Bún thang là món ăn tiêu biểu cho nghệ thuật ẩm thực Hà Nội. Người ta nói rằng các món ăn Hà Nội rất cầu kỳ, tinh tế, điều đó cũng đúng với món bún thang. Ai đã ăn món này 1 lần, thì dù đi đâu, làm gì, cũng nhớ về một miền quê hương với món bún đậm đà dân tộc.
Sau đây, một chuyên gia ẩm thực cao niên Hà Nội sẽ hướng dẫn các bạn cách nấu bún thang ngon với hương vị chuẩn nhất được lưu truyền hàng chục năm qua.
Nguyên liệu nấu món bún thang Hà Nội
Với cách nấu bún thang này bạn cần chuẩn bị nhũng nguyên liệu sau:
½ con gà ta
2 quả trứng vịt
100g giò lụa
500g xương hom hay xương ống heo
1,5 kg bún sợi nhỏ
100g tôm khô, 2-3 cái râu mực khô (hoặc sá sùng)
200g tôm sú
Hành lá, rau răm, hành khô và gừng nướng, nấm hương, củ cải khô
Mắm tôm, gia vị, nước mắm, 1 chút đường phèn, giấm, đường cát trắng
Chế biến món bún thang
Gà làm sạch, luộc với nước, khi nước sôi cho một chút gia vị và hành khô, gừng đã nướng thơm vào, hạ nhỏ lửa để gà chín bên trong.
Khi gà chín vớt ra bát nước lạnh rửa sạch, xé hoặc thái miếng nhỏ.
Xương lợn cho vào nồi đun sôi với nước, sau đó đổ hết nước đó đi, cho ra vào nước lạnh rửa sạch vụn xương.
Đem xương rang với gia vị đến khi thơm thì đổ nước vào ninh để xương mềm, chắt lấy nước.
Tôm khô rửa sạch cho vào chảo rang thơm, râu mực đem nướng chín. Nếu có sá sùng thì nước dùng của bạn sẽ thơm ngon lắm đấy, nhưng vì giá thành rất cao và tìm mua cũng không dễ chút nào nên dùng râu mực cũng ngon lắm rồi.
Sau khi vớt gà ra thì cho tôm khô, râu mực, nấm hương rửa sạch, 1 chút đường phèn vào ninh 2-3 tiếng, khi nào chuẩn bị ăn thì trụng lẫn nước hầm xương vào đun thêm 30 phút nữa. Trong cách nấu bún thang thì nước dùng là thứ vô cùng quan trọng, bạn cần chú ý khâu này nhé!
Trứng vịt đánh tan, cho một lớp dầu chỉ đủ láng chảo rồi đổ trứng vào tráng mỏng.
Để trứng thật nguội rồi mới đem thái chỉ.
Tôm sú luộc với chút nước đem bóc vỏ, giã nhỏ rồi sao vàng với dầu ăn và nước mắm cho thơm làm ruốc tôm.
Giò lụa thái chỉ.
Củ cải ngâm nước ấm cho nở, rửa lại bằng nước đun sôi để nguội rồi trộn với giấm và đường để 30 phút.
Rau răm và hành lá thái nhỏ.
Khi ăn chần bún, xếp các loại nhân lên trên rồi chan nước dùng vào là xong rồi.
Nếu ai có thể ăn được mắm tôm thì bạn cho ½ thìa café lên trên nhé!
Bún thang là món ăn rất cầu kỳ và tinh tế của người Hà Nội, để có được một nồi bún thang ngon thể hiện sự khéo léo và rất tỉ mỉ của người nội trợ. Nước dùng bún rất ngọt đậm đà, trong veo và thơm nồng mùi tôm khô khiến món ăn có mùi thơm rất đặc trưng và ngon khó cưỡng. Khi ăn bạn có thể cắt thêm chanh, ớt, bày thêm mắm tôm và nhân thang mỗi loại một chút để lên bàn, và đặc biệt món này phải ăn thật nóng mới ngon nhé.
Trên đây là toàn bộ hướng dẫn cách nấu bún thang ngon đúng chuẩn. Chúc các bạn thực hành thành công và nấu được những tô bún thang ngon nóng hổi cho gia đình thưởng thức nhé.
Khoái khẩu bún thang đậm đà hương vị ẩm thực Hà Nội
Trong nhiều thức quà dân dã của Hà Nội, nhiều người rất “khoái” món bún thang bởi nó quy tụ đủ nguyên liệu, từ rau mùi, hành hoa, trứng gà cho đến những lá bún trắng nõn, những sợi nấm rơm thanh mảnh, những miếng giò lụa trắng hồng, mát mịn… Nó như thể đã kết tinh đủ triết lý ẩm thực của đất Thăng Long này: ngọt, chua, cay, mặn đủ mùi, dẻo thơm, nóng sốt, ngọt bùi khi ăn…
Theo kinh nghiệm ăn uống của người Hà Nội, muốn thưởng thức bún thang ngon và đủ vị nhất thì phải tìm đến phố cổ như Hàng Hành, Hàng Da, phố Cầu Gỗ, phố Lãn Ông… Bún thang ở đây vẫn giữ được tiếng thơm đã có từ trăm năm nay.
Nhưng ẩm thực Hà Nội tưởng là đơn giản mà kỳ công. Để có được bát bún thang ngon, trước tiên, bát bún cần phải có nước dùng thật trong, thật ngọt và nóng để chan.
Cái ngọt của nước canh ở đây không phải là từ đường, từ mì chính hay hạt nêm, mà phải là vị ngọt tiết ra từ xương gà, xương lợn, của nước mắm ngon, của tôm khô được đun sôi sục bên bếp lửa.
Bún ngon của làng Tứ Kỳ, loại bún mềm, sợi nhỏ và trắng muốt. Có bún, có nước dùng, ta phải thêm những gia vị khác. Đó là trứng gà được tráng thật mỏng, thái sợi chỉ li ti, đặt riêng một góc. Trứng gà đánh bông lên, bởi đánh không đều thì khi tráng mỏng sẽ tạo thành những đốm lòng trắng xen lẫn lòng đỏ, tạo nên độ dày mỏng không đều của lớp trứng tráng.
Trứng muốn tráng mỏng nên cho thêm chút rượu trắng sau đó đánh kỹ. Quay trứng cần nhất phải nhanh tay. Một tay cầm que bông chấm vào bát mỡ (dầu ăn) di đều xung quanh chảo, tay kia đổ một lượng trứng vừa đủ rồi quay cán chảo cho trứng láng đều. Và giò lụa vừa trắng vừa hồng cũng được thái chỉ nhỏ. Nấm rơm thì ta cắt thành từng miếng nhỏ như đồng xu đặt giữa bát bún. Thịt gà miếng nạc miếng lườn xé nhỏ sao cho tơi bông, đặt ở một góc khác.
Phần trên cùng của bát bún, ta lại rắc rau răm, hành hoa, mùi tàu được thái nhỏ… Thế là đã gần đủ thứ màu hấp dẫn của một bát bún: màu xanh non của rau sống, màu trắng của phở, màu vàng của trứng và thịt gà, màu nâu nâu của nấm rơm và màu trắng trong của bát nước canh.
Tuy nhiên, để bát bún thang có thêm dư vị hấp dẫn thì phải vẩy một đầu tăm cà cuống vào mặt bát, mùi hương quế rất khó tả sẽ cuộn vào bát bún. Đặc biệt, bát bún thang phải có một thứ gia vị nữa mới trở nên “chính hiệu”, đó là mắm tôm loãng, màu nâu nâu hồng hồng. Chính cái mùi găn gắt của mắm tôm sẽ bổ khuyết cho đủ ngũ vị của bát bún thang.
Tags :
- See more at: http://vaobepnauan.com/cach-nau-bun-thang-ngon-tai-nha-theo-cong-thuc-gia-truyen/#sthash.B7VF2ME3.dpuf