Trần Huyền Trân
Trần Huyền Trân (1913 - 1989)
Vài nét tiểu sử:
Tên thật Trần Đình Kim, sinh ngày 13-9-1913, mất ngày 22-4-1989. Trần Huyền Trân đăng thơ từ 1939. Hơi thơ cổ kính, mực thước, cũng có một khí vị phiêu bạt và bi phẫn gần với Thâm Tâm và Nguyễn Bính giai đoạn thị thành đa đoan vó ngựa chung tình bánh xe). Ba người lập nên nhóm thơ được trong giới gọi là xóm áo bào gốc liễu do phong cách viết gợi hơi hướng các tráng sỹ không gặp thời trong truyện cổ. Trần Huyền Trân không bi phẫn bằng Thâm Tâm lại cũng không phóng túng như Nguyễn Bính, ông rõ hơn một khuynh hướng xã hội: tố cáo hiện thực bất công và khát khao một đổi thay. Không biết do khuynh ướng ấy mà ông đến với cách mạng khá sớm hay nhờ đến sớm với cách mạng mà thơ ông rõ khuynh hướng ấy. Trước cách mạng ông đã là thành viên hội Văn hóa cứu quốc, hoạt động bí mật, góp phần chuẩn bị tổng khởi nghĩa. Cách mạng thành công rồi kháng chiến chống Pháp, ông chuyển sang hoạt động sân khấu. Bài thơ Hải Phòng 19-11-1946 có thể coi là bài thơ khép lại sự nghiệp thơ Trần Huyền Trân. Sau này ông có viết cũng chỉ là động bút nhớ nghề, giá trị nghệ thuật không bằng trước. Cổ kính, gọn chắc, đôi chỗ gân guốc, nhưng bao giờ cũng đắm đuối trong tình cảm, tạo nên một chất say rất nghệ sỹ. Thể thơ hay dẫn Trần Huyền Trân đạt tới độ say ấy thường là thất ngôn và lục bát. Mỗi khi dùng chữ cổ đều rất khêu gợi. Khêu gợi một thời, một thuở, một dạng tâm trạng:
Tự cổ sầu chung kiếp xướng ca
Mênh mang trời đất vẫn không nhà
Người ơi mưa đấy hay xênh phách
Tay yếu gieo lòng xuống chiếu hoa
(Sầu chung)
Khêu gợi vì hình ảnh ước lệ mang hơi phiêu bạt nghệ sỹ giang hồ, vì âm điệu tề chỉnh, cân đối, vang và vọng. Đây cũng là một thế thuận để Trần Huyền Trân chuyển sang viết ca từ cho chèo, nhất là chèo ôm tích xưa. Và đấy cũng là lý do cho thấy giọng thơ Trần Huyền Trân, cả cảm và nghĩ, ít thích hợp với lối thơ hiện thực thời sự đương đại. Tạt sang sân khấu chèo là cách xử lý đúng của Trần Huyền Trân, nó hợp với tạng ông một thuở chinh phu/ một thời cán bộ/ ba lô thay yên ngựa sông hồ.
Lục bát Trần Huyền Trân rất nhiều tiểu đối. Với tương quan đối, ông càng tung hoành hơn trong việc dùng ước lệ, từ cổ, lời xưa, gợi dĩ vãng xa xôi lãng mạn:
Bóng trơ chuông đổ vây dồn
Tưởng người xưa vọng gọi hồn tịch liêu
Mắt ta ngó suốt chiều chiều
Bụi đời còn vẩn bao điều xót thương
Tiễn nhau bữa ấy đoạn trường
Nụ cười chưa nở bên đường đã rơi
(Chiều mưa xứ Bắc gửi người xứ Nam)
Trần Huyền Trân nhạy cảm với những tâm trạng chua xót, căm hận, với những cõi lòng đầy lý tưởng đẹp đẽ nhưng lại bị thực tại phũ phàng nghiền nát, khi ấy giọng thơ ông thâm trầm, xót xa, mỉa mai, bi hận, một giọng thơ đầy kịch tính bên trong của tâm hồn con người. Điển hình nhất cho loại này là bài Với Tản Đà:
Rót đi thôi, rót đi thôi
Rót cho tôi cả mấy mươi tuổi đầu
Nguồn đau cứ rót cho nhau
Thế mạnh của Trần Huyền Trân chính là diễn đạt tâm trạng. Ông nắm được thần thái tâm hồn và có cách tạo ấn tượng, đọc một lần người ta nhớ mãi.
Biết yêu thì khổ có thừa
Hình dung một thoáng, tương tư chín chiều
Xa nhau gió ít lạnh nhiều
Lửa khuya tàn chậm, mưa chiều đổ nhanh
(Tương tư)
Bài thơ Thưa bà, như để trả lời một bà hâm mộ mà không đồng điệu, viết từ 1938, cho thấy tâm trạng lẫn quan niệm thơ, quan niệm đời của tác giả:
Vị đời oan trái muốn điên.
Trần Huyền Trân tự vẽ tư thế tâm hồn mình:
Thuyền hồn chở một khoang không
Bao lâu dạt sóng trên dòng cô đơn
Kinh thành mây đỏ như son
Cái lồng eo hẹp giam con chim trời
Hoạt động sân khấu, Trần Huyền Trân mang theo chất thơ sang đó. Nhân vật của ông lãng mạn trong tính cách, bất ngờ trong hành động và thường giàu cảm xúc nội tâm. Lác đác trong các thập niên 60, 70, 80 ông có làm thơ, thì thơ lại giống ca từ của chèo, tự sự lớp lang và ước lệ cổ kính, người đọc như chỉ bắt gặp những mảnh hồi quang của giai đoạn 1946 ngược về trước.
Các tác phẩm:
- Sau ánh sáng (1940)
- Bóng người trên gác binh (1940)
- Tấm lòng người kỹ nữ (1941)
- Người ngàn thu cũ (1942)
- Phá xiềng
- 19-8
- Rau tần (1986)
- Chim lồng
- Lẽ sống
- Lên đường
- Tú Uyên Giáng Kiều
Nguồn internet