|
Bài giới thiệuẤm Tử Sa Nhiều Tác Giả * đăng lúc 12:54:50 PM, Sep 08, 2022 * Số lần xem: 9387
#1 |
Săn lùng ấm tử sa
Uống trà là nhu cầu không thể thiếu được trong cuộc sống hàng ngày, là thú chơi tao nhã của nhiều người Việt. “Đồ uống trà không gì tuyệt diệu bằng ấm tử sa”, nghe lời nhà nho Lý Ngư, người đời Minh, Trung Quốc, ca ngợi nên ngày ngày có biết bao người kỳ công đi kiếm cho được những chiếc ấm, chén tử sa độc đáo để mang về thưởng trà.
Vua chúa quan lại thời phong kiến xưa để thỏa mãn thú chơi tao nhã của mình, nên mỗi đoàn đi sứ Trung Hoa đều lĩnh nhiệm vụ đến các lò gốm ở Cảnh Đức trấn, tỉnh Giang Tây để ký kiểu đồ gốm sứ mang về thờ phụng, trưng bày, sử dụng. Nay, những người sành trà cũng có thú ký kiểu trà cụ ở những lò gốm Nghi Hưng.
Hồn Việt trên trà cụ Nghi Hưng
Một sớm lang thang trên trung tâm thương mại Vincom (số 72, đường Lê Thánh Tôn, phường Bến Nghé, quận 1, TPHCM), tôi ồ lên khi thấy trên thành, nắp, quai, vòi của những chiếc ấm tử sa được khắc thư pháp chữ Việt, ấn, triện bằng tiếng Việt, danh lam thắng cảnh đất Việt. Tần ngần ngắm, tỉ tê hỏi, tôi hớn hở khám phá ra một dòng sản phẩm trà cụ được phả hồn Việt.
Để ghi nhớ kỷ niệm tìm được giống trà Vân ở xã đảo Quan Lạn, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, tôi đặt một chiếc ấm độc ẩm có khắc phong cảnh một cây trà cô độc, nhỏ nhoi ngạo nghễ vươn lên trên đỉnh núi Vân mịt mờ mây phủ. Đưa tấm ảnh, nêu yêu cầu rồi tôi thảnh thơi ngồi thưởng trà. Hết tuần trà, vừa hay họa sĩ Xuân Huy xong bức ký họa bút sắt. “Thêm chút sương trời khí núi, thân, cành thêm gân guốc, lá to hơn để đúng chất của giống trà dại mọc hoang…”, kẻ nói, người phẩy tay bút, thêm một tuần trà nữa thì bức tranh hoàn thành. Tuần tới, nó sẽ theo chân anh Nguyễn Ngọc Tuấn, Giám đốc Công ty cổ phần 7P, sang Nghi Hưng (thành phố Vô Tích, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc) để rồi lại được các nghệ nhân lấy bút tre khắc lên thân chiếc ấm tử sa màu đỏ. Sáu tháng sau, tôi có thể ngồi ngắm trăng lan trên mặt sông Sài Gòn và khề khà pha trà Vân bằng chiếc ấm tử sa Nghi Hưng vẽ cảnh núi Vân, trà Vân của Quan Lạn…
“Đồ uống trà không gì tuyệt diệu bằng ấm tử sa”, tâm đắc với nhận xét của nhà nho Lý Ngư, người đời Minh, Trung Quốc nên anh Tuấn bắt đầu bén duyên với ấm tử sa từ năm 2003. Đầu tiên, anh sang Nghi Hưng mua ấm mang về nhà trưng bày, thưởng trà. Rồi bạn bè, người thân đến chơi, thấy đẹp nên hỏi mua, nhờ đặt hàng giúp, thế là anh thành nghề, nên nghiệp. Dăm ba tháng một lần anh sang lò của các nghệ nhân tiêu biểu nơi đất Nghi Hưng như: Hứa Học Quân, Vương Phúc Tân, Vạn Mai Thanh, Triệu Lệ Quyên, Ngô Tường Đại, Trần Thuận Tiên… chọn ấm, chén, khay, bàn, tượng người, muông thú rồi mang về chia sẻ niềm vui với những người cùng sở thích ở Sài thành. Năm 2010, khi VincomCenter khai trương, anh thuê gian hàng để mở rộng kinh doanh. Đến nay, anh đã thêm ba gian hàng nữa tại Parkson Hùng Vương, Maximark Cộng Hòa và số 491 D3, đường Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh, TPHCM. Mỗi tháng, hệ thống cửa hàng của anh bán ước cả chục nghìn món trà cụ.
Non nước Việt Nam có biết bao kỳ quan, tại sao không tôn vinh chúng trên trà cụ. Ý tưởng lóe lên, năm 2010, anh bắt đầu ký kiểu ấm. Anh cho biết: “Tôi mời nhà thư họa Giang Phong viết thư pháp Việt những chữ như: tâm, phúc, lễ, tâm bình thế giới bình, trà nghệ…; thuê người khắc triện Việt phú quý thổ; mời họa sĩ Xuân Huy ký họa bút sắt tranh phong cảnh Việt Nam: vịnh Hạ Long, chùa Một Cột, tháp Rùa… rồi mang sang Nghi Hưng cho nghệ nhân khắc vào thành, đóng vào trôn ấm. Tháng 11 năm 2011, tôi bắt đầu ra mắt dòng sản phẩm này”. Hiện nay, người đam mê sưu tầm có thể bỏ ra từ 8 đến 10 triệu đồng và chờ đợi từ 6 đến 9 tháng để có một chiếc ấm độc.
“Nước Việt ta là cội nguồn xuất tích cây trà và uống trà trong dân gian cũng như trong cung đình đều thể hiện văn hóa ẩm thực độc đáo lâu đời của người Việt. Thú uống trà của các cụ từ xa xưa đã nâng tầm văn hóa Việt. Cũng uống trà, cũng dùng ấm đất tử sa Nghi Hưng nhưng không hề lẫn với văn hóa Trung Quốc. Để có được chén trà ngon, phải dùng cái ấm đất tốt - đó là sự lựa chọn thật tinh tế. Nhưng ta không chỉ biết dùng ấm đất tử sa tốt mà còn đặt những người thợ giỏi tại Nghi Hưng làm những cái ấm khắc thơ nôm, họa cảnh nước Việt. Đó là những chiếc ấm quý mang phong cách và hồn Việt”, anh Tuấn tâm đắc.
Nhưng chuyện ký kiểu trà cụ cũng mang đến cho anh Tuấn nhiều chuyện cười ra nước mắt. Chả là người Việt thích ấm màu xanh nhất, đất màu xanh cũng hiếm nên giá ấm xanh luôn đắt. (Người Trung Quốc còn phân biệt hai màu xanh: xanh cuối Minh (xanh nước biển) và xanh Mao Trạch Đông (xanh lá cây pha chút vàng), T.G.). Khi có người đặt làm ấm hình quả đào bằng đất màu xanh, anh Tuấn sang Nghi Hưng yêu cầu thì nghệ nhân từ chối thẳng thừng vì họ bảo như thế là trái với tự nhiên, đào chỉ có thể màu hồng hoặc vàng. Lại có người đặt khắc họa tiết hoa văn lên phía thành ấm quay ra ngoài, họ cũng từ chối. Vì theo nguyên tắc, khi cầm chiếc ấm bằng tay phải song song với người, phần họa tiết, chữ… phải luôn quay về phía trong để ta có thể thưởng ngoạn khi pha trà… Thú chơi là vậy, phải tinh tế, hiểu biết mới nên sành!
Nét văn hóa phương Đông
Anh Nguyễn Ngọc Tuấn, sinh năm 1968, thuộc thế hệ “chè chén”, thời mà các quán nước trà ven đường mọc lên rất nhiều tại thành phố Hà Nội. Lớn lên anh đã thấy quán nước chè xanh của cụ ngoại mở từ năm 1958 tại số 25, phố Nguyễn Du, trước cửa Tổng cục Bưu điện. Nước chè xanh của cụ được múc bằng chiếc gáo dừa nhỏ từ vò sành được ủ kỹ trong lớp vải bố gai bên ngoài là thùng gỗ nâu sậm theo thời gian. Bát nước chè xanh luôn có màu vàng sóng sánh như mật ong rất hấp dẫn người đang lúc khát. Cho tới chén trà mạn năm xu thời bao cấp cũng được cụ chu đáo chuẩn bị, chăm chút từng khâu: tuyển trà, chọn nước, lựa bình pha và hãm trà sao cho thật ngon, thật đậm đà. Quán trà này là một thời hội tụ “chè chén” của cán bộ Tổng cục Bưu điện và bà con lối phố. Nó đã chứng kiến nhiều đổi thay của thời cuộc.
Thế nhưng cách uống trà Tàu, uống trà thanh nhã theo kiểu Hà Nội xưa lại khác và anh chỉ được nghe kể lại khi uống trà trong gia đình. Rồi thú phong lưu của những nhân vật cụ Sáu, sư chùa Đồi Mai, cụ Ấm trong truyện ngắn Những chiếc ấm đất, Chén trà sương của nhà văn Nguyễn Tuân đã nhập vào anh. “Sớm được tiếp xúc với trà và cảm được cái thú uống trà nên tôi say mê luôn những chiếc ấm uống trà Tàu theo kiểu Hà Nội ngày xưa. Đó chính là ấm đất tử sa, là một bộ phận hợp thành văn hóa trà. Từ chỗ yêu thích, thêm một bước nữa là sưu tầm và trong quá trình sử dụng, tôi mới hiểu được thế nào là ấm đất tử sa chính hiệu, hiểu được một phần nào tính năng, thành phần cấu tạo của đất, độ hút nước, thông khí của chất đất, công dụng pha trà của ấm và cả kỹ thuật chế tác, phong cách trang trí, nghệ thuật của danh nhân, danh tác. Phong cách thưởng ngoạn ấm tử sa của tôi cũng hình thành dần. Thưởng ngoạn ấm tử sa vừa đơn giản mà vừa thâm thúy. Qua đó ta mới thấy được tài hoa của người thợ và nét đẹp tiềm ẩn của văn hóa phương Đông”, anh chia sẻ.
Cũng giống anh Tuấn, anh Hoàng Anh Sướng, chủ hiên trà Trường Xuân ở số 13, phố Ngô Tất Tố, phường Văn Miếu, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội, cũng lấy ấm tử sa Nghi Hưng về bày bán ở không gian trà Việt của mình từ 5 năm nay. Ở thủ đô cũng xuất hiện những gian trưng bày và bán trà cụ làm bằng đất tử sa như Trà Gia Việt trên phố Hàng Bông, Long Trà ở phố Hàng Buồm…
Để phục vụ thú sưu tầm trà cụ tử sa của người Sài thành, ngoài bốn gian hàng với cả vạn món của anh Nguyễn Ngọc Tuấn, còn cả một con đường tử sa ở trung tâm thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng. Những hãng trà: Tâm Châu, Phúc Nguyên, Trâm Anh… đều bám mặt đường Trần Phú để mở những cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm. Họ cũng nhập trà cụ tử sa từ Trung Quốc về để phục vụ nhu cầu của những người yêu thích chủ yếu từ TPHCM lên “ăn hàng”.
Theo khảo sát của chúng tôi, người Hà Nội uống trà nhiều hơn người TPHCM nhưng thị trường trà cụ tử sa ở Sài thành lại nhộn nhịp hơn hẳn. Ở TPHCM, những chiếc ấm có giá từ 5 đến 12 triệu đồng vẫn bán chạy. Có bộ ấm và bốn chiếc chén màu da chu vẽ rồng vờn mây, giá 30 triệu đồng, anh Nguyễn Ngọc Tuấn vừa nhập về đã có người hỏi. Nhưng ở Hà Nội, những loại có giá từ 400.000 đồng đến một, hai triệu đồng mới bán được. Anh Hoàng Đình, 36 tuổi, nhà ở quận Hà Đông, thành phố Hà Nội, rất mê trà. Cứ nghe ở đâu có người bán trà ngon là anh lùng mua bằng được. Thế nhưng, bộ ấm, chén dùng để uống trà của anh lại chỉ là loại sứ bình thường. Với anh, trà ngon không nệ đồ pha. Nhưng với anh Đoàn Văn ở quận Gò Vấp, TPHCM, thì “không chỉ để pha, uống trà, ấm, chén tử sa còn là một dấu tích văn hóa đáng để sưu tầm, thưởng ngoạn”. Còn tôi, cứ loanh quanh với tủ trà cụ tử sa cũng hết ngày!
Trà cụ tử sa không chỉ dùng để uống trà, mà còn là một sản phẩm văn hóa, là một trong bốn quốc bảo của Trung Quốc. Ảnh: Nguyễn Ngọc Tuấn
Không thể làm giả
Gần đây, có thông tin rằng vì nguyên liệu khan hiếm nên người ta đã làm giả ấm tử sa. Anh Nguyễn Ngọc Tuấn, người đi Nghi Hưng như đi chợ, bác bỏ. Anh cho biết: “Thành phố Nghi Hưng có con đường Tinh Sa, mỏ đất tử sa trắng ngay bên đường. Chính quyền cấm khai thác đất, họ dựng cổng chào, xây cơ sở hạ tầng để làm du lịch. Có lẽ vì thế nên nhiều người đồn thổi là người ta hết đất để khai thác chăng. Không thể pha trộn đất khác vào tử sa vì khi nung đến 1.200oC (nhiệt độ trung bình tôi luyện của trà cụ tử sa) thì nó sẽ vỡ ngay, không kết dính”.
Tử sa là đá trong đá, khai mỏ đá ra, có phần đất trong đó. Người ta phải khai thác thủ công: lấy búa, rìu… phá đá để tìm đất lẫn trong đó chứ không được dùng thuốc nổ phá núi bởi như vậy, đất sẽ bị ám mùi thuốc nổ, ảnh hưởng đến chất lượng ấm sau này. Chỉ duy nhất ở Nghi Hưng mới có đất tử sa.
“Giả” là chỉ làm lại các tác phẩm nổi tiếng của người xưa. Ví dụ ấm Cung Xuân do người đương thời làm vẫn gọi là ấm Cung Xuân nhưng không hề có chuyện lập lờ đánh lận con đen vì dưới đáy ấm có khoản là họ và tên hay nghệ danh của người làm. “Giả” họ dùng máy để đánh bóng, hóa chất để ngâm, tẩm… cho ấm cũ, bám dày cao trà để trưng bày cho đẹp. Loại ấm này chỉ dùng trưng bày, nếu mang pha trà thì có hại cho sức khỏe.
Mỗi người thợ, nghệ nhân thường chuyên một dòng sản phẩm. Có người chuyên làm lại những chiếc ấm, chén của người xưa, người chuyên mô phỏng hình dáng của động, thực vật (ấm con cóc, rồng, quả bí, thân trúc, tùng…), người thì tìm tòi kiểu dáng hiện đại. Có chiếc ấm ngọa hổ tàng long (giữa lòng ấm có con rồng, trên nắp có con hổ), có chiếc ấm rồng, rót nước nhẹ thì đầu rồng từ trong vòi thò ra, rót mạnh thì lưỡi rồng từ miệng thè ra…
Người thợ được cấp giấy chứng nhận nghệ nhân khi có bằng tốt nghiệp của Đại học Hoa Kinh và có giấy chứng nhận tác phẩm độc đáo.
Núi Hoàng Long Sa nơi có mỏ đất tử sa được người Nghi Hưng khai thác về làm trà cụ. Ảnh: Nguyễn Ngọc Tuấn
Cách phân biệt ấm tử sa
Nhìn
- Nhìn bề ngoài: Thuần đất tử sa có năm màu, thường gọi là ngũ sắc thổ, đó là màu của các chất khoáng kim loại. Chúng không bóng loáng, không diễm lệ, chỉ có độ bóng sáng mờ.
- Nhìn bên trong: Đất tử sa không thể quay như các loại đất khác, chỉ có thể nối lại với nhau, nên khi ta nhìn và dùng tay cảm nhận trong bụng ấm sẽ nhận ra một vết nối, thường nằm bên quai ấm. Trong bụng ấm còn có những chấm sáng như kim tuyến, đó là thạch anh có sẵn trong đất tử sa.
Ngửi
Ngửi phần trong bụng ấm. ấm mới ra lò chỉ có mùi đất và hỏa khí. Không có bất cứ mùi nào khác.
Nghe
Hiện nay tình trạng làm giả ấm khá tinh vi, người ta có thể dùng nước làm kiếng trộn vào đất, sau khi thành phẩm, tiếng rất vang… nghe còn trong hơn ấm thật. Nên khi mua, đừng nên dùng nắp ấm gõ vào bụng ấm, dễ bị nhầm lẫn… ta nên bật nắp ấm, sau đó dùng ống nắp ấm trượt nhẹ ba, bốn vòng quanh miệng ấm. Nếu là ấm tử sa thật, âm thanh đanh như sắt, giòn giã như ngọc như đá.
Chà
Nhìn bề ngoài, ấm có nổi hạt nhỏ như cát, hiện ra sự lồi lõm nhưng khi sờ vào thì mịn màng và trơn láng…
Song Mộc
|
Nguồn: Sài Gòn Giải Phóng thứ bảy
****************
Bản thân tôi tự thấy mình chỉ là người thích uống trà, chưa hẳn đã là “người chơi ấm”, ấm tử sa với tôi cũng chỉ là một món trong bộ trà cụ cần có phục vụ cho cái thú của tôi mà thôi. Xong thú uống trà vốn rất đẹp thế nên ấm cái món trà cụ quan trọng nhất phải mang hai đặc tính (với riêng tôi) sử dụng tốt và đẹp nhưng cũng bấy nhiêu đó thôi là đủ nhiêu khê rồi.
Với mong muốn chia sẻ những kinh nghiệm cá nhân (không sao chép) và đương nhiên những điều tôi biết là rất chủ quan, mong sẽ nhận được những “Tham luận” của quý độc giả để bản thân tôi cũng như quý vị có thêm nhiều kiến thức nhằm lựa chọn được những chiếc ấm tốt và đẹp phục vụ cho cái thú uống trà của mình.
Và đây là chia sẻ của tôi:
Để chọn một chiếc ấm tử sa tôi thường quan tâm đồng thời 4 yếu tố sau:
- Công năng (dùng có thuận-tiện hay không ?);
- Thẩm mỹ (có đẹp hay không ?);
- Chất đất (thuộc nhóm đất nào?, có đúng Tử sa không?);
- Xuất xứ (của ai làm?, thuộc vùng nào?).
Công năng: Ấm dùng để pha trà thế nên một chiếc ấm tốt với tôi đầu tiên phải đạt về công năng tức là:
Nắp không mớm nước, ấm nghiêng 90 độ không rơi nắp; Vòi rót mạnh, thẳng, tròn dòng, khó tắc; Miệng không gây khó khăn cho việc thay trà và thau rửa ấm; Quai dễ cầm, thoải mái.
Thẩm mỹ: Chiếc ấm sẽ là loại trà cụ ta dùng nhiều nhất chính vì thế nó phải đáp ứng được tính thẩm mỹ, ấm không gây sự khó chịu khi uống trà, một lỗi nhỏ nhưng quá lộ liễu thì coi như bỏ đi, dáng ấm nhanh gây sự nhàm chán coi như bỏ đi. Tôi thấy tuyệt nhất là khi chọn được những chiếc ấm thật giản dị nhưng đường nét, chi tiết phải tinh.
Chất đất: Yếu tố quan trọng nhất và cũng là vấn đề khó nhất, đòi hỏi người thẩm định phải có nhiều kiến thức và sự trải nghiệm cả tốt lẫn xấu mới hy vọng nhận ra. Đây cũng là điều mà tôi nghĩ không thể trao đổi gián tiếp mà cần trực tiếp trao đổi cùng nhau (nhiều khi vẫn sai) mới mong thấy ra được.
Xuất xứ: Những người còn chưa nhiều kinh nghiệm thì nên quan tâm thêm yếu tố này, ấm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng (tất nhiên là phải chứng minh được) hoặc chí ít người bán phải có uy tín (yếu tố này khá cảm tính nên sai lệch cũng là chuyện thường).
Và sau đây là những yếu tố nhận biết bằng mắt có thể giúp đưa ra quyết định loại bỏ hay lựa chọn một chiếc ấm tử sa:
1) Những dấu hiệu nếu gặp trên ấm thì không nên mua
- Trong lòng ấm và trên nắp ấm có những đường tròn đồng tâm, đây là dấu hiệu thường thấy trên ấm Đài Loan (tất nhiên ấm Đài Loan vẫn có ấm tốt nhưng ít vì thế cần biết chắc chắn trước khi lựa chọn);
- Da ấm có những nốt phồng rộp hoặc gồ ghề (điều này chứng tỏ hoặc là đất kém hoặc người làm rất vụng về);
- Lưới của vòi ấm làm không ngay ngắn, những lỗ đục không tròn (khiến cho vòi rót không thẳng, dễ tắc);
- Miệng ấm không chỉnh chu, da ấm có dấu hiệu của việc tác động cơ học (đánh bằng dấy ráp hoặc bằng bột cát tạo độ mịn cho da ấm);
- Bề mặt cho thấy sự không đồng đều về chất liệu (có thể do thành ấm chất khác áo ấm chất khác);
2) Những dấu hiệu cho thấy đấy là một chiếc ấm tốt
- Bề mặt ấm phải đồng đều, không có dấu hiệu phồng rộp, có hạt nhưng sờ vào cảm giá mịn màng;
- Lòng ấm có những vết thẳng xuất phát từ tâm lòng ấm;
- Có thể có thêm những lạc khoản, chữ viết tay trong lòng ấm (dấu hiệu này không quá quan trọng);
- Lưới vòi bên trong ngay ngắn, lỗ của lưới tròn;
- Miệng vòi và lỗ chính giữa của lưới bên trong lòng ấm tạo có thể thấy nhau khi nhìn thẳng (có trên ấm tốt);
- Chi tiết trang trí thể hiện sự cẩn thận của người làm ấm;
- Giấy chứng nhận của nghệ nhân kèm theo ấm (chứng minh xuất xứ của ấm);
Tạm thời đây là những tổng kết rất chủ quan của tôi qua tổng hợp từ sự trải nghiệm của cá nhân và sự chỉ dạy của những người đi trước đặc biệt là của nghệ nhân Phạm Trạch Hồng (nghệ nhân cấp quốc gia) tại Nghi Hưng – Trung Quốc.
Mong quý độc giả góp thêm những kinh nghiệm quý báu hay cả những sự trả giá mong giúp cho chúng ta không vấp rồi lại vấp nữa.
Trân Trọng!
Việt Bắc
*********************
Cách chọn ấm Tử Sa thông minh nhất. Loại Thực Dụng: Là hàng sản xuất đại trà có nhiều người làm. Công nghệ sản xuất không cao, sản xuất với số lượng lớn, chủng loại đơn điệu. loại Ấm này tiện dụng, đáp ứng nhu cầu sử dụng hàng ngày và không dùng để sưu tầm và thưởng ngoạn.
CÁCH CHỌN ẤM TỬ SA
CÁCH 1:
5 Tiêu Chuẩn Chọn Ấm Tử Sa
|
1.Chất Đất: Đất tốt cho sản phẩm tốt. Ngửi mùi trong lòng ấm, không chọn nếu có mùi khét, mùi dầu sơn,…Màu của đất đem lại sự vui thích về màu sắc.
|
2. Tạo Hình:
Ấm phải có bề ngoài đẹp, màu sắc tươi sáng đáp ứng thẩm mỹ cho người dùng.
3. Kỹ Thuật Chế Tác:
Phương pháp tạo hình Ấm rất nghiêm ngặt,cẩn thận. Yêu cầu đặt biệt của công nghệ tạo hình Ấm Tử Sa thì nhất thiết vòi và quai Ấm phải nằm trên cùng mặt phẳng, phải có tỷ lệ cân đối. miệng và nắp Ấm phải khít chặt.
4. Khoản:
Con dấu trên Ấm Tử Sa mang 2 ý nghĩa. Một là phân biệt tác giả của Ấm hay người đề chữ, khắc ấm là ai? Hai là để thưởng thức nội dung lời đề hay bức họa. Tất cả các nét đẹp trên Ấm tập hợp thành một thể “ Thi – Thư – Họa - Ấn “.
5. Công Năng :
Dung tích vừa đủ, cao thấp vừa độ. Miệng và nắp khít chặt, nước rót thông suốt, liền mạch. Ấm cao miệng hẹp dùng pha hồng trà. Ấm thấp miệng rộng dùng để pha trà xanh.
Phân Loại Ấm Tử Sa |
|
Loại Hàng Tốt: Ấm Tử Sa tốt được thợ giỏi làm, Ấm được chế tạo kỹ càng nhưng do trình độ văn hóa, tố chất kỹ thuật của người thợ nên các sản phẩm của họ phần lớn là mô phỏng lại hình dáng kiểu xưa. Một phần ít sáng tác các tác phẩm mới.
Loại Hàng Do Thợ Danh Tiếng Làm: Loại hàng này được gọi là sản phẩm đặt biệt do những người thợ suất sắc trong nghề làm ra. Số lượng sản phẩm cũng rất hạn chế. Nó luôn là đối tượng tìm kiếm để sưu tầm và thưởng ngoạn.
Loại Có Tính Nghệ Thuật Cao: Là đỉnh cao để thưởng ngoạn và sưu tầm. Các sản phầm này thể hiện tố chất văn hóa của người chế tạo ra nó và sức sống nghệ thuật mà nghệ nhân đặt vào trong sản phẩm. Sản phẩm này chế tạo tinh vi, công phu có công dụng độc đáo và dùng chất liệu đất quý.
CÁCH 2: Cách chọn ấm tử sa
1.NHÌN BẰNG MẮT: Hình dáng thanh thoát, ưa nhìn.Các bộ phận như :thân ấm, nắp, miệng, vòi, quai, đáy phải cân đối, liền lạc. Màu sắc đồng đều trong ngoài. Dấu triện của nghệ nhân hay nhà sản xuất nét chữ sắc sảo, đặt cân đối ở trung tâm đáy ấm, theo trục thẳng từ quai sang vòi ấm. Những chiếc ấm đắt tiền thường có thêm dấu triện phụ dưới nắp và quai cầm thật rõ nét. Vòi ấm có thể dài ngắn khác nhau, nhưng quan trọng là khi rót, nước chảy thông, đều và thẳng dòng, không rơi vãi hay đọng giọt nhểu ra ngoài.
2.NGHE BẰNG TAI: Đặt ấm lên lòng bàn tay, tay kia cầm nắp ấm khẽ gõ vào quai, tiếng kêu đanh; chắc như kim loại chạm vào nhau.
3.CẢM NHẬN BẰNG TAY: Trơn láng, mịn màng, không tì vết. Nắp và miệng ấm khít khao, vì ấm Tử sa được nung trong lò liên tục 23 tiếng đồng hồ ở nhiệt độ từ 1.190 – 1.270 độ C (trung bình 1.200 độ C), đòi hỏi tay nghề nghệ nhân phải cao, chất đất phải thật tốt và mịn mới không bị co giãn khi nung. Do tính bào mòn trong quá trình sử dụng, một chiếc ấm dùng càng lâu càng lên nước, không đổi màu, đó mới chính là đặc trưng ưu việt của ấm Tử sa, chứ màu sắc đất không liên quan gì đến chất lượng và công dụng.
Ngoài ra, bạn đừng bao giờ nghe lời quảng cáo những chiếc ấm Tử sa mới phát ra mùi thơm. Vì ấm làm bằng đất đào trong núi, lọc lắng thành bùn, lại phải qua quá trình nung trong lò, làm sao có mùi thơm được? Hoặc có người tin rằng, ấm Tử sa càng lâu năm càng có giá trị. Điều đó chỉ đúng một phần về giá trị lịch sử (như chơi đồ cổ), thực tế không phải chiếc ấm Tử sa lâu năm nào cũng đạt chuẩn về tính nghệ thuật, kỹ thuật tay nghề, chất liệu…Trong giới chơi ấm hiện nay, có những chiếc ấm mới làm ra nhưng giá trị cao gấp nhiều lần những chiếc ấm lâu năm.
Ấm có vòi khi rót nước chảy xoắn vòng
GIÁ CẢ THỊ TRƯỜNG
Ngày nay, đi du lịch bất cứ nơi nào trên thế giới bạn cũng có thể mua được ấm Tử sa. Tuy nhiên, nhiều nhất vẫn là TQ, kế đến Đài Loan, rồi mới tới Hong Kong, Singapore, Nhật, Thái Lan, Mỹ…Về giá cả, câu “tiền nào của đó” hầu như không ép phê với mặt hàng ấm Tử sa, bạn có thể rinh nhầm một chiếc giá thật đắt không đúng giá trị thật của nó, nhưng đôi khi cũng mua được giá hời tùy vào cái duyên của bạn. Về khoản này, xin mách bạn một số kinh nghiệm: đối với hàng do thương lái gốm sứ đem vào VN, những chiếc ấm trung bình, dùng được, bạn chỉ cần trả 1/3, hoặc tối đa ½ giá họ đưa ra là mua được (thí dụ họ ra giá 600.000 đồng, nếu kiên nhẫn trả giá bạn có thể chỉ chi ra từ 200-250.000, thậm chí có món kêu 800 ngàn, chỉ bán 200 ngàn đồng), riêng những chiếc ấm được xem là cao cấp, trong bụng bạn rất thích, cũng không nên trả giá quá 50%.
Ấm rao bán trên mạng: 3.200 Nhân dân tệ (khoảng 6,4 triệu VNĐ)
Đi du lịch TQ theo đoàn, không nên mua ấm tại các cơ sở sản xuất hay cửa hàng do hướng dẫn viên địa phương đưa tới. Giá cả ở những nơi này thường không phản ánh đúng giá trị sản phẩm, thậm chí nếu bạn thử trả chừng phân nữa giá niêm trên sản phẩm thì đã phải móc ví, để nhận hàng. Tại các điểm đón khách du lịch, có nhiều cửa hàng bày bán ấm Tử sa như…bán kẹo, chỉ cần trả ¼ hoặc 1/3 giá niêm là mua được.
Chiếc ấm mua 50 đồng ở Hàn San tự
Ấm của nữ nghệ nhân Ngô Lợi Quần – Nghi Hưng, mua ở TP.HCM 500.000 đồng
Ở Tô Châu, tôi mua được một chiếc ấm trong tình cảnh hết sức tức cười: giá chỉ 50 tệ (100.000 VNĐ), mua ở cửa hàng xéo cổng Hàn San tự. Do người bán ra giá quá cao: 420 tệ, tôi vì không muốn mua nên trả bừa 50 tệ để rút lui, không dè bị bà chủ níu áo lại, nói: “Dạo này ế ẩm quá, mấy ngày chưa bán được hàng. Bán cho ông 1 cái để lấy hên!” Thêm một trường hợp khác ở TP.HCM: Tại gian hàng gốm sứ ở công viên Phú Lâm, tôi bắt gặp chiếc ấm của nữ nghệ nhân Ngô Lợi Quần mà mình đã nhìn thấy ở Vô Tích, chủ hàng ra giá 1,6 triệu đồng, do biết rõ chất lượng ấm và người làm ra nó, tôi trả đến 800.000 đồng mà vẫn không mua được. Tuần sau, tình cờ có việc đi ngang, tôi ghé vào thấy chiếc ấm vẫn còn, nhưng lần này người đứng bán là một cô gái khác. Tôi thử trả giá và không ngờ mua được chỉ với 500.000 đồng.
SỬ DỤNG VÀ BẢO DƯỠNG ẤM TỬ SA
Sở dĩ gọi bảo dưỡng (thay vì bảo quản) là do ấm Tử sa có đời sống riêng của nó. Những chiếc ấm trải qua thời gian dài sử dụng và bảo dưỡng sẽ trở nên sáng ngời, tròn trịa, dày nặng, rắn chắc và tinh khiết…Nói chung, giá trị của nó chỉ có tăng chứ không giảm. Ấm mới mua về, có người dùng giấy nhám loại nhuyễn thấm nước kỳ cọ mặt trong cho sạch lớp bùn (thời xưa, dùng ngói lợp nhà làm bằng đất đen ở vùng Giang Nam tán thành bột nhuyễn, dùng mấy lớp vải sô bọc lại để chà xát, cọ rửa), sau đó cho ấm vào một nồi nước đun sôi suốt mấy tiếng đồng hồ. Có người dứt khoát đun sôi ấm như thế trong một nồi trà lớn, để ấm có thể hấp thu chất trà vào các lỗ thông khí kép (khí khổng), loại bỏ mùi của đất. Ngày nay, trên thị trường đã có bán loại máy chuyên dùng bảo dưỡng ấm, bằng cách phun nước trà liên tục suốt một ngày đêm, để tôi những chiếc ấm mới.
Ấm Tử sa Nghi Hưng
Ấm Tử sa Đài Loan
Uống trà bằng ấm Tử sa, tốt nhất mỗi loại trà nên dùng một ấm riêng, để giữ hương vị đặc trưng. Ngay cả khi dùng trà để tôi ấm, nấu ấm mới, cũng nên dùng đúng loại trà ấy. Mỗi buổi sáng, khi rửa bộ đồ trà, bằng cách dùng xác trà cũ trong ấm chà xát lên toàn thân ấm, có thể làm sạch các vết dơ mà không gây trầy xước. Đối với những chiếc ấm cũ bề mặt bị hư tổn, nứt rạn nhẹ, dùng phương pháp “nước trà dưỡng ấm” có thể khôi phục, những vết nứt rạn sẽ dần dần khít lại, đúng là “tôn cổ xuất tân”. Chọn trà cho ấm, chọn ấm cho trà. Dùng ấm để cất giữ hương vị trà, dùng trà để bảo dưỡng ấm, đã trở thành chân lý của một thú chơi thi vị.
Phương pháp đánh giá Ấm tử sa
1. Chất đất
- Dùng ống nắp ấm trượt nhẹ miệng ấm 3-4 vòng nghe âm thanh 2 vật ma sat’, âm thanh đanh như sắt, giòn giã như ngọc như đá, như vậy, chất đất được xem là tốt
- Bên trong ấm có những chấm sáng như kim tuyến, nhưng đó là thạch anh mà khoáng tử sa vốn có
- Danh từ “Tử sa” la danh từ chung cho tất cả các loại đất khoáng, có rất nhiền loại, nhưng loại thường thấy là đất tử sa: Hồng sa, Lục sa, Hắc sa, Đoàn sa, hiếm hơn cả là Lam sa …
- Ấm tử sa có độ bóng sáng mập mờ, ko diễm lệ, bề ngoài lồi lõm như có cát mịn, nhìn kĩ có thể thấy được, không trơn bóng nhưng tay sờ vào thì láng mịn
Dùng nắp ấm trượt nhẹ quanh vòng miệng ấm và nghe âm thanh phát ra để phân biệt chất đất tử sa
Bề ngoài ấm tử sa nhìn thì như không bằng phẳng, không trơn bóng, như có những hạt cát mịn lồi lõm
2. Nắp ấm
- Cầm ấm trên tay, quay nhẹ nắp ấm, quá trình quay trơn trượt, ko vân, ko gềnh là đạt
- Vành trong miệng ấm ko thô ráp
- Ống nắp ấm phải khít với miệng ấm
- Hãy để ý khi rót nước, miệng ấm có rò nước hay không: Không rò là tốt, rò 1-2 giọt là bình thường, rò quá nhiều là không đạt
Nước rò ra từ náp ấm quá nhiều khi rót là không đạt
3. Vòi
- Dòng chảy: Khi rót nước, nước ra phải suôn thành dòng và tròn, do hinh dạng ấm có thể khác nhau nên dòng chảy cũng có thể khác nhau, có ấm ra dòng nước tròn, có ấm ra dòng nước xoắn vỏ đỗ. Tuy vậy, độ suôn của dòng chảy không do đó mà thay đổi
- Độ ngắt nước: Ngắt nước phải dứt khoát, đọng 1-2 giọt co thế chấp nhận, nhưng tốt nhất là ko đọng giọt nào
- Ấm mới ra lò chỉ có mùi đất nung, hỏa khí, ngoài ra không còn mùi gì khác. Nếu ấm đã từng pha trà thì có hương trà nhẹ
4. Thông khí
- Dùng miệng thổi vào vòi ấm, đồng thời dùng ngón tay bỏ cách khí khổng trên nắp 1cm, nếu như có gió bay ra từ khí khổng mà nắp ấm không rung rinh như vậy là độ thông khí đạt
*** Độ thông khí, độ suông của dòng chảy, độ ngắt nước. 3 điểm co sự tương thông với nhau nên dùng hành động trên co thể phân biệt tốt – xấu.
Dùng miệng thổi vào vòi ấm, nắp không bị thổi bồng lên
Nắp ấm bị thổi bồng lên (không đạt)
5. Công và Khoản (triện)
- Công năng là khá quan trọng: miệng ấm ko quá nhỏ, khó bơi xác trà, quai ấm cầm phải thuận tay, không quá nhỏ hẹp, dễ bị bỏng. Ấm lớn, ấm nhỏ tùy theo nhu cầu sử dụng của mỗi người.
- 3 điểm: vòi, miệng, quai ấm phải thẳng, còn bằng hay không thì tùy theo hình dạng của ấm. Nếu là ấm hoa văn có thể ko bằng, nhưng nhất định phải thẳng
- Ống nắp ấm càng dài thì càng tốt
- Ấm tròn: yêu cầu phải “tròn-vững-ngay-đều”
- Ấm vuông: cạnh, góc, viền (nếu có) phải ngay và đều. Nếu là cạnh cong thì phải cong đều các mặt
- Ấm hoa văn: phải biểu hiện được vẻ đẹp hình thể chủ đề và tự nhiên, nhưng ko ảnh hưởng đến công năng của ấm
+ Hoa văn trườu tượng phải thể hiện được cái hồn của chủ đề
+ Hoa văn sự vật, động vật phải nét, sinh động
+ Điêu khắc chữ phải đồng thể (có sự tương đồng kiểu chữ). Khắc họa nét sâu nét cạn phải tinh tế, sinh động, có hồn
- Ấm gân vân: các múi phải đều nhau, nắp ấm phải khớp với tất cả các múi
- Khoản: khoản chính dưới đáy ấm, thường khoản “họ” của tác giả nằm ở dưới quai ấm, trong nắp ấm thường là “tên” và “họ”… đôi khi có khoản ở trong bụng đáy ấm hay là hông bên trong của ấm (nhằm mục đích chống giả mạo)
…
Ba điểm 1-2-3 phải thẳng hàng
Khoảng cách từ vòi tới miệng ấm phải bằng khoảng cách từ miệng tới quai ấm
Thực sự, muốn tìm được 1 chiếc ấm đạt được tất cả những điếu kịên ở trên thì thật là khó, nếu như được 70% – 80% những điều kiện đấy cũng có thể coi như là ấm tốt vậy
|
|
**************************
Cách luyện ấm trà tử sa
Mục đích của việc luyện ấm tử sa:
+ Nhằm loại bỏ cặn bả, bụi và mùi đất trong ấm mới giúp ấm sáng và bong hơn
+ Tạo cho ấm quen dần với nhiệt độ cao trong nước tránh tình trạng nứt ấm
+ Tạo cho ấm làm quen và hút mùi hương trà mà chúng ta định dùng lâu dài
Ấm mới dùng pha Trà, trước hết phải có quyết định ấm nào pha Trà gì ? Trà có mùi thơm hay pha trà có vị đậm. Nếu có điều kiện mỗi ấm nên pha một loại trà nhất định. Những chiếc ấm trải qua thời gian dài sử dụng và bảo dưỡng sẽ trở nên sáng ngời, tròn trịa, dày nặng, rắn chắc và tinh khiết, pha trà càng lên nước, hương thơm lưu lại trong ấm… Nói chung, giá trị của nó chỉ có tăng chứ không giảm.
Nếu anh em nào không có thời gian chỉ cần làm duy nhất Bước 3 là được. Còn nếu có thời gian thì làm cả 3 bước sau đây:
Bước 1: Dùng một nồi nước đổ nước vào với độ sâu đủ để ngậm ấm trà và cho một miếng đậu hủ non kích cở trung bình cho vào nồi và đậy nắp lại đung cho nước sôi rồi cho lửa nhỏ nhỏ lại đung trong vòng 1 tiếng, sau đó tắc bếp với ấm ra để nguội sau đó rữa sạch bằng nước lạnh, để khô ráo
TÂM BẤT BIẾN GIỮA DÒNG ĐỜI VẠN BIẾN.........!
Bước 2: Sau khi rữa nước lạnh xong để cho ấm khô ráo, sau đó chuẩn bị một nồi nước mới như bước 1 cũng đổ nước ngập ấm , và cho một khúc miá tươi ( tốt nhất là phần đọt mía) nắp lại đung cho nước sôi rồi cho lửa nhỏ nhỏ lại đung trong vòng 1 tiếng, sau đó tắc bếp với ấm ra để nguội sau đó rữa sạch bằng nước lạnh
Bước 3: Để ấm vào trong nồi nước sạch, đun nhỏ lửa, đến khi nước sắp sôi thì bỏ trà vào nước đun tiếp. Sau khi nước sôi già (10 phút) thì vớt lá trà ra đun tiếp thêm 5 – 10 phút rồi lấy ấm ra. Nên nhớ rằng lúc nào nước cũng phải ngập ấm. Khi đun xong vớt ấm ra để phơi ở nơi khô và thoáng cho ấm khô tự nhiên, sau đó đem ấm ra dùng
Ý kiến bạn đọcVui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.
|
|