Lê Thiệp
Ông Lê Thiệp, một phóng viên chiến trường kỳ cựu, một nhà văn, và cũng là một doanh gia phở thành công ở Mỹ, qua đời hôm 5 tháng 7 tại Virginia, Hoa Kỳ.
Sinh tại Sơn Tây năm 1944, ông di cư vào Nam vào sau đó trở thành một ký giả nổi tiếng, với những bài phóng sự bao gồm nhiều đề tài từ chính trị, chiến tranh, đến xã hội.
Trong Mùa Hè Đỏ Lửa 1972, ông có mặt tại Quảng Trị tường trình chiến cuộc từ mặt trận.
Tại đây, chính ông là người đặt ra chữ “đại lộ kinh hoàng” mà hiện nay được dùng để miêu tả đoạn đường chạy loạn bị bộ đội cộng sản pháo kích trực tiếp khiến hàng chục ngàn thường dân bị thiệt mạng trên quốc lộ 1.
Vượt biên qua tới Mỹ năm 1979, ông có thời gian hợp tác với mặt trận Hoàng Cơ Minh và làm báo Kháng Chiến.
Sau khi mặt trận phân hóa, tranh chấp, tờ báo đóng cửa, ông dọn đi bang Virginia và mở một tiệm phở.
Nhà báo Nguyễn Văn Khanh, một người bạn của ông Lê Thiệp, hiện là giám đốc đài phát thanh RFA, có gặp ông Lê Thiệp lúc đó, và hỏi ông có ý định viết lại cuộc phân hóa trong nội bộ Mặt trận hay không.
“Ông rướm nước mắt. Đó là lần đầu tiên tôi thấy ông Thiệp khóc,” ông Khanh kể.
“Nhiều người cũng muốn tôi viết lại lắm, để xem tôi nghiêng về phía nào,” ông Lê Thiệp nói.
“Tôi nghiêng về phía Việt Nam.”
'Nghiêng về phía VN'
Tiệm Phở 75 của ông Lê Thiệp nằm trên một khu thương mại nhỏ ở Washington, DC, lúc đầu chật vật, nhưng dần dần khá lên và thành công lớn.
Nhiều người biết đến ông chủ là người cầm xâu chìa khóa xoay vòng vòng và hay hỏi thăm khách “ăn ngon không.”
Phở 75 nay phát triển lên tới nhiều địa điểm khác ở vùng Virginia và các tiểu bang gần đó.
Là nhà văn, ông có tập ký sự và tạp ghi “Chân ướt chân ráo” nổi tiếng và được độc giả hưởng ứng nồng nhiệt, một quyển truyện dài “Đỗ Lệnh Dũng” viết theo chuyện đời một sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa bị bắt làm tù binh và bị đưa ra Bắc lúc chiến tranh gần kết thúc, và tuyển tập tạp ghi “Lững thững giữa đời.”
Ông là nhà báo có nhiều bạn bè do tính tình cởi mở, và cũng nổi tiếng là ngang.
“Tôi xem ông Lê Thiệp là người anh,” ông Nguyễn Văn Khanh nói, “và học được nhiều ở ông, nhất là về tình bằng hữu.
Nhà báo Lê Thiệp qua đời vì bệnh ung thư, gia đình còn vợ ông, bà Đậu Phương Mai, và ba cô con gái"Ông không bỏ anh em, không bỏ bạn bè, cả những người đã phản bội ông.”