Đồng Đức Bốn
Nhà thơ Đồng Đức Bốn đã ra đi
Nhà thơ Đồng Đức Bốn, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hội viên Hội Nhà văn Hải Phòng đã từ trần vào lúc 10 giờ 30 phút ngày 14-2-2006 tại nhà riêng, xóm Lê Lác, thôn Song Mai (tức làng Moi), xã An Hồng, huyện An Hải, Hải Phòng.
Nhà thơ Đồng Đức Bốn, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hội viên Hội Nhà văn Hải Phòng đã từ trần vào lúc 10 giờ 30 phút ngày 14-2-2006 tại nhà riêng, xóm Lê Lác, thôn Song Mai (tức làng Moi), xã An Hồng, huyện An Hải, Hải Phòng.
Phóng to Đồng Đức Bốn sinh ngày 30-3-1948. Thời trẻ ông từng tham gia thanh niên xung phong, sau đó về làm việc tại Xí nghiệp sửa chữa ô tô Hải Phòng, là thợ gò bậc 6/7.
Sau đó, Đồng Đức Bốn chuyển đến Xí nghiệp xuất nhập khẩu gia cầm Hải Phòng, rồi làm đại diện cho Xí nghiệp ở Hà Nội. Thời gian này ông bắt đầu công bố những sáng tác đầu tiên.
Năm 1992, Đồng Đức Bốn xuất bản tập thơ đầu tay Con ngựa trắng và rừng quả đắng.
Ngay từ tập thơ đầu tiên, ông đã bộc lộ thiên hướng trong thơ lục bát, thể thơ sau này làm nên tên tuổi của ông - thi sĩ đồng quê. Năm 1993, ông in Chăn trâu đốt lửa. Bẵng đi tới 7 năm (2000), ông mới lại cho ra liền hai tập Trở về với mẹ ta thôi và Cuối cùng vẫn còn dòng sông; hai năm sau (2002) là Chuông chùa kêu trong mưa. Tên mỗi tập thơ đều là một câu hoặc một phần câu thơ lục bát.
Phải chăng ông đã chọn lục bát cho nghiệp thơ của mình, hoặc giả thể thơ này đã chọn ông? Cho đến nay, theo bè bạn thì ông có khoảng 600 bài thơ lục bát và 200 bài thơ tự do hoàn chỉnh; trong đó có khoảng 50 bài thơ được các nhạc sĩ tên tuổi phổ nhạc.
Đồng Đức Bốn tự nhận xét Trở về với mẹ ta thôi là thời kỳ đỉnh cao của mình. Đồng Đức Bốn từng được một số giải thưởng văn học: Cuộc thi thơ báo Văn Nghệ (2 lần), Tạp chí Văn nghệ Quân đội (2 lần), “Tầm nhìn thế kỷ” của báo Tiền Phong, giải A của UB Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam...
Nhưng cứ theo ý riêng của người viết bài này thì giải thưởng lớn nhất dành cho ông chính là những câu thơ lục bát được chép khá nhiều trong sổ tay người hâm mộ và ở trong nhiều câu cửa miệng của đồng nghiệp khi nhắc tới ông.
Đồng Đức Bốn phát hiện mình mắc bệnh hiểm nghèo vào tháng 5-2005. Thời gian đầu, đều đặn hàng tuần ông lên Hà Nội xạ trị rồi hóa trị. Bạn bè khắp nơi đến thăm ông, kỳ hoa, dị thảo, ai có thứ gì đều mang đến mong giúp ông lật ngược thế cờ trong cuộc chiến với căn bệnh ung thư quái ác: “Sừng tê giác, cổ linh chi/Thuốc men nào có thiếu gì nữa đâu”.
Thật ngạc nhiên, đây lại là thời kỳ sức viết của ông trở lại. Hầu như ngày nào ông cũng viết từ một đến hai bài thơ, buồn, lung linh như khi ông vẫn còn sung sức nhất, tổng cộng có đến khoảng 50 bài.
Ông tin thơ có thể giúp mình chống lại bệnh tật và lạc quan: “Tôi không thể chết được đâu/Bởi tôi còn khúc sông sâu lụy đò”...”Tôi còn nợ cả mùa thu/Cỏ xanh như tiếng hát ru ở đời”...
Nhưng ông cũng âm thầm chuẩn bị cho ra tập sách mới, cuốn sách cuối cùng, dày hơn nghìn trang, được coi là tuyển tập một đời thơ Đồng Đức Bốn.
Hỡi ôi, bệnh có thể chữa nhưng mệnh thì không. Khi tuyển tập Chim mỏ vàng và hoa cỏ độc ra đời (1-2006) thì cũng là lúc ông không còn chống cự được nữa.
Gia đình cho biết, ông không nói được, liên tục phải dùng moóc-phin tới mức mụ mị cả người để chống lại những cơn đau xé ngực.
Vậy mà ông vẫn gửi thơ đến Ngày thơ Việt Nam lần thứ 4. Trong lúc nửa mê nửa tỉnh, ông kịp đọc cho con gái út chép hai câu thơ tự chọn, như một tuyên ngôn, để chia sẻ với bạn đọc ở góc thơ của mình trong ngày hội thi ca: “Đừng buông giọt mắt xuống sông/Anh về dẫu chỉ đò không cũng chìm”.
Tôi tin rằng ông đã cố gượng qua Rằm để chứng kiến hết ngày thơ trên giường bệnh qua một kênh tâm linh nào đó. Vào lúc 10 giờ 30 phút ngày 14-2-2006 (tức 17 tháng Giêng năm Bính Tuất), con chim mỏ vàng đã ngưng tiếng hót.
Lễ truy điệu nhà thơ Đồng Đức Bốn sẽ được tổ chức vào 8 giờ sáng ngày thứ sáu 17-2-2006, tại nhà riêng của ông tại Hải Phòng, an táng tại nghĩa trang quê nhà.
______________
TTO giới thiệu lại bài phỏng vấn (không ngờ là cuối cùng) với nhà thơ Đồng Đức Bốn do báo báo Thể thao và Văn hóa thực hiện, được đăng vào ngày 11-2-2006, 3 ngày trước khi ông qua đời.
Phóng to Người yêu thơ vây quanh góc thơ Đồng Đức Bốn trong Ngày thơ Việt Nam lần IV Nhà thơ Đồng Đức Bốn - người lâu nay nổi tiếng với những bài thơ lục bát có phong cách rất riêng - vừa cho ra mắt một tập thơ "hoành tráng" dày kỷ lục 1.108 trang, đóng bìa cứng: Chim mỏ vàng và hoa cỏ độc.Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm từng có những vần thơ bắt "trúng tim đen" Đồng Đức Bốn: Câu dài câu ngắn ngẩn ngơ/ Những rơm với lửa, những tơ với tình/Một người hoang dại một mình/Bơ vơ giữa phố mong thành thi nhân.
Hơn một năm trở lại đây, bạn bè và những người yêu thơ anh đều biết rằng Đồng Đức Bốn (sinh 1948, tại Hải Phòng) đang mắc căn bệnh hiểm nghèo: ung thư phổi, phải chạy đi chạy lại đủ các bệnh viện và uống đủ thứ thuốc...
Mặc kệ... bệnh tật, Đồng Đức Bốn vẫn quyết lên Hà Nội, để hưởng cái cảm giác sung sướng, khi được tận mắt nhìn ngắm tập thơ ấp ủ bấy lâu của mình còn thơm mùi mực vừa từ nhà in mang ra để kịp góp vào Ngày thơ Nguyên tiêu năm nay.
* Anh đã từng đặt những cái tên rất gợi cho những tập thơ trước đây như Chăn trâu đốt lửa (1993), Trở về với mẹ ta thôi (2000), Cuối cùng vẫn còn dòng sông (2000), Chuông chùa kêu trong mưa (2002). Còn lần này... sao lại là Chim mỏ vàng và hoa cỏ độc nhỉ?
- Đó là tựa đề một bài thơ tôi viết đã lâu. Vì tôi nghĩ rằng nhà thơ giống như con chim ấy, nhưng phải là con chim mỏ vàng. Và nhà thơ cũng giống như một cây cỏ. Nhưng phải là một cây cỏ có hoa độc đáo.
Nói rồi Đồng Đức Bốn khe khẽ đọc: Tiếng con chim mỏ vàng/ Hót trong hoa cỏ độc/ Tôi với hoa cỏ độc/ Tìm tiếng chim mỏ vàng/ Biết bàn tay úa tàn/ Trong bàn tay lạnh lẽo/ Mong tiếng chim đừng héo/ Trên bàn tay úa vàng...
* Đây là lần đầu tiên tôi nhận được một tập thơ dày dặn, đồ sộ như thế này - lại vào đúng những ngày đầu năm mới...
- Gần đây tôi đã in nhiều tập thơ rồi. Con ngựa trắng và rừng quả đắng là tập thơ đầu tay, in ở "Nhà" Văn học năm 1992, Nguyễn Bao, Bằng Việt, Phạm Tiến Duật viết lời giới thiệu, gần đây nhất là cũng cách đó đúng 10 năm, năm 2002, là tập Chuông chùa kêu trong mưa in ở "Nhà" Hội Nhà văn. Tập nào cũng chỉ vài ba trăm trang là cùng. Đến giờ, tôi nghĩ mình phải làm "một cái gì đó", cho vui.
* "Cái gì đó" ông định làm chắc sẽ là một tập thơ rất "nặng"?
- Tôi vừa nghe nói tập thơ này nặng gần 4kg đấy...
* Bây giờ anh có ngồi dậy cầm tập thơ này được không?
- (Lúc lắc đầu) Bây giờ bê thì chết. Một cuốn cũng chịu. Ông ngồi chờ tôi một lúc. Đừng vội đi nhé. Ngồi chơi và xem tập thơ đi. Thơ tôi chắc ông cũng đọc cả rồi. Giờ xem thôi. Chờ tôi một lát, cho người nó hồi hồi lại một tí, rồi tôi sẽ ngồi dậy, tim tôi nó đang đập nhanh quá...
... Tôi biết Đồng Đức Bốn đã lâu, trước đây thi thoảng cũng gặp anh ở Hà Nội. Những lần đó, bao giở cũng là một Đồng Đức Bốn ăn sóng nói gió, miệng nói tay làm... Còn bây giờ là một Đồng Đức Bốn hoàn toàn khác. Một "con ngựa" đã thấm mệt và không còn đủ sức để "hoang" nữa rồi. Sức khỏe đã không cho phép anh làm những gì mình muốn. Nhưng tinh thần thơ của anh thì vẫn còn nguyên đó, vẫn say sưa với thơ, vẫn muốn thơ mình thực sự có ích. Việc đầu tư gần một trăm triệu đồng để thực hiện tập thơ này trong lúc việc điều trị bệnh cần thời gian và rất nhiều tiền bạc đã phần nào nói lên tất cả.
* Với Chim mỏ vàng và hoa cỏ độc, bạn yêu thơ có thể biết thêm những bài thơ anh mới viết mà chưa từng có trong các tập thơ đã công bố? Và trong số mới đó, đâu là bài anh thích nhất?
- Có. Có chứ. Khoảng chừng sáu chục bài chứ chẳng ít đâu. Đó là những bài thơ tôi viết trên giường bệnh, trong những lúc nằm điều trị tại Bệnh viện K Hà Nội. Sáu chục bài chưa in trong tập nào, thậm chí có bài chưa in trên báo nào.
Trong số những bài mới viết, tôi thích nhất bài nào ư? Xin trời một trận mưa rào đón tôi, Tôi không thể chết được đâu. Đó là những bài hay trong số bài hay mà tôi thích - Ngừng một lát để... thở, Đồng Đức Bốn nói tiếp, giọng rất khẽ: Trong năm 2006, tôi mà khỏe lên thì sẽ ra liền tập thơ mỏng nữa. Dự định đặt tên là Ngắm qua gai rừng và Đi chơi dưới vực Cô Hồn.
* Và tập thơ cũng là hợp tuyển đầy đủ nhất những dư luận về Đồng Đức Bốn và thơ anh?
- Đúng thế. Không phải là tất cả, nhưng là cơ bản. Đó có thể là những vần thơ tặng tôi, là những bài báo hoặc những bài nghiên cứu phê bình tôi và thơ tôi... Tất cả là những dòng chữ bạn bè mà tôi quen thân cũng như chưa quen thân viết. Tôi muốn làm tập thơ này như là cách để bạn bè đến "chơi" với nhau...