Dec 26, 2024

Văn hóa ẩm thực

Cách gói bánh chưng xanh dẻo thơm cho ngày tết & Nguồn gốc và ý nghĩa đòn bánh Tét ngày Tết Nam Bộ
Nhiều Tác Giả * đăng lúc 03:55:52 AM, Feb 19, 2015 * Số lần xem: 5158
Hình ảnh
#1
(VietQ.vn) - Dù rằng hiện nay có thể dễ dàng đặt mua bánh chưng nhưng nếu có thời gian thì người nội trợ Việt Nam nên biết cách gói bánh chưng sao cho đẹp ngon để tự tay làm và đặt lên mâm cỗ cúng ngày tết.

Là một món ăn đặc trưng không thể thiếu đối với người Việt mỗi dịp Tết đến xuân về, bánh chưng xanh đã trở thành nhịp cầu nối con cháu với tổ tiên, như một thông điệp bày tỏ hồn quê, như sợi dây gắn kết tình người bền chặt trong mỗi gia đình Việt.

Để có một chiếc bánh chưng xanh vuông đẹp, cân đối, chín rền, bạn cần chuẩn bị: Gạo nếp: 2 kg, Đỗ xanh đã tách vỏ: 500 gr, Thịt ba chỉ: 600 gr, Lá dong: 30 lá, Lạt để buộc bánh, Gia vị: hành khô, tiêu, muối, đường

Trước hết, ngâm gạo trong khoảng 2 tiếng để hạt gạo mềm. Không nên ngâm quá lâu sẽ khiến gạo bị chua và vỡ hạt. Đỗ xanh ngâm trong nước lạnh khoảng 2 tiếng để đỗ vừa nở tới, tiếp theo đãi sạch và nhặt bỏ những hạt đỗ xấu rồi cho một thìa nhỏ muối tinh vào trộn đều.

Cách gói bánh chưng xanh

Thịt ba chỉ rửa sạch, rồi thái thành những miếng dài khoảng từ 5-7cm, dày cỡ 1 cm. Có thể để thịt trong ngăn đá tủ lạnh để thịt hơi cứng lại cho dễ thái. Sau đó, trộn đều với thịt với một củ hành tím băm nhuyễn, một thìa cà phê hạt tiêu, một thìa đường, 2 thìa cà phê hạt nêm và để vài tiếng để thịt ngấm đều gia vị.

Lá dong ngâm nước khoảng 15 phút rồi rửa sạch, lau khô. Gập đôi lá dong theo chiều dọc, tiếp tục gập làm 4 theo chiều ngang. Sau đó dùng cái lạt dài bằng chiều dài cạnh lòng khuôn, đo từ phần gập ngang của lá tới đầu lá và cắt bỏ phần lá thừa. Mỗi một chiếc bánh chưng sẽ tương ứng với 4 lớp lá dong.

Cách gói bánh chưng xanh

Xếp lạt thành hình chữ nhật rồi đặt khuôn lên trên. Xếp lá dong thành các cạnh hình chữ nhật trong khuôn. Khi xếp lá dong nên để các mặt xanh đậm của lá vào bên trong và mặt xanh nhạt hơn ra bên ngoài để mặt đậm của lá tiếp xúc với gạo sẽ làm cho bánh được xanh hơn.

Cách gói bánh chưng xanh

Lấy miệng bát con gạo (khoảng 200gr gạo) cho vào khuôn, ấn và dàn đều gạo khắp đáy khuôn. Lấy đỗ rải đều lên trên gạo, đặt 2 miếng thịt lên trên đỗ rồi lại dùng nắm đỗ khác rải đều cho phủ kín thịt (khi rải đỗ nên chừa lại khoảng 1,5 cm, không nên rải hết đến cạnh khuôn). Sau đó xúc miệng bát gạo khác rải đều xung quanh và phủ kín mặt đỗ. Dùng tay ấn nhẹ gạo ở các góc và mặt bánh cho gạo nén xuống. 

Cách gói bánh chưng xanh

Cuối cùng gập các cạnh lá lại cho gọn, tay trái giữ cho lá khỏi bung ra, tay phải lấy khuôn ra đeo vào cổ tay trái. Đổi tay phải giữ lá rồi bỏ khuôn ra khỏi tay. Kéo hai đầu của mỗi sợi lạt cột bánh lại. Có thể dùng lạt để cột hai chiếc bánh chưng lại thành một cặp bánh.

Cách gói bánh chưng xanh

Xếp bánh chưng vào nồi theo chiều thẳng đứng, đổ nước ngập quá mặt bánh một chút, Khi luộc bánh nếu thấy nước cạn thì phải đổ thêm nước sôi vào cho ngập mặt bánh để bánh chín đều. Nếu đun bằng bếp ga chỉ để lửa to đến khi bánh sôi rồi vặn nhỏ lửa để bánh có thời gian chín kỹ.

Cách gói bánh chưng xanh

Sau từ 7 đến 10 tiếng thì vớt bánh ra ngâm vào nước lạnh, rửa sạch nhớt trên mặt bánh và để ráo nước trên bánh. Vậy là bạn đã có những chiếc bánh chưng xanh dẻo thơm và vuông vắn do tự tay mình làm cho ngày tết sum vầy bên gia đình!

Ngọc Qúy (t/h

**************************************************

Hướng dẫn cách gói bánh chưng ngày tết xanh và vuông vắn

(VietQ.vn) – Ẩm thực Việt Nam đa dạng, phong phú, mang nét đẹp riêng. Đặc biệt, Tết Nguyên Đán là dịp để các bà nội trợ trổ tài làm những món ngon ngày tết cho cả gia đình.

Món ngon ngày tết - bánh chưng xanh là món ăn không thể thiếu trong ngày Tết Nguyên Đán của người dân Việt Nam. Gạo nếp, thịt lợn, đỗ xanh, lá dong, lạt là những nguyên liệu cần thiết để gói bánh chưng. Tuy nhiên, để gói được những chiếc bánh chưng thơm ngon, xanh, dẻo mà vuông vắn thì người gói cần phải rất khéo léo.

Chuẩn bị và sơ chế guyên liệu gói bánh chưng

-         Lá dong: Chọn loại lá bánh tẻ (loại lá không không non cũng không già) để dễ gói hơn. Mỗi bánh chọn 4 chiếc lá. Khi mua lá dong ngâm lá dong vào nước cho mềm, rửa sạch hai mặt lá rồi để cho ráo nước. Sau đó, dùng khăn sạch lau lá cho thật khô, cắt bớt gân lá cho lá mềm để dễ gói. Lưu ý, khi cắt sống lá, không cắn sâu quá sẽ vào đến thịt lá, làm rách lá.

-         Lạt: Chọn loại lạt giang mỏng, mềm và dẻo dai để khi gói cuộn không bị gãy. Mỗi một chiếc bánh cần khoảng 2 – 4 chiếc lạt tuỳ vào việc người gói muốn buộc hình chữ thập (2 lạt) hay hình vuông (4 lạt) trên bánh.

-         Gạo nếp: Chọn loại nếp cái hoa vàng có hạt đều, mẩy ngon, thơm dẻo. Ngâm gạo phải trong khoảng 8 tiếng. Sau đó, đãi sạch sạn, vớt ra để ráo nước trước khi gói bánh. Mỗi chiếc bánh có thể gói từ 0,5 đến 1kg gạo, tuỳ độ to nhỏ của bánh. Sau khi ngâm mềm, đem đãi sạch lại vài lần và nhặt bỏ những hạt xấu. Sau đó, xóc gạo với 1 muỗng muối và 1 muống hạt nêm.

Món ngon ngày tết là bánh chưng xanh truyền thông vuông vắn, mềm dẻo cho cả gia đình

Món ngon ngày tết là bánh chưng xanh truyền thông vuông vắn, mềm dẻo cho cả gia đình

-          Đỗ xanh: Chọn loại đỗ xanh tiêu, hạt nhỏ, ruột vàng thì sẽ thơm ngon hơn. Đỗ xanh xay vỡ, ngâm trong nước chừng 1 – 2 tiếng rồi đãi sạch vỏ xanh. Đỗ xanh nấu chín bở, dùng thìa tán cho thật nhuyễn. đem trộn đều đỗ với một chút hạt tiêu (ít hay nhiều tùy khẩu vị). Tỷ lệ gạo: đỗ thông thường là 8:2. Sau đó, nắm đậu thành các nắm tròn bằng nhau.

-         Thịt lợn: Chọn loại thịt ba chỉ hoặc thịt vai sấn; không nên chọn loại thịt quá nạc. Thịt rửa sạch thái thành các miếng dài chừng 5 – 7 cm, dày chừng 0,5 cm, ướp muối, tiêu, hành củ thái lát cho ngấm chừng 15 phút trước khi gói bánh.

-         Gia vị: Muối, hạt tiêu

Cách gói bánh chưng – món ngon ngày tết

Bước 1: Khi gói bánh chưng, xếp 4 lá vuông góc như trong hình, 2 lá dưới úp mặt phải xuống (khi bọc bánh lại, phần mặt sẽ nằm bên ngoài làm cho bánh đẹp hơn), 2 lá trên ngửa mặt phải lên (để khi bóc bánh không bị dính).

Bước 2: Cho khoảng 1 bát gạo vào giữa lá dong.

Bước 3: Lấy một nửa nắm đỗ xanh nhấn nhẹ để phần đỗ xanh trũng xuống. Sau đó, đặt một miếng thịt vào giữa phần đỗ xanh rồi úp nửa phần đỗ xanh còn lại (cũng được ấn nhẹ cho trũng xuống) lên miếng thịt rồi nặn nhân n sao cho phần đỗ xanh bao kín gần hết miếng thịt.

Bánh chưng xanh – món ngon ngày tết được gói với các bước đơn giản

Bánh chưng xanh – món ngon ngày tết được gói với các bước đơn giản

Bước 4: Đổ thêm một lớp gạo phía trên phần nhân và dùng tay san đều sao cho gạo phủ kín nhân.

Bước 5: Dùng tay gấp lần lượt lá dong bên phải và trái vào, lưu ý phải chắc tay. Phần lá dong thừa thì gập mép lại (gập vào bên trong để giấu lá thừa). Sau đó, phần gấp phần đầu lá dưới lên. Bóp mép hai bên phần đầu trên của bánh, gấp nốt phần lá thừa ở bên trên lại cho vuông vắn.

Bước 6: Để gói được một chiếc bánh chưng vuông này, người gói cần có 4 chiếc lạt. Buộc hai chiếc lạt đầu tiên song song nhau để giữ cho bánh chặt, lá không bung ra. Hai lạt sau buộc vuông góc với hai lạt trước.

Bước 7: Sau khi buộc bánh xong, dùng tay ấn 4 phía của bánh để bánh được chặt. Sau đó, làm động tác giỗ bánh xuống bàn để bánh được thêm chắc. Người gói bánh cũng có thể lắc bánh, nếu còn nghe tiếng gạo bên trong là bánh chưa được gói chặt.

Luộc bánh chưng – món ngon ngày tết

Bước 1: Cho phần sống lá dong đã cắt lúc mới bắt đầu làm xuống đáy nồi, sau đó xếp bánh lên trên.

Bước 2: Cho nước lã vào ngập toàn bộ phần bánh rồi đun to lửa đến khi sôi thì giảm bớt lửa.

Bước 3: Cứ 1 tiếng thì kiểm tra 1 lần để xem mực nước. Nếu mực nước giảm thì phải dùng nước đun sôi đổ thêm vào nồi.

Bước 4: Nấu bánh trong khoảng 8 – 10 tiếng rồi vớt bánh ra.

Mâm cơm gia đình với những bánh chưng xanh và những món ngon ngày tết hấp dẫn

Mâm cơm gia đình với những bánh chưng xanh và những món ngon ngày tết hấp dẫn

Bước 5: Sau khi vớt bánh, dùng khăn nhúng nước lã rửa sạch bên ngoài bánh rồi tìm chỗ thoáng mát trong nhà, xếp bánh ra rồi đặt 1 tấm ván lên trên. Tiếp đó, cho thêm chậu nước hoặc vật nặng đè lên trên tấm ván để bánh được săn, chắc.

Bước 6: Khi bánh nguội hoàn toàn thì có thể cắt bánh đem thắp hương trên mâm cỗ ngày Tết.

Ngày Tết Nguyên Đán sắp đến, chúc mọi gia đình đón tết thật vui và ấm cúng bên người thân với món bánh chưng truyền thống thơm ngon, mềm dẻo!

Nguyễn Dung



 

 

Nguồn gốc và ý nghĩa đòn bánh Tét ngày Tết Nam Bộ

 
(VietQ.vn) - Không biết tự bao giờ, đòn bánh Tét đã trở thành món ăn truyền thống và việc gói bánh Tét cũng trở thành một trong những phong tục ngày Tết không thể thiếu của mỗi người Nam Bộ.

 

Không biết tự bao giờ, đòn bánh Tét đã trở thành món ăn truyền thống và việc gói bánh Tét cũng trở thành một trong những phong tục ngày Tết không thể thiếu của mỗi người Nam Bộ. Nếu ngoài Bắc ngày Tết có bánh chưng xanh thì trong Nam lại là đòn bánh Tét. Và mỗi loại bánh lại có một số phận và nguồn gốc riêng của nó. Nếu chiếc bánh chưng gắn liền với “Sự tích bánh chưng bánh dày” của hoàng tử thứ 18 con Vua Hùng là Lang Liêu tượng trưng cho trời tròn đất vuông thì đòn bánh Tét cũng có những giai thoại ly kỳ về nguồn gốc và ý nghĩa riêng.

Sự tích đòn bánh Tét ngày Tết Nam Bộ

Theo những ghi chép còn sót lại, đòn bánh Tét có nguồn gốc từ chủ nhân vùng đất này. Đó là người Chăm Pa trong lịch sử (tiền thân là người Sa Huỳnh) định hình lãnh thổ quốc gia dân tộc từ cuối thế kỷ thứ II sau Công nguyên (cách ngày nay khoảng gần 2 thiên niên kỷ). Khi ấy, người Chăm có một nền văn hóa phát triển rực rỡ và đạt đến đỉnh cao. Nền văn hóa ẩm thực cũng phong phú.

Theo lý giải của cố giáo sư Trần Quốc Vượng, rất có thể, đòn bánh Tét mà người trong Nam dùng trong ngày Tết hôm nay là sản phẩm của quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa Việt Chăm hay cũng có thể là sự kế thừa những giá trị của lớp tiền nhân đi trước để lại. Khi người Việt vào khai khoang mở hóa vùng đất phương Nam, do sự tiếp thu yếu tố tín ngưỡng đa thần của nền văn hóa Chăm, trong đó có tín ngưỡng Phồn thực, thờ thần lúa.

Gói bánh Tét trở thành một trong những phong tuc ngày Tết ở Nam Bộ

Gói bánh Tét trở thành một trong những phong tuc ngày Tết ở Nam Bộ

Từ sự hình tượng hóa của yếu tố Linga của thần Siva (mà nay còn biểu hiện rõ nhất ở khu đền tháp Mỹ Sơn) cùng với tín ngưỡng nông nhiệp vốn có nên các cư dân Việt sau này đã tạo ra chiếc bánh Tét như ngày nay. Rồi dần đà, đòn bánh Tét được sinh thành và “thai nghén” lúc nào cũng không rõ.

Bên cạnh đó, có một truyền thuyết khác bổ sung thêm cho nguồn gốc của bánh Tét, cách gọi tên bánh và thói quen ăn bánh Tét trong ngày Tết như sau. Vào mùa xuân Kỷ Dậu năm 1789, Nguyễn Huệ và quân ta đánh đuổi quân Thanh ra khỏi đất nước. Lúc bấy giờ quân lính được nghỉ ngơi, ăn Tết. Trong số quân lính có anh lính nọ được người nhà gửi cho món bánh làm từ gạo nếp, nhân đậu xanh, hình dạng như bánh tét ngày nay. Anh lính mang bánh mời vua Quang Trung.

Phong tục ngày Tết với tục gói bánh Tét đã có từ thời xa xưa

Phong tục ngày Tết với tục gói bánh Tét đã có từ thời xa xưa

Vua ăn thấy ngon bèn hỏi thăm về loại bánh này. Anh lính kể, bánh do người vợ ở quê nhà làm gửi cho. Mỗi lần ăn bánh, anh càng thương, càng nhớ vợ nhiều hơn. Anh mắc chứng đau bụng nhưng khi ăn bánh này thì lại không thấy đau nữa.

Nghe câu chuyện cảm động của anh lính, vua bèn ra lệnh cho mọi người gói loại bánh này để ăn Tết và đặt tên là bánh Tết nhằm ghi nhớ chiến thắng giặc Thanh vào mùa xuân và thể hiện tình cảm gia đình thắm thiết mỗi độ xuân về. Đó được xem là nguồn gốc của bánh Tét trong ngày Tết cổ truyền ở Việt Nam.

Ý nghĩa đòn bánh Tét ngày Tết cổ truyền

Đòn bánh Tét mang nhiều ý nghĩa nhân sinh cao cả. Bánh được bọc nhiều lá như người mẹ bọc lấy người con, ăn bánh Tét lại nghĩ về mẹ, sống với mẹ, như chị em đùm bọc lẫn nhau cùng một mẹ sinh ra. Không chỉ vậy, bánh Tét xanh nhân nhuỵ vàng gợi cho ta màu xanh của đồng quê, của đời sống chăn nuôi, của an vui xóm – làng... gợi cho ta niềm mơ ước “an cư lạc nghiệp” của con người về một mùa xuân an bình cho mọi nhà. Tất cả những ý nghĩa đó đã đề cao sức lao động của con người, sự hoà hợp của trời đất, của con người với thiên nhiên, hướng về nguồn gốc tổ tiên.

Bánh Tét là món ăn truyền thống mang nhiều ý nghĩa tốt đẹp - một phong tục ngày Tết Nam Bộ

Bánh Tét là món ăn truyền thống mang nhiều ý nghĩa tốt đẹp - một phong tục ngày Tết Nam Bộ

Chiếc bánh nhìn giản đơn nhưng thấm đẫm triết lý của người miền Nam về con người và cuộc sống. Tối 29-30 Tết, cả nhà thức chờ quanh nồi nấu bánh, trẻ con làm nhiệm vụ chụm bếp lò, tạo nên không khí ấm cúng, sung túc của buổi sum họp gia đình ngày Tết.

Loan Nguyễn



 

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.