Nguyễn Du : Quý Tử Tô Tần mặc áo cừu đã rách, đi bộ quảy gói về quê. Người vợ vẫn ngồi dệt không buồn chạy ra đón. Chị dâu cũng chẳng nấu cơm cho ăn. Cha mẹ chẳng nhìn đến (trong chuyện Tô Tần chỉ còn bà mẹ) nhìn như người qua đường (vì không nghe lời mẹ ở nhà cày ruộng). Đấng trượng phu khi thất chí, tình nghĩa gia đình cũng xem thường. Một hôm vận đến, gặp thời. Sáu nước dùng làm Tướng Quốc, vàng ròng trăm nén, ngọc trăm đôi. Nghìn cổ xe sáu nước tiễn về quê hương. Cha mẹ đón từ xa, còn vợ lết quỳ nhìn lắm lét. Bình sinh chí nguyện là lúc này. Tô Tần hỏi chị dâu lời thật là thô bỉ : « Tại sao trước khinh nay lại trọng ». Hợp tung không phải để chống nhà Tần mà chỉ để khoe người thân lúc phú quý. Tô Tần dùng đùi đâm vào vế là để mưu quyền lợi. Khí độ thật hèn mọn. Trong sách danh tiếng Tô Tần đầy. Hôm nay đi qua đình Tô Tần, chẳng thấy xe ngựa vàng ròng, chỉ thấy đám cỏ hoang mọc xanh dầy. Người đời đọc sách chuyện Tô Tần, sao vẫn để danh lợi, quyền lực làm hại thân.

I I

Quý Tử áo cừu rách,

Đi về quảy gói không,

Vợ không dừng dệt đón,

Chị dâu chẳng nấu ăn.

Cha mẹ chẳng nhìn đến,

Như gặp người qua đường.

Trượng phu khi thất chí,

Cốt nhục cũng lìa tan.

Một hôm vận đến theo thời chí,

Sáu ấn bên mình reo đắc chí.

Vàng ròng trăm nén ngọc trăm đôi,

Nghìn cổ xe theo về cố lý.

Cha mẹ đón từ xa, vợ lết quỳ.

Vợ thấy mặt chồng nhìn lấm lét,

Bình sinh chí nguyện lúc này thôi:

Trước khinh sau kính “ lời thô bỉ.

Hợp tung đâu để chống cường Tần,

Mà khoe người thân lúc phú quý.

Dùi đâm vào vế mưu quyền lợi.

Than ôi ! khí độ hèn mọn thay.

Trong sách danh tiếng Tô Tần đầy,

Đình Tô Tần đó qua hôm nay,

Ngựa xe vàng ròng không còn thấy,

Trước đình chỉ thấy cỏ xanh dày.

Thế nhân đọc nhiều Tô Tần truyện,

Vẫn để giàu sang, quyền lực hại thân thay !

Nhất Uyên dịch thơ.

Nguyên tác phiên âm Hán Việt.

I I

Quý Tử hắc cừu tệ.

Đồ bộ đảm nang qui.

Kỳ thê bất há ky,

Kỳ tẩu bất vị xuy ?

Phụ mẫu bất phục cố,

Tương khan như lộ kỳ,

Trượng phu nhất thất chí,

Cốt nhục giai tương ly.

Nhất triêu đại vận hữu thời chí,

Lục ấn triền yêu minh đắc ý.

Hoàng kim bách dật, bích bách song,

Tụng xa thiên thặng lai hương lý.

Phụ mẫu giao nghênh, tẩu tất hành,

Thê kiến kỳ phu trắc mục thị.

Bình sinh chí nguyện tất ư tư,

« Tiền cứ hậu cung »   ngôn chính bỉ.

Hợp tung bất tại khước cường Tần,

Đãn hướng sở thân kiêu phú quý.

Thích cổ nguyên vị quyền lợi mưu,

Ta hồ, thử nhân tiểu tai khí !

Trung thư bão văn Tô Tần danh,

Đạo trung khước quá Tô Tần đình.

Xa mã kim ngọc dĩ vô tích.

Đình tiền chi thảo không thanh thanh.

Thế nhân đa độc Tô Tần truyện,

Do vi vị thế phú quý thương kỳ sinh.

Nguyễn Du chê bai Tô Tần thật quá lời, lời chê bai đối với nhân cách, nhưng tư tưởng Tô Tần thật đáng nể: Trước hết ông điều trần cái thuật Tự cường cho Châu Hiền Vương. Nhưng thất bại vì Châu Hiền Vương là một ông vua nhút nhát thủ cựu, không dám quyết đoán và áp dụng những điều hay của thuật Tự cường. Lẽ ra Nguyễn Du phải chê những vua chúa tầm thường, luôn luôn thủ cựu, cái gì của cha ông làm cũng đều hay đẹp, đời trước luôn luôn hay hơn đời sau đi đến cái hay cuối cùng là đời Nghiêu Thuấn, Tam Hoàng, những sự kiện được tưởng tượng thêu dệt toàn vẹn, hoàn hảo. Đi ngược lại sự tiến bộ của nhân loại, đời sau tiến bộ hơn đời trước. Thời thượng cổ nhân loại sống tuổi thọ chỉ 30 tuổi, đến đời Nguyễn Du tuổi thọ trung bình cũng chỉ trên dưới 50 tuổi, ngày nay 75, 80 tuổi. Ngày trước nhân loại đi từ nơi này sang nơi khác, muốn có mặt khắp địa cầu phải mất hàng chục ngàn năm, đời Nguyễn Du đi sứ từ Phú Xuân sang Bắc Kinh mất 6 tháng, ngày nay đi máy bay chỉ mất vài giờ. Con người văn minh tiến bộ từng ngày từng giờ, nhưng lại thích huyền thoại hóa quá khứ, biến những nhân vật lịch sử quá khứ thành thần tượng tôn thờ, biến thời đại xa xưa thành thời hoàng kim để bắt chước.

Tô Tần là một người tài đã đề ra nhiều giải pháp chính trị : Thuật Tự cường, tiếc rằng Châu Hiền Vương không áp dụng. Có gì hơn cái thuật Tự cường. Muốn tự cường phải xóa bỏ cái dốt nát, hủ lậu của nhân dân, nâng cao dân trí, nhân dân có giáo dục, dân trí nâng cao thì mới sáng suốt, phát huy những sáng kiến làm cho nước giàu dân mạnh. Muốn tự cường phải cải cách cơ chế chính trị, thời đại Tô Tần các lý thuyết Pháp Trị của Thương Ưởng, Hàn Phi Tử, Lý Tư.. đã làm cho nước Tần cường thịnh. Nước Tần từ một xứ hoang dã đã trở nên một cường quốc. Pháp Trị đã chứng tỏ sức mạnh ưu việt hơn hẵn Nhân Trị các đời trước. Nhân Trị dùng cho một xã hội nông nghiệp, người dân chỉ cày cáy trên mãnh đất mình, đạo lý Khổng Mạnh, Tam cương, Ngũ thường ràng buộc con người trong trật tự trên nói, dưới nghe. Đến khi xã hội bắt đầu có những thương gia trở nên giàu có, đi từ nơi này sang nơi khác mua bán làm ăn. Sự mua bán gây lợi nhuận hơn hẵn xã hội nông nghiệp, Sự xuất hiện của đồng tiền, của tư bản tài chính. Người thương nhân không thể đem vàng bạc từ nơi này sang nơi khác vì nạn cướp bóc, thảo khấu, do đó xuất hiện những trung gian giàu có, chỉ cần một mãnh giấy tín nhiệm đi đến nơi khác cùng thương hiệu sẽ lãnh được số vàng bạc tiền như mong muốn. Nhân trị không thể áp dụng cho giai cấp mới thành hình này, sức mạnh của giai cấp thương nhân, tài chính đã làm xuất hiện các thành thị lớn, việc thu thuế ở nước Pháp trị trở nên dồi dào, do đó có thể xây dựng những đội quân hùng mạnh. Nước Tần nhờ cải cách Pháp trị đã trở nên một cường quốc. Nếu các nước khác hiểu biết điều đó cũng theo cái thuật tự cường cũng cải cách chính trị, thì cũng sẽ hùng mạnh như nước Tần, thì không bị Tần chiếm đoạt.

Tô Tần đã đem cái thuật của Tam Vương, Ngũ Bá viết thành sách mươi vạn chữ để giúp nhà Tần thống nhất thiên hạ, nhưng tiếc thay vua Tần không nghe. Ngày nay chúng ta không còn sách của Tô Tần. Tam Vương, Ngũ Bá đã thống nhất thiên hạ thế nào mà không gây nên tiếng xấu : tàn ác, độc đoán, tàn bạo như Tần Thủy Hoàng. Có lẽ đó là cái thuật của Tô Tần, thống nhất thiên hạ mà nhân dân muôn đời nhớ ơn, nếu nhà Tần áp dụng chính sách đó thì có lẽ triều đại nhà Tần không ngắn ngủi chỉ có Tần Thủy Hoàng và Tần Nhị Đế rồi sụp đổ. Nếu nhà Tần thống nhất thiên hạ theo đường lối Tô Tần có thể chủ nghĩa tư bản Pháp trị sẽ xuất hiện sớm hơn ở Đông Phương.

Chính sách Hợp tung của Tô Tần vẫn là một chính sách tài tình. Liên hợp các nước để chế ngự một cường quốc là một sáng kiến độc đáo. Tô Tần là sách lược dùng lâu dài, Khổng Minh là mưu lược dùng nhất thời trong một tình thế chiến tranh. Các cường quốc thường chỉ thích Hiệp ước song phương giữa một nước mạnh và một nước yếu đễ dễ bề thao túng : lý kẻ mạnh bao giờ cũng thắng, dùng cây gậy củ cà rốt, vừa đàm phán vừa hù dọa mua chuộc, để nước yếu vào tròng của mình, sự lệ thuộc này kéo theo sự lệ thuộc khác cuối cùng đi theo chủ đích nước mạnh. Nếu hợp các nước yếu lại thì trở thành ngang hàng với nước mạnh, mọi việc thương thuyết trở nên bình đẳng. Thế giới này nay đang đi theo chiều hướng các nước yếu hợp lại. Từ Liên Âu 28 nước, đến Liên Đông Nam Á 10 nước, đến Liên Phi, Liên Á Rập.. và một Tổ chức Liên Hiệp Quốc với những cơ chế luật lệ Quốc Tế. Một Luật Biến Quốc Tế đã thành hình, không thể có một nước nào tự sáng lập ra luật riêng của mình, chiếm cứ các rạng san hô, bồi đắp thành đảo, xưng là lãnh thổ của mình, rồi chận đường thương thuyền, đường hàng không các nước khác, muốn qua lại phải xin phép.

Nguyễn Du chê bai Tô Tần lời nói đối với bà chị dâu thật bất công, Nguyễn Du không nhìn thấy Tô Tần là người có chí, thất bại bao nhiêu lần đến đói khát bị chính gia đình khinh rẽ, vẫn bền tâm vững chí, học thuyết này không thành công, bày ra học thuyết khác. Học chưa thành thì học thêm quên cả ngày đêm, dùng đùi đâm cho đau để khỏi ngủ gục. Vua chúa này không dùng, thì đi đến nước khác, không nản lòng. Không ai tiến cử thì quỳ nọp chận đường vua giữa đường, không sợ chết. Tô Tần là người có chí đáng kính phục. Nếu chỉ vì thất bại mà bỏ về cày ruộng, thì sẽ không để lại danh muôn đời : « miệng lưỡi Tô Tần ». Đành rằng sách lược Hợp tung Tô Tần chỉ thành công trong 15 năm. Nhưng thất bại không do Tô Tần mà do các nước vì quyền lợi riêng tư đánh nhau phá bỏ cái thế hợp tung khiến cho nhà Tần có thể đem quân thành toán từng nước. Hợp lại như bó đũa không ai bẻ được, nhà Tần đã rút ra từng chiếc và bẻ gảy.

Áo da cừu ngày nay cũng vẫn đắt tiền, dù kỹ nghệ chăn nuôi cừu và thuộc da phát triển, ngày xưa Tô Tần phải bán cả gia tài cha mẹ để mua áo da cừu, mua vài đầy tớ để đi du thuyết. Lý Bạch nói ngông đòi bán cả áo da cừu và con ngựa quí để mua rượu. Tại sao lại phải áo da cừu sang trọng ? đi du thuyết mà ăn mặc tầm thường như Trương Nghi, thì bị nghi là ăn cắp ngọc, bị đánh suýt chết, mặc rách rưới xưng là vô sản thì người ta cho vài đồng bạc và đuổi đi. Thời nào cũng thế, phải tỏ ra mình sang trọng như tư bản thứ dữ « tay mang túi bạc kè kè, nói quấy nói quá chúng nghe rầm rầm ». Trên diễn đàn quốc tế, các nước nghèo dù đọc bài diễn văn hay cách mấy cũng chẳng ai nghe. Nước giàu cất tiếng nói thính giả ngồi nghe như uống từng lời nói, chờ nghe nói đến tiền viện trợ. Việt Kiều cũng thế muốn du thuyết thì phải là Giám Đốc Công Ty, tiền bạc rổn rảng, đầu tư tiền triệu đô la, thì có hy vọng được lãnh đạo kén làm rễ.

    Quí tử ngày xưa chỉ học Quỉ Cốc Tiên sinh, đọc sách Thái công âm phù nằm vạ giữa đường thì lãnh đạo hỏi có điều chi oan ức, chỉ nói vài câu là lãnh đạo rước về đàm đạo. Ngày nay, quí tử dù có bằng Tiến sĩ Luật Sorbonne về, đánh trống, khua chuông ầm ỉ, thì lãnh đạo nổi khùng chẳng thèm tiếp mà còn tặng cho hai cái bao cao su thì vợ phải chạy vô tù ra khám nuôi cơm vất vả. Người đời nay mơ ước cái thời lãnh đạo trân trọng nhân tài của thời Tô Tần ngày xưa.

                                                          
PHẠM TRỌNG CHÁNH

                                           Tiến sĩ Khoa Học Giáo Dục. Viện Đại Học Paris V

               
                                    

 

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.