Trương Nhược Hư 張若虛 (660-720), thi nhân đời Đường, người Dương Châu 揚州 (nay thuộc tình Giang Tô 江蘇, Trung Quốc), làm quan tại Duyện Châu 兗州. Ông tề danh cùng Hạ Tri Chương 賀知章, Trương Húc 張旭, Bao Dung 包融, người đời gọi là "Ngô trung tứ sĩ" 吳中四士. Thơ của ông nay chỉ còn lại 2 bài, trong đó có Xuân giang hoa nguyệt dạ trứ danh.
Tác giả (sơ lược)
Trương Nhược Hư (chữ Hán: 张若虚; sinh khoảng 660 - mất khoảng 720[2]) ở Dương Châu (nay là huyện Giang Đô, tỉnh Giang Tô) là một nhà thơ thời nhà Đường, Trung Quốc. Bản tính ông vốn không thích danh lợi, thường ngao du khắp thiên hạ để tìm bạn thơ; ông cùng với Hạ Tri Chương, Trương Húc, Bao Dung được người đương thời gọi là "Ngô trung tứ sĩ" (Bốn danh sĩ đất Ngô).
Trong quyển Thơ Đường, GS. Trần Trọng San cho biết: Ở vào thời sơ Đường, thơ của Ngô trung tứ sĩ không nhiều thì ít đều kế tục di phong phù mỹ của thời Lục Triều, nên được xếp vào phái thơ Ỷ mỹ phái [3]
Sách Từ điển văn học (bộ mới) cũng đã nhận xét: Phong cách thơ Trương Nhược Hư trong sáng hoa lệ, giàu chất trữ tình, có vị trí quan trọng trong sự chuyển biến thơ ca từ thời sơ Đường đến thịnh Đường[4]
Sáng tác của ông thất lạc gần hết, trong Toàn Đường thi chỉ ghi lại được 2 bài thơ của ông là Đại đáp khuê mộng hoàn (Đáp thay Khuê Mộng Hoàn) và Xuân giang hoa nguyệt dạ (Đêm hoa trăng trên sông xuân).