Tùy bút - Bút ký
Vẫn còn vương tơ.
Võ Doãn Nhẫn *
đăng lúc 07:45:38 PM, Jul 14, 2008 *
Số lần xem: 1565 Vẫn còn vương tơ.
Những lúc gần đây tôi thấy khó khi đặt bút viết, nguyên nhân: cạn chủ đề. Nhìn lại những bài tôi đã viết, tôi thấy tác phẩm của tôi, những đứa con tinh thần của tôi không lấy gì làm nhiều., so với những tác phẩm đồ sộ, khổng lồ của những nhà văn Lê văn Trương, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn công Hoan, Hồ Biểu Chánh.. tôi viết, .chẳng thấm vào đâu. Tôi công nhận nhiều nhà văn viết nhiều, viết dài như nhà văn Lê văn Trương trong Tôi Là Mẹ, Trường Ðời, Cô Tư Thung, Người Anh Cả, như nhà văn Vũ Trọng Phụng trong Dông Tố, Làm Ðĩ, Số Ðỏ, như nhà văn Ngô Tất Tố trong tùy bút Vang Bóng một Thời, Lều Chõng. Mỗi lần đề cập đến vấn đề triết học tôi rất e ngại khi đặt bút xuống viết bởi tôi gặp phải những vấn nạn khô khan trừu tượng hóc búa nhức đầu khó hiểu như vấn đề hình nhi thượng học tức siêu hình học như vấn đề muôn thuở hịện hữu của Thời Gian, vấn đề Yếu tính và Hiện Hữu( Essence et Existence), vấn đề Thời Lý và Hiện Hữu tức Thời Gian và Hiện Hữu( Sein und Zeit) của Martin Heidegger( đã có một dạo tôi mê muội đến nỗi cứ ngỡ Thời Lý và Hiện Hữu là “ Thời Ðại Lý-Trần và Hiện Hữu”). Rốt cục tôi chỉ dám đề cập qua quit cảm nghĩ về Thời Gian chẳng dám đào sâu vấn đề chi tiết.
Nguyên nhân thứ hai khiến tôi e ngại lúc đặt bút viết là do tuổi tác của tôi, quá tuần thất thập, mặc dù tôi biết theo sự tiến bộ y học cùng sự phát minh của nền khoa học tân kỳ ngày nay,” nhân sinh thất thập, cổ lai đa” Người xứ Phù Tang nam nữ sống ngoài bảy mươi ngày nay là chuyện... bình thường. Vào thời kỳ một trăm năm, nửa thế kỷ trước đây, những nhà văn những nhà thơ mặc dù tuổi hạc đã cao, mặc dù vẫn tiếp tục sáng tác, những tác phẩm của họ đã bắt đầu... thiếu chất lượng, nói theo thời thượng là mất dần phẩm chất. Kiến thức của họ trở nên nghèo nàn khô cạn, lý luận của họ trở nên đôi khi lẩm cẩm nếu không muốn nói là nghịch lý và mâu thuẫn. Những đoạn văn trong tác phẩm của những nhà văn nhà thơ lúc thời họ còn đang khang kiện: quá đẹp, lời văn trau chuốt rạng ngời, cẩm tú, dệt gấm thêu hoa, trong lúc những đoạn văn những nhà văn viết lúc đã về già, như nhà văn Anatole France là một điển hình, như nhà văn Nhất Linh là một tiêu biểu, Xóm Cầu Mới.
Tôi xin lược kể một số đoạn văn xuôi theo ý chủ quan tôi nghĩ tôi cho là những đoạn văn rất hay rất đẹp của những nhà văn lúc họ sáng tác đang dồi dào sức sống.
1.- Giữ thanh danh.
“ Gia tài khánh kiệt, nhưng Hải vẫn sống theo cảnh cũ. Tuy chẳng còn tiền của đâu mà ăn tiêu rộng rãi, song cái tính đài các chững chạc, Hải vẫn giữ được. Ðến nỗi trong làng chẳng một ai dám tưởng rằng chàng xơ xác.
Nào ai biết đâu rằng nhiều bữa vợ chồng con cái xúm nhau vào nồi cơm ngô khoai và đĩa muối. Nào ai biết đâu rằng mấy đứa con đi nhặt rau sam rau dền về luộc cho cả nhà ăn. Người ta chỉ trông thấy ông Ấm mặc quần áo lành sạch mỗi khi ông ra đình hay đến chơi nhà ai. Người ta chỉ trông thấy ông Ấm ngồi chễm chệ trên sập ung dung xoay ván bài tổ tôm hay gật gù nhấp giọng chén chè Tàu Liên Tâm. Người ta chỉ trông thấy bà Ấm đem bát đĩa con phượng và cái mâm đồng ra rửa ở cầu ao mỗi khi có khách quý đến chơi nhà và những người láng giềng vẫn tỏ ý thèm muốn khi đứng ngắm nghía con chim họa mi của ông Ấm nhảy nhót trong cái lồng sơn quang dầu treo trên bụi hồng đầy hoa.
Giấu diếm, che đăy, nhẫn nại chịu đói, chịu khổ để giữ thanh danh, lúc nào Hải cũng không nhãng nghĩ đến những điều ấy. Và năm trước, chẳng đừng được, chàng đã phải nhận chức đại bái và tiêu vào việc ấy hết nửa bát ống của vợ.”
( Khái Hưng. Hai Cảnh Trụy Lạc)
2.- Trong nhà người Mèo.
( Ðây là một đoạn văn xuôi trong sách giáo khoa “Việt Ngữ”, soạn giả: không rõ họ tên, chỉ lưu hành phổ biến một thời gian ngắn rồi lặng lẽ đi vào trong im lặng, tôi nghĩ những soạn giả đó là những giáo viên thiên tả, thân Cộng)
“Ngọn lửa bếp đang bốc lên ngùn ngụt, lè ra hàng trăm cái lưỡi vàng chói lọi, liếm quanh ba chiếc đầu rau. Dưới ánh sáng lung linh, mọi vật sáng chập chờn. Nước trong nồi dần dần xôi(xôi hay sôi?), hơi nóng run rẩy làm cho chiếc vung gỗ nhảy lên bần bật.
Trước cửa bếp, một ông già ngồi xo trên mẩu gỗ tròn, một tay tựa trên gối, một tay cầm cặp tre vun củi cho ngọn lửa được cháy đều. Ánh sáng chiếu trên khuôn mặt lồng trong khung tóc bạc phơ buông rũ xuống thái dương. Lần da bị năm tháng nắng mưa thuộc chín thành một thứ da xanh xẫm đỏ.
Trong hai cái hốc sâu, dưới cặp lông mày dài, lờ đờ đôi con mắt nhăn nheo, hơi xếch, hai gò má cao, mũi dẹp, môi mỏng, phập phào trước hàm răng chiếc rụng, chiếc lung lay. Mình ông ta mặc một cái áo ngắn cũn cỡn, dầu dãi mãi nên chẳng còn có sắc nào nữa. Hai miếng vá căng thẳng trên hai đầu gối há hốc ra cười, nhe lược răng chỉ trắng phau.
Cạnh ông già, một con chó gầy mồm nhọn, tai to mà rỗng,bộ lông khô xác màu tro dựng đứng lên như lông voi , cái đuôi bông lau chẳng buồn phe phẩy, hai mắt hau háu nhìn nồi máo cỏa(1), thỉnh thoảng thè lưỡi liếm xuống bên mép.”
(1) máo cỏa: cháo ngô.
(2) Tôi không hiểu động từ nói tiếng Bắc xôi hay sôi. Viết chánh tả, tôi viết là sôi, trong khi giáo khoa “ Việt Ngữ” lại bảo là xôi. Khó hiểu! Cho tới ngày nay, khi bước qua ngưỡng cửa “ thất thập cổ lai đa”, tôi vẫn hằng tin như đinh đóng cột: sôi không phải xôi.
3.- Tình Quê Hương.
“ Tình Quê Hương” là tác phẩm trong tập truyện Hoa Vông Vang của nhà văn Ðỗ Tốn, tức Ðỗ Ðình Tốn, có chân trong Tự Lực Văn Ðoàn.
“Trời đã bắt đầu sang thu, các bãi bể đã vắng. Ninh cũng rời Ðồ Sơn xách va li trở về quê mẹ. Trên quãng đường mười cây số từ tỉnh về nhà quê, Ninh vui thú ngồi hát nghêu ngao trên chiếc xe, mặc lúc nào đến thì đến. Gió mát đồng thu thổi vào tận lòng chàng trai sung sướng mãn nguyện sau khi đã làm đầy đủ bổn phận ở nhà trường.
Vừa bước chân vào tới cổng nhà, Ninh đã tự thấy xa cách hẳn mọi việc đời, hồn êm lại như lắng xuống cùng cảnh vật thân yêu và những tiếng ồn ào của đời xa cách như cũng ngừng lại sau bờ tre phất. Ðây chỉ là thế giới của tĩnh mịch, của tình yêu. Lúc đi qua căn vườn nhỏ im phắc, Ninh thấy trong lòng mát nhẹ đi như gặp lại một thời xưa cũ. Tiếng vài con ong bay trong nắng trưa hòa điệu cùng tiếng võng kẽo kẹt đưa hòa điệu cùng giọng hát ru em tự căn nhà ngang khe khẽ vẳng tới làm Ninh tần ngần đứng lại bỏ mũ ra. Gió thoảng mùi đất mát. Ninh cảm thấy một cảnh gì êm ái mà anh không thể thấy được. Anh đứng rứt mấy cái lá nhìn vơ vẩn. Một chút gì đẹp quá vừa thoáng qua trong lòng, trong hồn. Ðó là hồn quê trong tuổi thơ và điệu ru trong tiếng võng. Ninh đứng lặng mãi cho đến khi một con chó chạy loanh quanh trông thấy anh mà không biết là con chủ mình nên sủa lên ăng ẳng mấy tiếng, Ninh mới xách va li đi vào. Tâm hồn Ninh đột nhiên bối rối vô duyên cớ, nên nhiều khi giữa buổi học, tự nhiên Ninh thấy trống trải, lòng như thấy thiếu một cái gì,thế là Ninh lại vứt sách đâm về quê.Những lúc đó Ninh mới hiểu tại sao những người dân mỗi khi Tết đến cứ hay lần về làng dù xa xôi tốn kém. Một giọng chim quen thường cũng làm dịu được lòng anh thắc mắc. Phải, trời biển châu báu cũng không đủ lấp được chút trống rỗng trong lòng ấy, nhưng mùi một cây cà chua hắc hắc, thoáng một khuôn mặt quen quen, một giọng thương yêu cũng làm ta sung sướng đến tần ngần.
- Tình quê hương, Ninh khẽ nói một mình. Mỗi lần nghĩ đến mối tình mơ hồ song rất bền chặt ấy, Ninh lại thấy hiện ra khuôn mặt của cha mẹ hiền từ, rồi khuôn mặt của Nhàn, người bạn gái đã sống bên anh những ngày tuổi nhỏ vô tư lự, người bạn gái mà nay lớn lên, mỗi khi học ở tỉnh về, anh cũng vẫn thường sang vui chuyện.”
4.- Kiếp phù sinh.
( Vào kỳ nghỉ hè khoảng năm 1947 48, tôi học trường sơ cấp lớp Ba trường làng Vĩnh Ðiềm. Một buổi chiều, mẹ tôi cho biết mẹ muốn cho tôi học hè tại nhà ông Lại Diệp, người anh ruột chị Lại thị Giáp. Chị Giáp vừa mới đỗ bằng Tiểu học, học hết lớp Nhất, mở lớp học hè tại tư gia, nhà hiện đang ở tại xóm Nhà Xe. Nói nào ngay, bản thân tôi không muốn học hè, bởi tôi thiết nghĩ, chẳng cần học hè! Ba tháng hè, hãy thưởng thức mấy tháng hè cho đã.Tôi còn nhớ bài thơ tám chữ rất đẹp và rất đáng yêu Nghỉ Hè”các bạn hỡi, trời mai đầy ánh sáng”. Nghỉ hè, tôi sẽ hết dùng ná cao su bắn những chú chim sâu tắm mát trên cành đu đủ buổi sáng, tôi sẽ hết đi rong các vườn cây trong xóm hái trộm trái cây chin, nghe bầy chim ríu rít chuyện trò trong những bụi tre ngợp đầy bóng mát. Nhưng rồi tôi suy tính cân nhắc thiệt hơn: học hè, tôi sẽ gặp lại các bạn trong thôn, làng trên xóm dưới vui vẻ chuyện trò như Tiến, như Sang, như Sét, như Tô bửu Rọt, như Kiều xuân Ðiệp, đặc biệt Nguyễn Thu và Vĩnh Lương không chịu học hè vì một nguyên nhân... chính đáng: ai sẽ đi câu cá sơn bầu thay cho Thu? Cha mẹ Thu quần quật cả ngày lo công việc cắt bó rau muống giao cho những bạn hàng nuôi heo và chung cho cả nhà, rảnh rang chút thì giờ thì phải chặt lá dừa nước chằm lá lợp nhà và bện áo tơi tức áo đi mưa. Vả, đi câu cá, đào cua bắt còng vốn là đam mê đồng ruộng của anh em Thu, dễ gì một sớm một chiều bỏ được. Thực ra, Thu có thói quen lười biếng, ham chơi hơn ham học. Riêng Vĩnh Lương không thể học hè vì hoàn cảnh gia đình khó khăn. Rốt cục, tôi đồng ý với mẹ cho phép tôi đi học hè, học lớp Nhì. Học phí bao nhiêu tiền một tháng, tôi không biết( chỉ độ vài chục bạc).
Ngày đầu tiên tôi ngồi học lớp Nhì là giờ chánh tã, chị Lại thị Giáp đọc một lần, chậm rãi thong thả, tôi có bổn phận lặp lại câu nói của chị Giáp: Kiếp phù sinh, tôi nghe nhưng chỉ hiểu lờ mờ.
“ Nghĩ, mình từ ngày nào lọt lòng mẹ, được một tuổi học đi, đôi ba tuổi học nói, bẩy tám tuổi biết cắp sách theo thầy, bấy giờ vài gian nhà cỏ ở trong mươi mẫu cô thôn, lần lần ngày nắng đêm trăng, những tưởng đãy đã là trung tâm của trời đất, còn ngoài đó, chân trời góc biển đều là những cảnh đìu hiu.
Chẳng bao lâu mà mình khôn lớn lên, mới ngày nào còn ríu rít như chim non ấp tổ, nay đã lông bông như chiếc lá lìa cành, dường như con Tạo khiến cho kẻ du dú trong xó nhà thử ra mà nếm cái phong vị điếm cỏ cầu sương.
Ðến khi xe đã chồn, chân đã mỏi, hồn quê luống những mơ màng, bèo mưa hợp bến chim ngàn về hôm.
Ðến bây giờ, hồi tưởng lối chơi đã thành cảnh mộng. Ngán cho con Tạo trêu ngươi, đem tranh luân lạc vẽ đời phù sinh.”
Viết bài chánh tả xong, tôi không biết không hiểu ý nghĩa của từ “ phù sinh”. Phù sinh? Có phải hoa phù dung, một loài hoa tuy đẹp nhưng mỏng manh sớm nở chiều tàn, chỉ cần một trận mưa đủ những cánh hoa ướt sũng? Có phải “ phù sinh” là phù thế, cuộc đời vốn rất phù du, vô thường ngắn ngủi, như chứng bệnh hiểm nghèo đột quỵ của ông anh tôi đã mất cách nay mấy năm? Có phải “ phù sinh” là “ phù vân”, cuộc đời có đó mất đó, như gió thoảng mây bay?
Tôi hỏi chị Giáp ý nghĩa ba chữ “ kiếp phù sinh ”.
- Kiếp phù sinh là “ đời ngắn ngủi “(sic). Bấy nhiêu chỉ ba ý nghĩa chữ “kiếp phù sinh “ đó, cô giáo dạy hè Lại thị Giáp nín thinh bởi chị nghĩ giảng nghĩa “ kiếp phù sinh” theo sách giáo khoa Việt Ngữ như thế là quá đủ khỏi cần quảng diễn dài dòng thêm bớt, một điều tôi ân hận cho tới bây giờ tôi vẫn không biết không nhớ soạn giả là ai.. mà chị Giáp cũng “ thủ khẩu như bình!” Không biết ai là giáo viên soạn giả của bài kiếp phù sinh và rất nhiều bài viết khác trong sách giáo khoa Việt Ngữ. Tôi vốn là một học trò hớt tóc ca rê không đủ trình độ, đủ trí nhớ để nhớ. Kiếp phù sinh là đời ngắn ngủi. Hồi tưởng lại mấy chục năm thấm thoắt trôi qua, mới ngày nào mái tóc còn xanh, mộng đời chan hòa sức sống, bao nhiêu mộng đẹp tưởng chừng như có thể lấp biển vá trời đào sông chuyển núi, chợt ngó lại thấy mình tóc đã chuyển sang màu hoa râm, thấy mình chỉ là giấc mộng con nói chi giấc mộng lớn. Mới vào đời tuổi chưa tới hai mươi, đầu óc tôi ngô nghê lạc quan lố bịch rằng rồi ra tôi sẽ giải quyết dễ dàng tất cả những vấn đề rắc rối nhiêu khê lắm lúc đi tới chỗ bế tắc, vấn đề hiện hữu và yếu tính, cái nào có trước, thực hữu và hư vô( LõÊtre et Le Néant của Jean-Paul-Sartre), Phê Bình Lý Trí Thuần Tuý( Critique De La Raison Pure), Phê Bình Lý Trí Thực Hành( Critique De La Raison Pratique. Kant), Thời Lý và Hiện hữu( LõÊtre et Le Temps, Sein und Zeit. Heidegger), lòng mình, trí óc mình phơi phới hồn xuân như trăng mới lên như hoa mới nở, mà than ôi, chợt ngoảnh lại ngắm soi gương mình thấy mái tóc mình chợt đã hoa râm mình chưa làm nên tích sự gì, cái hố sâu thăm thẳm cứ lừng lững ngày một tiến gần hơn những bước chân đi của mình chầm chậm mà chắc nịch; mình tự nhủ: đời sao ngắn ngủi.
Tôi một mình buổi sáng không có ai, ngồi thừ trên chiếc máy vi tính, trầm ngâm nghĩ ngợi. Thế nào cũng phải tiếp tục viết dù hay dù dở, dù nhớ trước quên sau, dù phải tiếp nối con đường suy luận lẩm ca lẩm cẩm. Tôi phải viết về anh Ngô, người anh ruột đã mất, từ ngày tôi còn là một thằng bé con lên năm lên sáu, vừa thương anh nhưng cũng rất sợ anh, từ ngày tôi vừa mới khai tâm học vỡ lòng chữ quốc ngữ( tôi đả giã biệt chữ Hán do cha tôi dạy từ lâu, bởi” cái học ngày nay đã hỏng rồi; mười người đi học, chín người thôi”) trên chiếc bàn gỗ vuông rộng hai thước, trước mặt trông ra cửa sổ cũng hình vuông lát đá hoa xanh, bên tay trái hướng về cửa chính. Bên dưới là bậc thềm khá cao, những cây mận trắng mận xanh , mận đỏ, hoa trái bốn mùa bầy ong sớm chiều bay vù vù trên những cụm hoa trắng, chốc chốc lả tả từng cánh hoa rơi trên mặt đất cũng yên lặng tựa những cánh hoa rơi; cây nhãn lồng sai quả mùa nào mẹ tôi cũng trèo lên chiếc thang cao bao những chùm trái còn xanh chưa có mật. Ấy thế mà vào những buổi tối gà vịt đã vô chuồng ngủ, bầy dơi động bắt đầu quạt cánh lục lạo tìm kiếm thức ăn, trái cây như chuối, xoài, mận, mãng cầu là thực phẩm chính. Những chùm mận, những chùm nhãn mặc dù còn xanh, vỏ sần sùi thô nhám, bầy gậm nhấm biết bay không tha( giống chuột khác giống dơi bởi giống chuột không có cánh). Xa hơn chút nữa là một gốc cây khá to: gốc cây chùm ngay, thân cây cao suôn đuột chĩa thẳng lên trời, chị Liêm chị Ðạm thường dùng móc bẻ nhánh chùm ngay non từ trên cao dùng nấu canh rau tập tàng cùng rau mã đề, rau nhớt( người Bắc thường gọi rau đay), rau chùm bao, rau má.
Tôi ngước mắt nhìn lên một cây không biết gọi tên cây gì, giờ này đương tiết mùa hè, những loài hoa rộ nở cùng khắp. Tôi đoán chừng hoa phượng, nhưng tôi vội vàng gạt bỏ ý nghĩ ấy: lá phượng màu lá cũng xanh nhưng sắc hoa phượng màu đỏ:“ Trên đường làng huyết phượng nở thành bông”( Nghỉ Hè). Tôi ước chừng hoa ấy có lẽ là hoa muồng, lá màu xanh đậm, sắc hoa vàng tươi rực rỡ, giống bông cúc chưng vào dịp Tết.
Những lúc ngồi học như thế, tôi thường thả trí tưởng tượng tha hồ bay bổng từ cánh bướm nhởn nhơ ngoài nội cỏ, bầy chuồn chuồn cánh rực rỡ lấp lánh trong nắng ban mai, đến bầy chim nhỏ líu lo ríu rít trong khóm cây. Anh Ngô lúc này vắng nhà, giờ này có lẽ vui chơi nhà ai đâu đó; cha tôi thì có bao giờ nhắc nhở thằng con chăm chỉ học hành?
“ Rừng Nhu bể Thánh khôn dò,
Khuyên trò ráng học, học cho thành tài.
Siêng năng ôn cố ngày ngày,
Mỗi khoa mỗi học, mỗi bài mỗi nhanh.
Chữ rằng “ hữu chí cánh thành”,
Gắng công thì sẽ nên danh có ngày.
Bể Thánh là gì? Bể Thánh, tôi chỉ biết lờ mờ, không lấy gì làm chắc. Thánh đây có lẽ là những bậc Thánh hiền, biết nhiều hiểu sâu làm nhà đạo dức dạy đời tu tâm sửa tính, tiêu biểu là đức Khổng Phu Tử, còn rừng Nhu thì tôi chịu dốt!
Kể từ ngày thôi học ở trường tư thục Kim Yến sau khi tốt nghiệp Tiểu học, anh Ngô bắt buộc phải ở nhà, lo dạy mấy em học hành, kỳ thật anh Ngô chỉ có mỗi một đứa em trai: tôi. Của đáng tội, anh Ngô không đi làm sinh sống, không có tiền tiêu, mà cha mẹ tôi cũng không dấm dúi anh Ngô một ít tiền lẻ tiêu vặt: song thân củng không làm gì có tiền; người cha sống cậy vào tiền hưu trí, mỗi quý cha tôi lĩnh được chin mươi đồng vàng. Chin mươi đồng vàng là chin chục đồng bạc Ðông Pháp. Bao nhiêu tiền hưu, cha tôi giao tất cả tiền cho mẹ, trừ cha tôi cất giữ một ít tiền uống trà, hút thuốc lá, cắt tóc không quên cho tôi một vài đồng xu chì mới toanh. Tôi thật tình không rõ nhờ nguyên nhân gì, bằng phương tiện nào, anh Ngô vẫn có tiền tiêu vặt hằng ngày. Tôi vẫn hoài nghi việc anh Ngô đãi đằng giải khát ăn uống bạn bè trong các hàng quán cao lâu. Lâu lắm rồi dễ đã trên sáu mươi năm, anh Ngô khoe các anh chị em trong nhà anh có nhận được một bức thư của anh Ba Thuyên từ Sài Gòn; anh Ngô còn nói chúng tôi biết anh Ba vừa gởi cho anh một ngân phiếu tức một mandat có giá trị mười đồng. Số tiền này anh Ba nói rõ cho tất cả nhà, muốn làm gì tùy ý. Anh Ba hiện đang làm chân thư ký bưu điện Chợ Lớn. Tôi xin nói rõ họ hàng cật ruột thân thích trong hệ tộc: tôi và anh Ba là hai anh em cùng cha khác mẹ.
Thế là anh Ngô hăng hái sốt sắng rủ tôi cùng đi bưu diện tức Nhà Dây Thép Nha Trang lãnh mandat tức lãnh tiền anh Ba gửi cho. Lâu lắm được một lần tôi mới có dịp đi Cửa, Cửa đây là Cửa Lớn, tức thị xã Nha Trang, khác với Cửa Bé, tên một cửa sông nhỏ là con sông Cái, từ làng Bình Tân chảy thẳng ra biển. Vì không có xe đạp nên anh Ngô cùng tôi đi xe ngựa. Tôi sung sướng hể hả leo trên chiếc xe ngồi sát cạnh anh Ngô. Người mã phu huơ roi miệng lên tiếng ra hiệu “trốc, trốc”, con ngựa dấn bước, xe bắt đầu chuyển bánh, những hàng cây muồng hai bên đường chạy lùi về phía sau, gió thổi vi vu mát lồng lộng, tôi thầm ao ước xe ngựa đến bưu điện chậm hơn tôi mong đợi.
Tôi lẽo đẽo theo anh Ngô đến ty Bưu điện, các cửa sổ đều chật ních cả người. Tôi ngước mắt nhìn, quầy ghi sê nào cũng cao nghều nghệu che khuất cả đầu lẫn cổ. Sau cùng anh Ngô cũng lĩnh được tiền, tôi lại lẽo đẽo theo anh Ngô lại lên xe trở về nhà. Suốt dọc đường, mặc dù khô cổ trời nắng chang chang, vừa mệt vừa đói bụng, anh Ngô thản nhiên không chịu ghé vô một hàng nước nào để nghỉ chân giải khát, anh quyết tâm giữ nguyên đồng tiền cho chắc gạo!
Vào một buổi trưa trong lúc nhà nhà đều yên nghỉ, mẹ ngồi trước mái hiên nhà ngói hóng mát, chợt có một người đàn ông vai mang một bị nặng gói kín chặt. Nhìn vào mái hiên, người đàn ông dạm hỏi:
- Mua hàng vải, hàng lụa không?
Mẹ không nói gì, trỏ ngón tay ra hiệu mời vô nhà. Bấy giờ tôi mới vỡ lẽ: anh Ngô và cả gia đình có ý định mua một số vải để may mặc cho cả gia đình. Tôi không rành giá bán vải, không biết nên chẳng nhớ mẹ đã mua những loại vải gì hàng gì, chỉ nhớ mẹ đã mua cho anh Ngô bốn thuớc vải trắng loại vải ca rép để may một bộ bà ba, mua cho tôi ba thước vải rằn may mặc quần đùi, áo sơ mi ngắn tay, bốn thước vải đen cho hai chi Liêm chị Ðạm. Riêng chị Tiềm được may một áo dài, màu ca rô hồng nhạt tôi thấy khá đẹp( về sau, lúc may xong áo dài của chị Tiềm, chị thấy dư vải, chị cho tôi một chiếc quần đùi, mặc vào, tôi thấy rất vừa ý và khá đẹp mắt. Mỗi khi chị Tiềm muốn dẫn tôi cùng đi chơi (về sau tôi biết chị Tiềm muốn đi chơi được tư do thoải mái, chị dắt tôi đi theo!)
Nhưng rốt cục, anh Ngô vẫn không có tiền, vẫn làm dân vô sản chính hiệu. Vào dịp Tết Nguyên Ðán, tôi được bà con cô bác lì xì rủng rỉnh. Tôi không thể nhớ những ai đã cho tôi tiền. Chỉ vài đồng bạc, cũ có mối có; tôi vuốt thẳng từng đồng bạc giấy, nhẩm tính ra được vài chục bạc. Một hôm, sau lễ Hạ Nêu, anh Ngô tôi ngỏ ý mượn tiền vay tạm:
- Em, có tiền đưa tao mượn vài chục đi.
Tôi chột dạ, cố vớt vát, hỏi lại người mượn tiền một câu hết sức vô duyên:
= Anh mượn tiền để làm gì?
Vốn biết câu hỏi vớ vẩn của tôi là một câu cực kỳ vô duyên vô nghĩa, anh Ngô tuy rất bực mình dễ nổi cáu, nhưng anh cố nhịn:
- Mượn tiền mua đồ.
Chỉ có trời biết anh Ngô mượn tiền để mua những thứ gì, nhưng tôi đâu dám, đành ngậm miệng chịu thua. Lặng lẽ tôi lấy từ hộc bàn được cất kỹ đem rs tính nhẩm lại đoạn rầu rầu đưa cho anh Ngô.
Rồi lặng lẽ ngày qua tháng lại, năm lại hết, Tết lại đến, tôi lại tiếp tục được cô cậu chú bác lì xì mừng tuổi đầu năm và tôi vẫn tiếp tục đưa tiền anh Ngô mượn không hoàn trả cho đến lúc anh Ngô không mượn tiền, không cần tiền tôi nữa. Tôi biết có một nguyên nhân: anh Ngô đã có công ăn việc làm tại một công sở: Tòa Án Hòa Giải Rộng Quyền Nha Trang. Và cho tới ngày hôm nay khi anh Ngô đã nằm yên trong lòng đất lạnh, khi tôi đã nhân sinh thất thập cổ lai đa rồi, tôi mới hiểu rõ nguyên nhân mặc dù sâu xa, mặc dù thầm kín khi anh đã tiếp tục năm này qua năm khác cho tiền đóng học phí hàng tháng nơi một trường trung học tư thục. Cha mẹ tôi làm gì có đủ tiền nuôi tôi tiếp tục ăn học khi tôi không may thi hỏng lớp đệ thất một trường công lập ngoại trừ khả năng tài chánh của anh tôi? Tiếp tục nuôi tôi ăn học đến ngày hôm nay, tôi thấy rõ anh tôi đã trả tình đáp nghĩa cho tôi, một bổn phận mà theo tôi, anh Ngô đã chu toàn tốt đẹp.
Hiện giờ tôi đã bước vào quá tuổi bảy mươi, tôi vẫn tiếp tục viết, mài miệt cày bừa tựa lời thơ của Nguyễn Du:
“ Mặc cho tuổi hạc lưng còng,
Con tằm đến thác vẫn còn nhả dâu.
Sông cồn núi vực biển sâu,
Gửi người tri kỷ đượm mầu nước non..
Dâu tằm nước chảy đá mòn,
Canh gà tiếng vạc nguyệt tròn gác Tây”./.
San Diego, Hạ 2008.
Ý kiến bạn đọc
Vui lòng
login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin
ghi danh.