Nov 21, 2024

Biên khảo

Về Câu Thơ : Đình tiền tạc dạ nhất chi mai
Nguyễn Khôi * đăng lúc 10:23:21 PM, Jan 05, 2024 * Số lần xem: 10232
Hình ảnh
#1
#2



                (Gửi: Mai Thục)


   Thiền sư Mãn Giác (Lý Trường ,1051-1096) trước khi mất có bài "kệ" (thơ thiền) :

CÁO TẬT THỊ CHÚNG

Xuân khứ bách hoa lạc
Xuân đáo bách hoa khai
Sự trục nhãn tiền quá
Lão tòng đầu thượng lai
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai 

                 *
CÓ BỆNH BẢO MỌI NGƯỜI


Xuân đi trăm hoa rụng
Xuân đến trăm hoa nở
Trước mắt việc đi mãi
Trân đầu già đến rồi
Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một cành mai.

      Thiền sư Thích Thanh Từ -dịch
                 *


     Bài thơ thiền tuyệt tác, đáng chú ý nhất  là 3 chữ "...nhất chi mai" ( một cành mai), theo Minh Đức Triều Tâm Ảnh (Huế) thì nhiều người dịch là "một nhành mai, một nhánh mai, một cành mai", thật ra phải hiểu "nhất chi mai" còn có nghĩa là "một đóa mai" mới thấy là thâm thúy. Một đóa là đủ rồi,cái tối thiểu- một đóa- là đủ đại biểu cho mùa xuân- như một câu thơ có trước đó của Thiền sư Tề Kỷ (864-937) bạn của Thi sĩ Trịnh Cốc (849-911) đời nhà Đường đã sáng tác bài :

        TẢO MAI

Vạn mộc đống dục chiết
Cô căn noãn độc hồi
Tiền thôn thâm tuyết lý
Tạc dạ nhất chi khai.
Phong đệ u hương khứ
Cầm khuy tố diễm lai
Minh niên như ưng luật
Tiên phát ánh xuân đài.
             *

   MAI NỞ SỚM


Vạn cây băng giá chết
Một cội ấm mọc ra
Đầu xóm trong tuyết đặc
Một cành đêm nở hoa.
Gió xa đem hương ẩn
Chim ngắm hoa trắng ngà
Năm tới như đúng tiết
 Mừng Xuân sáng ánh tà.

              * 


     Chuyện kể rằng : Sư Tề Kỷ , sau khi viết xong, vốn tính khiêm tốn đã đem sang nhờ Thi sĩ Trịnh Cốc "góp ý kiến", Trịnh Cốc đọc nhanh,rồi nói "sổ chi" phi "tảo" dã, vị nhược "nhất chi" giai ( "mấy cành" không phải là sớm, chưa hay bằng "một cành"). Tề Kỷ bái Thầy " nhất tự vi sư", bèn sửa thành "Tạc dạ nhất chi khai"( một cành đêm nở hoa) bất hủ để đời...
   Bài thơ của Mãn Giác so với Tề Kỷ thì tương tự, nhưng có phần thâm viễn hơn. Với ý muốn nhắn gửi với đời về lẽ chuyển dịch vô thường không dao động đến tâm an nhiên của ta ( theo Trần Tuấn Kiệt); Còn theo Ngộ Không thì nên hiểu : ở đây "xuân tàn" là trầm luân, "hoa lạc tận" là hư vô, giữa mê và Ngộ, phân ra hữu và vô, có và không. "nhất chi mai" chính là giác ngộ với trong sinh có diệt, trong diệt có sinh.

                                   *

   Tái bút : Còn về câu đối :


"Thập tải luân giao cầu cổ kiếm
Nhất sinh đê thủ bái mai hoa"
(Mười năm lặn lội tìm cây kiếm cổ
Một đời chỉ biết lạy hoa mai)


     Lâu nay nhiều người gán cho là của Cao Bá Quát, thực là của Ngải Tuấn Mỹ- tri phủ Hán Dương (Hồ Nam) tặng Hoàng giáp Nguyễn Tư Giản khi đi sứ Trung Hoa (năm 1868) mà NK đã có bài viết đã đăng trên Newvietart  từ 2006 :
     "Câu đối "Nhất sinh đê thủ bái mai hoa" có phải của Cao Bá Quát ?".


      Góc thành nam Hà Nội 20-3-2015
         
              NGUYỄN KHÔI


Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.