Jan 15, 2025

Biên khảo

Bình Thơ Giúp Giới Trẻ Ở Hải Ngoại Bình Thơ
Con Cò * đăng lúc 07:32:01 PM, Jul 22, 2017 * Số lần xem: 2380
Hình ảnh
#1

                     

 

Lâu nay không làm thơ và cũng không nhắc tới thơ vì nhiều lý do lặt vặt. Nói nhiều tới chính trị và tôn giáo thì dễ đụng chạm. Lục lại thấy bài này có vẻ hấp dẫn nhưng chưa hề gửi cho ai, nay sửa lại gửi cho qúy vị đọc chơi. Vị nào muốn góp ý sẽ được hoan nghênh nhiệt liệt. Riêng các vị  An, Hải, Khanh, Tài (nếu thấy vừa ý) thì có thể đăng trên báo của mình. Xin mở attach mà đọc thì dễ hơn. Tôi cũng mở sẵn cho vị nào không mở được attach của tôi. Con Cò

     
Giúp Giới Trẻ Ở Hải Ngoại Bình Thơ
 


Trong những buổi tiếp truyện với giới trẻ trong lớp tuổi từ 40 tới 50 ( những người rời Việt Nam chung quanh tuổi 16 ) tôi nhận thấy rằng họ nói, đọc và viết tiếng Việt rất thông thạo nhưng chưa quen với ngôn ngữ của thơ. Vậy nên tôi muốn phổ biến hạn chế trên email nội dung của dăm cuộc mạn đàm về thơ với một người bạn trẻ, mục đích giúp giới trẻ hiểu thơ Việt.

 

Đề Mục 1     “ Năm Ngoái”

 

Nhân lúc dịch 1 bài thất ngôn tứ tuyệt của Thôi Hộ tôi nhận ra rằng thi hào Nguyễn Du đã dùng sai từ “năm ngoái” trong 1 câu thơ của Chuyện Kiều. Xin chép toàn bộ bài dịch và lời chú giải dưới đây để dễ kể chuyện: 

 

ĐỀ TÍCH SỞ KIẾN XỨ              VỊNH NƠI GẶP GỠ XƯA 

Khứ niên kim nhật thử môn trung    Ngày này năm ngoái cửa này trông 

Nhân diện đào hoa tương ánh hồng     Hoa đào mặt ngọc sắc tươi hồng 

Nhân diện bất tri hà xứ khứ        Mặt ngọc đã đi đâu khuất dạng 

Đào hoa y cựu tiếu đông phong      Như cũ hoa cười đón gió đông

 

 Khứ niên: năm trước. Kim nhật: ngày nay. Thử môn trung: trong cửa này. Nhân diện: mặt người. Tương:tương phản. Hà xứ khứ: đi xứ nảo. Y cựu:như cũ.  Lời bàn của ConCò: Đây là 1 bài thơ siêu việt nhất trong những bài siêu việt.Từng chữ, từng câu như những tiếng chuông vàng. Câu kết là 1 câu đã tốn nhiều giấy mực của những nhà bình luận thơ.  Nguyễn Du đã mượn ý câu này trong Chuyện Kiều:”Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông” nhưng tiếc rằng tiên sinh đã dùng sai ý ấy. Ý của câu nguyên bản là: Hoa đào vẫn cười với gió đông như cũ. Nếu là hoa đào của năm ngoái thì nó đã khô héo rồi, không thể nào cười với gió đông được.  2 chữ “năm ngoái” của thi hào Nguyễn Du chỉ dịch được chữ “cựu” trong 2 chữ “y cựu” của Thôi Hộ . Có rất nhiều câu bất hủ trong Chuyện Kiều mà Nguyễn Du đã khai triển từ ca dao Việt hoặc từ  thơ của Trung quốc, tỉ dụ như những câu sau đây: 1/ Buồn trông cửa biển chiều hôm, Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa…khai triển từ những câu ca dao Việt:


Buồn trông con nhện giăng tơ, Nhện ơi nhện hỡi nhện chờ mối ai.   2/ Tiếng khoan như gió thoảng ngoài, Tiếng mau xầm xập như trời đổ mưa…. Khai triển từ những câu trong Tì Bà Hành: Đại huyền tào tào như cấp vũ, Tiểu huyền thiết thiết như tư ngữ…mà Con Cò dịch là: Dây to xầm xập mưa rào. Nỉ non dây nhỏ thì thào niềm riêng…   2 câu lục bát của Nguyễn Du không thua 2 câu thất ngôn của Bạch Cư Dị. Con Cò kể vòng vo như trên chỉ muốn nói rằng nếu câu thơ của Nguyễn Du chỉ đơn sơ (chẳng hạn như): Hoa đào như cũ vẫn cười gió đông thì không có vấn đề gì.. Tiện đây Con Cò xin có 1 ý kiến về lời bình luận qúa trớn của học giả Phạm Quỳnh về Chuyện Kiều đăng trên Nam Phong tạp chí:”Chuyện Kiểu còn thì tiếng ta còn, tiếng ta còn thì nước ta còn”. Ôi! Thế ra mình có thể dùng Chuyện Kiều làm võ khí chống giặc Pháp xâm lăng Việt Nam cuối thế kỷ 19 hoặc chống giặc Tầu xâm chiếm Hoàng sa đầu thế kỷ 21 hay sao? Đành rằng trong văn chương có thể thậm xưng nhưng thậm xưng dùng để mô tả thì được mà dùng để bình luận, tham khảo thì không nên bởi vì bình luận và tham khảo cần chính xác chứ không cần thậm xưng. Còn nữa, xưng tụng Chuyện Kiều để người đời chiêm ngưỡng một áng thơ lục bát bất hủ của Việt Nam chứ không để ru ngủ người dân đang chịu ách đô hộ của nước Pháp như Phạm Quỳnh đã làm trong thập niên 1930. Người ta nghi rằng Pháp đã ép Bảo Đại bổ nhiệm Phạm Qỳnh làm thủ tướng rồi sau đó Phạm Quỳnh trả ơn Pháp bằng một mật thư mách nước cho Pháp biến Trung kỳ và Bắc Kỳ thành thuộc địa của Pháp. Mật thư này đã bị Việt Minh tìm thấy khi tiếp thu triều đình Huế cuối tháng tám năm 1945 để xử tử Phạm Quỳnh. 

 

Khi đọc cho anh bạn trẻ nghe, tôi không nhận được sự đồng ý nhanh chóng của anh. Tranh cãi gần nửa giờ mà không đi đến một thoả thuận thích đáng. Tôi đành về nhà chép lại bài dịch gởi anh như  trên.  Xem xong anh đồng ý rằng hoa đào của năm ngoái thì phải khô héo, không thể cười với gió đông được. Nhưng anh lại tưởng rằng Nguyễn Du tả hoa đào của năm ngoái cười với gió đông trong năm ngoái. Lần này thì dễ thôi. Tôi chỉ cần nhắc anh đọc lại đoạn kết, lúc Kim Trọng chịu xong tang chú, trở lại chốn cũ thì không thấy Thúy Kiều, chỉ thấy hoa đào vẫn cười với gió đông như năm ngoái, chỗ có 2 câu: “Trước sau nào thấy bóng người. Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông” thì vấn đề sẽ được giải quyết.     


 Đề Mục 2:     Phạm Quỳnh 

Khi bàn luận về đề mục 1 tôi có đả kích 1 câu của Phạm Quỳnh đăng trong tạp chí Nam Phong thời tiền chiến như vừa nói trên. Tôi xin lỗi đã đi hơi xa trong vấn đề này ( xem lại phần chú giải của đề tài 1). Có lẽ lúc đó anh bạn trẻ chưa biết lý do Việt Minh xử tử PQ. Anh bày tỏ: ”PQ là 1 học giả uyên thâm và yêu nước. Tuy lời nói ấy hơi qúa đáng nhưng ông có quyền dùng lối văn thậm xưng.”  Tôi đồng ý rằng PQ là 1 học gỉa có công với nền văn học phôi thai thời tiền chiến nhưng dùng thể văn thậm xưng để bình luận thì không nên vì bình luận cần vô tư, chính xác

chứ không cần chủ quan, thậm xưng. Riêng về điểm PQ yêu nước thì phải đánh 1 dấu hỏi thật lớn (như đã trình bày trong lời chú giải của mục 1). Nếu tôi nhớ không nhầm thì Việt Minh năm đó chỉ xử tử chừng 3 hoặc 4 người. Cung Đình Vận và Ngô Đình Khôi bị xử tử vì đã dùng dây thép xuyên qua cổ tay của cán bộ cộng sản rồi cột họ vào càng xe ô tô kéo cho tới chết. PQ là người thứ 3 bị xử tử vì tài liệu phản quốc nói trên. Hồi đó Việt Minh còn e dè, không dám xử tử bừa bãi (thủ tiêu ngầm thì có, xử tử công khai bừa bãi thì không). Chúng ghét cay đắng nhiều người nhưng không dám giết, ông Ngô Đình Diệm là 1 thí dụ. Tôi chưa tìm thấy nhân vật nào trong giới tư pháp hoặc sử gia đả kích bản án  PQ. (con trai của PQ sau này phục vụ đắc lực cho Việt cộng; điều này chứng tỏ người con này đã biết cha mình không chết oan). Nhân câu nói của PQ tôi muốn bày tỏ thêm vài quan điểm sau đây: Có nhiều người đã khoe với người ngoại quốc rằng Chuyện Kiều là thơ tiêu biểu cho quốc hồn quốc túy của Việt Nam. Tôi không đồng ý. Ca dao mới là quốc hồn quốc túy của Việt Nam. Ca dao có hàng vạn câu mà câu nào cũng hay, cũng thâm thúy. Nhiều câu có giá trị giáo dục (educative). Chuyện Kiều chỉ có 3200 câu. Chừng 1000 câu tuyệt tác. Vài trăm câu tầm thường. Cả ngàn câu còn lại tuy khá hay nhưng không phải là tuyệt tác. Cốt chuyện thì vay mượn của Trung quốc. Một số câu tuyệt tác được mượn ý trong ca dao hoặc từ những thi hào Trung quốc. Điển tích Tàu dùng khắp nơi. Vậy nếu coi Chuyện Kiều là đại diện của văn thơ Việt Nam thì bất công đối với ca dao.                                               


Đề Mục 3:      “ Buồn trông


Hãy đọc 8 câu sau đây trong chuyện Kiều rồi mổ xẻ động từ kép buồn trông để thấy câu hỏi rất hay mà anh bạn trẻ đã nêu ra:

 


Buồn trông cửa biển chiều hôm   

Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa   

Buồn trông ngọn nước mới sa   

Hoa trôi man mác biết là về đâu   

Buồn trông ngọn cỏ dàu dàu   

Chân mây mặt nước một màu xanh xanh   

Buồn trông gió cuốn mặt duềnh   

Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi


Ai cũng cảm thấy cái hay của động từ kép buồn trông nhưng ít ai hiểu hết nét độc đáo của nó. Nhiều người còn tách nó ra làm 2 động từ buồntrông. Lúc còn ở trong trại tỵ nạn Indian Town Gap tôi đã được nghe thượng tọa Thích Giác Đức thuyết trình về động từ kép này. TGĐ hiểu rất sâu xa nhưng lại lầm tưởng nó được sáng tác bởi Nguyễn Du. Thực ra ND đã  khai triển nó một cách tuyệt hảo từ ca dao Việt:

 

Buồn trông con nhện giăng tơ  

Nhện ơi nhện hỡi nhện chờ mối ai  

Buồn trông chênh chếch sao mai  

Sao ơi sao hỡi nhớ ai sao mờ  


Hãy nghe nguyên văn lời giảng của Thích Giác Đức:

 

“Ta không buồn 

Ta cũng không trông   

Ta buồn trông.”     Lời giảng của TGĐ vỏn vẹn chỉ có vậy.


Tôi xin giảng tiếp lời của nhà sư: ta không chủ ý trông nhưng cảnh vật đập vào mắt ta khiến ta thấy. Ta không thực sự buồn nhưng cảnh ấy làm cho lòng ta man mác. Vậy thì động từ kép này có khoảng 50% nghĩa của động từ buồn và 50% nghĩa của động từ trông. Phải vận dụng trí tưởng tượng mới hiểu thấu đáo. Tôi không tìm thấy động từ tương đương nào trong tiếng Anh, tiếng Pháp hoặc tiếng La Tinh (3 ngôn ngữ phong phú nhất thế giới). Tuyệt đối không!  Cũng nên mở một dấu ngoặc ở đây để nói rằng tiếng Việt hơn hẳn tiếng ngoại quốc trong từ buồn trông chứ đừng vội kết luận một cách hàm hồ rằng tiếng Việt phong phú hơn tiếng ngoại quốc. Tôi từng nghe nhiều người lập luận rằng tiếng Anh, tiếng Pháp chỉ có 1 tính từ (adjective) để chỉ màu đen (black, noir). Nhưng tiếng Việt có tới 5 tính từ để chỉ màu ấy: ngoài chữ đen thông thường còn có thêm 4 chữ chỉ màu đen nữa: chó mực, mèo mun, ngựa ô,
áo thâm. Vậy thì tiếng Việt phong phú hơn tiếng Anh, Pháp. Hết sức hồ đồ. Thực ra tiếng Việt vẫn còn nghèo nàn so với tiếng Tàu, Anh, Pháp và cần được làm giầu thêm nữa. Qúa tự tôn chỉ làm cho mình mất cảnh giác và đi tụt lùi. 


Đề Mục 4:  “Hơi Đâu”   

 

Bài thơ khóc Dương Khuê của Nguyễn Khuyến mở đề bằng 2 câu tuyệt tác:

 

Bác Dương thôi đã thôi rồi  

Nước mây man mác ngụt ngùi lòng ta    

Rồi kết thúc bằng 4 câu trong đó có 2 chữ “hơi đâu”: 

 

Bác chẳng ở dẫu van chẳng ở  

Tôi tuy thương lấy nhớ làm thương  

Tuổi già hạt lệ như sương  

Hơi đâu ép lấy hai hàng chứa chan


Hàng vạn người hiểu 2 chữ hơi đâuhơi đâu mà (việc gì mà..tội gì mà..mắc mớ gì mà…) rồi trách Nguyễn Khuyến đã dùng 2 chữ qúa dở để kết thúc một bài thơ qúa hay. Hồi còn học trung học tôi đã nghe thi sĩ Đoàn Phú Tứ giảng như thế và còn nói rằng 2 chữ hơi đâu đã làm giảm gía trị của bài thơ. Mãi tới năm 30 tuổi, nhân đọc 1 bài khảo luận của thi sĩ Bàng Bá Lân tôi mới hiểu rõ.  Bàng Bá Lân giảng rằng người trẻ nhiều hơi sức, nhiều nước mắt nên có thể khóc như mưa như gió. Người già đuối sức, ít nước mắt (hạt lệ như sương) không còn hơi sức để khóc nhiều. Thì ra như vậy. Hiểu đúng nghĩa mới thấy khoan khoái. Kể như bài thơ đã được successfully defended bởi Bàng Bá Lân.                                                     

 

Đề Mục 5:   “ Bóng trăng chơi”

 

Một trong những bài thơ bất hủ của Tản Đà là bài:


Tống Biệt

 

Lá vàng rơi rắc lối Thiên Thai  

Suối tiễn oanh đưa những ngậm ngùi  

Nửa năm tiên cảnh  

Một bước trần ai  

Ước cũ duyên thừa có thế thôi  

Đá mòn rêu nhạt  

Nước chảy huê trôi  

Cái hạc bay lên vút tận trời   

Trời đất từ nay xa cách mãi  

Cửa động  

Đầu non   

Đường lối cũ   

Nghìn năm thơ thẩn bóng trăng chơi


Trong cuốn phim dựa trên tiểu thuyết Vang Bóng Một Thời của Nguyễn Tuân, một cô ca sĩ đã hát (theo điệu ca trù) sai câu chót thành: Ngàn năm thơ thẩn ánh trăng soi. Đàn nguyệt đệm tuyệt vời. Ca sĩ hát điêu luyện. Vì vậy mà nhiều người đã hài lòng  với “ánh trăng soi”. Tôi nhắc cho anh bạn trẻ biết rằng đạo diễn của cuốn phim đã cố ý bóp méo câu thơ của Tản Đà; đây là một lỗi không thể tha thứ được. Lưu, Nguyễn bỏ Đào nguyên về nhà rồi khi trở lại chốn cũ thì không thấy Thiên Thai đâu nữa. Cảnh vật u tịch, hoang sơ, chỉ thấy đá mòn, rêu nhạt, nước chảy, huê trôi cửa động, đầu non, đường lối cũ. Một bóng trăng thơ thẩn chơi trong cảnh ấy. Thật là siêu việt. Mỗi ý, mỗi câu, mỗi chữ trong bài đều siêu việt. Bài thơ cổ phong này có thể so sánh với một trong những bài hay nhất của thi bá Lý Bạch của Trung quốc.  3 chữ  bóng trăng chơi là một tuyệt chiêu. 2 chữ thơ thẩn cũng được dùng đắc địa. Nếu sửa thành thơ thẩn ánh trăng soi thì 2 chữ thơ thẩn sẽ rơi vào mạt địa (improper) bởi vì ánh trăng thì không thể nào soi thơ thẩn được.


Đề Mục 6:    Một đoạn thơ dịch của Tản Đà 

 

Mục này liên hệ tới 4 câu kết trong bài Hữu Sở Tư của Lô Đồng. Tản Đà dịch.

 

4 câu thơ nguyên bản: 
 

Mỹ nhân hề! Mỹ nhân!

Bất tri mộ vũ hề vị triêu vân

Tương tư nhất dạ mai hoa phát

Hốt đáo song tiền nghị thị quân

 

Lô Đồng

 

Bài dịch:

 

Hỡi ơi! Người đẹp ta đâu? 

Mưa chiều mây sớm ai hầu biết ai  

Nhớ nhau suốt một đêm dài  

Trước song trắng toát hoa mai lúc nào   

Ngỡ mình chẳng phải mình sao  

Tản Đà

 

Giải nghĩa xuôi    (những chữ trong ngoặc đơn (  ) là những chữ hiểu ngầm) 


A/ Nguyên bản có 4 câu, nghĩa rất rõ ràng:
 


1/ Người đẹp ơi! Người đẹp!
 (gọi thầm người  đẹp ở xa.)

2/  (ta) Không biết mưa chiều, mây sớm (vắng em ta không thiết tới mây nước, ngày giờ)   

3/ Một đêm (đó là một đêm xuân vì có hoa mai) khi ta đang nhớ em thì hoa mai nở 

4/ (ta) vội tới bên song, ngỡ thấy được em (hiểu ngầm rằng ngày xưa ta vẫn cùng em đứng bên song ngắm hoa mai, bây giờ bước vội tới bên song thì chỉ thấy hoa mai, không thấy em)

 

B/ Đoạn thơ dịch của Tản Đà có 5 câu (phải dùng 5 câu để dịch 4 câu nguyên bản thì kỹ thuật dịch chưa cao nhưng hãy tạm bỏ qua để xét tới những lỗi quan trọng của Tản Đà trong phép dịch thuật):

 

1/ Hỡi ơi! Người đẹp ta đâu? (chuyển lời gọi thầm hề thành lời than hỡi ơi). Ý của nguyên bản chỉ là gọi thầm người đẹp ở xa chứ không hẳn là không biết người đẹp ở nơi đâu. Câu này tuy không sai mấy nhưng không đúng hẳn. Thừa 4 chữ Hỡi ơita đâu . Một câu thơ 6 chữ mà thừa 4 chữ thì nhất định là không hay.  

2/ Lúc mưa chiều và lúc mây sớm ta và em không ai biết ai (dịch sai ý của nguyên bản). Lỗi này rất nặng.   

3/ Ta nhớ nhau suốt một đêm dài (thừa 2 ý: suốt dài). Lỗi này cũng nhẹ giống như lỗi dịch câu 1  

4/ Trước song hoa mai nở trắng toát lúc nào không hay. ( dịch sai ý của nguyên bản). Không có ý trắng toátlúc naò? trong nguyên bản. Tác giả (chứ không phải hoa mai) vội tới (hốt đáo) bên song. Lại một lỗi nặng nữa.

 

5/ Ta ngỡ ta chẳng phải ta nữa hay sao? (không hiểu ý Tản Đà muốn nói gì). Một câu lập dị, thêm vào 1 thứ triết lý vô nghĩa, quê mùa.

 

Hãy thử xét xem TĐ đã cắt 2 câu nguyên bản như thế nào:  

 

Nhìn vào 3 câu thơ cuối của Tản Đà ta nhận thấy rằng ông đã cắt 2 câu 3 và 4 của nguyên bản rồi biến nó thành 3 câu như hình vẽ dưới đây:

 

3. Tương tư nhất dạ / mai hoa phát 

 

4.  Hốt đáo song tiền / nghị thị quân 

 

TĐ dùng phần đầu của câu 3 ( Tương tư nhất dạ ) rồi thêm vào chữ suốtdài để thành câu lục:nhớ nhau suốt một đêm dài.

 

TĐ dùng phần 2 của câu 3 ghép với phần 1 của câu 4 thành câu: Mai hoa phát hốt đáo song tiền (Hoa mai nở rồi vội tới trước song). Nghĩa của câu này thành ra quá ngộ nghĩnh, ngây ngô. Hoa mai không đi vội tới trước song. Tác giả mới là người đi vội tới trước song. TĐ bỏ không dịch những chữ phát, hốtđáo  rồi thêm 4 chữ trắng toát, lúc nào của ông vào để thành câu bát dễ nghe hơn: Trước song trắng toát hoa mai lúc nào.  Câu này không những dịch sai, dịch thiếu ý của nguyên bản mà màu sắc của hoa cũng không đúng hẳn. Hoa mai có nhiều loại, phần lớn có màu trắng nhưng không trắng toát, nó trắng dịu, nhụy của nó vàng nhạt.                        

 

TĐ dùng phần chót của câu 4 Nghị thị quân (ngỡ thấy em) để dịch thành 1 câu dư thửa, ngây ngô, vô nghĩa: Ngỡ mình chẳng phải mình sao?  Cắt ra rồi ráp lại như kiểu này thì quá tự tiện, không tôn trọng nguyên bản.

 

Câu chót của nguyên bản “ Hốt đáo song tiền nghị thị quân” là linh hồn của bài thơ, nó ngụ ý rằng ta đã cùng em ngắm hoa mai nở nhưng đêm nay khi hoa mai nở ta vội tới trước song thì không thấy em (ngỡ thấy em). TĐ bỏ hẳn ý này không dịch. Vậy là ông đã vô tình giết chết cái hồn của bài thơ nguyên bản.   

 

Thành kính xin lỗi cụ Tản Đà, một thi hào tài ba lão thành mà tôi hằng ngưỡng mộ. Tôi chỉ muốn nói rằng tôi không đồng ý với cụ về đoạn dịch này bởi vì nghiêm chỉnh là điều quan trọng hàng đầu trong dịch thuật. Kiến thức nho học của cụ qúa uyên bác cho một đoạn thơ ngắn và giản dị như đoạn này. Rất tiếc rằng một thi hào đã từng sáng tác những bài thơ siêu việt như bài Thề Non Nước và bài Tống Biệt lại qúa cẩu thả khi dịch đoạn thơ Hán này. Nếu đoạn này là một đoạn thơ sáng tác (không phải thơ dịch và bỏ câu 5 đi ) thì có thể là một đoạn thơ hay. Nhiều bài dịch thơ Hán khác của cụ rất chỉnh. Riêng bài này thì qúa fantasy. 

 

Đoạn thơ dịch của Con Cò:

 

Chỉ cần 15 phút, dịch rất tự nhìên theo đúng ý thơ, ngôn từ và thể cổ phong của nguyên bản là có được 1 đoạn thơ dịch giản dị, dễ dàng, không phản bội nguyên bàn: 

 

Người đẹp ơi! Người đẹp ơi!

Mặc mây sớm bay mưa chiều rơi 

Một đêm nhớ nhau hoa mai nở 

Vội ghé bên song chẳng thấy người.

 


Chú thích: 2 chữ bayrơi tuy không hiển hiện mà tiềm ẩn trong câu 2 của nguyên bản, có thể xử dụng (khi cần) để gieo vần. Thể thơ vẫn là cổ phong. Câu đầu 6 chữ, câu hai 7 chữ, cộng lại vẫn là 13 chữ như trong nguyên bản (5+8=13). Toàn bài không thêm, không bớt, không thừa, không thiếu.

 


Đề Mục 7:
    Nhầm Tác Giả

 

 Mục này liên hệ đến 2 câu lục bát bất hủ của một em bé thi sĩ 12 tuổi. Anh bạn trẻ lầm tưởng là thơ của tôi. Nay xin đính chính và tiện thể chép lại 2 câu đó cùng một bài 10 câu mà tôi đã khai triển từ 2 câu đó cách đây chừng 15 năm:

TIẾNG RƠI

Cuối thâp niên 1950 tại Bắc-việt có một cậu bé 12 tuổi (Trần Đăng Khoa ) xuất thần làm đuợc 2 câu tuyệt tác:

Ngòai đuờng rơi chiếc lá đa
Tiếng rơi thật mỏng như là rơi nghiêng

Linh hồn của hai câu thơ nằm trong 2 chữ mỏng và nghiêng.

Thi si Tố Hữu thích quá bèn ra lệnh đặc biệt huấn luyện cậu nghệ thuật làm thơ nhưng tới 50 tuổi mà cậu vẫn chưa làm đuợc bài nào đáng đuợc lưu truyền.

Con Cò nghe kể chuyện ấy bèn khai triển thành một bài 10 câu lấy nhan đề Tiềng Rơi. Trọng tâm của bài là Tiếng Rơi nên tất cả 10 câu đều bắt đầu bằng chữ T

Tiếng Rơi

Trong không rơi khúc lá khô
Tiếng rơi khắc khổ cơ hồ không tên
Thềm hoa rơi giọt sương đêm
Tiếng rơi sướt mướt vươn lên mái lầu
Trời trong rơi lẹ hạt sao
Tiếng rơi lặng lẽ tan vào hư không
Trái sầu rơi ngập cõi lòng
Tiếng rơi hiu hắt hằn trong  phận  nguời
Trăng ngà rơi ngát cõi đời
Tiêng rơi thanh thoát thành lời thiên thu.
 


Sau khi nhận được mục này, anh bạn trẻ có vài ý kiến rất thực tiễn. Bài thơ phóng tác có 5 loại tiếng rơi: tiếng rơi của một mẩu lá khô, của một giọt sương đêm, của một hạt sao băng, của một trái sầu và của ánh trăng ngà. Anh rất thích 3 loại tiếng rơi chót nhưng không đồng ý với 2 loại tiếng rơi đầu vì theo ý anh, chúng không thông thường (người ta thường nói khúc xương, khúc gỗ, không ai nói khúc lá. Người ta thường nói giọt nước rơi lõm bõm hoặc thánh thót chứ không ai nói rơi sướt mướt).


Tôi tường trình với anh bạn trẻ rằng bài này là một bài phóng tác từ 2 câu của thần đồng thơ Trần Đăng Khoa. Từ mỏng là linh hồn của 2 câu thơ và đã làm cho chúng thành bất hủ. Tiếng rơi này không thông thường. Nó rất khác thường. Nó không to  

nhỏ, nặng nhẹdầy mỏng bởi vì nó rơi nghiêng. Nó không rơi vật vờ, là đà như bình thường. Tiếng rơi ấy không thể nghe bằng tai mà phải nghe bằng tâm hồn thì

mới thấy được nét đặc thù của nó.  5 loại tiếng rơi của Con Cò cũng phải khác thường (không thông thường) thì mới đáp ứng được tiếng rơi mỏng của TĐK. Vậy thì chúng cũng phải được nghe bằng tâm hồn chứ không nên nghe bằng tai. Khúc lá khô rơi khắc khổ là để tả cái nét khô khan lúc rơi ( 6 trong 14 chữ của 2 câu này bắt đầu bằng vần kh để tăng thêm nét khô khan ấy). Tiếng rơi sướt mướt của giọt sương là để tả cái nét ướt át của nó. 3 loại tiếng rơi cuối ( hạt sao, trái sầu và trăng ngà) cũng cần được nghe bằng tâm hồn thì mới thông cảm được với cái nét không thông thường của chúng.

 


Đề mục 8:
 
         Sáng tạo trong dịch thuật

Anh bạn trẻ hỏi: Có nên sáng tạo trong lúc dịch thơ hay không?

Câu trả lời của tôi là: tuyệt đối không!

Sáng tạo dùng trong lúc sáng tác thì tuyệt vời. Cũng có thể sáng tạo khi phóng tác, cảm đề hay vịnh thơ nhưng phải sáng tạo theo chiều hướng của nguyên bản, nghĩa là phải hạn chế sáng tạo trong một khuôn khổ nhất định. Tỷ dụ nguyên bản tả con cọp, mình có thể phóng tác thành con mèo, chứ không nên thành con trâu.

Dịch thơ thì hoàn toàn khác. Dịch một bài thơ là chuyển nó tứ tiếng ngoại quốc ra tiếng mẹ đẻ. Mọi sắc thái của bài thơ phải được giữ nguyên vẹn. Nếu kẹt qúa thì có thể bỏ 1 ý nhỏ nhưng ý chính thì phải giữ thật nghiêm chỉnh. Tuyệt đối không được thêm bất cứ một ý lạ nào vào, nghĩa là không được biến nguyên bản thành một bài thơ khác theo ý riêng của mình. Dịch khác ý của người tức là diệt thơ của người và bài dịch của mình sẽ có nhiều triển vọng nằm trong xọt rác.

Khi xét một bài thơ dịch cũng đừng để cho danh phận của dịch gỉa chi phối ý kiến của mình. Dịch gỉa có thể là một thi nhân, một văn hào hoặc một đại thi hào nhưng bài dịch của họ cũng có thể sai nếu họ qúa chủ quan. Mình suy nghĩ theo họ chẳng khác gì bước theo họ đi lạc đường mà không biết lối quay lại.

Tóm lại, trong phiên dịch, nghiêm chỉnh là quan trọng hàng đầu. Kế đến là ngôn từ, thể thơ và vần điệu. Dùng tài nghệ của mình để tô điểm cho một câu thơ (mà vẫn giữ nguyên ý) thì tốt nhưng nếu thay thế 1 câu nguyên bản bằng 1 câu của riêng mình (dù rằng ý của mình hay hơn) thì hoàn toàn sai.


Đề mục 9
           Ý và Lời


Anh bạn trẻ đề cập tới 1 câu mà tôi không nhớ tên tác giả : “ Dịch là chuyển ý chứ không phải chuyển ngữ”. Tôi không biết câu này được nói ra trong trường hợp nào nên không muốn vội vã bình luận về nó. Tuy nhiên, ta có thể xét câu này trong 2 trường hợp: nếu câu này muốn nói ý quan trọng hơn lời thì hoàn toàn đúng; nhưng nếu nó muốn nói rằng chỉ cần ý, không cần lời thì là ngụy biện bởi vì không có lời thì làm sao diễn đạt được ý. Ngôn từ của một bài thơ giống như nữ trang của một người con gái. Ngôn từ mà rườm rà, thừa thãi, thô thiển thì bài thơ không thể nào hay được. Còn nữa, nếu dùng những câu 7, 8 chữ để dịch những câu 3, 4 chữ hoặc dùng 5 câu để dịch 4 câu thì sẽ làm lu mờ cái nét cô đọng, súc tích của nguyên bản.

Hãy lấy một thí dụ: bài  Lương Châu Từ của Vương Hàn:


(Nguyên bản)

Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi
Dục ẩm tỳ bà mã thượng thôi
Túy ngoạ sa trường quân mạc tiếu
Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi

Đã có vài chục danh sĩ dịch bài này thành thơ Việt. Bài dịch nào cũng hay (phần lớn đều dùng thể lục bát) nhưng đều có chung một khuyết điểm là bỏ sót một vài chi tiết đặc biệt (specific) của nguyên bản. Sau đây là một bài đã được rất nhiều người khen là chải chuốt (tôi không nhớ tên dịch giả):

Tay nâng chén rượu bồ đào
Tiếng tơ đồng dục anh hào ra roi
Dù say xin bạn chớ cười
Ngàn xưa chiến sĩ ai người hồi hương

Qủa nhiên bài dịch rất chải chuốt và đã lột được ý chính nhưng đã bỏ sót những chi tiết rất tế nhị và quan trọng của nguyên bản: dạ quang bôi (chén ngọc dạ quang), tỳ bà ( tiếng tơ đồng chỉ tả được tiếng đàn chứ không nói lên được chi tiết tiếng đàn tỳ bà), dục ẩm (còn muốn uống nữa), túy ngọa (say nằm bò ra, say mèm). Những chi tiết này là những viên ngọc tí hon tô điểm thêm vẻ tuyệt tác của nguyên bản nhưng lại thiếu sót trong bài thơ dịch. Bài dịch thừa những chữ tay nâng, tiếng tơ đồng, anh hào, xin bạn. Những chữ dư thừa này đã chiếm chỗ đáng lẽ dành cho những chi tiết nhỏ nhưng cần thiết nói trên.

 Xin đề nghị một bài dịch gom đủ các chi tiết của nguyên bản (bằng kỹ thuật xử dụng ngôn từ):

 Bồ đào chén ngọc mềm môi
Tỳ bà thôi thúc ra roi lên đường
Đừng chê nát rượu sa trường
Ngàn xưa chiến sỹ hồi hương mấy người

Chú thích: Chữ chén ngọc dịch chữ dạ quang bôi. Chữ mềm môi (không sát nghĩa lắm) dịch thoát 2 chữ dục ẩm. Chữ nát rượu dịch thoát 2 chữ túy ngọa. Chữ tỳ bà nói rõ ràng (specifically) tiếng của đàn tỳ bà. Các chi tiết khác thì đã đầy dủ trong 28 chữ của bài dịch

 


         

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


 

 

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.