Jan 15, 2025

Tiểu luận - Tạp bút

TIẾNG VỖ TAY TRONG MỘT ĐÁM TANG
Hoàng Tiến * đăng lúc 12:57:25 AM, Oct 15, 2013 * Số lần xem: 2139

NHÀ VĂN HOÀNG TIẾN - TIẾNG VỖ TAY TRONG MỘT ĐÁM TANG
Nhà văn Hoàng Tiến
Theo blog Phạm Thanh Nghiên


Phạm Thanh Nghiên: Không ai có thể tự lo (nên không phải chịu trách nhiệm) việc tang lễ cho mình. Một đám tang đình đám, hoành tráng hay một đám tang bình dị, giản đơn - đó là việc của người sống. Nói thừa. Đương nhiên là thế rồi. Đương nhiên như cái việc người sống có quyền bày tỏ lòng thành kính, sự tiếc thương đối với người quá cố. Lại nói thừa nữa. Cứ như ai đó không được quyền tỏ lòng thành kính, tiếc thương với người đã mất. Thì đúng như thế, nên mới có

chuyện để nói.
 



Cách đây gần 1 năm, (ngày 28 tháng 1 năm 2012) nhà văn Hoàng Tiến qua đời tại nhà riêng ở Hà Nội. Rất nhiều bạn bè, thân hữu muốn đến thăm viếng, tiễn đưa ông về nơi an nghỉ cuối cùng, trong số ấy có tôi. Nhưng, tư gia của tôi cũng như của rất nhiều người đã bị giám sát, nhằm ngăn cản không cho tới dự tang lễ nhà văn. Chưa hết, theo tường thuật của một số người thì an ninh cũng gây khó khăn cho Tang lễ nhà văn Hoàng Tiến. (Nghe cuộc trả lời phỏng vấn của nhà báo Tự do Nguyễn Khắc Toàn trên RFA).

Quyền được bày tỏ lòng thương tiếc đối với người quá cố bị tước đoạt.



VÀ ĐÂY LÀ CÂU CHUYỆN 11 NĂM VỀ TRƯỚC


“… Các vòng hoa đề chữ Vô cùng thương tiếc trung

tướng Trần Độ bị ách lại từ ngoài cổng. Phải bỏ chữ Vô cùng thương tiếc và quân hàm trung tướng đi. Thắc mắc thì anh em nhà tang lễ giải thích: “Chúng cháu chỉ biết làm theo lệnh ở trên”(!)

“Vòng hoa của đại tướng Võ Nguyên Giáp đề hàng chữ: “Vô cùng thương tiếc trung tướng Trần Độ. Đại tướng Võ Nguyên Giáp” cũng bị ách lại, đưa vào phòng đợi ngoài cổng, và đề nghị sửa (có anh em chuyên môn sửa ngay). Nghĩa là phải bỏ hàng chữ Vô cùng thương tiếc, và các quân hàm trung tướng, đại tướng, chỉ còn là ông Võ Nguyên Giáp viếng ông Trần Độ. Thư ký của đại tướng là ông Huyên, phản đối. Chuyện đôi co lằng nhằng, hai bên đều phải xin ý kiến cấp trên của mình. Mỗi bên đều xuống thang một chút. Cuối cùng vòng
hoa
còn
là: “Thương tiếc trung tướng Trần Độ. Đại tướng Võ Nguyên Giáp”. Có lẽ (đó) là vòng hoa duy nhất được giữ gần như nguyên vẹn lời viếng. Nhưng khi Ban Tang Lễ gọi loa đọc tên người viếng thì lại gọi là: “Vòng hoa của ông Võ Nguyên Giáp viếng ông Trần Độ”.

Đấy là một đoạn trích trong bài tường thuật về tang lễ Trung tướng Trần Độ của nhà văn Hoàng Tiến. Người ngày ấy được (bị) gọi cộc lốc một tiếng “Ông”: “Vòng hoa của ông Võ Nguyên Giáp…” ngày hôm nay đang được xưng tụng như một vị thánh sống, được cử hành tang lễ theo nghi thức Quốc tang. Những lời ca tụng, những hình ảnh các đoàn người đến tiễn đưa, tưởng nhớ tràn ngập trên truyền thông nhà nước. Và cả những khuôn mặt rầu rĩ,
ngậm ngùi
của các
“đồng chí lãnh đạo đảng” trong tang lễ "đồng chí đại tướng".

Hôm nay, nhân dịp Quốc tang đại tướng Võ Nguyên Giáp, blog Phạm Thanh Nghiên xin gửi đến bạn đọc bài viết “ Tiếng vỗ tay trong một đám tang” của nhà văn Hoàng Tiến. Để tưởng nhớ đến người con trung kiên của Dân tộc: Trung tướng Trần Độ. Và cũng là để cùng nhau suy ngẫm, về cách đối xử của những lãnh đạo cộng sản với hai vị tướng. Sự đối xử của những người đang sống với người đã khuất.



TIẾNG VỖ TAY TRONG MỘT ĐÁM TANG
(Tường thuật của nhà văn Hoàng Tiến)


Đám tang ai mà có chuyện lạ vậy? Xin thưa, đó là đám tang tướng quân nhà văn Trần Độ tổ chức ngày 14-8-2002 tại nhà tang lễ
Bộ Quốc phòng
số 5 Trần
Thánh Tông.


Trung tướng Trần Độ là một vị lão thành cách mạng, từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong bộ máy Đảng và Nhà nước cũng như trong tổ chức quân đội, những năm cuối Đảng, bị chính quyền coi là phần tử nguy hiểm, và công an gây nhiều phiền hà.


Cho nên đám tang ông khiến mọi người rất quan tâm. Nghĩa tử là nghĩa tận. Người ta chú ý xem lãnh đạo cư xử với đám tang ông ra sao?


- Ông mất từ hôm mồng 9-8, việc đưa tin trên báo và tivi rất chậm. Mãi đến ngày 13-8 báo chí mới loan tin, và tối ngày 13-8 cô phát thanh viên trên tivi mới đọc tin tang lễ.


Cô vẫn mặc áo màu hoa đẹp hàng ngày, không mặc áo tang đen. Đưa tin sát ngày như thế, thì người các
tỉnh xa, trong đó có
nhiều đồng
đội, đồng nghiệp, và những người ái mộ ông không thể về kịp, vì ngày mai 14 đã lễ tang rồi.


Ngày 14, từ 8 giờ sáng bắt đầu lễ viếng. Tuy nhiên những người yêu quý ông Độ ở Hà Nội và những tỉnh sát Hà Nội đã về kịp. Họ đi cá nhân, hoặc thành nhóm. Không thấy những viên chức cao cấp đương nhiệm, hoặc các cơ quan đoàn thể đến viếng. Hình như có chỉ thị của Ban Bí Thư (có người nói của Bộ Chính Trị) gửi các cơ quan đoàn thể về tang lễ này, hạn chế sự tham gia.


- Các vòng hoa đề chữ Vô cùng thương tiếc trung tướng Trần Độ bị ách lại từ ngoài cổng. Phải bỏ chữ Vô cùng thương tiếc và quân hàm trung tướng đi. Thắc mắc thì anh em nhà tang lễ giải thích:
“Chúng cháu chỉ biết làm theo
lệnh ở
trên”(!)


Vòng hoa của đại tướng Võ Nguyên Giáp đề hàng chữ: “Vô cùng thương tiếc trung tướng Trần Độ. Đại tướng Võ Nguyên Giáp” cũng bị ách lại, đưa vào phòng đợi ngoài cổng, và đề nghị sửa (có anh em chuyên môn sửa ngay). Nghĩa là phải bỏ hàng chữ Vô cùng thương tiếc, và các quân hàm trung tướng, đại tướng, chỉ còn là ông Võ Nguyên Giáp viếng ông Trần Độ. Thư ký của đại tướng là ông Huyên, phản đối. Chuyện đôi co lằng nhằng, hai bên đều phải xin ý kiến cấp trên của mình. Mỗi bên đều xuống thang một chút. Cuối cùng vòng hoa còn là: “Thương tiếc trung tướng Trần Độ. Đại tướng Võ Nguyên Giáp”. Có lẽ (đó) là vòng hoa duy nhất được giữ gần như nguyên vẹn
lời viếng. Nhưng khi Ban Tang Lễ gọi loa
đọc tên
người viếng thì lại gọi là: “Vòng hoa của ông Võ Nguyên Giáp viếng ông Trần Độ”.


Những người đứng đợi trong sân nhà tang lễ, nghe thấy thế, đều xì xào bàn tán. Ông Kim Sơn, một lão thành cách mạng, tham gia từ hồi quân giải phóng, không chịu nổi đã tiến lên cự nự Ban Tang Lễ. Quân hàm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là do Bác Hồ phong. Ai dám tự ý tước bỏ? Sao các anh làm ăn bậy bạ thế? Vòng hoa vẫn đề chữ đại tướng, mà các anh đọc sai đi là nghĩa sao?


Thì quân hàm trung tướng của ông Trần Độ cũng thế, muốn tước bỏ phải có quyết định của quốc hội hoặc chủ tịch nước. Báo chí vẫn đăng là trung tướng, mà tang lễ lại bỏ đi. Thật chẳng ra làm
sao! Rõ là trống đánh xuôi kèn thổi
ngược!


Lại nói đến vòng hoa của thượng tướng Lê Ngọc Hiền đề là đồng chí Trần Độ, cũng bị bỏ đi chữ đồng chí. Chắc sự chỉ đạo ở trên cho rằng, ông Trần Độ đã bị khai trừ khỏi Đảng thì không còn gọi là đồng chí nữa. Nhưng họ đã lầm, theo điều lệnh của quân đội, thì từ binh nhì đến tướng lĩnh đều xưng hô với nhau là đồng chí. Ông Lê Ngọc Hiền mặc quân phục, đeo quân hàm thượng tướng trang nghiêm, đến viếng ông Trần Độ, mà cũng chỉ được giới thiệu trên loa là ông Lê Ngọc Hiền đến viếng ông Trần Độ.


Trung tướng Nguyễn Hòa cũng quân phục, quân hàm, huân chương đầy đủ và cũng chịu cảnh ngộ như trên.


Vòng hoa của anh em dân chủ
Hải Phòng đề là “Vô cùng kính phục và
thương nhớ bác Trần
Độ. Các bạn đồng hành ở Hải Phòng” phải sửa thành “Kính viếng bác Trần Độ. Các bạn đồng hành ở Hải Phòng”. Vòng hoa cá nhân Vũ Cao Quận, đi cùng đoàn Hải Phòng, đề “Kính viếng lão tướng Trần Độ. Người lính già Vũ Cao Quận” bị giữ lại. Tranh cãi hồi lâu, không có cụm từ vô cùng thương tiếc, không có trung tướng hay đồng chí, lại không có gì sai phạm về ngữ pháp tiếng Việt, vậy cớ gì phải sửa, ai sửa được đúng hơn, xin mời. Mãi rồi cũng được vào.


Những vòng hoa mẫu mực có băng chữ ghi phải là “Vòng hoa của ông Nguyễn Văn An kính viếng ông Trần Độ”, “Vòng hoa của ông Lê Đức Anh kính viếng ông Trần Độ”, “Vòng hoa của Văn phòng
Quốc hội kính viếng ông Trần Độ. .v..v.. Không
thấy vòng hoa của ông Nông
Đức Mạnh.


Chúng tôi để ý thấy nhiều bức trướng chữ vàng trên nền đỏ vẫn đề trung tướng, tướng quân, danh tuớng. .v..v… không thể gỡ bỏ vì đã thêu bằng chỉ vàng bám chắc trên vải. Trong đó nổi bật bức trướng của các cụ dân chủ, trướng dài khổ to sát đất phải có gậy treo lên, thêu tám chữ vàng “Nhân văn danh tướng. Trung dũng vẹn toàn”. Bên dưới ghi tên tuổi các vị kính viếng. Trưởng đoàn là cụ Lê Giản, rồi đến các ông Hoàng Minh Chính, Lê Hồng Hà, Phạm Quế Dương, Nguyễn Thanh Giang. .vv…, hơn hai mươi ông. Mọi người xúm lại xem. Chụp ảnh. Quay phim. Có tiếng gọi bằng máy di động, đề nghị tịch thu. Rồi cũng không thấy gì. Mọi
việc vẫn êm trôi. Tịch thu bức trướng trưởng đoàn
là cụ Lê Giản thì cũng phiền
đấy. Hơn nữa các cụ dân chủ đã đứng vây quanh bức trướng. Công an dùng bạo lực thì lôi thôi to.


Đoàn của các cụ dân chủ chỉ bị kìm lại thôi. Nhiều đoàn đăng ký sau đã vào trước. Ban tang lễ gây khó khăn cho các cụ phải đứng chờ dưới bóng cây, nắng chang chang, nhưng lại có cái hay là nhờ thế, mọi người hết tốp này tốp khác đến chiêm ngưỡng, bàn tán về các bức trướng. Bức trướng của nhà nghiên cứu Trần Khuê bị quản chế từ Sài Gòn gửi ra:

Công thần không làm phách 
Danh toại chẳng cầu nhàn 
Bút thần vung mấy độ 
Ðáng mặt đại nghĩa quân.

(Ta chú ý bài thơ có chữ phách và chữ độ. Tên khai
sinh là Tạ Ngọc Phách, tên tham gia cách mạng là Trần Độ).


Bức trướng của nhà
thơ Bùi Minh Quốc bị quản chế từ Đà Lạt gửi ra, người anh ruột là cụ Bùi Minh Đức gần 90 tuổi, cựu chiến binh chống Pháp, thay mặt em mang đến:

Vì đại nghĩa nhân chân, thân mấy độ trần thân 
Tướng dẫu không nguyên giáp, hồn vẫn vẹn tình dân.

(Tạm dịch: Người chân chính vì nghĩa lớn, cái thân mình bị mấy lần vùi dập
Viên tướng không còn nguyên giáp, tâm hồn ông vẫn trọn vẹn tình dân).


Bức trướng của tiến sĩ khoa học Hà Sĩ Phu cũng bị quản chế, từ Đà Lạt gửi ra, viết bẵng chữ Hán, do các cụ trong nhóm thư pháp Cảo Thơm thực hiện:

Văn võ tung hoành, trung tướng phong trần, thế sự song kiên
song trọng đảm 
Bắc Nam xuất nhập, đại quân tế độ,
hùng binh nhất trượng nhất đan tâm.

(Câu đối vế trên có Trần vế dưới có Độ. Trung tướng phong trần là trung tướng gian nan, lại có thể hiểu là ông Trần được phong trung tướng. Đại quân tế độ là đội quân cứu đời, tức quân giải phóng miền Nam. Đây nhắc đến việc ông Trần Độ là phó tư lệnh quân giải phóng miền Nam. Vậy câu đối trên có thể tạm dịch là:

Văn võ dọc ngang, ông Trần được phong hàm trung tướng, việc đời hai vai gánh vác hai trách nhiệm lớn;
Nam Bắc vào ra, tướng Ðộ chỉ huy quân giải phóng, cứu nước một gậy trường sơn một trái tim hồng).


Bức trướng của nhóm Cảo Thơm trên nền giấy bồi khổ lớn đề 3 chữ đại tự
“Vị dân tâm” (Tấm lòng vì dân), với hàng phụ đề bằng những
câu thơ chữ Hán ca ngợi tướng quân
Trần Độ. Ông Tú Sót mái đầu bạc phơ, trong nhóm thư pháp Cảo Thơm, luôn miệng giải thích cho mọi người rõ nghĩa:

Vô tình vị tất chân hào kiệt 
Hữu độ phương vi đại trượng phu

(Nghĩa là: Sống vô tình (như chủ nghĩa MACKENO (Mặc-kệ-nó) bây giờ), không phải là người hào kiệt. Có đức độ (vì dân vì nước) mới đáng mặt gọi trượng phu).

- Lại nghe được tin, cụ Độ vừa mất, công an đến đòi khám nhà, không có lệnh. Bà Độ phản đối. Công an đe dọa những người con, bắt hai con trai lên đồn, gây căng thẳng. Cuối cùng gia đình phải nộp 5 thùng sách vở của cụ Độ. Mọi người nghe tin đều phẫn nộ. Quá
thể! Gia đình người ta đang tang gia bối rối. Thật nhẫn tâm!

-
12 giờ 15 phút, lễ truy điệu bắt đầu.
Giới thiệu vị đại diện Văn phòng Quốc hội là ông Vũ Mão đọc điếu văn. Ông Mão có nhắc đến lý lịch, quê quán, ngày sinh, quá trình tham gia cách mạng và những chức vụ ông Trần Độ đã đảm nhiệm. Phần hai, ông ta nói rất tiếc là ông Trần Độ cuối đời đã mắc những lỗi lầm nghiêm trọng… Phần hai tuy không dài, nhưng cả hội trường lặng đi. Không khí như nén lại, ngột ngạt.

Đến mục gia đình lên đáp từ, người con trưởng cụ Độ là anh Thắng, sau khi kể những tình cảm về người bố, và sau khi cám ơn tất cả các cụ, các ông, bà, chú, bác, các anh chị … đến tham dự tang lễ, lời cuối của bài đáp từ là câu:
“Tôi thay mặt gia đình xin phép không tiếp nhận lời điếu của vị đại
diện Văn phòng Quốc hội” (Chưa bao giờ lại
có chuyện như vậy, tang gia khước từ lời điếu của chủ lễ !!??).

Như một kho thuốc nổ được châm ngòi, cả hội trường vỗ tay ran lên tán đồng. Tiếng hoan hô lẫn tiếng vỗ tay nổi lên càng to, kéo dài không ngờ, như hội bắn pháo hoa. Các đợt liên tiếp cao hơn, to hơn, dài hơn, càng âm vang cộng hưởng hết cỡ trong vòm nhà hội trường tang lễ. Có cảm tưởng như nóc hội trường sắp bật tung. Nhiều tiếng hét đến lạc giọng, nghe không rõ. Loáng thoáng những từ hoan hô! phản đối! ngu dốt!, bất nhân!… lẫn trong những tràng vỗ tay rền vang như sấm động.

Những uẩn ức trong lòng mọi người bị dồn nén từ
sáng đến giờ được dịp nổ tung. Tôi phải trèo lên chiếc ghế, đưa tay lên
vành tai, nghiêng đầu lắng nghe. Một người hét to,
giọng như người miền núi, tay giơ lên chỉ chỉ vào chiếc khung đen có hàng chữ Lễ tang ông Trần Độ ở trên cao, dưới là chiếc ảnh bán thân của ông mặc thường phục: “Ai cho phép chúng nó bỏ hàng chữ Vô cùng thương tiếc đi. Chúng nó không vô cùng thương tiếc, nhưng chúng tôi vô cùng thương tiếc …”.

- Thật là bọn ăn cháo đá bát. 
- Không có tướng Trần Độ và anh em chúng tôi thì làm sao có chúng nó ngày nay. 
- Nghĩa tử là nghĩa tận, không có ai đi kiểm điểm người chết trước linh cữu cả. 
- Chuyện này cổ kim chưa thấy bao giờ. 
- Mà đã chắc là ai đúng, chắc là ai sai? Quan tòa là nhân
dân.
- Chúng nó phỉ báng lên truyền thống dân tộc.

Nơi này, chỗ kia,
ầm ầm những tiếng thét, tiếng quát tháo: Bọn phản
nhân dân! Phản bội đường lối Hồ Chí Minh! Phản văn hóa! Đề nghị Bộ Chính Trị phải nghiêm trị!

Có ai nói khẽ: “Đây là chỉ đạo của Bộ Chính Trị”.

Tiếng quát to: “Nói láo! Bộ Chính Trị sáng suốt, không làm điều ngu dốt như thế. Nói thế là không đúng”.


Có ai đó lại hô lên: “Trần Độ muôn năm!”.


Nhân viên an ninh mặc thường phục vây quanh những người quá nóng nảy, đề phòng. Có tiếng hỏi: “Vũ Mão đâu? Vũ Mão đâu?”.


“Hắn chạy rồi! Lủi ra xe rồi!” Thật là may cho Vũ Mão. Hắn ta đứng đực ra, mặt chảy xị, tái xám, ngơ ngác. Có ai
giục, hắn như chợt tỉnh, vội lách ra phía sau, chuồn mất.


Cũng may cho
đám tang nữa. Sự tức giận của khối người đông đảo
trong hội trường này, mà túm được Vũ Mão, thì không biết rồi những gì sẽ xảy ra.


Các cụ dân chủ đều biết kìm mình. Trước đám tang vài ngày, cơ quan an ninh đã cử người đến dò la thái độ các cụ. Lo sợ các cụ dân chủ lợi dụng chiếm diễn đàn, cướp mi-crô, gây ra căng thẳng. Các cụ đã tin lại cho công an biết. Chỉ có đầu óc ngu tối mới nghĩ như thế. Những người yêu quý ông Độ, ai lại muốn phá rối đám tang. Chính lúc các cựu chiến binh, các lão thành cách mạng, bừng bừng nổi giận, thì các ông dân chủ lại bình tĩnh, tìm cách khuyên can, chứ không có thái độ quá khích nào
cả.


Toàn là những người hiểu biết. Sự nóng giận liền dịu xuống. Tang lễ
lại tiếp tục. Mọi người đều đứng rẽ ra hai bên làm thành
một con đường để đội danh dự mặc lễ phục trắng khiêng linh cữu trong nhà tang lễ ra xe ô tô đã đỗ ở giữa sân. Lúc này nắng lắm!


Một số phóng viên người nước ngoài tranh thủ phỏng vấn, ghi âm mấy cụ còn chưa nguôi cơn giận.

Ai cùng đi đến nghĩa trang Hoàn Vũ (hỏa táng) thì lên xe. Tôi chậm chân nên xe tang đã ra ngoài cổng rồi, tôi vẫn còn trong sân để xe đạp xe máy. Gặp chị Ngọc, vợ ông Hoàng Minh Chính, hỏi tôi có đi nghĩa trang? Tôi trả lời sẽ đi bằng xe máy. Chị khuyên tôi nên đi ô tô, đỡ mệt. Các ông ấy đều lên ô tô cả. Tôi chạy vội ra cổng, thì
đoàn xe đã đi xa. Lại gặp các cụ dân chủ đứng túm lại ở đầu cổng. Hỏi ra mới rõ, xe còn
rộng chỗ lắm, nhưng lái xe không chịu mở cửa cho các cụ lên (đều
do công an lái xe). Một cử chỉ nhỏ nhen! Các cụ bèn quyết định thuê tắc-xi đi.

Trên xe, tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang nhận định một cách tổng quát: “Chúng nó đểu một cách rất ngu, và đểu đến từng chi tiết”. Nhà báo đại tá chính ủy Phạm Quế Dương lại cười hề hề: “Trò đùa ấy mà! Có gì đâu!”.

Xe tắc-xi chạy nhanh, bám kịp đoàn xe tang lễ. Quả thật, nhiều xe rất vắng, mang biển số 80B. Biển số này là của công an, nhiều người biết. Hai xe cam-nhông chở đầy vòng hoa viếng, những vòng hoa bên ngoài đều bị bóc hết các băng chữ. Lại nhỏ nhen!

Dự hỏa táng xong, trở về nhà tang lễ Bộ Quốc phòng thì đã gần 3 giờ chiều. Chúng tôi lấy xe ra về,
người mệt nhoài, vì nóng, vì nắng. Rủ nhau vào uống giải khát để lấy
sức ngày mai còn đưa hài cốt hỏa táng cụ Độ về Thái Bình.

Sẩm tối mới về tới nhà, đã thấy mấy ông bạn cựu chiến binh đón từ đầu đường hỏi về chuyện đám tang ông Trần Độ. Thì ra chuyện ở đám tang trưa nay đã đồn ầm lên trong dân chúng. Giấu làm sao được nhân dân! Che làm sao được miệng thế gian! Và bản tin chiều của hãng BBC mãi tít nước Anh đã đưa tin về đám tang. Có cả tiếng nói của cháu Thắng và tiếng vỗ tay rền vang như sấm. Nhanh thật! Trái đất cùng chung một mái nhà.



- VÀI LỜI KẾT THÚC :


Sáng sớm
hôm sau (15-8-2002) chúng tôi tập trung tại 37 Lý Nam Đế, nhà ông Phạm Quế Dương, để di Thái Bình cho trọn tình
trọn nghĩa. Công an mật đã đến lởn vởn trước cổng, từ 5 giờ sáng.


Chúng tôi gọi tắc-xi, đúng 6 giờ 30 sáng lên đường. Nhìn sang lịch ta là ngày mồng 7. Ông cha ta dạy: “Chớ đi ngày 7 chớ về ngày 3”. Chúng tôi biết là chuyến đi này sẽ gặp trắc trở đây.


Quả không sai, quãng đường hơn 100 km về quê cụ Độ bị 4 lần ách xe. Công an giao thông kiểm soát giấy tờ lái xe, phương tiện xe cộ có an toàn, để đảm bảo cho khách đi đường được yên tâm. Lại còn điều tra một tai nạn xe cộ, lái xe bỏ chạy, là một trong 300 chiếc tắc-xi của hãng này. Màu sơn này. Nên công an chúng cháu phải làm nhiệm vụ, mong các
cụ thông cảm. Lần ách xe ở đất Thái Bình lâu nhất, mất gần 2 giờ đồng hồ. Đến nơi thì đã 1 giờ 30 chiều,
tang lễ hạ huyệt đã xong. Tổng cộng mất hơn 7 tiếng đồng hồ mới đi nổi
quãng đường hơn 100 km. Mọi người đang ăn cỗ. Phong tục nông thôn bà con xa gần kéo đến rất đông.


Chúng tôi thắp hương, dâng lễ vật ở bàn thờ gia đình và bàn thờ ông Trần Độ. Lại phải ngồi ăn cỗ, thôi thì chiều nay ra mộ thắp hương trước khi về.


Được gặp con cái cụ Độ, chúng tôi tranh thủ tìm hiểu việc công an định khám nhà và lấy đi 5 thùng sách báo. Các cháu đều trả lời lấp lửng, không rõ ràng, hình như e ngại điều gì. Gặp cháu Thắng, con trai trưởng, người đã nói được câu tuyệt vời hôm qua, thì hôm nay
cũng không đậm đà bắt chuyện, muốn lảng tránh câu hỏi. Có thể tối qua cơ quan nơi cháu làm việc họ đã ấn huyệt.
Thôi, thông cảm cho các cháu. Các cháu cần làm ăn, cuộc đời các cháu còn dài.


Được biết thêm, có cả thảy 220 vòng hoa tang lễ ở Hà Nội. Các băng chữ bị lấy hết, gia đình chỉ giữ được 7 băng. Gia đình đòi lại được 5 cuốn sổ tang, một số trang bị xé rách.


Toàn là những cử chỉ nhỏ nhen!

Ngôi mộ ông Trần Độ được nằm cạnh ngôi mộ bà mẹ. Đó là ý nguyện của ông. Đây là nghĩa trang xóm làng, mỗi gia đình được một khoanh đất, để chôn cất những người thân trong gia đình. Ông Độ đã trở về với bà con xóm làng. Mộ ông cũng rất bình thường, như mọi ngôi mộ ở đây. Nằm ở đây
thì yên ổn rồi, ấm lòng rồi. Chúng tôi tin chắc là ông Trần Độ rất thanh thản. Nhớ đến một đoạn thơ của ai đó:

Sống tranh luồn cúi vào ra, 
Chết còn xí cả (cái) nhà mồ to 
Phải
là những bậc anh hào, 
Sống thiêng – chết lại đi vào trong dân, 
Mà to bia nhớn chẳng cần…


Những ngày tang lễ ông Trần Độ


Hà Nội, tháng 8-2002
Hoàng Tiến, nhà văn.
Địa chỉ: Nhà A 11 Phòng 420 
Thanh Xuân Bắc- Hà Nội.


-------

(bài viết này đã được Nhà văn Hoàng Tiến gửi phổ biến rộng rãi tới các nơi sau:

Nơi gửi: 
- Các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước. 
- Các cơ quan thông tấn, báo chí. 
- Các bè bạn.)


Thuốc Lá gửi hôm Chủ Nhật,
13/10/2013
 

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.