Viết về tác giả & tác phẩm
Những Bài viết về Vũ Hoàng Chương
TIỂU SỬ NHÀ THƠ HỌ VŨ THEO TỰ ĐIỂN BÁCH KHOA WIKIPEDIA:
Vũ Hoàng Chương, sinh ngày 5-5-1916, mất ngày 6-9-1976, là một nhà thơ nổi tiếng trong trào lưu thơ mới ở Việt Nam. Ông sinh tại Nam Định, nguyên quán tại làng Phù Ủng, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, nay là huyện Mỹ Hào tỉnh Hưng Yên. Thơ ông sang trọng, có dư vị hoài cổ, giàu chất nhạc, với nhiều sắc thái Đông phương.
Thuở nhỏ, ông theo học chữ Hán tại gia đình, học tiểu học tại Nam Định. Năm 1931 vào học trường Albert Sarraut ở Hà Nội, đậu Tú tài năm 1937. Năm 1938 ông vào Trường Luật nhưng chỉ được một năm thì bỏ đi làm Phó Kiểm soát Sở Hỏa xa Đông Dương, phụ trách đoạn đường Vinh - Na Sầm.
Năm 1941, ông bỏ Sở Hỏa xa, đi học Cử nhân toán tại Hà Nội, rồi lại bỏ dở để đi dạy ở Hải Phòng. Trong suốt thời gian này, ông không ngừng sáng tác thơ và kịch. Sau đó trở về Hà Nội lập Ban kịch Hà Nội cùng Chu Ngọc và Nguyễn Bính. Năm 1942 công diễn vở kịch thơ Vân muội tại Nhà Hát Lớn và gặp gỡ Đinh Thục Oanh, chị ruột nhà thơ Đinh Hùng, thành hôn năm 1944.
Sau cách mạng tháng Tám 1945, ông về Nam Định, diễn vở kịch thơ Lên đường của Hoàng Cầm. Kháng chiến toàn quốc nổ ra, đi tản cư cùng gia đình về Thái Bình, làm nghề dạy học. Đến 1950, gặp lúc quân Pháp càn đến, ruồng bắt cả nhà, hồi cư về Hà Nội, dạy toán rồi chuyển sang dạy văn và làm nghề này cho đến 1975.
Năm 1954, Vũ Hoàng Chương vào Sài Gòn, tiếp tục dạy học và sáng tác. Năm 1959 được giải thưởng toàn quốc của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa về tập thơ Hoa đăng. Trong năm này tham dự Hội nghị thi ca quốc tế tại Bỉ.
Năm 1964 tham dự Hội nghị Văn bút Á châu họp tại Bangkok. Năm sau, 1965 lại tham dự Hội nghị Văn bút quốc tế họp tại Bled, Nam Tư. Năm 1967, lại tham dự Hội nghị Văn bút quốc tế họp tại Abidjan, thủ đô Côte d’Ivoire. Niên khóa 1969-1973 làm Chủ tịch Trung tâm Văn bút Việt Nam thuộc Việt Nam Cộng Hòa. Năm 1972 đoạt giải thưởng văn chương toàn quốc của Việt Nam Cộng Hòa.
Ngày 13 tháng 4 năm 1976, bị chính quyền CS bắt tạm giam tại khám Chí Hòa. Bệnh nặng, đưa về nhà một thời gian ngắn thì mất ngày 6 tháng 9 năm 1976 tại Sài Gòn.
CÁC TÁC PHẨM TIÊU BIỂU
Về thơ:
Thơ say (1940), Mây (1943), Thơ lửa (cùng Đoàn Văn Cừ, 1948), Rừng phong (1954), Hoa đăng (1959), Tâm sự kẻ sang Tần (1961), Lửa từ bi (1963), Ta đợi em từ ba mươi năm (1970), Đời vắng em rồi say với ai (1971), Chúng ta mất hết chỉ còn nhau (1973)...
Về kịch thơ:
Trương Chi (1944), Vân muội (1944), Hồng diệp (1944).
PHÊ BÌNH CỦA HOÀI THANH – HOÀI CHÂN TRONG THI NHÂN VIỆT NAM:
“...Ý giả Vũ Hoàng Chương định nối cái nghiệp những thi hào xưa của Đông Á: cái nghiệp say. Người say đủ thứ: say rượu, say đàn, say ca, say tình đong đưa. Người lại còn “hơn” cổ nhân những thứ say mới nhập cảng: say thuốc phiện, say nhảy đầm. Bấy nhiêu say sưa đều nuôi bằng một say sưa to hơn mọi say sưa khác: say thơ.... Cái say sưa của Vũ Hoàng Chương là một thứ say sưa có chừng mực, say sưa mà không hẳn là trụy lạc, mặc dầu từ say sưa đến trụy lạc đường chẳng dài chi. Nhưng trụy lạc hay say sưa đều mang theo một niềm ngao ngán. Niềm ngao ngán ấy ta vốn đã gặp trong thơ xưa. Duy ở đây có cái vị chua chát, hằn học, và bi đát riêng...” (Hoài Thanh - Hoài Chân, Thi nhân Việt Nam, 1941)
Nhận xét trên đây của Hoài Thanh - Hoài Chân đúng hay sai, xin mời quý bạn xem phần trích trong hồi ký “Thầy Chương” của nhà văn Song Thao - cựu học sinh lớp Đệ Nhị ban Văn chương của GS Vũ Hoàng Chương niên khóa 1955-1956 tại trường Chu Văn An, Sài Gòn - viết trong website Song Thao.com và tập truyện ngắn “Chốn cũ” do nhà Nhân Ảnh xuất bản tại Canada năm 2006, quý bạn có thể tự giải đáp.
HỒI ỨC CỦA NHÀ VĂN SONG THAO:
- - Hồi ức về hình ảnh GS. Vũ Hoàng Chương:
“...Niên học 1955-1956 tôi học lớp Đệ Nhị ban Văn Chương tại trường Chu Văn An Saigon. Giáo sư môn Văn Chương Việt Nam là thi sĩ Vũ Hoàng Chương. Giờ Việt văn đầu niên học, chúng tôi hồi hộp chờ đợi xuất hiện bóng dáng “phong sương” của thi hào nổi tiếng họ Vũ. Nhưng người bước vào lớp chẳng như chúng tôi chờ đợi mà là một nhân vật ăn mặc chải chuốt như một chính khách. Không, phải nói như một nhà ngoại giao chuyên nghiệp mới đúng.
Áo sơ mi lụa màu mỡ gà. Quần nâu với hai đường li thẳng tắp. Giầy da nâu bóng loáng. Mũ phớt màu nâu nhạt. Và một chiếc cà vạt màu nâu hồng có điểm những nụ hoa nhỏ xíu màu hồng nhạt. Màu sắc từ trên xuống dưới ăn khớp với nhau một cách rất nghệ thuật. Như một bức họa. Chưa hết. Một chiếc kẹp cà vạt mạ vàng cùng với một cặp nút cài măng sét làm cho bộ quần áo thêm phần “vương giả”. Không phải chỉ trong buổi dạy “ra mắt” học sinh thầy Chương của chúng tôi mới diện như vậy. Trong suốt năm học lúc nào thầy cũng chải chuốt một cách lạ thường. Những ngày nóng bức nhất cũng không làm chiếc cà vạt rời khỏi cổ thầy. Những ngày se lạnh chỉ thêm dịp cho thầy đóng nguyên một bộ đồ lớn loại sang.
Phải công nhận là thầy Chương có “gu” ăn mặc. Màu sắc luôn luôn hài hòa mát dịu. Thầy nổi bật trong phòng giáo sư hồi đó với phong cách rất mực phong lưu. Luôn luôn từ tốn, lịch sự nhưng không mất đi vẻ thân mật đối với các giáo sư khác cũng như đối với học sinh. Nét phong lưu còn rõ ràng hơn khi thầy ngồi ngất ngưởng trên xích lô đạp tới trường. Thầy là giáo sư duy nhất tới dậy học bằng xích lô đạp hàng ngày...”.
- Hồi ức hiếm có: thầy Chương dạy thơ thầy Chương !
“...Chương trình Việt Văn lớp Đệ Nhị ban Văn Chương hồi đó, ngoài phần thơ văn thế kỷ 19, còn có phần thơ mới. Đây là phần lý thú nhất của cả thầy lẫn trò. Những nhà thơ trong thời kỳ này từ Xuân Diệu, Huy Cận, Thế Lữ đến Đinh Hùng, Anh Thơ, Vũ Đình Liên...đều là bạn hoặc những người thầy quen biết. Những bài giảng vì vậy đã vượt ra ngoài khuôn khổ một bài giảng giáo khoa. Những bài thơ trữ tình, diễm tuyệt đã tạo dịp cho thầy quay về với tuổi trẻ của thầy. Chúng tôi đã chứng kiến một thầy Chương sôi nổi, lãng mạn, tha thiết với thơ văn của bạn hữu. Những kỷ niệm tràn ứ trong thầy tỏa ra thành những lời giảng trau chuốt, mặn mà, đầy xúc cảm. Xuân Diệu không phải chỉ là một Xuân Diệu gói kín trong thơ mà là một Xuân Diệu cuồng nhiệt, vội vã, đam mê như đang đứng trước chúng tôi. Đinh Hùng cũng thoát ra ngoài những khuôn chữ để trở nên một con người sống động, tình tứ trong những lời nói đam mê xúc động của thầy. Và rồi những thơ của Thế Lữ, Văn Cao, Huy Cận...đều có xương, có thịt, có máu qua những lời giảng miên man đầy ắp hoài niệm của thầy.
Thầy đi quanh lớp bằng những bước chân nhẹ nhàng, đầu nghểnh cao, mắt xa vắng, giảng bài bằng cái giọng nhừa nhựa thanh thanh. Có những lúc mắt thầy như nhắm hẳn lại, đầu lắc lắc từng chặp. Những lúc đó thầy như thoát hồn bay về một trời thơ nào đó. Thầy say thơ. Thầy ngâm thơ như một người đồng thiếp. Như không còn thầy. Như không có trò. Như không phải là một lớp học. Chỉ có một cõi thơ lồng lộng bát ngát. Chúng tôi cũng thấm thơ. Vô cùng nồng nàn là những dòng thơ đất Việt. Chỉ có tiếng chuông báo hết giờ học mới có thể kéo thầy trò ra khỏi cơn mê văn chương.
Nhưng khi thầy Chương giảng thơ Vũ Hoàng Chương thì thầy lại có một phong thái khác hẳn. Có một cái gì sường sượng nơi thầy. Thầy như cố tách rời cái ông thi sĩ họ Vũ ra khỏi cái ông giáo sư họ Vũ đang đứng trước mặt chúng tôi. Để nói về cái ông thi sĩ họ Vũ thầy dùng ngôi thứ ba. Tác giả viết thế này, thi sĩ viết thế kia...làm như chẳng có gì dính dáng tới thầy cả. Sự “từ chối bản ngã” đó lúc đầu làm chúng tôi ngỡ ngàng nhưng khi quen rồi thì thấy có cái gì là lạ ngộ nghĩnh. In tuồng như thầy đang chơi trò trốn tìm với thi sĩ họ Vũ. Giọng thầy cố gắng làm như xa cách nhưng tâm hồn thầy như muốn trở lại với những giây phút cầm bút viết nên những vần điệu đang được giảng dậy. Thi tài của thầy đặt thầy vào một tình huống hơi éo le. Và thầy phải vất vả với sự chèo kéo của đôi bên.
Nhưng khi thầy ngâm thơ của thầy thì lại là chuyện khác. Giọng ngâm của thầy tha thiết hơn bao giờ hết. Hồn thơ năm cũ như vất vưởng trong giọng ngâm tạo nên niềm hứng khởi lạ lùng. Thầy trò như hòa tan trong nhạc điệu của thơ. Tôi còn nhớ mãi giọng say sưa cuồng nhiệt của thầy khi ngâm bài “Tối Tân Hôn” trong đó có những câu:
Gió bỗng đổi chiều trên táp xuống
Nặng trĩu hai vai nàng cố gượng
Thắt vòng tay ghì riết lưng ta
Nhưng luồng run chạy khắp thịt da ngà
Run vì sợ hay vì ngây ngất?
Ta chẳng biết nhưng rồi ta chóng mặt
Toàn thân lạnh ngắt!
Thuyền chìm sâu sâu mãi bể hư vô
Mà hương ngát đâu đây còn phảng phất
Mà bên tai đàn sáo vẫn mơ hồ...
...Hai xác thịt lẫn vào nhau mê mải
Chút thơ ngây còn lại cũng vừa chôn
Lúc tỉnh dậy bùn nhơ nơi hạ giới
Đã dâng lên ngập quá nửa linh hồn!
- Nhận xét của Hoài Chân- Hoài Thanh đúng hay sai?
Trong hồi ký “Thầy Chương”, nhà văn Song Thao ghi tiếp:
“...Vừa ngâm xong thầy nhỏ nhẹ “tự thú” là khi làm bài thơ này thi sĩ chưa hề biết đàn bà! Thỉnh thoảng thầy vẫn tiết lộ cho chúng tôi những điều bất ngờ như vậy. Một lần khác thầy ngâm bài thơ “Say đi em” vẽ ra một cách sống động khung cảnh một vũ trường:
...Bốn tường gương điên đảo bóng giai nhân
Lui đôi vai, tiến đôi chân
Riết đôi tay, ngả đôi thân
Sàn gỗ trơn chập chờn như biển gió,
Không biết nữa, màu xanh hay sắc đỏ
Hãy thêm say, còn đó rượu chờ ta...
Nghe xong chúng tôi nghĩ thầy là một khách sành điệu rất từng trải trong chốn ăn chơi. Nhưng thầy thản nhiên “phụ đề”: khi làm bài thơ này tác giả không hề biết khiêu vũ!...”. (Song Thao, trong “Thầy Chương”).
Thưa quý bạn, khi làm bài thơ “Tối tân hôn”, nhà thơ Vũ Hoàng Chương chưa từng biết phụ nữ, và khi làm bài thơ “Say đi em”, ông không hề biết khiêu vũ, như vậy Hoài Thanh – Hoài Chân căn cứ vào hai bài thơ nói trên mà kết luận rằng ông là tay ăn chơi là sai bét lét! Nhưng nói cho cùng, nếu nhà văn Song Thao không ghi chép lại chắc chúng ta cũng lầm như vậy. Sau đây chúng ta sẽ còn nói đến những “khám phá mới” của một vài vị rất đáng tin cậy khác nữa.
NHIỆT TÌNH CỦA ÔNG TÔ VŨ:
Cách đây ít lâu, trên mạng Internet “congdongnguoiviet.fr” người ta đọc thấy bài viết của ông Tô Vũ. Cả bài tỏa ra một nhiệt tình hiếm có đối với nhà thơ họ Vũ và một nhân vật tên “Tố”, với mục đích cung cấp cho chúng ta những tài liệu có thể nói là cực kỳ lạ lùng của nhà văn Uyên Thao ở Seattle mà ông được đọc. Theo tôi nghĩ, ngoài ông Uyên Thao ra, không ai có đủ mức độ quen biết với gia đình nhân vật “Tố của Hoàng ơi” để tường thuật lại những điều mà nhiều chỗ khiến chúng ta kinh ngạc, trợn tròn mắt, không thể tin được đó là sự thực. Nhưng có một vị cũng quen biết với gia đình nhân vật Tố lại nói khác hẳn, điều đó chúng tôi sẽ trình bày sau. Sau đây là nhiệt tình của ông Tô Vũ, chúng tôi xin tóm tắt bài viết của ông:
“Người đọc thơ Vũ Hoàng Chương đều chú ý đến một nhân vật mà VHC gọi là Tố. Trong bài thơ ‘Mười Hai Tháng Sáu’, Vũ Hoàng Chương gọi Tố của Hoàng ơi ! Tố của Hoàng ơi hỡi nhớ thương! Tố của Hoàng ơi Tố của anh!...Người đọc có cảm tưởng VHC vừa khóc vừa gọi Tố.
Khi người ta thất tình, khi người yêu trẻ đẹp bỏ đi lấy chồng, nghe tiếng pháo nổ ran, nhìn người mình mơ ước lên xe hoa, mà từ bao tháng năm tưởng tượng đó là xe hoa chở mình và người người đẹp về sống bên nhau, trăm năm hạnh phúc, ai ngờ lại là xe hoa của người khác, chở tình địch, một tình địch chẳng hơn gì mình, nhưng được bố mẹ người đẹp chọn, vì bằng cấp, vì giàu có, vì đi học ở ngoại quốc về.
Vũ Hoàng Chương, con trai quan tri huyện, học trường Tây Albert Sarraut ở Hà Nội, một trong hai trường lycée lớn nhất Đông Dương thời bấy giờ, thập niên 30, đỗ bằng tú tài, (thời bấy giờ rất ít người có bằng tú tài, ngay cả ở bên Pháp cũng vậy), bấy giờ ở VN rất ít người được học trường Tây, nghĩa là học cùng trường với con các quan Tây; con nhà nghèo, bình dân, có giỏi cách mấy, có là thần đồng cũng chẳng mơ tưởng được vào học trường đó.
Vũ Hoàng Chương đỗ tú tài Tây, chỉ cần theo học trường Luật vài năm nữa là ra làm quan tri huyện, tri phủ, hoạn lộ thênh thang, tương lai huy hoàng xán lạn. Thế mà đi hỏi vợ, hỏi một cô con gái chàng mê mết từ 10 năm, con một nhà buôn gạo ở thành phố Nam Định, mà bị từ chối. Làm gì không bị ức, làm gì không bị đau, làm gì chẳng khóc lóc , chẳng kêu gào....”
“...Vũ Hoàng Chương khóc thổn thức trong hai bài thơ nói về nàng Tố: bài Mười Hai Tháng Sáu và Bài ca hoài Tố. Bốn lần VHC gọi tên Tố Trong bài Mười Hai Tháng Sáu:
Trăng của nhà ai trăng một phương
Nơi đây rượu đắng mưa đêm trường
Ờ đêm tháng sáu mười hai nhỉ
Tố của Hoàng ơi, hỡi nhớ thương!
Thôi thế là thôi là thế đó
Mười năm thôi thế mộng tan tành
Mười năm trăng cũ ai nguyền ước
Tố của Hoàng ơi Tố của anh!
Tháng sáu mười hai...từ đấy nhé
Chung đôi... từ đấy nhé, lìa đôi
Em xa lạ quá đâu còn phải
Tố của Hoàng xưa Tố của tôi !
Men khói đêm nay sầu dựng mộ
Bia đề tháng sáu ghi mười hai
Tình ta, ta tiếc, cuồng ta khóc
Tố của Hoàng nay Tố của ai ?...
“...Nhân vật Tố là nhân vật có thật, bằng xương bằng thịt, và mối hận tình của VHC là có thật, nhưng TỐ là ai thì không ai biết, ngoại trừ VHC và nàng Tố. Cũng có người thêu dệt Tố là Tố Loan, Tố Lan, Tố Tâm, đoán là tên một nhân vật giả tưởng nào đó. Nhưng cho đến lúc VHC chết thì chẳng có văn hữu thi hữu nào hỏi VHC Tố là ai, và chắc nếu có hỏi thì chuyện tình của tác giả từ hồi còn niên thiếu, tác giả cũng giấu kín trong lòng không nói ra, và bây giờ, nàng Tố cũng chẳng còn nữa và nếu có sống thì cũng chẳng còn son trẻ gì, cứ để cho nàng đẹp mãi trong ký ức với tên Tố của Hoàng.
“...Thế nhưng, có một nhà văn nổi tiếng đã viết những điều phát giác về Tố của Hoàng, mới viết gần đây thôi, trong năm 2007. Đó là nhà văn Thế Uyên mà Tô Vũ đã may mắn được đọc tác phẩm của ông viết về nàng Tố, một bài viết ngắn với tựa đề là Tố của VHC, do dược sư Trường Hà gửi đến cho TV. (Cảm ơn Trường Hà). Tô Vũ xin phép nhà văn Thế Uyên đưa bài viết của ông ra đây để cống hiến độc giả mạng congdongnguoiviet.fr một giai thoại văn chương kỳ thú viết về một thi sĩ có tên tuổi sáng chói trên văn đàn VN, thi sĩ Vũ Hoàng Chương.
“Trước 1975, nhà văn Thế Uyên đã xuất bản 21 tác phẩm ở trong nước. Sau khi học tập cải tạo về, ông định cư ở Hoa Kỳ, tiếp tục học lại, đậu bằng M.A, và tiếp tục viết. Những sách của ông xuất bản gần đây như : Sàigon sau 12 năm, Con đường qua mùa Đông, Nghĩ trong mùa Xuân, Tuyển tập truyện ngắn Thế Uyên, Khu Vườn Mùa Mưa, Những người Mỹ chung quanh chúng ta, v.v...
“ Tô Vũ rất thích thú được biết những điều bí mật mà Thế Uyên bật mí. Tô Vũ coi đó là một phát giác trong văn học sử, một tài liệu quý giá. Xin cảm ơn nhà văn Thế Uyên. Mong rằng quý độc giả hài lòng về câu chuyện hấp dẫn tuyệt hảo này, bây giờ xin mời quý vị nghe nhà văn lão thành Thế Uyên kể... “
NHỮNG PHÁT GIÁC CỦA NHÀ VĂN THẾ UYÊN VỀ NHÂN VẬT “TỐ“:
Bài viết của nhà văn Thế Uyên gồm 10 trang giấy A4. Vì khuôn khổ tờ báo có hạn, chúng tôi mạn phép rút ngắn nhưng vẫn giữ nguyên các chi tiết cần thiết cũng như văn phong và cách diễn đạt của tác giả. Nếu quý bạn muốn đọc nguyên bản, có thể tìm thấy trong Website congdongnguoiviet.fr, cùng phần với bài của ông Tô Vũ.
Nàng Tố là ai ?
Ngày xưa, chuyện xẩy ra từ đầu thế kỷ 20, trong cái tạm là “ngày xưa” ấy có một ông cự phú làm giàu nhờ buôn bán thóc lúa vùng châu thổ sông Hồng, ở trong một dinh cơ đường Bến Thóc tại thành phố Nam Định. Ông lấy nhiều vợ, bà vợ đầu sinh ba cô con gái, cô út nổi tiếng xinh đẹp nhất thành phố, sau này trở thành nàng Tố của Vũ Hoàng Chương.
Ở cùng đường Bến Thóc có một chàng bạch diện thư sinh — tôi không dùng sáo ngữ, vì chàng này có bộ mặt trắng thật sự, trắng đến nỗi như có thêm sắc xanh lợt — tên là Vũ Hoàng Chương, con một ông tri huyện, gia tư cũng khá, vào loại bậc trung. Tôi không bịa chút nào về cái “bạch diện” của chàng vì đã từng là học trò môn Văn lớp đệ nhị (lớp 11) của nhà giáo Vũ Hoàng Chương. Bản thân người viết cũng là một nhà giáo dạy Văn xuyên nhiều chế độ, nhưng khả năng tả người thì loàng xoàng thôi, nên nhường mục tả ông thầy thi sĩ không giống ai này cho nhà văn Song Thao, cũng từng là học trò cũ của Vũ Hoàng Chương. (Xin xem Song Thao, “Thầy Chương”, Thế Kỷ 21, số 213, tháng 1 năm 07, tr. 37).
Chàng thư sinh mặt trắng với nàng Tố xinh đẹp không xa lạ gì với nhau, dù không phải là hàng xóm sát vách nhưng ở khá gần nhau, có nhiều dịp nhìn thấy nhau.
Khi nàng đến tuổi dậy thì, chàng Vũ cũng đã lấy được bằng Tú tài. Thời đó, bằng cấp ấy bảo đảm dư nuôi vợ con thoải mái, chàng Vũ bèn trầu cau đi hỏi nàng Tố tuy mới 15, 16 tuổi nhưng nhan sắc. Bất ngờ ông bố nàng từ chối. Bà chị S. kể lại có lẽ là do tài chính: ông bố chê nhà trai hơi nghèo.
Thực ra, có lẽ ông đang chờ một mối được hơn chàng bạch diện thư sinh họ Vũ: đó là con trai dòng họ Trần, một họ lớn nhiều khoa bảng trong tỉnh. Chàng này vừa tốt nghiệp Polytechnique ở Pháp về, ngoại hình khác hẳn chàng Vũ: khỏe mạnh, nét mặt rất đàn ông. Vũ mảnh dẻ bao nhiêu Trần vạm vỡ, mạnh mẽ bấy nhiêu. Khỏi phải nói thêm, ông bố thuận gả cô con gái cưng cho họ Trần.
Đoàn xe rước dâu đông tới 30 xe hơi, và để lại trên vỉa hè xác pháo tươi hồng cùng vài chàng thất tình, trong đó có chàng Vũ. Nhưng khác với mọi chàng, chàng Vũ biết làm thơ từ nhỏ, bây giờ sự thất tình như một chất xúc tác kỳ diệu, làm cho chàng trở thành một thi sĩ lớn của Việt Nam.
Chàng than, chàng tiếc, chàng gọi tên “Tố” ầm ầm náo nhiệt trong thơ, ví dụ như bài “Tháng sáu mười hai”. Mười hai tháng sáu là ngày nàng lên xe hoa về nhà chồng: “Tố của Hoàng ơi Tố của Hoàng. Tố của Hoàng nay Tố của ai...”. Cần nói ngay là Tố không phải tên thật của nàng. Tên nàng cũng bắt đầu bằng chữ T, chàng Vũ phóng tác ra tên Tố để tha hồ réo gọi, khỏi lo bị kiện hoặc bị ông chồng to khỏe đến nhà hỏi thăm sức khỏe, và để cứ việc than thở: “Ta đợi em từ ba mươi năm, uổng hoa phong nhụy hoài trăng rằm...”.
Chàng họ Trần (tạm gọi là Trần Tú) và nàng (cứ kêu bằng tên Tố để khỏi làm phiền lòng con cháu ở quốc nội hay hải ngoại) đã mở đầu cuộc sống chung tốt đẹp. Chàng tuy đậu kỹ sư nhưng về một ngành chưa phát triển ở Việt Nam nên xuất chính và được người Pháp tin dùng, bổ nhiệm, lúc làm quan châu vùng thượng du, lúc làm tỉnh trưởng Hải Dương, có lúc làm Phó Thủ Hiến Bắc Việt, hoạn lộ có thể nói là hanh thông.
Trong khi đó chàng Vũ thất tình sâu đậm, bỏ cả học Đại học Hà Nội, gia nhập ngành Hỏa xa, xin một nhiệm sở xa nhất phía bắc là Lào Cai. Là thi sĩ thất tình, ở nơi biên giới ấy chàng làm rất nhiều thơ về nàng Tố và nỗi niềm thất tình của mình, những bài thơ đưa chàng đến chỗ danh tiếng. Nhưng phiền một nỗi nơi biên cương ấy nằm trên một trục lộ chuyển thuốc phiện từ Tam giác vàng vào Đông Dương thuộc Pháp, chưa kể nguồn sản xuất từ ngàn xưa trên các cao nguyên lớn nhỏ của Bắc Việt. Và hồi đó không hề có lệnh cấm hút thuốc phiện ở Việt Nam. Nằm cạnh ngọn đèn dầu lạc hít làn khói xanh vào phổi, nghe thân thể nhẹ dần như đi mây về gió, thi hứng, văn hứng dâng lên tràn trề. Một người bình thường còn dễ mắc nghiện huống chi là một thi sĩ thất tình.
Do vậy Vũ Hoàng Chương trở thành nghiện lúc nào không hay. Người nghiện gầy đi dần dần, sợ nước, sợ tắm, quần áo dơ dáy, hôi hám... Nằm nhiều quá một bên, lâu dần dễ bẹp một bên tai nên có biệt danh “dân làng bẹp”. Bởi thế, những người nghiện có nghề nghiệp ngoài xã hội, khi ra ngoài thường thay quần áo mới, đẹp, đúng như nhà văn Song Thao đã mô tả tác phong của “thầy Chương”. Sau một thời kỳ nghiện ngập bệ rạc, trở về Hà Nội, gặp lại bà S. chị của nàng Tố, Vũ Hoàng Chương than: “Thân tôi ra thế này, tại Tố hết!”. Nghe kể lại, cô cháu sau này thành vợ người viết, đã “hứ” một tiếng, phản đối: “Đàn ông nghiện ngập là tại chính họ, đừng có đổ tại đàn bà!”. (Chú thích: xin lưu ý, vợ của nhà văn Thế Uyên là con gái bà S., gọi nàng Tố là dì ruột.- ĐD).
Trở lại cuộc sống của nàng Tố. Mặc dầu lấy chồng giàu có, bằng cấp cao, quan chức lớn, nhưng cuộc sống thầm kín của hai vợ chồng hình như có gì trục trặc. Không hiểu ông chồng có tính bạo dâm hay không nhưng một lần bà chị S. dẫn con gái đến thăm, cô em Tố vạch cho coi một vết thương do đầu thuốc lá cháy đỏ dí vào... Chưa hết, lại còn chuyện con cái, không hiểu thời kỳ làm quan ở thượng du, ông Trần Tú có lợi dụng quyền thế, áp bức con gái địa phương hay không song bà vợ trẻ cứ đêm trước nằm mơ thấy người đàn bà xõa tóc giành con với mình, thì đêm sau đứa con mới sinh chết. Cứ như thế tới bốn đứa con đầu. Riêng đứa thứ tư, Tố kể với bà chị: “Em giằng co với con mụ xõa tóc, không cho đụng tới con em. Vậy mà hôm sau, bồng con ngồi xe, gặp một tai nạn nhỏ, cả xe không ai làm sao, mỗi con em bồng trên tay bị va vào thành ghế, chết ”.
Vụ giựt lộn với người đàn bà xõa tóc trong mơ không cứu được đứa con mới sinh, nhưng kể từ đó Tố tiếp tục sanh con trai con gái bình thường.
Tuy nhiên, tới đây chưa hết sự trù ẻo đối với gia đình nàng Tố. Đứa con trai đầu gửi gia đình bà S. nuôi hộ cho dễ học, không biết có cảm tình quá mức với cô em họ xinh xắn mới lớn (sau này là vợ người viết) hay không, nhưng cả hai gia đình cùng đồng ý trả chàng thiếu niên về với bố mẹ. Được ít lâu, sau một buổi cãi lộn với bố, “chàng” tự tử chết.
“Tố của Hoàng” tại miền Nam
Năm 1954, khi đất nước chia đôi, ông Trần Tú rút khỏi hoạn lộ, nhận một chức giám đốc một trường chuyên môn ở Huế, sống cùng vợ con tại đó. Chúng tôi sống ở Sài Gòn, bởi vậy khi tôi làm rể gia tộc Nguyễn-huy, dù cô vợ trẻ kể nhiều chuyện, nhiều huyền thoại về gia đình “dì Tố” song tôi chỉ thực sự biết mặt ông Trần Tú khi ông vào Sài Gòn công tác. Thời gian này tôi đã là nhà văn và lính miền Nam, khi ngồi cạnh ông trong bữa cơm trưa, tôi rất ngạc nhiên, thú vị khi biết ông đã đọc khá nhiều văn tôi viết. Ông tán đồng quan niệm sống hùng sống mạnh, “làm trai thời loạn mà lui lủi trốn lính giữa chốn ông đi qua bà đi lại là quê, là xoàng xĩnh...” của tôi. Trước khi bắt tay từ giã, đột nhiên ông hỏi: “Cái thằng Vũ Hoàng Chương hiện nay ra sao?”, tôi khoát tay nhè nhẹ: “Vẫn dạy học đâu đó”. Chỉ một câu hỏi đó thôi tôi cũng đoán ông vẫn còn ấm ức cái thằng thi sĩ mang vợ mình ra làm đối tượng thất tình ồn ào cả nước.
Một lần vợ tôi kể con gái đầu lòng của cô chú Tú xinh và sexy lắm, có hai bình sữa bự như thế này này... Nàng để tay trước ngực diễn tả. Lời nói của vợ làm tôi tò mò, hơi háo hức nữa. Lần đi công tác ra Huế, mượn được chiếc xe jeep, tôi tà tà đi tìm nhà cô chú Tú (đến lúc ấy tôi vẫn chưa biết mặt cô Tú). Số tôi vô duyên với gái đẹp xứ Huế. Căn biệt thự hoàn toàn vắng lặng. Tôi lên tiếng nhưng không có ai trả lời. Tôi đợi thêm vài phút rồi ra về. Mặc dầu lúc đó đương là Công cán ủy viên một Bộ, tôi cũng không dám tiến vào sâu hơn. Nhà nhiều con gái đương thì, xinh đẹp, chưa kể bà mẹ nổi tiếng giai nhân một thời, lỡ có chuyện gì xảy ra, tôi dễ bị tình ngay lý gian, bể tiếng tăm mấy hồi.
Năm đó quân Mỹ kéo sang khá đông, việc thuê nhà ở Sài Gòn trở thành khó khăn. Tôi phải vất vả ghê lắm mới thuê được một căn nhà làm thêm ở cuối dẫy trong một cư xá. Hoàn toàn không biết gia đình chú Tú cô Tố cũng đã dọn từ ngoài Huế vào Sài Gòn, chú đã về hưu, thuê căn nhà hai tầng ở đầu dẫy đằng kia. Hai nhà cách nhau bằng một hẻm nhỏ dài.
Trong bữa ăn hàn huyên giữa hai gia đình, lần đầu tiên tôi biết mặt cô “Tố của Hoàng ơi” - cô gái của huyền thoại, của thi ca, của bao nhiêu câu thơ tuyệt vời của Vũ Hoàng Chương - “Ta đợi em từ ba mươi năm, uổng hoa phong nhụy hoài trăng rằm...”. Cô có đôi mắt đẹp, màu nâu, dịu dàng như mắt vợ tôi nhưng khác ở chỗ trong mắt có một nốt ruồi. Hai dì cháu có mắt đẹp và da trắng như nhau nhưng mắt cô buồn và mệt mỏi. Làm gái đẹp như thế trong bao nhiêu năm, lấy phải ông chồng hay ghen, lại có máu sa-đích nhập cảng từ Pháp về, hơi một chút là lôi vợ ra đánh, mắt vui sao được...
Nhìn lên bàn thờ nhà cô chú, tôi nhận thấy có một vật bất thường. Đó là một bức tượng bán thân bằng đồng đen, hình một cô gái Thái hay Mường Mán chi đó. Hỏi lai lịch, không ai trả lời, chỉ biết chú có nó lâu lắm rồi, thuyên chuyển đi đâu cũng mang theo và tỏ vẻ quý một cách đặc biệt. Tự bức tượng đồng đen đã mang một vẻ bí mật, óc tưởng tượng của tôi thêu dệt một sự tích ly kỳ, thân thể cô gái thiểu số trắng nõn nà bị treo lên xà nhà, miệng thốt ra những lời nguyền rủa không ai hiểu... Chú đã từng làm tri châu một miền thượng du Bắc Việt lúc trẻ, cái gì cũng có thể xảy ra trong một lúc say rượu cần hay rượu Cognac...
Kể những điều suy nghĩ loanh quanh nói trên cho người vợ vui tính nghe, vợ tôi ngẫm nghĩ một chút rồi thêm thắt: “Dám người đàn bà xõa tóc trong mơ đã hại bốn đứa con của cô Tố là cô gái trong tượng lắm...”.
Con gái cô Tố
Cô con gái đầu lòng của cô Tố dĩ nhiên được ông bố cưng đặc biệt, sự kiện đó cũng là bình thường, nhưng bà chị S, sau này là một cô giáo, chê cái lối cưng con: “Bố gì mà bế bổng con gái lên mà cắn vào chỗ đó...”. Tôi đã từng thấy các bà mẹ quê nghịch chim con hoặc để dỗ cho nó nín khóc, nhưng bố mà cắn lên mu con gái thì tôi đồng ý với bà S. là ít thấy. Cô Tố về sau sinh nhiều con nữa nhưng ông chồng ngắm nghía đứa nhỏ, thỉnh thoảng nổi cơn ghen, bảo sao nó giống “thằng này thằng nọ” bạn của chú, và dĩ nhiên cô lại lãnh một trận đòn ghen mới...
Cái chết của nàng “Tố”
Khi cô gái đầu lòng , tạm gọi tên là Nhất, yêu một sinh viên “quyết tử” của phong trào Phật giáo đấu tranh miền Trung (1963), lập tức sóng gió nổi lên trong gia đình, dĩ nhiên vì ông bố không chịu. Ông nói: “Thằng đó mà còn chui rào vào gặp con Nhất nữa, tao sẽ bắn bể sọ...” . Tôi hỏi Nhất khi cô đến thăm vợ chồng tôi ở Sài Gòn: “Thế cô cậu tính sao?”. Nhất cười ngỏn ngoẻn: “Thì em chui hàng rào ra chứ còn sao nữa! Hai đứa bàn tính bắt chước anh chị ở Sài Gòn, cứ có bầu đại đi là bố phải cho cưới.”
Mọi sự diễn ra đúng như vậy và đôi trẻ vào Sài Gon, thuê một căn nhà gỗ giản dị cuối cư xá để bà Tố dễ trông nom cháu. Như đã kể, Nhất khỏe mạnh và sexy, còn cậu Lực (không phải tên thật) đẹp trai như đa số con trai Huế, và cũng như không ít trai Huế, dưới khuôn mặt khôi ngô thường chứa đựng một tiềm năng bạo động câm nín, khi bùng nổ có thể giết người như không.
Lực đang có vấn đề của lớp trẻ - đi lính hay không đi lính. Cậu đem ra bàn với tôi. Tất nhiên tôi khuyên nên đi lính - lính bộ binh - đỡ mất công chạy chọt về những binh chủng có chữ thọ, yếu người đi. Tôi nói như đùa: “Chết cũng khó vì đạn tránh người. Như anh đấy, ra tiền tuyến rồi lại trở về nguyên vẹn với vợ, có sao đâu...”.
Không hiểu vợ chồng Lực bàn tính với nhau ra sao mà một buổi sáng, tôi gặp Lực mặc đồ sinh viên sĩ quan Cảnh sát của một học viện mới mở, trông có lẽ đẹp hơn đồ của sinh viên sĩ quan Thủ đức. Khi ngồi nhâm nhi ly cà phê đá, tôi nói với vợ: “Đang là sinh viên quyết tử chống chính quyền, nay sắp biến thành ông cảnh sát dã chiến mang lựu đạn cay và dùi cui đi dẹp biểu tình...”.
Có lẽ tôi cần nói rõ thêm về các gia đình, họ hàng cùng sống trong cái cư xá giữa lòng thành phố rộng lớn này. Vợ chồng Lực ở cuối cư xá. Gần giữa là gia đình cậu K., cậu của vợ tôi, một cấp tá quân đội miền Nam, rồi đến gia đình bà Tố. Đối xứng với gia đình bà là gia đình tôi.
Ngành Cảnh sát coi bộ lên lon hơi nhanh. Chẳng bao lâu Lực đã lên trung úy và thường tránh mặt, không giao thiệp với tôi. Nhưng tôi, dù hai tai lơ đãng cũng nghe biết là gia cảnh của Lực không mấy vui: Lực không hòa thuận với gia đình vợ, nhất là với bà mẹ vợ và đứa con trai lớn của bà.
Một buổi sáng, tôi đang ngồi đánh máy bài văn bỗng nghe tiếng chân chạy và tiếng cậu con trai kêu gào: “Thằng Lực bắn chết mẹ tôi rồi bà con ơi...”. Tôi ngạc nhiên chạy ra. Đứa con trai lớn của bà Tố nước mắt nước mũi đầm đìa, đang cố vùng vẫy khỏi tay một người đàn ông mà vừa thoáng trông tôi cũng biết ngay đó là một công an mặc thường phục. Tôi ra hiệu cho người công an buông cậu em họ bên vợ ra, rồi đi theo cậu ta đến nhà vợ chồng Lực, được cậu ta dẫn lên thẳng trên lầu.
Bà Tố nằm ngã ngửa bên cạnh một chiếc ghế đẩu bị đổ, hai mắt nhắm nghiền như ngủ. Một viên đạn xuyên qua cổ bà. Tôi biết bà đã chết. Còn Lực, hắn nằm ngoẹo đầu, dựa vào vách gỗ. Lực hai mắt đã nhắm nhưng còn ngáp ngáp vài cái cuối cùng, khẩu súng rouleau nằm lăn lóc cạnh tay. Tôi lấy một miếng vải lớn đậy lên cho bà Tố để chờ khám nghiệm. Vậy là xong điều cuối cùng tôi có thể làm cho bà.
Người đàn ông cứng rắn
Nghe tiếng gắt gỏng ở ngoài hiên gỗ, tôi bước ra. Cô con gái út đang ngồi bệt xuống sàn mà khóc. Còn cậu con trai, người đã chạy đến nhà tôi định báo tin thì đang ôm thành lan can gào khóc giống cô em gái. Ông chú cũng đã có mặt ở đó. Ông đứng thẳng, vẫn cứng rắn như thường lệ, đang gắt gỏng, la mắng đứa con trai: “Sois un homme!” (Hãy xử sự như một người đàn ông!). Tôi biết đứa con trai không thể nào làm theo lời bố. Bởi vì tôi đã đọc ở đâu đó rằng những ông bố cứng rắn, áp chế, đánh đập con nhiều, những đứa trẻ lớn lên sẽ ít hi vọng bình thường, hoặc chúng trở thành sướt mướt, ủy mị, hoặc chúng lạnh lùng, tàn nhẫn, không biết thương xót người khác.
Tôi bước đến chỗ ông chú, bắt tay theo kiểu chia buồn giữa hai người đàn ông với nhau: một tay nắm chặt tay ông, một tay khe khẽ vỗ nhẹ lên cánh tay ông. Tôi không nói một lời nào hết, bởi vì tôi biết chú không thích sự an ủi như vậy. “Sois un homme, quoi!” (Hãy xử sự như một người đàn ông, có gì đâu!“ .
Tôi trở vào trong nhà, đi qua chỗ xác Lực, chậm rãi bước xuống chiếc cầu thang gỗ khá dốc.
Bên dưới, vợ tôi đang ngồi trên ghế cạnh một phụ nữ đứng tuổi, có lẽ bà con lối xóm đâu đây. Nàng đang đăm chiêu nhìn chiếc chậu nhôm ai đã lấy ra để hứng những giọt máu từ cổ cô ở bên trên sàn gác rỏ xuống. Không cần nhìn tôi cũng biết nàng đang khóc theo lối của nàng. Những giọt nước mắt lăn tròn trên má. Trong im lặng, tôi vòng tay kéo nàng đứng dậy: “Thôi mình về đi em, trước khi mọi người kéo tới...”. Nàng đang có con nhỏ, không nên ở lâu nơi máu me, chết chóc.
Người đàn ông sau ngôi mộ
Hôm đưa đám cô, tôi mặc áo sơ mi trắng và cổ đeo chiếc cà vạt thẫm màu nhất tìm ra được trong tủ áo, đầu cũng chít khăn trắng hàng cháu như Thi, vợ tôi, mặc dầu tục lệ không đòi hỏi cháu rể phải chít khăn tang.
Đưa đám xong, về đến nhà, nàng bảo tôi: “Hồi nãy ông Vũ Hoàng Chương có đến”. Tôi ngạc nhiên: “Thế hả, sao anh không thấy?”. Nàng nói: “Ông ấy đứng phía sau một ngôi mộ khá khuất, im lặng một mình, nét mặt buồn lắm. Em không nói cho anh biết vì sợ anh đến chào, chú trông thấy”. Một lần nữa người vợ bé nhỏ của tôi tỏ ra khôn ngoan và tế nhị hơn tôi. Chú mà biết “cái thằng Vũ Hoàng Chương” vẫn ám quẻ ông từ bao năm nay, bây giờ cũng đến đưa đám thì ông chịu sao nổi...
Kết cục của một tình yêu và bức tượng đồng đen đáng sợ...
Ngày hôm sau vợ chồng tôi cũng đi đám ma Lực ở một nghĩa trang khác. Sau đó không lâu lắm, chú cũng mất vì một tai nạn làm chú bị nhiễm trùng đường máu.
Tôi nhớ mang máng là hôm ấy tôi trùng giờ dạy học, không đi đưa đám được, nhưng nhớ rất rõ là sau khi chôn cất, người con trai của chú đến nhà và nói: “Bố dặn là tặng anh chị bức tượng đồng đen vẫn để trên bàn thờ”. Không cần phải hỏi ý kiến nhau, vợ chồng tôi đều khiêm tốn từ chối. Tôi tuổi Hợi, bạn bè thường nói đùa tôi cầm tinh con heo...rừng, bạ đâu cũng húc, nhưng còn lâu tôi mới thích rước về nhà một thứ đồ cổ như thế...
Sau đó một thời gian không đo lường được, vợ tôi một chiều nào đó nói các con chú có kể là sau cùng, có một ông cụ quần áo tươm tất, râu tóc như một người đời xưa, đến xin lại bức tượng đồng đen “đã gửi ở đây lâu rồi”. Các con của chú bèn trao liền tức thì.
Vũ Hoàng Chương
Cùng là những người viết sống cùng thời với nhau nhưng tôi ít thân với Vũ Hoàng Chương, vì lý do, như nhà văn Song Thao đã nói rõ, sự chênh lệch giữa hai thế hệ: thế hệ làm thầy và thế hệ làm trò.
Trong một chuyến lên thăm nuôi ở trại cải tạo trên rừng miền Nam, vợ tôi mang lên một tờ Tạp chí Văn Nghệ Hà Nội do thân nhân của nàng đem từ ngoài Bắc vào tặng, kèm theo câu nói: “Như thế này chắc anh ấy quét trại cải tạo quá...”.
Trong tờ tạp chí đó, có bài của Chế Lan Viên viết, nhằm mục đích phê phán và hạ bệ văn học miền Nam. Sau phần mở đầu, đến phần dẫn chứng, Chế Lan Viên đưa ra bốn người tiêu biểu: Vũ Hoàng Chương, Doãn Quốc Sĩ, Phan Nhật Nam, Thế Uyên, nếu không phản động thì cũng đồi trụy, có khi cả hai, “cách mạng” cần phục vụ đất nước bằng cách triệt tiêu ngay bọn tay sai CIA này. Kết quả là:
Doãn Quốc Sĩ. Sau 5 năm bị giam ở Pleiku, được tha về rồi bị bắt lại, tha ra bắt lại nhiều lần, sau cùng mới được sang Mỹ đoàn tụ với con trai ở Houston. Năm nay (2007), ông 84 tuổi. Trong bài văn của Chế Lan Viên có đoạn ghép Doãn Quốc Sĩ thêm tội bất hiếu, vì bố vợ là Tú Mỡ chết mà Doãn Quốc Sĩ không chịu đến đưa đám. Hồi gặp nhau ở Sài Gòn, tôi hỏi về việc kết án này, ông Doãn Quốc Sĩ cười: “Lúc ấy tôi đang bị nhốt mà, đi đâu được... Họ nói như thế đấy!”.
Phan Nhật Nam. Trong nhiều năm, tôi tưởng nhà văn gắn bó văn nghiệp mình với binh chủng Nhẩy dù quân đội miền Nam là người sẽ quét trại cải tạo, nhưng không phải: sau 15 năm, anh được tha về (người quét trại ở tới 18 năm). Gặp nhau ở Seattle, tôi hỏi: “Anh chỉ là đại úy, làm gì đến nỗi bị hành hạ dữ vậy?”. Cần giải thích thêm, trong 15 năm cải tạo, Phan Nhật Nam bị kiên giam tới 8 năm, nghĩa là bị nhốt một mình dưới hầm hoặc trong thùng conex tại một nơi riêng biệt, tay chân đều bị còng. Phan cười: “Tại tôi làm thơ. Càng nhốt càng làm, nhốt nữa làm nữa”. Tôi thở mạnh: “Phục ông bạn quá!”.
Thế Uyên. Lâu rồi tôi không nhớ nổi Chế Lan Viên đã đàn hặc tôi ra sao, nhưng trong bài báo thứ hai, do Lữ Phương viết, chỉ hài tội riêng về Thế Uyên, coi như tiêu biểu. Tôi nhớ câu chót đại khái như sau: “Tiếc thay một nhà văn có tài như thế, chỉ vì lầm đường lạc lối nên bị bánh xe lịch sử xô xuống vực thẳm không một đồng đô la dính túi” . Trong trại cải tạo, tôi thường đưa câu này ra để hi vọng Đảng Cộng Sản sẽ không cử tôi vào chân quét bất cứ trại cải tạo nào từ Hoàng Liên Sơn đến Cà Mau.
Vũ Hoàng Chương. Là người đầu tiên được nhắc tới trong bài đàn hặc của Chế Lan Viên. Không biết khi hạ bút viết những lời kết án, Chế Lan Viên có biết Vũ Hoang Chương đã bị bắt nhốt ở Chí Hòa, tuổi cao sức yếu, chịu không nổi lao tù nên ban quản lý trại cho về và đã chết ở nhà hay không? Vợ tôi báo tin đó ở ven rừng Ka-tum, tôi ngậm ngùi đôi chút, thế thôi. Phải đợi đến khi được tha về, tôi mới có dịp lên thăm mộ ông ở bên trái tượng Địa Tạng của Nghĩa trang Giác Minh, và kể từ đó mỗi khi trở lại thăm thân nhân ở nghĩa trang này, tôi luôn luôn dành nén hương chót cắm lên mộ Vũ Hoàng Chương. Khi nghĩa trang bị giải tỏa, tro tàn của ông được vợ con mang gửi ở một ngôi chùa nào đó.
Đôi khi chợt thoáng nhớ tới vài câu thơ của ông, tôi thấy chút khôi hài đâu đây, bởi ông bị chết vì những người xuất phát từ Hà Nội, nơi mà trong một phim ảnh thời kỳ ấy xưng tụng là “đỉnh cao trí tuệ nhân loại, trung tâm phẩm giá của loài người ”.
(Thế Uyên Seattle,
Tháng 2, 2007)
*
Quý bạn đã nghe tiếng chuông thứ nhất của nhà văn Thế Uyên cho biết về nhân vật “Tố của Hoàng ơi” và kết cuộc câu chuyện như thế nào. Sau đây là tiếng chuông thứ hai của bà Phạm Thị Nhung, cựu giáo sư trường Gia Long Sài Gòn – hiện nay đang ở bên Pháp – cung cấp cho chúng ta những sự thực có liên quan tới nhân vật Tố. Có thể nói hai tài liệu này có nhiều chỗ rất khác nhau, gần như hoàn toàn trái ngược, nhưng sự thật là chúng bổ sung cho nhau, giúp chúng ta hiểu biết vấn đề cặn kẽ hơn.
Bài của bà Phạm Thị Nhung gồm 47 trang giấy A4, vì vậy chúng tôi cũng mạn phép xin thu ngắn lại cho dễ đăng tải. Sau đây mời quý bàn xem xét.
Thiên tình sử của thi sĩ Vũ Hoàng Chương
GS. Phạm Thị Nhung
Tình yêu là một nguồn thi hứng vô tận của loài người. Chẳng thế mà ông cha chúng ta, từ thuở xa xưa, khi chưa có chữ viết đã biết bày tỏ tình yêu qua những câu ca dao truyền khẩu, tuy đơn sơ nhưng vô cùng thơ mộng và thắm thiết:
Một yêu là sự đã liều
Mưa mai cũng chịu, nắng chiều cũng cam
hay:
Tóc mai sợi vắn sợi dài,
Lấy nhau chẳng đặng, thương hoài ngàn năm
Riêng tình yêu của Vũ Hoàng Chương ở một trường hợp khác hẳn. Có thể nói đây là một thiên tình sử bất tuyệt, rất đỗi thơ mộng nhưng cũng rất đỗi bi thiết. Ông theo Tây học, chịu ảnh hưởng thơ văn lãng mạn Pháp là lẽ tự nhiên; nhưng ông còn là người có bản ngã nghệ sĩ Á Đông, giỏi Hán văn và chịu ảnh hưởng giáo dục nghiêm khắc của thân phụ, một nhà nho bảo thủ, đồng thời ông còn chịu ảnh hưởng của thân mẫu, một tiểu thư vốn dòng khuê các, hay chữ và giỏi đàn tranh.
Từ đó, Vũ Hoàng Chương mang tâm hồn của một nghệ sĩ đa tình, mẫn cảm, giàu trí tưởng tượng, tính tình thì hiền lành, tình nghĩa thủy chung. Tất cả những cái đó đã bồi đắp cho hồn thơ của Vũ Hoàng Chương thêm mặn nồng, thắm thiết.
Lúc này Vũ Hoàng Chương vừa 19 tuổi, đang theo học ban Tú tài Pháp tại trường Trung học Albert-Sarraut Hà Nội. Vào một chiều chủ nhật rảnh rỗi, Dương Tuệ, bạn học của Hoàng (trong thi ca Vũ Hoàng Chương thường tự xưng như thế) lại chơi và rủ chàng đi thăm Nguyễn Minh Ngãi, bạn chung của hai người, đang làm trợ giáo tại nhà bà Tư, dì của Tuệ, ở phố Cầu Gỗ.
Lần đầu tiên được quen biết gia đình ông bà Tư, Hoàng đã cảm thấy ngay cái không khí cởi mở, thân mật nơi đây mà đã từ lâu chàng thiếu thốn. Bốn cô cậu học trò của thầy Ngãi thật dễ thương, cô lớn nhất là Trần Tố Uyển được 14 tuổi, cùng cậu em, kém chị một tuổi, cả hai đang được thầy Ngãi luyện thi bằng Tiểu học. Ông Tư làm Tham biện nhà dây thép, bà Tư có cửa hàng buôn bán riêng; thấy Hoàng vừa là bạn học của cháu mình lại vừa là bạn của thầy giáo bày trẻ nên cũng có ý vị nể và tiếp đón ân cần. (Hoàn toàn khác với bản của nhà văn Thế Uyên.- ĐD).
Hoàng đang sống lẻ loi nơi nhà trọ thuê của người gác vườn Bách Thảo (gần trường Albert-Sarraut) trong khi gia đình chàng vẫn sống ở Nam Định, quê nhà; thân phụ chàng, ông Vũ Thiện Thuật, nhậm chức Tri huyện, còn mẹ chàng có cửa hàng buôn bán thóc gạo.
Từ mấy năm nay Hoàng đã có cái tâm trạng cô đơn, lạc lõng giữa cuộc đời. Còn gia đình thì cha chàng là một nhà nho nghiêm khắc, bấy lâu nay hai cha con đã có mối bất hòa về chuyện hôn nhân của chàng. Ông Tri huyện chỉ muốn sau khi Hoàng học xong sẽ đi hỏi cô con gái quan Bố chánh, bạn thiết của ông cho chàng.
Hoàng theo Tây học, tư tưởng tự do cá nhân, giải phóng tình cảm đã bén rễ trong tim óc chàng, làm sao chàng có thể nghe lời? Mỗi lần cha con nhắc đến chuyện này, sấm sét lại nổi lên.
Thế là trước sự trống rỗng của một cuộc đời không lý tưởng, trước sự chán chường của hoàn cảnh cá nhân và gia đình, Hoàng trở thành một con người mang tâm trạng bất mãn, cô đơn như một kẻ bị lạc lõng giữa cuộc đời:
Riêng tôi sống cuộc đời vô vị
Khắc nỗi buồn u uẩn từ lâu
...Ôm khối hận gia đình trĩu nặng
Tôi căm hờn, thù ghét hôn nhân
Giờ đây, mỗi khi Vũ Hoàng Chương thấy chán đời thì không khí vui vẻ, thân mật của gia đình ông bà Tư lại hiện ra và Hoàng lại muốn đến thăm thầy giáo Ngãi. Cô bé Tố hồi này đã đậu bằng Tiểu Học, nàng đã rời trường Ecole des Jeunes Filles Brieux (sau đổi thành Trường Tiểu Học Hàng Cót) để vào Trung học Sainte Marie.
Với sở trường về Anh văn, Hoàng nghiễm nhiên trở thành cố vấn đắc lực cho hai chị em Tố Uyển về môn sinh ngữ này trong những năm đầu bậc trung học, vì thầy Ngãi chỉ kèm cho chị em nàng về toán và Pháp văn. (Vậy tên thật của nàng Tố là Tố Uyển, nhà văn Thế Uyên chắc chắn biết nhưng không tiết lộ.- ĐD).
Cho đến một ngày kia, vì bận học, đã lâu Hoàng không lại thăm gia đình ông bà Tư, chàng bỗng cảm thấy nhớ nhung cô bé, con người có cái vẻ xinh xắn, kiều diễm tự nhiên.
Hoàng đã tìm được hương vị của cuộc đời, lòng chàng cảm thấy ngây ngất và dâng lên một niềm mơ ước thiết tha là sẽ được cùng ai chung sống trong hạnh phúc lứa đôi:
Cho đến lúc vì em tôi được
Thấy mùa xuân thoảng vị men say
Tôi khao khát rồi tôi mơ ước
Chén rượu tương lai hạnh phúc đầy
Nhưng khi ước muốn chung đôi vừa lóe lên trong tâm trí thì Hoàng ý thức ngay rằng đó quả là điều không nên thực hiện. Tại sao thế?Vì người yêu của chàng còn trong trắng và ngây thơ quá:
Ôi Kiều Thu hồn em trong sạch
Vui sống yêu đời tuổi trẻ thơ
Ham mê chúng bạn, mê đèn sách
Không chút mây buồn gợn giấc mơ
(Kiều Thu là tên chàng đặt cho người yêu)
Hoàng không hề có mặc cảm thấp kém. Chàng học giỏi, thông minh, chính gia đình Tố Uyển đã xác nhận điều này. Chàng đang theo học ban Tú tài Pháp ở trường Trung học Albert Sarraut, chàng đủ sức đỗ, và quả năm sau (1937) chàng đã lấy được bằng Tú tài Pháp ban toán; chàng cũng dư sức để giật lấy mảnh bằng Cử nhân Luật như ai nếu chàng muốn, để trở thành mẫu người ước mơ của xã hội thời ấy. Nhưng nếu thế Vũ Hoàng Chương đã chẳng còn là thi sĩ Vũ Hoàng Chương của chúng ta nữa. (Vậy VHC học về khoa học, không phải về văn chương.-ĐD).
Hoàng tự biết mình không thể nào trở thành một ông tri huyện đạo mạo, quyền thế, xét nét dân đen; chàng cũng không thể nào là một luật sư có tài hùng biện, xoay không thành có, cãi có thành không; chàng không thể là gì gì nữa trong cái xã hội đầy phiền toái này, có nghĩa là chàng sẽ không thể đem lại hạnh phúc cho người chàng yêu. Vì ý thức rõ rệt như thế nên Vũ Hoàng Chương đã quyết định rời Tố đi xa. Chàng chấp nhận mọi thiệt thòi để người yêu sau này sẽ được hưởng hạnh phúc trong cuộc đời của nàng.
Nhưng vừa rời Tố ra đi Hoàng đã rơi ngay vào cái tâm trạng bơ vơ, trôi giạt. Nói khác đi, chàng tự đầy ải mình trong kiếp đau thương của một kẻ đi đầy giữa cuộc đời.
Để chống chọi với nỗi nhớ nhung, đau thương của mình, Vũ Hoàng Chương đã tìm quên bằng mọi cách. Chàng đắm mình trong những cuộc ăn chơi trác táng, hết gái, lại đến thuốc phiện, chàng tự chôn vùi nhân phẩm để mong nàng sẽ khinh rẻ, hắt hủi; tự ái có bị tổn thương chàng mới có thể quên được nàng:
Anh lại muốn đắm mình trong trác táng
Giữa mê ly đầy xác thịt kiêu xa
Nhưng mỗi lúc đêm tàn trời hửng sáng
Anh khóc mùa trinh bạch sớm tiêu ma
Có ngờ đâu chính những kỷ niệm thơ mộng trong những ngày Hoàng được sống gần gũi bên người chàng yêu đã làm sống dậy tình yêu thuở ban đầu của chàng, và những hình ảnh ngây thơ trong sáng của nàng Tố vô tình trở thành chiếc phao cứu nạn, giúp chàng thoát khỏi sự sa lầy trong cuộc sống trụy lạc.
Những thú ăn chơi trác táng đã không thể giúp cho Vũ Hoàng Chương nguôi ngoai được nỗi đau khổ phải xa Tố, chàng bèn tìm quên trong kiếp sống giang hồ. Nhưng đi đâu? Hết Na Sầm rồi Thanh Hóa, Lạng Sơn ... nơi nào chàng cũng chỉ nhìn thấy ngoài trời một màu ảm đạm, còn trong lòng thì “nung nấu lòng dưa héo mòn”, chỉ vì:
Làm sao quên được tình ai
Chàng Lưu còn nẻo Thiên Thai còn tìm
Thế là nhà thơ của chúng ta đành xếp giáp tính chuyện quay về:
Có một mùa thu đẹp chẳng ngờ
Mây chiều giải lụa, sớm giăng tơ
Nắng thanh bình cũng vàng như bướm
Hoa cũng vàng như nguyệt trẻ thơ
Và giờ đây chuỗi ngày hạnh phúc của tình yêu lứa đôi mới thực sự bắt đầu. Đó là năm 1938, lúc này gia đình Tố đã rời phố Cầu Gỗ, dọn nhà về phố Kỳ Đồng (tức Capitaine Bruisseau). Hạnh phúc tràn đầy quá, Vũ Hoàng Chương đã phải thú nhận:
Bao nhiêu là chuyện thần tiên quá
Nhẩy múa thi trong giấc mộng đầu
Tình yêu của Vũ Hoàng Chương và Tố Uyển khởi đi từ lòng cảm mến hồn nhiên của tuổi trẻ, do hoàn cảnh thân cận tạo nên. Những bữa cơm thân mật trong gia đình. Những buổi đón nàng tan học. Những lúc trao thư... Trong thế giới tình cảm riêng của Hoàng và Tố, chàng cũng đang say sưa sáng tác không biết bao nhiêu vần thơ tình thắm thiết để tặng nàng:
Kiều Thu ơi thơ viết
Trăm nghìn vần cho em
Cũng chỉ là tiếng đập
Từ sâu thẳm trái tim
Dù thực hay mộng, ta thấy Vũ Hoàng Chương đã thực sự được sống những giây phút hạnh phúc nhất trong tình yêu lứa đôi của loài người. Này đây những lúc cùng sánh bước dạo phố. Này đây chuyến đi chơi Hải Dương. Này đây là chuyến du xuân. Đến vườn Bách Thảo, chàng reo khẽ:
Thượng uyển này riêng của chúng ta!
Đêm hôm ấy ra về, Vũ Hoàng Chương còn cảm thấy hồn mình ngây ngất:
Đưa em về phố tạm chia tay
Trở lại vườn khuya anh vẫn say
Trên đỉnh tình yêu hồn chót vót
Tha hồ cọp hú lộng hơi may
Thời gian êm trôi cho đến chuỗi ngày Tố Uyển sửa soạn đi thi Trung học. Mỗi chủ nhật thầy giáo Ngãi soạn đề thi thử về toán và Pháp văn thì Vũ Hoàng Chương cũng tất bật lo soạn đề thi thử về Anh văn cho hai chị em Tố.
Ngày Vũ Hoàng Chương đi xem bảng cho Tố Uyển cũng để lại một kỷ niệm đẹp khó quên trong lòng chàng. Thấy tên nàng đỗ, Vũ Hoàng Chương vui mừng khôn xiết vội phóng xe về nhà người yêu, chàng vừa thấy bà Tư đứng nơi cửa ra vào, dù chưa kịp gác xe vào vỉa hè, chàng đã vội rối rít báo tin vui: Tố đỗ rồi! -Tố đỗ rồi! Chàng reo to quá đến cả xóm đều nghe thấy.
Đó là giữa năm 1939, lúc này Tố Uyển đã được 18 tuổi, đang ở cái tuổi thanh xuân mơn mởn đào tơ của người con gái. Nàng đẹp nổi tiếng, trong tác phẩm “Những Khuôn Mặt Văn Nghệ Đi Qua Đời Tôi” xuất bản tại Mỹ, 1990, Tạ Tỵ cũng phải công nhận điều này.
Đây cũng là lúc đang có phong trào kén chồng theo quan điểm “phi cao đẳng bất thành phu phụ” của các cô gái gia thế Hà thành. Mấy cô bạn học của Tố hầu hết đã nhận trầu cau của các ông bác sĩ, luật sư đâu đấy cả rồi. Tố Uyển cũng có nhiều chàng trai danh giá rắp ranh bắn sẻ, và bà Tư rất hãnh diện về con gái. Nhưng vì đã có thiện cảm với Vũ Hoàng Chương, bà Tư còn biết nhà thơ yêu con gái mình tha thiết, bà thương nhà thơ hơn nữa ở điểm khi tiếp xúc với họ hàng nội ngoại của ông bà, Vũ Hoàng Chương đều thưa gửi cô, dì, chú, bác theo như chị em Tố, như chàng đã là người nhà của gia đình bà. Bà vẫn có ý tác thành cho đôi trẻ nên vợ nên chồng, vì bà đã dự tính, sau này gả con cho nhà thơ rồi bà sẽ cho “hai đứa” đi Pháp du học
Riêng Vũ Hoàng Chương, chàng cũng hiểu đã đến lúc phải về thưa chuyện với cha mẹ đem trầu cau đến xin Tố cho mình. Ngờ đâu giông bão đã xảy ra, ông bà Tri huyện giận Vũ Hoàng Chương không chịu đi hỏi con gái quan Bố chánh theo ý muốn của ông bà, nên đã thẳng tay gạt bỏ chuyện xin đi cầu hôn của con. Ông bà chê Tố là học trò trẻ con, lại theo Tây học nhăng nhít, không thể về làm dâu một gia đình nề nếp quan cách như gia đình ông bà; còn bà Tư, mẹ của Tố, là dân buôn bán, lại quá trẻ (mới có ba mươi tám tuổi), không xứng thông gia.
Bao nhiêu mộng ước đang đến hồi đẹp nhất, cao điểm nhất nay bỗng bị cha mẹ phản đối quyết liệt đã khiến Vũ Hoàng Chương choáng váng, đớn đau; chàng còn vô cùng khổ sở và ngượng ngùng khi nghĩ đến gia đình Tố Uyển, vì chàng biết giải thích ra sao? Biết nói gì bây giờ? Thế là chàng trốn luôn, không dám bén mảng đến nhà Tố nữa.
Duyên tình thì trắc trở lại không được gặp mặt người yêu, Vũ Hoàng Chương làm sao tránh khỏi buồn khổ. Chàng chỉ còn một cách là cố gắng tìm quên, và chàng đã tìm quên trong những thú say sưa:
Có ai say để quên sầu
Lòng ta lảo đảo càng sâu vết buồn
Lại nói về gia đình bà Tư, sau ngày Tố Uyển thi đỗ bằng Trung Học Đệ Nhất Cấp, gia đình ông bà Tư hơi lấy làm lạ vì không thấy Vũ Hoàng Chương lại chơi như trước, thời gian này kéo dài có đến cả nửa năm. Rồi một hôm cô Viên, em họ Vũ Hoàng Chương, đồng thời cũng là bạn của Tố lại chơi, cho biết tự sự. Gia đình bà Tư bị chạm tự ái nên rất bực mình, và được biết Vũ Hoàng Chương đã bỏ học đi làm Phó kiểm soát viên sở Hỏa Xa Đông Dương. Ít lâu sau lại thấy Hoàng thỉnh thoảng ghé thăm, biết Hoàng vẫn níu hy vọng, không muốn cắt đứt. Gia đình Tố tuy giận ông bà Tri huyện, nhưng nhìn thấy Hoàng thì lại thương nên có ý nấn ná đợi chờ. Trong thời gian này Vũ Hoàng Chương và Tố Uyển tuyệt nhiên không gặp nhau riêng lần nào.
Bà Tư đã có lần gọi Vũ Hoàng Chương ra nói chuyện, bà cho biết bà sẵn sàng gả Tố cho chàng, nhưng điều kiện tiên quyết là ông bà Tri huyện phải đến xin hỏi cưới đàng hoàng.
Lẽ tất nhiên là phải như vậy, vì ảnh hưởng Nho giáo còn nặng nề trong xã hội Việt Nam ta thuở ấy. Thế là vì danh giá gia đình, vì danh giá của Tố, ông bà Tư không thể chấp nhận gả con cho Vũ Hoàng Chương mà không có sự đồng ý của cha mẹ chàng.
Thấm thoát đã gần hai năm trôi qua, không thấy ông bà Tri huyện thăm viếng hay đánh tiếng gì, và những tháng sau cùng Vũ Hoàng Chương cũng bặt tăm luôn, ông bà Tư hiểu là chuyện chờ đợi không đi đến đâu, và cũng vì tự ái, ông bà bèn hết lời khuyên giải Tố để nàng hiểu rằng, nàng đã 20 tuổi rồi, đã đứng tuổi rồi, (thời đó con gái 20 tuổi đã cho là già, sắp ế chồng!), nay bao nhiêu người danh giá hỏi không nhận lời đi, đến khi quá lứa lỡ thì thì lấy ai được nữa! Và Vũ Hoàng Chương chắc cũng chẳng yêu tha thiết gì Tố, nếu không, chàng phải cố gắng học hành để tỏ ra xứng đáng với nàng chứ? Nhất là đã từ lâu Vũ Hoàng Chương chỉ thỉnh thoảng ghé thăm phất phơ chứ không tỏ ra tha thiết thân tình như xưa nữa.
Tố là gái mới lớn, thấy Vũ Hoàng Chương cũng xứng đáng, lại yêu mình tha thiết, làm bao nhiêu thơ ca tụng mình, bảo sao nàng không cảm động? Và Tố đã yêu lại Vũ Hoàng Chương, điều đó không thể phủ nhận, nhưng nàng tất nhiên không yêu say mê như chàng đã yêu nàng. Nay thấy chàng hờ hững, cha mẹ chàng lại chê nàng, không chịu đi hỏi, tự ái của một cô gái vừa đẹp, vừa học giỏi lại con nhà giàu bị quá tổn thương, làm sao nàng không buồn tủi? Nàng thương mẹ, biết mẹ lo lắng cho mình, nên cuối cùng nàng đã nghe lời, chấp nhận tìm hiểu ông Cương là người vừa đỗ Cử nhân Luật mà bà nội nàng đã có ý chọn cho.
Sau ba bốn lần gặp gỡ, Tố chưa yêu ông Cương nhưng cũng thấy chẳng có gì để phản đối, mẹ ông Cương lại thúc giục, thế là gia đình nàng cho tiến hành lễ chạm ngõ (khoảng tháng 3,1941).
Đúng một tháng sau, bà huyện, mẹ Vũ Hoàng Chương cùng với bà cụ mẹ chồng cô em gái ông huyện đến thăm ông bà Tư, ướm lời hỏi Tố cho Vũ Hoàng Chương, nếu bằng lòng thì nhà trai sẽ đưa lễ vật. Hỡi ơi, đến lúc ông bà huyện kịp nhìn thấu nỗi lòng của con, biết thương con thì đã muộn rồi, đã lỡ làng hết rồi.
Khi Vũ Hoàng Chương biết tin Tố Uyển đã nhận trầu cau của người khác thì quá thất vọng, lâu đài tình ái sụp đổ tan tành. Trước kia chỉ là sự cản trở của cha mẹ, chàng còn có thể thuyết phục, nay nàng đã nhận lời người ta thì vô phương rồi.
Cho đến ngày cưới Tố Uyển - ngày 12 tháng 6 năm Tân Tị (1941) - phải nói là tới ngày hôm đó nỗi đau thương bi phẫn của Vũ Hoàng Chương mới thực sự bùng nổ mãnh liệt, như vết thương mưng mủ lâu ngày nay bật vỡ, máu mủ tung tóe.
Là thế, là thôi, là thế đó
Mười năm thôi thế mộng tan tành!
Mười năm trăng cũ ai nguyền ước?
Tố của Hoàng ơi, Tố của anh!
Mất người yêu, cuộc đời Vũ Hoàng Chương chỉ còn là một màu ảm đạm thê lương với những đêm dài bất tận và mưa buồn da diết:
Trăng rụng nửa vời
Đêm mờ trọn kiếp
Lòng nhớ nhung bùng dậy mãnh liệt, chàng tha thiết mong gặp nàng, nhưng rồi lại băn khoăn:
Đường trần muôn vạn ngã ba
Nhớ nhung muốn gặp biết là có nên?
Trăm vạn lần là không nên, nàng đã là gái có chồng, mình chẳng nên quấy rầy hạnh phúc của nàng nữa. Nhưng tình cảm lại có những lý lẽ riêng của nó, thế là nhà thơ tình si đáng thương của chúng ta liền mò đến tận Quế Dương, thuộc tỉnh Bắc Ninh, nơi chồng Tố đang tại chức Tri huyện (khoảng những năm 1942 - 1943), không chỉ một lần mà nhà thơ đã mò đến đó nhiều lần, chàng thường đứng ở quán nước, gần dinh Tri huyện, hy vọng nàng Tố vô tình đi ra để chàng được nhìn lại nàng, người yêu “ngàn kiếp” của chàng. Chàng chỉ dám nhìn thôi, chứ nào có quấy rầy hạnh phúc của ai đâu.
Và chắc chắn ít nhất đã có một lần Vũ Hoàng Chương được toại nguyện. Hôm đó xe hơi chở Tố vừa vút ra khỏi dinh, tiến về Hà Nội, vô tình quay lại qua kính chiếu hậu, Tố Uyển nhìn thấy nhà thơ đang đứng ở đầu quán nước, ngơ ngẩn nhìn theo.
Nàng đã tâm sự với gia đình là không dám bảo tài xế ngừng lại vì sợ chồng nghi kị và thiên hạ dị nghị. Đó là lẽ tất nhiên, nhưng trong lời tâm sự ấy chẳng đã lộ ra một phần nào tình cảm của nàng đối với nhà thơ của chúng ta hay sao?
*
Năm 1954, khói lửa triền miên rồi biến cố chia đôi đất nước xẩy ra. Vũ Hoàng Chương theo đoàn người di cư vào Nam mà lòng không yên, chàng những thấp thỏm lo lắng cho hạnh phúc của người yêu.
Chúng ta hẳn còn nhớ sau khi bức màn sắt buông xuống, “Tấm thiếp giao tình Nam Bắc” với vài hàng chữ hỏi thăm sức khỏe được in sẵn cũng chỉ xuất hiện một thời gian ngắn, sau đó Nam Bắc hoàn toàn tuyệt đường liên lạc.
Khi tất cả loài người đang trong cơn tan hoang, mờ mịt của ngày tận thế, chàng sẽ mở mắt thật to để tìm nàng, dìu nàng đến một thế giới tinh khôi, nơi không còn một ai có thể tới quấy rầy mộng ước chung đôi của họ nữa:
Mơ hoa mộng gấm bừng tươi
Một hành tinh mới, hai người yêu xưa
Đó chính là một thứ hy vọng trong tuyệt vọng vậy. Bảy câu thơ trên trong bài Gấm Hoa được in trong tập Cành Mai Trắng Mộng của Vũ Hoàng Chương, xuất bản tại Saigon năm 1968, tôi đã thầm hỏi: - Phải chăng thi sĩ Vũ Hoàng Chương đã khép lại thiên tình sử của ông ở đây?
*
Cuộc hạnh ngộ giữa thi sĩ Vũ Hoàng Chương và chúng tôi đã xảy ra trong một trường hợp khá hi hữu. Chỉ có hai chữ hạnh ngộ mới diễn tả được hết ý nghĩa của cuộc gặp gỡ này.
Đó là một chiều tháng năm, cuối niên khóa 1971- 1972, tôi được cử đi chấm thi Khả Năng Sư Phạm tại một trường trung học bên Gia Định. Đây là một kỳ thi chỉ có tính cách hình thức, cốt để hợp thức hóa cho một số giáo sư Đệ Nhất Cấp dậy giờ muốn chính thức vào ngạch.
Hôm ấy tôi được chỉ định chấm thi cùng nhóm với thi sĩ Vũ Hoàng Chương, mỗi nhóm chỉ có hai giáo sư. Sự gặp gỡ này quả là một bất ngờ lý thú đối với tôi, vì tuy đã từng gặp nhà thơ khá nhiều lần trong các kỳ chấm thi Tú Tài và thi Văn Chương Phụ Nữ nhưng tôi chưa có cơ hội nào thuận tiện để làm quen. Tiếp đó, một bất ngờ thứ hai xẩy ra, lý thú không kém là chuyện anh chàng thí sinh hôm ấy lại chọn bài thơ Mười Hai Tháng Sáu của thi sĩ Vũ Hoàng Chương làm bài giảng thi.
Khi Vũ Hoàng Chương và tôi vào lớp, vừa ngồi yên chỗ nơi cuối phòng thì anh chàng thí sinh đến chào rồi đặt trên bàn chúng tôi bài thơ Mười Hai Tháng Sáu, đoạn quay lên bảng ngay để bắt đầu bài giảng thi, chứng tỏ anh ta không hề biết vị nam giám khảo của anh lại chính là tác giả bài thơ diễm tình đầy nước mắt kia.
Nhìn Vũ Hoàng Chương, tôi thấy nhà thơ có vẻ trầm tư. Vì tôn trọng sự im lặng đầy ý nghĩa này, tôi không dám gây một tiếng động, chỉ lắng nghe tiếng giảng bài của anh chàng thí sinh đang vang lên đều đều trong gian phòng vắng chỉ có ba chúng tôi ở đó. Cho tới khi anh ta giảng đến phần hình thức thì thi sĩ Vũ Hoàng Chương quay sang phía tôi nói khẽ:
- “Bà có thấy người ta nói hơi quá không?”
Tôi hiểu ý nhà thơ muốn nhắc tới chuyện người thí sinh đã mạt sát nàng Tố của ông hơi kỹ. Tôi gật đầu, mỉm cười nói: “Tại trong thơ ông có ý oán trách”, rồi tôi tiếp: “Có oan cho bà Tố Uyển”. Tôi thấy nhà thơ nhướng mắt nhìn tôi tỏ vẻ ngạc nhiên, vì sao tôi lại rõ tên người yêu của ông và lại đưa ra một nhận xét như thế. Tôi giải thích ngay, vì tình bạn thân thiết giữa cụ Tư và mẹ tôi nên tôi đã biết khá rõ về hoàn cảnh của bà Tố khi lấy chồng.
- “Bà Tố không phải là người tham đó bỏ đăng” - tôi đã nói với Vũ Hoàng Chương như thế, rồi giải thích thêm:
- “Bà Tố đã chờ đợi trong hai năm mà gia đình ông không tới hỏi. Hai bên thật sự cũng chưa có hẹn ước gì, bà Tố lấy quyền gì, lấy tư cách gì để chờ đợi? Nên sau phải nghe lời cha mẹ mà lấy chồng”.
Tôi không nhớ hôm đó Vũ Hoàng Chương đã nói những gì, cũng vì nhà thơ nói khẽ quá tôi nghe không rõ, chỉ biết rằng trước khi ra về, ông nhắc đi nhắc lại hai tiếng “cám ơn”, “cám ơn”. Từ đó về sau tôi không có dịp gặp lại thi sĩ Vũ Hoàng Chương nữa, rồi biến cố bảy mươi nhăm xảy ra, chúng tôi đi Pháp, câu chuyện tâm tình kia cũng rơi vào quên lãng.
Tình cờ một hôm tôi tới Thư Viện Diên Hồng, được đọc bài thơ Tố Của Hoàng Ơi trong thi tập Chúng Ta Mất Hết Chỉ Còn Nhau của thi sĩ Vũ Hoàng Chương, do Rừng Trúc xuất bản tại Paris năm 1974, có lời đề tựa của thi sĩ Thi Vũ. Bài thơ có ghi ngày sáng tác: 12 tháng 06 năm Nhâm Tý (1972). Nghĩa là chỉ sau buổi hạnh ngộ giữa thi sĩ Vũ Hoàng Chương và chúng tôi (phải kể cả vị thí sinh buổi đó nữa) có hai tháng.
Tôi vội vàng tìm hiểu ý thơ và sung sướng thấy rằng thi sĩ Vũ Hoàng Chương đã tìm được sự bình an cho tâm hồn, nếu không muốn nói một cách lạc quan là nhà thơ đã tìm lại được hạnh phúc tuyệt vời của tình yêu lứa đôi trong niềm tin yêu và hy vọng.
Ý kiến bạn đọc
Vui lòng
login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin
ghi danh.