Jan 15, 2025

Tùy bút - Bút ký

Còn đâu Đà Lạt!
Lưu Nhi Dũ * đăng lúc 02:12:22 AM, Mar 11, 2013 * Số lần xem: 1936
Hình ảnh
#1

Đà Lạt đã bước vào tuổi 120 nhưng với nhiều người, TP sương mù này vẫn là một cô thiếu nữ 18, dù thời gian và con người đã lấy đi của Đà Lạt nhiều thứ quý giá.

Đà Lạt đã bị “đánh cắp” nhiều thứ. Những cánh rừng thông trong TP bây giờ chỉ còn những cây thông cô độc trong gió hoang dại Langbian. TP trong rừng - rừng trong TP đã biến mất
Cái lạnh lãng mạn vào mỗi buổi sáng, buổi chiều chỉ còn phơn phớt, chưa đủ để ủ hồng đôi má thiếu nữ. Sương mù lãng đãng ngày nào trên Đồi Cù và Thung lũng Tình yêu giờ là “đặc sản” hiếm gặp. Những ngôi nhà kiểu phố thị chọc phá thiên nhiên huyền hoặc của Đà Lạt…

Ai từng sống, ai từng ghé một lần và ai lỡ yêu Đà Lạt mỗi lần trở về đều cảm thấy hụt hẫng vì TP này đã “hiện đại” hơn, trần trụi hơn và dĩ nhiên ngày càng ít quyến rũ hơn. Đà Lạt đang đô thị hóa một cách nhanh chóng, một TPHCM trên cao nguyên Langbian.

Hãy coi chừng, chúng ta đang “mất” Đà Lạt!

Những lời cảnh báo như vậy không chỉ mới đây mà đã nhiều lần những người yêu Đà Lạt kêu gọi. Những quy hoạch đã được đưa ra trên nền tảng quy hoạch của người Pháp nhưng rồi Đà Lạt vẫn biến dạng. Giờ đây, Đà Lạt được quy hoạch rộng lớn hơn, diện tích gấp 9 lần hiện hữu với những TP vệ tinh, nối với Đơn Dương, Đức Trọng, Nam Ban, Suối Vàng. Liệu có quản lý nổi một TP lớn như vậy khi mà chỉ riêng Đà Lạt thôi, người ta còn để xảy ra những việc như khai thác thiếc ngay cả ở Thung lũng Tình yêu? Một con đường luồn trong rừng, trong mây như đường nối liền Đơn Dương với Đà Lạt, qua đèo Dran đến với Cầu Đất mà cũng không sửa lại cho đàng hoàng thì làm sao hình thành nổi một TP vệ tinh như Đơn Dương?
 
A.Yersin đã 3 lần thám hiểm Langbian để tìm thấy Đà Lạt. Ở đó, ông gặp bộ tộc người Lat bên dòng suối xanh biếc, gặp cảnh quan huyền diệu của “Langbian nhỏ” và chợt nhớ đến câu ngạn ngữ Latin: “Dat Aliis Laetitian Aliis Temperriem” (cho người này niềm vui, cho người khác sự mát dịu). Đó chính là bản chất của Đà Lạt, cũng là văn hóa, chiều sâu của TP này và của cao nguyên Langbian.

Đà Lạt phải phát triển, lớn lên nhưng phải giữ được cái hồn vốn có của mình, dù rất khó. Vì vậy, các nhà quy hoạch kêu gọi phải trùng tu lại gần như toàn bộ trung tâm TP bằng những mảng xanh mà chính con người đã lấy mất của Đà Lạt. Những TP vệ tinh cũng vậy, từ Đơn Dương, Nam Ban, Đức Trọng, Suối Vàng, thiếu rừng là không phải Đà Lạt. Chiều sâu của Đà Lạt chính là rừng, là không gian của những cơn gió phóng túng, bất tận nhưng trầm lặng, huyền bí và hấp dẫn như đỉnh Langbian.

Đà Lạt lớn lên, rộng hơn là quy luật của phát triển nhưng đừng biến thành một đô thị trên cao nguyên mà nên làm cho Đà Lạt mãi là cô gái mộng mơ, xinh đẹp. Đó cũng chính là thách thức của các nhà quy hoạch và quản lý Đà Lạt trong tương lai.

LƯU NHI DŨ

*******************************************

Đà Lạt: Cá chết đầy hồ Xuân Hương

Ngày 3/1, mặt nước hồ Xuân Hương – một thắng cảnh nổi tiếng của thành phố Đà Lạt đã chuyển sang màu xanh như lá chuối, một số nơi bốc mùi hôi tanh rất khó chịu.

Nguyên nhân của tình trạng này là do tảo lam xuất hiện trở lại, gây ô nhiễm nước trong hồ.

Tại một số khu vực gần nhà hàng Thủy Tạ, cầu ông Đạo, nhà hàng Thanh Thủy… tảo lam xuất hiện dày đặc, nổi váng lềnh bềnh và bốc mùi hôi tanh.

 
Mặt nước hồ Xuân Hương đổi màu vì tảo lam xuất hiện dày đặc


Tình trạng tảo lam xâm thực khiến nước hồ Xuân Hương đổi màu và bốc mùi diễn ra từ nhiều năm nay nhưng vẫn chưa có biện pháp xử lý triệt để.

Cá chết vì nước bị ô nhiễm


Chính quyền địa phương đã áp dụng nhiều biện pháp như nạo vét lòng hồ, vớt tảo, xả bớt nước hồ… nhưng mặt hồ vẫn liên tục bị tảo lam tấn công, gây ô nhiễm nguồn nước của thắng cảnh nổi tiếng này.

Tiểu Long

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.