Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin
ghi danh.
...Thất thập cổ lai hy...
Phụ Lục:
...Thất thập cổ lai hy...
Có lẽ không ai không biết câu “… thất thập cổ lai hy”. Nhưng lại có lẽ không phải ai cũng biết câu đó là câu thứ tư trong bài “Bến sông II” của thi hào Đỗ Phủ.
Mô tả ảnh.
Thi hào Đỗ Phủ trong Quốc họa của Trung Quốc.
Nguyên văn bài thơ gồm hai khổ, mỗi khổ bốn câu. Khổ đầu như sau:
Triều hồi nhật nhật điển xuân y
Mỗi nhật giang đầu tận túy quy
Hữu trái tầm thường hành xứ hữu
Nhân sinh thất thập cổ lai hy…
Như tất cả mọi người, tôi đinh ninh “Nhân sinh thất thập cổ lai hy” có nghĩa là sống trên đời đến bảy mươi xưa nay hiếm. Cụ Tản Đà dịch câu này như sau “Sống bảy mươi năm đã mấy người?”.
Vừa rồi tình cờ gặp một người ngày xưa vốn là lãnh đạo của tôi ở Hà Nội vào. Anh là người Hà Nội gốc - một kỹ sư cầu đường cứ nhắc đến tên là giới chuyên môn biết ngay. Anh thông kim bác cổ, thích thơ Heirich Heine, thuộc làu Đường thi. Quan hệ giữa tôi và anh có vẻ là quan hệ giữa hai người bạn hơn là giữa một người lãnh đạo và một thuộc cấp. Dĩ nhiên sau nhiều năm gặp lại, cả tôi cả anh đều mừng rỡ. Anh khoe vừa tròn bảy mươi, thong thả đọc “ Nhân sinh thất thập cổ lai hy”, bảo không ai không biết không hiểu câu này nhưng anh ngờ cái sự biết sự hiểu đó! Thấy tôi có vẻ ngạc nhiên, anh tợp nốt chỗ rượu còn lại trong cái chén hạt mít, nheo nheo mắt một cách tinh quái, rào trước rằng có thể anh sai…
- “Triều hồi nhật nhật điển xuân y” có nghĩa từ lúc rời xa khỏi triều đình ngày ngày phải cầm cố áo. “Mỗi nhật giang đầu tận túy quy” có nghĩa không ngày nào bên bến sông không say khướt. “Hữu trái tầm thường hành xứ hữu” - Ở đâu không có người nợ tiền mua rượu…
- Nếu tách câu cuối ra, để nó đứng độc lập thì “Nhân sinh thất thập cổ lai hy” đúng là sống đến tuổi bảy mươi xưa nay hiếm. Nhưng đặt trong cấu trúc của khổ thơ, câu thứ tư này không thể không liên quan đến ba câu trên. Này nhé, hằng ngày phải cởi áo đưa cho hiệu cầm đồ, không ngày nào không say khướt bên bến sông, lại lâm vào cảnh thường xuyên nợ tiền mua rượu… vậy thì, đến bảy mươi mà cầm cố áo mà mua chịu rượu… thì xưa nay hiếm… là hiếm cái tình cảnh cái thân phận đó đấy!...
Thật tình tôi không thể cãi anh bạn của tôi. Cách kiến giải của anh khó lòng phản bác. Tôi thích những người nhìn sự vật một cách khác với cách đã được chấp nhận. Tôi chợt nhớ câu “Hoàn quân minh châu song lụy thùy” trong bài “Tiết phụ ngâm” nổi tiếng của nhà thơ nổi tiếng Trương Tịch. Cụ Ngô Tất Tố dịch “Trả ngọc chàng lệ như mưa” và đó cũng là cách hiểu câu thơ của tất cả mọi người. Nhưng rồi có một kẻ hậu sinh không đồng ý, bảo không phải trả ngọc thật mà là trả hai hàng lệ giống như hai chuỗi ngọc!
Ai đúng ai sai? Đúng đã thú vị mà sai càng thú vị!
Hoàng Trọng Dũng