Nov 23, 2024

Tác giả

Tú Mỡ
Hình ảnh
#1

Tú Mỡ (1900-1976) tên thật là Hồ Trọng Hiếu, sinh ngày 14-3-1900 tại phố Hàng Hòm, Hà Nội. Lên 5 tuổi, ông bắt đầu học chữ nho, học hết bộ Tam tự kinh thì bố ông mới cho học chữ quốc ngữ. Năm 14 tuổi, ông đỗ đầu bằng sơ học Pháp-Việt và được học tại trường Bưởi (nay là trường Chu Văn An). Năm 18 tuổi, ông đỗ bằng Thành Chung và xin được việc làm thư ký trong Sở Tài chính. Trong Hồi ký văn học, ông kể lại: “Lúc này tôi quyết tâm học làm thơ. Trước hết tôi mua bộ Hán-Việt văn khảo để nghiên cứu các thể thơ ca, từ, phú, rồi mua những tập thơ của Hồ Xuân Hương, Tú Xương, Yên Đổ, Tản Đà, Trần Tuấn Khải, những tác phẩm mà tôi thích đọc nhất”. Suốt hai năm đi làm và nghiên cứu như thế, những cảnh trái tai gai mắt thời Pháp thuộc đã đánh thức máu... hài hước trong con người ông và bởi yêu kính tài thơ Tú Xương ông mới lấy bút danh Tú Mỡ, chứ ông gầy lắm: “Màu mỡ vì chưng ra cả bút. Thân hình nên mới ngẳng như que”.

Thuở bé được ông nội dạy chữ nho, sau vào học trường Bưởi, cùng thời với Hoàng Ngọc Phách. Thấy Phách làm thơ nghiêm túc thì Hiếu rủ bạn làm thơ tếu diễu chơi. Bạ cái gì cũng thành thơ: vịnh xe điện, vịnh giám thị, vịnh các thầy... Đùa quá hoá thật, năm 1918 ông vào làm ở Sở Tài chính, hai năm sau đã có thơ diễu nghề công chức cạo giấy của mình. Lần này thơ đăng báo hẳn hoi chứ không chỉ truyền khẩu như thời đi học. Hình hài, tính nết của loại người lấy công sở làm oai, vừa khôi hài vừa tội nghiệp, Tú Xương cũng đã từng diễu: “Bác này rõ thực thái vô tích. Sớm vác ô đi tối vác về”. Dưới ngòi bút của Tú Mỡ càng sống động hơn, vì nó là cái đời ông:

Hai buổi đến ung dung ư buồng giấy, sổ to sổ nhỏ bày liệt bày la
Tám giờ ngồi chễm chệ ư ghế mây, mực đỏ mực đen viết chi viết chát

Tú Mỡ thực sự nổi tiếng từ năm 1932, khi giữ mục Giòng nước ngược cho báo Phong hoá. Cái xã hội thuộc địa nửa phong kiến thời Tú Mỡ đầy rẫy những lố lăng kệch cỡm, đạo đức giả. Tú Mỡ cảm nhận được tất cả và đã giữ lại trong thơ mình như một tang chứng sống của thời cuộc. Tính chất hiện thực là một đóng góp đặc sắc của Tú Mỡ vào nền thơ công khai hồi ấy, chất trào phúng nằm ngay trong sự việc. Tài dùng khẩu ngữ dân gian của Tú Mỡ rất điêu luyện. Ông chửi bọn thống trị bất tài vô hạnh nhưng chúng không làm gì được ông chính là do sắc thái từ ngữ của ông. Ông khen, ông chúc mà là ông rủa, ông chửi. Sau khi mô tả sự long trọng, vui vẻ của bữa tiệc kỷ niệm 30 năm phái bộ đi Tây (1908- 1938), Tú Mỡ dừng bút ở đám dân đói đứng chiêm ngưỡng ở vòng ngoài:

Trong đình quan khách cỗ bàn
Vòng ngoài dân đói hàng ngàn xúm đông
Há mồm lố mắt đứng trông
Chúc thầm các cụ các ông muôn đời

Tú Mỡ sau này đi theo Cộng sản và lấy bút danh là “Bút chiến đấu” trong kháng chiến chống Pháp, ông cứ thẳng tay công khai đánh địch đường hoàng, cái duyên lắt léo tài tình kia ông không dùng nữa. Giọng văn hóm hỉnh nhưng cảm xúc nằm trong quỹ đạo trữ tình rồi, không còn là trào phúng nữa. Đấy là những bài thơ ông viết lúc cuối đời, thơ khóc người vợ hiền và thơ tặng cháu. Chúng ta thấy một Tú Mỡ khác, chân thật, hiền lành.

Tú Mỡ mất ngày 13-7-1976.

Tất cả các bài của tác giả Tú Mỡ:

Phở Đức Tụng - Hát nói - Ca trù - Apr 08, 2023
Khóc Người Vợ Hiền / Phở Đức Tụng - Thơ mới hiện đại VN - Jul 23, 2020