Tùy bút - Bút ký
Vườn Rau
Võ Doãn Nhẫn *
đăng lúc 03:45:11 PM, Aug 12, 2008 *
Số lần xem: 1676 Vườn rau.
Vườn rau, vườn rau xanh ngắt một màu,
Có đàn, có đàn gà con nương náu.
Mẹ quê, mẹ quê vất vả trăm chiều.
Nuôi đàn, nuôi đàn gà con chắt chiu
( Phạm Duy- Bà Mẹ Quê)
Thỉnh thoảng tôi theo chị Ðán qua Thủy Xưởng bên nhà bác Xã Bảy... thu tiền nợ, tiền mướn đất trả tiền ba năm một lần. Tôi nghĩ đi qua Thủy Xưởng ngồi trên đò là một chuyện thích thú. Vào thời buổi ấy tôi không biết lội nói gì biết bơi. Chị Ðán cũng không biết bơi nốt. Kể cũng lạ: nhà tôi ở là một nhà kế cận một dòng sông nhỏ, những lúc thủy triều lên sau bữa cơm trưa gia đình toàn bộ anh Ngô, chị Tiềm, chị Liêm, chị Ðán, mọi người đều đổ ùa lội xuống sông tắm. Năm anh chị em trừ anh Ngô biết bơi ra, còn lại bốn người chị Tiềm chị Liêm chị Ðán và tôi đứa con út đều không biết bơi. Trong lúc ngồi yên trong đò qua sông, tôi không dám cử động di chuyển mạnh, không dám chuyển lúc lắc tròng trành, để mặc con đò di chuyển chầm chậm thong thả từ từ cập bến. Trên nguyên tắc, người lái đò có quyền lấy “ thủy phí”, nhưng lần nào người lái đò cũng lắc đầu khẽ nói “ Thôi, khỏi. Ði đi.” Người lái đò vốn biết hai thuyền khách là con của một vị quan! Lên tới bờ, hai chị em cuốc bộ đủng đỉnh đi tới nhà bác xã Bảy, nhà cửa lúc bấy giờ còn hoang sơ vắng vẻ, lác đác đây đó vài túp nhà tranh lụp xụp cạnh những lò vôi tỏa khói trắng. Tôi hỏi, chị Ðán cho biết lò đang nung vôi. Những đống đá chưa nung chất đống tỏa mùi tanh tanh ngai ngái đợi lúc người nhà dung búa đập nhỏ hơn thành cục có thể chất vô lò nung chín.
Chúng tôi qua Thủy Xưởng tới nhà bác xã Bảy cốt thu tiền nợ. Ðất tại Thủy Xưởng vốn là đất thổ mộ của ông bà nói cho đúng của ông bà nội tôi. Tôi không rõ nguyên do cuộc đất của ông bà nội là “đất thổ mộ”, như xe ngựa ngày trước chạy lăn trên đường được gọi là “xe thổ mộ”; và ngày nay,Ty Nhà Ðất, Ty Ðịa Chính tại thành phố tại huyện tại phường được đặt tên vạt đất hiện người dân và gia đình đang ở là “đất thổ cư”(!) Gọi “xe thổ mộ” một loại xe ngựa ngày trước, nhỏ, chỗ ngồi dành riêng cho khách chỉ tối đa ba, bốn ghế, khách ngồi bó rọ, co đầu gối, sàn xe được trải bằng một chiếc chiếu nhỏ, bánh xe gỗ, lăn tròn lọc cọc thong dong như khách nhàn du, tới bây giờ rốt cục tôi vẫn không hiểu không am tường thế nào là “ xe thổ mộ”. Tôi nghĩ “đất thổ mộ” còn có thể hiểu được: khu đất tư, dành riêng cho việc chôn cất những người đã nằm xuống như ông bà nội, bác Ấm Sáu( tục danh là Võ Doãn Mân), chú Tú( tục danh là Võ Doãn Khôi), riêng con trai của người em chú bác Võ Doãn Thầm tức Võ Doãn Hối chết lúc còn nhỏ được chôn trên một ngôi mộ nhỏ hình vuông cạnh một gốc me sát cạnh một con đường từ Thủy Xưởng tới ngã ba quốc lộ Một Nha Trang- Thành. Cây me cao, tàn lá um tùm sum sê rợp bóng, những buổi trưa hè oi ả ngồi nghỉ bên gốc me gió hiu hiu mơ màng chợp mắt quên cả đất trời. Giàu tưởng tượng, tôi nghĩ hồn ma trẻ con bản tính vốn lành, không ưa quấy rối chọc phá linh hồn người sống.
Thửa đất “ thổ mộ”có được bao nhiêu gia đình, bao nhiêu hộ xúm xít quần cư? Tôi thấy khó mà nhớ được. Theo ước đoán, thửa đất ấy rộng độ hai hoặc ba mẫu đất, mẫu ta, không phải mẫu tây, hình dáng khuôn viên không nhất định, na ná giống thửa đất hình chữ nhật lệch.Ðể tôi kể những gia đình được cha mẹ tôi mướn đất cất nhà và cả nhà lao động sinh nhai trong gian nhà ấy: gia đình ông bà xã Tương, gia đình ông bà giáo Thuyên, gia đình chú thím Ba Giỏi, gia đình chú thím Chín Cúc và sau hết gia đình hai bác Xã Bảy.
Gia đình ông bà Xã Tương, gọi là ông bà xã bởi ông được làm chức lý trưởng tại khu Thủy xưởng làng Phước Hải. Tôi biết rất ít, rất “ nghèo nàn”về gia cảnh gia thế của ông bà xã Tương. Tôi chỉ biết đó là một gian nhà gạch nom khang trang sáng sủa. Tôi không hề thấy bà vợ của ông xã Tương, chỉ thỉnh thoảng năm thì mười họa thấy gương mặt ông lúc nào cũng đỏ gay có lẽ vì sâu rượu.
Gia đình hai ông bà giáo Thuyên được thuê một vạt đất nhỏ cạnh góc “ đất thổ mộ”. Nhà hai ông bà giáo là một gian nhà gạch, tôi chưa hề thấy gian nhà, mà tôi cũng chẳng bao giờ thấy ông giáo Thuyên đến chơi nhà cho biết. Tôi nghĩ vì là một nhà giáo mô phạm, ông không lân la chuyện vãn hàn huyên với láng giềng chòm xóm.
Tiến, bạn nối khố của tôi từ hồi còn nhỏ theo ông giáo Thuyên học hè. Ông giáo thu nhận học sinh trên dưới độ ba mươi tên. Môn học hè chủ yếu là trau dồi các môn chính Toán và Việt văn. Biết tôi học khá môn Việt văn( riêng Toán thì tôi hơi yếu), Tiến thường học thuộc lòng, cốt ý là để tôi nghe Tiến học bài nghe rổn rang, chỉ nghe qua vài ba bận tôi cũng thuộc mãi tới ngày nay; nếu bạn muốn, tôi sẽ đọc vanh vách cho mà nghe. Bài thứ nhất là bài “ Người đi đày”, bài tiếp theo là bài “ Hội đền Hùng”, tất cả đều được trích trong “ Việt Ngữ”.
1.- “ Lang thang vơ vẩn trên đường,
Lưu ly bao quản tuyết sương lạnh lùng.
Trêu người chi bấy Hóa Công?
Thân người sao hãm vào trong tội này.
Người quen kẻ lạ là ai,
Trông người người lạ nào ai trông mình?
Ngán thay cái kiếp lênh đênh,
Một mình vò võ xót tình phu thê.
Vui thay những khách đi về,
Ði về cái chốn chốn quê quê mình.”
2.- Cõi Nam riêng một góc trời,
Hùng Vương gây dựng đời đời nghiệp vua.
Phong Châu là chốn kinh đô,
Chia mười lăm quận bản đồ minh mông.
Trứng Rồng lại nở ra Rồng,
Ngàn năm con cháu vốn giòng Lạc Long.
Cây kia ăn quả ai trồng?
Sông kia uống nước hỏi nguồn từ đâu?
Quân thân hai chữ trên đầu,
Hiếu trung hai chữ dãi dầu lòng son.
Ba tòa chó vót dầu non,
Ngàn sau hương khói vẫn còn thơm lây.
Trời cao bể rộng đất dầy,
Sông Thao núi Tản chốn nầy làm ghi.
Bốn bề cây cối xanh rì,
Nhìn xem phong cảnh khác gì Ðào Nguyên.
Ðường mây sẵn bậc bước lên,
Rõ ràng lăng miếu mẹ Tiên cha Rồng.
Năm năm mở hội đền Hùng,
Tiếng tăm lừng lẫy nức lòng gần xa.
Nước non vẫn nước non nhà,
Hai mươi lăm triệu cùng là anh em.
Ai ơi xin dốc một niềm,
Gây nền đoàn thể lên thềm văn minh.
Tiếp theo là gia đình của vợ chồng chú chín Cúc. Vợ chồng chú trú ngụ tại một nếp nhà tranh, tôi đã hơn một lần ghé nhà chú thím chơi. Nhìn gia cảnh chú chín, tôi biết nhà chú thím đều nghèo, nhưng với trí xét đoán của một tâm hồn con trẻ, tôi có thiện cảm đặc biệt vợ chồng chú thím. Vợ chồng chú thím chín Cúc theo đạo Cao Ðài, trên bàn thờ, tôi thấy chú thím thờ một Chúa nhưng là Chúa một mắt. Về sau tôi hiểu lờ mờ Chúa một mắt trong đạo Cao Ðài tượng trưng cho sự thông suốt thấu hiểu mọi sự. Ðôi lúc tôi cũng len lén chú ý quan sát chú chín Cúc, chú vẫn có hai mắt bình thường, riêng vợ thím chỉ có một mắt.
Nghề sinh nhai của vợ chồng chú thím Cúc không ai tường tận biết rõ. Tôi có một chuyện quên nói: vợ chồng chú không có một mụn con nào, trai không, gái không. Ấy vậy mà sự hòa thuận trong gia đình chú vẫn hiện rất rõ nét, chồng xướng vợ tùy, vợ nói chồng nghe, nhà tranh vách lá, ngoài nhà chỉ mỗi một vài lãnh đất trồng rau bón cải, vợ ở nhà nghỉ, chồng làm, không một tiếng than dài thở vắn.
Lâu lâu, chú chín Cúc xắn quần lội qua sông tới nhà thăm cha tôi và thường mang theo quà biếu “ quan”. “ Quan” đây là cha tôi, nay đã về hưu, suốt ngày cha tôi chỉ quanh quẩn ở nhà trồng hoa ngắm cảnh. Chú Chín ăn mặc giản dị không cầu kỳ hình thức: một cái quần cộc, một áo cộc tay trắng, trên đầu vấn khăn trắng gọi là khăn tai chó, đi chân đất, tay chú xách lủng lẳng hoặc một xâu cua chú thân hành đào được hoặc một con cuốc đánh bẫy được trong sát dừa nước. Thỉnh thoảng chú cũng xách theo một xâu sắn, cốt ý cho tôi ăn sắn giải khát. Riêng chú Chín vẫn lễ phép chuyện vãn đối đáp cùng cha tôi, chuyện trời nắng trời mưa, chuyện mưa thuận gió hoà, chuyện trồng hoa hưởng Tết. Câu chuyện gọi là “ giao lưu” giữa cha tôi và chú chín Cúc chẳng khác chi câu chuyện “ giao lưu” giữa cha tôi và chú Tư Quýnh. Hồi tưởng lại lúc còn sinh tiền, tôi thấy chú tư Quýnh mà lấy làm thương:người chú gầy, thấp bé, hói, hai mắt kém, nhìn vô đôi mắt chú chỉ thấy toàn lòng trắng, mỗi khi muốn đi đâu phải dò tìm đường bằng cách đưa bàn tay che ánh sáng. Mỗi khi chú cần ra ngoài lối xóm là cả một phiêu lưu mạo hiểm. Chuyện thật cần, chú mới đi, còn không, chú ở nhà. Một bận tôi thấy tận mắt lúc về nhà chú không biết rõ đường đi nên chú loay hoay mãi ở trong bụi tre! Tôi không rõ kế sinh nhai của chú tư Quýnh như thế nào, tôi chỉ biết hằng ngày chú phải đóng giường tre, bện dát giường cũng bằng tre cho những người cần đến. Ấy vậy mà chú tư Quýnh vẫn còn đủ sức bắc thang lên một bụi tre đầy gai nhọn, rồi đẵn tre ngã, rồi rong sạch cành lá, xong đâu đó chú khuân về nhà. Không một người nào trong gia đình chú, từ vợ chú là thím Tư, con gái chú chị Hai Em, con rể chú Nguyễn Ðồng tới những đứa cháu ngoại Thu Ngâm Sang Giàu Có chịu khó giúp người chồng người cha, nhạc phụ, ông ngoại đã luống tuổi đỡ đần một tay. Mỗi khi chiếc giường tre cái dát giường, chú lại khệ nệ giao cho người đặt thuê tận nhà, chú được trả bao nhiêu tiền công sức lao động, tôi không biết, tôi nghĩ không nhiều.
Thỉnh thoảng, chú tư Quýnh cũng chịu khó lần dò từng bước từ nhà chú tới nhà tôi thăm cha tôi, cũng vẫn ngần ấy chuyện trời mưa trời nắng, tứ thời bát tiết xuân hạ thu đông. Rồi một hôm, tôi chợt thấy lâu nay tôi không thấy hình dáng của chú tư Quýnh đâu nữa, chắc chú đã âm thầm lặng lẽ ra đi không một lời trăn trối, cũng như chú và thím chín Cúc.
Tôi còn nhớ niềm vui độc nhất của chú tư Quýnh: giăng bẫy chim cu, cu lửa và cu cườm.
Còn lại là vợ chồng anh ba Giỏi. Dòng dõi lai lịch gốc gác của anh ba Giỏi tôi chỉ biết vợ chồng anh ở từ lúc nào. Tuổi còn trẻ, tính tình hiền lành ít nói, anh sinh sống bằng vườn rau luống cải. Thỉnh thoảng, anh cũng ghé lại nhà tôi thăm. Những dịp gần Tết, anh chịu khó nghỉ tay một ngày, cùng mẹ tôi và các anh các chị khác đi tảo mộ dòng họ tổ tiên ông bà ngay tại nhà và tại khu Gò Tràm thuộc địa giới xã Vĩnh Xuân, nơi lượn quanh một khúc sông rộng, có một rừng chà là, ban ngày ban đêm lúc nào dân cư ven sông cũng nghe tiếng gọi eng éc của bầy rái cá. Cho tới một ngày nào hoặc một năm nào đột nhiên tôi không còn nghe tăm hơi tin tức gì về gia đình anh ba Giỏi, về gia đình thân thuộc chú thím chín Cúc. Những người ấy chắc đã âm thầm lặng lẽ ra đi “sống gởi chết về”.
Giờ đây tôi phải kể lể khá dài dòng về việc mướn đất xây nhà của gia đình bác xã Bảy. Bác trai, chồng bác xã Bảy gái mất sớm( hơn bác gái),gia đình bác gái sống xúm xít quây quần trong một gian nhà mái tranh vách lá nom khá khang trang sạch sẽ. Gia đình bác gái có năm người con, tất cả toàn con trai không có con gái. Người con lớn nhất tôi không biết tên gì, chỉ biết tên Chó Con(!)đã có gia đình chưa có con. Người đàn bà vợ anh Chó Con là một thiếu phụ còn rất trẻ dáng cao dong dỏng, mắt hơi loét, miệng lúc nào cũng nhai trầu tỏm tẻm răng đen nhánh. Tiếp theo là Thừa, Trọng, Khanh, Luận. Tôi nhớ vụ hè độ nọ, anh Trị tức anh Cường, gọi mẹ tôi là dì ruột có mở lớp dạy hè nôm na là lớp” ba căng”tức lớp “ vacances”( hỗn danh này do chú Ba Khà láng giềng nhà tôi phát minh!), hai người trai kế tiếp xin theo học: Khanh, Luận.
Ăn cơm mới nói chuyện cũ, song thân tôi lại thích làm mai dong, thích làm ông tơ bà Nguyệt dựng vợ gả chồng cho... đôi trẻ. Như song thân chịu làm ông mai bà mai cho con gái ông bang tá Nguyễn văn Cẩm, kết duyên cùng con trai ông bà Nguyễn An. Như mẹ tôi rỉ rả to to nhỏ nhỏ giới thiệu khuyến khích làm mai con trai bác xã Bảy gái là anh Thừa xin được kén rể đông sàng cùng cô thiếu nữ hơ hớ xuân tình là chị Muộn, ái nữ của cô Hai Tho. Sở dĩ song thân tôi lắm mgười tin cậy xin làm mai mối bởi hai song thân ấy vốn là vợ chồng song toàn, lắm con nhiều cháu. Nhưng phần nhiều những cuộc hôn nhân ấy đã không tròn duyên đẹp phận như thị phi thiên hạ thường nghĩ, cơm đã không lành, canh đã chẳng ngọt, cảnh vợ chồng gấu ó thường xuyên cơm bữa khiến bác xã gái gần xa bóng bẩy trách móc; riêng hai ông bà Nguyễn An vì ở tận Phan Thiết nên không thể lên tiếng trách móc ông Tơ bà Nguyệt được. Kể từ đó, mẹ tôi không hề nghĩ tới chuyện làm mai làm mối nữa, âu cũng là một cách sống, nhưng chẳng may “ làm ơn mắc oán”.
Từ trong nhà nhìn bao quát ngoài, tôi không thấy đâu là giới hạn là địa phận của khu đất mướn. Vạt đất ngay trước mặt bác xã gái có thể là vạt đất của ông giáo Thuyên, có thể là vạt đất của gia đình xã Tương, cũng có thể là vạt đất của gia đình vợ chồng chú chín Cúc nhưng chẳng có ai xác định là vạt đất của bác xã Bảy, cứ như là công thổ! Như thể là đất công sản: đất chung, tài sản chung. Có lẽ những khi canh tác trồng trọt, những gia đình trong hộ đã mặc nhiên chấp nhận những vạt đất được khai thác, được thu hoạch. Ðất của chúng tôi, không phải của các người. Trước mặt ngôi nhà tôi đếm nhẩm có được năm lãnh đất, mỗi lãnh đất ước độ mười thước vuông, cao non một thước được cày cuốc xới ải ẩm ướt. Trên mỗi lãnh đất gia đình trồng những loại rau chủ yếu là xà lách, cải, tần ô, ngò, củ cải trắng, cà rốt, cải rổ, vân vân. Cạnh giếng là một hồ nước mát chứa đầy, tôi đoán chừng những người con sẽ tưới những lãnh rau cải. Khi nắng bắt đầu xế, hơi nóng vào lúc này đã dịu, mấy người con Khanh, Luận ra sân vườn khởi sự tưới cây, tôi lặng lẽ ra coi làm việc. Khanh bước ra sân sau, mang trên hai vai hai cái bình tưới có gắn hoa sen, nghiêng bình tưới vục nước vào cái hồ. Khi bình tưới đã đầy nước, Khanh tiếp tục vục đầy bình tưới thứ hai. Khanh bước nhanh tới tận lãnh rau nghiêng bình. Nước tỏa ra như mưa, tung bắn khắp mọi phía, tôi thấy tưởng như trời đất đang đổ cơn mưa rào và tôi cũng thấy những liếp cải xà lách đang tắm mưa ướt sũng, cơn nắng nóng giờ này tan biến. Sau lúc tưới rau cải buổi chiều, Khanh khệ nệ quay hai bình tưới đặt vào mái lá, chuẩn bị việc tưới nước vào ngày hôm sau. Sau khi hai chị em tôi nhận trả tiền ba năm mướn nhà và trước lúc hai chị em chào từ giã bác gái ra về, gia chủ sai chúng tôi biếu một mớ rau xà lách, cải hăng, ngò, cần ta, một ít củ sắn cột cẩn thận bằng dây chuối mang tòn teng về nhà.
Mỗi lần Tết sắp đến vào dịp cuối năm, một số gia đình ở thôn Thủy Xưởng thường có thói quen đem biếu “ légumes” cho gia đình tôi ăn Tết. Người bình dân ít được học thường gọi “légumes” là “ la ghim”. Mẹ tôi gọi “ légumes “ là “ đồ mộc” gồm cải non, xà lách, ngò, tần ô, cần tây, cần ta, củ cải trắng, cà rốt, xu hào, ớt sừng, ớt chỉ thiên,lá tía tô, ba rô, vân vân. Một ngày đẹp nắng, mẹ tôi liếc lại con “dao con chó”vốn sắc như nước, chọn những củ cải trắng, những củ cà rốt đỏ tươi, những trái đu đủ xanh, những củ hành, những củ kiệu cũng rất tươi, gọt vỏ, chẻ từng miếng nhỏ bằng lóng tay xong đem phơi nắng. Mẹ tiến hành làm những thẩu dưa kiệu, những thẩu dưa món.
Sau năm 75, mẹ tôi bị mặc nhiên mất đất thổ mộ khá nhiều về những tay trong các gia đình, đặc biệt là gia đình bác xã Bảy. Sau khi chính quyền miền Nam Việt Nam tan hàng, các người con Thừa, Trọng, Khanh, Luận, đua nhau cất nhà gần như công khai khỏi cần xin phép khỏi phải báo trước ngay tại vạt đất bác xã Bảy từng thuê ngày nào.. Từ ngày cha tôi mất đi, đất thổ mộ không còn được trả tiền mướn đất làm nơi canh tác nữa. Mẹ tôi và các con không một người nào lên tiếng đòi tiền mướn đất. Từ nay đất thổ mộ thành đất thổ cư, có kẻ trông nom, có người quản lý. Ðất đai của tổ tiên cha ông ngày trước đã dày công mua tậu, giờ này con cháu của tổ tiên ông bà phút chốc hóa ra trắng tay. Suy cho cùng cổ nhân cũng khá chí lý bởi một khi nằm xuống,, dòng họ tổ tiên nào có đem theo được gì.
Tôi liên tưởng hoàn cảnh “ Bán nhà” của nhà thơ bất phùng thời Trần tế Xương mà cám cảnh viết thành bài thơ ngũ ngôn dưới đây, không phải “ Bán nhà” mà là “ Mất đất”:
Bạn hỏi: “ đất thổ mộ”?
Tớ đáp: “mất hết rồi!”
Gia đình đi biệt xứ,
Vàng son hết một thời.
“ Chết không một nấm mộ(1)”
Ðời vật đổi sao dời.
Ðất từ thời thượng cổ,
Trả lại César(2) thôi.
Ðất từ bao đời tổ,
Cháu con sống một nơi.
Anh em người viễn xứ,
Ngóng cổ ngước nhìn trời.
Không một nấm mồ, Mort sans Sépulture, tác phẩm của Jean-Paul Sartre.
(1) Ngạn ngữ Tây phương: cái gì của César hãy trả lại cho César.
Tôi xin trở lại miếng đất gò Tràm, thuộc địa phận xã Vĩnh Xuân. Vào độ trước hoặc sau ngày hai mươi ba tháng chạp, thời điểm rục rịch chuẩn bị Tết, mẹ tôi, các anh các chị tôi và anh ba Giỏi cùng đi dẫy mả tức tảo mộ. Buổi sáng việc tảo mộ ở Thủy Xưởng hoàn tất, mọi người về nhà nghỉ ăn trưa, sau đó công việc tảo mộ buổi xế chiều được tiếp tục tại gò Tràm. Nơi đây mọi người đều chịu khó đi bộ, từ quốc lộ Một xuống tới địa điểm biển phân chia địa giới NHA TRANG, nơi mấy gốc muồng thân cao bầy chim tỉ tê to nhỏ gió lồng lộng từ đồng xa thổi về. Tới tấm biển, chúng tôi lội xuống ruộng băng đồng. Một khoảng xa độ hai trăm mét, chúng tôi tới gò Tràm, một vùng đất khô, nền đất cao, đây đó rải rác dăm ba ngôi mộ, đó là mộ bà nội “đích” và ngôi mộ chị Tư Giàu. Bà nội “đích” là bà nội “lớn”, là bà nội... chánh thất. Sau khi bà mất, ông nội tôi tục huyền. Tôi nhớ họ và tên bà nội... thứ thất( Lê thị Hớn) nhưng không biết họ tên bà chánh thất. Mộ bà nội “đích”được xây bằng đá vôi, to lớn, nhìn vào ngôi mộ rất giống ngôi mộ người Hời.
Mộ chị Tư Giàu là ngôi mộ được xây khá độc đáo, được chính chồng chị anh Tư Khôi trông coi chăm sóc cẩn thận. Mộ được xây bằng đá chẻ, bên ngoài có lối đi, quét nước vôi màu hồng nhạt. Chị Tư không may mất sớm lúc còn trẻ vì bị sản hậu.
Gò Tràm! Tôi vốn có kiến thức lờ mờ về gò tràm, nhưng từ lúc nhỏ tôi đã ăn qua nấm tràm rồi. Nấm tràm là tên một thứ nấm. Nấm tràm được hái đem về nhà rửa sạch, nấu canh. Tôi nếm ăn thử, rất béo. Thật tình tôi không mấy khoái khẩu bởi tôi thấy nấm tràm hơi lạ miệng. Nói nào ngay, tôi chưa bao giờ chứng kiến nấm tràm tận mắt.
Trải qua hơn nửa thế kỷ, biết bao vật đổi sao dời, hai ngôi mộ bà nội “đích” và mộ chị tư Giàu giờ đây có lẽ đã trở thành điêu tàn hoang phế, cuộc sống đổi đời. Gò Tràm chìm đi trong quên lãng không ai ngó ngàng nhắc nhớ. Dân số mật độ ngày càng tăng, diện tích đất đai ngày một thu hẹp, người người tranh nhau chiếm lĩnh từng thước đất sống còn. Mả mồ được cải táng theo văn thư của chính quyền, được san bằng làm đường sá chợ búa cùng những cơ sở hạ tầng. Ít ai bận tâm biết rằng ngôi nhà hiện giờ có một chiếc giường gỗ được đóng ráp theo kiểu hiện đại tân thời tiện nghi tân kỳ độc đáo là ngôi mộ ngày xưa của bà nội “ đích”, là nơi yên nghỉ cuối cùng của người chị vắn số Tư Giàu. Chẳng người nào còn nghĩ tới những vườn rau, những luống cải những người chồng, những người vợ, những đứa con phải cong lưng rụt cổ tưới nước vào mỗi buổi chiều khi tà dương nhạt nắng. Tôi chấm dứt bài viết bằng câu truyện xa xưa, câu truyện được thuật lại như một trí nhớ hoang đường.
Ðỗ văn Gia Ðỗ văn Hội là anh em sinh đôi, con chị Tư Giàu không may chết sớm, được chăm nom nuôi dưỡng chu đáo bởi người kế mẫu, bởi người cha không chịu thấu cảnh gà trống nuôi con. Từ lúc còn tấm bé, Gia và Hội được người cha đem về nuôi ăn học tại khu gò Tràm Vĩnh Xuân, được người đàn ông thường gọi “chú Hai” còn độc thân có bổn phận canh chừng trông coi hai đứa trẻ.
Tôi nhớ một buổi sáng sau khi người cha chèo ghe đi làm ở sở Lục Lộ, ở nhà còn hai anh em và chú Hai, chợt có tiếng vỗ tay reo vui từ gian nhà ngoài của Hội:
- A ha. A ha. Chú Hai ơi, chú Hai ơi, anh Gia làm sổ con nhồng, về méc cậu.
Thấy không ai trả lời đối đáp, gian nhà im lặng, Hội nóng ruột:
- Anh Gia, sao anh không chịu kêu con nhồng đi xuống?
- Mặc tao. Kệ tao. Mắc mớ chi mi mô.
- Mắc mớ. Bộ cậu đi làm về cậu chỉ đánh đòn một mình anh sao, còn tui... chi?
Xin nói thêm: anh Tư Khôi người cha của Gia và Hội người Huế, nói tiếng Huế rặt. “ Mắc mớ chi mi mô”Gia đối đáp cũng theo giọng Huế./.
Tiến thân,
Mình gửi Tiến truyện ngắn Vườn Rau để nhớ lại những ngày thơ ấu, trong đó có bài ỏ Bà Mẹ quê của Phạm Duy. Nuôi đàn, nuôi đàn gà con chắt chiu, tức là nuôi mấy đứa con nhỏ đó nghe cha. Nhẫn.
Võ Doãn Nhẫn
Ý kiến bạn đọc
Vui lòng
login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin
ghi danh.