PHẠM NGỌC THÁI
Trong lời giới thiệu tập sách " Chế Lan Viên - Thơ chọn lọc", Nxb Văn học 2014 - Dương Phong, người tuyển chọn... khi nói về ba bài thơ này đã viết:
- Ba thi phẩm nổi tiếng công bố muộn mằn của Chế Lan Viên - in trong Di cảo Chế Lan Viên - chính là: "Ai ? Tôi!" - "Bánh vẽ" - "Trừ đi"... là những sự trở trăn, lật trái lại mặt sau của cuộc đời.
Thực ra, nếu nói "Đó là... những sự trở trăn, lật trái lại mặt sau của cuộc đời", là Dương Phong đã lựa lời nói cho nhỏ nhẹ đi, tránh khâu kiểm duyệt, sợ không cho xuất bản. Theo tôi, xác đáng hơn thì phải nói: Ba thi phẩm đó đã... lật trái lại mặt sau của xã hội và chính trị - Người đã tự phê phán. Thậm chí tự lên án mình! Cả ba bài thơ đều nằm trong Di cảo. Khi còn sống Người đã không cho xuất bản, không dám công bố. Tôi xin phân tích từng bài một.
Nhà thơ Chế Lan Viên
Trong bài "Ai? Tôi!" - Bài thơ viết vào những ngày sau khi nước nhà đã hoàn toàn giải phóng. Có lẽ một thực trạng xã hội đã tác động vào tâm can, tư tưởng, dầy vò làm ông đau đớn. Ông chạnh nghĩ về những hy sinh của những người lính trong cuộc chiến tranh xưa. Những bi thương mà dân tộc đã phải trả giá. Bắt đầu vào thơ... bằng sự phê phán chính mình, ông chỉ ra:
Mậu Thân 2.000 người xuống đồng bằng
Chỉ một đêm, còn sống có 30
Ai chịu trách nhiệm về cái chết 2.000 người đó?
Tôi! Tôi - người viết những câu thơ cổ võ
Ca tụng người không tiếc mạng mình
trong mọi cuộc xung phong
Cái nguyên nhân đó chỉ là sự tự vấn lương tâm. Người tự kết tội mình: Vì những câu thơ cổ võ của Người làm cho những người lính xung phong, nên mới để 2.000 người đi thì 1.700 người bỏ mạng không trở về. Nhưng tại sao Người nói vậy???
Ta vẫn biết thơ Chế Lan Viên là loại thơ bình luận. Thơ triết lý. Về phương diện nghệ thuật, nó có tính triết học cao. Tính tư tưởng trong thơ rất sâu sắc về ý nghĩa cuộc sống, cũng như sự phê phán xã hội và cuộc đời. Mỗi câu thơ ông đều hàm súc ý nghĩa ở bên trong. Thơ đọc càng sâu càng thấm thía. Về tính nhân văn, ông là một nhà thơ của nhân dân.
Nhà thơ của nhân dân ấy từng viết những bài thơ nổi tiếng một thời, như: Sao chiến thắng, Người đi tìm hính của nước... Ông đã sáng tác cả một tập "Ánh sáng và phù sa" danh tiếng. Đầy hoài vọng với một tương lai huy hoàng của đất nước về ngày chiến thắng:
Xưa phù du mà nay đã phù sa
Xưa bay đi mà nay không trôi mất
Cho đến được... lúa vàng đất mật...
Anh đã mất gì? Đã mất bóng đêm.
Không tiếc lời ca ngợi lãnh tụ. Ca ngợi Đảng quang vinh:
Bác reo lên một mình như nói cùng dân tộc
"Cơm áo là đây! Hạnh phúc đây rồi!"
Hình của Đảng lồng trong hình của nước
(Người đi tìm hình của nước)
Hết lời ca ngợi chủ nghĩa. Tin vào ngọn cờ khi theo Đảng quang vinh:
Xanh biết mấy là trời xanh Tổ quốc
Khi tự do về chói ở trên đầu
......
Cây cay đắng đã ra mùa quả ngọt
Người cay đắng đã chia phần hạnh phúc
Sao vàng bay theo liềm búa công nông
Thế mà giờ đây, những năm tháng sau chiến tranh, đất nước đã hoà bình. Một thực tế xã hội với bao nhiêu mảng đen về sự bất công, thiếu nhân quyền. Đầy rẫy những quan lại tham nhũng đủ kiểu, tiếp tay cho chính quyền địa phương chèn ép, chiếm đoạt cả đất đai của dân lành, đẩy họ vào sự cùng quẫn. Chính quyền như thế đâu có phải còn của dân? Cái băng rôn Nhà nước do dân, vì dân... âu cũng chỉ là khẩu hiệu? Tâm hồn ông bị đổ vỡ. Người đổ vỡ về Đảng chăng?... Người thất vọng về chủ nghĩa chăng?... Người không nói. Nhưng rõ ràng đọc: "Ai?Tôi!", lật mặt sau của những câu thơ ta thấy: Cái thần tượng về một Đảng mác-xít trong ông đã bị sụp đổ. Ông không còn niềm tin thật sự vào thể chế của ngày hôm nay nữa.
Nghĩ lại cuộc chiến xưa. Bao sinh mạng những người lính xung phong cho sự tốt đẹp của đất nước, hạnh phúc của dân tộc... lại như thế này sao? - mà chính thơ ông đã góp phần thúc giục họ xung phong. Hàng vạn, hàng vạn người lính chết cho một cuộc chiến... đã trở thành phi lý ư? Ông đau đớn mà thốt lên. Không, phải nói là ông đã thét lên khi viết những câu thơ:
Ai chịu trách nhiệm về cái chết 2.000 người đó?
Tôi! Tôi - người viết những câu thơ cổ võ
Ca tụng người không tiếc mạng mình
trong mọi cuộc xung phong
Ở đây ta thấy một Chế Lan Viên quay ngược lại hoàn toàn, không còn phải là tâm hồn như khi Người đã viết "Ánh sáng và phù sa" nữa. Trái tim ông quằn quại. Sau đó Người lý giải về kết quả những câu thơ mà Người đã cổ võ những người lính xung phong đó: 2.000 người đi... thì 1.970 người bỏ mạng, chỉ 30 người sống sót. Để cuối cùng dân tộc được gì?... Tổ quốc được gì?... Thông qua một hiện thực cuộc sống, Người viết:
Một trong ba mươi người kia
ở mặt trận về sau mười năm
Ngồi bán quán bên đường nuôi đàn con nhỏ
Quán treo huân chương đầy, mọi cỡ
Chả huân chương nào nuôi được người lính cũ!
Ai chịu trách nhiệm vậy?
Lại chính là tôi!
Người lính cần một câu giải đáp về đời
Tôi ú ớ
Người ấy nhắc những câu thơ tôi làm người ấy xung phong
Mà tôi xấu hổ
Tôi chưa có câu thơ nào hôm nay
Giúp người ấy nuôi đàn con nhỏ
Giữa buồn tủi chua cay vẫn có thể cười.
Ta đặt câu hỏi: Nếu sự hy sinh kia... cũng vì Tổ quốc, tại sao Người lại phải xấu hổ?... dẫu cho là chính thơ Người cũng đã cổ võ những người lính ấy xung phong chăng nữa. Vấn đề là ở chỗ, bật ra những câu thơ như thế, Trong thẳm sâu trái tim Người đã phải rên rỉ, đớn đau vì tình hình của đất nước hôm nay. Mặc dù ông chỉ giải nghĩa nguyên nhân làm ông xấu hổ, rằng:
Tôi chưa có câu thơ nào hôm nay
Giúp người ấy nuôi đàn con nhỏ
Hay là:
Người lính cần một câu giải đáp về đời
Tôi ú ớ
Chỉ có thể giải thích rằng: mặc dù đất nước đã hoà bình nhưng tình hình xã hội lại ngày càng suy. Rền xiết trong ông một nỗi niềm u uẩn: về chế độ còn nhiều sự giả trá, bất công chăng? Thực tế một Nhà nước xã hội chủ nghĩa đâu có được tốt đẹp trong tâm hồn như ông hằng tâm niệm. Ông trăn trở... máu dân tộc đã đổ cho cuộc chiến ấy, chỉ để giành lại một chính thể phi lý này ư? Thế mà 1.970 người lính phải chết trong một đêm Mậu Thân - đấy mới chỉ là một cuộc xung phong. Nếu nói đến mọi cuộc xung phong thì phải hàng vạn, hàng vạn những người lính nữa đã phải chết... cho một cuộc sống với bao sự phi nghĩa như thế này?
Ta lật lại mặt kia của câu thơ: Nếu như sự xung phong của những người lính, là để giành lại độc lập, tự do cho một đất nước... có một xã hội công bằng, ấm no và hạnh phúc của dân tộc. Thì việc gì Người phải xấu hổ? Như Người từng viết:
Ôi Tổ quốc ta, ta yêu như máu thịt
Như cha mẹ ta, như vợ như chồng
Ôi Tổ quốc, nếu cần, ta chết
Cho mỗi ngôi nhà, ngọn núi, con sông...
(Sao chiến thắng)
Máu của dân tộc đã đổ. Cái chết của những người lính ngoài chiến trận, cho ngày hôm nay ra sao?
- Vì một Đảng cộng sản quang vinh ư?... Khi trung ương và chính phủ đầy những quan tham nhũng. Một xã hội tràn lan bao lớp quan lại địa phương cấu kết với quan trên chèn ép, ức hiếp dân lành. Chỗ nào cũng bất công. Chỉ chết những kẻ thấp cổ, bé họng - có oan trái mà không tiền, đi kiện cáo cũng chẳng ai thèm quan tâm.
- Vì một Đảng cộng sản quang vinh ư?... Khi những "đầy tớ của dân" ấy thì giàu nứt đố, đổ vách. Có nguyên Tổng bí thư Đảng làm hai khoá cả chục năm. Đứng đầu của một Đảng cộng sản quang vinh - Thời ông ta còn đương nhiệm... thì Đảng yếu kém, xã hội tạp dịch bung bét, kinh tế quốc dân sa sút. Nếu không tham nhũng mà khi ông ta mãn nhiệm trở về, giàu như một đế vương? Nhà cửa, biệt thự nguy nga như cung vua phủ chúa, sàn lát đá hoa cương. Đạo lý chẳng khác gì những kẻ tha hoá? Cha thì đoạt lấy nhân tình, bồ bịch của con trai. Nhân cách rất rẻ tiền. Con gái với mẹ kế cũng bới móc, kiện cáo nhau vì giành giật tiền bạc của nả.
- Một nhà nước, một chính thể chân chính của dân, do dân, vì dân ư? Ngay cuối tháng 3/2015 vừa qua, trong bài viết "Chả lẽ ông Chủ tịch thành phố Hà Nội không có lỗi gì trong vụ chặt cây", đăng trên laokhoa.blogtiengviet.net - chính nhà thơ Trần Đăng Khoa đã lên tiếng cảnh báo những lãnh đạo Đảng và Nhà nước, rằng:
... Bởi chúng tôi chỉ là nhân dân. Nhân dân là mác là chông. Là sông là núi nhưng cũng không là gì... Vâng nhân dân là thế đấy. Khi có giặc thì chúng tôi là mác là chông, là sông là biển ngăn giặc, đánh giặc, rồi hy sinh thành hàng vạn, hàng triệu những nấm mồ vô danh ở Điện Biên, ở Thạch Hãn, ở Hoàng Sa, Trường Sa, ở Biển Đông, ở khắp mọi nơi trên đất nước này. Còn khi yên hàn, chúng tôi chẳng là gì cả.
Liên tưởng những năm qua - Ở ngoài biển đảo thì bọn Tàu khựa cướp biển, cướp đảo ta. Chúng hung hăng bắn giết những người dân đánh cá và chiến sĩ ta... đang phải ngày đêm canh giữ biển trời. Khắp nơi trong nước, nhất là ở các thành phố... nhân dân xuống đường biểu tình lên án giặc Tàu - Thì chính quyền lại đi trấn áp, bắt bớ. Rồi hăm dọa, tống giam cả các bloger yêu nước.
Ta trở lại với bài thơ của Chế Lan Viên: Trong thẳm sâu tâm linh của Người, điều làm cho Người xấu hổ - Như Người nói, bởi chính thơ Người đã kêu gọi những người lính kia... và họ đã phải chết đi trong những cuộc xung phong ấy?... cho tương lai của đất nước với một thể chế thiếu nhân đạo như hôm nay.
Tôi xin nói tiếp sang bài thơ "Bánh vẽ".
BÁNH VẼ
Chưa cần cầm lên nếm,
anh đã biết là bánh vẽ
Thế nhưng anh vẫn ngồi vào bàn cùng bè bạn
Cầm lên nhấm nháp.
Chả là nếu anh từ chối
Chúng sẽ bảo anh phá rối
Đêm vui
Bảo anh không còn có khả năng nhai
Và đưa anh từ nay ra khỏi tiệc...
Thế thì đâu còn dịp nhai thứ thiệt?
Rốt cuộc anh lại ngồi vào bàn
Như không có gì xảy ra hết
Và những người khác thấy anh ngồi,
Họ cũng ngồi thôi
Nhai ngồm ngoàm...
Chả cần phải khó nghĩ ta cũng hiểu ngay: Những "bánh vẽ" mà Chế Lan Viên nói ở đây thuộc các chủ trương, chính sách hay đường lối của Nhà nước, của Đảng. Có những thứ bánh vẽ chỉ gây tổn hại lớn nhỏ đối với nền kinh tế hay đời sống dân sinh, làm cho nhân dân đói khổ. Nhưng cũng có loại bánh vẽ thì lại làm... chết người. Có khi giết hàng nghìn, hàng vạn người lương thiện và vô tội.
Xin lược lại mấy cái bánh vẽ đã gây ra những tội ác kinh hoàng trong lịch sử của cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam chúng ta. Như cái bánh vẽ:
- Về Cải cách ruộng đất của Đảng và chính phủ 1946-1957.
- Sự kiện hay còn gọi là "vụ án nhân văn giai phẩm" 1955-1958.
1. Sơ lược về thảm hoạ của cuộc Cải Cách Ruộng Đất.
Cái bánh vẽ của Đảng Lao động VN (tức Đảng Cộng sản VN bây giờ) và Chính phủ nước VN Dân chủ Cộng hòa - Người ta gọi đó là "chiến dịch đấu tố thảm sát tàn bạo". Nồi da xáo thịt kinh hoàng. Đồng bào, đồng loại thảm sát, tận diệt lẫn nhau. Những người cùng huyết thống trong gia đình bị tuyên truyền, cưỡng chế vu cáo ám hại nhau. Con đấu tố cha, vợ vu cáo chồng... là địa chủ cường hào, là phản động, là bóc lột. Giẫm đạp lên luân thường đạo lý. Người ta chưa biết thật chính xác về số người đã bị giết trong CCRĐ. Có nguồn tin thì nói khoảng 120.000 người bị giết, nhưng cũng có thông tin những người bị giết lên đến trên 170.000 người. Vậy chí ít cũng phải trên chục vạn người bị giết ở cuộc CCRĐ ấy. Trong đó, cứ 10 người đem ra kết án rồi bắn chết thì có 7 người bị vu oan.
Bao nhiêu người cách mạng - hy sinh cả một đời, hy sinh cả gia đình, cống hiến của cải cho kháng chiến... cuối cùng cũng bị đội cải cách của chính phủ qui tội, xử bắn rất tàn ác. Nói về những hành động giết chóc khủng khiếp thời kỳ ấy, thấy nổi trôi trên mạng mấy vần thơ của nhà thơ Tố Hữu - một ông quan cách mạng mà sau này lên tới chót đỉnh, uỷ viên trong Bộ chính trị của Đảng cộng sản, viết tuyên truyền trong thời ký CCRĐ. Thơ rằng:
Giết! Giết nữa bàn tay không phút nghỉ,
Cho ruộng đồng lúa tốt thuế mau xong
Cho Đảng bền lâu cùng rập bước tơ lòng
Thờ Mao Chủ tịch, thơ Sít-ta-lin bất diệt!
Chẳng hiểu có đúng vậy không? Nghe vần thơ, giọng thơ thì rất giống thơ Tố Hữu. Nếu đúng thế thì - Chao ôi! Một ông quan cấp cao của Đảng cộng sản nhưng thơ khát máu quá!... mà lại là máu cùng đồng loại, giống nòi.
2. Đôi nét về vụ nhân văn giai phẩm.
- Là phong trào đấu tranh của những văn nghệ sĩ đòi dân chủ, tự do văn hoá và trong sáng tác văn học nghệ thuật.
- Những văn nghệ sĩ trong Nhân văn giai phẩm tuyên bố: văn học nghệ thuật không để phục vụ cho chính trị, đó là quyền tự do sáng tác của họ. Với khẩu hiệu "trả lại văn nghệ cho văn nghệ sĩ".
- Họ phản đối sự chuyên chính của Đảng, đòi xoá bỏ sự đảng trị, độc đoán trên lĩnh vực văn hoá và sáng tác văn học nghệ thuật. Theo họ, chủ nghĩa cộng sản là không nhân văn, chà đạp con người. Họ chống sùng bái cá nhân. Phong trào nhân văn giai phẩm này đã bị Đảng và Nhà nước dùng bạo lực thanh trừng, bắt bớ, tù đầy. Hàng loạt các văn nghệ sĩ phải đi cải tạo, hoặc bị quản thúc, cấm sáng tác... kéo dài hàng chục năm. Trần Dần phẫn uất cứa cổ tự tử mà không chết. Từ một trào lưu đấu tranh đòi dân chủ, tự do trong văn học nghệ thuật - trở thành một vụ án "nhân văn giai phẩm", đẩy thành một vụ án chính trị. Phong trào được khởi xướng 1955 và chính thức bị dập tắt tháng 6/1958. Đến khi được cởi trói cho văn nghệ sĩ thì nhiều người đầu đã bạc, kẻ thì bệnh hoạn ốm đau... nào bại liệt, tâm thần, hoặc chết trước khi được cởi trói. Như nhạc sĩ Văn Cao được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh một năm sau khi mất (1996). Tháng 2/2007 các nhà văn trong nhóm Nhân văn giai phẩm như Phùng quán, Trần Dần, Yến Lan, Lê đạt, Hoàng Cầm thì được tặng giải thưởng Nhà nước... vì đã có công trong sự nghiệp sáng tác văn học của nước nhà.
Chao ôi, mới thấy kiểu lãnh đạo của chế độ XHCN chúng ta, có khác gì bánh vẽ? Đúng là những thứ trò. Thậm chí những thứ trò và bánh vẽ ấy đầy giả tạo, lừa dân và vô nhân thất đức... "cởi ra rồi lại buộc vào như không".
Xin quay trở lại với bài thơ "Bánh vẽ" của Chế Lan Viên. Tại sao một nhà thơ lớn của chúng ta cũng như bao văn nghệ sĩ khác, biết là "bánh vẽ" rồi... mà vẫn phải ngồi vào bàn, vẫn phải... ăn??? Như Người đã viết:
Chả là... nếu anh từ chối
Chúng sẽ bảo anh phá rối
.....
Và đưa anh ra khỏi bàn tiệc
Nghĩa là: nếu anh không ăn cái bánh vẽ của chúng, thì chúng sẽ "đánh"anh. Sẽ qui tội và sẽ... triệt anh. Cũng như "vụ án Nhân văn giai phẩm" vậy thôi.
Ngay như Nguyễn Khải - một nhà văn có danh tiếng và tầm vóc. Đương thời ông đã phải kìm nén, nhẫn nhịn biết bao sự nhiễu nhương của thể chế. Sự vô đạo của những kẻ điều hành xã hội - Ông có dám viết lên cái hiện thực ấy đâu? Đến khi mất, ông mới để lại một cuốn di cảo, tập tùy bút chính trị... gọi là "Đi tìm cái tôi đã mất". Phê phán, phanh phui những cái mất tự do, dân chủ, chưa có nhân quyền của chế độ. Như người ta nói: Nguyễn Khải chết rồi mới dám nói thật.
Không phải chỉ Chế Lan Viên, Nguyễn Khải... mà cùng bao văn nghệ sĩ khác thời nay - Nếu muốn còn được cầm bút để viết. Nếu muốn còn được sống để hoạt động văn học nghệ thuật, thì phải chấp nhận ăn... "bánh vẽ". Lương tri dẫu bị dằn vặt? Họ vẫn phải - như Chế Lan Viên đã viết:
Rốt cuộc anh lại phải ngồi vào bàn
Như không có gì xẩy ra hết
Và:
Nhai ngồm ngoàm...
Nếu anh không chịu ngồi vào bàn nhai cái bánh vẽ ấy? Nếu trái tim nhà văn bức bối mà không kìm nén được nữa, cố viết nó ra - thì sẽ bị... triệt ngay. Thí dụ như cuốn tiểu thuyết "Thời của thánh thần" của nhà văn Hoàng Minh Tường chẳng hạn?
"Thời của thánh thần", Nxb Hội nhà văn 2008 - Là một cuốn tiểu thuyết, một bức tranh tổng thể của xã hội. Nhà văn phục lại những hiện thực, ... qua những số phận chìm nổi của một gia đình. Những trận đấu tố đầy chất bi hài. Những chiến dịch cưỡng bức nhuộm máu... để tái hiện lại sự đen tối của thời Cải cách ruộng đất. Vụ án Nhân văn giai phẩm... những người trí thức và văn nghệ sĩ bị nhà cầm quyền vùi dập, bắt tù đầy, khủng bố tư tưởng, bị vô hiệu hoá trở thành những cái bóng dặt dẹo. Rồi cuộc đấu tranh với xét lại hiện đại đến vấn đề Hoà hợp dân tộc?... Các nhà bình luận nhận xét rằng: "Thời của thánh thần" là bi kịch của một gia đình thông qua tấn đại bi kịch của dân tộc. Đọc Thời của thánh thần phải rùng mình vì sự bất ổn của một xã hội, trong cơn bão loạn thời thế. Bạo lực được xây dựng trên những thứ triết lý không tưởng, vừa cuồng tín vừa tàn bạo.
Sách bị qui là bôi xấu chế độ. Mới phát hành được vài ngày thì bị Nhà nước ra sắc lệnh thu hồi. Nghe nói ngày 28/8/2008, chính nhà văn Hoàng Minh Tường đã phải đi tất cả các cửa hiệu gửi... để thu hồi sách.
Năm qua, nhà văn Đỗ Hoàng cũng một lần nữa lên tiếng vạch trần những hành động phi nhân nghĩa của ông Trưởng ban tư tưởng văn hoá trung ương một thời - Nguyễn Khoa Điềm, nguyên Uỷ viên Bộ chính trị của Đảng cộng sản. Khi còn đương chức đương quyền, ỷ thế vào bộ máy quyền lực của Đảng đã bóp nghẹt sự tự do dân chủ các văn nghệ sĩ và thẳng tay trấn áp những ai không chịu... "ăn bánh vẽ" của Đảng. Trong bài "Thơ vô lối Nguyễn Khoa Điềm" đăng trên trang vannghecuocsong.com - Nhà văn Đỗ Hoàng vạch rõ:
" Nguyễn Khoa Điềm - Ông trùm tư tưởng văn hoá của Đảng cộng sản Việt Nam, đứt gánh giữa chừng... phải về vườn - Thời còn Trưởng ban tư tưởng văn hoá, Nguyễn Khoa Điềm để lại nhiều tiếng không hay: Ông ta trù úm Hoàng Minh Chính, bắt nhà văn Dương Thu Hương, bôi nhọ Trần Độ, loại bỏ nhiều nhà bất đồng chính kiến, đàn áp những người đòi tự do dân chủ, cấm mạng, cấm internet, đốt thành tro bụi những tập sách Học phí trả bằng máu của Nguyễn Khắc Phục, Chuyên kể năm 2000 của Nguyễn Ngọc Tấn, Chúa trời ngủ gật của Nguyễn Dậu, Tâm sự người lính của Đỗ Hoàng, ngăn cản nhiều nhà văn tài năng vào Hội nhà văn Việt Nam... Ký duyệt nhiều dự án tiêu hàng triệu đô là tiền ngân sách, thuế dân đóng để phe nhóm hưởng lại quả nhưng hiệu quả không là bao như: Phim Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Công, (phim bỏ kho) 1 triệu đô, phim Dòng sông phẳng lặng (phim bỏ kho)..." v.v.
Như thế có thể thấy rằng: cái bánh vẽ mà Đảng và Nhà nước XHCN của chúng ta vẫn liên tục vẽ ra suốt từ hồi CCRĐ đến giờ. Các văn nghệ sĩ muốn tồn tại bình yên thì đều phải... ăn. Như cách nói của Chế Lan Viên:
Và những người khác thấy anh ngồi,
Họ cũng ngồi thôi
Nhai ngồm ngoàm...
Nếu ai không "nhai ngồm ngoàm..." thì Đảng sẽ cho chính quyền đến... "hỏi thăm"? Sự tự do, dân chủ của chế độ ta vẫn chỉ là giả hiệu: như việc đàn áp, đe nẹt, bắt bớ những người biểu tình chống giặc Tàu. Những kẻ quá khích chỉ là số ít. Chủ yếu đó là dân tình và những trí thức yêu nước. Bóp nghẹt nhân quyền sống của con người qua việc trấn áp, giam hãm tù đầy các bloger yêu nước... dám nói lên sự thật.
Giờ tôi xin nói thêm ít lời về bài "Trừ đi":
Sau này anh đọc thơ tôi nên nhớ
Có phải tôi viết đâu? Một nửa
Cái cần viết vào thơ, tôi đã giết đi rồi!
Giết một tiếng đau, giết một tiếng cười,
Giết một kỷ niệm, giết một ước mơ,
Tôi giết cái cánh sắp bay... trước khi tôi viết
Tôi giết bão táp ngoài khơi
cho được yên ổn trên bờ
Và giết luôn mặt trời trên biển,
Giết mưa và giết luôn cả cỏ mọc trong mưa luôn thể
Cho nên câu thơ tôi gày còm như thế
Tôi viết bằng xương thôi, không có thịt của mình.
Và thơ này rơi đến tay anh
Anh bảo đấy là tôi?
Không phải!
Nhưng cũng chính là tôi - người có lỗi!
Đã giết đi bao nhiêu cái
Có khi không có tội như mình!
Đọc mấy câu thơ kết trong bài 'Trừ đi" này, thấy tâm trạng Chế Lan Viên có khác gì Nguyễn Khải và một số văn nghệ sĩ?... chỉ dám viết một nửa sự thật - Còn một nửa thì phải viết theo sự cưỡng chế của... Đảng và chế độ - Người nói:
Thơ này rơi đến tay anh
Anh bảo đấy là tôi?
Không phải!
Người phủ nhận chăng? Không, để rồi cũng chính Người thừa nhận:
Nhưng cũng chính là tôi - người có lỗi!
Câu thơ viết thổ lộ như thế - để nói lên những xót xa trong lòng ông, trăn trở và đau đớn. Có thể nói đó là sự quằn quại, dầy vò lương tâm của những người cầm bút, những văn nghệ sĩ sống bằng lương tri. Những con người yêu đất nước và dân tộc - Nay chỉ vì thờ phụng cho một chính thể đã mọt ruỗng mà phải giết đi bao nhiêu cái tốt đẹp. Giết đi cả những tình cảm, lòng nhân ái và tư tưởng trong sáng. Cái tội ấy của nhà thơ, nhà văn... còn lớn hơn cả bao nhiêu thứ mà Người đã qui tội kia? Người - tức Chế Lan Viên đã bảo vậy:
Chính tôi đã giết đi bao nhiêu thứ
Có khi không có tội như mình!
Đấy, ông đã viết như thế đấy! Vậy "trừ đi" là trừ đi cái gì? Ông nói, sau này đọc thơ ông thì hãy trừ đi một nửa - Chỉ đúng một nửa thôi, còn lại là giả...
Có phải cái "giả" mà ông muốn nói ấy... có khi là cả những bài thơ mà ông đã từng ca ngợi chế độ, ca ngợi Đảng? Bởi vì: nếu ông phê phán Đảng, lên án chế độ, thì ông sẽ bị... "đánh", bị triệt... như vụ án Nhân văn giai phẩm. Gia đình, vợ con sẽ khốn khổ, khốn nạn theo ông. Nghĩa là, nếu ông mà nói thật... thì Đảng và Nhà nước cũng lắm tội lắm chứ!?
Tôi xin dừng lại bài bình luận về ba bài thơ của Người ở đây.
-----------------
Hai bài "Bánh vẽ" - "Trừ đi" đã viết đầy đủ như ở trong bài bình.
Chỉ xin chép lại toàn bộ bài thơ "Ai? Tôi!" dưới đây, để bạn đọc xem cho mạch lạc:
AI? TÔI!
Mậu Thân 2.000 người xuống đồng bằng
Chỉ một đêm, còn sống có 30
Ai chịu trách nhiệm về cái chết 2.000 người đó?
Tôi! Tôi - người viết những câu thơ cổ võ
Ca tụng người không tiếc mạng mình
trong mọi cuộc xung phong
Một trong ba mươi người kia
ở mặt trận về sau mười năm
Ngồi bán quán bên đường nuôi đàn con nhỏ
Quán treo huân chương đầy, mọi cỡ
Chả huân chương nào nuôi được người lính cũ!
Ai chịu trách nhiệm vậy?
Lại chính là tôi!
Người lính cần một câu giải đáp về đời
Tôi ú ớ
Người ấy nhắc những câu thơ tôi làm người ấy xung phong
Mà tôi xấu hổ
Tôi chưa có câu thơ nào hôm nay
Giúp người ấy nuôi đàn con nhỏ
Giữa buồn tủi chua cay vẫn có thể cười.
PNT.
Hà Nội, tháng 4/2015