Bế cháu
(Bài 1)
Ông bế cháu đi rong
Từ cuối xóm ngõ đồng
Qua ngõ phe ngõ cả
Cháu ông ngoan ngoan quá
Như một ả mèo con
Đôi mắt mở rất tròn
Cái miệng cười rất điệu
Đi tè Ông biết hiệu
Không ướt tã, ướt quần
Mỗi tháng một lần cân
Cháu lớn nhanh trông thấy
Bao giờ tuổi mười bảy
Tuổi sắp sửa lấy chồng
Ông sẽ sắm áo bông
Sắm màn tuyn màn gió
Chọn anh nào không có
Ông sẽ gả cháu cho
Không thách thịt thách giò
Không thách tiền thách gạo
Ông lại còn chỉ bảo
Đạo làm vợ làm dâu
Cách trồng lúa trồng rau
Cách nuôi gà nuôi lợn
Ôi đến ngày cháu lớn
Liệu ông có còn không
Hay ông đã ra đồng
Và nằm bên cạnh cụ
Bài 2
Rảnh việc ông bế cháu
Đi chơi khắp cả làng
Đi dọc và đi ngang
Đi xuôi rồi đi ngược
Qua các nhà uống nước
Nói chuyện cổ chuyện kim
Đôi mắt cháu lim dim
Cũng ra điều thích thú
Rồi cháu thiu thiu ngủ
Chắc là cháu đang mơ
Về những thuở xa xưa
Theo những lời ông kể
Ôi cuộc đời dâu bể
Bao nhiêu chuyện đổi thay
Người ăn ở thảo ngay
Thì chịu nhiều bất hạnh
Kẻ gian tà xiểm nịnh
Lại chức trọng quyền cao
Thực ra chẳng làm sao
Cuộc đời đầy mâu thuẫn
Như Bàng Quyên, Tôn Tẫn
Như Tần Cối, Nhạc Phi
Cháu còn bé tí ti
Đã biết làm sao được.
Bài 3
Cái Hân tròn bốn tuổi
Thằng Nguyễn lại ra đời
Ông lại bế đi chơi
Như cái Hân còn bé
Nhờ giời ông vẫn khoẻ
Lưng không mỏi không còng
Rỗi bế cháu đi rong
Vẫn vui như chảy hội
Đường làng mưa thì lội
Hơi nắng đã gồ gề
Thì ra đất Phong Khê
Chưa có gì đổi mới
Thế mà trên thế giới
Qua báo chí truyền thanh
Họ vẫn bảo nước mình
Qua cao trào đổi mới
Người người đều phấn khởi
Trong dân chủ kỷ cương
Từ quần chúng bình thường
Đến những người học thức
Đều đồng tâm hiệp lực
Xây cuộc sống phồn vinh
Họ đâu hiểu nước mình
Đang lâm vào quẫn bách
Đề bao nhiêu chính sách
Ra bao nhiêu chủ trương
Chỉ là dịp mở đường
Cho những phường cơ hội
Làm giàu nhanh như thổi
Tiến chức và thăng quan
Khỏi phải nói phải bàn
Đến đức tài trí tuệ
Đấy cuộc đời là thế
Nghĩ có ngán hay không
Nhưng ông chỉ là ông
Của một bày cháu nhỏ
Quẩn quanh trong xóm ngõ
Gặp ông Sổ ông Hoành
Uống ngụm nước chè xanh
Nói luyên thuyên xích đế
Nếu người ta đánh thuế
Vào những kẻ nói ngông
Thì chắc chắn là ông
Sẽ nộp phần cao nhất
Mai đây thời mục thất
Ông thành nắm sương tàn
Qua câu chuyện dân gian
Của một vùng quê nhỏ
Sẽ có người nào đó
Họ nhắc đến tên ông
Một ông cụ lão nông
Thuộc dòng Lê móc coọc
Cũng đua đòi học mót
Nói cuội và viết nhăng
Các cháu hãy bảo rằng
Đấy là ông tôi đấy.
Đi họp Mặt Trận gửi các cháu
Ông đi họp mặt trận
Trên hội trường uỷ ban
Căn nhà bảy tám gian
Toàn bê tông cốt thép
Trông bên ngoài thì đẹp
Nhưng nóng bức vô cùng
Thật khốn khổ thân ông
Mồ hôi ra lã chã
Các thôn trong toàn xã
Đến đủ mặt đủ đoàn
Từ đảng uỷ, uỷ ban
Đến các nghành các giới
Vụ chiêm vừa thắng lợi
Thuế má cũng xong rồi
Cần thay bậc đổi ngôi
Cho mấy ông cán bộ
Ở thôn không còn chỗ
Trên xã lại khuyết chân
Có phúc phải có phần
Các cụ xưa đã nói
Cũng truyền thanh inh ỏi
Cũng ca hát đủ trò
Tổ chức thực là to
Được mời ai chả thích
Cũng bầu đoàn chủ tịch
Cũng làm lễ chào cờ
Bàn rặt chuyện vu vơ
Đặc đầu Ngô mình Sở
Chỉ riêng ông là vớ
Được một bữa khá to
Ngoài món thịt món giò
Lại còn thêm trứng đậu
Dành phần cho các cháu
Vẫn đánh chén no căng
Gần gũi với cụ Năng
Thuốc hút toàn đầu lọc
Chắc ở nhà cháu khóc
Nên mắt ông máy luôn
Ôi những chuyện đáng buồn
Biết bao giờ cho hết.
Ngày đầy tôi cháu
Trải qua mười ba tháng
Hôm nay cháu đầy tôi
Từ biết lẫy biết ngồi
Đến biết bò biết đứng
Cháu bước đi chập chững
Những bước mới vào đời
Vất vả lắm cháu ơi
Gái họ Lê là thế.
Giới thiệu ông Sổ với các cháu
Ông Sổ cũng du kích
Cũng kháng chiến như ông
Cũng sửa cầu ngang sông
Cũng tham gia quản trị
Khác ông Ban ông Kỷ
Giống ông Ngợi ông Mầu
Ông Sổ nghỉ đã lâu
Không tham gia công tác
Ông Sổ rất khoác lác
Rất giỏi việc cày bừa
Rất nhớ chuyện đời xưa
Rất lắm con, nhiều vợ
Cái Quyển và cái Vở
Thằng Ghi và thằng Công
Một lũ con nhà ông
Lớn bé đều nheo nhóc
Trên đầu hai thứ tóc
Ông Sổ vẫn lông bông
Tiếng cả lại nhà không
Dặm người không dặm của
Theo họ đằng cụ Chứa
Ông Sổ là anh ông
Theo họ cụ cai Đồng
Ông Sổ là bậc dưới
Nhưng sênh ông hai tuổi
Ông Sổ vẫn là anh
Trai làm rể cụ Hoành
Gái làm dâu cụ Thịnh
Cháu lại gả chồng tỉnh
Ông Sổ khối dâu da
Bạn bè khắp gần xa
Từ ngày còn hoạt động
Người ở trong bộ tổng
Người ở cấp trung ương
Các cháu chớ coi thường
Khi nghĩ về ông Sổ.
Sáu chín tuổi nói với các cháu
Năm nay ông sáu chín
Sang năm ông bảy mươi
Nếu được sống như người
Mươi mười lăm năm nữa
Để trông nom nhà cửa
Và dắt cháu đi chơi
Sống những ngày cuối đời
Như một ông đồ cổ
Chờ đến ngày xuống hố
Về thế giới bên kia
Gặp các cụ họ Lê
Những người muôn năm cũ
Để thưa cùng các cụ
Về họ mạc nhà ta
Kẻ gần lẫn người xa
Đều mỗi ngày một khá
Từ việc thôn việc xã
Đến thi cử học hành
Đều có giá, có danh
Đều có quyền, có chức
Nhà đã cao vượt mức
Cửa lại rộng quá tầm
Các cụ ở dưới âm
Đã chắc gì trông thấy.
Viết câu đối
Ông lại viết câu đối
Ra trước cổng chùa ta
Đầy kẻ lại người qua
Khối bàn dân thiên hạ
Chữ ông còn cẩu thả
Văn ông vốn quê mùa
Bán người ta không mua
Cho người ta không nhận
Đành viết quanh viết quẩn
Ra cửa miếu cửa đình
Hết thượng đẳng tối linh
Lại không không sắc sắc
Cũng có bằng có chắc
Cũng đúng luật đúng niêm
Thần thánh nếu có thiêng
Chắc cũng không trách móc
Câu mỹ nhân như ngọc
Chữ tế thế kỳ âm(1)
Sợ công chúng hiểu lầm
Nên chịu không dám viết
Chú thích : (1)Trong câu đối của Nguyễn Khuyến.
Một ngày không bế cháu
Một ngày không bế cháu
Ông đi họp đi bàn
Chiều đến lại liên hoan
Có cả trà cả rượu
Biết bao giờ cháu hiểu
Thấu tận đáy lòng ông
Những chuyện của, chuyện công
Những chuyện tiền, chuyện thóc
Những tiếng cười, tiếng khóc
Giữa thế kỷ hai mươi
Quan hệ giữa con người
Vẫn còn đầy phức tạp
Trên cánh đồng hợp tác
Lúa vẫn mọc xanh rờn
Có kẻ thiệt người hơn
Có kẻ no, người đói
Nói ra hay không nói
Ông suy nghĩ đã nhiều
Hai chữ ghét chữ yêu
Hai chữ ân chữ oán
Đã bao phen chán nản
Đã muốn kệ sự đời
Kệ dòng nước chảy xuôi
Kệ những trò khuất tất
Nhưng trót yêu sự thật
Trót chuộng lẽ công bình
Được quần chúng đồng tình
Được mọi người sở cậy
Được tai nghe mắt thấy
Bao nhiêu chuyện đáng ngờ
Ông đã viết thành thơ
Để sau này cháu biết
Hôm nay ngày tổng kết
Ông được chén liên hoan
Một bữa chén khá sang
Với chín mười miếng đậu
Miếng ăn là miếng xấu
Ông đã biết từ lâu
Như con cá mắc câu
Há miệng làm sao được.
Viết sớ cho chi bộ đi Huế
Ông viết năm lá sớ
Cho chi bộ làng ta
Một lá cúng chùa nhà
Bốn lá mang vào Huế
Tính danh nhiều vô kể
Kín cả khoảng lưu không
Tiền chỉ được mấy đồng
Nhưng thực là vinh dự
Kể từ ngày biết chữ
Cho đến tận hôm nay
Được sở cậy việc này
Thực không tiền khoáng hậu
Chữ ông tuy còn xấu
Nhưng đúng mốt văn ngôn
Có tự điển Hán nôm
Tra từng tên từng họ
Viết sớ tuy không khó
Nhưng cũng chẳng dễ đâu
Phải cặn kẽ từng câu
Phải có đầu có đũa
Những ông hoàng bà chúa
Phải biết hiệu biết tên
Những phủ đệ miếu đền
Phải biết cầu biết khấn
Tính ông vốn cẩn thận
Lại sẵn máu” văn chương”
Nên những việc bình thường
Cũng làm ra quan trọng
Đêm nay trời cực nóng
Dưới ánh đèn nê ông
Cặm cụi một mình ông
Vừa viết vừa cười tủm.
Mười tư tháng bảy liên hoan mang phần về cho cháu
Ông sách về cho cháu
Lủng lẳng một gói phần
Đây lộc nước ơn dân
Dành cho người cao tuổi
Cả thịt thà mắm muối
Cũng đáng độ sáu ngìn
Vì ông được ưu tiên
Có cỗ ăn cỗ dựa
Về nhà hỏi nhỡ bữa
Các cháu đã ngủ rồi
Để đấy sợ nó ôi
Đành sáo xào lại vậy
Mai là rằm tháng bảy
Cũng đỡ được khoản chi
Đêm cháu ngủ tì tì
Ông còn thao thức mãi
Nghĩ đi rồi nghĩ lại
Tính trước và tính sau
Tóc đã bạc trắng đầu
Mà vẫn chưa hết dại
Đời có ngang có trái
Người có chính có tà
Chẳng biết tránh cho xa
Cứ chui đầu vào rọ
Hết khua chuông gõ mõ
Lại bạnh cổ hà hơi
Mang cái giọng nịnh đời
Lại ra điều hiểu biết
Đọc đã nhiều tiểu thuyết
Lại học cả Hán văn
Mà hai chữ uống ăn
Con chưa phân hắc bạch
Đành lục tung giá sách
Tìm ẩm thực tu chi
Xem cụ Tản nói gì(1)
Để bảo cho cháu biết
Chú thích: (1) Tản Đà có viết cuốn sách Ẩm Thực Tu Tri(ăn uống nên biết)
Nhớ về một thày giáo
(Viết bích báo hộ một cháu trường cấp II)
Năm ông lên bảy tuổi
Ông theo học vỡ lòng
Thày giáo dậy lớp ông
Một con người nho nhã
Thầy quê ngoài dốc Lã
Con cụ tú Yên Thường
Thày thường vận áo lương
và đi giầy Gia Định
Tuy không phải người t ỉnh
Nhưng thày rất đàng hoàng
Hai năm dưới trường làng
Ông được thầy giảng dạy
Từ dấu than, dấu phẩy
Đến dấu chấm xuống dòng
Từ đọc thạo, viết thông
Đến làm văn, làm toán
Ngày ấy chưa có Đảng
Nhưng ông thấy ở thầy
Đã biết ghét bọn Tây
Đã không ưa luồn cúi
Năm ông lên mười tuổi
Ông theo học chữ nho
Sống cuộc đời học trò
Của thi thư lễ nhạc
Thầy đổi đi trường khác
Khi ông tuổi mười hai
Rồi từ đó đến nay
Năm mươi năm có lẻ
Qua câu chuyện người kể
Ông được biết về thầy
Thày mất tính đến nay
Đã bốn mươi năm chẵn
Ông vẫn thường ân hận
Về con người như ông
Ngoài miệng nói rất thông
Về tôn sư trọng đạo
Mà nhà thờ thầy giáo
Ngay ở Lã Yên Thường
Không có một nén hương
Do bàn tay ông thắp.
Nhận ruộng phần trăm
Ông đóng bốn cái cọc
Sang nhận ruộng ưu tiên
Kể ra cũng hơi phiền
Nhưng biết làm sao được
Khi đã tuân phép nước
Là phải thủ lệ làng
Cũng như miệng kẻ sang
Đối với đồ nhà khó
Dẫu vừa thâm vừa nhọ
Cũng phải điểm phải tô
Phải nhiệt liệt hoan hô
Phải đề cao hết cỡ
Cũng có người bớ bở
Cũng có kẻ thiệt thòi
Ai là người hẳn hoi
Ai là người gian giảo
Bẻ măng nhờ có bão
Xé mắm phải mút tay
Đời xưa và đời nay
Đều giống nhau ở đó.
Lê Văn Thục