Tùy Bút
Ta viết giữa cái thời đại cong cong A Còng lộng ngôn loạn ngữ. Từ nhịp điệu văn chương cho đến ngưỡng cửa đời thường. Ta thương thân ta và những lớp người xưa cũ chưa đủ cái gam màu tây học, để đọc được những bài thơ sa mù thu hút tiếng tăm .
Ta nằm đây lẩy bẩy chờ sung rụng , bàng quang nhìn đời rung cây nhát khỉ phi thường của những con người tươi mát đang ào ạt tìm lối cách tân. Ta biết tự mình la đà chưa tiến bộ. Ôi ! người Việt cổ cái nôi văn minh loài người, “Địa đàng ở phương Đông” (Stephen Oppenheimer). Vờ vĩnh hay khinh thị mà lớp trẻ ngày nay chối bỏ nguồn cội, đã vội sa vào cái dở ngoại lai, đôi khi có nhiều điều thái quá. Nếu biết rằng phương Tây đã mấy trăm năm tự hào “Cái Tôi đáng ghét “ rồi lẹt đẹt tìm lại triết lý Đông phương, nhưng không mấy người hiểu nổi. Khổ nỗi, cứ cho rằng không minh bạch. Sách vở mỗi bên mỗi khác, lạc loài là chuyện đương nhiên, chẳng có chi phiền toái .
Thôi chỉ có một Nguyễn Du bù đắp cái danh “Đại thi hào nước Việt”. Tiểu thuyết Việt Nam thiệt thòi coi như không có một mốc Văn xuôi dành cho chữ “Đại”. Hai cái chính danh và hư danh sao mà nghiệt ngã,Ta muốn ngả về phương Tây, lấy “ Chiến tranh và hòa bình” làm khuôn vàng thước ngọc. Ta cũng muốn học đòi vĩ đại, cái mà hoài bão được thế giới tung hê. Hễ giải Nobel của người là hay, văn nhân ta lề mề đeo bám. Ai mà không ham cái nền văn hóa khác nó cứ bàng bạc thơm tho, ta cho là hiểu họ và họ đã hiểu ta? Để giao hòa văn minh nhân loại. Tóm lại là văn chương đất Việt chưa được các đại văn hào thế giới tụng ca, vì thế nên ta buồn.
Ta bỗng nhiên thành viên đá cuội
Xuôi cuộc đời dưới bước chân qua
Và nỗi đau như từng ngọn cỏ
Lạnh lùng sương với bóng trăng nhòa
Ta lò dò xem sử, dư âm các vị anh hùng làm ta hưng phấn. Chỉ bận tâm một điều là Vua Gia Long lại có kẻ tròng cho cái tội dâm đãng. Sang cả Hội nhà văn cũng đồng tình khinh thường chính Sử, như một cách bôi nhọ tiền nhân. Thân ta cũng chết chìm không nhúc nhích, thích thì in, tin thì xuất bản, có ngán gì cái bọn Thiếu nhi biết gì mà nói, cứ coi như phi. Chờ đến khi có người phản ảnh mới rảnh rỗi sửa sai.Lại thêm nỗi khổ là sách đã bán ra rồi làm sao thu lại, thế là bọn trẻ lai rai tha hồ mà đọc.Hóc búa của chỗ bài phong đả thực đã khiến các vi vua đua nhau trác táng không còn chút công trạng lưu danh, thành trì hũ bại, hại dân hại nước trước ngoại bang phương Bắc, bước ngoặc thời nô lệ. Đời là thế !
Ta co ro trên mạng. Bàng bạc chút ưu tư, Khổng Tử có hồi sinh rất đỗi bàng hoàng, bao nhiêu lời dạy đều trôi ra biển, thiên hạ ngày nay thay nhau đổi mới, gợi cảm hơn nhiều, thiếu gì thơ văn đàm tiếu hiểu sao cũng được, trước tiên muốn làm gạo cội, lỗi chẳng về ai, dại gì mà không chơi. Bởi lẽ computer rờ đâu cũng có. Chuyện nho nhỏ cho những nhóc tì lén coi phim sex, lênh đênh tuổi học trò, đua nhau hò hẹn, rồi bén bảng mang thai nài nỉ nhà thương Từ Dũ. “Tứ thư, ngũ kinh” thỉnh làm đồ cúng tế. Thế kỷ 21 không khéo theo nhau tìm về loài Vượn.
Nhạc từ trong nôi đó là tiếng ru hời của Mẹ. Ta đã nghe từ khi mới đẻ, khe khẽ mà du dương. dường như thời nay xóa bỏ cho đó là đồ hũ lậu. Câu hát bây giờ đinh tai nhức óc, lọc cọc ca từ, tự thân nhảm nhí. Chỉ có một điều là giới trẻ khoe khoang thời thượng,vương vãi các phòng trà ca nhạc, la cà tụ điểm, kiếm tìm Hip, Hop lộp bộp nhảy nhót kiểu Mỹ la tinh. Đài truyền hình cũng thế, chẳng kể nhân văn, săn đón khách hàng mua vé. Nhè nhẹ thì hở trên, lên đến cao điểm thì hở dưới, tươi mát ngọt ngào, bảo sao mà không thích ! Ai le te nghe đĩa nhạc của Thúy Nga lã chã cung sầu là lạc hậu. Đất nước hòa bình từ lâu đâu cần chính trị, chỉ có trò chơi là đua nhau cổ động. Đồng bào ta, đất nước ta đã hòa giải với lân bang cũng như những hàng cường quốc nên chẳng bàng hoàng chi mà sợ, chớ dại gì mà lý sự. Cứ chơi đi…
Chân luân vũ bước tăng gô nhộn nhịp
Cha cha cha lả lướt nhạc chuyển cung
Trút cô đơn xúc cảm đến nghìn trùng
Hồn sướng vui em mỉm cười điệu nghệ
Ta ở nhà quê lại có cái tánh ham về thành phố. Để rồi đổ quạu nào xe, nào người, giao thông hầm hố, ổ gà. Ta giật mình chết trân tại chỗ, cảm thấy vô bổ cái văn minh quá tải, tại nạn giao thông giống như cơm bữa. Chưa chi mà đã thấy cái thân mình không được sống lâu như ông Bành Tổ.
Nhân chỗ những chuyện đa đoan ta hoàn hồn nghĩ đến “Tự do” rồi co cụm tìm trong ký ức những gì mình biết. So sánh hơn thiệt chỉ thấy có thiên “Tiêu diêu du” của ông Trang Tử là giữ được cái tánh mạng của mình. Giàu sang, nghèo hèn cứ “Các an kỳ phận” là xong. ( Có nghĩa Mạng là cái mình thọ lãnh của Tạo Hóa mà mình không thể trốn được, cũng không thêm gì vô được (chú giải của Quách Tượng).
Tự nhiên ta ngộ ra cái Đạo học Đông phương nói thâm thúy, u mặc mà cách nói của Trang Tử lại trào lộng trong cái nghĩa “Tự do tuyệt đối” cách đây mấy ngàn năm trước học thuyết của phương Tây (Xin đọc Trang Tử tinh hoa của Nguyễn Duy Cần)
Nhân đây đem câu của Trần Trụ lý giải lời nói của Trang Tử để tự an vui lấy mình
* “Phàm ham muốn, ước ao, đều là tình dục cả. Muốn mà không được thì ưu sầu. Do con mắt tục mà xem thì ta thấy sự vật có lớn có nhỏ, có dài có ngắn. Mà nhỏ ắt tham lớn, ngắn ắt tham dài. Nhưng hễ có lớn ắt cũng có cái lớn hơn, vì vậy mà cái lớn lại vô cùng. Ngoài cái dài, còn có cái dài hơn, nên cái dài cũng vô tận. Cái lớn vô cùng, cái dài vô tận thì lòng tham muốn của ta cũng theo đó mà không biết đâu là cùng tận”.
So sánh câu của Epictète:
“Phàm sự vật, có cái tùy ta, có cái không tùy ta, tùy ta, là những phán đoán, khuynh hướng, dục vong, ưa ghét của ta: nói tóm lại, tất cả tất cả hành động của ta – không tùy ta, là thân thể, tài sản, danh vọng, tước phận; nói tóm lại, tất cả mọi sự không thuộc về hành động của ta. Những cái tùy ta, thì bản tính nó là tự do, không có gì ngăn trở hay cấm cản được, cái không tùy ta thì rất nô lệ, yếu đuối, ỷ lại thường bị ngăn trở, và toàn là cái ở ngoài ta…” (bản dịch của Phạm Quỳnh).
Thời nay không ai ở ẩn, trọng thì chữ “Nhẫn” cẩn thận thì ” Mũ ni che tai”. Như thế có phải là lịch sự không thưa quý vị!
* Trang tử tinh hoa (Nguyễn Duy cần)
Nguyễn Càn Tử