Văn Thiên Tường (文天祥, 6/6/1236-9/1/1283) là thừa tướng nhà Nam Tống, một thi sĩ nổi tiếng và là anh hùng dân tộc của Trung Quốc
Xuất thân:
Văn Thiên Tường ban đầu có tên Vân Tôn (雲孫), tự Thiên Tường (天祥), sau đổi thành Tống Thụy (宋瑞) và có tự là Lí Thiện (履善), hiệu Văn Sơn (文山). Ông xuất thân từ Cát Châu Lô Lăng (吉州廬陵), bây giờ là huyện Cát An, tỉnh Giang Tây). Lúc còn nhỏ, Văn Thiên Tường chăm học, đọc nhiều sách, ông thích nhất là những câu chuyện nói về "Trung thần nghĩa sĩ". Tư tưởng yêu nước đã ăn sâu vào tâm hồn ông. Năm 1253, đời vua Tống Lý Tông, Văn Thiên Tường 17 tuổi, tham gia kỳ thi Hương ở Lô Lăng, tên đậu đầu bảng. Lúc đứng trước tượng Âu Dương Tu, ông đã nói : "Sau này tôi chết đi, nếu không được như ông, mọi người tưởng nhớ, thì tôi không phải là bậc đại trượng phu".
Đường công danh:
Năm 1255, ông cùng em là Văn Bích tham gia kỳ thi Tiến sĩ và cả hai đều có tên trúng cử. Vào ngày công bố người trúng tuyển, Văn Thiên Tường đứng đầu trên 601 người đậu Tiến sỹ rồi ông được mang danh trạng nguyên, thì ông được tin cha chết. Hai anh em phải trở về quê hương khi chưa kịp nhận chức tước. Mãi đến năm 1259, Văn Thiên Tường mới được bổ nhiệm Công sự phán quan, một chức quan xử kiện. Khi quân nhà Nguyên tràn vào đất Tống, ông ứng "chiếu Cần Vương" dưới cờ vua Tống Cung Đế.
Năm 1275, ông được cử làm Hữu Thừa tướng, Khu mật sứ, Đô đốc thống quản quân mã. Vào tháng 8 năm đó, chẳng may Văn Thiên Tường bị thua trận ở Lô Lăng, may có người cứu thoát. Vợ là phu nhân Âu Dương, con trai thứ là Phật Sinh, hai con gái là Liễu Nương và Hoàn Nương đều bị quân Nguyên bắt giam. Công cuộc kháng chiến chống Nguyên không thành và ông bị quân Nguyên bắt đưa về Yên Kinh (Bắc Kinh ngày nay).
Năm 1278, mẹ ông và người con trai đầu mới 13 tuổi bị bệnh qua đời khiến ông vô cùng đau buồn. Triều đình phong cho ông làm Thiếu bảo, Tín Quốc công thi hành chủ trương tiến bộ. Trong thời gian ở Lâm An, tình thế quẫn bách, triều đình đã cử ông đến đại bản doanh Thừa tướng triều Nguyên là Bá Nhan đàm phán cầu hàng. Vua Nguyên thấy ông là người có tài và có khí tiết định giam giữ dụ hàng. Khi Bá Nhan lấy cái chết đe doạ, ông đã khảng khái nói :"Tôi hiện đang là Tể tướng triều Tống, chỉ lấy cái chết để đền nợ nước, nếu lấy gươm đao dọa nạt, chẳng làm gì được đâu". Bá Nhan đã giữ ông lại và quyết định giải ông về Đại Đô (nay là Bắc Kinh).
Tiết khí:
Vào cuối năm 1277, ông đã trốn thoát khi đang trên đường bị cưỡng bức lên phương Bắc ra mắt Nguyên Thế Tổ - Hốt Tất Liệt. Sau đó một thời gian, vào một buổi trưa tháng 12, Văn Thiên Tường đã xuất quân từ Hải Phong lên phía bắc, khi đi qua một quãng đường hẹp đã bị quân phục kích, rơi vào bẫy, không kịp trở tay và bị quân Nguyên bắt sống. Rút kinh nghiệm lần trước, lần này quân Nguyên canh phòng ông nghiêm mật. Nhiều lần Văn Thiên Tường đã tìm cách trốn nhưng vô hiệu.
Một thời gian sau, bị nhà Nguyên tấn công cả hai phía Nam và Bắc, nhà Tống đã bị thất thủ. Thừa tướng triều Tống Lục Tú Phu cõng vị hoàng đế hãy còn ít tuổi nhảy xuống biển tuẫn tiết. Chiến tranh kết thúc, quân Nguyên bày yến tiệc để mừng công, Văn Thiên Tường cũng được mời đến. Trương Huyền Phạm, đô đốc quân thủy nhà Nguyên đã nói với ông:
"Hiện nay, triều Tống đã mất, trung hiếu của ông cũng hết rồi. Thừa tướng có thể thay đổi ý kiến được không, làm việc cho triều Nguyên, mà Tể tướng triều Nguyên không phải là ông thì ai vào đó?"
Ông đã khảng khái trả lời:
"Nước mất không thể cứu được, làm quan đại thần thì tội quả đáng chết, lẽ nào còn tham sinh sợ chết, phản bội Tổ quốc được?"
Trên đường giải từ Quảng Châu lên Đại Đô, thời tiết khắc nghiệt, mưa gió tầm tã, Văn Tường bị xích giải đi. Ông đã từng tuyệt thực, nhịn đói, nhịn khát, muốn lấy cái chết để phản kháng, có lúc ông lại tìm cách trốn thoát, nhưng tất cả đều vô hiệu, vì quân Nguyên canh phòng nghiêm mật. Những lúc đó ông lại làm thơ gửi gắm tâm hồn, ý nguyện. Triều Nguyên muốn lợi dụng ông để lung lạc nhân tâm, hòa hoãn ý chí chống Nguyên của nhân dân Giang Nam nhưng vẫn không mua chuộc được ông. Triều Nguyên đã cho Lưu Mộng Viêm là Thừa tướng triều Tống đã hàng đến dụ hàng Văn Thiên Tường. Vừa trông thấy Lưu Mộng Viêm, Văn Thiên Tường lòng bốc giận, mắng rủa thậm tệ. Tiếp theo triều đình nhà Nguyên đưa Hoàng đế lưu vong của Nam Tống mới 9 tuổi đến khuyên ông đầu hàng. Văn Thiên Tường trông thấy vua cũ, tuy không thóa mạ, nhưng lạnh nhạt nói : "Xin thánh giá hồi cung".
Vào một ngày tháng 5, triều đình nhà Nguyên lại cho người dẫn Văn Bích, em trai ông đã đầu hàng giặc đến khuyên ông nên hàng, Văn Thiên Tường kiên quyết: "Anh em một người là tù, một người cưỡi ngựa, cùng cha mẹ nhưng không đội một trời". Năm 1283, ông bị đưa đến Kim Loan điện để gặp Hốt Tất Liệt. Ông đứng sừng sững, bị lính đánh đến gãy xương, vẫn không chịu quỳ. Hốt Tất Liệt đề nghị ông theo nhà Nguyên, sẽ phong ông làm Thừa tướng nhưng ông không chấp nhận. Triều đình nhà Nguyên dày vò thân xác ông nhưng không nổi, cuối cùng đã dùng mẹo "tình cốt nhục" buộc con gái ông là Liêu Nương hiện đang bị chúng bắt giữ viết thư cho ông. Đến lúc này ông mới biết khi thua trận vợ và con ông cũng bị bắt luôn.
Sau ba năm thấy không thể khuất phục được ông, vua Nguyên hết cách bèn đem ông giết nhưng vẫn khen là "chân nam tử". Ông chết lúc mới 47 tuổi.
Khi hậu táng Văn Thiên Tường, mọi người đã phát hiện có một tờ giấy quấn quanh đai lưng của thi thể ông, tờ giấy đã được viết thay cho lời trăn trối:
"Chức vụ tôi là Tể tướng, mà không cứu được xã tắc, ổn định thiên hạ, quân bại nước nhục, tội đáng chết từ lâu. Từ ngày bị bắt đến nay, không làm điều gì gian dối. Ngày nay cơ sự thế này, xin hướng về phương Nam lạy trăm lạy. Xin được nói: Khổng Tử nói muốn có nhân đức phải giữ nghĩa, tôi giữ nghĩa đến cùng nên có nhân. Đọc sách thánh hiền, học được chuyện gì? Ngày nay, ngày sau khỏi hổ thẹn. Tống thừa tướng Văn Thiên Tường tuyệt bút".
Văn Thiên Tường tuy chết, nhưng phẩm chất đạo đức cao thượng của ông mãi mãi để cho người đời sau kính ngưỡng. Ông cùng với Lục Tú Phu và Trương Thế Kiệt được sử Tàu gọi là "Tống vong tam kiệt" (ba bậc hào kiệt lúc nhà Tống mất).
Văn chương:
Văn Thiên Tường còn là một nhà thơ, nhà văn. Văn chương ông có lời lẽ khảng khái, hào hùng của kẻ sĩ trong thời nước nhà lâm nạn. Khí tiết của Văn Thiên Tường ảnh hưởng rất nhiều đến sĩ phu đời sau. Hai câu thơ:
人生自古誰無死
留取丹心照汗青
Nhân sinh tự cổ thùy vô tử
Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh
Xưa nay hỏi có ai không chết?
Hãy để lòng son chiếu sử xanh
đã được Nguyễn Công Trứ dùng trong bài hát nói "Chí Nam Nhi" nổi tiếng của mình:
Vòng trời đất dọc ngang ngang dọc
Nợ tang bồng vay trả, trả vay
Chí làm trai nam bắc đông tây,
Cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn bể
Nhân sinh tự cổ thùy vô tử,
Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh
Đã chắc ai rằng nhục rằng vinh
Mấy kẻ biết anh hùng thời vị ngộ
Cũng có lúc mây tuôn sóng vỗ,
Quyết ra tay buồm lái trận cuồng phong
Chí những toan xẻ núi lấp sông
Làm nên đấng anh hùng đâu đấy tỏ
Đường mây rộng thênh thênh cử bộ,
Nợ tang bồng trang trắng vỗ tay reo,
Thảnh thơi thơ túi rượu bầu
Đây là bài gốc có câu này của Văn Thiên Tường:
Quá Linh Đinh Dương
Tân khổ tao phùng khởi nhứt kinh,
Can qua liêu lạc tứ châu tinh.
Sơn hà phá toái phong phiêu nhứ,
Thân thế phù trầm vũ đả bình.
Hoàng Khủng than đầu thuyết hoàng khủng,
Linh Đinh dương lý thán linh đinh.
Nhân sanh tự cổ thùy vô tử,
Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh.
Qua biển Lênh Đênh
Cay đắng do từ một sách kinh
Bốn năm quạnh quẽ cảnh đao binh
Bông tung gió: vỡ tan sông núi
Gió đập bèo: chìm nổi kiếp mình
Ghềnh Sợ Hãi kể niềm sợ hãi
Biển Lênh Đênh than nỗi lênh đênh
Xưa nay hỏi có ai không chết
Hãy để lòng son chiếu sử xanh
Bài "Chính khí ca" cũng là một tác phẩm hết sức nổi tiếng của ông, được Văn Thiên Tường làm khi đang ở trong nhà tù của quân Nguyên.
Chính khí ca
Thiên địa hữu chính khí
Tạp nhiên phú lưu hình
Hạ tắc vi hà nhạc
Thượng tắc vi nhật tinh
Ư nhân viết "hạo nhiên"
Bái hồ tắc thương minh
Hoàng lộ đương thanh di
Hàm hòa thổ minh đình
Thời cùng tiết nãi hiện
Nhất nhất thùy đan thanh
Tại Tề thái sử giản
Tại tấn Đổng Hồ bút
Tại Tần Chu Hợi truỳ
Tại Hán Tô Vũ tiết
Vi Nghiêm tướng quân đầu
Vi Kê thị trung huyết
Vi Trương Thư Dương xỉ
Vi Nhan Thường Sơn thiệt
Thanh tháo lệ băng tuyết
Hoặc vi Xuất Sư Biểu
Quỉ thần khấp tráng liệt
Hoặc vi độ giang tiếp
Khẳng khái thôn hồ yết
Hoặc vi kích tặc hốt
Nghịch thụ đầu phá liệt
Thị khí sở bàng bạc
Lẫm liệt vạn cổ tồn
Đương kỳ quán nhật nguyệt
Sinh tử an túc luân
Địa duy lại dĩ lập
Thiên trụ lại dĩ tồn
Tam cương thực hệ mệnh
Đạo nghĩa vi chi căn
Ta dư cấu dương cửu
Lệ dã thực bất lực
Sở tù anh kỳ quan
Truyện xa tống cùng bắc
Đỉnh hoạch cam như di
Cầu chi bất khả đắc
Âm phòng niết quỉ hỏa
Xuân viện bí thiên hắc
Ngưu ký đồng nhất tạo
Kê thê phụng hoàng thực
Nhất triêu mông vụ lộ
Phân tác câu trung tích
Như thử tái hàn thử
Bách lệ tự tích dịch
Ai tai tự như trường
Vi ngã an lạc quốc
Khởi hữu tha cù xảo
Âm dương bất năng tặc
Cố thử cảnh thảm bại
Ngưỡng thị phù vân bạch
Du du ngã tâm bi
Thương thiên hạt hữu cực
Triết nhân nhật dĩ viễn
Điển hình tại túc tích
Phong diêm triển thư độc
Cổ đạo chiếu nhan sắc
Bài ca chính khí
Trời đất có chính khí
Tỏa ra cho muôn loài
Là sông núi dưới đất
Là trăng sao trên trời
Đầy rẫy cả vũ trụ
Khí hạo nhiên của người
Gặp cảnh đời bình trị
Triều thịnh vang lời vui
Khi cùng, tiết tháo rõ
Sử xanh ghi đời đời.
Ở Tề, sách Thái Sử
Ở Tấn, bút Đổng Hồ
Ở Tần, chùy Bác Lãng
Ở Hán, cờ họ Tô
Đầu Nghiêm thách trước giặc
Máu Kê trên áo vua
Răng Trương công chửi địch
Lưỡi Kiều Khanh mắng thù.
Hoặc là mũ Liêu Đông
Vẻ băng tuyết phau phau
Hoặc là biểu "Ra quân"
Lẫm liệt quỷ thần sầu
Hoặc qua sông gõ nhịp
Khảng khái nuốt quân Hồ
Hoặc giật hốt đánh giắc
Phường tiếm nghịch toang đầu.
Khi ấy tràn ngập tới
Oai nghiêm muôn thuở còn
Khi đã vượt nhật nguyệt
Sống thác chuyện con con!
Khuôn đất nhờ đó vững
Cột trời nhờ đó còn
Ba giường được gìn giữ
Đạo nghĩa có gốc nguồn.
Xót ta gặp vận ách
Tướng sĩ thực hèn nhát
Dải mũ buộc thân tù
Xe chở lên cực bắc
Ninh nấu cũng cam lòng
Còn để ta mong mãi
Phòng sâu ma lập lòe
Viện xuân thành ngục tối!
Ngựa giỏi nhốt cùng trâu
Chuồng gà, phượng nhặt thóc
Thân này khi gió sương
Đành rãnh ngòi lăn lóc
Thế mà hai năm qua
Tránh xa bao khí độc
Thương ôi! Chỗ lội lầm!
Lại sống yên tối sớm
Phải đâu khôn khéo gì
Âm dương không dám phạm
Vằng vặc tấm cô trung
Ngẩng nhìn mây trắng nổi
Buồn thay! Nỗi lòng ta
Trời xanh cao vời vợi!
Thánh hiền khuất lâu rồi
Khuôn phép vẫn không mất
Hiên gió mở sách coi
Gương xưa soi trước mặt.