Ông viết:
"… Muốn cho lời thơ tuyệt diệu thì phải là không gò ép vừa không vừa tĩnh. Tĩnh cho nên thâu tóm hết mọi vọng động; không cho nên bao hàm vạn cảnh. Ngắm nhìn sự đời bôn ba giữa đời mà như thấy mình nằm trên chóp đỉnh non cao. Đủ hết mặn nồng, chua chát trong đó có cái hương vị tuyệt vời.
… Đạt tới cõi thượng thừa của thơ, như người học thiền chứng chỗ không tịch của Đạo; cái đó vừa khó, vừa dễ. Học Thiền ba mươi năm đày đoạ thâm tâm mà không thành. Phẫn chí bỏ đi, bất chợt thấy một cánh hoa rơi, cõi không tịch cũng hốt nhiên, đột ngột mở ra chỗ ảo diệu đó. Vì thế, tính Thiền trong thi ca luôn ẩn chứa những tư tưởng uyên áo, thậm thâm vi diệu."
Cõi thơ của Tuệ Sỹ đơn sơ nhưng lẫm liệt, bi ai nhưng trầm hùng, im lặng nhưng bão loạn, tĩnh toạ nhưng phiêu phưỡng. Một thi sĩ tài hoa, một tâm hồn cô liêu cùng với hồn thơ phóng khoáng, u ẩn, ngân dài trên giai điệu trầm tư lãng đãng :
Ngược xuôi nhớ nửa cung đàn
Ai đem quán trọ mà ngăn nẻo về
Để cho trời thơ lồng lộng, giữa đỉnh cao và hố thẳm, thi nhân rong chơi từ thuở hồng hoang hỗn độn, phiêu hốt trong cơn mộng dài :
Ta làm kẻ rong chơi từ hỗn độn
Treo gót hài trên mái tóc vào thu
Ngồi đếm mộng đi qua từng đọt lá
Rủ mi dài trên bến cỏ sương khô
Cuộc rong chơi phiêu bạt vô tận đến nỗi quên hết những chuyện mộng mị chiêm bao, thi nhân lãng đãng hóa thân thành cánh chim én lây lất bay qua đêm dài nghe thác đổ trên cao hay làm cánh bướm bay lượn xôn xao giữa mưa nắng phong trần :
Một con én một đoạn đường lay lất
Một đêm dài nghe thác đổ trên cao
Ta bước vội qua dòng sông biền biệt
Đợi mưa dầm trong cánh bướm xôn xao
Lạc bước phong trần đã lâu rồi mà sao mây trắng vẫn còn viễn du phương nào? Cốt cách của thi nhân vốn là tiêu dao, bay bổng, chất ngất một trời thần tiên nhưng mênh mang một niềm tâm sự không biết bày tỏ cùng ai trước cảnh tử sinh:
Ôi nỗi buồn từ ngày ta lạc bước
Cố quên mình là thân phận thần tiên
Lòng quặn đau tê tái giữa bóng tối u mê chập chùng:
Lửa đã tắt từ buổi đầu sáng thế
Một kiếp người ray rứt bụi tro bay
Nghìn năm vẫn còn vang vọng nỗi đời khổ ải :
Đá mòn phơi nẻo tà dương
Nằm nghe nước lũ khóc chừng cuộc chơi
Nghìn năm vang một nỗi đời
Gió đưa cuộc lữ lên lời viễn phương
Thi nhân lao đao trong tiếng khóc, trong dòng máu lệ . Đó là những tiếng kêu gào thống thiết của nhân gian, đang quằn quại rên siết trong dâu bể đoạn trường:
Tiếng ai khóc trong đêm trường uất hận
Lời ai ru trào máu lệ bi thương ?
Hồn ai đó đôi tay gầy sờ soạng
Là hồn tôi tìm dấu cũ quê hương
Tang thương nào in trên dấu vết bãi dâu ? Xác thân nào phiêu du trong gió loạn ?
Tang thương một dải tóc huyền
Bãi dâu ngàn suối mấy miền hoang vu
Gởi thân gió cuốn xa mù
Áo xanh cát trắng trời thu muộn màng
Cuộc đời vốn "Vô sinh bất diệt" cho nên thi nhân tự bao giờ vẫn thương yêu mọi người trong từng khoảnh khắc :
Ta sống lại trên nỗi buồn ám khói
Vẫn yêu người từng khoảnh khắc chiêm bao
Từ nguyên sơ đã một lời không nói
Như trùng dương ngưng tụ ánh hoa đào
Nghe khúc điệu rộn ràng đôi cánh mỏi
Vì yêu người ta vói bắt ngàn sao
Văn hào Hermann Hesse viết: “Dù có bị đau đớn quằn quại, tôi vẫn yêu thương trần gian điên dại này”, Tuệ Sỹ cũng vậy, vẫn hết lòng thương yêu con người, dù đời mình có già nua tàn tạ:
Ai biết mình tóc trắng
Vì yêu ngọn lửa tàn
Rừng khuya bên bếp lửa
Ngồi đợi gió sang canh
Ôi! Nỗi u buồn xót xa khôn tả :
Ta không buồn còn ai buồn hơn nữa
Người không đi sông núi có buồn đi
Tia nắng mỏng soi mòn khung cửa
Khi thi nhân nhận thấy tất cả vạn pháp như ảo ảnh, huyễn mộng:
Nỗi nhớ đó khát khao luồn sợi tóc
Vòng tay ôm cuộn khói bâng khuâng
Uống chưa cạn chén trà sương móc
Nên yêu người tự thuở xa xưa :
Nắng lụa đỏ phủ tường rêu xám bạc
Lá cây xanh nghiêng xuống mắt mơ màng
Người có biết mặt trời kia sẽ tắt ?
Ta yêu người từ vết rạn thời gian
Thời gian và không gian hòa quyện vi vút trong nguồn cảm xúc vô biên, một tình khúc rung động chan hòa :
Tự hôm nào suối tóc ngọt lời ca
Tay em rung trên những phím lụa ngà
Thôi huyễn tượng xô người theo cát bụi
Thế là tiếng thơ trầm hùng của thi nhân ngời ngời trên con đường mây trắng thênh thang dù vẫn còn chút dư hương ngày cũ:
Màu nắng xế ôi màu hương tóc cũ
Chiều chơ vơ chiều dạt mấy hồn tôi
Trời viễn mộng đọa đày đi mấy thuở
Mộng kiêu hùng hay muối mặn giữa trùng khơi
Ngôn ngữ của thơ chứa đầy ẩn dụ:
Ve mùa hạ chợt về thành phố
Khóm cây già che nắng hoang lương
Đám bụi trắng cuốn lên đầu ngõ
Trên phím đàn lặng lẽ tan hương
Tiếng ve dội lăn tăn nốt nhỏ
Khóc mùa hè mà khô cả đại dương
Tuệ Sỹ giống như thi sĩ thiền sư Nhật Bản Basho làm thơ giữa ngày tháng say sưa với sương khói bồng bềnh. Thi nhân không diễn tả rõ ràng chỉ để một khoảng trống lặng thinh. Một tuổi đời chưa đủ để gót mỏi đi quanh...
Đôi mắt ướt tuổi vàng cung trời hội cũ
Áo màu xanh không xanh mãi trên đồi hoang
Phút vội vã bỗng thấy mình du thủ
Thắp đèn khuya ngồi kể chuyện trăng tàn
Từ núi lạnh đến biển im muôn thuở
Đỉnh đá này và hạt muối đó chưa tan
Cười với nắng một ngày sao chóng thế
Nay mùa đông mai mùa hạ buồn chăng
Đếm tóc bạc tuổi đời chưa đủ
Bụi đường dài gót mỏi đi quanh
Giờ ngó lại bốn vách tường ủ rủ
Suối rừng xa ngược nước xuôi ngàn.
(Khung trời cũ)
Phải chăng đây là cái bất tận của tâm linh dừng lại giữa thời gian ngắn ngủi:
Cười với nắng một ngày sao chóng thế
Nay mùa đông mai mùa hạ buồn chăng
Tuệ Sỹ làm thơ không để tìm độc giả, tìm tri kỷ, tri âm mà để sống an nhiên tĩnh mịch giữa cỏi trần tục nhưng thơ của Ông vẫn âm vang những đau thương của con người :
Ngoài biên cương
Cây cao chói đỏ
Chiến binh già cổ mộ
Nắng tắt chiến trường
Giọt máu quạnh hơi sương
Giăng mộ cổ
Mưa chiều hoen ngấn lệ
Bóng điêu tàn
Huyền sử đứng trơ vơ
Sương thấm lạnh
Làn vai hờn nguyệt quế
Ôm tượng đài
Yêu suốt cõi hoang sơ.
(Những điệp khúc cho dương cầm)
Thơ Tuệ Sỹ không có biên giới giữa ý thức và vô thức, nó siêu thoát, không thể nào lý giải bằng ngôn ngữ thông thường mà phải bằng cái tình của con tim:
Màu tối mù lan vách đá
Nhớ mênh mông đôi mắt giã từ
Rồi đi biệt
Để hờn trên đỉnh gíó
Ta ở đâu ?
Cánh mộng phù du
Hình ảnh trong thơ thấp thoáng, chập chờn. Ý thơ uyên áo , huyễn mộng :
Cửa kín chòm mây cuốn nẻo xa
Ngu ngơ đếm chữ, mắt hoa nhòa
Tay buồn vuốt mãi tờ hương rã
Phảng phất mưa qua mấy cụm nhà
Bài thơ "Năm Tàn" âm u như núi rừng tịch mịch, nơi mà Tuệ Sỹ bị lưu đày. Rừng khuya lạnh ngắt mù khơi, năm tháng khép kín cuộc đời trong hang sâu và thầm lặng trôi qua trên mái đầu tóc trắng :
Lận đận năm chầy nữa
Sinh nhai ngọn gió rừng
Hàng cà phơi nắng lụa
Ngần ngại tiếng tha phương
Trong bài thơ "Tôi vẫn đợi" thi nhân khoắc khoải với cuộc đời sương mai, bóng chớp, mây chiều :
Tôi vẫn đợi những đêm xanh khắc khoải
Màu xanh xao trong tiếng khóc ven rừng
Trong bóng tối hận thù tha thiết mãi
Một vì sao bên khoé miệng rưng rưng
Tôi vẫn đợi những đêm đen lặng gió
Màu đen huyền ánh mắt tự ngàn xưa
Nhìn hun hút cho dài thêm lịch sử
Dài con sông tràn máu lệ quê cha
Tôi vẫn đợi suốt đời quên sóng vỗ
Quên những người xuôi ngược Thái bình dương
Người ở lại với bàn tay bạo chúa
Cọng lau gầy trĩu nặng ánh tà dương.
Rồi trước mắt ngục tù thân bé bỏng
Ngón tay nào gõ nhịp xuống tường rêu
Rồi khép lại hàng mi về Cõi Mộng
Như sương mai như bóng chớp mây chiều.
Rồi những hận thù thế kỷ trào lên nỗi sầu u uẩn khôn nguôi :
Sầu trên thế kỷ điêu linh
Giấc mơ hoang đảo thu hình tịch liêu
Hận thù sôi giữa nắng chiều
Sông tràn núi lở nước triều mênh mông
Khói mù lấp kín trời Đông
Trời ơi tóc trắng rũ lòng quê cha
Con đi xào xạc tiếng gà
Đêm đêm trông bóng Thiên hà buồn tênh.
Và thi nhân dấn bước lên đường, không phải để trốn chạy mà để tìm một phương trời có nhiều tình thương:
Một bước đường thôi nhưng núi cao;
Trời ơi, mây trắng đọng phương nào?
Đò ngang neo bến đầy sương sớm;
Cạn hết ân tình nước lạnh sao?
Một bước đường xa, xa biển khơi
Mấy trùng sương mỏng nhuộm tơ trời
Thuyền chưa ra bến bình minh đỏ
Nhưng mấy nghìn năm tống biệt rồi.
Cho hết đêm hè trong bóng ma
Tàn thu khói mộng trắng Ngân hà
Trời không ngưng gió chờ sương đọng
Nhưng mấy nghìn sau ố nhạt nhòa.
Cho hết mùa thu biệt lữ hành
Rừng Thu mưa máu dạt lều tranh
Ta so phấn nhụy trên màu úa
Trên phím dương cầm, hay máu xanh
(Một bước đường)
Thi nhân bây giờ như có thêm sức mạnh để vượt chốn tù đày tăm tối :
Ngọn gió đưa anh đi mười năm phiêu lãng
Nhìn quê hương qua chứng tích điêu tàn.
Triều Đông Hải vẫn thì thầm cùng cát trắng
Chuyện tình người và nhịp thở của Trường Sơn.
Giờ ngó lại bốn vách tường ủ rũ
Suối nguồn xa ngược nước xuôi ngàn.
Cái đẹp trong thơ của Tuệ Sỹ dẫn chúng ta vào cái duyên của Đạo giao hòa với cái tình của thơ đến nỗi Bùi Giáng phải “ khiếp vía mất ăn mất ngủ” với mấy vần thơ "dư âm bất tuyệt kéo dài trong đêm lữ thứ ... Tuệ Sỹ đã biểu lộ một tài năng xuất chúng , một phong thái khác thường , thơ Ông đã trùm lấp hết mọi chân trời mới cũ từ Đường Thi Trung Hoa tới Siêu Thực Tây Phương ."