Tùy bút - Bút ký
Thị Trấn Ðơn Dương.
Võ Doãn Nhẫn *
đăng lúc 04:44:29 PM, Jul 28, 2008 *
Số lần xem: 1738 Thị Trấn Ðơn Dương.
Chiếc xe đò chở khách ngừng lại, để hành khách và hàng hóa xuống xe. Ðã quá trưa, khí hậu đã bắt đầu trở lạnh. Tôi lấy tấm áo ấm khoác ra ngoài.Trời không mặt trời trưa nay, nhiều mây trắng. Tôi đưa mắt nhìn quanh, lơ đãng đợi chờ.
Niên khóa này, lần đầu tiên tôi đưa con tôi lên trường đại học. Vô trường đại học, ban toán, chỉ là cầu may,vì con tôi không thuộc diện gọi là “diện đào tạo”.Tôi chuẩn bị nộp đơn xin xuất cảnh sang Mỹ cho toàn bộ gia đình. Sở Giáo Dục phải cho nghỉ việc. Nộp đơn vô ban Toán nhưng thật ra ban Lý, vì thí sinh trúng tuyển không đạt tiêu chuẩn chiêu sinh đành phải lấy thêm tuyển sinh.
Chiếc xe đò tiếp tục nổ máy bốc dỡ hành lý, tôi ngồi đợi chờ kiên nhẫn, nhìn quanh.Trời đất đìu hiu, quanh toàn mây trắng. Con đường đất đỏ lượn trên lớp lá thông khô chạy dài mút mắt.. Rải rác vài gian nhà gỗ chơ vơ buồn bã tiều tụy nằm ngổn ngang trên mấy đống gạch vụn.
Trong một khoảng sâu chừng một trăm mét, một gian nhà nhỏ nằm khiêm tốn cạnh mấy chòm cây... không tên tuổi .Có thể đó là khóm thông, có thể là cây so đũa, cây mận, cây chùm quân . Một gian nhà gỗ ván thông dày, màu nâu, sơn xanh, ngói đỏ. Ngoài chiếc hành lang gỗ đưa lên tam cấp mấy bực thềm nhà cũng toàn bằng gỗ.Vườn cây râm bóng mát gió thổi rì rào, đưa đẩy. Không một tiếng chim trong cảnh xế trưa, không một bóng người, tiếng nói trẻ con, tất cả đều đi làm đồng áng. Trời đất thanh bình, vườn cây êm ả; người ta không còn thiết đến lao động là gì mà chỉ nghĩ đến nhàn hạ nghỉ ngơi. Nằm trong nhà trên giường tre bên cửa sổ,tôi lười biếng tưởng tượng nghe chim hót trong khóm cây, bên bức tường hoa nắng lung linh hoa soan màu tím nhạt, mơ màng nghe nhạc khúc Chiều Tà. Chỉ một mình tôi. Chỉ một tiếng chim ca .Chỉ một mình nhạc khúc. Thù ghét chiến tranh.Adieu aux armes. Farewell to Arms. Vĩnh biệt vũ khí. Les Dimanches de la ville dõAvray.Và quên đi tất cả.Tôi quên mất những ồn ào phiền toái ở nhà trường khi phải ghi danh con tôi nhập học, ghi danh xin nội trú ăn ở lạ quen. Tôi cũng không biết những khó khăn cùng tiện nghi trong những ngày sắp tới.
Chiếc xe đò rời Ðơn Dương đã từ lâu mà tôi vẫn tiếp tục cuộc hành trình mơ mộng Tôi vốn làm nghề dạy học cấp 2, môn Văn. Vào những năm lớp Bảy , lớp Tám , tôi không thể nào quên đươc những bài Giảng Văn, những bài Chính tả tôi đã thuộc nằm lòng từ trong tiềm thức: làng Từ Lâm.
Tôi đến một nơi gọi là Từ Lâm. Xa xa toàn là núi, ngọn nọ ngọn kia không dứt. Núi màu lam buổi sáng, buổi chiều mây bay sương phủ.
Từ Lâm là một làng nhỏ ở trên đồi, vẻ đặc sắc là rất tĩnh . Có con sông con, sắc nước trong xanh, chảy từ từ trong lòng cát trắng.
Tuy không phải là nơi danh thắng, non không cao, nước không sâu, nhưng có vẻ đậm đà, điều độ, ân ái, dễ xiêu lòng người. Tôi không úy phục, tôi không say đắm, nhưng tôi dễ nhận, dễ yêu như một nơi quê hương, xứ sở.
Một hôm, tôi ở dưới làng lên đồi chơi. Ði men sườn đồi, thấy cái vườn dâu, cành lưa thưa như bức mành lá xanh. Giữa vườn có nóc nhà lá, theo ngõ con đi vào thời thấy sáng sủa , phong quang.
Hôm ấy về mùa đông mà trời nắng, gió thổi lá dâu phất phới, lòng nhẹ nhàng vui vẻ. Nỗi vui như chan chứa, tưởng không bao giờ có thể hết vui được nữa.
Trông xuống dưới, cánh đồng xa xa, dãy núi mấy chòm cao, cây xanh chùm đến ngọn, làn khói như sợi tơ lên mù khơi. Dòng sông uốn quanh chảy lại, sắc trong, trong mãi không cùng.
Ðồng lúa xanh kéo đến tận phương trời.
Nhất Linh
( Người Quay Tơ)
Rồi tôi lại nhớ đến nhưng bài ngày xưa, lúc còn học tiểu học, lớp Nhì, trường tư, lớp hè, cô Lại thị Giáp. Cô Giáp lúc ấy vừa mới đậu Tiểu học, tôi cũng mon men cắp sách đến nhà. Tôi nhớ bài chính tả và học thuộc lòng:Mưa dầm vui cho ai, buồn cho ai?
“ Này như kẻ làm việc quan, gặp độ mưa dầm, công đường rảnh việc, ngồi trong tư thất, xum họp vợ con, cậu nọ mợ kia,tổ tôm tài bàn, suốt ngày suốt buổi, kẻ hầu người hạ, chạy trước chạy sau, nước dẫn cơm hầu, của ngon vật lạ, chè Tàu đắp giọng, thuốc lá cầm hơi, chuyện chuyện trò trò, cười cười nói nói, thế thì mưa dầm thật sướng và thật vui.
Như người giàu có, gặp khi mưa dầm , khí trời mát mẻ, khách khứa ít vào, cửa nhà đỡ rộn, mở hòm mở tủ, kiểm bạc kiểm tiền, rỗi thời rỗi giờ, tính công tính nợ, ông be rượu cúc, bà chén chè sen, nhà dột không lo, đường lầy mặc kệ, thế thì mưa dầm cũng thật sướng mà thật vui.
Ðến như những người bể hoạn mênh mông, quan san nghìn dặm, gốc phần xa cách, vò võ một thân, gặp cảnh mưa dầm, ra lầy vó ngựa, vào ướt bánh xe, gối tuyết tắm mưa, bên trời góc biển, rồi mà động lòng tha hương cố quốc, đường đi lối lại ngổn ngang, nghĩ ra ngõ lợi đường danh, gót mỏi chân chồn chán ngán, như thế thì mưa dầm thật buồn.
Lại còn những kẻ đi buôn đi bán gặp cảnh mưa dầm mà đến nỗi hàng hóa không tiêu, mất cả lời này lãi khác. Tháng ngày ngồi rỗi, ăn vào bạc vốn tiền lưng.”
(Trích Quốc Văn Sơ Học Ðộc Bản)
MĂa dầm vui cho ai và buồn cho những ai? Tôi thiết nghĩ: mưa dầm không tạo ra những nỗi vui nỗi buồn cho ai cả. “ Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu, mưa dầm cảnh có vui đâu bao giờ ”, tôi mạn phép mượn tạm hai câu thơ của Nguyễn Du, nói lên cảnh vật thê lương vào tiết mưa dầm. Mưa dầm gió bấc, trời tiếp tục rả rich từ không gian xám xịt rơi xuống, gió rét liên tiếp vì vèo thổi triền miên vô tận, đất trời ủ dột. Vạn vật vốn vô thường, sắc sắc không không. Vạn vật vô thường vì vạn vật vô ngã, không Tiểu Ngã, không Ðại Ngã, mưa dầm gió bấc tất sẽ không vui không buồn, tâm thức tất an nhiên tự tại. Ta sẽ tự vấn: nhà thơ cổ đại Tưởng Tiệp nhìn cảnh mưa rồi tức cảnh vui hay buồn?” Thu về theo trận gió Tây; nghe đến đây trong ngôi chùa cô độc, nhìn mưa tí tách trước thềm hoang ”.
Việc nơi ăn chốn ở nơi một ký túc xá nội trú đã được thu xếp tạm xong. Ðó là một ký túc xá của các sinh viên chúng tôi ngày trước, một dãy bâtiment C, chúng tôi được tổ chức trang hoàng khá đầy đủ, từ mùng màn chăn nệm đến giường tủ bàn học. Người quản lý trông coi khuôn viên đại học trước đây là trung úy Thành. Ông nguyên là sĩ quan trường võ bị quốc gia Ðà Lạt, dược biệt phái phục vụ sang viện đại học Ðà Lạt. Sau năm 75, viện đại học Ðà Lạt tan tác như gà mất mẹ, các linh mục, các giáo sư giảng dạy vội vã thu xếp hành trang về nước, trường học giờ đây chính quyền được bàn giao cho một hiệu trưởng mới. Ký túc xá nội trú khu bâtiment C ngày trước giờ đây được đổi thành tên mới.
Ngày hôm sau, tôi thu xếp chuẩn bị về lại Nha Trang sau khi dặn dò người con ở lại học hành, chỉ còn hai ngày nữa là tựu trường. Trong thâm tâm, vợ chồng chúng tôi trước đây tuy lo buồn vì ông hiệu trưởng trường phổ thông trung học cấp ba Hà Huy Tập Nguyễn Ngô Tùng cho tôi biết con trai ông dù có thi tuyển sinh vô đại học vẫn không một mảy may hi vọng đậu vì bộ giáo dục không thuộc chính sách đào tạo, đã khấp khởi mừng thầm, vì đã có một lối thoát nhất thời cho con. Nếu ngày sau gia đình chúng tôi có được nhà nước chấp thuận cho đi đoàn tụ, việc giải quyết cho người con không khó: trả lại chính phủ nhà nước tiền chi phí ăn học bấy lâu, và cũng trong thâm tâm vợ chồng chúng tôi vẫn thắc mắc không hiểu tại sao con tôi không thuộc diện đào tạo lại được cho vào danh sách các tuyển sinh... trúng tuyển? Một dụng ý của hội đồng thí vụ cho thí sinh trúng tuyển? Tôi không tin điều ấy bởi lẽ khi một gia đình đầy đủ con cái nộp đơn xin xuất cảnh thì coi như “ đời tàn trong ngõ cụt”. Một sự dễ dãi khoan hồng? Tôi cũng không tin vì nhà nước luôn luôn đề cao cảnh giác thù trong giặc ngoài. Tìm lý lẽ không ra, tôi đành kết luận: cứ học đi đã, nếu được ra nước ngoài, hạ hồi giải quyết.
Buổi chiều hôm ấy, hai cha con cùng nhau từ giã ký túc xá, về khách sạn nôm na là về phòng ngủ để chia tay. Tôi dúi người con thêm một ít tiền chi tiêu vặt và ăn quà sáng, có lẽ giờ đây nhà trường chưa kịp chuẩn bị nơi ăn chốn ở. Hồi tưởng gần sáu mươi năm về trước, lúc đặt chân lên trường đại học sư phạm Ðà Lạt đầu tiên, tôi đã nghe nhà trường đã trông coi quản lý khá chu đáo về việc điểm tâm sáng: cà phê sữa, bánh mì nóng. Buổi sáng, cà phê sữa, bánh mì, hằng ngày, bất di bất dịch. Chúng tôi biết những bữa cơm do nhà thầu quản lý, riết rồi những bữa cơm càng ngày càng kém phẩm chất, ( chúng tôi không muốn nói “ kém chất lượng, một tính từ chẳng có một nghĩa gì sấc!), rốt cục nhà thầu bỏ khế ước cung ứng việc ẩm thực. Lúc chia tay trên con phố khu Hòa Bình, tôi tần ngần đứng lại trông theo. Trời chiều, nắng vàng hiu hắt trên đường Hàm Nghi. đứa con lúc này đã nhập bọn cùng nhóm tân học sinh( từ nay không được gọi là tân sinh viên nữa, nghe nhiễm đầy tính chất tiểu tư sản), như Lạc, như Ðông, như Tuyền, như Thắng. Tới con lộ rẽ ngoặt về trường, đứa con ngoảnh lại lần cuối như thể chào người cha lần cuối, vẫn quần tây dài xanh thẫm, vẫn chiếc áo veston ngự hàn đã cũ, tôi thấy đứa con trai lớn đầu lòng rốt cục vẫn bé nhỏ như ngày nào, chỉ mới mười sáu, mười bảy tuổi. Giờ đây đứa con đầu lòng đã lớn từ khi qua Mỹ, biết bao vật đổi sao dời.
Ba bốn tháng sau, tôi đề nghị rủ nhà tôi lên Ðà Lạt thăm con tôi, vì tôi thấy nhớ nó:
Em chịu khó nghỉ vài bữa chợ lên thăm con, xem nơi ăn chốn ở của con và tình hình học hành của nó ra sao.
Người vợ ngẫm nghĩ một phút, đoạn cất tiếng:
Nhớ con ai cũng nhớ. Em cũng muốn lên thăm nó nhưng em còn phải kiếm sống cả nhà. Ðành rằng chấp nhận ở nhà, nhưng mình phải chịu đóng thuế hàng tháng, ban quản lý Chợ Ðầm không cần biết mình kinh doanh mua bán hay ở nhà, họ chỉ cần nộp đủ thuế là được. Nếu nhớ con, anh cứ đi thăm con, em ở nhà mua bán kiếm sống, được một đồng, đỡ một đồng.
Văy là tôi quyết định đi Ðà Lạt thăm con. Thu xếp hai bộ quần áo vào một túi xách vải nhỏ, mờ sáng hôm sau một mình tôi đáp xe đi lên thành phố cao nguyên sớm. Tới Ðà Lạt, tôi thuê một phòng tại một khách sạn nhỏ gần sát đường phố. Giờ này trời bắt đầu tối, tôi ăn uống qua quít đoạn vội vã đi bộ về phía trung tâm ký túc xá nội trú trường học. Ðường phố ban đêm bắt đầu lên dốc. Ðêm nay có lẽ nhằm đêm rằm nên trăng mọc sớm, con trăng tròn vành vạnh nhô bên trên khỏi đỉnh đồi, một khoảng trời mênh mông bao la bát ngát bao trùm cảnh vật. Khu đại học giờ này chìm trong ánh trăng, tôi đi trong rặng thông trồng trên rặng đồi, lẩn khuất các gian nhà dành riêng những giáo sư giảng dạy ngày trước.
Ký túc xá nội trú giờ này đã sáng ánh đèn điện, người người chuyện trò rôm rả ồn ào. Tôi bước vô một phòng, mọi người quay lại nhìn. Một người biết tôi là thân sinh của Lĩnh liền cất tiếng chào. Hồng Lạc cho biết:
Lĩnh vừa mới ra ngoài tìm bạn, lát nữa sẽ về.
Câu chuyện xoay quanh về việc ăn ở của sinh viên. Nhìn chung, sinh hoạt mọi người đều thiếu thốn, nhất là vấn đề ẩm thực. Nhiều bữa, cơm không đủ cho sinh viên ăn, nhiều người phải cạy cơm cháy để nhai nuốt cho đầy bụng. Nhiều đêm thức khuya học bài, sinh viên đói bụng bèn ra quán mua tô cháo ăn tiếp sức để học. Không có cháo lòng heo cháo gà đâu( nghèo mà ham), chỉ toàn cháo trắng!
Chỉ vài phút sau thì Lĩnh về, bước vô phòng. Tôi vẫn ngồi yên trên giường, kín đáo quan sát người con, vẫn dáng người tầm thước, độ này hơi dong dỏng cao, vẫn mặc chiếc áo veston cũ dạo nào, hai tay đút vào hai túi áo, không thấy người đàn ông kín đáo nhìn con. Sau cùng vì không nhịn được nữa, Tuyền cất giọng:
Lĩnh có biết ai đang ngồi trên gường kia không?
Ðưa mắt chăm chú định thần nhìn trong vài tích tắc sau đó, Lĩnh buột miệng:
Ủa, ba, ba lên hồi nào vậy?
Tôi thong thả, chậm rải trả lời:
Ba vừa mới lên chiều nay.
Mấy sinh viên dợm đứng lên, nhường chỗ hai cha con hàn huyên trò chuyện, tôi vội nói:
Con đã ăn cơm chưa?
Lĩnh cười cười:
Bọn con ăn từ chiều, đến giờ đã thấy đói.
Vậy bọn mình ra ngoài đường ngắm trăng đi.
Hai chúng tôi cùng đứng lên, cả bọn cũng đứng lên đưa tiễn. Bước ra khỏi ký túc xá là bóng tối, một hàng quán còn bóng đèn điện tròn ánh đèn le lói. Chúng tôi sánh vai bước nhanh dưới ánh trăng, đường trăng suông nhễ nhại. Cả hai đều lặng im không nói lời nào, nhường chỗ cho vầng trăng. Tôi chạnh nhớ tới mấy mươi năm về trước, ngày tôi còn đi học tại trường sư phạm này. Những đêm trăng sáng sau khi học bài, tôi thường ra đường trải nhựa trong khuôn viên học xá, một mình tôi bách bộ dưới trăng. Con đường quanh co lượn khúc nhễ nhại trăng vàng rợp bóng hàng thông lặng tiếng reo vi vút bên dưới chân đồi, một mình tôi thả bộ sáng đường trăng, tâm trí miên man nghĩ đến môn Triết Tây phương như trường phái khắc kỷ Zénon, Épicthète, Marc Aurèle( stoicisme) trường phái chủ trương khoái lạc Épirure(épicurisme). Những chiều ngồi học trong phòng, tôi thường bước kế bên cửa sổ đưa mắt nhìn xuống chân đồi. Mùa hè loại hoa hướng dương nở vàng trên một thảm cỏ. Những buổi chiều mưa tôi cũng thích đứng bên khung cửa sổ cốt để... ngắm mưa:“ mưa vẫn mưa bay trên tòa tháp cổ.” Một màn mưa trắng xóa bao phủ đất trời cảnh vật.
Cha con ra tới phố hơn tám giờ, hàng quán và các tiệm ăn vẫn còn rải rác mở cửa. Hai chúng tôi ghé vô hiệu phở Bằng, tiệm phở Bắc khá nổi tiếng. Chúng tôi gọi mỗi người một tô, mặc dù tôi không đói. Lĩnh kêu thêm một tô nữa, tôi biết Lĩnh còn đói.
Chúng tôi ăn vừa xong ra khỏi tiệm thì tiệm Bằng cũng chuẩn bị đóng cửa. Ðường phố giờ này vắng ngắt. Tôi đưa Lĩnh về khu ký túc xá nội trú. Hàng trụ điện thong thả chạy dài theo những bước đi dưới ánh trăng. Chúng tôi nói chuyện quanh trường đại học, đến việc học, đến việc ăn và việc ngủ. Nhìn chung, việc tổ chức cùng sinh hoạt khuôn viên đại học còn thiếu sót, thậm chí vào mỗi bữa ăn, sinh viên mỗi đứa chỉ cần đem theo mỗi một cái muỗng bỏ vào túi quần tây đợi giờ cơm trưa. Không có giờ điểm tâm ăn sáng, chịu khó nhịn đói đi học. Bụng trống nhịn đói càng dễ hiểu bài, thuộc bài. Tới trưa bao tử rỗng bụng lép, dạ dày sôi sục ăn cơm càng ngon miệng. Nhà bàn chuẩn bị sinh viên ẩm thực rất đơn giản và nhậm lẹ: một thau nhựa cơm đa phần là cơm cháy đen, một thau nhựa canh không biết tên canh, có thể canh rau muống pha thêm một vài muỗng bột ngọt còn gọi mì chính, có thể canh..”. toàn quốc”( toàn nước lã, một ít bột ngọt, muối, nước mắm? Còn lâu!) Mỗi sinh viên chỉ cần xúc đầy cơm, trút đầy canh vô tô nhựa, xong đâu đó, ăn, không thịt, không cá, không món xào, không rau đậu. Nếu chưa đủ no thì nhai nuốt thêm cơm cháy, nếu cơm cháy dư, để dành cho heo. Việc bổ sung trau dồi kiến thức đã có sách vở ở thư viện. Giáo Hoàng chủng viện từ viện Ðại Học xuống hồ Xuân Hương đóng cửa từ lâu sau năm 75. Việc giải trí sau giờ học tập thì... tùy nghi!
Chúng tôi bắt đầu leo con dốc nhỏ hướng về khu đại học. Trường trung học Bồ Ðề ngày trước nay không còn nữa, thay vô đó là một ngôi trường mới, ý chừng là cấp Một hoặc cấp Hai.
Trường kia nay đổi tên trường
Trường Trần Bình Trọng đổi trường Chi Lăng.
Tiên học lễ, hậu học văn,
Thật thà, khiêm tốn, cháu ngoan bác Hồ.
Ðường vô cổng đại học nhìn từ xa, vẫn dãy đá đồ sộ kiên cố, vẫn cổng sắt kín cổng cao tường, vẫn hai cổng nhỏ có lối đi vào và vẫn còn một gian nhà nhỏ dành riêng cho bác canh cổng ngày trước. Trên con dốc, không còn một bảng gỗ sơn vàng mà bạn đồng môn Nguyễn Vĩnh Ðể mỗi lần về tới cổng viện đại học là mỗi lần đọc lên theo thói quen gần như theo quán tính một câu nhớ đời: đả đảo Mặt Trận côn đồ Giải Phóng Miền Nam.
Hai cha con song song bước trên con lộ lát sỏi, đường đi gập ghềnh lởm chởm. Lúc này trăng đã lên cao độ ba con sào, tròn vành vạnh. Người cha buột miệng hỏi đứa con:
Ðêm nay có phải đêm rằm âm lịch không con?
Người con bật tiếng cười rúc rich:
Con làm sao nhớ được tháng ngày âm lịch? Tụi con chỉ nhớ ngày tháng dương lịch thôi.
Lĩnh ngước mắt trông lên vầng trăng soi vằng vặc trong lúc đôi chân tiếp bước, Lĩnh giải thích:
Có lẽ đêm nay là đêm rằm thật, con thấy trăng tròn.
Tôi liên tưởng đến hai câu thơ sáu chữ tám chữ “ Thơ Sầu “ của nhà thơ Lưu Trọng Lư. Người đang quay tơ đang dệt vải là một thiếu nữ đôi mươi, một mình ngồi trên khung cửi, không song thân, không anh em chị em, không bạn bè láng giềng hàng xóm, không bạn trai, âm thầm làm việc, có lẽ giờ này mọi người đều yên giấc. Quý độc giả thử phỏng đoán người quay tơ dệt vải là một thiếu nữ đẹp, duyên dáng mặn mà? Tôi không biết, chỉ phỏng đoán: một người con gái cỏn tương đối trẻ, đảm đang, không đẹp, nhưng duyên dáng yêu kiều mộc mạc.
“ Vầng trăng từ độ lên ngôi,
Năm năm bến cũ em ngồi quay tơ...
Hằng năm tiếng lụa đưa theo
Ðêm đêm gió rét đưa vèo trong cây.
Nhẹ tay nhè nhẹ đôi tay
Hương thơm lối xóm bay đầy thinh không.”
Tới bên thềm hiên khu ký túc xá, tôi định chia tay từ giã Lĩnh, ngày mai tôi giã từ Ðà Lạt về Nha Trang sớm nhưng Lĩnh đã vội vã bước vô phòng học rồi quay trở ra, mang theo tập giấy.
Con sẽ ở lại và sẽ ngủ với ba, con đem theo bài tập Toán con đang làm dở, về phòng con làm tiếp.
Hai cha con trở lại phòng ngủ Hoa Lan trên đường Hàm Nghi. Hai người trở nên im lặng, không nói,( phải chăng không còn gì để nói?), để mặc ánh trăng soi. Tôi lại liên tưởng( lại... nữa!) đến đêm trăng trên bến Tầm Dương của người ca kỷ về già trong thơ thất ngôn trường thiên của Tỳ Bà Hành:
Thuyền không đậu bến mặc ai,
Quanh thuyền trăng dãi nước trôi lạnh lùng.
Về tới phòng ngủ Hoa Lan, bấy giờ đã hơn mười giờ tối, tôi thay quần áo nằm dài ra nghỉ vì loay hoay bận bịu suốt một ngày tôi thấy mệt, trong lúc Lĩnh ngồi trên bàn tiếp tục làm nốt bài tập. Tôi thiếp đi lúc nào không biết; lúc tỉnh giấc, tôi thấy người con nằm bên cạnh tôi cũng ngủ giấc say.
Sáu giờ sáng, tôi thức giấc, làm vệ sinh cá nhân, thay quần áo, thu xếp một ít hành trang bỏ vào trong một túi xách tay nhỏ. Lĩnh cũng trở dậy, thay quần áo và đưa người cha ra tận bến xe tuyến đường Ðà Lạt Nha Trang.
Trên đường ra bến xe, tôi có đưa cho Lĩnh một món tiền tiêu vặt. Sau khi ổn định chỗ ngồi trên dãy ghế hành khách, người con từ giã người cha,trở lại khu ký túc xá nội trú tiếp tục một ngày có lớp ở trường./.
***
*
Ý kiến bạn đọc
Vui lòng
login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin
ghi danh.