Dec 21, 2024

Tiểu luận - Tạp bút

Thời gian trong triết học Phật giáo.
Võ Doãn Nhẫn * đăng lúc 07:08:10 PM, Jul 06, 2008 * Số lần xem: 2390
Hình ảnh
#1
Thời gian trong triết học Phật giáo.( tiểu luận) (Thời gian là sự phóng chiếu của tâm thức. Nghiêm xuân Hồng) Sau khi hoàn thành tác phẩm Rừng Phong, Thu Ðã... trong đó tôi đã viết một bài tiểu luận khá công phu và khá chu đáo(ấy là tôi đã nghĩ thế) “Nghĩ về thời gian”, tôi đi đến kết luận không có thời gian thực hữu. Thế rồi những đêm trăn trở thao thức trằn trọc, tôi lại loay hoay vướng bận mắc míu với một vấn đề tuy cố hữu nhưng thật sự bận bịu ám ảnh thần trí của tôi : vấn đề thời gian có hay không, vấn đề thời gian có được thật sự giải quyết dứt khoát chóng vánh không, hay thực sự là một lờ mờ nhân ảnh của một bóng ma ám ảnh, “lờ mờ nhân ảnh như người đi đêm?”Sách tham khảo triết học của Emmanuel Kant tôi cũng đã đọc; sách triết học kèm theo tính chất siêu hình Sein und Zeit của Martin Heidegger, tôi cũng đã không dám bỏ qua; ấy vậy mà mỗi lần đề cập tới thời gian, các triết gia nổi tiếng ấy vẫn chưa vẫn không giải quyết dứt khoát chóng vánh một câu nghi vấn đã có tự nghìn đời. Cũng xin nói thêm rằng ngoài hai tác phẩm nổi tiếng của Heidegger ra, còn một tác phẩm khác cũng chẳng kém phần hóc búa và tối tăm, đó là Quest-ce que la métaphysique?, siêu hình học là gì? Mở đầu chương thứ nhất, Heidegger đã nêu một câu hỏi... lạ lùng như sau: pourquoi y-a- t-il de l’étant mais non plutôt rien? Tại sao lại có thực hữu mà không là không có gì cả? Vào năm thứ ba tức năm cuối của ban Triết lớp Ðại học Sư Phạm, lũ chúng tôi coi câu hỏi siêu hình học đầu tiên như một khuôn vàng thước ngọc có thể lý giải tường tận tất cả. Mà hỡi ôi! Những câu giải đáp bấy nay, rốt cục nào có giải quyết được gì? Tôi có một bạn đồng nghiệp, tòng sự tại một trường trung học công lập đệ nhị cấp ở một tỉnh miền duyên hải. Tôi muốn được vấn kế ông bạn đồng nghiệp ấy về vấn đề thời gian. Tôi cũng xin thưa nốt là ông bạn đồng nghiệp vốn phụ trách môn Việt văn, ông cũng đảm nhiệm luôn môn Triết học với lý do rất chính đáng: thiếu giáo sư! Vị giáo sư khả kính ấy, khi nghe đề cập tới vấn đề thời gian, vị ấy vội vàng lảng tránh, ngụ ý không dám đường đột góp ý, chỉ trả lời một cách nước đôi, không trả lời một cách tận tình rốt ráo, lơ lửng con cá vàng. Tôi nghĩ đến người thầy cũ của tôi, giờ này có lẽ thầy đã quá cao niên, thầy Cung giũ Nguyên. Thầy trước đây vốn là giáo sư môn Pháp văn, rồi kiêm Quốc văn, rồi kiêm giáo sư môn Hội Họa từ lớp đệ lục đến lớp đệ tứ ban trung học đệ nhất cấp; rồi giáo sư môn Pháp văn kiêm giáo sư môn Lịch sử Ðịa dư lớp đệ nhị ban trung học đệ nhị cấp bởi ngày ấy nhà trường thiếu giáo sư trầm trọng. Thầy là một nhà văn, thầy viết nhiều tác phẩm, đáng kể và đáng ghi nhớ nhất là (Con Ông Nam Hải,((Le Fils de la Baleine), ( Nghị Lực Sinh Tồn,((Volontés d’Existence), ( Một Người Vô Dụng, (đặc biệt là sau năm 1980 thầy hoàn thành một tác phẩm vĩ đại:(Thái Huyền((Le Boujoum). Rất thành thực, hầu hết các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu, những nhà bình luận văn học được hiểu Le Boujoum một cách tường tận không quá... năm đầu ngón tay! Giới trí thức ấy đọc vỏn vẹn năm mười trang sách được chuyển ngữ từ tiếng Pháp sang tiếng Việt rồi bỏ vì chán và nhất là vì họ không hiểu. Ðiều đáng tiếc và cũng là điều ân hận bởi chính bản thân tôi chẳng hiểu gì ý nghĩa của tác phẩm Le Boujoum. Tôi đánh bạo, thỉnh ý của thầy qua nội dung và ý nghĩa của Le Boujoum bằng điện thư tức email, thầy giải thích nội dung ý nghĩa thầm kín sâu lắng ấy bằng những mật mã, nhưng hỡi ôi, những mật mã ,ấy làm sao tôi giải mã nổi, rốt cục, Le Boujoum vẫn còn lạc trong (mê hồn trận).Cũng cách nay vài năm, độ bốn hoặc năm năm, một ông bạn cũ của tôi, tên Nguyên Văn, xướng ngôn viên đài Tiếng Nói Huê Kỳ VOA, gọi điện thoại mời tôi phát biểu một vài lời vài câu vài đoạn ngắn nói về một buổi ra mắt tác phẩm đồ sộ Thái Huyền nguyên tác là Le Boujoum được tổ chức tuần lễ sắp tới. Những môn đệ ngày trước của thầy Cung giũ Nguyên là những ông Nguyên Văn, ông Nguyễn Tiên Sanh, ông Trương Hồng Vũ và bà Nguyễn thị Hoàng Thi, cũng sẽ có mặt vào buổi lễ ra mắt tác phẩm Thái Huyền ấy. Tôi nghe Nguyên Văn nói chưa dứt lời đã vội vàng dứt khoát khước từ: - Thôi, không được đâu anh, tôi biết gì mà viết giới thiệu ra mắt tác phẩm. Nguyên Văn cố nài nỉ: - Ông cố viết vài đoạn vài dòng vài câu ngăn ngắn cũng được chớ gì. Ông cũng đã đọc tác phẩm đó rồi mà. - Tôi đã nói không được là không được anh ơi, xin anh chớ xuỵt chó vô bụi gai. Nếu tôi liều lĩnh viết bừa, sẽ có vô số người chửi vào mặt tôi. Tôi đề nghị anh nhờ người khác viết giúp thay tôi đi. Thế là thoát nợ. Nhóm nhân vật được xem là nhóm tổ chức ra mắt tác phẩm Le Boujoum phải tự túc ra mắt “cây nhà lá vườn” mà nhân vật chủ yếu là bà Nguyễn thị Hoàng Thi, thủ vai MC. Tôi hỏi thêm thầy Nguyên có được mời tham dự chứng kiến buổi lễ ra mắt tác phẩm không, Nguyên Văn cười cười trả lời: - Làm sao đi được. Vả lại ông ấy cũng không đi Mỹ đâu. Ngày trước sau năm 80, hội Nhà Văn Pháp chấp nhận cho ông ấy qua nước Pháp nhưng ông ấy từ chối, quyết chọn nơi này làm quê hương. Sống trên đất Pháp khá lâu rồi, ở lại hằng ngày buổi sáng buổi trưa buổi chiều buổi tối ra đường ngắm người thiên hạ qua lại lui tới cũng đủ vui rồi. - Buổi lễ ra mắt tác phẩm nhà văn lão thành Cung giũ Nguyên được tổ chức khá chu đáo, mọi người ra về một cách tin tưởng nội dung ý nghĩa cùng mật mã sau cùng đã được giải mã một cách rành mạch rõ ràng, có điều là sau buổi ra mắt tác phẩm Le Boujoum, tuyệt nhiên không một người nào đủ can đảm (gan liền tướng quân) giải thích thêm, đào sâu thêm tác phẩm ấy, tương tự thi hào Nguyễn Du khi nói về thi phẩm Tiểu Ðộc Thanh ký (bất tri tam bách dư niên hậu, thiên hạ thùy nhân khấp Tố Như(đã làm tôi liên tưởng đến hai câu thơ tương tự: “Bất tri nhị bách dư niên hậu Thiên hạ thùy nhân khấp Giũ Nguyên”. “Hai trăm năm lẻ sau ngày Ai người thấu hiểu khóc thầy Giũ Nguyên?” Sau cùng không chịu được nỗi niềm thao thức nhưng không kém tâm trạng nhức nhối về Thời Gian, tôi đánh bạo viết điện thư qua thầy Nguyên nhờ thầy lý giải hộ: có Thời Gian hay không. Sở dĩ tôi phải viết hoa hai chữ Thời Gian vì đối với riêng bản thân tôi, Thời Gian là một dấu hỏi lớn. Lớn chớ sao! Tôi đã trải qua một kinh nghiệm lúc tôi trao tặng một người bạn gái tác phẩm Rừng Phong, Thu Ðã... người bạn ấy sau khi đọc xong tác phẩm đã nhỏ nhỏ to to tỏ bày ý kiến với người phối ngẫu: “chuyện Thời Gian có hay không có đã hiện hữu sờ sờ ra đó còn thắc mắc nỗi gì.” Thầy Nguyên cũng đồng thời giải đáp cho tôi một thắc mắc: - Thời Gian hiện hữu thực sự anh Nhẫn ạ. Học sinh các lớp thảy đều công nhận hiện hữu Thời Gian. Cứ mỗi lần các giáo sư giảng một bài tập Toán hóc búa, các ông học trò non ấy đều thấp thỏm trông cho mau thì giờ trôi qua thật nhanh, nhưng khổ nỗi giờ phút trôi qua lại dài dằng dặc. Thế nhưng mà anh có quyền không chấp nhận cung cách nói về Thời Gian của tôi đó nghe, tự do tư tưởng mà! Rốt cục, sau rốt, sau cùng, kết luận, tôi đành chấp nhận sự hiện hữu của thời gian như một khẩn thiết, một đòi hỏi bất khả kháng trong việc tu tập để thành chánh quả. “Phi thời gian bất thành chánh quả”. Thời gian, theo quan điểm của người Ki-Tô giáo, ý niệm thời gian không thể không hiện-hữu từ lúc khai thiên lập địa sau thời kỳ hỗn mang bắt đầu có sự sống. Một khi con người được cứu rỗi, vì tình yêu bao la bác ái của tạo vật, tức của con người được vào nước Thiên Ðàng, một thực tại trở thành phi-thời gian, một thực hũu trở thành vĩnh cửu, không còn quá khứ, chẳng có vị lai, có một thực hữu duy nhất là hiện tại vô thủy vô chung. Mà nói đến hiện tại vô thủy vô chung là nói theo quan điểm của thực thể thụ tạo, không thể quan niệm, không thể tư duy, bất khả tư nghì. Nói theo quan điểm Phật giáo, một khi tu tập trở thành chánh quả, chúng sinh sẽ được giác ngộ, vượt khỏi sông Mê, tới bờ bến Giác, viên mãn, tròn đầy, đi vào vĩnh cửu, phi-thời gian và cũng “bất khả tư nghì”. Tôi mạn phép trở lại nhận định về thời gian của cư sĩ Phật Giáo Nghiêm Xuân Hồng: “Thời gian là sự phóng chiếu của tâm thức”. Vốn bị tiêm nhiễm nặng trong cung cách lý luận, giải thích và quảng diễn trong nền triết-học Tây Phương không thể một sớm một chiều dứt bỏ đi được, tôi đành phải... minh giải quan điểm Nghiêm xuân Hồng theo cung cách ngày trước của nền triết-học tây phương. Theo Edmund Husserl, triết gia hiện-tượng học, “không có ý thức thuần túy, ý thức luôn luôn ý thức về một cái gì”. Il n’y a pas conscience pure, mais il n’y a conscience que de quelque chose. Không có ý thức thuần túy, ý thức của tôi luôn luôn là ý thức về một cái gì đó, thí dụ ý thức về một cái bàn, về một bức tranh. Trong quan điểm triết-học Phật giáo, ý thức không bao giờ là một ý thức thuần túy; ý thức bao giờ cũng hướng về, “khác với mình,”, ý thức “hướng ngoại”, Nói theo linh mục Trần Thái Ðỉnh, ý thức phải là một ý thức về lửa, ý thức về phân bò; đó là triết-học theo quan điểm Tiểu-Thừa. Theo ông Nghiêm xuân Hồng, thời gian là sự phóng chiếu, là một sự hướng về, một sự phóng chiếu, một hướng ngoại. Nhưng thời gian là một phóng chiếu của ý thức, lúc đó ý thức không có, chưa có ý-thức phản tỉnh mà chỉ là ý thức tự phát. Trẻ con vì không có ý thức phản tỉnh nên chỉ có ý thức tự phát. Mải say mê hướng tâm hồn về một con diều giấy lơ lửng từng không nên không còn biết gì sự vật chung quanh: ý thức tự phát. Nhưng đến một lúc nào đó, đùa trẻ bị hụt chân vấp ngã, trầy chân chảy máu, lúc ấy đứa trẻ bắt đầu lưu tâm đến cảnh vật chung quanh dò la ý tứ: ý thức phản tỉnh. Cho tới tháng thứ mười hai, trẻ con được một tuổi, trẻ vẫn chưa có một ý niệm gì về thời gian. Trẻ chỉ biết sống, ăn, ngủ, thức tỉnh và chơi đùa một cách hồn nhiên, một cách tự phát. Trẻ con chỉ biết sống trong hiện tại, hic et nunc, ici et maintenant, ở đây và bây giờ. Dần dần lớn lên, trẻ tập tễnh xây dựng ý niệm về quá khứ, về hôm qua, về hôm kia. Hôm nay là ngày chủ nhật, thuộc hiện tại. Hôm qua là ngày thứ bảy. Hôm qua thuộc về quá khứ và hôm kia là ngày thứ sáu. Ngày hôm kia thuộc về hôm qua của ngày hôm qua. Ngày mai là ngày thứ hai, thuộc tương lai và ngày mốt là ngày thứ ba, ngày mai của ngày mai. Dần dần, ý niệm thời gian nơi trẻ con được thành hình và lúc này quá-khứ tương-lai là một ý thức phản tỉnh. Thời gian, theo Nghiêm xuân Hồng, là sự phóng chiếu của tâm thức và tâm thức là một dạng thức của ý thức. Trên con đường tu tập để thành bậc chánh giác, bậc giác ngộ, hành trình thăm thẳm không biết lúc nào thời nào một chúng sinh có thể đạt tới từ sông Mê tới bến Giác, có thể hằng ngàn năm, hằng triệu năm triền miên trong kiếp luân hồi. Vào thời Lê Mạt, nhân dân đồ thán, tôn giáo văn hóa văn học suy đồi, nhiều kẻ sĩ bi quan yếm thế, không tha thiết xuất đầu lộ diện ra mặt vào đời nhập thế lui về ở ẩn, an bần lạc đạo, thưởng ngoạn gió mát trăng thanh, đi tìm một lý tưởng khác: đạo Giáo, luyện phép tu tiên. Nhân vật đáng lưu tâm để ý là nàng Tấm, là Tam-Hợp đạo cô trong Ðoạn-Trường Tân Thanh, là Nguyễn-Bỉnh Khiêm trong Bạch-Vân Am thi-tập, tiêu biểu nhất là truyện thần tiên Bích-câu kỳ-ngộ. Nhân vật xuất phàm là “Người đẹp trong tranh”, một tiên nữ Giáng Kiều nhập thế, muốn được cùng chàng trai người trần mắt thịt Tú Uyên xe tơ kết tóc. Sau lần trắc trở, cuộc tình duyên nồng thắm trở lại, vợ chồng sinh được một trai là Chân Nhi. Nhận thấy cuộc đời rất đỗi tạm bợ, tang thương chất chồng, Giáng Kiều khuyên Tú Uyên nên xa lìa trần thế tu tâm dưỡng tánh để có được bất diệt vĩnh hằng. Giáng Kiều cho Tú Uyên một bùa tiên luyện phép, hai thực hữu cùng bay lên cõi tiên để Chân Nhi ở lại trần thế. Truyện thần tiên Bích câu kỳ ngộ tôi không biết ai là tác giả, chỉ biết Vô Danh. Trường sinh vạn thọ quyết tu tiên Giải thoát trần gian vạn kỷ niên. Dạo bước thong dong miền thoát tục Như dòng suối nhỏ chảy triền miên. Giáng Kiều Tú Uyên bay thẳng về trời hay nói khác đi, về lạc giới, về cõi tiên và nhứ thế hai thực hữu đã thành tiên? Kẻ đốt nát này tức tôi không nghĩ vậy. Thành tiên đâu có thể sớm vậy, mặc dù Giáng Kiều đã trao cho Tú Uyên bùa phép luyện trở thành tiên, một sớm một chiều dễ gì một hai thực hữu trở thành ngàn năm bất tử! “Vì lợi ích mười năm, trồng cây. Vì lợi ích trăm năm, trồng người!”.Trồng cây phải ít nhất mười năm mới hi vọng thu hoạch. Trồng người có lẽ phải ít ra một thế kỷ mới hòng mong đầu tư hoàn tất một thế hệ giáo dục: bách niên chi kế, mạc như thụ nhân. “Trăm năm phương kế, chẳng như trồng người.” Thời gian đào tạo một thế hệ người kể ra thật không dễ. Lão Tử đã nói: “Làm thầy thuốc mà chữa bệnh sai thì giết chết một người. Trị một nước mà làm sai một chính sách thì làm hỏng một nước. Làm một nhà giáo dục sai thì hỏng một thế hệ.” Trồng người phải đợi một trăm năm hay hơn nữa mới có thể gặt hái ít nhiều kết quả, xấu tốt còn tùy, lạc quan hay bi quan yếm thế tùy quan điểm nhân sinh. Trẻ con phần nhiều đều thích trở thành tiên cả bởi trẻ con có quá nhiều phong phú để tưởng tượng, tượng tượng sáng tạo. Chúng muốn được trở thành nàng Tấm tiên xinh đẹp hiền lành, thích trở thành nàng Bạch Tuyết và bảy chú Lùn, thích làm một Hằng Nga ngủ ở trong rừng, một Ðắt Kỷ &nàng Bao Tự sống trong truyện phong thần Phong Kiếm Xuân Thu và đời nhà Hạ, chúng chỉ thắc mắc hoài nghi không biết rõ nàng Ðắt Kỷ là thật sự một nàng tiên hay chỉ là một loài chồn cáo tu lâu năm trở thành tinh quyết quậy phá triều-đình nhà Thương, đối tượng nạn nhân là Trụ vương và U vương. Một trong mười bí quyết phù chú pháp thuật luyện thành tiên, khi đã thành tựu, một thực hữu- ở đây là Ðắt Kỷ- sẽ thành Ðạo-hành tiên. Tôi xin liệt kê dưới đây mười thứ tiên được vô cùng khổ tu, không biết đến bao giờ được thành tựu. Cũng xin thưa ngay rằng ngài Bồ tát A Nan đã từ lâu thành một bậc giác ngộ, ngài muốn đặt những câu nghi vấn cốt để hỏi, chỉ để gợi ý, kỳ thực ngài A Nan đã biết rất rõ rồi. Lại có chúng sinh từ loài người, không nương theo chánh giác, tu phép Tam-ma đề, lại riêng tu theo vọng-niệm, để tâm củng cố hình-hài, vào rừng sâu núi thẳm, những chỗ loài người không đến được, thành mười thứ tiên. 1.-“A Nan, các chúng sanh kia, kiên cố dùng đồ bổ mà không ngừng nghỉ, khi đạo-ăn được thành tựu thì gọi là Ðịa-hành tiên. 2.- Kiên cố dùng cỏ cây mà không ngừng nghỉ, khi đạo-thuốc được thành tựu thì gọi là Phi-hành tiên. 3.- Kiên cố dùng kim thạch mà không ngừng nghỉ, khi đạo-hóa-chất được thành tựu thì gọi là Du-hành tiên. 4.- Kiên cố luyện nước bọt mà không ngừng nghỉ, khi nhuận-đức được thành tựu thì gọi là Thiên-hành tiên. 5.- Kiên cố làm những động tác không ngừng nghỉ, khi tinh khí được thành tựu thì gọi là Không-Thành tiên. 6.- Kiên cố hấp thụ tinh-hoa mà không ngừng nghỉ, khi hấp thụ được thành tựu thì gọi là Thông-hành tiên. 7.- Kiên cố làm thuật phù chú mà không ngừng nghỉ, khi thuật pháp được thành tựu thì gọi là Ðạo-hành tiên. 8.- Kiên cố chuyên chú vào tâm niệm mà không ngừng nghỉ, khi chuyên niệm được thành tựu thì gọi là Chiếu-hành tiên. 9.- Kiên cố về thủy hỏa giao cấu nhau mà không dừng nghỉ, khi cảm ứng được thành tựu thì gọi là Tinh-hành tiên. 10.- Kiên cố luyện tập biến hóa mà không ngừng nghỉ, khi giác ngộ được thành tựu thì gọi là Tuyệt-hành tiên. A Nan, bọn ấy đều ở trong loài người mà luyện tâm, tuy tu chính giác, nhưng không được lẽ sống, thọ ngàn vạn tuổi, nghỉ ở trong núi sâu hoặc trên đảo giữa biển cả cách biệt chỗ người ở, đó cũng là vọng tưởng, luân hồi lưu chuyển. Nếu không tu phép Tam muội thì khi quả báo hết rồi, trở lại tản vào trong lục đạo.” Kinh sách nào phần đông hàm súc ý nghĩa tiềm ẩn khó hiểu. Những kinh sách Phật giáo viết từ nhiều ngàn năm lưu giữ trở nên khó hiểu, có lẽ vì ngôn từ ngày trước khác xa ngôn ngữ ngày nay. Như Nam-hoa kinh của thầy Trang tử. Như Ðạo-đức kinh “hay Ðức-Ðạo kinh?” của Lão Tử hay của Mã-vương Thôi. Tôi có một số hoài nghi thắc mắc trong kinh Thủ Lăng Nghiêm, xin được chép ra hầu mong được giải thích rõ ràng chỉ giáo. 1.- Một nhóm người muốn trở thành tiên(Ðịa-hành tiên) cần phải kiên cố ăn nhiều đồ bổ. Ðồ bổ là những thức ăn nào, ông Lê-đình Thám không nói rõ. Phải chăng kiên cố không ngừng nghỉ ăn thật nhiều sơn hào hải vị, cá lặn sâu dưới đáy biển, hay là phải ăn sâm, nhung, yến, đào củ sâm, nhân sâm trên rừng sâu(sâm Cao Ly), giết nhung tức lộc nai tức sừng nai mới nhú hoặc phải ăn thức ăn đại bổ là yến sào sống ngoài hoang đảo? Vẫn biết khi ăn những món ăn đại bổ sâm, nhung yến, thân thể sẽ căng cường sinh lực và tuổi thọ sẽ cao. 2.- Những người muốn trở thành tiên((Thông-hành tiên) cần phải kiên trì hấp-thụ những tinh-hoa. Tôi dốt nát thật tình không biết những tinh-hoa là những tinh-hoa nào. Hiểu một cách thô thiển, tinh-hoa là những phần tinh tế nhất của đất trời, của vũ trụ, là hương hoa của cỏ cây tới mùa đơm hoa bằng những côn trùng ong bướm hiển hoa (hoặc ẩn hoa) rồi kết trái.Là tinh-hoa, những thành phần ưu tú trong xã-hội, trong nhân loại, thông minh xuất chúng, học một biết mười, nhưng lại muốn cứu giúp khỏi xã hội thoát khỏi vòng trầm luân khổ ải. Như đức Phật Như Lai. Như đức Thế Tôn và hằng hà vô số vô lượng chư vị Bồ Tát khác. Nếu tinh-hoa là những thực hữu như thế thì tôi có thể hiểu một phần nhỏ, rất nhỏ của tinh-hoa. 3.- Những người muốn trở thành tiên (Phi-hành tiên), phải kiên trì sử dụng cỏ cây gọi là đạo-thuốc, tôi nghĩ có lẽ là thuốc Nam và thuốc Bắc. thuốc Nam như lá mảng cầu, lá chanh, lá bưởi, lá cam, lá lốt, lá mơ, bình dân là lá thúi địt, lá chùm bao, cây nha đam, rau diếp, rễ cỏ gấu, lá khuynh diệp còn gọi bạc hà,vân vân. Thuốc Bắc như là nhân sâm, nhục quế, hà thủ ô, đỗ trọng, sanh địa, vân vân. Riêng tôi, tôi vẫn không biết rõ kết quả của một số thuốc Nam thuộc loại độc dược có tác dụng ra làm sao như cây thẫu tức cây thuốc phiện, cây cần sa, hột mã-tiền tức hột củ chi ,cây và lá cà độc dược. 4.- Lại những người muốn tu thành tiên(Không-thành tiên), phải kiên trì làm những động tác(?)mà không ngừng nghỉ, đến lúc nguyên-khí được thành tựu. Tôi thực tình không am tường về chuyện... nguyên khí. Nguyên khí phải chăng là... tinh-khí, phải chăng là tinh dịch, chất lỏng chứa hàng triệu tinh trùng mỗi lần giao hợp? Nhưng phải thực hành động tác, phải... thủ dâm hằng ngày? Nếu quả vậy, tôi thiết nghĩ không thể đủ sức, đầy đủ sức khỏe sinh lực để thi thố về lâu về dài đâu. Cảnh Tiên hoặc cảnh Ðào Nguyên, hoặc cảnh chốn trần gian tôi nghĩ phong cảnh nào lúc còn một thời niên thiếu hoa niên bao giờ cũng đẹp. Như một làng Từ-Lâm nhỏ bé xinh xắn trên đồi trong tập truyện Người Quay Tơ. Như bài thơ tuyệt đẹp Tống Biệt tiễn đưa hai khách tục trở về trần-giới. Cảnh thực cảnh mộng kể ra thực khó phân biệt. Tiếc là tôi không đủ trình độ kiến thức để giải thích tường tận sự uyên thâm của ý nghĩa thuật pháp tu-tiên. “Dưới ánh trăng, hai ông tiên ngồi đánh ván cờ thiên cổ.” Hai thực hữu chúng sinh đã thành “hai ông tiên.”, luyện tu theo chánh giác, vượt vòng kiềm tỏa của thờI gian. Mà vượt vòng kiềm tỏa của thời gian chắc chắn phải là lâu lắm, một nghìn năm nhưng cũng có thể một vạn, một triệu năm. Bằng cớ là hai ông tiên ( ngồi đánh ván cờ thiên cổ), một ván cờ đã bắt đầu từ nghìn xưa từ khi hai thực hữu đã thành tiên thực sự, đang đánh một nước cờ nát óc và không ai được biết ván cờ sẽ kết thúc vào thời kỳ nào, thời kỳ hoàng kim, thời kỳ thạch thiết, thời kỳ hoàng đồng hay thời kỳ... đồ đá? ./. Võ Doãn Nhẫn *** Beethoven: "Fur Elise" - John Novacek *

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.