Jan 22, 2025

Cổ thi Việt Nam

Nga nga lưỡng nga nga & Đáp quốc vương quốc tộ chi vấn
Pháp Thuận thiền sư - 法順禪師 * đăng lúc 01:57:01 PM, Sep 08, 2022 * Số lần xem: 4663
Hình ảnh
#1

鵝鵝兩鵝鵝

Nga nga lưỡng nga nga

Đôi ngỗng (Người dịch: (Không rõ))

鵝鵝兩鵝鵝,
仰面向天涯。
白毛鋪綠水,
紅棹擺青波。

Nga nga lưỡng nga nga,
Ngưỡng diện hướng thiên nha.
Bạch mao phô lục thuỷ,
Hồng trạo bãi thanh ba.

Song song ngỗng một đôi
Ngưỡng mặt ngó ven trời
Lông trắng phô dòng biếc
Sóng xanh chân hồng bơi.


Về bài thơ này có câu chuyện như sau: năm Đinh Hợi 987, nhà Tống sai Lý Giác sang Việt Nam, thiền sư Pháp Thuận đón tiếp. Có lần Lý Giác tuỳ cảnh ngâm 2 câu thơ đầu "Nga nga lưỡng nga nga, Ngưỡng diện hướng thiên nha" và Pháp Thuận đã tiếp ngay hai câu sau của bài thơ này "Bạch mao phô lục thuỷ, Hồng trạo bãi tranh ba".

Mặc dù 2 câu đầu bài thơ không phải của Pháp Thuận nhưng cũng xin được chép bài thơ này vào đây.

                                                      *****

答國王國祚之問

Đáp quốc vương quốc tộ chi vấn

Trả lời câu hỏi của vua về việc nước (Người dịch: Nguyễn Duy)

國祚如藤絡,
南天裏太平。
無為居殿閣,
處處息刀兵。

Quốc tộ như đằng lạc,
Nam thiên lý thái bình.
Vô vi cư điện các,
Xứ xứ tức đao binh.

Bời bời vận nước quấn mây
Trời Nam mở lượng đó đây thái bình
Thiền tâm thấm tận triều đình
Thi nhân gian dứt đao binh đời đời
.

dịch nghĩa
Vận nước như dây leo quấn quít,
Trời Nam mở nền thái bình.
Hãy dùng phép Vô vi ở nơi cung đình,
Thì mọi chốn đều dứt hết đao binh.

 

 

 

 

 

Bài này được chép trong "Thiền uyển tập anh". .
Nguồn: Giáo trình Hán văn Lý Trần, Phạm Văn Khoái

                                    **********************************


Vịnh Ngỗng


Năm Thiên Phúc thứ 7 (987) người Tống là Lý Giác sang sứ, vua Lê Đại Hành sai Sư cải trang làm kẻ lái đò để theo dõi hành động của y. Gặp khi có hai con ngỗng bơi trên sông, Giác ngâm chơi rằng:

Song song ngỗng một đôi,
Ngửa mặt ngó ven trời.
Sư Pháp Thuận khi này đang là anh lái thuyền cầm chèo, ngâm tiếp:

Lông trắng phơi dòng biếc,
Sóng xanh chân hồng bơi
Lý Giác do đó thán phục trước tài ứng thơ, đối đáp của người lái đò. Bài thơ "Nga nga lưỡng nga nga", không phải là của thiền sư. Hai câu đầu là của Lý Giác, hai câu sau do ông hoạ theo, do học rộng hiểu nhiều lấy từ điển cố văn học của Trung Quốc. Bài thơ là một tuyệt phẩm mà các bực thức giả khen là “thi trung hữu hoạ” trong thơ có hoạ, thơ vẽ nên một hoạ phẩm.



Q
uốc Tộ

Quốc tộ (vận nước) là bài thơ nổi tiếng của thiền sư Pháp Thuận, được đưa vào chương trình giảng dạy ngữ văn 10 trung học phổ thông. Hiện nay đã có khá nhiều nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, văn học, ngôn ngữ đã nhất trí với nhận định: "bài thơ Quốc tộ là tác phẩm mở đầu cho dòng văn học Viết việt Nam" [2]. Hoàn cảnh ra đời bài thơ gắn với một giai thoại, có lần Vua Lê Đại Hành đem vận nước dài ngắn hỏi nhà Sư, người đáp:

Quốc tộ như đằng lạc
Nam thiên lý thái bình
Vô vi cư đạo các
Xứ xứ tức đao binh.
Dịch nghĩa:

Vận nước như dây mây leo quấn quýt,
Ở cõi trời Nam [mở ra] cảnh thái bình.
Vô vi ở nơi cung điện,
[Thì] khắp mọi nơi đều tắt hết đao binh.

Vua Lê Đại Hành hỏi về vận nước, làm thế nào để cho vận mệnh quốc gia được dài lâu? Thiền sư trả lời: Vận nước như mây quấn. Ta phải giữ gìn đất nước nầy như thế quấn của dây mây, một sợi mây tuy có dẻo dai nhưng vẫn dễ đứt, dễ gãy nếu ta biết cách bẻ, còn nhiều dây mây quấn lại thành bó khó có sức mạnh nào bẻ gãy. Trăm họ hướng về Vua với một lòng tôn kính, vua lấy ý nguyện của dân làm ý nguyện của mình, nỗi khổ của dân cũng là nỗi khổ của mình. Tìm cách hoá giải những xung đột nội bộ của một quốc gia. Liên kết nhân tâm lại với nhau như những dây mây riêng lẻ thành một bó mây. Thiền sư khẳng định: Muốn cho đất nước được yên bình, Vua phải biết cách áp dụng phương pháp, hay là nguyên lý tu dưỡng vô vi nơi triều đình của mình. Vua là thiên tử - con trời - theo quan niệm phong kiến. Vua tượng trưng cho quyền lực, sức mạnh của một thể chế, đế chế. Vua là tối tôn đứng trên thầy và cả người cha sinh ra mình Quân-Sư-Phụ, vậy mà kinh Phật nhắc nhở cẩn thận không kiêu ngạo.

Bài thơ Vận Nước của Thiền sư Pháp Thuận nếu kết hợp với bài thơ Thần "nước Nam sông núi", có một vị thế hết sức quan trọng không chỉ trong lịch sử văn học mà cả trong lịch sử tư tưởng chính trị và Phật giáo Việt Nam. Nó đã thành công khi đề xuất được hệ thống tư tưởng chính trị hoàn chỉnh để định hướng cho sự phát triển của một hệ thống chính quyền làm chủ đất nước vừa thỏa mãn yêu cầu bảo vệ chủ quyền quốc gia vừa đáp ứng nguyện vọng của người dân. Kho tàng văn học Việt Nam vẫn còn lưu giữ được những bài thơ chứa đựng được tư tưởng chính trị của Phật giáo Việt Nam như bài Quốc tộ.


Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.