Cảm thức thời gian nghe nhạc (nhạc tinh khuc thứ nhất - trúc sinh)
Võ Doãn Nhẫn * đăng lúc 01:38:44 PM, Jun 20, 2010 * Số lần xem: 3729
Hình ảnh
#1
Cảm thức thời gian nghe nhạc
(tùy bút)
Mỗi lần nghe nhạc, nghe một bài hát như bài hát “ Trên sông Hương” của nhạc sĩ Nguyễn văn Thương, nhạc điệủ3/4 nhạc thức Dm Rê thứ, như bài hát “ Khúc hát ngày xuân” y không biết nhạc phẩm của nhạc sĩ nào( cựu giáo sư Nguyễn Thiện trường Trung học Quảng Trị Nguyễn Hoàng chắc chắn phải nhớ), chỉ nhớ nhạc điệu 3/4, nhạc thức G Sol trưởng và như bài hát “ Tình Quê Hương “ của nhạc sĩ Việt Lang, nhạc điệu 2/4 nhịp chậm, buồn và nhạc thức thuộc loại Am La thứ. Mỗi lần gặp dịp nghe bài hát, y thường có những nỗi niềm những tâm trạng khác nhau và đặc biệt hơn cả có những cảm nghĩ lẫn lộn khác nhau về thời gian, nói theo cụm từ trong một luận án tiến sĩ triết học của Henri Bergson “ les données immédiates de la conscience”, những dữ kiện trực tiếp của ý thức; những “ dữ kiện” đó là những cảm nghĩ, những nhận thức lẫn lộn ý nghĩa sâu thẳm nhất về thời gian. Nói theo một cư sĩ Phật Giáo và một học giả Nghiêm xuân Hồng, ý nghĩa sâu sắc là “ thời gian là sự phóng chiếu của tâm thức”.
1.- “ Chiều tàn trên bến Hương Giang lờ trôi. Bóng chim bay về chân núi xa vời.” Hãy tưởng tượng tôi là một chứng nhân của một con thuyền trên giòng Hương Giang, một buổi chiều tà, hoàng hôn hấp hối thoi thóp. Một cánh chim chiều đơn độc về tổ, lạc lõng bay về hướng một phía phương trời chân mây vô định, không gian tuyệt đối im lặng theo từng giờ khắc chầm chậm trôi đi đến lúc bóng chim giờ này chỉ còn là một chấm nhỏ trong nền trời xanh thẫm để rồi cuối cùng mất hút vào không gian hư vô tĩnh mịch. Càng thấy, càng nghe cái bao la vô hạn của không gian, kẻ chứng nhân càng cảm thức ý nghĩa sâu sắc của thời gian. Lúc ban đầu, y cảm thấy câu nói của Nghiêm xuân Hồng tối nghĩa, nhưng về sau, y mới dần dần vỡ lẽ, khám phá sự mầu nhiệm về thời gian của tác giả:“ Thời gian là sự phóng chiếu của tâm thức”. “ Sự phóng chiếu” thực ra chỉ có một ý nghĩa giản dị:“ sự biểu lộ,” sự phơi bày,” “sự phác hiện”, “ sự mặc khải.” Nói theo Heidegger, “sự phóng chiếu” là sự mở ra, sự xuất hiện của vật thể, la découvete de l’être( Vers la fin de l’ontologie. Jean Wahl).
“ Sự phóng chiếu của tâm thức” càng được cảm nghiệm sâu sắc ý nghĩa của thời gian bằng sự chờ đợi. Bergson nói “sống là chờ đợi”, la vie, c’est l’attente. Sự chờ đợi “khi người yêu không đến”( Những bước chân âm thầm của Y Vân),” sầu đong càng lắc càng đầy, ba thu dọn lại một ngày dài ghê”; sự chờ đợi lúc vị chánh chủ khảo của kỳ thi chậm rãi thong thả tuyên đọc những thí sinh trúng tuyển trong lúc các sĩ tử nôn nao như lửa đốt chờ đợi.Cảm thức được thời gian cứ trì trệ chầm chậm trôi lê thê trong một tâm trạng buồn chán(l’ennui). Kẻ chứng nhân rất tâm đắc của nhà thơ Cao Tần sống được ý nghĩa thâm thúy buồn chán của thời gian. Nhà thơ viết:
“ Ta làm gì cho hết nửa đời sau?”
“ Nửa đời sau” ta sẽ phải làm gì cho hết những tháng ngày còn lại? Nhìn trời, nhìn nước, nhìn mây bay, nhìn gió thổi?Nhìn tờ lịch lột xé vò ném vô giỏ rác thầm tính một ngày hai mươi bốn giờ đã trôi qua, ôi sao mà thời gian lê thê dài đến vậy? Tiếng còi tàu rúc khi chầm chậm vượt qua cầu Bạch Hổ xuôi về Nam hay hướng về Bắc xé tan bầu không khí tĩnh lặng của không gian, không gian tĩnh lặng rơi vào thời khắc của hư vô và nói” hư vô” chỉ là một cách nói văn vẻ ví von của Bergson: hư vô, thực ra không tồn tại, không thực hữu; hư vô chỉ là một ý niệm giả, le néant, cõest une pseudo-idée.
Một trong số các bài hát “ Trên sông Hương” y nói với chị Tiềm, người chị ruột chị thích nhất là bài hát ấy. Thỉnh thoảng y để ý lặng yên lắng tai nghe chị Tiềm hát. Con đò trôi lững lờ không còn muốn trôi theo giòng nước, thả hồn mặc cho con nước trôi đâu thì trôi. Y biết rõ giờ này nhạc sĩ Nguyễn văn Thương đang xúc động. Y còn nhớ đã lâu, lâu lắm rồi, y có ghé viếng lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng chùa Thiên Mụ( hay chùa Linh Mụ?). Y không bao giờ có thể quên những hoài niệm về chùa Thiên Mụ vào dịp thí vụ tại cố đô Huế. Gọi chùa Thiên Mụ là một danh thắng y nghĩ không sai. Bước vào cửa tam quan, cảnh vật im vắng tĩnh mịch không một bóng người, ngoại trừ một gác nhỏ thỉnh chuông, mấy khóm nhãn lồng không trái. Y lặng lẽ bước ra ngoài cửa tam quan, bên ngoài có một lối đi nhỏ dẫn tới bến sông nhiều cấp bậc. Y đứng từ trên cao nhìn xuống mặt sông, khúc quành long lanh sóng nước, hàng tre già nghiêng ngả theo đợt gió vi vu khiến khách nhàn du càng thêm bao la bát ngát. Chỉ có tiếng sóng nước lăn tăn vỗ mạn bờ nhưng y nghe reo vui tiếng nhạc réo rắt mùi thiền thoát tục.
Nhạc thức Trên Sông Hương đột nhiên thay đổi, từ âm giai Rê thứ đổi sang âm giai Rê trưởng, tuy vậy âm sắc vẫn âm điệu trầm buồn bao la man mác chơi vơi, không gian giờ đây không còn là không gian nữa, thời gian lúc này không phải là thời gian nữa, có tính chất hư hư thực thực, sắc sắc không không, hoang đường huyễn hoặc. Ngồi lắng tai nghe tôi có cảm tưởng giờ này âm nhạc đang trôi vào một thế giới mộng mịt khói mù sương. Nào ai biết loài người đang hăm hở vật lộn cuộc sống cạnh tranh chiến đấu rộn ràng?” Tôi thoáng cảm thấy trong giây phút rằng, nếu mặt trờI là của sự hùng tráng, của sự rực rỡ, của cái xán lạn huy hoàng, của trăm tiếng chim đua hót, của trăm hoa đua nở khoe tươi, của trăm sự hành động, cạnh tranh, chiến đãu rôn rang thì trái lại, mặt trăng chỉ riêng của một sự yên lặng.” Vâng, mặt trăng chỉ dành riêng cho một sự yên lặng.
Trong tác phẩm “ Cái Hột Mận” của nhà văn quá cố Lan khai, vào năm lớp đệ thất, y có học một đoạn văn trích dẫn ngắn, đoạn văn “ Dạ Hội Thần Tiên,”( đoạn văn này có lẽ do ý soạn giả trích dẫn, không do tác giả) y chưa quên một đoạn văn xuôi như thể có một lời ca một tiếng hát trong một đoạn văn:
“ Trong nội điện, yến diên(?)đã chực sẵn. Vua Chàm mời Công Uẩn ngồi vào ghế thượng tân, đoạn truyền cử nhạc.
Tức thì những tiếng sênh phách, tiếng tơ đồng trỗi lên, nhịp theo một điệu hát lạ lùng, ngây ngất.
Tiếng đàn, tiếng hát mới buồn làm sao! Nó gợi lên trong ta những nỗi niềm xa vắng, những thở than oán hờn trách móc, nó gợi lên trong ta những nức nở tan nhà mất nước.
Bọn vũ nữ quỳ hai hàng trên những nệm thêu ngũ sắc và đương mơ màng xa vắng. Bị ảnh hưởng của âm nhạc,họ bắt đầu uốn éo ngã nghiêng, uyển chuyển quỳ xuống đứng lên, dang hai tay về trước ngực hoặc dang thẳng ra hai bên, chờn vờn như đàn chim sắp cất cánh.
Công Uẩn ngây ra nhìn. Thật chưa bao giờ những thanh sắc trên thế gian này đã làm cho xúc động lòng chàng đến thế. Bao nhiêu chí khí ngang tàng, bao nhiêu năng lực phấn đãu của chàng đều đi mất cả. Trong giây phút ấy chàng cảm thấy tơ lòng dìu dặt như muốn tan ra thành muôn vạn nỗi nhớ, niềm thương.
Chàng không phải là một chiến sĩ nữa. Chàng cũng không phải là một thi nhân. Chàng đã trở nên một khách si tình yêu vơ vẩn.”
2.- Khúc Hát Ngày Xuân. Nhịp 3/4, nhạc thức G Sol trưởng. Trước năm 75, anh Nguyễn Thiện, nguyên giáo sư trường trung học Nguyễn Hoàng tỉnh Quảng Trị, được thuyên chuyển vô trung hoc Võ Tánh Nha Trang. Cuối năm 75 76, chế độ giáo dục cũ tan hàng không kèn không trống, Thiện được tiếp tục dạy... lưu dung(!),Thiện có tham dự một khóa Hè chính trị & nghiệp vụ tại trường Nam Tiểu Học Nha Trang, ngày nay được đổi tên thành trường Nguyễn văn Trỗi, một danh nhân lịch sử. Cùng với Thiện, có y ngồi cùng bàn. Trong buổi học báo cáo chính trị, nào “ tội ác đế quốc Mỹ trời không dung, đất không tha, người người đều căm giận”, nào “ đế quốc xâm lược Mỹ có dám, có đủ can đảm trở lại Việt Nam không?”, nào “ Việt Nam cương quyết tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội”, cả một mớ “ tả pín lù” y không làm sao hiểu nổi, y ngán ngẫm nghĩ đến tương lai dẫy đầy bất trắc; rồi y loáng thoáng bằng trí tưởng nghe lại một bản nhạc, một bài hát y đã nghe trên đài phát thanh Sài Gòn lúc còn mồ ma, bài hát y nghe thật hay, thật sâu sắc, thật trữ tình, thật đậm đà ý nghĩa, rất tiếc y không nhớ lời của bài hát trừ một câu không hoàn tất đày đủ trọn vẹn, y nghe bài hát tựa một mùa xuân của một khung trời mở rộng không gian bao la chim hót líu lo ríu rít én liệng dập dìu, lúc nhỏ y lắng nghe ngôi nhà cổ kính mưa xuân, hơi lạnh lất phất rơi hững hờ trên những đóa phù dung cánh hoa sũng ướt, đọt cây trạng nguyên màu lá đỏ thẫm ướt sướt mướt dưới màn mưa bụi, mấy con chuồn chuồn hấp tấp bay tìm chỗ đậu đụt mưa, đất trời sống lại sau mùa đông nằm co ngủ dưới trời giá rét. Người cha lau lại cặp mục kỉnh, tìm lại một bài thơ cất kỹ trong chồng sách cũ.
“ Xuân về đây muôn cánh hoa đào tươi... cười trong nắng, tiếng ca. Buông mành tơ nghe gió reo ngoài ngõ, lòng chạnh khúc ca ngày xuân”. Sol rề mi, fa sol fa, rề mi. Sol, la si, rế si. Rê, sì mi, rê mi rê, si mi. Rề, mi si, la mi sol. Trong một số bài hát không có dấu, như nhạc bản Thu Vàng của Cung Tiến và Con Thuyền Không Bến của nhạc sĩ Ðặng Thế Phong; xin đơn cử thí dụ:
“ Chiều hôm qua lang thang trên đường.... Một mình đi lang thang trên đường... Chiều hôm nay mình tôi bâng khuâng... Lòng xa xôi và sầu mênh mông... Chiều hôm nay trời nhiều mây vương...”
“ Ðêm nay thu sang cùng heo may. Ðêm nay sương lam mờ chân mây... Trong cây hơi thu cùng heo may; vi vu qua muôn cành mơ say...”
Thiện thì thầm, nói vừa đủ nghe:
- Mình nghĩ bản nhạc này phải là ba dấu thăng fa đô sol, nhạc thức A, la trưởng.
Về sau, y nghiệm ra rằng bản nhạc KHNX chỉ nên đặt một dấu thăng fa, nhạc thức sol, vì nếu nhạc thức là la trưởng, nốt nhạc sẽ quá cao, chỉ nên đặt nhạc thức sol trưởng là đủ. Y nghe bài hát có cảm tưởng đang nghe một bài hát của Phật Giáo, bài “ Trầm Hương Ðốt”:trầm hương đốt thơm ngát mười phương. Niệm niệm kinh đức Nghiêm từ vô lượng. Càu cầu xin chứng tâm thành chúng tôi. Ơn mười phương điều độ hào quang an lành.”
Một tối, vào đêm chủ nhật, sau khi làm những nghi thức tôn giáo, y tắt đèn khép cửa rồi di nằm, tai nghe lãng đãng những bài hát thính giả yêu cầu đêm qua được phát lại bằng rađi ô, y thiếp đi lúc nào không biết. Khi y thức dậy, ở rađiô đang hát một bài hát mà y bàng hoàng cố lắng tai thật kỹ để... thưởng thức, y chi ghi lại một đoạn ngắn:
“ Người vọng phu trong lúc gió mưa bế con đã hoài công để đứng chờ người chồng đi đã bao năm vẫn chưa thấy về...”
Y biết rõ đó là bài hát quen thuộc Hòn Vọng Phu ÌI, tức Ai xuôi Vạn Lý của nhạc sĩ Lê Thương, nhạc thức Dm rê thứ.
Y thật sự bàng hoàng xúc động. Rõ ràng người hát không phải là những ca sĩ quen thuộc như Khánh Ly, Như Quỳnh, Phương Dung, Ỷ Lan. Giọng hát những nữ ca sĩ này tuy nổi tiếng nhưng giọng hát của họ chẳng có gì đặc biệt, lời ca của họ không có gì đặc sắc. Y tự nhủ: nữ danh ca này có một giọng ca vô cùng độc đáo. Rồi y tự hỏi: nữ danh ca này là ai?- Bí mật bao trùm.- Màn đêm bao phủ, nhưng giọng hát trong như tiếng hạc, nhưng lời ca lại thỉnh thoảng đục như nước suối. Nữ danh ca láy lại giọng hát “ à ạ ơi ứ ự ư ừ ”, rồi đột nhiên nàng chuyển giọng láy ấy bằng giọng tê no, khoảng cách một âm vực, nghe âm thầm xa vắng như từ một cõi giới xa xôi vọng về, tựa hồ một vũ nữ xiêm y rực rỡ đang yểu điệu xoay tròn một vũ khúc trên sân khấu, nhân vật hoang đường liêu trai Sylvestre của Paul Éluard: à ạ ơi ứ ự ư ừ... Không có mùa hè lửa hạ, không có mùa thu đến với tiết thu ủ ấp và chẳng hiện hữu mùa đông tàn tạ; chỉ có một mùa độc nhất là mùa xuân vĩnh cửu, mùa xuân bất tận. Lúc này người cha luống tuổi của y quên mất tuổi của ông. Ông không nhớ tuổi. Dường như ông đã quên mất niên tuế.
Ôi sung sướng vì tim ta quên tuổi,
Mảnh hình hài sung sức đuổi thời gian.
Từ bình minh tới rực lửa hoàng hôn,
Bướm hoa xưa vẫn nội cỏ dập dờn
Nửa thế kỷ cơn say còn líu lưỡi.
Lời ca tiếng hát du dương thánh thót lên bổng xuống trầm chấm dứt, được thay thế bằng chương trình của đài tiếng nói Hoa Kỳ VOA, người nữ danh ca giã từ làn sóng phát thanh TNT.Y tắt rađiô, lòng vẫn hoài nghi thắc mắc: người ấy không phải Lệ Thu, không phải Quỳnh Giao, chẳng phải Kim Tước, không phải Thái Thanh, không phải Thể Cầm và Hồng Hải cùng song ca trong bài hát: Dưới Nắng Hồng của nhạc sĩ Dương Thiệu Tước, điệu Samba cổ điển.
Quelle est donc cette inoubliable chanteuse?/.
Bẵng đi một thời gian, tình cờ tôi nhận ra được lời ca giọng hát du dương thánh thót của người nữ danh ca đã từng ám ảnh không ít trong tâm hồn tôi ấy: Hoàng Oanh, bài hát sở trường là Hòn Vọng Phu I, Hòn Vọng Phu II( Ai Xuôi Vạn LÝ) và Hòn Vọng Phu III( tức Người Chinh Phu về). Ngoài những nhạc khúc quen thuộc thân thương ấy, Hoàng Oanh còn có một nhạc khúc rất sở trường, đó là Ai lên xứ Hoa Ðào, nhạc thức đô trưởng, nhịp C, điệu Rumba. “ Ai lên xứ Hoa Ðào dừng chân lắng nghe khi chiều rơi...” Và tác giả của nhạc phẩm là nhạc sĩ Hoàng Nguyên, mất sớm vì cuộc chiến.
Tôi nhớ vào độ ngày trước, vào độ nghỉ hè, lúc tôi mài đũng quần ở lớp đệ lục, đệ ngũ, một đôi bận tôi có đi chơi đêm ngắm trăng cùng một nhỏ bạn cùng trang lứa, Túy, giờ này đã từ lâu hóa ra người thiên cổ. Ðường ngắm trăng là một thôn lộ, quanh co, khúc khuỷu, ngòng ngoèo, những đêm tối trời vắng bóng người tới lui qua lại. Từ cổng nhà tôi, một vườn dừa ăn trái lâu đời đã cỗi quẹo sang ngả trái là một bụi tre um tùm rậm rạp gai góc; thiên hạ người trong xóm đồn đãi thường xuyên ban đêm tối trời gặp ma thường là ma thắt cổ, ma thần vòng. Ban ngày khi xuống xóm Bến đò về nhà, tự nhiên tôi nổi gai ốc rờn rợn khi phải đi ngang bụi tre.
Tiếp theo là một đám đất nhỏ trồng toàn dừa, mỗi tháng một kỳ mẹ tôi thuê người leo lên hái trái. Bên ngoài vạt đất cỏn con ấy toàn là dừa nước, một rừng dừa nước san sát, chằng chit, một thế giới của còng, của nha, của chim giồng giộc, của giống bìm bịp, đặc biệt là loài chim cuốc, thơ văn thường gọi chim đỗ quyên. Tôi cần nói thêm cho đủ bộ sậu là bên ngoài đám dừa nước rậm rạp âm u ấy, một bè rau muống chằng chit trải dài, dành riêng cho lãnh địa giang sơn của đám của bầy chim cuốc. Những bè rau muống ấy thường thường mọc cao tận những ba những bốn gang tay, rất thuận lợi làm nơi trú ẩn xây tổ những bầy chim cuốc.
Mùa hè cuốc kêu rả rả suốt ngày lẫn đêm liên hồi, ai cũng biết mùa này thời này là mùa là thời động đực động cỡn, mùa yêu đương, mùa... đẻ trứng ấp trứng. Từ gian nhà trong ban đêm trước khi ngủ, tôi để ý lắng tai nghe bầy cuốc lảnh lót cất tiếng kêu nhau gọi nhau thậm chí đánh nhau vì cơn ghen giành giựt người tình chẳng khác bầy chó đực vào mùa tháng bảy. “ Chó tháng bảy”, mẹ tôi thường nói thế. Mùa tháng bảy đã trôi qua lặng lẽ, bầy chó đực cũng lặng lẽ thờ ơ với nàng chó cái, lúc này đã chang bang bụng phệ, chờ ngày nở nhụy khai hoa.
Hai chúng tôi( Túy và tôi) lững thững bách bộ ngập đường trăng trên thôn lộ. Trăng vằng vặc bóng trăng như bóng nắng. Bóng trăng lung linh chập chờn như đang tiến bước vào cõi mộng. Tôi nhớ mấy lúc gần đây tôi có tập bài hát rất được thịnh hành: Trăng Rụng Xuống Cầu, nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, điệu Mambo.
“ Hỡi... bao con đò. Ðêm nay trăng soi trên sông lờ đờ.
Mang... theo bóng cờ. Ngày về chiến thắng ánh trăng làm thơ.
Hỡi... trăng mơ màng. Sao trăng êm soi trên con thuyền chàng?
Trăng... rơi cầu làng. Ngày về chiến thắng sóng tách đôi hàng.”
Mỗi đứa trong hai chúng tôi đều im lặng, mỗi đứa cùng theo mỗi ý nghĩ riêng. Sông nước lúc này đang lên thủy triều phản chiếu ánh trăng lóng lánh. Tôi bất giác nhìn sang vườn nhà bên cạnh. Bóng tối bao phủ im lìm, ngôi miễu( không biết rõ thờ vị nào) vẫn bất động; tôi liếc mắt nhìn nhanh bên trong ngôi miễu, chỉ thấy màu đen sâu hun hút, tôi vội giã từ thị giác, không dám tiếp tục tò mò nữa. Bóng tối lên ngôi. Thần linh là chúa tể. Dường như cả hai đều lắng nghe im lặng của thời gian.” Le jour, cõest la vie des êtres; mais la nuit, cõest la vie des choses.” Ngày là đời sống của muôn loài; đêm là đời sống của vạn vật. Ban ngày, đời sống muôn loài không nghe sức sống của thời gian, nhưng về đêm, cảm thức thời gian được nhận biết cùng sống với vạn vật.
Có tiếng động đánh “ủm” do tiếng cá quay đớp mồi, sau đó lại có tiếng “ chủm”, tôi biết ngay đó là do tiếng động một con còng do tự nó đánh rơi xuống làn nước khi bị động; sau đó tất cả đều đi vào im lặng.
Nhưng không phải lúc nào khi nào tôi cũng có một cảm thức thời gian nghe nhạc. Những lúc, những thờI điểm nghe nhạc, tôi không cùng có một tâm trạng: những tâm trạng khi vui, khi tâm hồn lâng lâng thư thái, lòng dâng lên chan hòa sức sống vũ trụ đất trời mở rộng, lòng những muốn tung bay lên “cao rộng phương trời;”nhưng lắm khi nghe những bài hát tôi dường như nghe tâm hồn trì trệ lắng đọng, thời gian ngừng hơi thở không trôi hoặc trôi đi rất chậm( tôi dường như có nghe hơi thở của thời gian). Ðó là lúc lòng tôi thấy chán nản chiến cuộc binh đao ý thức hệ tương tàn huynh đệ nồi da xáo thịt, tôi nghe bài hát rất xưa rất cũ của nhạc sĩ Hoàng Giác chắc chắn giờ đây đã thành người thiên cổ, bài hát “ Quê hương” nhịp 2/4, nhạc thức rê thứ, điệu trầm buồn da diết:”
“ Bao nhiêu ngày vui thơ... ấu. Bao nhiêu lều tranh yêu ... dấu, theo khói binh lều tan tre... nát, theo khói binh lòng quê héo... tàn”( Tôi nghĩ một cách chủ quan thì Hoàng Giác sau một thờI gian đi theo một lý tưởng, một mộng tưởng đã thành... ảo tưởng và đã sáng tác một nhạc phẩm khác, nhạc bản “ Ngày về”)
“ Tha thiết mong tìm về bạn cũ. Nhưng cánh chim mịt mùng bạt gió. Nhắp chén men say ngại ngùng bước chân đi, thương tiếc không bao giờ nguôi.”
Nhưng phải nhìn nhận rằng ý nghĩa âm điệu nhạc phẩm của nhạc sĩ Anh Việt Thu hầu như lúc nào cũng buồn ray rứt, bi quan, não nuột. Như nhạc khúc “ Tám điệp khúc” thể hiện biểu lộ thù ghét chiến tranh khói lửa binh đao.
“ Trời làm cho mưa bay giăng giăng mây tím dệt thành sầu. Bàn tay năm ngón đưa lên, bàn tay đưa anh ngón lẻ. Ðưa tiễn anh đi vào đời, mẹ Việt Nam ơi hai mươi năm tan tác ngủ... vì đời”.
Mỗi lần nhớ lại bài hát “ Hận Ðồ Bàn” của nhạc sĩ quá cố Xuân Tiên, tôi nghe và có thể tôi đã chứng kiến một triều đại ngày xưa giờ đây đã đổ nát hoang tàn của một dân tộc Chiêm Thành đã thật sự bị diệt vong. Thành Phật Thệ, thành Ðồ Bàn bây giờ còn chăng là một đống gạch vụn của đền đài hoang phế, như huyền sử của một kỳ nữ Tây Thi lúc luống tuổi trở lại thành Ốc Oa của vương quốc Ngô Phù Sai: Ốc Oa không còn gì ngoại trừ một mảnh gạch vụn, nghe tựa âm vang của muôn vạn lời ca tiếng hát. Âm nhạc đôi lúc trở thành một ngôn ngữ im lặng không thành lời.
Ðào Tiềm ngày xưa đã sử dụng một loại nhạc khí không dây. Tôi nghĩ Ðào tiên sinh không phải người không biết nhạc, trình độ thẩm âm của tiên sinh đã tới bậc thượng thừa, và thiên tài Beethoven trở nên người điếc khi tiên sinh nghe hàng nghìn hàng vạn hợp âm du dương réo rắt bằng sự
... yên lặng:
người nghe tiếng nhạc bên tai.
Cảm thức thời gian nghe nhạc
Tai nương sóng vỗ rì rào.
Nghe thoảng trầm hương gió ngát
Lời ca ý nhạc xôn xao.
Âm nhạc thời gian cảm thức
Tâm nghe rả rich mưa phùn.
Tĩnh lặng hồn xuân thao thức,
Sao khuya tấu nhạc côn trùng.
Tõa nắng bình minh gọi dậy,
Kỳ hoa dị thảo đơm hoa.
Chim chóc tình ca đưa đẩy
Ơn trời gió thuận mưa hòa.
Ðọc truyện Ðào Tiềm đời Tấn
Cưng chiều nhạc cụ không dây.
Những lúc bình an thanh thản,
Ôm đàn hạnh phúc vui vầy.
Nhạc bản “ Tìm đâu” “ Nhạt nắng”
Nguyễn Hiền cùng với Xuân Lôi
Lệ liễu hồ Gươm lóng lánh
Hoàng kim buổi ấy một thời.
“ Nhạt nắng” đường xưa lối cũ,
Hàng tre khúc khuỷu quanh co
Nhắm mắt gà trưa gáy ngủ
Thuyền không đón khách con đò.
Âm nhạc đã tắt. Giọng hát ầu ơi đưa võng cũng tắt. Tiếng người buổi chiều gọi nhau từ dưới đồng đưa lên quyện theo làn gió mơn man cũng tắt: “người... buồn u uất ôm tình sâu”.
Ðể kết thúc bài” Cảm thức thời gian nghe nhạc”, tôi xin kể một nhạc bản tôi rất tâm đắc. Nhạc bản đó do nhạc sĩ Vũ Thành An phổ nhạc, lời thơ của nhà văn Nguyễn Ðình Toàn, nhạc thức la thứ Am, nhịp C, điệu chậm và buồn, do ca sĩ Lệ Thu hát, giọng hát trầm buồn, kể lể, tình tự, chơi vơi, ai oán, trách móc không biết vì ai:
“ Tình vui... theo gió mây trôi... ý sầu... rơi xuống đời... lệ rơi... lấp mấy tuổi tôi... mấy tuổi xa vời... Ngày thần tiên... em bước lên ngôi... đã nghe son vàng... tả tơi. Trầm mình... trong chốn đốt hơi bay... mong tìm ra phút sum vầy”.
Ðộc giả chắc đã biết rõ đề bài nhạc bản rồi, phải không?
- Xin thưa, nhạc bản ấy là “ Tình khúc thứ nhất”./.
Vo Doan Nhan
San Diego, Hạ 2008
***
*
Ý kiến bạn đọc
Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.