Oct 30, 2024

Bài giới thiệu

Khám phá vườn cây ngũ quả độc đáo của lão nông Hà thành
Khuyết Danh * đăng lúc 03:52:37 AM, Oct 19, 2013 * Số lần xem: 2729
Hình ảnh
#1

 

 
 THEO KHÁM PHÁ
Thứ tư 23/01/2013 14:54
Thành công ở lần ghép thí nghiệm thứ hai, năm 2006 ông Giáp đã mở rộng diện tích đất trồng 60 gốc cây bưởi ghép các loại quả và cuối năm đã đem về thu nhập cho gia đình ông hơn trăm triệu đồng.

 
Người tạo ra cây cho 5 loại quả chín vào đúng dịp tết là một lão nông. Từng gặp thất bại vì các loại quả “không chịu” chín cùng thời điểm, nhưng người đàn ông chưa học đại học này đã tìm cách khắc phục dựa vào đặc điểm sinh trưởng của các loại cây.

 
“Chơi mãi đào quất cũng chán”

 
Bước sang tuổi 60 nhưng ngày ngày ông Giáp vẫn miệt mài, say mê với những nghiên cứu của mình bên vườn cây cam, quýt. Chỉ tay vào cây bưởi sum sê các loại quả, ông Giáp cho biết, năm 2005, trong những lần chăm sóc cây cam canh ông bỗng nảy sinh ý tưởng trồng một loại cây có thế cho ra nhiều loại quả dùng chơi trong ngày tết.

 
Ông Giáp - người ghép thành công cây ngũ quả chơi dịp tết
 

 

“Lúc đó tôi nghĩ, ngày tết mà bà con mà cứ chơi mãi cây đào, quất cũng sẽ nhanh nhàm, chán. Do đó tôi nảy sinh ra ý tưởng ghép một cây cho 5 loại quả để không khí ngày tết thêm độc đáo, mới lạ hơn” - ông Giáp nói.

 
Thời gian đầu, ông Giáp trồng thí nghiệm từ 3 đến 4 cây bưởi chua, đem ghép quả cam, chanh, phật thủ. Tuy nhiên đến thời điểm cuối năm thu hoạch, cây ghép lại cho quả chín vào không đúng thời điểm dịp tết như ông Giáp từng mong đợi. Quả chanh, cam ông Giáp ghép có thể chín vào đúng dịp tết nhưng quả phật thủ lại chín vào thời điểm trước tết hai tháng do đó ý tưởng về một cây cho nhiều loại quả vẫn chưa khả thi.

Thất bại ở lần đầu trồng thí nghiệm cây ngũ quả nhưng ông nông dân vẫn không nản lòng, tiếp tục trồng thử nghiệm ở năm thứ hai. Rút kinh nghiệm từ lần trước, ông Giáp tiếp tục trồng 5 gốc bưởi lai tạo các loại quả nhưng với thời gian ghép các loại quả lại khác nhau. Tháng 5, 6 ông Giáp bắt đầu cho ghép quả cam, chanh còn phật thủ ông để đến tháng 9 mới bắt đầu ghép vào cây.
 
Quả bưởi ngọt được ghép thành công
 

 

“Cam, chanh từ lúc ra hoa, kết trái đến lúc chín mất 12 tháng, do đó nếu tôi đem ghép quả cam, chanh ở tháng 5,6 sẽ cho quả chín đúng dịp gần tết, còn quả phật thủ chỉ mất 8 đến 9 tháng cho quả chín, nếu tôi đem ghép cả 3 loại quả này cùng một thời điểm thì quả phật thủ sẽ chín trước, cây ghép coi như bị hỏng trước” - ông Giáp Lý giải.

 
Quả phật thủ chín đúng vào dịp tết
 

 

Thành công ở lần ghép thí nghiệm thứ hai, năm 2006 ông Giáp đã mở rộng diện tích đất trồng 60 gốc cây bưởi ghép các loại quả và cuối năm đã đem về thu nhập cho gia đình ông hơn trăm triệu đồng.

 
Khi tìm hiểu kỹ về cây, ông Giáp phát hiện ra các loại cây có múi đều thành phần dinh dưỡng nuôi quả giống nhau, do đó khi ghép các loại quả cam, chanh, bưởi diễn vào cây bưởi chua, các loại quả thích ứng khá nhanh và có tỉ lệ sống sót khá cao.

 
Gốc cây bưởi chua được ông Giáp dùng để cấy ghép các loại quả
 
 

“Nếu tôi dùng cây cam chiết cành để ghép quả, sau 5 năm cây chỉ cho thu hoạch khoảng 25kg quả, còn nếu tôi lấy thân cây bưởi chua để ghép quả sau 5 năm có thể cho thu hoạch khoảng 60kg quả. Mặt khác cây bưởi chua rất khỏe, nhiều dinh dưỡng có thể ghép được các loại quả to nên tôi đã chọn cây bưởi để cấy ghép nhiều loại quả” - ông Giáp cho biết.

 
Khi ghép cây, ông Giáp chọn cây bưởi chua non chăm sóc đến độ trưởng thành sẽ đem ghép quả. Quá trình chăm sóc cây ghép quả cũng không mất nghiều công đoạn cầu kỳ, theo những người làm vườn như ông Giáp ngoài việc chăm bón phân, phun thuốc trừ sâu theo định kỳ thì yếu tố quan trọng hơn khi ghép cây ngũ quả cần lưu ý đến việc chọn quả và cách ghép. Quả khi mang ghép vào cây cần chọn loại quả ở cây non, cuống ở quả với nhánh cây khi ghép cần tương xứng nhau, khi buộc phải thắt chặt túi nilong ở vết ghép để quả có thể hấp thụ dinh dưỡng ở thân cây nhanh.
 
Cây bưởi chua nhỏ được dùng để ghép quả
 

 

Ông đã chia sẻ kinh nghiệm cho bà con về cách ghép cây nhiều loại quả, tuy nhiên nhiều hộ nông dân khi áp dụng mô hình trồng thử vẫn thất bại, chưa thực sự đem lại hiệu quả kinh tế cao.

 
Đặt mua cây khi quả còn xanh

 
Là loại cây chơi trong dịp tết Nguyên Đán, do vậy mà ngoài sự độc đáo mới lạ, cây “ngũ quả” này được khá nhiều người dân ưa chuộng, mua chơi bởi nó đã tạo không khí ấm áp trong ngày tết. Hàng năm, đế dịp gần tết cây ngũ quả trong vườn nhà ông Giáp lại tấp nập người dân đến săn đón, đặt tiền từ rất sớm.

 
“Thời điểm tháng 10, quả trên cây ghép vẫn còn xanh nhưng đã có hai vị khách ở nội thành xuống xem cây trong vườn nhà tôi, mua 5 cây, đặt tiền trước cho gia đình”, ông Giáp kể. Những cây ngũ quả đẹp trong vườn giá lên tới 10 triệu đồng/1 cây, cây thấp cũng từ 2 đến 3 triệu đồng/1 cây.
 

Cây cho 5 loại quả khác nhau
 

 

Bà Nguyễn Thị Thanh, 60 tuổi, vợ ông Giáp cho hay, từ năm 2006 trở lại đây, đến thời điểm trước tết khoảng 20 ngày, cây ghép nhiều loại quả trong vườn nhà bà dường như đã “cháy hàng”. Người dân từ nội thành và các tỉnh lân cận Hòa Bình, Hưng Yên, Hải Dương đến xem, đặt mua khá đông nhưng gia đình bà không có cây để bán.

 
Cây ghép ngũ quả có giá khá cao trên thị trường, tuy nhiên đối với nhiều người dân khi thấy sự mới lạ, thích thú, họ vẫn chấp nhận bỏ ra một khoản tiền lớn để sở hữu được cây ngũ quả chơi trong dịp tết.
 
Rất nhiều khách hàng đến xem, đặt mua cây cho 5 loại quả
 

 

Anh Nguyễn Văn Thường ở xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức, Hà Nội cũng vì sự thích thú mà chấp nhận bỏ ra khoản tiện 5 triệu đồng mua cây ghép nhiều loại quả chơi trong ngày tết: “Năm nay tôi muốn thay đổi không khí ngày tết ở gia đình nên chọn mua cây ghép nhiều loại quả chơi trong dịp tết, giá có hơi cao nhưng vì thích hình ảnh lạ tôi vẫn chấp nhận mua”- anh Thường nói.

 
Với diện tích hơn 1ha trồng cam, quýt, gia đình ông Giáp chỉ dành ra 2 sào để trồng cây ghép có nhiều loại quả. Năm 2011, gần 200 gốc cây ghép ngũ quả đã đem về doanh thu cho gia đình ông Giáp gần 500 triệu đồng. Năm 2012, với hơn 100 cây, cũng đem về thu nhập cho gia đình ông gần 400 triệu đồng.

 

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.