Nov 21, 2024

Tùy bút - Bút ký

Những Mãnh Đời Và Những Con Đường
Vũ Huy Quang Thăng Long Văn Sĩ * đăng lúc 10:29:21 PM, Feb 23, 2023 * Số lần xem: 1730
Hình ảnh
#1
   Có những con đường, tuy cùng trên nước Mỹ, nhưng bạn có thái độ lái xe khác nhau. Chả hạn như lối lái xe ở San Jose, freeway gấp rút, vượt trên vận tốc tối đa ấn định không bị coi là một tội ác, so với ở Flaggstaff, tỉnh nhỏ lạnh lẽo vắng người tận Arizona, ai cũng thong dong, ít Cảnh Sát lưu thông... nhưng hễ bạn quẹo gắt trong thành phố, lại là nơi bạn rất dễ bị cương quyết cho giấy đóng phạt. ấy là tôi chưa nói gì tới Nữu Ước (nơi tôi chỉ nghe), chưa nói gì tới Paris (nơi tôi chỉ ngồi trong xe), và Sài Gòn (nơi tôi không dám lái cả xe đạp).

Phải lâu lắm tôi mới quen định hướng, hoà với nhịp lưu thông ở San Jose, thung lũng điện tử _ với mật độ Cảnh Sát đông gấp sáu lần chỗ ở cũ ồn ào của Orange County bằng phẳng _ nơi đầy xa lộ thung lũng ngoằn ngoèo, và đầy nhân công điện tử Việt Nam. Người đâu cảnh đó : người ở đây cũng có “ không khí khác ”. Có các cô gái với ngôn ngữ, sinh hoạt khác tôi tưởng tượng.

Đó là hình ảnh của các cô gái làm nghề điện tử, giờ này tôi có thể khó còn mường tượng ra nhân dáng, nét mặt, nhưng không quên được những cung cách đối xử với tôi, và giữa họ với nhau... trong qu•ng đời tôi làm việc phụ nghề điện tử. Quãng đời ấy chỉ vỏn vẹn khoảng mươi, mười hai tháng, tôi không nhớ rõ ngày bắt đầu cũng như lý do chấm dứt.
Những chuyện cá nhân tôi, thật không có gì quan trọng : họ, những cô gái trong lực lượng lao động của một trung tâm sản xuất điện toán cho nước Mỹ, ở San Jose này mới đáng tôi ghi nhớ. Không ai viết về họ cả. Thống kê về họ không rõ ràng : Bao nhiêu người ? Học lực ? Tuổi tác ?... Cái ngày tôi bước vào làm hãng Điện tử ở gần Milpitas _ do một người bạn gửi gấm (những gì tôi không rõ, sau một chuyến phiêu lưu vặt từ Santa Ana đi San Jose), tôi được thu nhận vào làm chức thợ ráp nối điện tử, cấp thấp nhất : Assembly. *** Căn phòng làm việc lớn, chứa được hàng chục cái máy hấp, máy hàn, máy rửa "BO" điện tử.

Các từ chuyên môn, tôi xin miễn nói tiếng nhà nghề ở đây. Đại khái như Set-up, Surface-Mount... là từ chỉ cách chạy máy, đặt những con "chip" sao cho đúng chỗ, sao cho đúng vị trí ngược xuôi, cho vừa nhiệt độ v.v...
Có khoảng hai chục nhân viên trong cùng phiên làm của tôi, quá bán là nữ giới. Nữ giới ở đây là lực lượng thầm lặng, kiên nhẫn, xốc vác nhất... mà hầu như, có lẽ chưa ai viết về họ. Những ngày đầu tôi làm việc, tôi yên lặng, chỉ làm những
việc vặt, như ráp ốc, tháo thùng chứa "BO", đọc số thứ tự của ký mã trong đơn đặt hàng. Những người con gái làm đồng hạng, tươi cười chào tôi.
Họ lễ phép. Thanh niên cũng vậy, đều lễ phép lạ lùng. Họ đối với tôi đều gọi chú, xưng con. Không khí những ngày đầu tiên tôi vào làm, trong sở như có lúc chậm lại. Nhớ lại, ra họ thầm lặng quan sát tôi. Chưa đầy một tuần, một cháu gái lại bàn làm việc của tôi hỏi han. Nào từ đâu đến, có gia đình chưa, nhà ở đâu. Tôi trả lời cầm chừng. Tôi ăn cơm, cùng buồng ăn với họ. Giờ giải lao, họ nói chuyện bắt đầu ríu rít. Những thanh niên bàn về xe cộ hoặc thời sự.
Đây là những người mới qua, hoặc ở Mỹ hơn mươi năm. Họ ít đọc báo chí Việt ngữ. Dĩ nhiên không đọc báo địa phương tiếng Mỹ. Phát biểu của họ không dính dáng gì tới nhận định của các tư tưởng gia viết báo bình luận thời sự Việt ngữ. Còn nữ giới lại lạ lùng hơn, đối với tôi. Trong giờ ăn hay ngay cả giờ làm việc, các cô gái san sẻ cho nhau bánh trái, canh, thịt, hoa quả. Ngôn ngữ họ khác hẳn như tôi mường tượng, cái mường tượng của ngôn ngữ hoặc trong tiểu thuyết, hoặc trong quá khứ riêng tôi từ mấy chục năm trước, vốn chỉ trong ký ức. Một cô chân thành tâm sự, “ Hồi mới Giải phóng, nhà cháu nghèo lắm, lắm khi không đủ no... Bây giờ đỡ hơn rồi, mà cháu chẳng quen thằng nào để lấy ”. “ Sao thế ? ” “ Chú tính, cháu đi làm suốt ngày, đi chợ cũng thấy mệt. Thì giờ đâu mà quen ai. Chắc cháu ế. ” Có thanh niên nhà ở Đập Đá, B•i Bảy... những địa danh tôi chưa bao giờ đặt chân đến. Những mảnh đời tôi chưa từng được nghe. Họ kể cho tôi nghe chuyện vuợt biên, chuyện làm ăn mánh mung. Và các nỗi nhớ nhà (Việt Nam của họ). Một không khí tươi vui _ nửa học đường ngây thơ nghịch ngợm chòng chọi lẫn nhau, vừa khôn ngoan tính toán chuyện chồng con, bồ bịch _ bắt đầu hiện ra dần dần, khi càng ngày chúng tôi càng thân nhau hơn. Con người lạ mặt là tôi (sao qua Mỹ lâu rồi mà chú đi xe cũ thế), bắt đầu được họ cho gia nhập trong vòng thân hữu, sau hai ba tuần làm việc chung.

NGÂN và DUNG

Cô ta khoảng 35, 36 tuổi, đường nét thân hình và sáng trí, tế nhị có thể không thua một hoa hậu nào. Khuyết điểm : Cô ta có một tội, là chuyên môn nói bậy làm tôi điếng người. Khi cần cô ta hát nhái bài BANG BANG (khi xưa ta lấy cao su, ta bắn con cu... Béng ! beng ! ) Bị tôi lườm cho một trận, cô mở to mắt, “ Cháu hát cho đỡ buồn, cháu đâu có làm thật ? ”
Tôi bảo, “ Cô... cô rất là xinh, sao cứ nói bậy ? ”
“ Cháu còn bé thì mới làm vậy. Nay cháu lớn rồi. Cháu...”
“ Sao ? Cô mà không nói bậy tôi làm mối cho...”
“ Dạ. Cháu mà có con cu thì cháu cưng lắm.
Cháu không có lấy súng cao su bắn nó đâu...”

Chưa hết lời là tiếng cười phá lên xung quanh.
Toàn là tiếng cười con gái. Hôm trước Giáng Sinh, công ty có xổ số. Ngân trúng một chiếc TV to tướng. Cô có ý nhờ tôi chở về giùm. Xe cô ta hẹp 4 cửa hông, không cho TV vừa. Tôi mở cái cửa sau xe của tôi đàng đuôi thì cái TV to vào được. Chỗ ở cô ta cách nhà trọ của tôi hai phút lái xe, tôi không nề hà. Tôi khiêng TV vào. Cô rót nước. Chuyện trò giời ơi một hồi, tôi ra về. Hôm sau vào sở, không khí căng thẳng. Một cháu gái khác lại bàn tôi, nghiêm nghị hỏi chuyện hai chú cháu khiêng TV về hôm qua. Tôi bảo, không có gì lạ. Không biết Ngân kể làm sao, từ lúc vào phòng làm việc, các cháu gái tôi mặt nặng như chì. Chúng không vui vẻ lại chia kẹo cho tôi như mọi bữa. Kêu Dung, một cháu gái tín cẩn ra, tôi hỏi đầu đuôi. Dung bảo, “ Sao chú dắt chị Ngân vào MOTEL ? ” “ Cái gì ? Hai người đi hai xe, chú chở giùm rồi chú về nhà ăn cơm mà.” “ Trước khu nhà chị Ngân, có cái MOTEL. Đúng không ? ” Dung nhìn mắt tôi. “ Đúng. Nhưng làm sao lại hỏi chú ? ” “ Chị Ngân bảo chú chạy sau, đến gần nhà chị ấy, chú quẹo vào MOTEL.” “ Bậy.” “ Chú chở thẳng chiếc TV vào MOTEL. Chị ấy bảo, chị ấy sợ mất TV, phải lái xe vào theo”. Dung nói tiếp, rành rẽ, chậm rãi, “ Chú thuê phòng, rồi hai người... ở trong ấy nửa giờ ”. Rồi thở dài, “ Chị ấy kể thế.” Tôi nhìn sang phía Ngân. Cô này chăm chú làm việc. Tôi chống nạnh, nhìn chòng chọc. Mặt Dung quan trọng, giọng trầm hẳn. “ Chỉ vì tiếc cái TV, chị Ngân đành phải lái xe vào MOTEL với chú ”. Tôi vừa muốn phì cười, vừa muốn điên lên. Nhiều tiếng cười rúc rích.
Bàn làm việc có cô cháu thủ phạm đặt điều đang ngồi, làm như điếc. Tôi lại gần. “ Cô Ngân. Tôi nghe người ta nói là tôi...” “ Cháu giỡn mà.” “ Nói thật là... Thôi được lắm. Cô hết chuyện giỡn rồi.” Tôi làm bộ buồn rầu, “ Mà giả sử, có người nào muốn lấy tôi, họ vào đây điều tra tôi, giả như nghe chuyện cô đặt điều, có phải cô giết tôi...” “ Người ta không ai tin con hết. Chú đừng lo.” Ngân nhe hàm răng đều như bắp, cười.

TRÚC và LOAN

Trúc, một cháu khác, gần ba mươi, chưa có chồng, hay buộc tóc đuôi ngựa, ghé ngang bảo, “ Chị Ngân, chuyện đã thế rồi, chị sao lại còn xưng con với chú ? ” Ngân lảnh lót chen vào, mắt tròn xoe, “ Ban ngày thì chú chú-chú, con-con-con. Ban đêm thì em, em, em...” Tôi đi về chỗ làm. Lát sau... Trúc kêu tôi ra, bảo, “ Chú xem hình đám cưới bạn cháu nè.”
Một lô các cháu tôi chụm đầu vào nhau. Giờ làm việc, họ coi như không. Các nhân viên đốc công đành lờ họ. Đây là những người làm việc thâm niên, quen việc, đoàn kết và giỏi việc. Một cháu gái bỏ đi, “ Tao cóc có thèm xem.
Đám cưới nhà giàu, không xem.”
Tôi giật mình, quả thật những người này, mỗi người đều có ý tưởng và bản sắc riêng họ.
Tôi đùa, “ Đứa nào ngoan, chú làm mai. Cháu chú nhiều đứa kỹ sư đàng hoàng.”
“ Không cần kỹ sư. Cháu chỉ cần thương cháu thôi.”
“ Thế nào là thương cháu ? ” Con bé xinh và ít nói nhất tên Loan, lên tiếng, “ Thương cháu là lấy cháu về, phải cho cháu nằm trên.”

Thủa mới lớn 30 năm trước của tôi, cũng ăn nói bặm trợn, lại là con trai, nhưng chưa bao giờ tôi nghe những câu phát biểu thế này. Phải chăng thời thế đổi thay ? Các cháu tôi biết tôi còn lớn tuổi hơn bố mẹ chúng, nhưng thời này không phải thời xưa. Người ta đòi giải phóng phụ nữ.
Nhưng sao tôi vẫn không hoà được với những thực tế này. Những thực tế mà,
“ Chú ơi, hôm qua tụi cháu xem phim nghèo ! ”
“ Hả. Phim gì ? ”
“ Phim nghèo đó. Phim không có áo quần.”
Tôi hiểu ra, các cháu tôi cũng biết cả phim XXX.
Sao không ? Mỗi khi nghe đến đây, tôi bỏ đi. Nhiều khi mỉm cười một mình, không dám cho các cháu biết tôi hiểu họ nói gì, khi đề tài có vẻ vượt quá giới hạn đối với tôi, tôi tránh tham gia, không muốn tiếp tục đề tài.

Nhưng trong lòng, cũng có lúc tôi băn khoăn. Hay tôi đạo đức giả ? Đây là một không khí kỳ lạ. Mỗi lần vẫn nghe họ xưng hô lễ phép, vẫn nghe họ tinh tế giao thiệp với nhau, vẫn những ân cần, thân tình và có buồn bã đâu đó.
“ Chú ơi, cháu cứ làm hoài ở đây chắc cháu chẳng quen thằng nào. Chắc cháu ế quá.”
Tôi bảo, “ Sao không đi chơi ? Cứ ở nhà làm gì ? ”
“ Đi làm về là hết giờ, ”
Loan thở dài, “ nhà cũng chẳng biết đi đâu, có khi đến sở lại vui.”

Các cháu tôi đều ăn trắng mặc trơn, đều ngồi phòng lạnh, đều tươi mát vui vẻ, da dẻ hồng hào... đang thuộc về một lực lượng điện tử cốt lõi nhất cho xứ San Jose này, xứ sản xuất đồ dùng điện tử nổi danh thế giới. Họ có bao nhiêu người ?
10 ngàn hay 30 ngàn ? Quả thật đây mới là thành phần lao động nòng cốt của thung lũng điện tử. Nhưng không ai học xong trung học, vậy mà việc khó đến đâu _ tôi không hiểu, và có lẽ chả bao giờ làm nổi _ họ vẫn làm xong.
(Có lần một cháu trai nhìn vào màn hình điện toán, hỏi, Iu-ét-Ê ‘USA’ thì cháu biết rồi ! Còn Iu-ét-E ‘Use’ là gì chú ?)
Thường đa số chỉ ở trình độ Việt Nam ở lớp 7 lớp 8. Nay họ học hỏi lẫn nhau, mò mẫm đo đạc set-up, hoặc đang chạy máy điều khiển sản xuất điện tử. Họ may mắn hay hẩm hiu ?
May mắn sao có những buổi có đứa ngồi bãi đậu xe một mình, nét mặt buồn buồn kêu nhớ Tết Việt Nam ? Có đứa bảo đi làm về thì chỉ biết ngủ, cuối tuần nếu không làm giờ phụ trội, chỉ biết đi lễ ?

THỦY và TRÂN

Những ngón tay thoăn thoắt sử dụng dụng cụ điện tử, những trí khôn tính toán theo trực giác, vì không đọc được chữ Mỹ, nhưng cái gì họ cũng làm trọn. Những cái miệng xinh xắn sẵn sàng nói bặm trợn. “ Thuận tay trái là hay nói bậy lắm đây ! ” Vừa nghe tôi vui vẻ chê trách, Trân, một cháu gái 26 tuổi, trả lời lập tức, “ Chú à, thuận tay trái, bóp dái không đau.” Những câu nói đùa tàn nhẫn sống sượng, chứa ẩn ý tâm lý gì ? Họ giải thích ngay, “ Chú à, tụi cháu nói đùa cho qua thời giờ. Tụi cháu không hỗn đâu ”. “ Chị Thủy à,” một thanh niên đồng sở bảo, “ Đừng nói bậy cho chú nghe. Tối chú ngủ không được.”
Thủy chừng 30, thích ngồi một mình nghe nhạc, mủm mỉm bảo,
“ Không ngủ được thì bụm lại.”
Thế là cả đám con gái bụm miệng lại... cười. Phải vậy, họ cứ đùa như thế. Họ ăn mặc đồ Mốt. Ví da cá sấu cả 5, 7 trăm đô-la. Cháu nào cũng xinh. Kiếm ra tiền nhưng hiếu thảo, đưa tiền góp với bố mẹ mua nhà. Nhưng không nghĩ xa hơn. Họ lập gia đình với ai ? Người trẻ nhất sấp sỉ 30.
Có người trên 40 tuổi. Thâm niên ? Thì có người đã trên 10 năm. Có người lương cao gấp đôi tôi. Những mảnh đời của tôi, lúc ở miền Nam, lúc về lại Sài gòn, lúc ở một nơi gọi là đỉnh nước Mỹ.
Tôi đã đánh bạn với người Da đen, Da đỏ. Những người cháu gái này tôi thân cận họ nhất. Trong sở, có những người Phi, người Tàu, người Mễ. Nhưng chỉ những người thợ Việt Nam này thông sáng, đùm bọc nhau và năng suất cao nhất.
Có lần, sắp giao hàng, một người gắn lộn một bộ phận quan trọng. Họ không ai bảo ai cùng ở lại làm suốt đêm cho xong việc.
Yêu mến, phì cười, kinh ngạc và biết ơn lòng lân mẫn của họ, nhưng tôi không biết nói sao để đáp được hết thân tình của họ, biết làm gì cho họ vui hơn. Rất nhiều khi, âm thầm tôi thấy cách xa họ, y như cách xa các người bạn đồng tuế với tôi, những người bạn mỗi người một nghề, những người bạn chỉ còn đi làm, không biết gì khác ngoài công việc, họp hành hội ái hữu, và lâu lâu lại nghe một bạn hữu lìa đời.
Các thế hệ cách nhau, gần nhau, chung một quá khứ hay không... nhưng cũng vẫn thấy cách xa nhau bao nhiêu. Cứ như mỗi người một mạch điện đời riêng. Mỗi mảnh đời, một con đường. Tôi có làm thử một hãng điện tử khác, được hơn một tuần. Lần sau, là một hãng có người đốc công là người Trung Đông. Toán làm việc, toàn những người gốc ấn, nhưng họ không nói tiếng Hindu với nhau, mà bằng tiếng Anh.
Không khí làm việc không thân ái, đoàn kết bằng. Hiệu năng cũng không bằng, vì không khí không tươi vui, tương trợ. Nhưng những người nhân công Việt Nam khéo tay, vui vẻ, tinh nhanh của San Jose này, thành quả sản xuất của họ thuộc về một thế giới khác. Thế giới ấy, họ không hiểu rõ : Những người hưởng thành quả do họ mang lại, những người như ông Bill Gates, hẳn họ không biết là ai.

Cuộc sống hiện tại chỉ cho họ được một nỗi vui vì họ làm việc, có lương tốt và được đùa cười trong chỗ làm việc với nhau _ cho qua thì giờ. Hôm tôi bước ra khỏi sở sau buổi làm cuối, tôi rảo bước, cố tình không lại chào từng đứa “ cháu ”, cứ lẳng lặng ra bãi đậu xe, lái một mạch về nhà.
Tôi đã ái ngại thế nào cũng có đứa, thương hại tôi nghỉ việc, có lẽ khóc cũng nên. Có thể họ đã quên tôi rồi, nhưng nay, chính tôi mới là người thương nhớ họ, những công nhân điện tử người Việt, bạn tôi, cùng sở làm hơn nửa năm trời. Những công nhân không biết có thật là tốt số, mà nếu có tình cờ gặp lại ngoài đường, tôi không biết cười nói gì với họ.

Vũ Huy Quang 8/99


             
 

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.