Nov 26, 2024

Viết về tác giả & tác phẩm

Hai Bài Thơ Hay Từ
Phạm Đức Nhì * đăng lúc 01:10:47 AM, Jul 20, 2015 * Số lần xem: 1442
Hình ảnh
#1

                                    
                                           
                          
                             HAI NHÀ THƠ LỚN (1)
            

 Lê Đạt và Tô Thùy Yên là hai tài năng thơ đặc biệt của Văn Học Việt Nam. Khi đất nước chia đôi năm 1954, Lê Đạt ở miền bắc. Từ những năm 50 ông đã nỗ lực thay đổi bộ mặt của hình thức thơ. Về nội dung, ông tham gia phong trào Nhân Văn Giai Phẩm, đứng về phía nhân dân chĩa mũi dùi vào những bất công, bất cập của chế độ. Bài thơ Nhân Câu Chuyện Mấy Người Tự Tử được nhiều người biết đến và một thời đã gây xao động văn đàn miền bắc.Tô Thùy Yên ở miền nam. Cũng vào những năm cuối thập niên 50 ông nằm trong nhóm Sáng Tạo, tìm một hướng đi mới cho thơ ca và văn học. Sau năm 1975, ông bị đi cải tạo 10 năm. Được thả, ông sáng tác bài Ta Về được rất nhiều người tìm đọc và khen ngợi.
 Hai bài thơ của hai tài năng thơ ca này có điểm giống nhau là đều khá dài nhưng lại khác nhau về mặt hình thức. Tôi có ý định đem hai bài thơ đặt bên nhau để xem sự khác biệt về hình thức có ảnh hưởng ra sao đối với giá trị nghệ thuật của bài thơ.

          Ta Về của Tô Thùy Yên là bài thơ được rất nhiều người Việt tỵ nạn biết đến và tìm đọc. Có nhiều người trích dẫn, nhiều lời ngợi khen. Và cũng có một số ít người tỏ ý thất vọng vì bài thơ tuy hay đấy, nhưng không xứng đáng với tầm vóc của nhà thơ mà cuối thập niên 50, đầu thập niên 60 đã nằm trong nhóm Sáng Tạo, tiên phong khai phá một con đường mới, một hướng đi mới cho thi ca và văn học Việt Nam. Tuy nhiên ít ai đưa ra lý do xác đáng để biện minh cho lời ngợi khen hay nỗi thất vọng của họ.

           Tô Thùy Yên qua Ta Về, viết khoảng năm 1985, 1986,  đã chọn phương thức nói thẳng điều muốn nói - tâm trạng ngổn ngang trăm mối của một người được thả về sau 10 năm gian khổ, đọa đày trong nhà tù cộng sản. Ở đây tứ thơ và ý thơ là một.

          Về hình thức, bài thơ gồm 124 câu, chia làm 31 đoạn. Mỗi đoạn gồm 4 câu, mỗi câu 7 chữ, có thể đứng độc lập như một bài thơ hoàn chỉnh, diễn tả một mảnh tâm trạng của tác giả.Tuyệt đại đa số các đoạn thơ (30 đoạn) được gieo cước vận bằng, gián cách ở câu 2 và câu 4. Nghĩa là chữ cuối câu 2 và chữ cuối câu 4 đều ở vần bằng và hiệp vận với nhau. Chữ cuối câu 1 và chữ cuối câu 3 ở vần trắc và thường không hiệp vận.
       Thí dụ:
                    Ta về một bóng trên đường lớn
                     Thơ chẳng ai đề vạt áo phai
                     Sao bỗng nghe đau mềm phế phủ
                     Mười năm đá cũng ngậm ngùi thay

Chỉ có một đoạn gieo vần bằng, liên tiếp:

                     Cây bưởi xưa còn nhớ, trắng hoa
                     Đêm chưa khuya quá hỡi trăng tà
                     Tình xưa như tuổi già không ngủ
                     Thức trọn khua từng nỗi xót xa

Còn 4 cách gieo vần khác :
Vần trắc, liên tiếp,
Vần trắc, gián cách
Vần bằng, ôm nhau
Vần trắc, ôm nhau
đều không được xử dụng.

Chính vì chỉ có hầu như một cách gieo vần nên “hội chứng nhàm chán vần” trong bài thơ rất nặng nề, rõ nét. Nhạc điệu các đoạn đều na ná giống nhau. Cố gắng lắm đọc đến đoạn thứ 10 là đã cảm thấy chán, mắt đã muốn nhíu lại.

          Trong mỗi đoạn thơ người đọc đều cảm thấy hơi nóng của cảm xúc nhưng vì không được liên kết, nối tiếp nhau, nên ở cuối bài không có sức nóng tổng hợp. Hạc Bút Ông trong phần đầu của bài Ta Về, Thơ Tô Thùy Yên đăng trên trang Thơ Hà Huyền Chi đã viết:
 
            “Ta Về, 124 giòng cuồng lưu, chảy miết trong thơ.”

Ý Hạc Bút Ông muốn nói: “Ta Về, 124 dòng cảm xúc mạnh của tác giả, chảy miết trong thơ.”

          Tôi hoàn toàn không đồng ý. Ta Về có 31 đoạn, 124 câu; mỗi đoạn là một ý thơ (hoặc tứ thơ) hoàn chỉnh, diễn tả một mảnh tâm trạng của tác giả, tạo ra và chuyển tải một khối lượng cảm xúc đến đọc giả. Còn câu (line) chưa phải là một đơn vị chuyển tải cảm xúc nên không thể là một “dòng cuồng lưu” được. Hơn nữa, do đặc tính của thể thơ, trong Ta Về không có dòng cảm xúc. Với tài năng xử dụng ngôn từ điệu nghệ, tạo được nhiều hình ảnh đẹp, sống động, Tô Thùy Yên đã bơm vào mỗi đoạn thơ, và qua thơ, đến độc giả một khối lượng cảm xúc đáng kể. Nhưng cảm xúc được tạo ra ở đâu chỉ nằm yên ở đó - cuồn cuộn quanh quẩn trong cái hố, cái vũng của mình. Không có con kênh nối liền các hố, các vũng với nhau, và do đó, không có dòng cảm xúc, không có dòng chảy của thơ.

Nét độc đáo trong Ta Về của Tô Thùy Yên là ngôn từ và hình ảnh. Tôi xin trích một số đoạn trong bài viết mà ở đó, Hạc Bút Ông đã bình chú khá kỹ lưỡng, đầy đủ, về cái hay, cái đẹp, nét sáng tạo của ngôn ngữ thơ Tô Thùy Yên, để phần nào giải thích lý do tại sao rất nhiều người trong giới văn chương đã đem lòng yêu mến bài Ta Về một cách say đắm. 
 

Ta về một bóng trên đường lớn
Thơ chẳng ai đề vạt áo phai
Sao bỗng nghe đau mềm phế phủ
Mười năm đá cũng ngậm ngùi thay.
 
Ta trở về, một mình, cô đơn thế đó. Sông và núi cũng nát lòng. “Mềm phế phủ” là ngôn ngữ thơ đầy sáng tạo thường thấy ở Tô Thuỳ Yên. Vần “thay” tuyệt đẹp như một dấu hỏi và dấu than, dấy mãi lên những vang vọng, cháy lòng.
 
Vĩnh biệt ta mười năm chết dấp
Chốn rừng thiêng im tiếng nghìn thu
Mười năm mặt  sạm soi khe nước
Ta hoá thân thành vượn cổ sơ.
 
Ta 10 năm im lìm như thảo mộc, muông thú, chốn rừng già ngàn tuổi. Ta sống mà đã chết. Chết dấp. Thanh gỗ tầm thường thô sảm trong tay hảo kiếm thủ đã đánh ra những chiêu thức phi thường. Chữ đắc vị, chói sáng hào quang thế đó, đã trải suốt Ta Về như một hịch truyền. Vần điệu tuyệt vời, dù thơ họ Tô ít chú trọng đến yêu vận, cước vận. Nhiều chỗ vần lơi mà vẫn khít khao như giữa “im tiếng ngàn thu” và “vượn cổ sơ.”
 
Ta về cúi mái đầu sương điểm
Nghe nặng từ tâm lượng đất trời
Cám ơn hoa đã vì ta nở
Thế giới vui từ mỗi lẻ loi.
 
Có lẽ ây là đoạn thơ toàn bích nhất trong bài. Nó mở ra những góc nhìn khác, như một chuyển bước, lật qua những trang tận tuyệt. Ta cúi đầu để tạ ơn, để cười với nghịch cảnh, cũng để tìm lại cái ta đã chết dấp 10 năm. Thơ ánh lên niềm vui giả tưởng giữa gai buồn.
 
Tưởng tượng nhà nhà đang mở cửa
Làng ta ngựa đá đã qua sông
Ngừơi đi như cá theo con nước
Trống ngũ liên nôn nả gióng mừng.
 
Tưởng tượng thôi, quê ta đang vào mùa nước nổi, người người tiếp nhau tràn lên cứu nguy tổ quốc. Trống ngũ liên chỉ gióng lên khi thúc quân, thúc đô vật, và thúc tráng đinh hộ đê. Vui biết mấy, nhưng chỉ là vui giây lát thôi. Trong mộng tưởng.
 
Ta về như lá rơi về cội
 Bếp lửa nhân quần ấm tối nay
Chút rượu hồng đây xin rưới xuống
Giải oan cho cuộc biển dâu này.
 
Thơ tuyệt vời ở ngôn ngữ và hình ảnh. Thơ chuyển mạch quá nhanh khiến ta rơi vào chân không. Ta vừa muốn rửa hờn,vừa muốn yên thân, tha hoá được sao?

 Ta về khai giải bùa thiêng yểm
Thức dậy đi nào, gỗ đá ơi
Hãy kể lại mười năm truyện cũ
Một lần kể lại để rồi thôi.
 
Hai câu trên là sấm nổ, hịch truyền. Hai câu dưới nhẹ thếch tan loãng vào cõi yếm nhược, phủi tay.
 
 
Ta gọi thời gian sau cánh cửa
Nỗi mừng giàn giụa mắt ai sâu
Ta nghe như máu ân tình chảy.
Tự kiếp xưa nào tưởng lạc nhau.
 
Ta về dầu phải đi chân đất
Khắp thế gian này để gặp em
Ðau khổ riêng gì nơi gió cát
Thềm nhà bụi chuối thức thâu đêm.
 
Cây bưởi xưa còn nhớ, trắng hoa
Ðêm chưa khuya quá, hỡi trăng tà
Tình xưa như tuổi già không ngủ
Thức trọn, khua từng nỗi xót xa.
 
Có thể nói rằng Tô Thuỳ Yên là phù thuỷ của ngôn ngữ thơ. Chữ mang  bùa ngải ở “sau cánh cửa”,”mắt ai sâu”, “riêng gì”, “bụi chuối thức”,”khua”. Nhưng có lẽ anh hơi tham lam, chỉ vì một chữ “khua” mà giữ lại nguyên đoạn thơ trùng dụng cả ý, từ, lẫn hình ảnh ở mấy đoạn trên. Có đáng không? (Hạc Bút Ông)

           Không còn nghi ngờ gì nữa, ngôn từ thơ Tô Thùy Yên như một phụ nữ đẹp lộng lẫy, sang trọng, quý phái, cư xử lịch sự, ý tứ, đúng phép tắc. Bài thơ có rất nhiều hình ảnh đẹp. Mỗi đoạn – như một bài thơ riêng biệt - đều có một hoặc hai bức tranh sinh động chắp cánh cho trí tưởng tượng của người đọc bay cao, bay xa. Tiếc thay, do cấu trúc của thể thơ, các đoạn đứng riêng lẻ, độc lập, chứ không nối kết với nhau thành thế trận nên cảm xúc ở cuối bài không có sức mạnh tổng hợp.
 
         Nhân Câu Chuyện Mấy Người Tự Tử được Lê Đạt viết năm 1956, lúc nhà thơ mới 26 tuổi. Vào thới điểm này đất nước đã bị chia cắt. Gần 2 triệu người miền bắc di cư vào nam đã dần dần ổn định cuộc sống dưới chính quyền của ông Ngô Đình Diệm. Phía bắc sông Bến Hải, dưới sự lãnh đạo của ông Hồ Chí Minh và đảng Lao Động (tiền thân của đảng Cộng Sản Việt Nam), đã từng bước xây dựng hạ tầng cơ sở của xã hội chủ nghĩa. Về mặt xã hội, cuộc đấu tranh giai cấp đã đến hồi quyết liệt. Trai gái yêu nhau muốn tiến đến hôn nhân phải chọn người cùng thành phần, giai cấp, phải theo đúng luồng, đúng tuyến. Những mối tình “liên giai cấp”, “vượt giai cấp” thường bị can thiệp, ngăn cản một cách thô bạo bởi áp lực của chính quyền, đoàn thể, gia đình. Với tấm lòng nhân ái, với hùng khí của tuổi thanh niên, Lê Đạt đã “Nhân Câu Chuyện Mấy Người Tự Tử” múa bút vào vùng đất nhạy cảm này:

  “Người công an đứng ngã tư đường phố
    chỉ huy bên trái
     bên phải
     xe chạy
    xe dừng
    rất cần cho việc giao thông
    nhưng đem bục công an
   máy móc đặt giữa tim người
    bắt tình cảm ngược xuôi
    theo đúng luật đi đường nhà nước
    có thể gây rất nhiều chua xót
    ngoài đời.”

 Lê Đạt nhân danh kẻ sĩ, thấy việc bất bình, lên tiếng “phù thế giáo một vài câu thanh nghị” (Kẻ Sĩ, Nguyễn Công Trứ). Khác với Tô Thùy Yên, Lê Đạt biết mình nói những điều hợp đạo lý, bảo vệ lẽ phải nhưng vẫn mang tâm trạng sợ sệt cường quyền. Ông biết ngòi bút mình đang ngọ nguậy trong một xã hội mà tự do tư tưởng, tự do báo chí, tự do sáng tác phải nhường bước trước những chủ trương chính sách của đảng và nhà nước. Để nói lên những điều đáng nói ở trên, ông đã phải rào trước đón sau, che trên chắn dưới kỹ lưỡng:

“Thôn xóm tan dần bóng đen địa chủ
Cuộc đời như ánh trăng mỗi ngày một tỏ
Sáng bừng lên
                       trong những chiếc hôn đầu
Chế độ ta không cấm họ yêu nhau
Mà sao họ chết?”

Nhưng ở phần cuối bài thơ, lòng thương yêu, nỗi tức giận, đã thắng sự sợ sệt. Nhà thơ hét toáng lên:
   
       “Giữa năm Cộng Hòa lớn khôn mười một tuổi
          Vẫn còn lọt lưới
                                     nhiều thói An Nam
         Dán nhãn hiệu “Made in Cách Mạng”
         Ngang nhiên xúc phạm con người
         Đẩy họ đi tự tử.”


 Bởi vậy, không lạ gì khi bài thơ vừa được phổ biến đã bị một số người chỉ trích nặng nề:
                 “Hết chuyện rồi sao
                   mà lại đẽo đến chuyện người tự tử
                   ngậm mực phun đen chế độ”

khiến ông phải vội vã viết thêm một đoạn 52 câu để chữa cháy, biện minh.

         Về mặt hình thức, bài thơ Nhân Câu Chuyện Mấy Người Tự Tử gồm 127 câu (theo cách đếm câu của người viết bài này)- không kể đoạn viết thêm 52 câu - viết theo lối thơ mới biến thể. Số chữ trong câu nhiều, ít tùy hứng. Vần gieo liên tiếp, nhưng những lúc cần tác giả sẵn sàng bỏ vần để khơi rộng dòng chảy của cảm xúc. Thêm vào đó, những câu chuyển ý, chuyển đoạn thường thoát vận nên bài thơ tuy dài, đọc giả dường như không cảm thấy dấu hiệu của hội chứng nhàm chán vần. Vào năm 1956 có được hình thức bài thơ như thế đã là rất mới.

          Có thể nói giá trị nghệ thuật của bài thơ chỉ gồm trong hai chữ: cảm xúc. Bài thơ (thực sự) lấy cảm xúc làm chủ đạo. Mặc dù Lê Đạt đã có thể xử dụng ngôn ngữ đời thường để diễn đạt những ý niệm trừu tượng, phức tạp một cách tài tình, nhưng tựu trung, ngôn từ, câu cú trong bài thơ chỉ là những công cụ để khơi dòng, để cho cảm xúc đầy ắp trong lòng tác giả chảy đến trái tim độc giả. Sau vài câu đầu, người đọc dường như không còn đọc nữa mà bị dòng cảm xúc của tác giả cuốn đi. Chỉ trong phút chốc người đọc đã thấy mình ở cuối con kênh với trái tim rộng mở, đón nhận trọn vẹn tấm lòng nhân ái, lửa giận dữ pha chút lo sợ của tác giả.

          Tô Thùy Yên, qua Ta Về, đã chú trọng rất nhiều đến các đoạn thơ. Tâm huyết của ông đổ vào cho việc tuyển chọn ngôn từ, tạo dựng hình ảnh. Ông cho rằng: “…một bài thơ dài thành công, tức không bị sa lầy vào sự phân giải lắm lời, phải là một bài thơ mà mỗi đoạn ngắn của nó, nếu như được tách riêng ra, đã có đầy đủ cường độ của một bài thơ hoàn chỉnh.” (Vài Suy Nghĩ Về Thơ Vần, dactrung.net) Mỗi đoạn của Ta Về - đúng vậy - nếu tách riêng ra “đã có đầy đủ cường độ của một bài thơ hoàn chỉnh.” Không những hoàn chỉnh mà còn rất hay, không một chút tì vết. Nhưng gộp 31 đoạn thơ lại ta chỉ có 31 hố thơ, 31 vũng thơ chứ không có một dòng thơ, như một dòng suối, dòng sông, biểu lộ dòng cảm xúc của tác giả.

          Trong khi đó Lê Đạt không đào hố. Thay vào đó, ông đào một con kênh dài rồi đổ ào cả cái bọc cảm xúc xuống. Cảm xúc cứ nối tiếp nhau, nối tiếp nhau chảy thành dòng cuồn cuộn. Và khi đến cuối kênh, dòng cảm xúc đã hợp đủ sức mạnh để đẩy tung cánh cửa trái tim của độc giả.

Để kết thúc bài thơ, trong khi Lê Đạt tài tình gói ghém cảm xúc dạt dào của mình trong lời kêu gọi dõng dạc, hào hùng:

 “Phải quét sạch mây đen
                                       cho chân trời rộng mở
Chặt hết gông xiềng
                                cho những cánh tung lên
Ngày và đêm
                     mộng bay đầy cuộc sống
Khát vọng theo khát vọng
                     Không gì ngăn cản con người.

lưu lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng người đọc. Còn Tô Thùy Yên, do quá ôm đồm, quên rằng thơ nhắm vào điểm chứ không nhắm vào diện, thơ là cô đọng chứ không phải dàn trải, đã phải lên tiếng cam chịu thất bại:

Ta về như hạc vàng thương nhớ
Một thủa trần gian bay lướt qua
Ta tiếc đời ta sao hữu hạn
Đành không trải hết được lòng ta
 Thơ là trò chơi của cảm xúc (và chữ nghĩa). Nguyễn Hưng Quốc cho rằng: “Thơ là cảm xúc đi tìm một đồng cảm.” Tôi suy rộng ra: “thơ là trò chơi chuyển tải cảm xúc (đến người đọc) bằng kỹ thuật thơ ca.” Thi sĩ dùng kỹ thuật thơ ca đào bới, khai phá, tạo ra con mương, con kênh rồi trút khối cảm xúc của mình xuống để người đọc đón nhận. Bên cạnh những yếu tố khác như tứ thơ mới lạ, ngôn ngữ, hình ảnh đẹp, tân kỳ, lượng cảm xúc truyền đến người đọc càng mạnh, càng nhiều sẽ đóng góp rất lớn cho giá trị nghệ thuật, cho sự thành công của bài thơ.

Khi viết Ta Về, so sánh với lúc Lê Đạt viết Nhân Câu Chuyện Mấy Người Tự Tử, Tô Thùy Yên có khá nhiều lợi thế:
- Lúc ấy đã là những năm cuối của Chủ Nghĩa Hậu Hiện Đại (1945-1989). Các nhà thơ đã thử nghiệm, có người thành công, nhiều thể thơ mới lạ, một mặt giải phóng tác giả khỏi những ràng buộc về niêm luật, vần đối, số chữ trong câu, số câu trong bài, để tự do bày tỏ cảm xúc của mình, một mặt vẫn giữ được vị ngọt của thơ ca. Do đó, Tô Thùy Yên có nhiều thể thơ để chọn lựa hơn Lê Đạt.
- Tô Thùy Yên đang ở tuổi 47, 48 - độ tuổi chín mùi của tài năng thơ ca – trong khi Lê Đạt mới 26 tuổi – còn rất trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm.
- Tô Thùy Yên mới cải tạo về, tuy thể xác còn bị quản chế nhưng vì viết cho đối tượng đọc giả khác nên tinh thần hoàn toàn tự do, trong khi Lê Đạt làm thơ và xuất bản thơ trong một chế độ không có tự do ngôn luận, tự do tư tưởng, vừa viết lại vừa phải lách để khỏi đụng chạm với chủ trương, chính sách của đảng và nhà nước.

Tô Thùy Yên có nhiều lợi thế như vậy, nhưng cuối cùng, nếu đem hai bài thơ đặt lên hai bàn cân để so sánh giá trị nghệ thuật thì, theo thẩm định của người viết bài này – về mặt thế trận chữ nghĩa, cảm xúc trong thơ và cái đẹp tổng thể của bài thơ - bàn cân phía Lê Đạt không chỉ nhỉnh hơn một tý mà, có thể nói, đã nặng hơn một cách rõ ràng.

Tôi không nghĩ Tô Thùy Yên kém tài. Cũng không phải ông viết trong lúc không dạt dào cảm xúc. Chỉ tại, theo tôi, ông không chọn được thể thơ thích hợp.

Chú Thích:
1/ Bài viết đã được hiệu đính từ bài Thể Thơ Làm Nên Khác Biệt

Phạm Đức Nhì

Phần Phụ Lục Tham Khảo

Nhân câu chuyện mấy người tự tử
 
Ðọc báo Nhân dân số 822
Có đăng tin mấy người tự tử
Vì câu chuyện tình duyên trắc trở
Ðêm mùa hè nóng nôi
                                    như lửa
Tôi ngồi làm thơ
Vừa giận, vừa thương mấy người xấu số
Chân chưa đi hết nửa đường đời
Ðã vội nằm im dưới mộ
Cuộc sống cho dù lắm mưa
                                            nhiều gió
Nhiều cay đắng xót xa
Cũng còn đẹp gấp vạn lần cái chết
Chết là hết
                 hết đau
                             hết khổ
Nhưng cũng hết vầng trăng soi sáng trên đầu
Hết những bàn tay e ấp tìm nhau
Len lén, bước chân hò hẹn
Bây giờ gặp gỡ nơi đâu?
Dù có chết cùng nhau
Cũng vẫn là chia tay vĩnh viễn
Trời đầu xuân mây vần bão chuyển
Có lạnh không?
Tôi biết hai người khổ lắm
Còn gì buồn bằng không được yêu nhau
Nhưng sao lại chết?
Nhà đạo đức vuốt hàng râu mép
Hạ kính
                 lắc đầu
Chép miệng
"Hòa bình chủ nghĩa"
Tôi không nghĩ vội vàng như thế
Tôi đã từng yêu
                         từng đã khổ nhiều
Nhưng không thể tán thành cái chết
Tôi không thích loại cúi đầu theo số kiếp
Không sống cùng nhau
Thà chết cùng nhau
Con người ta cần cứng một cái đầu
Chọi nhau cùng số kiếp
Cắn răng vào cứ sống cứ yêu
 
 
Khi Lương Sơn Bá tương tư trên giường bệnh
Ngày một võ vàng
Ôm bóng người yêu mà chết
Khi Chúc Anh Ðài xăm xăm vào huyệt
Theo nhau cho trọn lời nguyền,
Cả rạp lặng yên
Những chiếc khăn tay đầm đìa nước mắt,
Sự thật cuộc đời đắng cay hơn nghệ thuật,
Lương Sơn Bá, Chúc Anh Ðài
Sống không được yêu nhau,
Chết còn được hóa thành đôi bướm,
Nhưng mấy người tự tử
Xác bây giờ mục nát dưới mồ,
Biết ai thương họ?
Có phải vì chúng ta quá yêu người cũ
Mà quên người sống bây giờ?
Có phải vì chúng ta mất nhiều trong Kháng chiến,
Nên chủ trương tiết kiệm lòng mình?
Có phải vì chúng ta muôn việc rối tinh
Ðành xếp lại chuyện mấy người tự tử?
Lịch sử trải qua bao nhiêu đau khổ
Những người chết thiêu trong lửa
Những người chết gục trong tù
Những người chết treo trên cột
Tùng xẻo lăng trì
Rỏ máu trên bàn thờ nhân loại
Cho con người được làm người
Cho con người được yêu được sống
Tôi muốn gào lên cho đến khi lạc giọng:
"Không gì đau thương
                                   bằng
                                           mất một con người
 
 
Sao họ lại đưa nhau đi tự tử
Có phải họ không bằng lòng chế độ
Bất mãn với cuộc đời?
Không.
           Họ chưa hai mươi
Cô bé hôm nào mới lớn
Soi trộm vào gương, thấy má mình hồng
Nghĩ đến chuyện lấy chồng
                                            đỏ mặt
Người con trai ngồi trên gò đất
Thổi sáo gọi người yêu
Làm nắng chiều
                          dừng lại
Lúa đương thì con gái
Cũng thấy rộn trong lòng
Xôn xao gió thổi
Ðầu sát bên đầu bàn chuyện tương lai
Thôn xóm tan dần bóng đen địa chủ
Cuộc đời như ánh trăng mỗi ngày một tỏ
Sáng bừng lên
                       trong những chiếc hôn đầu
Chế độ ta không cấm họ yêu nhau
Mà sao họ chết?
 
 
Người công an đứng ngã tư
                                            đường phố
Chỉ huy
             bên trái
             bên phải
             xe chạy
             xe dừng
Rất cần cho việc giao thông.
Nhưng đem bục công an
                                       máy móc
                                       đặt giữa tim người
Bắt tình cảm ngược xuôi
Theo đúng luật đi đường nhà nước
Có thể gây rất nhiều chua xót
                                               ngoài đời
 
 
Ngày Phật đản vừa rồi được nghỉ
Tôi đến nhà Văn Cao
Hai đứa rủ nhau
                          đi ăn thịt chó
Văn Cao vốn là người nể vợ
Ăn xong mua một gói về nhà
Tôi bỗng giật mình,
                              (nhưng không để lộ ra)
Người chủ xé thơ tôi
                                 gói thịt
Ngay lúc đó tôi chỉ còn muốn chết
Như dại như điên tôi oán đất, oán trời.
Nhưng hôm nay tôi chỉ oán mình tôi
Thơ tôi bị cuộc đời ruồng bỏ
Vì tôi đã ngủ quên trong chế độ
Vẽ phấn bôi son, tô toàn màu đỏ
La liệt đầy đường hoa nở
                                        chim kêu
"Tốt tốt!
              xà và!
                        tốt tốt!"
Qua thơ tôi
                  cuộc đời như hết chuyện
Có thể khoanh tay yên trí đi nằm
Như Thượng đế bước sang ngày thứ tám
Không! Không!
                         bóng những ngày xưa u ám
Còn lởn vởn che cuộc đời như gấu ăn giăng
Cải cách đợt năm
Tôi có qua thăm nhiều thôn xóm
Những cây lúa cúi đầu dưới ruộng
Ðã ngẩng mặt lên trời
Mơ ước mấy nghìn đời
                                     biểu tình trên dãy thẻ
Lũy tre làng phơi phới bay xa
Mở rộng cửa đón những ông chủ mới
Ruộng đất nông dân được đội về cởi trói
Nhưng còn tim
                        còn óc con người?
Giữa năm Cộng hòa lớn khôn mười một tuổi
Vẫn còn lọt lưới
                          nhiều thói "an nam"
Dán nhãn hiệu
                        "Made in Cách mạng"
Ngang nhiên xúc phạm con người
Ðẩy họ đi tự tử.
 
 
Phải quét sạch mây đen
                                       cho chân trời rộng mở
Chặt hết gông xiềng
                                cho những cánh tung lên
Ngày và đêm
                     mộng bay đầy cuộc sống
Khát vọng theo khát vọng
                     Không gì ngăn cản con người.
                                                                                     Hà Nội, tháng 6-56
                                                                                     Lê Đạt

 
Bài thơ đến đây, đáng lẽ là chấm hết
Nhưng tác giả đọc cho mấy người quen biết
Thấy cần tái bút đôi lời
Một anh bạn chửi tôi:
"Hết chuyện rồi sao
Mà lại đẽo đến chuyện người tự tử
Ngậm mực phun đen chế độ".
Anh bạn ơi!
                  Tôi khuyên anh
Không đẹp gì cái lối vu oan giá họa
Ném bã rượu vào nhà người
"Trăm năm bia đá thời mòn
Nghìn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ."
Lịch sử luôn luôn duyệt lại
Không ai lừa được cuộc đời
Rồi các anh sẽ phải trả lời
Trước tòa án ngày mai.
Mấy thằng bán rẻ ông cha đi làm chó
Ðánh hơi gật gù
"Lại một anh làm thơ bất mãn"
Lân la xán đến gần
Hoa tay múa chân
Rêu rao miền Bắc
Trong kia miền Nam
                                thế này
                                           thế khác.
Cút đi ngay! Ðừng giở trò kiếm chác
Ăn bẩn sủa càn
Ðất nước trong khó khăn
Ðối với chúng ta càng yêu càng quý
Con thương cha mẹ
                              lúc ốm
                                        lúc đau
Chén thuốc múi chanh bảo nhau chạy chữa.
Tôi chưa quên những ngày qua đau khổ
Kiếp sống nặng trên vai
                                     như một án tù
Cắt tóc đi tu
                   tu không trọn
Thuốc phiện dấm thanh không thoát nợ đời
Mười tám tuổi già hơn ông cụ
Tôi đã biết thế nào là tự tử
Nên tôi yêu tha thiết cuộc đời
Càng yêu cuộc đời
                             tôi càng yêu chế độ
Chế độ của tôi.
Sống để bụng
                    chết mang theo dưới mộ
Nhưng yêu thương
                            không có nghĩa là tụng kinh gõ mõ
Bán dầu cù là
Xoen xoét "vì Ðảng vì Dân"
Ðể lừa Dân lừa Ðảng
Cuộc đời đòi hỏi người làm thơ can đảm
Vạch mặt những con sâu cách mạng
Ẩn núp trong nếp cờ
Ðội mũ đi hia,
Phè phỡn trên lưng chế độ.
Tôi trở lại chuyện mấy người tự tử
Họ đúng hay sai,
                          thôi để họ năm yên ngủ
Dù khen dù chê
                        họ cũng đã chết rồi
Nhắc nhở chúng ta nhiệm vụ với những người còn sống
Phải hiểu
               Phải yêu
                            Phải trọng
                                            Con người...
                                                                          Hà Nội, tháng 7-56

 

              TA VỀ

 
Ta về một bóng trên đường lớn
Thơ chẳng ai đề vạt áo phai
Sao bỗng nghe đau mềm phế phủ
Mười năm đá cũng ngậm ngùi thay

Vĩnh biệt ta-mười-năm chết dấp
Chốn rừng thiêng im tiếng nghìn thu
Mười năm mặt sạm soi khe nước
Ta hóa thân thành vượn cổ sơ

Ta về qua những truông cùng phá
Nếp trán nhăn đùa ngọn gió may
Ta ngẩn ngơ trông trời đất cũ
Nghe tàn cát bụi tháng năm bay

Chỉ có thế. Trời câm đất nín
Đời im lìm đóng váng xanh xao
Mười năm, thế giới già trông thấy
Đất bạc màu đi, đất bạc màu

Ta về như bóng chim qua trễ
Cho vội vàng thêm gió cuối mùa
Ai đứng trông vời mây nước đó
Ngàn năm râu tóc bạc phơ phơ

Một đời được mấy điều mong ước
Núi lở sông bồi đã mấy khi
Lịch sử ngơi đi nhiều tiếng động
Mười năm, cổ lục đã ai ghi

Ta về cúi mái đầu sương điểm
Nghe nặng từ tâm lượng đất trời
Cảm ơn hoa đã vì ta nở
Thế giới vui từ nỗi lẻ loi

Tưởng tượng nhà nhà đang mở cửa
Làng ta ngựa đá đã qua sông
Người đi như cá theo con nước
Trống ngũ liên nôn nả gióng mừng

Ta về như lá rơi về cội
Bếp lửa nhân quần ấm tối nay
Chút rượu hồng đây xin rưới xuống
Giải oan cho cuộc biển dâu này

Ta khóc tạ ơn đời máu chảy
Ruột mềm như đá dưới chân ta
Mười năm chớp bể mưa nguồn đó
Người thức mong buồn tận cõi xa

Ta về như hạt sương trên cỏ
Kết tụ sầu nhân thế chuyển dời
Bé bỏng cũng thì sinh, dị, diệt
Tội tình chi lắm nữa người ơi

Quán dốc hơi thu lùa nỗi nhớ
Mười năm người tỏ mặt nhau đây
Nước non ngàn dặm bèo mây hỡi
Đành uống lưng thôi bát nước mời

Ta về như sợi tơ trời trắng
Chấp chới trôi buồn với nắng hanh
Ai gọi ai đi ngoài cõi vắng
Dừng chân nghe quặn thắt tâm can

Lời thề buổi ấy còn mang nặng
Nên mắc tình đời cởi chẳng ra
Ta nhớ người xa ngoài nỗi nhớ
Mười năm ta vẫn cứ là ta

Ta về như tứ thơ xiêu tán
Trong cõi hoang đường trắng lãng quên
Nhà cũ mừng còn nguyên mái, vách
Nhện giăng, khói ám, mối xông nền

Mọi thứ không còn ngăn nắp cũ
Nhà thương-khó quá sống thờ ơ
Giậu nghiêng cổng đổ, thềm um cỏ
Khách cũ không còn, khách mới thưa

Ta về khai giải bùa thiêng yểm
Thức dậy đi nào, gỗ đá ơi
Hãy kể lại mười năm chuyện cũ
Một lần kể lại để rồi thôi

Chiều nay ta sẽ đi thơ thẩn
Thăm hỏi từng cây, những nỗi nhà
Hoa bưởi, hoa tầm xuân có nở?
Mười năm, cây có nhớ người xa?

Ta về như đứa con phung phá
Khánh kiệt đời trong cuộc biển dâu
Mười năm, con đã già trông thấy
Huống mẹ cha đèn sắp cạn dầu

Con gẫm lại đời con thất bát
Hứa trăm điều một chẳng làm nên
Đời qua, lớp lớp tàn hư huyễn
Giọt lệ sương thầm khóc biến thiên

Ta về như tiếng kêu đồng vọng
Rau mác lên bờ đã trổ bông
Cho dẫu ngàn năm em vẫn đứng
Chờ anh như biển vẫn chờ sông

Ta gọi thời gian sau cánh cửa
Nỗi mừng giàn giụa mắt ai sâu
Ta nghe như máu ân tình chảy
Tự kiếp xưa nào tưởng lạc nhau

Ta về dẫu phải đi chân đất
Khắp thế gian này để gặp em
Đau khổ riêng gì nơi gió cát
Thềm nhà bụi chuối thức thâu đêm

Cây bưởi xưa còn nhớ, trắng hoa
Đêm chưa khuya quá hỡi trăng tà
Tình xưa như tuổi già không ngủ
Thức trọn, khua từng nỗi xót xa

Ta về như giấc mơ thần bí
Tuổi nhỏ đi tìm một tối vui
Trăng sáng soi hồn ta vết phỏng
Trọn đời nỗi nhớ sáng khôn nguôi

Bé ơi, này những vui buồn cũ
Hãy sống, đương đầu với lãng quên
Con dế vẫn là con dế ấy
Hát rong bờ cỏ giọng thân quen

Ta về như nước Tào Khê chảy
Tinh đẩu mười năm luống nhạt mờ
Thân thích những ai giờ đã khuất
Cõi đời nghe trống trải hơn xưa

Người chết đưa ta cùng xuống mộ
Đâu còn ai nữa đứng bờ ao
Khóc người ta khóc ta rơi rụng
Tuổi hạc ôi ngày một một hao

Ta về như bóng ma hờn tủi
Lục lại thời gian kiếm chính mình
Ta nhặt mà thương từng phế liệu
Như từng hài cốt sắp vô danh

Ngồi đây nền cũ nhà hương hỏa
Đọc lại bài thơ thủa thiếu thời
Ai đó trong hồn ta thổn thức
Vầng trăng còn tiếc cuộc rong chơi

Ta về như hạc vàng thương nhớ
Một thủa trần gian bay lướt qua
Ta tiếc đời ta sao hữu hạn
Đành không trải hết được lòng ta

Tô Thùy Yên

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.