Dec 21, 2024

Truyện lịch sử

Mùa Hoa Đào Ở Thăng Long
Nhật Hồng * đăng lúc 10:18:02 AM, Oct 08, 2015 * Số lần xem: 3138
Hình ảnh
#1

Mùa Hoa Đào Ở Thăng Long

 

            Mùa đông năm ấy, trời Quảng Tây rét mướt đến khiếp! Cái rét làm cho người tha hương thắt ruột, thắt gan đến khó chịu. Lê Quýnh run rẫy khép nép dưới tướng Tôn Sĩ Nghị rằng: Lê Chiêu Thống bị quân Tây Sơn đánh đuổi...rằng...

Tôn sĩ Nghị quát:

          -Đủ rồi! Cho ông về nghỉ! Lê Quýnh trông chờ câu nói ấy từ lâu vì hai đầu gối quỳ đến tê cống. Cái lưng mọp mọp vái chào ra về. Chờ cho quan nhà Lê ra khỏi sảnh đường Tôn Sĩ Nghị (Tổng Đốc Lưỡng Quảng) nói với Tôn Vĩnh Thanh (Tuần Phủ Quảng Châu).

          “Nước An Nam từ Đinh, Lê, Lý, Trần có người đứng ra giành độc lập coi ta không ra gì? Nay lẽ trời đã ban cho ta chiếm làm quận, huyện nên xui khiến Tây Sơn đánh đuổi quan nhà Lê chạy thục mạng qua bên ta cầu mạng sống, cầu cái ngai vàng rỗng mục.”

Tôn Vĩnh Thanh vốn từ lâu hiểu biết nhiều về thực lực của Tây Sơn nên dè dặt:

          -Việc đem quân ra nước ngoài là việc trọng đại, ngài nên suy xét tường tận. Vã lại quân Tây Sơn chỉ một phen đánh đỗ cả triều trại ba trăm năm nhà Lê, lực lượng ấy không phải yếu. Chi bằng ta tăng cường quân tinh nhuệ đóng áp sát biên giới, đợi cho Tây Sơn đánh nhà Lê mệt mỏi. Đến lúc bấy giờ ta sẽ thừa cơ hội: “ngao cò tranh đấu, ngư ông đắc lợi” mà tiến chiếm lấy cũng chẳng muộn màng gì? Tôn Sĩ Nghị trầm ngâm một lúc lâu vỗ đùi cười ha hả! Đã có kế sách rồi! Ông phất tay áo rộng qua thư phòng viết bài biểu dâng lên vua Càn Long, có đoạn: “Nếu phục hưng cho nhà Lê rồi ta đặt thú binh nắm giữ quyền hành, vừa phục tồn cho nhà Lê rã mục, vừa được đất An Nam, thật là nhất cử lưỡng tiện.

          Vua Càn Long sau khi xem tờ biểu, lòng mừng khấp khởi. “Đã nhiều phen trẫm định đem quân sang lấn chiến đất An Nam, bây giờ mới có dịp. Theo ý của khanh ta tiến đánh bằng cách nào?” Tôn Sĩ Nghị vòng tay bẫm:

          -Hiện nay, ta có bốn tỉnh quân lính đông, tinh thông vỏ nghệ là: Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam và Quí Châu ngoài ra lính còn thông hiểu đường xá, phong phổ của đất An Nam. Vậy bệ hạ nên huy động quân lính bốn tỉnh này chia làm bốn đạo gồm có thủy bộ họp nhất đánh thẳng vào Thăng Long là thành công ngay. Càn Long ngần ngừ đôi phút rồi phê chiếu giao cho Tôn Sĩ Nghị tổng chỉ huy bốn đạo quân:

          Đạo quân thứ nhất do Tôn Sĩ Nghị và đề đốc Hứa Thế Hanh chỉ huy theo đường Lạng Sơn tiến vào Thăng Long.

          Đạo Quân thứ hai do Tri phủ Sầm Nghi Đống chỉ huy theo đường Cao Bằng tiến xuống Thăng Long.

          Đạo quân thứ ba do Đô đốc Ô Đại Kinh làm chỉ huy theo hướng Tuyên Quang xuống đóng ở Sơn Tây.

          Đạo quân thứ tư qua vùng Quảng Ninh tiến vào đóng chốt ở Hải Dương.

          Vua Càn Long ra tận biên giới dự lễ xuất quân,  cẩn trọng bảo với Nghị: “Việc quân phải từ từ, không nên hấp tấp. Hãy đưa quân truyền thanh thế đi trước và cho các quan nhà Lê về họp nghĩa binh đem ra đối địch với Nguyễn Huệ thử xem sự thế ra sao? Vỉ bằng người trong nước nửa theo đàng nọ, nửa theo đàng kia thì Nguyễn Huệ tất không chịu lui. Vậy ta đưa thư sang nói rõ đường họa phúc, đợi khi thủy quân ở Phúc Kiến vượt biển đến Thuận Hóa rồi bộ binh sẽ tiến lên sau Nguyễn Huệ trước đều bị đánh tất phải thua!”. Càn Long moi trong tay áo ra cái bọc bằng nhung đỏ đưa cho Nghị dặn dò:

          -Đây là túi cẩm nang có tám bí quyết trọng yếu. Trong cái túi này có hai bọc nhỏ. Khi qua biên giới đất Nam, mở cái bọc màu xanh ra xem thực hiện ngay. Còn cái bọc đỏ chờ xem bày binh bố trận xong rồi mới mở ra xem. Trước nhất, nên truyền hịch nêu: “Phù Lê diệt Tây Sơn” ra giải thưởng trong quân lính và dân Nam ai giết được Nguyễn Huệ, Nguyễn Nhạc được trọng thưởng công hạng nhất, nhiều vàng và gấm lụa. Đoạn vỗ vai Tôn Sĩ Nghị:

          - Trẫm chờ tin chiến thắng của Khanh đó!

          Bốn đạo quân của nhà Thanh xuất phát từ Quảng Tây ồ ạt qua biên giới An Nam. Núi rừng thức giấc, chim muông tháo chạy bởi tiếng hò reo và tiếng trống vang trời. Phan Khải Đức tướng của Tây Sơn trấn giữ ở Lạng Sơn mặt cắt không còn hột máu, nửa đêm đem số tùy tùng đầu hàng Tôn Sĩ Nghị, sáng ngày Phó tướng Nguyễn Văn Diệm mới hay bèn rút quân về Kinh Bắc báo về Thăng Long.

          Ở Thăng Long, Ngô Văn Sở khẩn cấp họp các quan văn vỏ. Nguyễn Văn Dụng ý kiến:

          -Nhân khi quân giặc hành quân xa, đang mệt mỏi, ta đem quân ra chận đánh sẽ nắm chắt được phần thắng. Cuối đời nhà Trần, quân Minh sang chiếm nước ta, vua Lê Thái Tổ khởi nghĩa ở Lam Sơn mai phục giết chết Liễu Thăng ở Mã Yên. Nay quân Thanh vừa vượt suối trèo non đường xa mệt mỏi, ta thì quân nhàn rỗi chi bằng mai phục ở nơi hiểm yếu, đợi chúng đi qua xua quân đánh giết lo gì mà không thắng. Lại có người ý kiến nên cố giữ thành rồi chờ cho quân tiếp viện. Ngô Thời Nhậm đợi cho mọi người ý kiến xong, thong thả phân tích:

          Xưa Lê Lợi chống quân Minh, lòng dân ai cũng mến phục, căm ghét sự tàn bạo của quân Minh nên mai phục được kính đáo. Còn bây giờ, khác hẳn, tai mắt bộ thần nhà Lê đâu đâu cũng có, nghe quân Thanh sang viện họ nghễnh cổ trông chờ. Như vậy mai phục chỗ nào cũng bị lộ, quân cơ bị lộ khác nào tự mình hãm mình vào chỗ chết. Ngô Thì Nhâm vừa hớp ngụm trà vừa nói: chưa đánh, không giữ, tạm thời rút quân về một nơi để bào toàn lực lượng. Ngô Văn Sở hỏi:

          -Rút về đâu cho tấn thoái được lưỡng tiện?

          -Xem xét về mặt địa thế, chưa nơi nào thuận lợi và hiểm trở bằng núi Tam Điệp, mười người có thể chống trăm người. Mặt biển lại có Biện Sơn. Tướng Công nên phao tin đồn đem thủy binh trấn giữ sông Như Nguyệt rồi âm thầm rút về Biện Sơn. Bộ binh thì giống trống mở cờ về Tam Điệp, như vậy tiền hậu hai mặt hỗ trợ nhau tạo cái thế lưỡng hoàn phòng thủ vững chắc và cơ động khi xuất quân phản công. Ngô Văn Sở hợp ý tán thành ngay.

                                                  ***

          Buổi sáng trời Thăng Long lời mờ sương phủ, rét đậm lại đến, nhà nhà đóng cửa. Có tin đồn miệng với nhau:

          - Năm nay trời rét đến chết người, hoa đào không nở, xuân không tới, tai hoạ khủng khiếp sẽ giáng xuống người dân ở Bắc Hà. Người người nhìn nhau ủ rũ, nửa nghi, nửa ngờ. Bỗng rầm rập trống chiêng, giáo gươm tua tủa. Đạo quân Tôn Sĩ Nghị kéo vào đất Thăng Long. Vua quan nhà Lê mở rộng cửa nhà giết mổ trâu bò thiết đãi, tiếp nước. Lê Chiêu Thống được phong An Nam Quốc Vương lấy niên hiệu Càn Long, ngày ngày chầu trực dinh Tôn Sĩ Nghị. Tôn Sĩ Nghị bận đùa giỡn với đám cung nữ trẻ măng đất Bắc Hà cho đến trưa, quân hầu bẫm báo:

          - Có Lê Chiêu Thông phủ phục ngoài sân chầu, Tôn Sĩ Nghị nạt đùa!

          -Hôm nay không có việc quân việc quốc gì hết, về nghỉ đi!

Vua quan nhà Lê lủi thủi kéo nhau về, hẹn sáng mai đi chầu sớm. Về phủ Lê Quýnh sửa lại áo mão nói với người thứ thiếp.

          -Bọn Tây Sơn chưa chi đã chạy dài không còn một móng, nhân cơ hội này ta bày cho Lê Chiêu Thống ra sớ chiêu dụ Tây Sơn ở Tam Điệp ra hàng được trọng thưởng. Xong chuyện, ta sẽ có công lớn được ban thưởng nhiều vàng, nhiều gấm lụa mặc sức cho nàng chưng diện.

Người thứ thiếp tỏ vẻ chưa hài lòng:

          -Thiếp nghe Huệ là tay anh hùng hảo hán, lúc ra Bắc khi vào Nam xuất quỷ nhập thần, không ai lường được. Bắt Nguyễn Hữu Chỉnh như đứa trẻ con, giết Vũ Văn Nhậm như giết lợn, thiếp e rằng chẳng bao lâu hắn ra đến đây quân của Tôn Tổng Đốc làm sao địch lại?

Lê Quýnh xéo mắt nhìn người thứ thiếp:

          -Nàng đã bị cái bóng của Nguyễn Huệ hớp hồn rồi! Trước đây dinh cơ nhỏ nhoi. Chỉnh là tay cơ hội, hoạt đầu chỉ biết tham lam quỷ quyệt mờ cả tâm trí. Còn Nhậm thì lòng tham lam sâu như biển mù quáng mới chết dưới tay của Nguyễn Huệ. Còn hôm nay cục diện đã đổi khác, mười chín vạn quân của Tôn Sĩ Nghị hùng hậu, hành quân lược trận theo binh pháp hẳn hoi, đóng đồn lũy vững chắc, hậu thuẩn của nhà Thanh bao la, Nguyễn Huệ có tài cho mấy làm sao địch nỗi. Làm người phải biết thức thời mới đạt được danh vọng, cứ nhìn với cái con mắt đàn bà nhút nhát làm sao thấu đáo cho được?

Bị quở mắng, người thứ thiếp mặt mày sượng sần lui vào trướng. Lê Quýnh ngồi một mình hình dung được ý đồ phục hồi cơ nghiệp nhà Lê sẽ thành công trong nay mai. Chỉ chịu khuất phục một vài người mà trên vạn người, quyền hành tột đỉnh. Bất giác Lê Quýnh mừng lộ mặt ra.

          Từ ngày Tôn Sĩ Nghị vào Thăng Long, không một sức kháng cự, Nghị đâm ra kêu ngạo. Sáng tiệc nhỏ, chiều tiệc to, đêm đêm xướng ca múa hát, hưởng lạc lắm trò. Chia cắt từng tốp quân đi lùng sục khắp nơi cướp vàng bạc, bắt gái đẹp đem về trướng phủ. Ngoài ra còn bắt các vùng phụ cận phải nộp trâu, bò, heo, gà, thóc lúa hàng ngày cho quân lính ăn. Người dân Bắc Hà mấy năm liền bị thiên tai, chiến tranh, nay bị quân Thanh càng thêm điêu đứng, khổ sở.

          Vua quan nhà Lê nóng lòng muốn diệt gấp bọn Tây Sơn để khôi phục quyền binh nên đề đạt với Tôn Sĩ Nghị:

          -Quân Tây Sơn co cụm ở Tam Điệp, tướng công nên xuất quân đánh úp cho rồi! Nghị nói:

          -Việc quân cơ không nên hấp tấp, vã lại tết đến nơi nên để cho quân lính nghỉ ngơi cái đã. Giặc gầy ta nuôi béo sẽ diệt có muộn gì? Các ông hấp tấp nên thua Nguyễn Huệ thì phải.

Bị mắng, vua quan nhà Lê im thinh thít không còn tâu rỗi gì nữa!

***

          Được tin cấp bách của Ngô Văn Sở, Nguyễn Huệ lập đàn ở núi Ngự Bình làm lễ tế trời đất rồi lên ngôi Hoàng đế lấy niên hiệu là Quang Trung, tức tốc kéo quân ra Thăng Long, vừa đi vừa chiêu mộ binh mã. Nhân dân hăng hái tham gia quân Tây Sơn, trong vòng có mấy ngày mà số quân lên đến mười vạn. Vua Quang Trung chia quân làm bốn danh: tiền, hậu, tả, hữu và trong quân gồm số voi chiến đích vào trăm thớt. Tại đất Nghệ An, Quang Trung tổ chức cuộc duyệt binh lớn để lấy thực lực. Ông cưỡi voi kêu gọi quân sĩ:

          "Quân Thanh sang xâm lăng nước ta, hiện ở Thăng Long... Trong khoảng vũ trụ đất nào sao ấy, điều đã phân biệt rõ ràng, phương nam, phương bắc chia nhau mà trị, người phương bắc không phải nòi giống nước ta, cái bụng ắt khác.

          ...Đời Hán có Trưng nữ Vương, đời Tống có Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành, đời Nguyễn có Trần Hưng Đạo, đời Minh có Lê Thái Tổ. Các ngày không nở ngồi nhìn chúng làm điều tàn bạo, nên đã thuận lòng người, dấy nghĩa quân đánh một trận là thắng, đuổi chúng về phương bắc.

          ...Nay người Thanh lại sang mưu đồ lấy nước Nam ta đặt làm quận, huyện... Vì vậy, ta phải kéo quân ra đánh đổ chúng!”

          Đêm trung tuần tháng chạp, doanh trại của Ngô Văn Sở đèn đuốc sáng trưng, những ngọn bạch lạp lung linh, nhấp nháy soi tỏ rạng khuôn mặt của Hoàng đế Quang Trung và các quan văn vỏ. Trong cái không khí tĩnh lặng như có một sức mạnh vô hình ghê gớm lắm! Nó lờ mờ như vầng mây mỏng, như làm gió nhẹ khởi đầu cho một cơn bảo lớn. Sức mạnh vô hình đã đánh bạc hơi lạnh buốc giá của đêm đầy khí núi, sương rừng Tam Điệp đang độ cuối đông. Hoàng đế Quang Trung đánh bể cái không gian tĩnh lặng ấy bằng câu khen ngợi:

          -Trẫm rất tán thành kế hoạch rút lui của Ngô Văn Sở và Ngô Thì Nhậm. Một cuộc rút lui bảo toàn lực lượng, lấy thế lực để tấn công và cũng làm cho quân giặc thêm phần khinh xuất nhiều sơ hở.

 

Sau khi nghe Ngô Thì Nhậm và Ngô Văn Sở trình bày cặn kẻ thế lực của quân Thanh khi chiếm Thăng Long và cách bố phòng, các đồn tiền tiêu, địa hình từng nơi, từng chỗ, Quang Trung mắt sáng lên chậm rãi nói với các quan văn vỏ:

          -Trong tình hình nguy cấp của Thăng Long, ta phải triệt để lợi dụng sự sơ hở lớn của giặc vào dịp tết Nguyên đán này và lòng chủ quan khinh thường của quân Thanh. Sự hành binh thần tốc quyết thắng chừng nào thì thành công lớn chừng ấy! Trẫm có kế hoạch phân công, các khanh hãy nghe cho kỷ đây:

          Trẫm chia quân làm bốn đạo:

          Đạo quân chủ lực gồm bộ binh, tượng binh, kỵ binh do trẫm trực tiếp chỉ huy, tiền quân là Ngô Văn Sở, hậu quân là Hán Hổ Hầu đánh thẳng vào phía nam thành Thăng Long.

          Đạo hữu quân chia làm hai cánh: Cánh thứ nhất do Đô đốc Bảo chỉ huy mang voi chiến, ngựa chiến đi tắc đường núi Ưng Hoá (Hà Tây) đánh vào làng Đại Áng (Thường Tín, Hà Tây) đạo quân này có nhiệm vụ bảo vệ sườn trái của đạo quân chủ lực, phối hợp đánh Ngọc Hồi. Cánh quân thứ hai do Đố đốc Đông chỉ huy xuyên qua Chương Mỹ (Hà Tây) đánh vào làng Nhân Mục uy hiếp mặt Tây Thăng Long và tấn công đồn Khương Thượng.

          Đạo tả quân chia làm hai cánh tiến theo đường thủy vượt biển vào Lục Đầu. Cánh thứ nhất do Đô đốc Tuyết chỉ huy đổ bộ vào Hải Dương, có nhiệm vụ huy hiếp mặt Đông thành Thăng Long. Cánh thứ hai do Đô đốc Lộc chỉ huy tức tốc chiếm lĩnh các vùng: Yên Thế, Phượng Nhãn, Lạng Giang (Hà Bắc) để chặn đường rút lui của giặc. Cuộc chiến đấu này ta nhất định phải thắng, địch nhất định phải thua. Các quan quân hãy cùng ta đánh hết sức mình, trên dưới một lòng một dạ đánh cho quân Thanh không còn một manh giáp. Để cho người phương bắc hiểu dân An Nam như thế nào? Đêm ấy Quang Trung và các quan văn vỏ chuốc rượu chúc tụng nhau đến núi rừng nghiêng ngữa.

          Khi đại quân Quang Trung qua núi Thiên Nhận nơi giáp hai huyện Hương Sơn và Thanh Chương bỗng có cơn lốc xoáy cuốn cát bụi bên đường, ông cho quân dừng lại. Các cận tướng hỏi:

          -Việc chi mà bệ hạ cho dừng quân? Có kẻ sĩ đến viếng!

Không sai. Ông già râu tóc bạc phơ dáng tiên phong đạo cốt từ trong núi bước ra vái chào:

          -Kẻ hàn sĩ Nguyễn Thiếp xin chào mừng chúa công.

Quang Trung xuống ngựa vòng tay thi lễ kẻ sĩ. Mời vào trung quân đàm đạo, hỏi mẹo đánh và giữ, có được hay thua?

          Tiên nhân trả lời:

          -Nay trong nước trống, nhân tâm tan nát, quân Thanh từ xa đến không biết tình hình quân ta yếu mạnh thế nào? Không biết chiến, thủ thế nào? Vã lại nó có cái bụng khinh địch nếu ta đánh gấp trong vòng mười ngày sẽ phá tan, để trì hoãn khó lòng mà chống lại.

Quang Trung mừng rỡ:

          -Ông nói hợp ý ta! Bèn sai quân đem rượu đối ẩm đến chếch choáng. Khi chia tay, tiên nhân không quên chúc chiến thắng và đưa bàn tay năm ngón vẫy chào.

***

          Những ngày áp tết Nguyên đán, quan quân nhà Thanh vui lưỡng tưng bừng ở Thăng Long. Tôn Sĩ Nghị đi đi, lại lại trong đại bản doanh xem xét cách bố trí, phòng ngự trên tấm bản đồ lớn. Đây!…Từ Quảng Tây qua Thăng Long bảy chục đồn quân lương còn chính phía nam vào thành bố trí nhiều đồn lũy kiên cố như: Thanh Quyết, Nhân Tảo, Hà Hồi, Ngọc Hồi, Văn Điển xung quanh thành có các đồn bảo vệ như Khương Thượng, Yên Quyết, Nam Đồng, Nhân Mục. Đại bản doanh ở giữa bên bờ sông Hồng, Sầm Nghi Đống án ngữ ở đồn Khương Thượng, Ô Đại Kinh chận hậu ở cửa Sơn Tây.

Tôn Sĩ Nghị hài lòng với cách bố trí bất giác ngón tay trỏ nhịp nhịp trên đùi:

          -Quân Nguyễn Huệ có cánh sắt cũng không lọt vào được, phen này trời giúp ta.

          Đêm ba mươi tết xuân Kỷ Dậu (nhằm ngày 25 tháng 01 năm 1789) cảnh vật đang say sưa đón giáo giao thừa, quân Quang Trung như trên trời rơi xuống ồ ạt kéo đại quân qua đò Gián Khẩu chỉ cách Thăng Long vài chục cây số. Đội quân thần thánh đến đâu quân Thanh tan rã đến đó. Quân Tây Sơn tiêu diệt toàn bộ toán quân do thám làm cho trong ngoài tình hình giặc không hề hay biết.

          Hà Hồi thất thủ, Ngọc Hồi tan vỡ quân Tây Sơn như gió bão hình thành hai gọng kiềm thọc thẳng vào đồn Khương Thượng. Sầm Nghi Đống treo cổ tự vận, hấp tấp đến đến độ đầu tóc chưa búi kịp. Hứa Thế Hanh miệng còn nhai đùi gà, bỗng có lưỡi gươm kề cổ, chưa kịp hoàn hồn đầu đã rơi, Trương Sĩ Long, Thượng Duy Thăng còn đang say sưa bị voi đạp chết. Tôn Sĩ Nghị đang đùa vui với tốp cung nữ được tin cấp báo Ngọc Hồi thất thủ, Sầm Nghi Đống treo cổ vội vớ lấy áo mão tót lên ngựa chưa kịp thắng yên cương phi nước đại ra bờ sông Hồng vượt cầu phao trốn chạy, cái túi cẩm nang chưa mở ra đã rơi tõm xuống sông trôi lềnh bềnh. Quân Thanh chen lấn nhau theo chủ tướng để tìm cái sống. Tôn Sĩ Nghị ra lệnh chặt đứt cầu phao số quân Thanh ngã chết dưới sông như rơm như rạ.

          Kinh thành Thăng Long rạng rỡ vào sáng mùng năm tết Kỷ Dậu 1789, những cánh hoa đào từ núi rừng đến kinh thành bừng nở, sắc màu lộng lẫy một cách lạ lùng chưa từng có. Sắc thắm của hoa đào lung linh trong rét mướt, tưởng chừng như không nở bung ra được. Mùa xuân thật ấm áp với muôn ngàn tiếng hoan hô vang dậy của dân chúng Bắc Hà. Cái tết cá kéo dài mãi, và màu hoa đào đến giờ còn tươi thắm.

Trong đoàn người đi xông đất, hái lộc đầu năm, người ta thấy một vị đạo sĩ râu tóc bạc phơ tay cầm một cánh đào thật lớn nở đầy hoa từ phía nam đi vào thành, ông đưa bàn tay vẫy vẫy chào như ngày tiễn Quang Trung qua núi.

Mùa hoa đào tuyệt vời ở đất Thăng Long mãi mãi thơm lừng trên trang sử hào hùng của dân tộc Việt Nam.

                                                              Nhật Hồng

Hội Nhà Văn TP Cần Thơ,

170 Lý tự Trọng, Quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ.

ĐT: 0939.860.568.

 

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.