Dec 21, 2024

Viết về tác giả & tác phẩm

Kỷ niệm về thi sỹ Hà Thượng Nhân, Dòng thơ bất tử
Hà Thượng Nhân * đăng lúc 10:53:51 PM, Feb 15, 2023 * Số lần xem: 2971
Hình ảnh
#1
#2

Kỷ niệm về thi sỹ Hà Thượng Nhân, Dòng thơ bất tử - Phần 1

Thứ sáu, 13 Tháng 5 2011 08:08

 

Mục Lục

Kỷ niệm về thi sỹ Hà Thượng Nhân, Dòng thơ bất tử - Phần 1

Lời ngỏ

Tiểu sử thi sĩ Hà Thượng Nhân

Tin về thi sĩ Hà Thượng Nhân

Ý nghĩa về tấm ảnh

Kỷ niệm với Hữu Loan

Thơ Hà Thượng Nhân gởi Hữu Loan

Long Giao nẻo cụt

Sáu bài thơ buồn

Bài thơ của cụ Hà Thương Nhân gởi Tướng Nguyễn Cao Kỳ

Bài Họa - của Huỳnh Tâm Hoài

Hãy đứng lên

Nhà thơ không có tác phẩm

Thơ cảm ơn của Hà Thượng Nhân

Chuyện giàn thiên lý

Quy Khứ Lai Từ (Ðào Tiềm)

Chiến sĩ văn hóa

Tâm tình cùng bạn bốn phương

Kỷ niệm trong tù 1 & 2 (Một giai thoại văn chương)

Chuyện Hoa Sim, Chuyện Thanh Hóa

Tất cả các trang

Kỷ Niệm Về Thi Sĩ Hà Thượng Nhân,

Dòng Thơ Bất Hủ 

 

 

 

NXB Văn Đàn Đồng Tâm
Năm 2010

Tủ sách: Đồng hành với những cây viết trẻ
Vinh danh những nhà làm văn hoá lớn
của VĂN ĐÀN ĐỒNG TÂM

ISBN 978-0-9820233-7-5

Copyright @ 2010 by Đồng Tâm
All rights reserved
Printed in the USA
Distributed by Văn Đàn Đồng Tâm

Ảnh bìa:
Chân dung Thi Sĩ HÀ THƯƠNG NHÂN

Thâu thập bài viết và tuyển chọn
Cung Diễm, Huệ Thu, Mạc Phương Đình
Tạ Xuân Thạc, Trần Việt Hải

Kỹ thuật trang trí
Doãn Quốc Vinh – Lê Thuý Vinh - Đào Anh Dũng
 

Giữ Bản Quyền - Ấn Loát - Phát Hành
Văn Đàn Đồng Tâm

Thư từ liên lạc xin gửi về
Văn Đàn Đồng Tâm
P.O. Box 692192
Houston, TX 77269-2192
Tel. (281) 370-0233 / 281-216-6491
Email: vandandongtamdqs@gmail.com Địa chỉ email này đã được bảo vệ từ spam bots, bạn cần kích hoạt Javascript để xem nó.


 

KÍNH CHÚC
THI BÁ HÀ THƯỢNG NHÂN
TRƯỜNG THỌ

 

Sách được hoàn thành bởi Văn Đàn Đồng Tâm

Mười hai người trên đây đã thực hiện quyển sách ‘’ KỶ NIỆM VỀ THI BÁ HÀ THƯỢNG NHÂN, DÒNG THƠ BẤT TỬ ‘’ để kính gửi đến quí vị yêu thơ ngày hôm nay và cả các thế hệ mai sau
 

Mục Lục

Lời ngỏ Văn Đàn Đồng Tâm
Tiểu sử Thi Sĩ Hà Thượng Nhân
Tin về Thi Sĩ HTN Tố Nguyên
Ý nghĩa về bức hình Ngọc Bích
Kính tặng Hà Chưởng Môn Hồ Công Tâm
Thơ Hà Thượng Nhân
Mùa thu thương nhớ Hà Thượng Nhân
Xin làm cỏ biếc dưới chân em đi Hà Thượng Nhân
Kỷ niệm với Hữu Loan Đoàn Thanh Liêm
Thơ HTN gửi Hữu Loan Hà Thượng Nhân
Long Giao nẻo cụt Hà Thương Nhân
Sáu bài thơ buồn Hà Thượng Nhân
Mưa buồn Long Giao Hà Thương Nhân
Thơ gửi hàng tướng Nguyễn cao Ky Ky Hà Thượng Nhân
Bài họa Huỳnh Tâm Hoài
Hãy đứng lên Lê Thị Công Nhân Hà Thượng Nhân
Nhà thơ không có tác phẩm Giao Chỉ San Jose
Cám ơn (thơ) Hà Thương Nhân
Chuyện giàn thiên lý NNS
Mưa buồn Long Giao Hà Thượng Nhân
Chiến sĩ văn hoá Hải Bằng
Tâm tình cùng bạn bốn phương
Bài Xướng Hà Thượng Nhân
Bài Hoạ Trường Giang
Kỷ niệm trong tù 1 & 2 Hà Thượng Nhân
(Một giai thoại văn chương) HTN & Trường Giang
Chuyện hoa sim, chuyện Thanh hoáViệt Bằng
Thơ và đời Hà Thượng Nhân Nguyễn Xuân Vinh
Một thời kỷ niệm Hải Bằng
Một vài kỷ niệm
với Thi Sĩ HTN Võ Thạnh Văn
Chín chục mùa hoa Cung Diễm
Hà Chưởng môn viết cảm đề
Cho tập thơ tôi mạc phương đình

Diện kiến Thi Sĩ HTN Hạo Nhiên - Ng Tấn Ich
Nhân đêm rã ngũ và thành
lập Hội Thơ Lạc Việt Hà Thương Nhân
Những bài thơ XƯỚNG HỌA
với HTN Huệ Thu
Bài hành những mùa xuân qua Hoàng Ngọc Liên
Phỏng Bao Lăm ? Hà Thượng Nhân
Những chuyện vui với bác HTN Đoàn Thanh Liêm
Hà Huynh nhã giám Cao Tiêu
Chúc tết Hà Thượng Nhân
Mừng Thọ Hà Thượng Nhân
Tuổi già nhớ quê Đông Anh
Hoá là ta Hà Thương Nhân
Vì nàng đấy thôi Hà Thượng Nhân
Là nàng đấy thôi Huệ Thu
Lạc Thủy Đỗ Quý Bái
Bước tới Lạng Sơn Hà Thượng Nhân
Bài hoạ Mạc Hoài Hương
Một chút trao đổi với anh HTN Ngô Đình Chương
Giai thoại văn chương và thơ họa Hà Thượng Nhân
Vịnh Trăng Thu LT Đỗ Quí Bái
Trăng Thu Chiêu Quân
Trăng Thu Trần Vấn Lệ
Trăng Thu Cổ Trúc
Trăng Thu Nhớ Bạn Huệ Thu
Hồn Thu Thái Quốc Mưu
Trăng Thu Kha Tiệm Ly
HTN một nhà thơ bậc thầy Thụy Cầm
HTN, đối diện với cuộc đời
Qua thi ca Cát Biển
HTN nhà thơ lớn của VN Nguyễn Liệu
Thư gửi nhà văn Diệu Tần Hà Thương Nhân
Thăm HTN Đông Anh
Thơ xướng hoạ khi HTN nằm viện
dưỡng lão – Bài xướngĐông Anh
viết thay Cụ Hà Đông Anh
Các thi sĩ nổi tiếng họa thơ -Băng Đình
-Phan Bá Thụy Dương
-Cụ Văn
-Trường Giang
-Ngô Minh Hằng
-Thuỷ Chung
-Hoa Sơn
-Lê Minh Luân
-Tuệ Quang TTT
-Tố Nguyên
-Vũ Đức Nghiêm
-Tiểu Bảo
-Nguyễn Huy Hùng
-Du Sơn Lãng Tử
-Đỗ Quý Bái
-Bùi Tiến
-Tuệ Tuân
-Linh Công
Từ Vô thường đến Bất tử HTN - Huệ Thu
Đôi lời trước sách Hà Thượng Nhân
Thi sĩ trẻ HTN nổi tiếng hoạ thơ Tôn Nữ Hỷ Khương
Viết cho vui tuổi hạc Hà Thượng Nhân
Vài kỷ niệm với thi sĩ HTN Dương Viết Điền
HTN theo Bách Khoa Toàn Thư Wikipedia
Có Không (nhạc) Thơ HTN Anh Bằng
Duy một tấm lòng Huệ Thu
HTN, Ông Tú Lộc Hậu Phan Lạc Phúc
Chuyện vui với Chưởng môn
người làng Hà Thượng Phan Bá Thụy Dương
HTN họa Tứ Tuyệt Đông Anh
HTN: Kẻ sĩ của thời đại Phan Lạc Tiếp

Đôi lời chúc gửi đến Thi sĩ HTN Doãn Quốc Sỹ
Kỷ niệm với Thi sĩ HTN Tạ Xuân Thạc
Kỷ niệm với Hữu Loan Đoàn Thanh Liêm
Mừng Thượng thọ cụ HTN 92 Tố Nguyên
Những Kỷ Niệm với cụ thi sĩ HTN Hoàng Ngọc Văn
Giai thoại giữa nữ sĩ Trùng Quang
và Hà Chưởng môn Ngọc Bích
Kỷ niệm với Thi sĩ HTN Thượng Vũ
Tiếng kẻng tù Lưu Thái Dzo
Cây tùng trước gió Nguyễn Trung Dũng
Chiêm bao đất Trích Võ Thạnh Văn

... về việc in sách KNVTSHTN mpđ

 


Lời ngỏ

Nhà thơ Mạc Phương Đình, một hội viên tham gia vào Văn Đàn Đồng Tâm rất sớm, vì yêu thơ và khá gần gũi đến thi sĩ Hà Thượng Nhân, mong ước Văn Đàn Đồng Tâm thực hiện một tuyển tập đặc biệt về nhà thơ lão thành này. Sau một thời gian mời gọi, thu bài từ các nơi, chúng tôi đúc kết thành một tập sách về nhà thơ lớn của nền văn chương Việt Nam, Hà Chưởng Môn, cái tên thân mật mà giới văn chương đã ưu ái gọi thi sĩ Hà Thượng Nhân.

Văn Đàn Đồng Tâm rất hân hạnh thực hiện dự án đặc biệt này; với tất cả sự trân trọng, xin kính tặng tác phẩm đến thi sĩ Hà Thượng Nhân và cũng xin được giới thiệu tập sách đến quý văn thi hữu, cùng quý vị độc giả muôn phương.

Văn Đàn Đồng Tâm

 


Tiểu sử thi sĩ Hà Thượng Nhân

Hà Thượng Nhân tên thật Phạm Xuân Ninh, sinh năm 1919 tại làng Hà Thượng, Thanh Hóa Bắc Việt. bút hiệu khác Nam Phương Sóc. Tham gia kháng chiến chống Pháp. Năm 1950 về Hà Nội, gia nhập quân đội Quốc Gia và di cư vào Nam. Làm việc tại Nha Chiến Tranh Tâm Lý. Năm 1957 giữ chức Phụ Tá Phòng 5 Bộ Tổng Tham Mưu tại Sài Gòn. Rồi làm việc tại đài Phát Thanh Sài Gòn. Sau 1975 bị giam tại nhiều trại 'cải tạo' của Cộng Sản Việt Nam. Hiện định cư tại Hoa Kỳ. Khởi viết năm 1950. Phụ trách các mục đàn Ngang Cung trên nhật báo Tự Do (Sài gòn) và mục Những điều Trông Thấy trên nhật báo Ngôn Luận (Sài gòn). Thi phẩm đã xuất bản : Bên Trời Lận đận (1998).
Có bài đăng báo từ năm 1936. Chính thức làm báo từ 1945. Năm 1952 bỏ kháng chiến, vào thành, đi dạy học. Năm 1954 động viên vào quân đội với cấp bậc Đại Úy trừ bị. Làm chủ bút một số báo Quân Đội như Phụng Sư, Chiến Sĩ Cộng Hòa, Tiền Tuyến...
Liên tiếp trên 10 năm (từ đệ nhất đến đệ nhị Cộng Hòa) có chân trong Ban Giám Khảo Giải Thi Ca Toàn Quốc. Từng đại diện cho Việt Nam Cộng Hòa tham dự các hội nghị Thi Ca Lưỡng Niên, Văn Bút, Báo chí ở Pháp, Anh, Bỉ, Hòa Lan, Brazil, Nhật, Đài Loan, Đậu Hàn, Phi Luật Tân v. v...
Viết mỗi ngày một bài thơ trào phúng cho nhật báo Tự Do trong 9 năm liền và nhật báo Ngôn Luận trong 6 năm (bút hiệu Nam Phương Sóc). Ngoài ra còn viết cho hầu hết các tạp chí Văn Học của Miền Nam.
Tổng cộng thơ đã in trên báo khoảng trên 5000 bài.
Đã dịch các kịch phẩm Le Cid của Corneille và Andromaque của Racine ra thơ Việt. Dịch lại Chinh Phụ Ngâm theo nguyên điệu. Dịch hầu hết các bài cổ văn danh tiếng Trung Hoa gồm cả Sở Từ và Ly Tao của Khuất Nguyên.
Sách đã xuất bản:

 

@Vấn Đề Cải Cách Ruộng Đất Ở Miền Bắc do Nha Chiến Tranh Tâm Lý ấn hành với bút hiệu Việt Hà.

 

@Dự thảo Lý Thuyết Chiến Tranh Chính Trị do Cục Tâm Lý Chiến ấn hành với bút hiệu Hà Thanh. Đã được Bộ Quốc Phòng chấp nhận dùng làm tài liệu huấn luyên cho ngành CTCT.
Tranh Tâm Lý ấn hành với bút hiệu Việt Hà.

 

@Vấn Đề Đoàn Kết, Một Chiến Thuật Nguy Hiểm của Cộng Sản do Nha Chiến Tranh Tâm Lý ấn hành với bút hiệu Việt Hà.

 

@Vấn Đề Chỉnh Phong Ở Trung Quốc do Nha Chiến Tranh Tâm Lý ấn hành với bút hiệu Việt Hà.

Hiện cư ngụ cùng gia đình tại San Jose

 

Link: http://www.nangtheky21magazine.com/plugins/p2_news/printarticle.php?p2_articleid=590

 


Tin về thi sĩ Hà Thượng Nhân

 

- Tố Nguyên -

 

Wednesday, July 29, 2009, 2:02 AM

 

San Jose ngày 28/07/2009

Kính gởi quý vị thi văn hữu !

Sáng nay TN nhận phôn của Cụ Hà gọi :” Cậu đến đây tôi nhờ chút việc” – Tố Nguyên mới biết Cụ đã trở về nhà từ Viện An Dưỡng mấy ngày qua- Khi đến Cụ gọi vào phòng riêng :
-” Tập thơ của bà Tương Đàm tôi giao cho cậu giữ khi nào tôi qua đời thì mới được phổ biến” – TN hỏi :
-“Thế Bố giao cho con, Bố còn giao cho ai nữa không?”
-“Tôi chỉ giao cho cậu còn ai tôi không nhớ nữa , nếu đã có phổ biến thì phiền hà cho tôi lắm, cậu mua cho tôi một xấp giấy trắng để đầu giường cho tôi , tôi định viết lá thư cho cô con gái của bà ấy hiện là Tiến Sĩ sống bên Tiệp Khắc có biếu tôi gói trà , tôi muốn từ chối gởi trả lại- vì tôi chỉ biết mình bà ấy là nữ tài hoa về thơ, tôi không muốn biết ai khác dù là con gái bà ấy – Này cậu , tôi sắp vào đạo Công Giáo, cha Cao Phương Kỷ giúp tôi, đến thứ Bảy này ngày 01 tháng Tám 2009 lúc 7:00Pm tại nhà thờ Saint Victor trên đường Sierra, có cả anh gì … trong truyền thông Nam Cali đến dự, Cậu có rảnh đến tham dự cầu nguyện cho tôi “
TN nhìn Cụ Hà tóc cắt rất ngắn giống như trọc đầu khuôn mặt tươi vui hồng hào, tuy nhiên chiếc giường nằm không đơn giản mà đặc biệt giống như trong nhà thương có dụng cụ điều khiển khi ngồi dậy, nằm xuống tránh té ngã. Cụ nói tiếp :
-“Cha Kỷ nhờ tôi giới thiệu ngày ra mắt sách nói về Đạo Phật, Nho giáo, Khổng giáo, Công giáo, ông ấy cảm phục về tôi biết rộng và sâu sắc, Cha hứa sẽ giúp tôi vào đạo “.
Về tập thơ của bà Tương Đàm tôi có hỏi Bố ai đánh máy cho Bố, Bố cũng không nhớ và hình như tôi có đọc trên NET, được phổ biến trên diễn đàn - vậy quý vị nào biết xin thông báo cho tôi biết, tôi muốn tôn trọng ý của Cụ nhắn lại là khoan phổ biến lúc này, Tố Nguyên chào Cụ ra về và làm bài thơ sau đây, có gọi phôn cho Cụ để đọc cho Cụ nhưng không ai bắt phôn, nay phổ biến để chúc mừng Cụ trên các Diễn đàn :

HÀ CHƯỞNG MÔN XUẤT VIỆN VÀ VÀO ĐẠO CÔNG GIÁO (*)
1.
mừng báo tin vui gần lẫn xa
Chưởng Môn đã xuất viện về nhà
Tâm can khí phách mau hồi phục
Thân thể tráng dương khỏe hẳn hà
nguồn phú thơ văn tuôn róc rách
niềm tin lẽ đạo trổi ngân nga
hân hoan chúc cụ tươi ngày mới
thượng thọ huy hoàng đẹp lão gia

2.
thượng thọ huy hoàng đẹp lão gia
hồn lâng phơi phới bóng thiên nga
cùng lòng Linh Mục Cao Phương Kỷ (*)
với chức Chưởng Môn dáng Cụ Hà
đạo lý soi tâm tìm Nước Chúa
thần linh tỏa phúc tới căn nhà
thánh đường đón Cụ vào Công Giáo
Tín Hữu, danh xưng chẳng cách xa .

Tố Nguyên ( 29/07/2009)

(*) vị LM sẽ đỡ đầu cho Cụ Hà trở thành Tín Hữu Công Giáo- lấy tên thánh là “Phê Rô” vào ngày 01/08/2009 tại thánh đường St Victor trên đường Sierra, TP San Jose .

 


Ý nghĩa về tấm ảnh

Trên đây là hình ảnh của một số thân nhân , bè bạn và con cháu còn ở lại (Vì quá đông các vị khách và thân hữu ở xa đã ra về ) được ghi lại qua ống kính của nhiếp ảnh gia Võ Thạnh Văn trong buổi chiều Cụ Hà Thượng Nhân rước lễ lần đầu khi cụ vào đạo Công giáo tại nhà thờ Saint Victor, San Jose CA. 01-Aug- 2009.
Tương đối thì tình trạng sức khỏe của cụ đã khả quan tuy rằng ở tuổi 95 thì sự bình phục có hơi chậm và còn dựa vào nhiều yếu tố phụ thuộc khác nữa (chẳng hạn như có sự tập thể dục hàng ngày và những thân nhân thăm viếng, săn sóc thường xuyên) thì có lẽ sẽ mau trở lại bình thường hơn.
Tất cả mọi người hiện diện cũng như thân thi hữu xa gần đều hy vọng và cầu chúc cụ Hà Thượng Nhân, nay là Phêrô Dũng Lạc Hà Thương Nhân được được mau bình phục và an vui tuổi vàng.
Xin gửi tin này như một lời cảm ơn chung của cụ Hà và gia đình thân quyến đến các thân thi hữu đã gửi lời chúc sức khoẻ cụ và xướng họa, thăm viếng cụ được rõ và đây cũng là ý mà cụ Hà nhờ chuyển đến quý vị nữa.

 

Ngọc Bích

 

Kính tặng Hà Chưởng Môn

 

Cửu thập niên dư tâm tự tại
Đợi về nước Chúa vĩnh hằng mơ
Quê hương ngày ấy tàn binh lửa
Cõi tạm giờ đây dõi nguyệt mờ
Bốn biển giao du cùng chiến hữu
Một đời gắn bó với nàng thơ
"Đàn Ngang Cung" mãi còn vang vọng
"Tiền Tuyến" trung trinh một bóng cờ!

 

July 22, 2010
HỒ CÔNG TÂM

 

Thơ Hà Thượng Nhân

 

Mùa thu thương nhớ

Ngõ hẹp rụng hoa vàng
Bướm bay đầy cửa sổ
Ta bỗng gọi tên nàng
Áo vàng lồng lộng gió

Ta bỗng rưng rưng nhớ
Mùa Thu vàng ánh trăng
Mùa Thu từ dạo đó
Mùa Thu lại vừa sang

Ta nhớ con chim nhỏ
Hót trên cành bằng lăng
Ta nhớ câu thơ cổ
Bông cỏ may bên đàng

Ta nhớ, ôi ta nhớ
Mùa Thu ta gặp nàng…


Hà Thượng Nhân

 

Xin làm cỏ biếc dưới chân em đi

 

Mai em, anh về
Xin làm cỏ biếc
Vương chân em đi
Xin làm giọt mưa
Mưa dầm rưng rức
Trên vai người yêu

 

Anh cầm tay em
bàn tay khô héo
anh nhìn mắt em
gió lùa lạnh lẽo

 

Anh nhìn lòng mình
mùa đông mông mênh
cỏ non mùa xuân
còn xanh dấu chân
trăng non mùa hạ
uớt đôi vai trần
Có xa không nhỉ
ngày xưa thật gần

 

Có xa không em?
Ngày xưa thật gần.
 

 

Hà Thượng Nhân

 


Kỷ niệm với Hữu Loan

- Ðoàn Thanh Liêm -

Hai nhà thơ Hữu Loan và Hà Thượng Nhân là bạn cùng lứa tuổi và cùng xuất thân từ quê hương Thanh Hóa, nên rất gắn bó thân thiết với nhau. Hai ông vẫn xưng với nhau là “mày/tao” như cái hồi còn nhỏ tuổi có đến trên dưới 80 năm rồi. Ngày nay cả hai đã ở vào cái tuổi “cửu thập” sắp sửa bước tới “bách niên” rồi.

 

Trước năm 1945, tại Thanh Hóa người ta vẫn gọi hai ông là Tú Loan (Nguyễn Hữu Loan), Tú Trinh (Hoàng Trinh - Phạm Xuân Ninh sau này) với sự trọng nể kính phục, vì vào thời đó những người có bằng Tú Tài ở địa phương thì rất hiếm, có thể đếm trên đầu ngón tay được.

 

Sau 1954, thì Hữu Loan ở lại miền Bắc, còn Hà Thượng Nhân thì vào miền Nam. Và cả hai đều có sự nghiệp thơ văn đáng kể, mỗi người mỗi vẻ.

 

Tôi có cái duyên được gần gũi quen biết với cả hai nhà thơ nổi danh này. Năm ngoái 2008, tôi đã viết về nhà thơ Hà Thượng Nhân, năm nay tôi xin viết về những kỷ niệm vui vui với nhà thơ Hữu Loan.

 

Vì đã có nhiều tác giả phân tích chi tiết về các bài thơ của Hữu Loan, nên tôi sẽ không lạm bàn về lãnh vực văn chương thơ phú, mà chỉ ghi lại cái kỷ niệm riêng tư khó quên giữa nhà thơ và tôi ở Saigon vào năm 1988-89.

 

Sau năm 1975, qua Trương Hùng Thái (chú Thái) là một nhà thơ trẻ ở miền Nam, tôi có dịp gặp gỡ làm quen được với mấy nhà thơ ở miền Bắc như Trần Dần, Hữu Loan. Các bạn trẻ ở Saigon hay tổ chức những buổi sinh hoạt văn nghệ tại tư gia, vừa gọn gàng kín đáo mà lại vừa thân mật ấm cúng như trong phạm vi một gia đình.

 

Anh Trần Dần hồi đó đã đau bệnh nên đi lại khó khăn. Nhưng anh Hữu Loan dù đã ở tuổi “thất thập” rồi, mà vẫn còn tráng kiện lắm, anh cỡi xe đạp rong ruổi khắp nơi trong thành phố, ra cả ngoại ô. Tôi thường dẫn anh đi ăn phở nơi các quán “Phở gánh” trong mấy đường hẻm khu ngã ba Ông Tạ hay khu nhà ga Phú Nhuận. Cũng như dẫn anh đi uống cà phê ở mấy quán bình dân, khuất nẻo như quán cóc trong lối xóm.

 

Anh Loan rất thích cái phong cách cởi mở, hồn nhiên của người miền Nam, mặc dầu họ đã phải sống dưới chế độ xã hội chủ nghĩa trên 10 năm rồi. Nhiều gia chủ khi được giới thiệu anh là tác giả bài thơ nổi danh “Màu Tím Hoa Sim”, thì đã vui vẻ khoản đãi món ăn, thức uống, mà không hề lấy tiền của Hữu Loan. Dịp này, anh tâm sự với tôi, “Bà con miền Nam thật là cởi mở hào phóng, đầy ắp tình người...”

 

Và trong nhiều buổi tối, chú Thái và cô Tú còn hay tổ chức bữa nhậu để khoản đãi Hữu Loan, dịp này bằng hữu tha hồ chuyện trò tâm sự với nhà thơ được tiếng là “bất cần đời”, chuyên môn đi thồ những phiến đá đẽo từ khu núi đồi tại vùng quê Thanh Hóa.

 

Có lần chúng tôi tổ chức cho mấy bạn trẻ đi thăm mấy địa điểm khảo cổ về văn minh “Óc Eo Phù Nam” tại quận lỵ Ðức Hòa hồi đó đã được sát nhập vào tỉnh Long An, thì Hữu Loan cũng tham gia và anh rất phấn khởi được biết nơi đây hồi trên 1,500 năm trước đã là thủ phủ của vương quốc Phù Nam. Chuyến đi này được thực hiện là do sự sắp xếp của anh Võ Sĩ Khải là một chuyên gia khảo cổ, trước kia là một môn sinh của vị giáo sư nổi danh Nghiêm Thẩm.

 

Phái đoàn đi tham quan gồm nhiều bác sĩ, nha sĩ, y tá trẻ vốn tham gia công tác thiện nguyện để chăm sóc y tế cho bà con người thiểu số tại miệt Túc Trưng, Ðịnh Quán. Có cả cựu Dân Biểu Phan Xuân Huy cùng mấy tu sĩ Phật Giáo, Công Giáo và một số nhà giáo cũng đi theo nữa. Là một chuyên gia lâu năm trong ngành khảo cổ, anh Khải đã giải thích tường tận cho chúng tôi về những khám phá những cổ vật tại một số địa điểm được đào bới, mà xưa kia là các đền thờ của người thuộc vương quốc Phù Nam theo đạo Bà La Môn, rồi bị người Khmer từ phía Cambodia đến chiếm đóng và xua đuổi họ tản mát đi lên phía rừng núi hay ra biển khơi mất dạng luôn.

 

Nhà thơ Hữu Loan rất tò mò ngắm nghía các cổ vật còn được lưu trữ tại Bảo Tàng Viện tạm thời ở thị xã Long An, mà trên đường về lại Saigon, chúng tôi lại được anh Võ Sĩ Khải hướng dẫn đến thăm viếng để hiểu biết chi tiết hơn về cái nền văn minh Óc Eo Phù Nam đã bị sụp đổ từ trên 14-15 thế kỷ trước.

 

Anh Khải cho biết, theo ý kiến của Linh Mục Trần Tam Tỉnh vốn là một giáo sư về Khảo Cổ Học lâu năm ở Canada, thì nên xây dựng Viện Bảo Tàng chính thức ngay tại Ðức Hòa là nơi được xác nhận trước kia là thủ phủ của vương quốc Phù Nam, vì xung quanh đó tập trung rất nhiều di tích đền đài, dinh thự của nhà vua. Và đặc biệt là còn tìm thấy được tấm lắc bằng vàng có chạm trổ “Lệnh Rút quân” của nhà vua ban ra, lúc quân Khmer kéo tới rất đông để chiếm đóng lãnh thổ của vương quốc vào thế kỷ thứ 6 sau Công Nguyên. Cổ vật này là một bằng chứng xác thực nhất về sự tồn tại của vương quốc Phù Nam, mặc dầu nó đã bị xóa sổ từ gần 1,500 năm nay rồi. Anh Loan cứ tấm tắc khen ngợi công trình nghiên cứu khoa học của anh Khải và các chuyên viên khảo cổ trong khu vực miền Nam ở đây.

 

Vào thời gian đó, nhà thơ Hữu Loan còn được một tờ báo tặng cho một giải thưởng về bài báo mới nhất do anh viết, với số hiện kim lên đến mấy trăm ngàn là một món tiền lớn lúc bấy giờ. Nhưng không may cho anh, là sau đó anh bị kẻ bất lương tước đoạt gần hết món tiền này, khi tụi chúng giật được cái cặp da anh cột ở phía sau yên xe đạp mà anh vẫn chạy đi trong thành phố. Ðây quả là cái mặt trái đen tối của cái thành phố xô bồ, vàng thau lẫn lộn. Chúng tôi thật thông cảm bùi ngùi xót xa với anh trước cái tai nạn thật đáng tiếc ở dọc đường phố Saigon như thế này.

 

Nhân tiện cũng xin nhắc lại là trong dịp vào thăm miền Nam năm 1988-89, Hữu Loan đã tham gia với phái đoàn của mấy “Dũng sĩ Ðalat” gồm nhà thơ Bùi Minh Quốc, nhà văn Tiêu Dao Bảo Cự đi khắp các tỉnh từ Nam ra Bắc để vận động các văn nghệ sĩ cùng ký thư thỉnh nguyện yêu cầu phải có tự do sáng tác, tự do xuất bản, báo chí theo tinh thần “Ðổi mới-Mở rộng dân chủ” mà nhóm Văn Nghệ Ðalat đã chủ trương và công bố trong một bản tuyên ngôn, khiến gây chấn động dư luận khắp nơi hồi đó.

 

Quả thật nhà thơ lão thành Hữu Loan đã tiếp sức thật đúng lúc, đúng chỗ cho các bạn dũng sĩ trẻ ở miệt cao nguyên Langbian vào cái thời hé mở “Ðổi Mới” sau năm 1986. Chi tiết vụ này đã được nhà văn Bảo Cự ghi đầy đủ trong cuốn sách “Hành Trình Cuối Ðông” xuất bản ở hải ngoại mươi năm trước đây.

 

Hồi cuối năm 1989, tôi có việc phải ra Hà Nội và nhân tiện ghé thăm anh chị Trần Dần tại nhà ở gần Ga Hàng Cỏ. Anh Dần cũng cho biết Hữu Loan mới ra đây, đang đi thăm bạn hữu ở Hà Nội. Ðúng lúc đó thì xảy ra Ðại Hội Các Nhà Văn và có sự tranh luận sôi nổi về tự do sáng tác văn nghệ theo trào lưu đổi mới. Anh Dần phấn khởi cho tôi hay là, “Nhìn chung, thì phe tiến bộ dân chủ đã thắng thế trong đại hội này.” Nhưng tôi lại không được gặp lại Hữu Loan trong dịp cả hai chúng tôi cùng ở Hà Nội vào cuối Tháng Mười Một, năm 1989. Theo tôi biết thì Hữu Loan đã tự ý rời bỏ cả đảng Cộng Sản, cũng như bỏ hết mọi sinh hoạt với Hội Nhà Văn, nên đã không hề tham dự với đại hội này. Nhưng chắc chắn là anh cũng như anh Trần Dần đã rất phấn khởi trước sự can đảm bày tỏ ý kiến của một số bạn văn nghệ của anh trong dịp đại hội vừa kể.

 

Và kể từ đầu năm 1990 lúc tôi bị công an bắt giữ cho đến khi qua định cư ở Mỹ năm 1996, thì tôi không có dịp trực tiếp liên lạc với anh Hữu Loan nữa. Nhưng qua nhà thơ Hà Thượng Nhân ở San Jose và mới đây qua nhà văn Tiêu Dao Bảo Cự cũng qua thăm bà con ở Mỹ, thì tôi lại được biết thêm chi tiết về cuộc sống của anh Loan. Ông lão nay đã ngoài 90 tuổi rồi, mà vẫn còn minh mẫn, cương nghị như hồi nào. Ðọc trên Internet, tôi thật phấn khởi được biết anh vẫn sống thanh thản nơi quê hương Thanh Hóa cùng với đại gia đình rất đông con, cháu, chắt và đặc biệt người vợ đã tận tình chia xẻ cay đắng, ngọt bùi với anh trên nửa thế kỷ nay.

 

Ðối với tôi, Hữu Loan là một nhân cách thật lớn lao, kiên cường đã giữ vững được tiết tháo liêm sỉ của người sĩ phu trí thức theo đúng với truyền thống tốt đẹp của dân tộc chúng ta. Tôi thật may mắn được quen biết thân thương với những bậc đàn anh vừa có tài năng, vừa có tư cách đáng quý, đáng trọng như Hữu Loan, như Hà Thượng Nhân, như Doãn Quốc Sỹ...

 

Xin cầu chúc anh và gia quyến luôn được mọi sụ an lành tốt đẹp.

Ðoàn Thanh Liêm

 

 

 


 


Nhà thơ HÀ THƯỢNG NHÂN

 

Thơ Hà Thượng Nhân gởi Hữu Loan

“... Nguyễn hữu Loan
hồn nhiên như con trẻ
đơn sơ như miệng cười
dám chân thành làm một con người
giữa bão tố quyết không là cây sậy
chỉ biết cúi đầu vâng lời lẽ phải.
Với bạn bè gìn giữ thủy chung
Đỗ Phủ xưa dù lớn vô cùng
Nguyễn Hữu Loan không chịu là Đỗ Phủ
Ba mươi mấy năm chân trần lam lũ.
-Đói khôngLoan?
Khổ không Loan?
Tao chẳng khổ bao giờ
Tao đi cày như tao làm thơ
-Mày đi cày vì mày dám làm thơ.
Thơ vĩ đại vì thơ không đánh đĩ
Bọn dối trá chẳng thể là thi sĩ
Kiệt Trụ đừng nói chuyện thi ca.
Nhớ nguyễn Du xưa rau cháo xanh da
Nửa tháng ốm không có tiền mua thuốc.
Không cần thép thơ vẫn thành bó đuốc.
Thơ nâng người cao sát với thần linh...”


Nhà thơ HỮU LOAN

 

 

 


 

 

Hà Thượng Nhân

Long Giao nẻo cụt

1.
Trời có điều chi buồn,
mà trời mưa mãi thế.
Cây cỏ có chi buồn,
mà cỏ cây đẫm lệ,
mà cỏ cây lệ tuôn

Chim nào không có cánh,
cánh nào không thèm bay.
Người nào không có lòng,
lòng nào không ngất ngây.

Anh nhớ em từng phút,
nhớ con từng giây.
Gửi làm sao nỗi nhớ,

trao làm sao niềm thương.
Anh nhớ em từng phút,
nhớ con từng giây.
Nhớ thương như trời đất,
trời đất cũng vô thường.

2.
Ngày xưa chim hồng hạc,
vượt chín tầng mây cao,
ngày xưa khắp năm châu,
bước chân coi nhỏ hẹp

Bây giờ giữa Long Giao,
ngồi nghe mưa sùi sụt,
cuộc đời như chiêm bao,
có hay không nẻo cụt?
ĐK: (để hết)

Anh châm điếu thuốc lào, mình say, mình say sao?
Anh châm điếu thuốc lào, mình say, mình say sao?

Mưa buồn Long Giao

Trời có điều chi buồn
Mà trời mưa mãi thế
Cây cỏ có chi buồn
Mà cỏ cây đẫm lệ
Mà cỏ cây lệ tuôn?

Anh nhớ em từng phút
Anh thương con từng giây
Chim nào không có cánh
Cánh nào không thèm bay
Người nào không có lòng
Lòng nào không ngất ngây

Gửi làm sao nỗi nhớ
Trao làm sao niềm thương
Nhớ thương như trời đất
Trời đất cũng vô thường
Ngày xưa chim hồng hộc
Vượt chín tầng mây cao
Ngày xưa khắp năm châu
Bước chân coi nhỏ hẹp
Bây giờ giữa Long Giao
Ngồi nghe mưa sùi sụt
Cuộc đời như chiêm bao
Có hay không nẻo cụt?
Anh châm điếu thuốc lào
Mình say, mình say sao?

Hà Thượng Nhân
Kỷ niệm những ngày ở trại tù Long Giao 1975

 


Sáu bài thơ buồn

Hà Thượng Nhân

Buồn I

Chẳng biết giờ em ta ở đâu ?
Một mình ngồi uống rót mời nhau,
Tưởng như em vẫn cười lơ đãng,
Trời tối, đêm càng thăm thẳm sâu.

Ngày lễ vui ư ? Ta chẳng biết,
Vô tình say gục giữa trang thơ.
Ngày mai ai lấy đem ra đọc,
Có thấy buồn chăng nỗi đợi chờ ?

Có thấy rượu còn nguyên nửa cốc,
Mà say như chửa một lần say !
Tại sao gió thổi nhiều như vậy ?
Chắc hẳn đêm qua lá rụng đầy !

Buồn II

Em có vì ta buồn đấy không ?
Ta ngắt tặng em một bông hồng.
Bông hồng sao thắm như màu má
Ngày tóc này đen mắt ấy trong ?

Hỡi ơi ! Tất cả không còn nữa,
Còn vết chân thơm trên vạt cỏ.
Mùa hè em mặc áo xanh lam,
Áo em bay lượn theo làn gió.

Một chút ngậm ngùi, chút tiếc thương,
Ðủ cho phảng phất một mùi hương.
Này en ! Trăng vẫn trăng mùa cũ,
Trăng có tên trong sổ Ðoạn Trường ?

Xõa tóc còn ai ngồi dưới trăng ?
Còn ai ngồi dưới gốc bằng lăng ?
Ðợi thư ai đến ? Mùa Thu đến !
Nghe gió làm thinh không nói năng.

Buồn III

"Buồn Thì ta đã buồn rồi
Buồn thêm một chút lạnh trời Thu sao?" *
Nhớ thì nhớ tự thuở nào,
Nhớ thêm một chút có sao không mình?
Có buồn, có nhớ, có tình,
Chẳng hơn không bóng không hình như ai !
Dù cho lụy một chữ tài,
Chẳng hơn rượu uống không say bao giờ?
Cuộc đời rối một cuộc cờ,
Nếu không có cái bất ngờ đắng cay.
Nếu không kẻ trả người vay,
Thì sinh giữa cuộc đời này uổng công !

* thơ Huệ Thu

Buồn IV

Còn Rất Trẻ

Dù buồn thêm lẽ nào Thu lại lạnh,
Em đã buồn sao lại muốn buồn thêm ?
Hoặc em nghe tiếng dế khóc trong đêm,
Tiếng trăng gió cợt dùa trong khóm lá.

Em lại ước phải chi là gỗ đá,
Ðể xa nhau chẳng nhớ cũng không thương.
Em ơi em giữa cuộc sống bình thường,
Thêm một chút đắng cay cho có vị.

Rượu chẳng uống làm sao say được nhỉ ?
Tình không nồng sao chẳng đủ để lòng đau ?
Ta cảm ơn được thức trắng canh thâu,
Ðược ngơ ngẩn vì con đường diệu vợi.

Ðược thao thức những ngày chờ tháng đợi,
Cho nên anh hiểu lắm tấm lòng em.
Em đã buồn, em vẫn muốn buồn thêm,
Buồn cho lạnh cả trời Thu hiu hắt,

Buồn để thấy tình yêu là có thật,
Là lòng ta khoảnh khắc ở bên nhau.
Pha thêm thương, thêm nhớ, rót thêm sầu,
Ðể mình thấy lòng mình còn rất trẻ.

Hà Thượng Nhân *

Một Chút Buồn Thêm 1

Buồn thì ta đã buồn rồi đó,
Một chút buồn thêm Thu lạnh chăng ?
Người hỏi, hỏi ai ngơ ngẩn vậy ?
Khi lòng còn mãi một vầng trăng.

Ta muốn chèo thuyền thức dưới sương,
Nghe Thu ngồi rũ bóng tà dương.
Nghe trên đỉnh Ngự hàng thông cũ,
Mái tóc người xưa sực nức hương.

Nỗi buồn ai biết thêm hay bớt ?
Ðong đếm làm sao được tấm lòng !
Chỉ biết mùa hè trời ngập nắng,
Bông hoa phượng tím có còn không ?

Còn không ta của ta ngày ấy ?
Ta của ta chưa nhớ đã quên.
Quên hết như quên đường diệu vợi,
Hoa quỳnh sao lại nở về đêm ?

Chén rượu sao say đều mỗi tối ?
Làm thơ mỗi tối gửi cho ai ?
Gửi cho làn gió vô cùng ấy,
Thổi mãi bên nhau vạt áo dài....

Buồn V

Một Chút Buồn Thêm 2

Chén rượu này mời ai uống cạn ?
Nhìn vào sóng sánh bóng trăng Thu
Nâng ly mình uống trăng em nhé !
Ðể nhớ người thơ, nhớ bạn thơ.

Người phỏng nhớ ta như nhớ rượu,
Nhưng ta đâu phải là ly rượu,
Chỉ có mây chiều thăm thẳm sâu.

Một cánh chim bay trời lẻ loi,
Cánh chim còn có bóng trăng soi.
Ta nghe sương rỏ đầy khung kính,
Chắc hẳn là em buồn đó thôi !

Vầng trăng xin xẻ làm hai mảnh,
Em uống trăng và ta uống trăng.
Em uống, tưởng như trong bọt rượu,
Có em cười nói chạy tung tăng...

Có con anh vũ bay qua cửa,
Bay đậu cành khô cất tiếng chào.
Một chút buồn thêm cho đủ lạnh
Cho vầng trăng ở mãi trên cao.

Buồn VI

Sao Vẫn Buồn Thêm

Pha thêm một chút sương vào gió,
Pha thêm chút nắng vàng như tơ.
Ngõ trúc tay che nghiêng nón nhỏ,
Mùa Thu trước cửa ngậm ngùi thơ.

Mùa Thu em đã về bên ấy,
Trăng cuối mùa, trăng cũng đã mờ.
Em cuối mùa Thu cầm sợi tóc,
Nghiến răng cắn nát tuổi ngây thơ.

Em đã buồn rồi phải thế không ?
Nhìn sau ngó trước vẫn non sông,
Non sông chẳng phải non sông cũ,
Chẳng phải sông Lam của núi Hồng !

Chẳng phải thềm trăng nằm rũ tóc,
Cười khan giữa mái rạ Thanh Hiên
Vào làng chẳng đủ tiền mua rượu,
Ðể uống cùng ai Bạch Lạc Thiên.

Ðất Trích Tầm Dương vạt áo xanh,
Ngày nào lệ ướt đẫm năm canh.
Chẳng là Tư Mã đang mùa Hạ,
Sao vẫn buồn thêm giữa chúng mình ?

Hà Thượng Nhân
San Jose, Thu năm 1997

 


Bài thơ của cụ Hà Thương Nhân gởi Tướng Nguyễn Cao Kỳ

 

Tiễn người, Ta khóc

Người về. Ta bỗng nghe đau nhói
Xé nát từ đây môt chữ tình
Xương máu chẳng hề vì lý tưởng
Mà là thiết thực chuyện mưu sinh
Người về để đổi thù ra bạn
Tiếng thét người dân có bão bùng
Người ngoảnh mặt đi không biết đến
Mặc cho sóng gió bốn bề rung
Người về! Nơi đó là quê mẹ
Ta nhớ như nhau suốt cuộc đời
Quê mẹ bây giờ là xứ lạ
Lưu đày trên đất lạ mà chơi!
Người về. Như thế mà về được
Nếm miếng canh thừa liệu có chua?
Người vẫn đô la còn nặng túi
Việc gì chúng nó nỡ lòng xua?
Người về. Ta thực lòng thương hại
Tiếng Tự Do gào đã đứt hơi
Mảnh áo cà sa còn vấy máu
Làm sao có thể nói nên lời
Là sao dám viết cho dân tộc?
Chén rượu bên hè dưới ánh trăng
Có thẹn lời thề năm tháng cũ?
Có nghe tiếng ngựa hí âm vang?
Người về. Ta nói gì thêm nữa
Có nói càng thêm thấy bẽ bàng
Đào ngũ chẳng trong thời loạn lạc
Bây giờ lại trở lối sang ngang!
Ta thương thơ cũ người từng viết
Mới biết không đâu cũng đoạn trường
Trước mặt kẻ thù kêu bạn thiết
Nỡ nào ta viết chữ bi thương.

Hà Thượng Nhân - 2002

 


Bài Họa

của Huỳnh Tâm Hoài

Người về. Ừ nhỉ sao về được?
Sông núi còn ghi dấu tướng Kỳ
Một thuở oai hùng mang áo trận
Đường bay tung gió rộng trời mây

Người thề quyết tử gìn non nước
Tung hô chiến hữu lộng cờ bay
Người về. Ừ nhỉ người quên hết
Xương máu anh em chốn đọa đày!

Uất hận đau thương ngàn thiếu phụ
Thương binh vất vưởng đói triền miên
Muôn dân chìm đắm trong gian khổ
Đất nước điêu linh dưới xích xiềng

Cơm áo xứ người - người rửng mặt
Hám danh mời gọi, đổi thay mau.
Người về. Ta chắc người vui nhỉ?
Áo gấm thay cho áo chiến bào

Cơm bã, canh thừa người cúi hưởng
Sao ai không thẹn bả công hầu?
Khoa Nam tuẫn tiết nêu danh tướng
Lê Văn Hưng tự bắn vào đầu

Hồ Ngọc Cẩn quyết không buông súng
Chết hiên ngang đã ngẩng cao đầu
Còn nữa bao anh hùng tự sát
Bởi can trường huyết sử ghi sâu

Người về sao nỡ, người ngoảnh mặt
Có thẹn lòng không với núi sông?
Người trơ mắt ngó. Người vô cảm!
Đành cúi đầu với kẻ thù chung!

Nhận ơn thù, khoác nhơ, nuốt nhục
Ta thấy buồn cho một kiếp người
Bút mực như đau trên lòng giấy
Xót mấy trời tây bỗng nghẹn lời!

Huỳnh Tâm Hoài
 

 


Hãy đứng lên

Hãy Ðứng Lên
Hỡi những Dương Thu Hương
Hỡi những Lê Thị Công Nhân
Hỡi những con người bất khuất
Hỡi những ai còn ai mất
Hỡi những chàng trai thuở bốn mươi lăm
Hồ Chí Minh hô hào cách mạng
Chúng mình xông lên ôm bom, ôm súng ...
Chưa cần biết ai sai ai đúng
Chỉ cần yêu nước yêu nhà
Hỡi những vệ quốc quân
Vừa tốt nghiệp xong Ðại học
Lăn vào bảo vệ thủ đô
Ngày ấy chúng ta đứng dưới bóng cờ
Thấy bóng Hồ Chí Minh vĩ đại
Chúng ta càng thêm hăng hái
Khi vì kẻ khổ, người nghèo
Bỏ hết chạy theo cách mạng
Sự nghiệp này mênh mông ngoại hạng
Cả nước đứng lên
Mọi người đứng lên
Cái gì cũng của nhân dân
Ủy ban Nhân dân
Bộ đội Nhân dân
Công an Nhân dân
Tòa án Nhân dân
Chúng nó lừa đảo Nhân dân
Ðể giết Nhân dân
Ðể chia đất nước
Phạm Văn Ðồng cúi đầu dâng biển
Hồ Chí Minh đổi ngày sinh giăng cờ đón Pháp
Nhân danh dân nghèo
Nhân danh cách mạng
Cả thế giới lầm vì bọn người ngoại hạng gian manh
Chúng không có một chút lòng thành
Không yêu người yêu bạn
Quyền hành là vô hạn
Chỉ biết nước Nga
Chỉ thờ Trung Hoa
Chỉ tin Các Mác
Chỉ phục vụ Lê Nin
Ðứng lên
Tất cả đứng lên
Không thể chần chờ được nữa
Chúng khóa miệng dân
Chúng bòn hết của
Chúng bán cả tiết trinh của đàn bà
Ðể ăn chơi tham nhũng
Chúng dùng súng
Dùng bom
Ðể diệt trừ đại nghĩa
Thích Ca là đồ tể
Jesus là đồ sành
Chúng xúi giục đấu tranh
Giết cha giết mẹ
Chúng gây đấu tố
Giết bố giết con
Cờ máu mà còn
Thì còn chém giết
Hễ còn hiểu biết
Hễ còn lương tri
Ðảng không duy trì
Những người như thế
Ðảng dùng quỷ kế
Liên xô tan rồi
Cộng sản không còn nữa
Những thằng điên còn đó
Ta phải xông lên
Ta quí mạng người
Nhưng ta phải giết
Ta phải biết
Chúng không là người
Mà còn dữ hơn cọp dữ
Khờ Me đỏ
Ðã giết mấy triệu người
Nhân danh cách mạng
Hồ Chí Minh đã giết mấy chục triệu người
Nhân danh công lý
Ta còn lý trí
Ta còn là người
Ta không đầu hàng
Ta không phản bội
Những người đã bị lợi dụng đâu rồi?
Ðâu rồi những người lính của nhân dân
Những người công an của nhân dân
Ta phải đứng lên
Chỉ một lần
Giải phóng đất nước
Ngàn năm về trước
Muôn năm về sau
Còn một niền đau
Còn ngàn mối hận
Hãy đứng lên
Xông vào trận
Tôi đi theo Công nhân
Lê thị Công Nhân
Ta đi theo
Nguyễn Ðan Quế
Ði theo những người như thế
Ði theo những người yêu nước yêu dân
Áo vá chân trần
Ta chỉ còn tấm lòng quyết liệt
Ông cha ta
Lấy nhân nghĩa thắng tham tàn
Ta vì Nhân nghĩa
Ðứng lên
Hỡi đồng bào
Không chờ được nữa
Xé tan cờ đỏ
Thắp lửa đứng lên.

Hà Thượng Nhân
20 tháng 7, 2008

 


Nhà thơ không có tác phẩm

 
- GIAO CHỈ - SAN JOSE -

 

Có một chàng Thi sĩ miền quê ... ( Phạm Duy)
Những mái đầu cất cao, không một lời than thở. (HTN)

Quả thực bác này đúng là chàng thi sĩ miền quê. Nếu hơn 15 năm trước, khi bác mới được HO qua Mỹ, làng văn thơ hải ngoại mời bác làm chủ tịch Văn bút Việt Nam Tự do thì chắc hẳn ai cũng cho là rất xứng đáng. Ấy vậy mà, bác lại không đủ điều kiện để nộp đơn xin vào làm hội viên bình thường của văn bút Việt Nam hải ngoại. Bởi vì dù là tác giả của hàng ngàn bài thơ nhưng chưa bao giờ ông có được một tác phẩm thi ca.
Chàng thi sĩ ở San Jose của chúng tôi là người Thanh Hóa, quê làng Hà Thượng, sinh năm 1919. Khi đệ nhị thế chiến chấm dứt (39- 45) ông bắt đầu làm báo và theo kháng chiến suốt 7 năm. Ðó là thời kỳ bài ca Tuổi Vàng của Phạm Duy gọi lên hồn nước làm rung động toàn thể thanh thiếu niên Việt Nam.
“Một mùa thu năm qua, cách mạng tiến ra ........
Thời kỳ đó có lần làng Bình Hải, huyện Yên Mô tổ chức đón các đại biểu liên khu về hội họp. Những cậu bé trong đoàn thiếu niên Kim Ðồng của Hà Nam Ninh chúng tôi hết lòng sùng kính các anh từ liên khu Thanh Nghệ Tĩnh về nói chuyện. Gia đình tôi từ Nam Ðịnh tản cư về Yên Mô, Ninh Bình. Từ miền Hoa Lư, đường vào xứ Nghệ phải qua Thanh Hóa với cây cầu Hàm Rồng đầy huyền thoại.
Các anh từ khu Tư nổi tiếng về nói chuyện tại đình làng Bình Hải. Năm đó, tuổi 15 tôi đứng dựa cột đình. Dường như chàng thi sĩ làng Hà Thượng cũng có mặt trong vai trò cán bộ văn hóa quan trọng của kháng chiến. Phần văn nghệ có cả cô bé Thái Thanh tham dự hát bài chữ I chữ Tờ.
Hơn 60 năm sau, bây giờ 2010, tại San Jose tôi xin gửi đến các bạn bài viết về Trung Tá Phạm Xuân Ninh, tức là nhà thơ Hà Thượng Nhân, người Thanh Hóa.

Một đời văn nghệ.

Có thể nói suốt đời bác Ninh là một đời văn nghệ. Ði lính từ đại úy đến Trung Tá nhưng ông không hề liên quan gì đến quân trường và súng đạn. Làm chủ nhiệm báo Tiền Tuyến nhưng chàng luôn luôn ở hậu phương. Cuộc đời của ông tất cả là bằng hữu và thơ phú. Năm 1935, cậu Ninh 16 tuổi đã có dịp dự cuộc thi thơ với các bậc tiền bối và đoạt giải với bài Trăng Thu.
 

“Sương mỏng manh, canh vắng lặng tờ
Buồn xưa náo động mấy vần thơ.......

 

Quả thực bài thơ trúng giải của cậu thư sinh đã làm náo động cả hội thơ Vỹ Dạ thủa xưa. Trải qua 7 năm theo kháng chiến, năm 1952 ông về thành và 1954 ông di cư vào Nam.
Do nhu cầu của Tâm lý chiến miền Nam và do thân hữu đề cử, thủ tướng Ngô Ðình Diệm ký lệnh cho me xừ Phạm Xuân Ninh đặc cách mang cấp đại úy trừ bị. Ðây là cấp bậc theo quy chế đồng hóa thuộc bộ quốc phòng. Sau đó ông được đề nghị thăng cấp thiếu tá và trung tá. Suốt 21 năm ông làm việc tại tổng cục chiến tranh chính trị. Sau 75 ông đi tù tập trung cải tạo từ Nam ra Bắc và từ Bắc vào Nam. Sau cùng HO qua định cư tại San Jose.
Anh em văn nghệ cao niên chúng tôi tại San Jose thường ghi nhận rằng cuộc đời từ hoa niên, binh nghiệp, tù đầy, tỵ nạn và định cư trải qua các giai đoạn chính như sau. Lẽ dĩ nhiên cũng có người đi theo thứ tự, có người đặc cách khác anh em. Sau đây là các dấu mốc
1) Sinh quán, sinh nhật 2) Trường học và quân trường 3) Trại binh, trại gia binh, trại tù, trại tỵ nạn 4) Nhà tạm trú, nhà housing, nhà trả góp, nhà mobil, và nhà dưỡng lão.
Anh bạn cùng khóa Cương quyết II Thủ Ðức của tôi là trung tá lực lượng đặc biệt Ðỗ Hữu Nhơn đã có lần còn nhắc đến chuyện nhà quàn từ Down Hill cho đến Oak Hill. Riêng phần các bác, xin cứ ghi nhận và xem lại để thấy rằng mình đang ở giai đoạn nào và đã đặc cách vượt cấp ra sao.
Sau đây là bài thơ cuộc đời bằng Anh Ngữ.
DOP, POB / School, Military School / Military Camp, Concentrate Camp, Refugee Camp / Half way House, Housing, Single House, Mobil Home, Nursing Home.
Và cuộc đời bác Ninh của chúng tôi hiện ở giai đoạn hết sức hoàng hôn. Ông đang được điều trị tại khu dưỡng lão Wilow Glen, San Jose. Chàng vốn không có tên trong các hội ái hữu quân trường dù là Ðồng Ðế, Thủ Ðức hay Ðà Lạt. Cũng chẳng phải là thành viên của các quân binh chủng bay bướm oai hùng. Ở đây hội ái hữu đồng hương chẳng thiếu địa danh nào nhưng lại chẳng hề có hội đồng hương Thanh Hóa. Nhưng bằng hữu thơ văn thì ai mà chẳng biết Hà Thượng Nhân. Ðặc biệt ông bạn tù là nhà thơ Nguyễn Ðình Tạo, quê làng Ðông Anh sớm tối vào thăm bác Ninh. Bác Ðông Anh hiện nay là người điều hợp thi đàn Lạc Việt, có bạn Chinh Nguyên làm tổng thư ký. Hội ta vẫn thường trực chuyên chở bác hội viên cố vấn Hà Thượng Nhân. Vì vậy chàng thi sĩ của chúng ta đã từng viết câu thơ mãi mãi tràn đầy tình nghĩa... “Ta từ có bạn đến giờ, lời thơ lại bỗng bất ngờ thành vui.....”

Những bài thơ...

Nếu đem in những bài thơ của thi sĩ người làng Hà Thượng thì xoàng ra cũng có được năm bẩy tác phẩm. Thực ra với nhiều bút hiệu khác nhau, bác Phạm Xuân Ninh đã từng soạn nhiều tài liệu nghiên cứu do Nha chiến tranh Tâm lý xuất bản.
Tuy nhiên, đây chỉ là sáng tác thuộc về lãnh vực nghiên cứu của một công chức quốc gia. Còn những vần thơ gan ruột của thi nhân, những bài thơ về tình yêu của nhà thơ thì chưa bao giờ in thành sách.
Ông đã từng viết !

 

“Ta có một tình yêu, bao la như trời đất.
Ta viết vào trang Thơ, Tình yêu ta không mất.”

 

Và mục đích của cuộc đời được ghi lại.

 

“Sống chỉ lấy cái tâm làm trọng.
Gửi ngàn sau mấy giọng tiêu giao.”

 

Trong số hàng ngàn bài thơ của thi nhân tôi thích nhất những bài thơ ông làm trong thời gian ở tù. Trong hằng trăm bài thơ tù, tôi ghi nhận có 3 bài hết sức rung động. Xin giới thiệu bài Thắp sáng. Xin các bác lưu ý. Mỗi câu thơ đều là một lời kinh đấu tranh. Mỗi câu thơ đều có thể đặt tựa cho cả bài thơ. Bài thơ ngũ ngôn, một sở trường của tác giả như sau :
“Thắp sáng muôn vì sao”
Nếu như không đau khổ. Làm sao biết căm hờn. Càng muôn trùng sóng gió. Tay chèo càng vững hơn. Chúng ta cùng có nhau. Nhìn nhau vui hớn hở. Trên luống cày khổ đau. Hoa Tự do vẫn nở Những mái đầu cất cao. Không một lời than thở.
Tác giả chỉ giải thích lòng căm hờn bắt nguồn từ thân tù đầy oan trái, tuy nhiên, như lời thơ đã viết, tác giả không nuôi dưỡng căm hờn. Chỉ là:
“Những mái đầu cất cao, không một lời than thở.
Nhưng có 2 bài thơ trong tù tràn ngập yêu thương xin gửi đến các bác đọc lại thật rõ từng lời để cùng rung động với tác giả.
Năm 1975 mới vào tù, ông làm bài Mưa buồn trong trại Long Giao trong lòng đất quê hương miền Nam. Năm 1978 sau khi bị đưa ra đất Bắc ông làm bài Cỏ biếc, vào lúc tác giả chuyển trại từ Thác Bà, Yên Bái về Thanh Chương, Nghệ Tĩnh. Ðây là lời thơ của bài Mưa Buồn Long Giao. Xin hãy nhớ cho, tác giả làm bài thơ này vào thời gian sau tháng 4-75. Người tù già ngồi nghe mưa miền Nam tại Long Giao.
Ở ngũ ngôn tứ tuyệt đoạn cuối, tác giả dùng chữ nẻo cụt chỉ bước đường cùng, tưởng là giấc mơ, tưởng chỉ là cơn ác mộng, hút điếu thuốc lào, hỏi lòng mình đã say chưa.

 

MƯA BUỒN LONG GIAO,

 

Trời có điều chi buồn ? Mà trời mưa mãi thế !
Cây cỏ có chi buồn ? Mà cỏ cây ứa lệ !
Anh nhớ em từng phút, Anh thương con từng giây.
Chim nào không có cánh, Cánh nào không thèm bay.
Người nào không có lòng, Lòng nào không ngất ngây.
Gửi làm sao nỗi nhớ, Trao làm sao niềm thương.
Nhớ thương như trời đất, Trời đất vốn vô thường.
Ngày xưa chim Hồng hộc, Vượt chín tầng mây cao,
Ngày xưa khắp năm Châu, Bước chân coi nhỏ hẹp,
Bây giờ giữa Long Giao, Ngồi nghe mưa sùi sụt,
Cuộc đời như chiêm bao. Có hay không nẻo cụt,
Anh châm điếu thuốc lào, Mình say, mình say sao !!
Trại tù cải tạo Long giao 1975 HTN

 

Và sau cùng là bài Cỏ Biếc làm trong trại tù nơi quê hương của tác giả, miền khu 4, Thanh Nghệ Tĩnh ngày xưa:

XIN LÀM CỎ BIẾC
“Anh cầm tay em, Bàn tay khô héo. Anh nhìn mắt em, Gió lùa lạnh lẽo. Anh nhìn lòng mình, Mùa Đông mông mênh. Cỏ non mùa Xuân, Còn vương dấu chân. Trăng non mùa Hạ, Ướt đôi vai trần. Có xa không nhỉ? Ngày xưa thật gần. Thời gian ! Thời gian! Em vẫn là em…Nụ cười rạng rỡ, Ngày nào vừa quen, Mai đưa em về, Xin làm cỏ biếc, Vương chân em đi. Xin làm giọt mưa, Mưa giầm rưng rức. Trên vai người yêu, Sàigòn! Sài Gòn! Không là quê hương,
Mà sao mình nhớ, Mà sao mình thương…”

 

Ngày từ trại Thác Bà, Yên Bái về trại 6 Thanh Chương NGHỆ TĨNH 1978

Ngày nay, tại hải ngoại có biết bao nhiêu Little Saigon. Có bao nhiêu người đã tranh đấu cho tên gọi thành phố Saigon. Nhưng có ai yêu Saigon hơn được người thi sĩ Thanh Hóa.

 

Saigon Saigon, không là quê hương.
Mà sao mình nhớ, mà sao mình thương.

Gửi ông bạn già.
Bác Hà Thượng Nhân, tôi chưa biết ông 60 năm về trước. Hồi 70 Saigon tôi cũng không quen bác. Bác HO về San Jose, mới biết bác qua bạn Ðông Anh. Năm xưa, chúng tôi mời bác lên sân khấu nhận giải sự nghiệp một đời của tiểu bang California. Bác chiều lòng anh em mà lên nhận bảng tuyên dương, tôi biết bác đâu có quan tâm gì những vinh quang phù phiếm đó. Tấm lòng bác đôn hậu, tinh thần bác an nhiên.

 

“ Chẳng cầu cạnh, chẳng ưu phiền,
Miễn sao lòng cứ an nhiên là mừng.”

 

Năm nay bác đã ngoài 90. Tuy không còn hút thuốc lào nhưng đang trải qua giai đoạn khi tỉnh khi mê. Lúc quên lúc nhớ. Khi tỉnh bác làm thơ hay. Khi say thơ vẫn còn hồn. Lúc trẻ lời thơ đã uyên bác. Khi về già thơ vẫn còn tình tứ.
Bác phê bình Giao Chỉ viết văn như bổ củi. Hết bó này đến bó khác. Mỗi ngày, mỗi tuần, mỗi tháng, mỗi năm.
Hôm nay gặp bó củi cao niên, tôi xin tiếp tục làm công tác bổ củi. Chẻ thật nhỏ ra làm đóm để bác châm lửa hút lại điếu thuốc lào.
Tôi có lần hỏi tuổi bác, bác trả lời 9 chục. Rồi nói tiếp : “Mình cũng không biết tại sao lại sống lâu như vậy”. Tôi nói rằng : “Tại bác sống đời thi sĩ. Sống bên cạnh cuộc đời. Tại bác không sống tỉnh. Bác sống say say.
Bác tự hỏi lòng : “ Mình say sao ? Bác say thật rồi.
Một đời sung sướng. Một cuộc sống tuyệt vời. Bác thuộc về một số rất ít.
Những mái đầu cất cao, không một lời than thở.

GIAO CHỈ, SAN JOSE.

 


Thơ cảm ơn của Hà Thượng Nhân

Cám ơn
Tôi vốn yêu thơ từ thuở nhỏ
Người cho xem thử mấy lời ru
Lời ru của mẹ qua năm tháng
Dựng lại vầng trăng thưở ấu thơ
Tóc đã bạc rồi lòng vẫn trẻ
Vẫn buồn như lá buổi tàn thu
Lời ru của mẹ, lời ru ấy
Có rối cùng chăng tóc Nguyễn Du?
Có những đêm trường thao thức nhớ
Lời ru còn nhớ đến bao giờ?

Mẹ tôi mới đó không còn nữa
Sao tiếng ru kia lại bất ngờ
Xin cám ơn ai người tuổi trẻ
Nhắc nhau trên những bước bơ vơ
Rằng còn sông núi, còn quê mẹ,
Còn khói lam xanh, bóng nguyệt chờ
Còn bến sông Hương hò mái đẩy
Còn tà áo trắng, nón nghiêng hờ
Còn con đường cũ lung linh nắng
Còn những bàn tay bát ngát thơ

Tôi đọc bỗng dưng tôi gấp sách
Hỏi người câu hỏi rất ngu ngơ
Tối nay gối sách kê đầu ngủ
Tưởng gối tình nhau thưở học trò
Tưởng vẫn thơ mình ngày thưở ấy
Cám ơn trời đất những cơn mơ.

Hà Thượng Nhân

 


Chuyện giàn thiên lý

 

- NNS -

Úc châu, thứ 2, ngày 5 tháng 7 - 2010
Kính Thân Hữu Quí Mến.
Chúc Thân Hữu một ngày đầu Tuần, đầu Tháng 7, thật Vui vẻ & nhiều Ơn Phước Lành.
Sáng nay NNS "tào lao" kể chuyện cho Thân Hữu nghe:
Có một lần, NNS gọi Nhà Thơ Mạc Phương Đình là "Đại ca", xin Bài Thơ Chén Trà Xuân, mà NNS tìm loay hoay mãi không ra. Bài Thơ đơn giản, không hàn lâm, nhưng đọc qua làm nhớ Tết và Quê nhà vô cùng, nhất là trong những ngày ngây ngây lạnh ở đất nước Phúc đức, Nam bán cầu này. Mạc Phương Đình gởi cho ngay, với lời nhắn: "bài Thơ đây Tiểu Ca". NNS thấy Vui vui trong lòng, với cách xưng hô của nhà Thơ (Bạn vong niên) của NNS, nên gởi ngay cho Thân Hữu đọc. Lại ngạc nhiên khi có cả bài Họa Thơ của Cụ Hà Thượng Nhân.

 

Chén Trà Xuân

 

Ngày Xuân người uống rượu
ta ngồi uống nước chè
ấm chè xanh Tiên Phước
ngọt ngào mùi hương quê
đầu xuân nơi Bắc Mỹ
hơi lạnh còn tê tê
chén trà toả hơi nóng
ấm trong lòng bàn tay
bỗng dưng dào dạt nhớ
khoé mắt dường cay cay
chừng như có giọt lệ
rơi xuống chén trà đầy
vị trà pha nước mắt
tỏa mùi hương quanh đây
bạn bè giờ xa khuất
quê hương như bóng mây
cồn cào trong gan ruột
chén trà làm ta say.

 

Mạc Phương Đình

 

Chén Trà Xuân

(Bài họa của Cụ Hà Thượng Nhân)

Tuổi già không uống rượu
Mời nhau bát nước chè
Nước chè hương vị đậm
Bát ngát mối tình quê
Bạc đầu sao ở Mỹ ?
Xuân nghe lòng tái tê
Bát chè còn bốc khói
Thấy lạnh đôi bàn tay

 

Mà sao đôi khóe mắt
Có chút gì cay cay ?
Tưởng già không còn lệ
Lệ đong bát chè đầy
Nước chè ngày thuở nhỏ
Hương vị còn đâu đây
Ta là ta đấy nhỉ ?
Phương Đông mù mịt mây
Nước chè không phải rượu
Ta vẫn ngờ ta say.

 

Hà Thượng Nhân

Nói đến Cụ Hà Thượng Nhân, NNS thật "khẩu phục tâm phục" Cụ biết chừng nào, từ những ngày lò mò thích đọc Văn Thơ. Có lần Chú Phan Lạc Phúc lên Queensland thăm, NNS may mắn có được quyển "Bè Bạn Gần Xa", đọc bài viết ngắn: Bạn Già Nông Dân của Chú ấy, lại càng thêm Bái Phục lớp Cha Anh tài giỏi làm sao.
NNS thích cách viết văn thật nhẹ nhàng của Chú PLP, mà Võ Phiến khen là "mỹ Văn", xin kể ra đây với Thân Hữu, để tâm lãnh một lớp Cha Anh thật "Bề thế & Văn hay Chữ tốt" ra làm sao:
" ... Ngày xưa hồi đầu thập niên 40, Lam Giang, Hà Thượng Nhân, và Hữu Loan (tác giả "Màu Tím Hoa Sim") là học trò từ Thanh Hóa, Bình Định ra Huế học. Đỗ Tú tài Tây xong là mỗi người đi một ngả. Hai Ông tú Nga Sơn (Hữu Loan) và Hậu Lộc (Hà Thượng Nhân) về quê hương Thanh Hóa dạy học. Còn Lam Giang ra Hà Nội vào Đại học Luật khoa. Sau đó vào thời kỳ đầy biến động, Trung-Nhật chiến tranh rồi Đệ Nhị thế chiến. Nhật từ Trung hoa kéo sang Đông Dương. Các đảng phái Quốc gia trong và ngoài nước ""đứng lên đáp lời sông núi". Lam Giang vốn là Việt Quốc liền bỏ trường luật đi làm cách mạng.
Sau Cách Mạng tháng 8-1945 và Hiệp định Genève chia đôi đất nước, năm 1954 Cách Mạng Quốc gia gặp hồi điên bái. Bạn bè chiến hữu mỗi người một nơi. Hà Thượng Nhân, Lam Giang vào miền Nam, Hữu Loan ở lại miền Bắc dính vào vụ Nhân văn Giai phẩm. Mười mấy năm, Ông tú Nga sơn (Hữu Loan) trở thành người đẩy xe cút kít, thồ gạch kiếm ăn. Học trò Thanh hóa nhìn Ông thầy cũ còng lưng đánh xe cút kít giữa trưa hè nắng gắt ở miền đồi núi Nga sơn mà rơi nước mắt. Vào Miền Nam, Hà Thượng Nhân vào Quân đội - Lam Giang đi dạy học và viết sách. Thời Đệ nhất Cộng hòa Hà Thượng Nhân làm Tổng giám đốc hệ thống truyền thanh miền Nam, làm việc tại đài phát thanh Sài Gòn. Thời kỳ này Hà Thượng Nhân mời bạn học cũ là Lam Giang viết giúp bình luận tiếng Pháp cho đài. Thời Đệ nhị Cộng hòa, Hà Thượng Nhân về làm chủ nhiệm nhật báo Tiền Tuyến - còn Lam Giang ngoài việc viết sách vẫn phụ trách viết bình luận cho đài Sài Gòn. Mỗi tuần 2 lần Lam Giang đến Tiền Tuyến đưa bài nghiên cứu thời sự ... rồi phone sang đài Sài Gòn xem cần phải viết đề tài gì? Nhận "com-măng" xong là Lam Giang nghiêng đầu ngồi viết. Tiếng Việt cũng như tiếng Pháp, Lam Giang có thói quen nghĩ sẵn trong đầu rồi mới viết ra. Viết một mạch là xong, không gạch xóa chữ nào. Tùy theo thời lượng, bài 5 phút viết 3 trang, 10 phút 6 trang. Viết xong đưa tùy phái Tiền tuyến, từ đường Hồng Thập Tự gần cầu Thị Nghè sang đài phát thanh Sài Gòn đầu đường Phan Đình Phùng, xe đạp 5 phút là tới ...
....Hồi đó thập niên 60, có phái đoàn Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) sang làm việc bên cạnh Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị. Theo phong tục Đông Phương ngày lễ, ngày Tết, phái đoàn Trung Hoa thường có quà biếu và câu đối đem đến tặng Tổng Cục. Để đáp lễ Tổng Cục cũng phải có Thơ hay câu Đối chữ Nho tặng lại. Việc này bên Tổng Cục lại phải nhờ đến Hà Thượng Nhân. Ngày xưa hồi kháng chiến, đi vào khu 4 chợ Rừng Thông ở quê hương Thanh Hóa của họ Hà có một hàng phở mà dân "tạch tạch sè (tiểu tư sản) gọi là hàng phở "có ngay". Vừa ngồi yên chỗ, gọi phở xong là có một tửu bảo đã lên giọng ới vào nhà bếp "cậu xơi phở tái nạm - có ngay". Nếu muốn xin thêm ít hành trần tửu bảo lại tiếp theo "cậu xơi hành trần, có ngay". Phở ăn cũng tạm được, nhưng vui vì sự "có ngay" như thế. Hà Thượng Nhân bây giờ về việc Thơ Văn cũng hết sức là mẫn tiệp. Thơ văn đối với họ Hà, có sẵn nơi cửa miệng. Do vậy nên tôi (PLP) mới đùa đùa mà gọi anh (HTN) là Thi sĩ "có ngay". Anh cũng chẳng giận, chẳng hờn - nụ cười vẫn vô tư, hào sảng. Thơ "nôm" họ Hà vừa nhẹ nhàng, vừa bay bổng nhưng còn Thơ chữ Hán thì tôi (PLP) chịu không hiểu nổi ... Nhưng phái đoàn Trung Hoa Dân Quốc không biết vì lịch sự hay là vì cảm phục văn tài của Hà Thượng Nhân nên mang quà biếu lền khêng nào rượu Cao Lương, Mai Quế Lộ nào sâm Cao Ly - rồi ông Tổng Cục trưởng Tân Văn của Trung Hoa Dân Quốc còn đích thân mời họ Hà thăm Đài Loan nữa..."...
Một bữa, ngồi một mình với lão trượng Lam Giang, tôi (PLP) mới hỏi: " Theo tôi Thơ Văn của Hà Thượng Nhân "dỡ " lắm chứ. Tại sao anh lại bảo lưng vốn chữ Hán của họ Hà không có bao nhiêu?". Lam Giang gặt đầu rằng "" Bỡn cợt nhau một chút cho vui vậy mà. Thơ Hà Thượng Nhân phơi phới ... Nhưng tôi học với họ Hà từ ngày nhỏ tôi biết. Nó là tài tử ... không có học kỳ khu theo kiểu như thiết tha, như trác như ma (CT: Như cắt như gọt, như giũa như mài). Tôi tiếp lời :" Hán văn của anh chắc là thâm hậu lắm?". Lam Giang ngừng lại nhìn tôi rồi mới nhẩn nha: "Nói chuyện với cậu về Việt văn, Pháp văn thì còn được. Về Hán văn thì ... xin lỗi phải có cụ Nghè Giác thì tôi mới thưa chuyện được" (cụ Nghè Nguyễn Sĩ Giác thời ấy giảng ở Văn Khoa)...
... Có một bữa viết Tạp Ghi tôi mới tán thưởng câu Thơ của Nguyễn Bính:

 

Nửa đêm hẹn lại sai rồi
Con cờ gõ nhảm cho rơi hoa đèn...

 

Lam Giang nghe tôi vậy bảo rằng câu thơ đó rất hay, nhưng không phải là Thơ sáng tác của Thâm Tâm mà là dịch từ Thơ Trung Hoa:

 

Hữu ước bất lai qua dạ bán
Nhàn sao kỳ tử lạc đăng hoa...

 

Trong những tháng năm viết Tạp Ghi ở tòa báo Tiền Tuyến tôi (PLP) có những người bạn thật là quý ngồi ở bên. Hỏi về Sử Địa, về Đông Phương có lão trượng Lam Giang, hỏi về Triết sử Tây Phương thì có Thanh Tâm Tuyền, người đọc sách rất sâu và không ngừng nghỉ, hỏi về Thơ văn Tiền chiến thì có Hà chưởng môn. Bây giờ ở miền Nam bán cầu này, ngồi viết lại Tạp Ghi một mình một bóng, nhiều khi có điều muốn hỏi mà không biết hỏi ai. Mình đọc chuyện xưa - mấy ông già mùa thu hanh hao ngồi uống trà một mình thấy vắng liền chống gậy dắt đứa cháu sang làng bên thăm bạn già. Bây giờ mình ngồi đây mà "bạn mình" ở tận đâu đâu. Người thì ở tận Minnesota gần Canada - người ở Cali nước Mỹ, người còn ở một con hẻm ở Hàng Xanh - Sài Gòn..."....
Đó là vài dòng về Lam Giang, Hà Thượng Nhân và Thanh Tâm Tuyền, do Chú Phan Lạc Phúc kể lại. Cụ Lam Giang thì người gốc Huyện Bình Khê (Quê hương 3 Anh Em nhà Tây Sơn, Mai Xuân Thưởng, Tăng Bạt Hổ, Bùi Thị Xuân..) cũng là Quê ngoại của NNS. Nhớ lắm. Cụ Hà Thượng Nhân thì Bạn bè với Đại ca Mạc Phương Đình của NNS. Thanh Tâm Tuyền đã mất. Chú Phan Lạc Phúc thì ở tận Sydney, cùng Quê hương thứ 2 của NNS.
NNS sinh sau đẻ muộn, lại là một Khoa Bảng trẻ thuộc Tây học. Việt văn thì chữ được chữ mất. Giờ ngồi đây mơ mộng sao có ngày tích lũy được một phần " Văn hay, Chữ tốt và Kiến thức rộng mênh mông" như các lớp Cha Anh vừa kể trên, thì được tâm nguyện biết chừng nào.
Thật đáng hãnh diện thay.

 

Giờ đây xin Chia xẻ cùng Thân Hữu một pps Nhạc hay:
Chuyện Giàn Thiên Lý.
Nhạc: Nhạc sĩ (tài danh) Anh Bằng.
Pps này là Phần Một. Vì Anh Bằng viết đến 2 Bản Nhạc Chuyện Giàn Hoa Thiên Lý.
Phần 2 Chuyện Giàn Hoa Thiên Lý và câu chuyện về nhà Thơ Yên Thao (Ý Thơ được Phổ Nhạc), NNS sẽ gởi vào Thư sau.
Chuyện Giàn Hoa Thiên Lý xảy ra vào thời Toàn Dân Chống Pháp, dành độc lập, đâu đó năm 1947, Liên Khu 3.

Tình Thân,
Kính.
NNS

 


Quy Khứ Lai Từ (Ðào Tiềm)
Bản Dịch của
Hà Thượng Nhân

Lời Từ Tạ Khi Về Vườn

 

Về đi nào ! Về đi nào !
Ruộng vườn bỏ rậm làm sao không về,
Tâm để hình dễ bề sai khiến
Sao lại còn quyến luyến thương đau
Thôi thì dĩ vãng ... ví dầu ... ...
Tương lai có thể phần nào đổi thay
Bước mê lộ dấu giày mới nhớm
Hôm qua sai, nay hẳn không lầm
Thuyền bơi phơi phới mái dầm,
Gió hiu hiu thổi theo tầm áo bay
Hỏi cùng khách đường này phía trước
Ánh triêu dương mờ nhạt buồn chưa !
Rồi trông thấy cửa thấy nhà,
Vừa mừng, vừa chạy như là trẻ thơ
Con cái chạy ra chờ trước ngõ
Các gia nhân mừng rỡ đón chào
Ba con đường nhỏ năm nào
Cỏ gai lác đác như hầu bỏ hoang
Tùng với cúc còn đang đủ cả,
Dắt tay con hối hả đi vào
Nhìn ra có rượu đầy bầu,
Cầm be tự rót ta nào mời ta !
Ngắm cây sân lân la cũng khoái,
Dựa cửa Nam gửi cái ngông nghênh
Tuy nơi chật hẹp vắng tênh
Ngày ngày qua lại vườn mình cũng vui
Cửa tuy có nhưng thôi chẳng mở
Chống gậy tre vời ngó xa xa
Vô tâm mây núi đùn ra,
Chim bay mỏi cánh lại tha thẩn về
Cảnh sắp tối vỗ về tùng lẻ
Lòng bỗng dưng xiết kể bàn hoàn
Về đi, dứt mọi liên quan !
Ðời thôi thế đã hoàn toàn bỏ ta
Lời nói suông cầu mà chi nữa ?
Khi thân nhân chan chứa cảm tình
Sách, đàn khuây khỏa nỗi mình
Nông dân chạy đến để trình : sắp Xuân .
Ðồng phía Tây sẽ gần có việc
Hoặc mùng giăng, giong chiếc xe mòn,
Hoặc bơi một chiếc thuyền con,
Khi luồng lạch suối, khi len lỏi gò .
Cây hớn hở khen cho tươi tốt,
Suối lặng trôi trong vắt êm đềm .
Chung quanh gió thuận mưa êm
Cảm thương thân thế khi làm khi không .
Thôi là hết, hình trong vũ trụ,
Kiếp phù du gửi thử bao lâu ?
Mặc lòng đi ở những đâu
Sao còn thắc mắc, còn câu nệ hoài !
Giàu sang bỏ ngoài tai chẳng thiết
Chốn thần tiên nào biết đâu tìm ?
Dạo chơi gặp buổi trời êm .
Hoặc dùng cây gậy vun thêm luống cày.
Lên bãi đông, ngất ngây thơ thới
Dấu giày trong làm vội bài thơ
Thuận theo ý của thiên cơ
Mệnh trời vui thế còn ngờ vực chi.

 

Nguyên tác 30 câu Hà Thượng Nhân dịch sang
thơ Việt thành 58 câu thể song thất lục bát .

 

Quy Khứ Lai Từ (Ðào Tiềm)

 

歸去來辭

 

歸去來兮,田園將蕪,胡不歸!
既自以心為形役,奚惆悵而獨悲?
悟已往之不諫,知來者可追。
實迷途其未遠,覺今是而昨非。

 

舟遙遙以輕颺,風飄飄而吹衣。
問征夫以前路,恨晨光之熹微。 ....
乃瞻衡宇,載欣載奔。
僮僕歡迎,稚子候門。
三徑就荒,松菊猶存。
攜幼入室,有酒盈樽。
引壺觴以自酌,眄庭柯以怡顏。
倚南窗以寄傲,審容膝之易安。
園日涉以成趣,門雖設而常關。
策扶老以流憩,時矯首而遊觀。
雲無心以出岫,鳥倦飛而知還。
景翳翳以將入,撫孤松而盤桓。

 

歸去來兮,請息交以絕遊。
世與我而相違,復駕言兮焉求?
悅親戚之情話,樂琴書以消憂。
農人告余以春及,將有事於西疇。
或命巾車,或棹孤舟。
既窈窕以尋壑,亦崎嶇而經丘。
木欣欣以向榮,泉涓涓而始流。
羨萬物之得時,感吾生之行休。

 

已矣乎!
寓形宇內復幾時,曷不委心任去留?
胡為遑遑,欲何之?
富貴非吾願,帝鄉不可期。
懷良辰以孤往,或植杖而耘耔。
登東皋以舒嘯,臨清流而賦詩。
聊乘化以歸盡,樂夫天命復奚疑!

 

Kính.
NNS

 

Mưa buồn Long Giao

 

Thơ:
Hà Thượng Nhân

Mưa Buồn Long Giao
Trời có điều chi buồn
Mà trời mưa mãi thế
Cây cỏ có chi buồn
Mà cây cỏ đẫm lệ

 

Mà cỏ cây lệ tuôn ...
Anh nhớ em từng phút
Anh thương con từng giây
Chim nào không có cánh

 

Cánh nào không thèm bay
Người nào không có lòng
Lòng nào không ngất ngây
Gửi làm sao nỗi nhớ

 

Trao làm sao niềm thương ?
Nhớ thương như trời đất
Trời đất vốn vô thường
Ngày xưa chim hồng hộc

 

Vượt chín tầng mây cao
Ngày xưa khắp năm châu
Bước chân coi nhỏ hẹp
Bây giờ giữa Long Giao

 

Ngồi nghe mưa sùi sụt
Cuộc đời như chiêm bao
Có hay chăng ngõ cụt
Anh châm điếu thuốc lào

 

Mình say, mình say sao ?
(Chú thích: Long Giao, là căn cứ cũ của QL/VNCH, thuộc Long Khánh. Sau 30/4/1975, SQ/QLVNCH bị tạm tập trung ở đó, phân loại để đưa đi cái trại cải tạo).

 

. . . . . .

 

Mơ Hồ

 

Sắp sửa thu rồi người nhớ không ?
Ta về nghe gió thổi đầy sông
Nghe dường mây trắng trong thơ cổ
Phơ phất bay như ngọn cỏ bồng

Cỏ đã vàng theo những bước chân
Môi son đã nhạt vẻ ân cần
Nhìn sâu đáy mắt hồ Than Thở
Tưởng vẫn ngày xưa, vẫn cố nhân

Người cố nhân ư ? Ta muốn hỏi
Ồ ly rượu ấy một mình say
Trong say ta thấy lung linh nắng
Tóc xõa bờ thon chặt nắm tay

Ta gối tay nằm biết nhớ ai
Nhớ đồng lúa chín, nhớ sông dài ?
Phải rồi, ta nhớ, hình như nhớ
Một mảnh trăng non lá trúc cài.
. . . . . .

 

Hà Thượng Nhân với bài thơ “ Trăng Thu“

 

Năm 1935 tôi được ông Nguyễn Tiến Lãng, chuyên viết văn Pháp hỏi: ...........“Cậu có muốn đi dự hội thơ không?”. Tôi mừng quá liền thưa ngay: rất muốn. Trung Thu năm đó tôi theo ông lên Vỹ Dạ. Biệt thự của nhà thơ Ưng Bình. Tôi đi theo chứ không được mời nên không có chỗ ngồi. Khách toàn vào hạng trung, lão niên, hầu hết đều mặc quốc phục và đeo bài ngà. Ðầu đề bài thơ hôm đó là Trăng Thu, nhưng có một điều cấm kỵ : trong bài tuyệt đối không được dùng chữ Trăng cũng như chữ Thu. Bài thơ của tôi như sau:

 

Sương mỏng manh canh vắng lặng tờ
Buồn xưa náo động mấy vần thơ
Rưng rưng mắt lệ chàng mong nhớ
Phơi phới mây xa thiếp hững hờ
Bến quạnh lau già người chểnh mảng
Rượu tàn canh vắng khách bơ vơ
Lầu cao ai đó mây rèm tím
Hồn lẻ đêm nay có thẫn thờ

 

Ðến tháng chín ngày Rằm hội thơ lại họp để tuyên bố kết quả. Lần ấy tôi cũng bất ngờ trúng giải. khi gọi đến tên thì thấy một cậu học trò đi lên đầu tóc cắt ngắn húi carê . Cụ Ưng Bình vừa thoạt thấy hơi ngỡ ngàng. Bỗng cụ đọc:

 

Trăm mặt thẹn thua chàng trẻ tuổi
Một bài cũng đủ gọi thi ông

 

Tôi nhanh nhẩu vội đáp ngay :

 

Bảy bước dám thua Tào Thực trước
Một lời xin gửi tạ tôn ông

 

Bấy giờ trong hội nghị có cụ Kỉnh Chỉ là Bác sĩ mà cũng là thi sĩ. Sau này cụ làm tổng trưởng y tế trong chính phủ Trần Văn Hữu hay Nguyễn Văn Tâm, tôi không nhớ rõ. Cụ Kỉnh Chỉ nói lớn: “Tào Thực thất bộ thành thi, cháu không chịu thua à ? Kiêu ngạo nhỉ! Tào Thực phải bảy bước mới thành thi, cháu chỉ cớ một bước đã thành thi, thế thì cháu nói đúng. Nhưng cháu à: “Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Khi đi qua cụ Kỉnh Chỉ, tôi khoanh tay cúi đầu, thưa khẽ để cụ nghe: “cháu xin vâng lời dạy bảo của cụ. Ðó cũng là lý do, tuy đã viết rất nhiều thơ, hàng mấy chục tập, tôi vẫn không chịu xuất bản dù có dư điều kiện.
Bây giờ đọc lại bài thơ tôi mới thấy mình không công bằng. Ngày ấy vì nghe chuyện tình của một đàn anh mà hạ một câu:

 

Phơi phới mây xa thiếp hững hờ

 

Nay tôi xin sửa lại là:

 

Phơi phới mây xa thiếp đợi chờ

 

Cụ Kỉnh Chỉ có người con trai là trung tá Phan Văn Cẩm là học trò của tôi năm đệ ngũ, hiện giờ ở Santa Ana. Khi tôi ra tù gặp Cẩm. Anh mời tôi ghé nhà vì hôm ấy là ngày húy nhật cụ. Tôi đến, khi vái lạy cụ ở bàn thờ thì cả nhà lạy lại để đáp lễ trong đó vài người ở vào tuổi cha chú tôi. Tôi cảm động lắm có viết một bài thơ để lại, hiện gia đình cụ Kỉnh chỉ còn cất giữ.

 

Người phụ trách quán thơ Trà Sơn có đọc cuốn sách của Tôn Nữ Hỷ Khương, nhà thơ con gái cụ Ưng Bình có nhắc đến giai thoại này nên hỏi tôi. Tôi xin thuật lại và hết lòng xin lỗi những lời ngạo mạn của mình lúc vào tuổi “ ăn chưa no lo chưa tới”

 

Hà Thượng Nhân
San Jose 12 01 2008

 

Phi lộ: Nhà văn Hải Bằng viết về Chưởng môn Hà Thượng Nhân : Dù là nghèo, nhưng ông là một nghệ sĩ có lương tâm và là một Chiến Sĩ Văn Hoá.


Chiến sĩ văn hóa

 

- Hải Bằng -

... Từ nỗi buồn của trái tim riêng lẻ đến nỗi đau của quê hương, dân tộc. Thái độ của những người nghệ sĩ có lương tâm rất rõ ràng dứt khoát, đã được chứng minh qua thi phẩm Buồn của Hà Thượng Nhân tiên sinh mà tác giả đã sáng tác thi phẩm nầy từ sáu mươi sáu năm về trước. Bài thơ kể trên ra đời khi thi nhân chỉ vừa 24 tuổi, nhưng góc nhìn của ông thì bao la và vô cùng nhân bản. (Thi phẩm Buồn của thi sĩ Hà Thượng Nhân) :

 

Khói lửa mười phương mãi rối bời
Sách đèn khuya sớm những buồn thôi
Câu thơ khó chuyển vần sông núi
Cán bút khôn điên đảo đất trời
Nợ nước chửa đền, đầu chửa bạc
Thanh gươm vừa sắc, máu vừa tươi
Thì nên mặc áo con nhà võ
Làm gió làm mưa bốn bể chơi

 

- Là một trong những người yêu thích thơ của thi sĩ Hà Thượng Nhân từ thuở thiếu thời, dưới đây là vài dòng tâm sự của thi sĩ Hồ Công Tâm, trước khi đăng bài họa của tác giả :

 

“Bài thơ thất ngôn bát cú nói trên, tôi đã từng được nghe từ hồi còn ở Hà Nội trước năm 1954. Khi mới di cư vào Sàigòn, giữa thập niên 50, tôi có được đọc trong một tập thơ khổ lớn, in rất trang nhã của Hà Chưởng Môn, xuất bản với bút hiệu Hoàng Trinh. Bài thơ có giọng hào hùng trang nhã, ảnh hưởng sâu đậm đối với bao thế hệ thanh niên trai thời loạn ở miền Nam sau năm 1954. Tôi còn nhớ rõ thời còn đang đi học, đã nắn nót chép bài thơ nói trên của Hoàng Trinh (sau này tác giả lấy bút hiệu là Hà Thượng Nhân) trong cuốn vở đặc biệt gồm những bài thơ hay nhất của những nhà thơ mà tôi thích. Nay tình cờ được đọc lại bài thơ Buồn của Hà Thượng Nhân, đăng trên thi phẩm Hoa Thơ Bốn Phương, tuyển tập 1 của Thi Văn Đoàn Bốn Phương, xuất bản tại San Jose, California, Hoa Kỳ năm 2005, trang 18, xin mạn phép tác giả để được phép họa nguyên vận :

 

Mai này giông bão nổi tơi bời
Thành thị, nông thôn trổi dậy thôi
Tham nhũng cùng đường khôn trách đất
Độc tài mạt vận khó kêu trời !
Kéo đầu ác đảng ra tòa xử
Nắm cổ bạo quyền đập chết tươi !
Hẹn với non sông ngày hội lớn
Ta về gậy trúc dạo rong chơi.

 

- Thi sĩ Hà Thượng Nhân là một trong những nghệ sĩ Việt Nam gần suốt đời chấp nhận cuộc sống nghèo để phục vụ văn nghệ.

 

Tính đến năm nay (2008) tuổi đời của Hà tiên sinh đã quá cửu tuần, ông quả xứng danh là một trong những chiến sĩ Văn hóa

 

HẢI BẰNG

 


Tâm tình cùng bạn bốn phương

BÀI XƯỚNG

Nâng ly thổ lộ mươi câu,
Lời vàng chúc tụng cho nhau tốt lành.
Tình thi hữu anh anh, chị chị,
Đã bao lần hiệp ý với nhau.
Thân thương trân quý từ lâu,
Nối điêu Hàn Luật (1) tám câu họa vần.
Việc cư xử “như tân tương kính”,
Chẳng khi nào suy tính thiệt hơn.
Không kiêu ngạo, chẳng giận hờn,
Khiêm cung cư xử như đờn chùng dây.
Thơ “Liên Bạt” (2) hàng ngày học hỏi
Phú “Đôn Thư” (3) trao đổi thành câu.
Kính yêu từ trước đến sau,
Phương châm thuận thảo làm đầu xã giao.
Tình bè bạn xiết bao trang trọng,
Nghĩa anh em dày mỏng yêu thương.
Cùng nhau bồi đắp cương thường,
Để cho bền chặt mối rường Lạc Long.
Cùng đoàn kết đáy lòng tự nhủ,
Quyết xây nền tự chủ Viêm Bang.
Ông Cha chống Bắc bình Nam ,
Lẽ nào con cháu lại cam thua người.
Cả dân tộc tiếng cười đã tắt,
Vì độc tài chia cắt anh em.
Mất rồi Dân chủ ngày đêm,
Không còn hạnh phúc êm đềm như xưa.
Kết đoàn già trẻ sớm trưa,
Đập tan chuyên chính, gió mưa thuận hòa.
Không còn nấu thịt nồi da,
Nước nòi Hồng Lạc âu ca nghìn đời.

 

8-2-2009 TRƯỜNG GIANG

(1) Cũng là thơ Đường Luật
(2) Làng Cụ Nghè Trần Bích San
(3) Làng cụ Nghè Dương Khuê

 

 

BÀI HỌA

(Họa ngay trong bàn tiệc Sinh Nhật của Trường Giang tổ chức tại BOTOWN RESTAURANT 409 S. 2ND St. (408) 295.2125, ngày 8-2-2009

Gặp đây thơ lại vài câu,
Thương nhau nghĩ đến với nhau thế này.
Nghĩ đến tình bấy nay anh chị,
Nghĩ đến câu hiệp ý cùng nhau
Thi ca quý mến đã lâu,
Gọi là thêm một vài câu họa vần.
Vốn nhớ chữ “như tân tương kính”,
Nỡ lòng nào toan tính thiệt hơn.
Dẫu cho có chút tủi hờn,
Lẽ nào như những cung đờn chùng dây.
Nghĩ lắm lúc ngày ngày học hỏi,
Lại đôi khi trao đổi ba câu.
Quý nhau cả trước lẫn sau,
Cúi dầu không thẹn, ngẩng đầu thêm cao.
Nghĩ bè bạn xiết bao trân trọng,
Nghĩ tình đời đồng vọng yêu thương
Gặp nhau vốn đã vô thường,
Lại trong thanh khí mối rường Lạc Long.
Giữ thật kín đáy lòng tự nhủ,
Lũ chúng mình rằng chủ Viêm Bang.
Đã từng chinh Bắc, bình Nam ,
Lẽ đâu con cháu đành cam thua người.
Dù độc tài nụ cười chẳng tắt,
Lẽ nào đâu chia cắt anh em.
Đã là Dân chủ còn thêm,
Càng thêm vui vẻ, êm đềm tình xưa.
Kết đoàn từ sớm đến trưa,
Lấy câu thuận thảo nắng mưa thuận hòa.
Chúng mình cùng một màu da,
Giống nòi Hồng Lạc thi ca muôn đời

8-2-2009
HÀ THƯỢNG NHÂN

 

 


Kỷ niệm trong tù 1 & 2 (Một giai thoại văn chương)

Tháng 10 năm 1975, các Sỹ Quân Q.L.V.N.C.H. sau khi bị tẩy não trong thời gian hơn 3 tháng tại hậu cứ Sư Đoàn 18 ở Long Giao, chúng tôi được chuyển về giam ở Trại Tù Binh Phiến Cộng Biên Hòa. Lúc đó, các tù nhân còn dưới quyền quản lý của Ủy Ban Quân Quản Sàì Gòn Chợ Lớn do Quân Đội Nhân Dân của Việt Cộng canh gác. Vào thời điểm này, việc canh gác còn sơ sài vì Quân đội Việt Cộng chưa có đủ quân số để bảo vệ an ninh cả trong và ngoài hàng rào trại. Do đó, từ láng này đến láng khác, sự liên lạc, gặp gỡ, nói chuyện với nhau tương đối dễ dàng.
Một tháng sau khi bị giam ở đây, tôi được biết hàng đêm, các văn, thi, nhạc sĩ thường đến láng của Thi Sĩ Hà Thượng Nhân (Trung Tá Pham Xuân Ninh) để gặp gỡ nhau và nói chuyện.Trong số này, có các Trung Tá :
* Bác sĩ Trương Quý Lâm (Giám Đốc Quân Y Viện Duy Tân)
* Nhạc sĩ Vũ Đức Nghiêm
* Nhạc Sĩ Thục Vũ tức Trung Tá Vũ Văn Sâm, (đã chết trong trại tù ở Hoàng Liên Sơn (Yên Báy, Bắc Việt) vào khoảng năm 1978 hay 1979
* Họa sĩ Trung tá Tạ Tỵ
* Văn sĩ Lê Huy Linh Vũ (Trung Tá Nguyễn Thượng Thọ, Chết tại Sài gòn sau khi được thả khỏi trại tù vào khoảng 1988 hay 1989)
+ Một buổi tối, tôi đến láng của Hà Quân dự cuộc họp mặt hàng đêm để quên đi nỗi bực rọc, ray rứt mà tôi đã từng chịu đựng trong hơn 7 tháng bị cầm tù. Là một quân nhân, tôi thực sự không biết rành rẽ lắm về việc sáng tác thi ca. Do đó, tôi ngỏ ý yêu cầu Hà Quân chỉ vẽ cho tội vấn đề này.
Cụ Hà vui vẻ nói với tôi: “Được, nếu bác muốn làm thơ, tôi sẽ hướng dẫn dần dần cho bác. Tôi thấy thỉnh thoảng bác có đọc và ngâm thơ, tôi nghĩ rằng Bác cũng có ít nhiều năng khiếu về thi ca đấy. Hơn nữa Bác lại biết chữ nho thì việc xử dụng từ ngữ trong khi sáng tác càng dễ dàng thêm cho bác nữa. Nếu Bác chịu khó, tôi tin rằng chỉ trong một vài tháng, bác sẽ sáng tác được nhiều thể thơ theo sự hướng dẫn của tôi.
Trong câu truyện, Cụ Hà còn nói với tôi : “Bác ạ, tiếng Việt mình lạ lắm, tiếng nói ríu rít như tiếng chim, giọng nói có âm điệu trầm bổng y như một khúc nhạc vậy, chỉ cần nói lên vài câu ngắn là đã có một bài thơ rồi, miễn là biết cách sắp xếp theo đúng vần điệu, niêm luật là ta đã có thể sáng tác được mọi thể thơ theo ý muốn.”
Trong tất cả các thể thơ, chỉ có loại thơ Ca trù là dễ làm nhất vì nó không đòi hỏi số chữ nhiều ít trong mỗi câu. Hễ làm thành thạo được loại thơ này, thì có thể sáng tác những loại thơ khác không khó khăn lắm.
Thế rồi, Ông ân cần giảng giải cho tôi, không theo những gì đã có trong sách Giáo Khoa, mà theo những kinh nghiệm riêng trong suốt mấy chục năm làm thơ của Ông. Mỗi tối Ông chỉ cho tôi chừng 15, 20 phút về một thể thơ và bảo tôi phải làm bài tập. Chỉ trong khoảng hơn một tháng, tôi đã hiểu khá đầy đủ, và đã làm được các thể thơ Lục Bát, Song Thất Lục Bát, Đường Thi (tức Hàn Luật) và Ca Trù v. . v..
Riêng về Ca Trù, có một kỷ niệm thật đáng nhớ. Xưa nay tôi có nghe nói Tào Thực (con Tào Tháo) đi 7 bước, làm xong một bài thơ, người đời đã cho là ghê gớm. Hà Quân thì quả cũng là xuất khẩu thành thi. Nhân học về luật Thơ hát nói, tôi xin Ông cho một bài mẫu để thực tập. Thật không ngờ, Hà Quân không suy nghĩ, đọc ngay cho tôi nghe một bài, mà nội dung là việc tôi đến thăm Ông. Vì không có giấy, tôi phải xé bao thuốc lá Hoa Mai ra để viết.Mỗi ngày đêm tôi phải học nhẩm từng câu, từng chữ. Khi đã học thuộc lòng rồi, tôi mới bắt đầu sáng tác theo bài mẫu.
Nội dung bài mẫu Cụ Hà đọc cho tôi viết, tôi còn nhớ được như sau :

Kỷ niệm trong tù 1

(thân tặng Bác TRƯỜNG GIANG )

MƯỠU: Ở đây may gặp bác Chiêm,
Bạn thơ ta lại có thêm nhiều người.
Khi vui phá một trận cười,
Lúc buồn họp mặt cũng nguôi ngoai lòng.
HÁT NÓI : Người trong thiên hạ,
Quen là ai, mà lạ là ai.
Mến yêu nhau bởi một chữ tài,
Trong lao lý nhìn tương lai vẫn sáng.
Khổ ải tâm hồn luôn sáng láng,
Đọa đầy ý chí vẫn trung kiên.
Trong trần ai, ai tục với ai tiên,
Hút điếu thuốc triền miên trong khoái lạc.
Không có rượu lấy chi thù tạc,
Thôi thì thôi ca nhạc bạn cùng ta.
Đất trời rộng mở bao la.

 

Hà Quân làm thơ như nói chuyện, nhanh mà vần luật nghiêm chỉnh, ý tứ dồi dào, đầy đủ chất thơ. Còn nhớ vào dịp lễ lạc, tù cải tạo lại bị buộc viết báo tường (Bích Báo). Nhiều người nhờ Hà Quân viết dùm cho. Càng lúc, người nhờ viết hộ càng đông. Có khi cả buồng hàng 10, 15 người nhờ viết cùng một lúc. Hà Quân bảo cứ 4 người một tốp ngồi quanh Ông, cầm sẵn giấy bút, Ông đọc cho mỗi người một câu, một thể thơ khác nhau, cứ 5, 10 phút là xong một tốp. Như thế, chỉ trong hơn một giờ là xong mấy chục bài thơ.
Sau một tuần lễ, tôi đã làm xong một bài Hát Nói tặng Ông để tỏ lòng cảm ơn. Tuy nhiên, chưa kịp đọc cho Hà Quân nghe thì chúng tôi bị chuyển ra “Miền Bắc Xã Hội Chủ Nghĩa” giam giữ mỗi người ở một trại khác nhau, Hà Quân ở Trại 7 Thác Bà, Hoàng Liên Sơn, còn tôi ở Trại 1, Liên Trại 1 Huyện Trấn Yên cùng Tỉnh.
Tháng 1 – 1981, tôi được chuyển từ Trại Nam Hà (Tỉnh Hà Nam Ninh, Bắc Việt) về Trại Z30C (Hàm Tân, Thuận Hải). Nửa năm sau, Hà Quân cũng được chuyển từ Trại 6 Thanh Chương (Nghệ Tĩnh) về giam chung một Trại với tôi nhưng mỗi người bị giam ở một dãy nhà khác nhau. Liên lạc, tiếp xúc với nhau vào thời điểm này đều bị Công An theo dõi, cấm đoán đến mức tối đa. Lý do là vì có một số anh em ở Trại 6 Thanh Chương đã truyền khẩu nhau những bài thơ châm biếm, chống Cộng do Hà Quân sáng tác.
Nội dung các bài thơ này toàn nói lên những sự chướng tai, gai mắt trong chế độ mới. Khi đi lao động, trong giờ giải lao, các anh em lại đem thơ Hà Thượng Nhân ra đọc cho nhau nghe. Lính cảnh vệ Việt Cộng thường núp trong bụi cây nghe được, truy cứu ra thì đều là do Hà Quân sáng tác. Do đó, việc cấm đoán các trại viên giao dịch với nhau lại càng gay gắt sau khi giam Hà Quân cách ly với chúng tôi. Trong thời gian này, tôi cũng được anh em đồng cảnh đọc cho nghe một số bài thơ do Hà Quân sáng tác từ năm 1976 khi còn bị giam ở Trại Tù Binh Phiến Cộng cũ (Biên Hòa). Thơ nghe thì nhiều nhưng lâu ngày, nhiều bài không còn nhớ được trọn vẹn. Tôi nhớ nhất là Bài :

 

MỪNG NGÀY CÁCH MẠNG 19 THÁNG 8

 

“Ba miếng da trâu, một miếng lòng,
Mừng ngày Cách Mạng đã thành công.
An tâm tin tưởng vào khoai sắn,
Vững bước đi lên đến Đại đồng”

Bài tứ tuyệt nêu trên là do Hà Quân đọc tại Trại 6 Thanh Chương sau khi chia cơm độn sắn nhân ngày kỷ niệm 19-8. Thông thường, hàng năm vào những ngày kỷ niệm Độc Lập 2 – 9, Cách Mạng tháng 8, Ngày thành lập Quân Đội Nhân Dân v.v…trại tù cải tạo lại giết một con trâu già, ốm yếu, gầy nhom, không còn đủ sức kéo cầy để mừng những ngày lễ đó. Một trại có hàng nghìn người mà chỉ có một con trâu già, gầy giơ xương, chia ra cho mỗi người vài miếng da, thịt hoặc lòng, vài thìa nước luộc thịt với muối. Thấm thía cho hoàn cảnh đau buồn của tù cải tạo, tự đáy lòng, Hà quân đã nói lên những lời châm biếm, những nỗi đau đớn tận cùng của sự đau đớn để nhắn nhủ, cảnh tỉnh những ai còn mê muội tin tưởng vào ‘THẾ GIỚI ĐẠI ĐỒNG”
-Bọn Cán bộ Việt cộng khi nói gì với tù cải tạo, họ cũng thường nói : “Các anh phải an tâm tin tưởng vào chính sách cải tạo của Đảng và Nhà nước” mới mau tiến bộ và sớm được về xum họp với gia đình.

 

Vì tuổi già, lao động không bao giờ đủ chỉ tiêu ấn định, Cụ Hà Thượng Nhân được đảm trách việc giữ gìn vệ sinh nhà bếp. Hàng ngày ông phải cầm miếng mo cau làm quạt để đuổi ruồi trên các thau cơm và thức ăn chia cho các đội. Ông đã làm bài thơ sau đây:

 

AN TÂM TIN TƯỞNG

 

Tại sao Cách Mạng lại thành công ?
Lao động vinh quang có biết không ?
Vì bước suy tư dài vĩ đại,
Nên khâu y tế rộng vô cùng.
Phát huy truyền thống thời Trung cổ,
Khẳng định tài năng thuyết đại đồng.
Cái mặt đập ruồi nay đã nặng,
Mà sao ruồi bọ vẫn còn đông
1976

 

Một buổi sáng tôi khai bệnh nghỉ không đi lao động cũng đúng là ngày Hà Quân khai bệnh nghỉ ở nhà. Chờ mọi người đi làm hết, tôi lén sang láng của Hà Quân để đọc cho Ông nghe bài thơ tôi đã sáng tác từ năm 1975 tại Trại Suối Máu, Biên Hòa. Bỗng một tên Công An không biết từ đâu xuất hiện.Y chỉ mặt tôi và nói : Ê anh kia! Ai cho anh vào đây tiếp xúc với phần tử xấu ?
-Tôi hết thuốc lào, sang đây xin anh Ninh một điếu chứ có tiếp xúc với phần tử xấu nào đâu. Tôi trả lời tên Công An như vậy.

 

-Anh Ninh đã làm thơ tuyên truyền phản Cách Mạng, không là phần tử xấu thì là cái gì. Anh về buồng đi. Chiều nay, tôi sẽ làm việc với anh. Nói xong y đẩy tôi ra khỏi cửa.

 

Buổi chiều hôm ấy và 3 buổi sáng kế tiếp, tôi bị bị tên Quản- Giáo gọi lên Văn Phòng hạch- hỏi. Mỗi lần như vậy, tôi phải viết bản tự khai về việc đã tự ý liên lạc với phần tử phản động (tức Hà Thưong Nhân). Ngay buổi tập họp đi lao động sáng hôm sau, tôi nhận được lệnh cấm thăm nuôi 3 tháng, còn Hà Quân thì bị nhốt cách ly. Cũng từ đó, Hà Quân và tôi không còn được gặp nhau mặc dù hai dãy nhà chúng tôi ở chỉ cách nhau có một cái sân nhỏ.

 

-Tháng 9/1987, tôi được tha ra khỏi trại tù cải tạo. Một hôm, đi thăm một người bà con trên đường Chi Lăng, Phú Nhuận, tôi may mắn gặp Trung Tá Nhảy Dù Hoàng Ngọc Liên (Nhà thơ Quân Đội) cho tôi biết địa chỉ của cụ Hà. Tôi đã hỏi dò mãi mới tìm được địa chỉ của Hà Quân tại đường Lê văn Sĩ (tức đường Trương Minh Giảng cũ thuộc Quận 3 Sài Gòn). Tôi đến thăm Hà Quân vào một buổi chiều tháng 8-1990. Khi vào tới cửa thì thấy Cụ Bà đi ra. Tôi hỏi :

 

-Thưa cụ, Cụ Ông có nhà không ạ ?
-Xin Ông vui lòng chờ một chút để tôi xem Ông nhà tôi có nhà hay không. (Cụ nói với thái độ rụt rè, sợ hãi vì lúc đó tôi đi xe đạp, mặc bộ quần áo nâu đã bạc màu với đôi dép lốp cũ mèm.

 

Khi nghe tiếng tôi nói chuyện với Cụ Bà, Cụ Hà kéo tấm màn gió ra và nói:

 

-Bác Chiêm đấy à ? Bác về bao giờ thế ? Rồi cụ ôm lấy tôi, mừng mừng, tủi, tủi. Tôi nói với cụ Hà :

 

-Hôm nay tôi lên thăm sức khỏe Cụ, chẳng hiểu rồi đây có còn dịp tốt nào để được cùng nhau thổ lộ tâm tình nữa hay không. Rồi tôi đọc cho Cụ nghe bài Thơ Hát Nói sáng tác từ 15 năm trước. Bài thơ đó như sau:

 

Kỷ niệm trong tù 2
(Kính tặng Bác HÀ THƯỢNG NHÂN)
“Để tỏ lòng cảm ơn”

MƯỠU TIỀN: Hà Quân tuổi sáu mươi ba,

Không ham cờ bạc, rượu trà như ai.
Văn thơ vào bậc kỳ tài,
Biếm đời chuyên gảy một bài ngang cung.

 

HÁT NÓI: Vô cùng thán phục,
Xin gửi lời kính chúc tới Hà Quân
Đã sinh ra trong xã hội nhân quần,
Đạp gian khổ giữ tinh thần kẻ sĩ.
Vang dội năm Châu lời chính khí,
Rỡ ràng bốn Bể nét hiên ngang.
Chẳng ham chi áo tía với khăn vàng,
Chỉ ưa thích gẩy gảy đàn ngang một khúc.
Dẫu tù rạc, không cúi đầu chịu nhục,
Tận đáy lòng sôi sục phát ra thơ.
Mai đây xoay ngược thế cờ,

 

MƯỠU HẬU: Để cho nòi Việt thấy bờ Tự Do.
Đập tan huyền thoại giặc Hồ,
Toàn dân xây dựng cơ đồ Việt- Nam .

Khi nghe xong Cụ nói với tôi :

-Ngày xưa, Thúy Kiều bị hoạn nạn 15 năm, phải ở thanh lâu 2 lần. Hoàn cảnh Bác cũng giống Kiều, tuy không ở thanh lâu nhưng Bác ở tù Cộng Sản đến 12 năm rưỡi còn gì. Cảm ơn Bác đã cho thơ, tôi xin nhận.

 

Nói xong, Cụ rót nước mời tôi uống và đàm đạo, ôn lại những mẩu truyện vui buồn, đắng cay tủi nhục đã cùng chung chịu với nhau trong những năm tù ngục.
Tôi cũng xin nói thêm một việc là Hà Quân có một trí nhớ vào bậc thượng thừa, ít người có được. Vâng, bài thơ Ca Trù thứ 2 nêu trên, tôi chỉ đọc cho Cụ Hà nghe một lần vào cuối năm 1990, mà lại là giai đọan khi nói chuyện với nhau, người ta phải ngó trước, ngó sau, sợ người ngoài nghe lén. Thế mà tôi chỉ đọc cho Hà Quân nghe một lần thôi, đến cuối năm 1993, nghĩa là 6 năm sau, khi gặp Cụ Hà ở San Jose, California, tôi hỏi Cụ về bài thơ đó, Cụ đọc lại không thiếu một chữ.
Từ giã Cụ Hà ra về, lòng tôi đau quặn thắt khi nhìn thấy một ông già gầy nhom, ăn mặc tiều tụy khác với loại quần áo mặc lúc mới bước chân vào ngưỡng cửa nhà tù cải tạo.
Hôm nay tôi ghi mấy dòng này để nhớ lại những kỷ niệm đau buồn mà Hà Quân và tôi đã từng chung chịu những khổ nhục, đắng cay trong cái tận cùng đắng cay suốt gần 13 năm bị giam cầm trong lao tù Cộng Sản.

Tháng 5-1993
TRƯỜNG GIANG

 


Chuyện Hoa Sim, Chuyện Thanh Hóa

 

- Việt Bằng -

Tôi xem bài viết của nhà thơ xứ Quảng Võ Thạnh Văn viết về những kỷ niệm với Thi Lão Hà Thượng Nhân, bài viết ôn lại cho tôi những kỷ niệm tại San Jose vào những lần ra mắt sách Văn Đàn Đồng Tâm. Thời gian qua cho tôi những ký ức vui và thật đáng nhớ. Ba lần ra mắt sách như dịp sách vinh danh nhà văn lão thành Thinh Quang, dịp sách vinh danh nhà văn lão thành Doãn Quốc Sỹ, và dịp sách vinh danh nhà văn Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh. Cái hân hạnh cho Văn Đàn Đồng Tâm cả ba lần đều có sự hiện diện của cụ Hà Tiên Sinh Tú Trinh đến dự, mặc dù cụ đi rất chậm vì đã quá cửu tuần.
Có lần nhà thơ Mạc Phương Đình chở cụ Hà về, tôi đi theo về nhà thăm cụ là dịp tôi được cụ kể cho nghe nhiều lý thú, và rồi khi ra về anh Đình đề nghị Văn Đàn Đồng Tâm hãy thực hiện tập sách về nhà thơ tiền bối Hà Thượng Nhân. Sau đó, Mạc Phương Đình nhận được thư ủy nhiệm của giáo sư Doãn Quốc Sỹ và nhà văn Tạ Xuân Thạc đề cử trông coi dự án sách Kỷ niệm về thi sĩ Hà Thượng Nhân.
Hôm nay, nhân dịp những người bạn thân thiết của Cụ như nhà thơ Cung Diễm, nhà thơ Mạc Phương Đình, nhà thơ Huệ Thu, Chủ Nhiệm Tạ Xuân Thạc và nhà báo Chủ Bút Việt Hải (Văn Đàn Đồng Tâm) chuẩn bị ấn hành một tuyển Tập để vinh danh Cụ, tôi viết vài dòng chủ quan, đóng góp với anh chị em văn nghệ sĩ, về một người mà tôi mang ơn, yêu thương và vô cùng kính trọng: Thi Lão HÀ THƯỢNG NHÂN.
Như lời kể của anh Võ Thạnh Văn của thung lũng bồ đào Napa, tôi nhớ về những dịp tôi gặp Hà Chưởng Môn là nhân dịp nhà văn lão thành Thinh Quang được 84 tuổi, ba tổ chức Hội Ái Hữu Quảng Ngãi, và báo Thằng Mõ Nam- Bắc Cali và Văn Đàn Đồng Tâm đã phối hợp thực hiện một tác phẩm để đời cho nhà văn Thinh Quang gồm 66 cây bút đóng góp bài vở. Buổi ra mắt sách được tổ chức thật long trọng tại nhà hàng Dynasty Seafood, vào ngày chủ nhật 26 tháng 8 năm 2007, ban tổ chức có mời cụ Hà đến tham dự như khách danh dự, cũng như trước đó tại tư gia của Giáo Sư Nguyễn Liệu, người thành lập Quảng Ngãi Nghĩa Thục, tác giả hồi ký Đời Tôi, tuyển tập truyện ngắn Bên Kia Đèo,... nhà văn Nguyễn Liệu là một nghệ sĩ hào kiệt của xứ Quảng, thích thơ, sành rượu, yêu bạn bè… Ông là nhân vật nổi danh qua huyền thoại chống Cộng, chống tham nhũng và đã gây dựng nên Quảng Ngãi Nghĩa Thục, một cơ sở giáo dục hoàn toàn miễn phí cho học sinh nghèo mà xứ sở bị chiến tranh tàn phá. Nguyễn Liệu, vì yêu thơ và vì mến bạn nên thỉnh thoảng ông tổ chức tiệc thơ rượu theo gương người xưa của giới thi ca, và cũng vì chỗ thâm giao với cụ Hà Thượng Nhân, nên trong buổi tiệc rượu lớn tiếp đón nhà văn Thinh Quang tôi thấy sự hiện diện của cụ Hà. Cụ Hà đến rất sớm, ngồi ghế danh dự đối diện với bàn mà nhà văn Thinh Quang ngồi, Thinh Quang là nhà văn xứ Quảng, đất Thu Xà (đồng hương với các nhà thơ Mộng Đài, Bích Khê).
Hôm đó quý anh Võ Thạnh Văn và Nguyễn Cao Can kể tôi nghe về Hà Tiên Sinh. Nhà thơ làm thơ thần tốc, cụ bị đi tù cộng sản, nhưng vẫn giữ chí khí sĩ phu VNCH. Ngày hôm sau giáo sư Nguyễn Cao Can làm buổi tiệc tại nhà thết đãi nhà văn Thinh Quang cùng bằng hữu thi văn, tôi gặp lại cụ Hà, lần đầu tôi được dịp hỏi thăm cụ chuyện thơ văn. Cụ đã cao tuổi, nhưng tinh thần vẫn minh mẫn thông suốt thơ cụ làm, như những câu thơ nói lên sự cao cả của thơ, tôi thích thú ý tưởng thoát ra từ thơ của cụ:

 

"Không cần thép, thơ vẫn là bó đuốc
Thơ nâng người cao sát với thần linh."

 

Hay những vần thơ của cụ về tình bằng hữu:

 

"Ta từ có bạn đến giờ
Lời thơ lại bỗng bất ngờ thành vui".

 

Bởi vậy tôi thích ý tưởng của Tổng Thống Kennedy khi ông đề cao ý nghĩa của thơ văn so với quyền lực: "Khi quyền lực làm cho con người tha hóa, thơ lại làm thăng hoa con người, Khi quyền lực làm cho con người cao ngạo, thơ lại giúp cho người ta nhận ra cái giới hạn của mình. Khi quyền lực giới hạn tầm nhìn của con người, thơ văn lại cho người ta sự đa dạng và phong phú ở đời này".
Rồi khi dịp ra mắt sách về nhà văn Doãn Quốc Sỹ được Văn Đàn Đồng Tâm tổ chức ở hội trường của cơ quan thiện nguyện VIVO, tôi đứng ngoài cửa tiếp khách thì gặp nhà thơ Trường Giang và nhà văn Diệu Tần đưa Hà Chưởng Môn vào. Nhiều bằng hữu vây quanh cụ, tôi ngẫm nghĩ nhà báo Phan Lạc Phúc đặt cho cụ biệt danh Hà Chưởng Môn, đúng lắm rồi. Tôi cám ơn cụ đã đến chung vui với chúng tôi. Khi ra về, nhà thơ Mạc Phương Đình đảm nhận công tác chở Hà Chưởng Môn về, tôi quá giang đi ké theo về nhà thăm cụ Hà, đó là dịp tôi được chính cụ kể cho nghe nhiều lý thú, từ chuyện ngoài đất Bắc trước năm 1954, chuyện sau khi di cư vào Nam, chuyện hoạt náo viên Nguyễn Cao Kỳ trên sân khấu chính trường miền Nam, chuyện đi tù cộng sản, chuyện người bạn thâm niên từ lúc thiếu thời là nhà thơ Hữu Loan, và chuyện sở thích sống về nghiệp văn chương. Hai đề tài sau tôi muốn nhắc lại trong bài viết này.
Thông thường các nhà thơ làm thơ thì khía cạnh tình cảm được bộc lộ rõ nét nhất, từ những Xuân Diệu, Huy Cận, Bích Khê, Hàn Mặc Tử, Nguyễn Bính, Vũ Hoàng Chương, Nguyên sa... tôi muốn biết nhà thơ Hà Thượng Nhân có thơ diễn tả tình cảm hay không. Tôi nghe thơ trong trại tù Long Giao chứa đựng nỗi nhớ nhà, nhớ gia đình, nhớ vợ con như sau:

 

"Trời có điều chi buồn
Mà trời mưa mãi thế
Cây cỏ có chi buồn
Mà cây cỏ đẫm lệ

 

Mà cỏ cây lệ tuôn ...
Anh nhớ em từng phút
Anh thương con từng giây
Chim nào không có cánh

 

Cánh nào không thèm bay
Người nào không có lòng
Lòng nào không ngất ngây
Gửi làm sao nỗi nhớ..."
(Mưa Buồn Long Giao, Hà Thượng Nhân)

 

Trong bài "Hạnh Phúc Đơn Sơ" cụ Hà gửi gấm nỗi lòng, tình thương của người cha trao cho các con mà tôi rất thích:

 

"Các con ơi... nắng mới vẫn tươi màu
Đời hữu hạn mà hóa ra bất tận
Chính bởi thế, Cha không hề biết giận
Nhìn vào đâu cũng chỉ thấy yêu thương
Vị đắng cay từng uống ngọt như đường...

 

Ta được sống, ôi! Biết bao sung sướng
Sống là yêu... sống chỉ để yêu thôi...
Thượng Đế soi hình ảnh giữa con người!"

 

Sau này tôi xem thơ cụ Hà làm mười bài thơ thuộc khuynh hướng lãng mạn, tôi đọc thơ cụ sáng tác mà ngỡ hồn mình như ở lứa tuổi hai mươi:

 

"Một mình đứng dưới cành hoa phượng
Hoa tím như là sắc nhớ thương
Có lẽ quê nhà hoa Huệ trắng
Nào ngờ hoa Huệ cũng tha hương!...

 

Xin vì ai uống chung ly rượu
Mừng gặp mùa Thu giữa xứ người
Mừng gặp một chiều bông Huệ trắng
Thấy mình tìm lại tuổi hai mươi"
(bài Mừng)

 

"Ngắt bông Huệ trắng tặng nhau
Tưởng Thu ngõ trước vườn sau đã về
Bao giờ lòng hết đam mê
Mềm môi rượu uống chưa hề quên ai
Phù vân ngõ thẳm đường dài
Ta về nửa mảnh trăng cài trước hiên
Ngày xưa có chuyện thần tiên
Bây giờ có chuyện nợ duyên không mình?"
(bài Có Không)

 

"Ở đây không có heo may
Mà nghe hoa Huệ thơm bay giữa trời
Mùa Thu mây trắng cứ trôi
Mây bay mấy độ cho tôi nhớ chàng
Hàng phong chợt lá Thu vàng
Chợt bông Huệ trắng mang mang hiện về
Còn đâu một mái tóc thề
Ðể ai kề má môi kề cạnh ai
Nắng vàng xin nắng đừng phai
Ðể thương để nhớ đã dài như Thu."
(bài Như Thu)

 

"Chàng bảo mùa Thu hoa cúc vàng
Ai ban ơn huệ lúc Thu sang
Lúc trăng Thu sáng trên đường vắng
Hoa Huệ cài trên mái tóc nàng.

 

Chàng nói em nghe tiếng gió lùa
Tiếng chân guốc nhẹ giữa đêm khua
Tiếng cây, tiếng cỏ cùng ân ái
Hay tiếng lòng nhau lúc tiễn đưa

 

Lại mấy mùa Thu nữa hở anh ?
Vì ai hoa Huệ nở trên cành,
Bây giờ đâu có trèo cây bưởi,
Thì nụ tầm xuân cũng hết xanh !"
(bài Hết Xanh)

 

Nếu tôi ái mộ nhạc sĩ lão thành Anh Bằng làm những dòng nhạc tình ca lãng mạn yêu đương chất ngất thì tôi cũng vô cùng ngưỡng mộ nhà thơ lão thành Hà Thượng Nhân sáng tác thơ lãng mạn như nhịp đập con tim hai mươi trao nhau những thú yêu đương: Còn đâu một mái tóc thề, Ðể ai kề má môi kề cạnh ai..., Bao giờ lòng hết đam mê, Mềm môi rượu uống chưa hề quên ai..., Chàng nói em nghe tiếng gió lùa,... Tiếng cây, tiếng cỏ cùng ân ái,...
Lần ghé San Jose nhân dịp ra mắt sách vinh danh nhà văn khoa học gia Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh, hôm trước đó ra mắt Tuyển tập Đồng Tâm 7 tại nhà hàng Hà Nội's Corner cụ Hà Tiên Sinh đến nơi khá sớm tôi tiếp cụ khi vào, xin chuyện trò cùng cụ. Như lần ở nhà cụ, những mẫu chuyện giữa cụ Hà và nhà thơ Hữu Loan qua lối xưng hô thân thiện "mày, tao" từ thuở nhỏ, chút gì đó thích thú muốn biết thêm, cụ Hà kể những kỷ niệm giữa hai người bạn thân, nhà thơ Hữu Loan vốn thân với gia đình cụ Hà, một góc kỷ niệm Hà Tiên Sinh được văn chương ghi nhận là Tú Trinh, và nhà thơ Hữu Loan là Tú Loan.
Những mẫu chuyện tôi đọc lại qua bài của Ký giả Lô Răng, hay nhà báo Phan Lạc Phúc, và của luật sư Đoàn Thanh Liêm viết lại trong sách này.
Giọng Cụ đọc thơ sang sảng. Những lúc trà dư, Nguyễn Liệu thường kể cho tôi nghe về những kỷ niệm riêng với Cụ Hà từ trước năm 1975, những ngày còn làm tờ Sóng Thần với nhà văn nhà báo Chu Tử ở Sài Gòn năm xưa. Theo Nguyễn Liệu, Cụ Hà là một connoisseur điệu nghệ như Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu ngày trước, như Vũ Bằng (tác giả “41 Năm Nói Láo”) sau nầy. Trong những buổi rượu ở Sài Gòn và các vùng phụ cận, Cụ Hà thường chê Nguyễn Liệu thiếu tác phong và cung cách hảo hán của một tay… ăn thịt chó sành đời.
Tôi muốn nhắc đến kỷ niệm Nguyên Tiêu nầy, vì, tôi hứa với Cụ Hà rằng tôi sẽ mang hủ rượu “Bất Tử Tiên Đan” do Cụ đặt tên ra giới thiệu và mời anh chị em văn nghệ sĩ nếm thử cho biết. Nhưng rồi, vì mưa gió long đong, tôi loay hoay nên quên mất hủ “tiên đan” đã được mang đến và đang nằm chờ sẳn trong tủ rượu nhà họ Nguyễn. Hình như Cụ không nhớ ra chuyện thất hứa của tôi. Đó cũng là lần đầu tiên, duy nhất và sau cùng mà tôi thất hứa với Cụ. Hình ảnh của Cụ Hà đêm hôm ấy quá đẹp trong tôi. Suốt 5 năm quen biết, chưa bao giờ tôi thấy Cụ sáng rực tinh anh, nhạy bén và lịch lãm như đêm rằm Nguyên Tiêu (nhưng thiếu trăng) hôm đó.

 

oOo

 

Võ Thạnh Văn - Ra mắt sách vinh danh nhà văn khoa học gia Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh, San Jose.
Tôi xem bài viết của nhà thơ xứ Quảng Võ Thạnh Văn viết về những kỷ niệm với Thi Lão Hà Thượng Nhân, bài viết ôn lại cho tôi những kỷ niệm tại San Jose vào những lần ra mắt sách Văn Đàn Đồng Tâm. Thời gian qua cho tôi những ký ức vui và thật đáng nhớ. Ba lần ra mắt sách như dịp sách vinh danh nhà văn lão thành Thinh Quang, dịp sách vinh danh nhà văn lão thành Doãn Quốc Sỹ, và dịp sách vinh danh nhà văn Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh. Cái hân hạnh cho Văn Đàn Đồng Tâm cả ba lần đều có sự hiện diện của cụ Hà Tiên Sinh Tú Trinh đến dự, mặc dù cụ đi rất chậm vì đã quá cửu tuần.
Lần nhà thơ Mạc Phương Đình chở cụ Hà về, tôi đi theo về nhà thăm cụ là dịp tôi được cụ kể cho nghe nhiều lý thú, và rồi khi ra về anh Đình đề nghị Văn Đàn Đồng Tâm hãy thực hiện tập sách về nhà thơ tiền bối Hà Thượng Nhân. Sau đó, Mạc Phương Đình nhận được thư ủy nhiệm của giáo sư Doãn Quốc Sỹ và nhà văn Tạ Xuân Thạc đề cử trông coi dự án sách Kỷ niệm về thi sĩ Hà Thượng Nhân.
Lần sau này khi ghé San Jose nhân dịp ra mắt sách vinh danh nhà văn khoa học gia Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh, hôm trước đó ra mắt Tuyển tập Đồng Tâm 7 tại nhà hàng Hà Nội's Corner cụ Hà Tiên Sinh đến nơi khá sớm tôi tiếp cụ khi anh Mạc Phương Đình đưa cụ vào bên trong, tôi nhờ GS. Doãn Quốc Sỹ ký tặng cụ sách Tuyển tập Đồng Tâm 7, và GS. Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh ký tặng sách Kỷ niệm về thầy ấy. Cụ Hà trông tươi tắn vui vẻ trước đám đông. Như lần ở nhà cụ, những mẩu chuyện vui giữa cụ Hà và nhà thơ Hữu Loan qua lối xưng hô thân thiện "mày, tao" từ thuở nhỏ, cụ kể về nhà thơ Hữu Loan, có lẽ tôi và bạn bè như các anh Dương Viết Điền, Phan Đình Minh chút gì đó tò mò khiến chúng tôi thích thú và muốn biết thêm tình bạn giữa hai nhà thơ lớn trong văn học. Cụ Hà kể những kỷ niệm giữa hai người bạn thân, nhà thơ Hữu Loan vốn thân với gia đình cụ Hà, một góc trời kỷ niệm Hà Tiên Sinh được văn chương ghi nhận là Tú Trinh, và nhà thơ Hữu Loan được gọi là Tú Loan. Những mẫu chuyện được trình bày qua bài viết của Ký giả Lô Răng, hay nhà báo Phan Lạc Phúc, và của luật sư Đoàn Thanh Liêm viết lại trong sách này là những chuyện cụ Hà kể trong vui vẻ về những chuyện đã vào dĩ vãng. Ví dụ như luật sư Liêm kể về cụ như bộ “Tự điển bách khoa sống động”; Thực vậy, cái trí nhớ dai ở tuổi 90, thi phú cụ thuộc làu, thông suốt khiến 2 anh Minh, Điền và tôi phục sát đất. Dạo sau này tôi được biết sức khỏe của cụ đã suy giảm vì có lẽ đôi chân yếu nên cụ bị té ngã. Với nhà báo Phan Lạc Phúc, ông kể trong bài là cụ Hà đề cập nhà thơ Hữu Loan khi đi học rất giỏi về các môn thuộc khoa học thực nghiệm mà ít để tâm đến khoa học nhân văn, vậy mà sau này cuộc đời đưa ông vào văn chương. Nhà văn Diệu Tần kể tôi nghe là phương danh "Hà Chưởng Môn" là do nhà báo Phan Lạc Phúc đặt cho cụ Hà khi còn ở Sài Gòn.
Cụ Hà kể về chuyện họa thơ tại Huế với tiên sinh Ưng Bình Thúc Giạ Thị. Câu chuyện hy hữu mà cụ Hà rất vui khi kể lại, mà trong sách có bài viết về tiên sinh Ưng Bình, vốn là thân phụ của tác giả cũng là nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương, xem trong bài "Ưng Bình Thúc Giạ Thị với nhân vật và thi ca xứ Huế", kể lại chuyện liên quan đến cậu học trò nhỏ Hà Thượng Nhân từ đất Bắc vào theo học tại Huế, một câu chuyện lý thú.
Nói về thi sĩ Hà Thượng Nhân thì một quyển sách không thể kể hết, tôi xin đi sang phần viết chung với nhạc sĩ Anh Bằng.

 

oOo

 

Ba vị nhân tài Hữu Loan, Hà Thượng Nhân và Anh Bằng có sự liên hệ vì cả ba đều sinh trưởng ở Thanh Hóa. Hữu Loan sinh năm 1916 và Anh Bằng sinh 1926 tại huyện Nga Sơn, nơi nổi danh với chiếu cói và sự tích quả dưa hấu. Có lẽ phải kể thêm về những đồi sim tím chiều hoang biền biệt nữa. Riêng Hà Thượng Nhân sinh năm 1920, ở làng Hà Thượng, huyện Hậu Lộc. Huyện Hậu Lộc nằm ở phía nam của Nga Sơn, giáp ranh với nhau. Về địa lý có sự tương đối khá gần gũi rồi. Thi sĩ Hữu Loan và nhạc sĩ Anh Bằng đều có tác phẩm về những đồi sim hay hoa sim, tôi tìm dễ dàng. Nhưng với thi sĩ Hà Thượng Nhân về chủ đề hoa sim tôi chưa tìm ra tác phẩm.
Trong quân đội thì nhạc sĩ Anh Bằng không được dịp làm việc chung với thi sĩ Hà Thượng Nhân, tức trung tá Phạm Xuân Ninh. Tuy vậy, ông thích đọc mục thơ châm biếm "Đàn ngang cung" trên Nhật báo Tự Do thuở đó. Nhạc sĩ Anh Bằng xem 6 bài thơ Buồn của thi sĩ Hà Thượng Nhân ông cho ý kiến qua bài viết sau :
Nhạc sĩ Anh Bằng kể rằng ông đọc về thi sĩ Hà Thượng Nhân, ông quý cụ Hà vì tài cao, đức trọng. Trước 75 hay sau 75, trung tá Phạm Xuân Ninh vẫn đứng thẳng, không phe nhóm, không xu thời, trong tù Cộng Sản trung tá Phạm Xuân Ninh giữ đúng phong cách sĩ quan VNCH.
Về nhà thơ Hữu Loan thì nhạc sĩ Anh Bằng đọc chuyện Hữu Loan viết về kỷ niệm hoa sim (*):
"Chiều hôm sau, em nằng nặc đòi tôi đưa lên khu rừng thông. Cả nhà không ai đồng ý : ‘’mới ốm dậy còn yếu lắm, không đi được đâu’’ Em không chịu nhất định đòi đi cho bằng được. Sợ em lại dỗi nên tôi đánh bạo xin phép ông bà tham Kỳ đưa em lên núi chơi ...

 

Xe kéo chừng một giờ mới tới được chân đồi. Em leo đồi nhanh như một con sóc, tôi đuổi theo muốn đứt hơi. Lên đến đỉnh đồi, em ngồi xuống và bảo tôi ngồi xuống bên em.Chúng tôi ngồi thế một hồi lâu, chẳng nói gì. Bất chợt em nhìn tôi, rồi ngước mắt nhìn ra tận chân trời, không biết lúc đó em nghĩ gì. bất chợt em hỏi tôi :
- Thầy có thích ăn sim không ?
Tôi nhìn xuống sườn đồi : tím ngắt một màu sim. Em đứng lên đi xuống sườn đồi, còn tôi vì mệt quá nên nằm thiếp đi trên thảm cỏ ... Khi tôi tỉnh dậy, em đã ngồi bên tôi với chiếc nón đầy ắp sim. Những quả sim đen láy chín mọng.
- Thầy ăn đi.
Tôi cầm quả sim từ tay em đưa lên miệng trầm trồ : ‘’Ngọt quá ‘’.
Như đã nói, tôi sinh ra trong một gia đình nông dân, quả sim đối với chẳng lạ lẫm gì, nhưng thú thật tôi chưa bao giờ ăn những quả sim ngọt đến thế !
Cứ thế, chúng tôi ăn hết quả này đến quả khác.Tôi nhìn em, em cười. hai hàm răng em đỏ tím, đôi môi em cũng đỏ tím, hai bên má thì ... tím đỏ một màu sim. Tôi cười phá lên, em cũng cười theo !"

 

Nhạc sĩ Anh Bằng có phổ thơ Hữu Loan qua bài Chuyện Hoa Sim:

 

"Rừng hoang đẹp nhất hoa màu tím
Chuyện tình thương nhất chuyện hoa sim
Có người con gái xuân vời vợi
Tóc còn ngăn ngắn chưa đầy búi

 

Ngày xưa nàng vẫn yêu màu tím
Chiều chiều lên những đồi hoa sim
Đứng nhìn sim tím hoang biền biệt
Nhớ chồng chinh chiến miền xa xăm

 

ĐK:
Ôi lấy chồng chiến binh
Lấy chồng thời chiến chinh, mấy người đi trở lại
Sợ khi mình đi mãi, sợ khi mình không về
Thì thương người vợ bé bỏng chiều quê
Nhưng không chết người trai khói lửa
Mà chết người em nhỏ hậu phương
Mà chết người em gái tôi thương

 

Đời tôi là chiến binh rừng núi
Thường ngày qua những đồi hoa sim
Thấy cành sim chín thương vô bờ
Tiếc người em gái không còn nữa

 

Tại sao nàng vẫn yêu màu tím
Màu buồn tan tác phải không em
Để chiều sim tím hoang biền biệt
Để mình tôi khóc chuyện hoa sim."

 

Nhà báo Phạm Kim viết về bài hát hoa sim của Hữu Loan và Anh Bằng như sau:
"Cuộc đời của Anh Bằng đã trải dài ra, từ “những đồi sim” của thời làm bạn cùng xóm làng với Hữu Loan (thập niên 1940), ở vùng cửa Thần Phù Thanh Hóa, tới những đêm lắng nghe tiếng hàng bạch đàn gió lay, như tóc xoã ở Quy Nhơn (1957 và thập niên 1960), qua những ca khúc sáng tác từ cảm nhận khi sống bỡ ngỡ những năm đầu tỵ nạn, bát ngát đồi hoa tím ở thành phố nhỏ dưới 5,000 dân ở Washington tới Quận Cam: Rung cảm khi nhớ lại đồi ấu thơ, cánh buồm căng tuổi trẻ và chênh vênh ở tuổi bất cứ nơi nào khi nhìn nhau qua hàng mi buồn nuối tiếc - Chênh vênh như gần như xa - bên nhau trong quán trên đồi gió cao, như thấy sóng biển, lảo đảo chênh vênh mất mát.. “Chuyện Tình Hoa Sim”, bài hát ra đời sau nhưng vẫn tươi mới hơn những ca khúc tương tự về đồi hoa sim thơ Hữu Loan, đã vang dội sân trường Thanh Hóa (quê Hữu Loan),.."
Ngày 18 tháng 3, 2010, nhà thơ Hữu Loan vĩnh viễn xa trần thế, nhạc sĩ Anh Bằng làm bài thơ tiễn biệt "Khóc Anh và Chữ Tâm", khóc Hữu Loan ra đi, nhưng điều trân quý mà ông để lại là chữ Tâm, vì suốt cuộc đời ông sống ngay thẳng, thanh liêm, cố giữ chữ Tâm.

 

"Anh vĩnh viễn ra đi
Sau lưng còn ngậm ngùi
Sau lưng còn dập vùi
Nhưng trái tim của anh
Vẫn là sông là núi
Là sóng biếc biển khơi
Là chói chang mặt trời
Là tiếng nói tình người
Là kiên cường bất khuất
Trên kiếp sống nổi trôi.

Anh chính là chữ Tâm
qua những bước thăng trầm
Vẫn sống rất âm thầm
Tôn thờ một chữ Tâm
Anh đập đá trên non
Nuôi sống một đàn con
Anh đẩy xe cút kít
Bao lần bánh xe mòn
Mà tim anh gang thép
Vẫn một niềm sắt son.

HỮU LOAN, HỮU LOAN
Anh khinh đời bạc trắng
Anh cho mật, nhận đắng
Anh kẻ sĩ cho đời
Bằng chữ Tâm trong sáng

HỮU LOAN, HỮU LOAN
Quê nghèo thương anh lắm
Thương MÀU TÍM HOA SIM
Xin thắp nén hương trầm
Khóc anh và chữ Tâm"
("Khóc Anh và Chữ Tâm", Anh Bằng)

 

Tóm lại, với nhạc sĩ Anh Bằng, ông trân quý cả hai nhà thơ đất Thanh Hóa, cả hai làm thơ hay, sống vì tâm đạo, "Những tấm gương sáng ngời cho ngàn sau", ông nói.
Bài viết này viết cho sách vinh danh nhà thơ Hà Thượng Nhân, chúng tôi, Anh Bằng và Việt Hải, cũng xin gửi đến cố thi sĩ Hữu Loan trong sự mến phục và lòng tưởng nhớ.

 

Việt Bằng, mùa hè tháng Bảy 2010.

 

(*): trích website:
http://www.congdongnguoiviet.fr/VanHoa/0907MauTimHoaSimH.htm

 

 

Mục Lục

Kỷ niệm về thi sỹ Hà Thượng Nhân, Dòng thơ bất tử - Phần 1

Lời ngỏ

Tiểu sử thi sĩ Hà Thượng Nhân

Tin về thi sĩ Hà Thượng Nhân

Ý nghĩa về tấm ảnh

Kỷ niệm với Hữu Loan

Thơ Hà Thượng Nhân gởi Hữu Loan

Long Giao nẻo cụt

Sáu bài thơ buồn

Bài thơ của cụ Hà Thương Nhân gởi Tướng Nguyễn Cao Kỳ

Bài Họa - của Huỳnh Tâm Hoài

Hãy đứng lên

Nhà thơ không có tác phẩm

Thơ cảm ơn của Hà Thượng Nhân

Chuyện giàn thiên lý

Quy Khứ Lai Từ (Ðào Tiềm)

Chiến sĩ văn hóa

Tâm tình cùng bạn bốn phương

Kỷ niệm trong tù 1 & 2 (Một giai thoại văn chương)

Chuyện Hoa Sim, Chuyện Thanh Hóa

Tất cả các trang

Thứ sáu, 13 Tháng 5 2011 08:08

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.