Nov 23, 2024

Viết về tác giả & tác phẩm

Tường Linh và lời từ biệt ‘Gặp Trên Đường Về’
Tường Linh * đăng lúc 06:22:43 AM, Sep 21, 2017 * Số lần xem: 1698
Hình ảnh
#1

 

 

Tường Linh và lời từ biệt ‘Gặp Trên Đường Về’


                                                                             Phan Thành Khương


Nhà thơ Tường Linh sinh ngày 12 tháng 12 năm 1931 tại làng Trung Phước, xã Quế Trung, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam. Năm 23 tuổi (1954), ông ra Huế, Quảng Trị. Năm 25 tuổi (1956), ông vào Sài Gòn và từ đó đến nay, suốt 60 năm qua, ông sống ở Sài Gòn.

Ngày 12 tháng 12 năm 2005, nhân sinh nhật lần thứ 74, ông viết “Gặp trên đường về” (xem phụ lục) với một chú thích được đặt trong ngoặc đơn “(Dành cho ngày từ biệt tất cả)” Vậy “Gặp trên đường về” là gặp trên đường từ biệt thế gian, từ biệt cõi đời này, là “sống gửi thác về”, là “về” với ông bà.

“Gặp trên đường về” là bài thơ thứ 396 trong tập “Thơ Tường Linh tuyển tập” (NXB Văn học, năm 2011) và cũng là bài thơ cuối cùng của tuyển tập thơ mà tác giả cho rằng “cũng tạm tiêu biểu cho cả đời thơ” của ông như ông đã nói trong “Thư vào tập” ở đầu tuyển tập đồ sộ này.

Tuy là “(Dành cho ngày từ biệt tất cả)” nhưng bài thơ đã biểu hiện tâm trạng lưu luyến thế gian, lưu luyến cõi đời này và không ít lo âu của nhà thơ trước hiện thực đất nước và thế giới.

Bài thơ mở đầu bằng một lời phân trần:

Nơi ta về không nhất thiết chốn quê xưa
Dẫu ở đó trọn đời ta thương nhớ
Ngàn lần xin lỗi Mẹ
Ngàn lần xin lỗi cố hương.

Có lẽ nhà thơ nghĩ rằng việc đưa thi hài của mình về an táng ở quê nhà là không cần thiết và cũng phức tạp, khó khăn cho con cháu, người thân dù nhà thơ trọn đời thương nhớ “chốn quê xưa”. Và ông đã thành khẩn xin lỗi: “Ngàn lần xin lỗi Mẹ/ Ngàn lần xin lỗi cố hương.”.

Đoạn hai khái quát hình ảnh tác giả lúc ra đi thời trai trẻ và ngày “về” khi tuổi đã cao. Tác giả cũng nói rõ một thực tế không vui của một người cao tuổi:

Ngày đi phơi phới sức thanh xuân
Ngày về nằng nặng hồn lão trượng
Bạn trẻ không biết ta
Người hiểu ta không còn nữa
Bình minh ở phía sau lưng.

Trên đường “về” ấy, nhà thơ đã gặp: người gái Chăm, hiện thực đất nước, hiện thực thế giới, tảng đá vô hồn và chú chim bầu bạn thời thơ ấu.

Thật lạ nhưng cũng dễ hiểu vì sao “người gái Chăm kiều diễm” là đối tượng mà nhà thơ gặp đầu tiên trên đường “về” bên kia cuộc đời. Làng Trung Phước của nhà thơ chỉ cách Thánh Địa Mỹ Sơn non 10 cây số đường chim bay. Nhà thơ hẳn biết rõ quá khứ không vui gữa hai dân tộc Kinh, Chăm. Nhà thơ đã bắt gặp “đôi mắt hờn trái chủ”, đôi mắt hờn trách của một chủ nợ, của cô gái Chăm. Nhà thơ cũng khổ tâm lắm, đấy là món nợ mà nhà thơ chẳng hề vay và cũng chẳng biết phải trả như thế nào! Mời đọc đoạn thơ dưới đây để có thể đồng cảm với nhà thơ:

Ta chỉ gặp người gái Chăm kiều diễm
Thổ cẩm giữ hương vương chế thuở hoàng kim
Dung mạo đẹp ẩn hồn cổ tháp …
Bỗng dưng ta rờn rợn mắt em nhìn!
Đôi mắt ấy – đôi mắt hờn trái chủ
Mà ta là con nợ chẳng hề vay
Ta khổ hơn em
Vì ta mất ta, em có hiểu?
Món nợ khó đòi và chẳng biết đòi ai!
Thì thôi, em hãy hát cho ta nghe huyền âm thành quách cũ
Hãy đứng dáng thiên cổ sầu của tháp buồn kia
Ta đáp lại bằng lời thơ một đời mộng ảo
Mộng tan rồi, thơ kể với sao khuya.

Đọc đoạn thơ trên, tôi cũng có những dằn vặt như nhà thơ. Làng tôi ở sát cạnh làng nhà thơ Tường Linh. Trong huyết quản của tôi, ai dám bảo không có những giọt máu Chăm? Hai dân tộc sống bên nhau suốt mấy trăm năm rồi! Tôi có nhiều người bạn Chăm thân thiết, có hàng ngàn học sinh người Chăm. Tôi thấy chẳng có giải pháp nào tốt hơn cho hôm nay là hai dân tộc Chăm, Kinh và hơn 50 dân tộc anh em khác đang sinh sống trên quê hương Việt Nam phải được bình đẳng với nhau, thương yêu, đoàn kết để chung sức bảo vệ và dựng xây một nước Việt Nam chung, một nước Việt Nam hùng cường và giàu đẹp!

Đối tượng thứ hai mà nhà thơ gặp trên đường “về” là hiện thực đất nước. Đó là một hiện thực với nhiều thành tựu, nhiều đổi mới nhưng cũng còn không ít những điều bất hợp lí, những điều đáng lo âu. Nhà thơ vừa vui mừng vừa buồn phiền và dù đang trên đường “về” bên kia thế giới, ta vẫn thấy ông gắn bó, lưu luyến cõi đời này biết bao nhiêu:

Ta đứng lặng giữa chiến trường xóa vết
Đất phai sắc máu để thành hoa
Ngói mới vươn tầng hạnh phúc
Ánh điện về tận xóm nhỏ, làng xa
Cánh giai điệu lượn trên đời rộn rã
Bao thế hệ đau buồn như thể đã qua …
Nhưng đây đó những lâu đài đang đè bóng
Trên những túp lều che không thể gọi là nhà
Bé đi học còn thiếu trường
Bé sơ sinh còn thiếu sữa
Những bệnh viện không còn sức chứa!
Những «làng ung thư» cộng phát bởi đâu ra?
Người cày ruộng vì sao ngồi nhớ đất?
Mẹ cao tuổi còn buồn rất giống mẹ già ta …

Và, trước một thế giới còn lắm bất ổn, còn không ít những kẻ cực đoan, những kẻ hung bạo, nhà thơ chẳng thể an tâm khi rời xa nó:

Và đâu đó xa hơn, vọng dư âm cường bạo
Bom hạt nhân rình cả trên giấc trẻ thơ
Lửa thiêu rụi văn minh
Hủy diệt thanh bình
Gang thép cắt lìa sự sống
Thân phận loài người vẫn mạnh được yếu thua
Quyền lực, kim ngân soán ngôi phẩm giá.

Đối tượng thứ tư mà nhà thơ “gặp lại, đối diện cùng” là tảng đá vô hồn. Tảng đá là một biểu tượng. Ta có thể hiểu tảng đá là sự vô tri, sự vô giác, sự vô cảm, sự vô hồn, sự bảo thủ, sự cực đoan, sự giáo điều, sự độc đoán, …

Ta gặp lại, đối diện cùng tảng đá
Qua ngàn vạn năm đứng đợi ta về
Phút hội ngộ có bao điều đáng nói
Nhưng ngàn vạn năm đá vẫn câm lời
Ta trở về, đá cần chi phải cản?
Một đời ta đi, đá cản, hóa rong chơi!
Nhà thơ đã khốn khổ vì tảng đá vô hồn này không ít:
Ta như loài chim:
Mỗi tiếng hót cất cao phải hao từng giọt máu
Chạm mãi đá vô hồn, lượng máu cứ thêm vơi …

Cuối cùng, thật may mắn, trên đường “về”, nhà thơ gặp chú chim thời thơ ấu, chú chim chốn quê xưa. Ở trên, nhà thơ đã nói “Ta như loài chim”. Bây giờ, “chim” lại gặp chim, nhất là được gặp lại chú chim của những ngày còn bé, chú chim chốn quê nhà, hẳn là vui khôn xiết:

Ta cất bước bỗng dừng bởi nghe con chim hót
Tiếng chim hiền quen thuộc ở quê xưa
Chim mang đến cả vòm trời tuổi nhỏ
Tìm gặp ta để hót tiễn đưa
Xin rất cảm ơn loài chim từng bầu bạn
Hãy ở lại khu vườn tiền nhân ta khai sáng
Đầy hoa thơm, quả ngọt bốn mùa …

Cuối cùng, bài thơ khép lại với 4 câu thơ được tác giả cho in đậm. Đến thế gian với tay trắng, từ giã thế gian cũng tay trắng. Nhà thơ trân trọng gửi lại “phía bình minh” một đời thơ, một đời lao động nghệ thuật miệt mài, cần mẫn:

Bởi ta về phía mặt trời sẽ lặn
Không gặp ai, cả chiếc bóng của mình
Đi tay trắng thì trở về tay trắng
Thơ một đời gửi lại phía bình minh.

Với một ngôn ngữ thơ trong sáng, ý thơ phong phú, “Gặp trên đường về” đã biểu hiện bao tâm tư, bao tình cảm sâu lắng, bao yêu thương gắn bó và bao âu lo của nhà thơ đối với cõi đời này, thế giới này, dù nhà thơ đang trên đường rời xa nó.

Ninh Thuận, 18-9-2016

PHAN THÀNH KHƯƠNG

PHỤ LỤC:

GẶP TRÊN ĐƯỜNG VỀ (Dành cho ngày từ biệt tất cả)

Nơi ta về không nhất thiết chốn quê xưa
Dẫu ở đó trọn đời ta thương nhớ
Ngàn lần xin lỗi Mẹ
Ngàn lần xin lỗi cố hương.

Vẫn giày vải, áo đơn
Ta một mình quay bước
Ngày đi phơi phới sức thanh xuân
Ngày về nằng nặng hồn lão trượng
Bạn trẻ không biết ta
Người hiểu ta không còn nữa
Bình minh ở phía sau lưng.

Ta chỉ gặp người gái Chăm kiều diễm
Thổ cẩm giữ hương vương chế thuở hoàng kim
Dung mạo đẹp ẩn hồn cổ tháp …
Bỗng dưng ta rờn rợn mắt em nhìn!
Đôi mắt ấy – đôi mắt hờn trái chủ
Mà ta là con nợ chẳng hề vay
Ta khổ hơn em
Vì ta mất ta, em có hiểu?
Món nợ khó đòi và chẳng biết đòi ai!
Thì thôi, em hãy hát cho ta nghe huyền âm thành quách cũ
Hãy đứng dáng thiên cổ sầu của tháp buồn kia
Ta đáp lại bằng lời thơ một đời mộng ảo
Mộng tan rồi, thơ kể với sao khuya.

Ta đứng lặng giữa chiến trường xóa vết
Đất phai sắc máu để thành hoa
Ngói mới vươn tầng hạnh phúc
Ánh điện về tận xóm nhỏ, làng xa
Cánh giai điệu lượn trên đời rộn rã
Bao thế hệ đau buồn như thể đã qua …
Nhưng đây đó những lâu đài đang đè bóng
Trên những túp lều che không thể gọi là nhà
Bé đi học còn thiếu trường
Bé sơ sinh còn thiếu sữa
Những bệnh viện không còn sức chứa!
Những «làng ung thư» cộng phát bởi đâu ra?
Người cày ruộng vì sao ngồi nhớ đất?
Mẹ cao tuổi còn buồn rất giống mẹ già ta …

Và đâu đó xa hơn, vọng dư âm cường bạo
Bom hạt nhân rình cả trên giấc trẻ thơ
Lửa thiêu rụi văn minh
Hủy diệt thanh bình
Gang thép cắt lìa sự sống
Thân phận loài người vẫn mạnh được yếu thua
Quyền lực, kim ngân soán ngôi phẩm giá.

Ta gặp lại, đối diện cùng tảng đá
Qua ngàn vạn năm đứng đợi ta về
Phút hội ngộ có bao điều đáng nói
Nhưng ngàn vạn năm đá vẫn câm lời
Ta trở về, đá cần chi phải cản?
Một đời ta đi, đá cản, hóa rong chơi!
Ta như loài chim:
Mỗi tiếng hót cất cao phải hao từng giọt máu
Chạm mãi đá vô hồn, lượng máu cứ thêm vơi …

Ta cất bước bỗng dừng bởi nghe con chim hót
Tiếng chim hiền quen thuộc ở quê xưa
Chim mang đến cả vòm trời tuổi nhỏ
Tìm gặp ta để hót tiễn đưa
Xin rất cảm ơn loài chim từng bầu bạn
Hãy ở lại khu vườn tiền nhân ta khai sáng
Đầy hoa thơm, quả ngọt bốn mùa …

Bởi ta về phía mặt trời sẽ lặn
Không gặp ai, cả chiếc bóng của mình
Đi tay trắng thì trở về tay trắng
Thơ một đời gửi lại phía bình minh.

Sài Gòn, 12-12-2005

 

 

 

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.