Dec 26, 2024

Tùy bút - Bút ký

Chuyện Một Người Di Cư Nhức Đầu Vừa Phải (I)
Nguyễn Bá Trạc * đăng lúc 10:46:58 PM, Feb 28, 2017 * Số lần xem: 2284
Hình ảnh
#1

 * đăng lúc 08:42:39 AM, May 23, 2012 * Số lần xem: 759

Chuyện của một người di cư nhức đầu vừa phải (II)

(I)

Lời nói đầu

Cuốn sách này bắt đầu viết lúc những người Việt đầu tiên đến Mỹ được 10 năm (1985), chấm dứt lúc người viết rời Mỹ đi làm việc ở đảo tỵ nạn Pulau Bidong, Mã Lai (1987). Bấy giờ ở Mỹ cũng đã có các phương tiện thông tin Việt ngữ, nhưng hãy còn thô sơ và chưa rộng rãi. Viết trước hết là viết cho mình trong thời gian phần lớn rối rắm và buồn bã, nếu có nghĩ đến đối tượng người đọc cũng chỉ nghĩ hạn chế trong bạn hữu và một số người Việt lưu lạc ở hai vùng nam, bắc tiểu bang California.

Ba mươi năm sau khi rời khỏi nước, nhiều biến cố đã xẩy ra, nhiều cảm xúc và suy nghĩ đổi khác, các kỹ thuật truyền thông đã hoàn toàn thay đổi. Nhưng cuốn sách nhỏ này vẫn đứng nguyên tại chỗ, như một tấm ảnh đen trắng cũ, chụp bằng phim âm bản lỗi thời, nay được chụp lại bằng máy digital để đưa lên internet.

Nguyễn Bá Trạc
San Jose, 15 tháng Ba, 2005



1.

Thung lũng nở hoa Quince

San Jose 1985.

Khi nhìn ra đường phố, cây cối, nhà cửa để nhắc mình về thời gian và không gian này đây, ông X. ghi nhận: Xuân đã trở về từ cuối tháng hai. Những mầm lá đâm vội khắp thung lũng, hoa quince đỏ nở rực rỡ.

Hình như cũng có thứ hoa quince mầu trắng.

Ông không biết chắc, nhưng sau mười năm ở Mỹ, ông bắt đầu biết đến loại hoa tựa như hoa mai, hoa đào nở đầu xuân. Tên nó là hoa quince.

Hoa quince nở.

Tiếng khánh thủy tinh trong gió kêu leng keng.

Mỗi khi ngưng suy nghĩ, bước ra khỏi thế giới chìm đắm bên trong, ngắm nhìn mọi thứ bên ngoài: nắng đã trở về, hoa quince nở rực rỡ, thì ông cũng ý thức là thỉnh thoảng ông vẫn quan sát cuộc đời và quan sát mình như người này quan sát người kia trong lúc người ấy quan sát một người khác.

Tách rời khỏi mình, nhìn mọi người hững hờ hoặc cuồng nhiệt quay vòng vòng vô thức theo hình trôn ốc của đời sống (của vũ trụ, của con đường sữa) cùng tất cả những gì thế giới cứ ràng buộc chằng chịt lên nhau, ông thấy: Không có gì thực hoàn hảo. Những nghịch lý lẫn vào giấc mơ. Cơn cháy bùng rồi tắt rụi. Mọi người vụng về khỏa lấp hỏng hụt của mình rồi lại chìm đắm vào cơn mơ vì người ta thích kết luận đơn giản hơn là chấp nhận suy nghĩ phức tạp hoặc giả, dám tin hẳn vào trực cảm.

Những lúc như vậy: Mặt trời, ánh nắng, hoa lá và ngay những con chim mockingbird kêu rộn trong bầu trời trong vắt cũng không làm thay đổi các cảm xúc tiêu cực bên trong.

Lúc ấy người ta khó ghi nhận bằng thẩm mỹ tươi sáng.

Người ta chụp bắt nhanh hơn cái u ám hoặc hằn học của một gã say sưa khốn khổ, người thực khách uể oải nuốt từng sợi phở trong góc quán, nụ cười sầu thảm, bộ mặt giả hình, tham vọng che giấu, những khao khát hèn kém mù mờ.

Và dù người ta có từ chối cũng không tránh được vòng quay đường trôn ốc. Cái vòng toả rộng từ điểm sâu hút, nơi một ngày kia mỗi linh hồn sẽ trở về trong khi tất cả những tinh cầu, ngôi sao, mặt trăng, mặt trời, những thuộc tinh của mặt trời cứ tiếp tục xoay đến vô cùng.

Ðêm nay trời sáng trăng.

Họ ngồi trong khu vườn nói chuyện lẫn với tiếng côn trùng.

Ông X. bồn chồn nói với bà bạn về cái vòng trôn ốc:

"Bạn tôi, một hoạ sĩ" - ông X. nói - "sau mười ngày thoát khỏi Việt Nam, trôi lênh đênh trên mặt biển với bão tố, đói khát và tuyệt vọng. Mở mắt ra thấy một hòn đảo Nam Dương vừa lúc sức lực đã cùng kiệt. Ông ta như một tờ giấy thấm, ào một cái, ghi nhận tất cả những mảng mầu. Những người đàn bà Nam Dương mặc sà rông vàng tím đi trên mảng đất nâu non. Lá cây mầu xanh chàm. Ông bảo trong phút chốc những mảng mầu ấy tràn ngập tất cả phần còn lại của tâm hồn, cho nên bây giờ đến Mỹ không còn chỗ để ghi nhận thêm gì nữa."

Ông X. mô tả:

"Bạn tôi cười đấy rồi khóc đấy. Giữa cười và khóc không một lằn ranh. Tấm giấy thấm từng in bao đau thương: Khói lửa, tù đầy, chia cách, bão tố, chợt một cái-đời sống lại hiện ra với mảng mầu tươi rói trên hòn đảo.

Thưa bà, làm sao ông còn có thể vẽ với quy ước thông thường?

Tất cả những xáo trộn? Nó đột xuất.

Tâm hồn dễ rung như cái dây đàn.

Ông ta cười và khóc vì chia cách và mất mát thôi ư?

Tôi e đây chỉ là kết luận đơn giản, không phải cái đơn giản chất phác mà sâu sắc. Nhưng là cái đơn giản của trực giác cùn nhụt, mất tinh tế.

Bạn tôi ý thức được đường di động của cuộc đời và mọi tinh cầu chung quanh ông.

Linh hồn ông quay vòng theo đường trôn ốc mà chỉ mẫn nhuệ mới cảm thấy với đủ ý thức, còn chúng ta có lẽ không.

Ðêm nay có phải ta đã nói chuyện phiếm về giới hạn của lý trí? Cái sai lệch của lý luận như Achille chạy đua với con rùa? Thưa bà, phần tôi chỉ dám nói:

Kìa, hôm nay trăng tròn. Tôi không đòi hỏi gì. Không nóng quá. Không lạnh quá. Ðêm nay, chính vào giây phút này đây mọi sự rất bình thường."

Khi ông X. dứt lời, bà bạn bật cười. Cả hai chỉ tay vào mặt nhau mà nói:

"Hãy nhớ lấy."

*


Thơ của Nguyễn Văn X.

Tháng Tư

(1)

Bước đi trong đêm dài
đường thơm mùi dạ lý
chẳng biết buồn hay vui.

Không gian đầy hoa trắng
thu mình dưới lá xanh
lá xanh và hoa trắng
bóng đêm và ánh trăng.

Bước đi trong đêm dài
đường thơm mùi dạ lý
biết thèm ngụm nước trong
biết thôi đừng suy nghĩ.

Bốn phương trời im vắng
hai bên bờ lá xanh
biết lòng còn lẫn lộn
bóng đêm và ánh trăng.

Bước đi trong đêm dài
màn sương mờ bụi đất
biết lòng mình mệt nhoài
biết không tìm cũng gặp
thời gian và tương lai.

(2)

Bây giờ đầu mùa xuân
thung lũng nở hoa quince
người đàn bà áo trắng
lướt qua như thủy tinh.

Dưới những gốc cây sồi
một người già nằm xuống
những bài thơ sống lại
một đứa trẻ ra đời.
Giấc mơ và tiếng nói
bóng đêm và ánh trăng
trong những hòa âm mới
giữa những người và người.

Bây giờ đầu mùa xuân
thung lũng nở hoa quince
bước về từ dĩ vãng
những mối tình thức dậy
lướt qua như thuỷ tinh.
Bây giờ là mùa xuân
không gian đầy hoa trắng...


*


Anh Y.,

Nhiều lần tôi tưởng ra một đêm, như nhiều đêm cô quạnh chúng ta tìm đến nhau nói tiếng Việt, lái xe đi uống cà phê, mà tôi thì sẽ chủ động để nói chuyện cái lỗ tai.

Việt Nam 1945.

Hai triệu người chết đói. Người Pháp, người Nhật tranh nhau chiếm xứ này. Lúa nhổ đi để thay bằng đay, gai. Gạo trong Nam không được chở ra Bắc. Xác người nằm la liệt khắp đường phố Hà Nội. Người ta thuê nhà thầu dùng xe bò lượm xác, chở về toà thị chính đếm và lãnh tiền rồi mang đi chôn.

Các nhà thầu gian lận bằng cách đếm xác hai lần. Họ chở xác đi một vòng rồi quay về đếm lại để lãnh tiền thêm lần nữa.

Người ta giải quyết sự gian lận bằng cách đánh dấu xác chết: Xác nào đã đếm rồi thì cắt cái lỗ tai.

Anh bạn thân mến,

Xin lỗi anh về tính mỉa mai trêu ghẹo. Nhưng tôi không có ý bất kính với những xác chết đau thương. Mà nhiều đêm cứ trằn trọc khi nghĩ đến hành trình liên tục của con người để phản ứng chống dục vọng. Của cá nhân, của tổ chức, của xã hội. Dục tình. Ham muốn chiếm hữu đất đai, của cải, quyền lực, danh vọng. Cuộc chống chọi ấy dắt đến những quy ước luân lý, sắp xếp xã hội, luật pháp, các chế độ chính trị. Và tôi thấy hình như ai cũng cố vươn lên để đạt thẩm mỹ, chống chọi với dục vọng, đạt tới hoà bình, ấm no và công chính. Mọi hình thái luân lý, luật pháp, chính trị và nhất là tôn giáo và triết học đều cùng có cố gắng như vậy. Cái đỉnh chung chung ấy có thể đi nhiều lối khác nhau chăng? Nhưng kết quả?

Là vòng tròn mâu thuẫn, xác chết, những cái lỗ tai cắt rời?

Là những cuộc thánh chiến và chủ nghĩa anh hùng?

Vậy thì tiết, giới hay là phóng?

Tư bản hay Cộng sản? Phật giáo? Hồi giáo? Do Thái giáo? Thiên Chúa giáo hay Tin lành?

Thật tối tăm mặt mũi với tất cả nghịch lý vì những người yêu công chính lại quay về cào xé nhau, mà chống lại con người.

Anh bảo suy nghĩ thế ai mà chẳng biết.

Thưa anh, tôi Nguyễn Văn X., xin chọn một cái gì giữa sự đơn giản thái quá (tên là ngu ngốc) và sâu sắc thái quá (tên là mông lung quỷ quyệt).

Tôi muốn ngắm nhìn vẻ đẹp giữa ánh sáng rực rỡ và bóng đêm tối tăm.

Tôi muốn bay theo thời gian vĩnh cửu để nhìn đời sống một cách tổng quát toàn diện hơn, nhưng tôi vẫn vướng mắc vào các vấn đề chi tiết và ngắn ngủi của hiện tại như cơm áo, chiến tranh, ý nghĩ về những sợi phở, bọn khả ố, cái lỗ tai xám ngoét.

Thú thực với anh, nửa đêm có lúc tôi thức dậy soi gương. Có hôm tôi đeo cả con dao găm vào thắt lưng xem mình có vẻ là chiến sĩ hay không? Thè lưỡi méo mồm xem mình có phải là một thằng hề?

Tôi muốn thử tất cả các bộ dạng khác nhau để tìm một gã sinh ra phía bên kia quả cầu với thời ấu thơ mầu trắng, mầu xanh, rồi trôi đi, vùi dập trong mầu tím thẫm, mầu đỏ, mầu nâu đất, mầu xám rồi đen đục.

Nhưng câu chuyện càng dài dòng hơn với lý luận. (Không bao giờ người ta có thể di chuyển từ điểm A đến điểm B vì luôn luôn còn phải vượt qua cái điểm giữa của nửa chặng đường còn lại). Tương đối, có lẽ tương đối là mấy bài thơ gần hơn với sự thực của người kể chuyện. Vì nó chở cảm xúc. Vì nếu dối trá thì cũng thành thực dối trá trong lúc cảm xúc tràn đến lừa bịp tâm hồn.

Bây giờ là mùa xuân, sao tôi cứ nghĩ mãi đến những đêm hè trắng xanh.

Mùa hè ở đâu? Quê ta, Việt Nam? Bây giờ lúc nào? 1945, hai triệu người chết đói? 1955, Việt Nam vừa cắt làm đôi? 1965, lúc chúng ta rời đại học, lăn vào bụi đất trên chiến trường? 1975, lúc mấy trăm ngàn người Việt tung ra khỏi nước, vùi mình dưới đại dương, trôi khắp năm châu?

Không, thưa anh bây giờ là tháng Tư. San Jose 1985.

Ðúng ba ngày sau hôm ông K. mất thì tôi vừa có thêm một đứa con gái.

Tôi đặt tên nó là Mê Linh Mélinda.

Mê Linh, làng Hạ Lôi, đất của Trưng Trắc Trưng Nhị, của những người đàn bà Việt Nam anh hùng phất cờ chống ngoại xâm.

Mélinda, tên mẹ nó, dòng giống Bắc Âu. Xứ của băng tuyết và những ngày tháng lạnh lẽo.

Khi nhìn mẹ nó đau đẻ: mồ hôi toát ra, run rẩy từng chập, tôi chìm vào dĩ vãng và cũng cảm thấy mình xoay theo vòng trôn ốc. Tôi cảm thấy tất cả chúng ta nằm trong tay thiên nhiên và suốt tuần nay tâm hồn tôi trắng xanh.

Tôi đứng nhìn người đàn bà, người mẹ, rung lên như một cành lá từ buổi chiều, suốt một đêm trắng với bộ mặt xanh nhợt. Ðứa nhỏ bị nhau quấn vào cổ, nhịp tim có lúc muốn tắt và đập rất thấp trong bụng mẹ, không ra lọt ra được ngưỡng cửa cuộc đời.

Cái máy đo tim cho đứa bé đặt áp trên bụng mẹ tic-tac-tic-tac suốt đêm: 99, 100, 150, 151, 80, 50, 40. Cơn đau kéo dài cho đến hôm sau không suy suyển.

Khi trời mờ sáng, tôi nhìn ra từ từng lầu năm của nhà thương thấy mặt trời hiện dần lên trên đồi núi xanh thẳm dưới đôi cánh dang rộng của các thần linh. Và đây là núi đồi châu Mỹ.

Tám giờ sáng, các bác sĩ quyết định mổ. Chừng 30% trẻ con ở đây ra đời như thế. Ðứa bé được kéo ra khỏi bụng mẹ qua đường dao cắt. Nó cũng xanh nhợt, mặt mày nhăn nhúm, lo lắng, bất an.

Thưa anh, dù là một đứa bé mới đẻ, chúng cũng có thể nói và nghe. Nó nói bằng tiếng khóc và đôi mắt. Nó nghe bằng sự cọ xát của bàn tay và làn da. Tôi đặt tay lên đầu nó, nói với tấm lòng yên lặng:

«Ðây, hãy bước ra và đi. Ði giữa tất cả các anh chị em để đương đầu với đau khổ và biết nắm giữ lấy hạnh phúc.»

Lúc ấy đứa bé quẫy lên.

Tất nhiên tôi còn nói vài điều nữa. Nhưng xin khỏi mô tả đề tránh những xuyên tạc hẹp hòi.

Sau khi ra khỏi nhà thương, tôi ghé đến thăm ông K. nằm ở nhà xác trong một cái quan tài đầy hoa. Ông nhắm mắt yên nghỉ giữa những đoá hoa châu Mỹ, không chừng có cả hoa quince. Ông có năm người con trai. Người đầu tiên, sĩ quan quân đội Việt Nam Cộng hoà thất lạc từ 1975 khi Cộng Sản chiếm trọn miền Nam Việt Nam. Người thứ ba chết trong trại cải tạo công sản. Bây giờ ở châu Mỹ, ông nhắm mắt với khuôn mặt yên nghỉ bên những người bạn và những người học trò cũ đến thắp hương nghiêng mình.

Anh Y, tâm hồn tôi lại đầy màu trắng và màu xanh, hương hoa dạ lý trong một đêm hè quê cũ. Tôi lẫn lộn thời gian với không gian cùng mùi thơm của tất cả các loài hoa ở bên này bên kia trái đất. Ðôi khi một cách hững hờ, tôi cũng bắt gặp cả cảm giác mỏng manh như những mối tình màu trắng, dễ vỡ như thuỷ tinh.

Ðêm về tôi nằm chìm đắm với bài thơ lẫn lộn màu trắng, màu xanh, thị kiến về đường đời, những mối tình, đoá hoa, cảm xúc cổ điển của thi ca lãng mạn, dằng xé của tất cả cuộc đời và vũ trụ xoay theo hình trôn ốc. Một đường xoay đến tận vô cùng.

Một đường xoay chuyển dịch trên bầu trời như những ngôi sao mà anh có thể nhìn thấy ban đêm trên cánh đồng, trong một khu rừng.

Một đường xoay trên đám mây trôi đi từ thủa ấu thơ, trong những ngày đi bộ trên con đường đất, hai bên là lúa vàng và những đàn chim mía trở về kêu ríu rít.

Nửa đêm, tôi khát nước kinh khủng.

Ở vùng này, nước đang bị nhiễm độc vì hóa chất từ các nhà máy điện tử thấm ra. Chúng tôi phải mua nước uống bán ở các siêu thị.

Nước này trong và sạch vì nó là nước cất.

(Ký tên: Bạn anh, Nguyễn Văn X., một người di cư nhức đầu vừa phải).


2.

Hoa dủ dẻ

1995 Ðà Nẵng thức dậy một buổi sớm mai trong trẻo, bãi cát vắng hoe.

Còn buổi trưa? Thành phố vẫn ngái ngủ trong ánh sáng lấp lánh trôi trên sông Hàn từ Non Nước đổ ra Tiên Sa, trôi ra biển.

Ðêm đêm, người ta trải chiếu trên bãi, ngồi dưới rặng phi lao ăn chè đậu xanh, hoặc bắc cái chõng ra giữa vườn nhìn sao sáng.

Tất cả những con đường, bây giờ tôi vẫn nhớ. Làng mạc, núi non, vùng quê chung quanh trồng lúa, sắn, thuốc lá, vùng Cẩm Lệ, Phong Lệ chạy đến các quận Ðiện Bàn, Vĩnh Ðiện, Mỹ Thị, Mỹ Khê, ngọn núi Sơn Chà, dãy núi Phước Tường với những bụi cây chà-là dại.

Bấy giờ, tôi còn là một gã thiếu niên tóc ngắn, mặc quần cộc, đi guốc xà-lan hoặc dép cao-su lốp, cùng bạn hữu đua xe đạp chung quanh trường, hoặc một mình vào buổi chiều vừa huýt sáo vừa phóng xe từ đỉnh dốc Cầu Vồng thả xuống bờ sông, loanh quanh trên các con đường đầy bóng cây trước khi trở về nhà chong đèn ôn bài vở.

Nhà tôi ở xóm chính phủ.

Ðây là khu nhà rẻ tiền xây với quỹ viện trợ: nhà gian liền vách, mái lợp tôn xi măng, nơi tôi đã sống những tháng ngày sung sướng, chiến tranh hãy còn lắng đọng sau khi đất nước vừa cắt làm đôi.

Nhà của Thu Nhi khang trang, không xa nhà tôi. Căn nhà sát chùa Tỉnh Hội, tường gạch mái ngói, trước mặt là tấm bình phong tỉa bằng cây, hai bên hai gốc dừa, sau lưng bốn gốc cau. Cái gì cũng cân đối, bình thản.

Tôi và Thu Nhi học một trường. Nhi học dưới tôi một lớp. Nhi mặc áo dài trắng bằng vải thường, kẹp tóc, tay đeo vòng đá làm ở Non Nước. Mắt Thu Nhi đen nhánh. Tóc Thu Nhi cũng vậy. Nhưng cái áo và khuôn mặt nhẹ nhõm hiền hậu lúc nào cũng toả ra một màu trắng toát.

Cho đến năm ấy, tôi chưa từng biết trên đời có ai xinh đẹp hơn.

Trường tôi lúc đó mới xây, chỉ có tám phòng, toàn những lớp trung học đệ nhất cấp, ngày nay kể là lớp sáu đến lớp chín. Mỗi lớp trung bình có 50 học trò, mười cái bàn, ghế, xếp làm hai dãy. Cứ năm đứa ngồi sát vai một bàn. Ða số học trò trai. Con gái chỉ chiếm hai bàn đầu bên dãy trái. Những học trò trai siêng năng thường ngồi bàn đầu bên tay phải, nơi đó chúng giơ tay trả lời các câu hỏi một cách ngoan ngoãn lẹ làng.

Sau hai năm từ bàn đầu tôi tìm cách lui xuống bàn thứ hai, cuối cùng lọt hẳn xuống bàn chót. Nơi đây chúng tôi thì thào nói chuyện, chuyền nhau những mảnh giấy vụn, quay lên quay xuống, rung bàn, làm những thằng khác có muốn nắn nót cũng không viết ra chữ.

Học trò bàn chót ít khi xếp hạng cao, trừ phi chúng tôi có dịp giữ sổ điểm. Lúc ấy chúng tôi dùng thuốc tẩy: một lọ màu trắng, một lọ màu đỏ, sửa những con zéro thành số 9, số 10, có đứa còn tự cho mình điểm tối đa 20 trên 20.

Nhưng lũ học trò bàn chót lại là những ngôi sao sáng về đá banh, đua xe đạp. Về văn nghệ: đóng kịch, ca hát, đánh đàn mandoline hoặc đàn ghi-ta, làm bích báo - trong đó có thơ phú, tuỳ bút, tranh khôi hài. Có đứa còn sáng tác cả kịch thơ và âm nhạc.

Buổi sáng, chúng tôi dậy sớm đi tắm biển. Ðua xe đạp về những tỉnh nhỏ lân cận vào cuối tuần. Chúng tôi học tổ, năm ba đứa đến nhà nhau làm toán chung, đứa dốt chép đứa giỏi. Chúng tôi huênh hoang nói chuyện tầm phào, đứa này chưa dứt, đứa khác đã ôm bụng lăn ra cười.

Thỉnh thoảng, chúng tôi rủ nhau đi bộ trên đường quê, hai bên là tre và vườn sắn, thăm những ngôi chùa cổ trong xóm làng chung quanh. Thường chúng tôi về chùa bà Quảng, một ngôi chùa cũ kỹ ẩm ướt, mái và tường loang lổ rêu xanh.

Ông giám thị trường tôi, một người ít khi cười, không bao giờ đi nhanh, thường mặc một bộ vét cũ nhưng sạch sẽ. Ông nổi tiếng nghiêm trang trong việc giữ kỷ luật hiệu đoàn. Ông cũng là người được chúng tôi đặt cho nhiều biệt hiệu hơn tất cả các giáo sư và nhân viên khác trong trường.

Sáng hôm ấy, sau giờ học đầu, chúng tôi ngồi thẳng người, hai tay đặt lên bàn giả vờ chăm chú nghe giáo sư giảng bài. Nhưng tất cả mọi cặp mắt thỉnh thoảng đều liếc ra sân: Ông giám thị đang đi nhanh hơn thường lệ, ông te tái tới lui tìm kiếm hoảng hốt. Ông tìm cái gì? Ông mất cái xe “đuy ra”, lúc ấy ít ù người sắm nổi. Chiếc xe đạp bằng nhôm của Pháp vừa đẹp vừa nhẹ, mạ kền bóng loáng, không một tay đua nào trong trường không mơ ước.

Ông giám thị đến từng phòng, cuối cùng vào lớp tôi gõ cửa.

Ông lom khom run giọng hỏi:

"Có trò nào thấy cái xe của thầy?"

Cả lớp im lặng. Bọn bàn đầu ngồi ngay ngắn hơn. Bọn bàn cuối láo liên. Cuối cùng, tất cả ồ lên cười: Chiếc xe đạp láng bóng trong nắng, lắc lư nhè nhẹ theo chiều gio, nóù được treo tòn ten trên đỉnh cột cờ.

Năm đứa chúng tôi bị phạt cấm túc: đứng thẳng như trời trồng giữa sân, cổ đeo tấm bảng "vô kỷ luật". Ðứng ngay dưới cột cờ, nơi chúng tôi đã tháo lá quốc kỳ long trọng mà kéo cái xe đạp của thầy giám thị lên đỉnh cột.

Vào giờ ra chơi, trong lúc khinh bỉ nhìn lũ bạn vây quanh trêu chọc, tôi gặp phải cặp mắt đen nhánh.
Cặp mắt tức giận mà hiền hậu, buồn bã mà lại muốn bật cười. Cặp mắt chiếu những cảm xúc trái ngược làm tôi ngượng ngập và thắc mắc cho đến khi hiểu chính cô ta là con gái ông giám thị.

Từ đấy tôi biết hôm nào Thu Nhi mặc áo gì. Xe đạp cô ta có hai sợi cao su móc trên cái “pooc-ba-ga” chở đồ, cô ta gài tà áo sau vào cho khỏi vướng bánh xe. Cô ta đeo một cái vòng đá làm ở núi Non Nước. Mắt cô ta đen nhánh.

Khi học bài, tôi bắt đầu lơ đãng nhìn ra trời, những ngọn cây, nghe trái sầu đông rơi lộp độp trên mái nhà. Không biết từ lúc nào tôi bắt đầu viết tên tắt của Thu Nhi lên trang vở.

Tôi đổi chữ ký. Nét cuối ngoắc thành một chữ N vướng vít. Tôi mượn các bạn những quyển thơ chép tay trên giấy pơ-luya mỏng. Tôi bớt đua xe đạp. Tôi bỏ thì giờ đọc những câu: "Ta là con chim đến từ núi lạ, ngứa cổ hát chơi". Bây giờ tôi bâng khuâng: "Chiều nay bướm trắng ra nhiều quá". Tôi thấy mây bay là tà áo trắng, mắt Thu Nhi ở khắp nơi trên đường phố, trên nhánh phượng, trên luống rau cải xanh mướt khi gió đông về, những con bướm màu da cam bay chập chờn khắp không trung.

Nói cho ngay, tôi không bao giờ đến gần.

Cô ta đi với bạn, tôi đứng nhìn ở góc lớp. Cô ta ở bên kia đường, tôi đứng bên này, chân tay vung vẩy.

Tôi thay guốc xà-lan, thay đôi dép cao su lốp. Tôi mặc quần tây dài, đi xăng-đan đế da. Nhưng như thế càng thêm ngượng nghịu.

Tết năm ấy, tôi bạo dạn đến gần hơn.

Tôi làm quen với Liên, bạn của Thu Nhi. Hai cô đều ở trong ban văn nghệ, họ thường họp nhau tập múa, hát, để chuẩn bịcho buổi liên hoan tất niên của nhà trường.

Ðang là tay đua xe đạp, tôi rút khỏi ban thể thao, gia nhập ban văn nghệ. Không hát, không đóng kịch ngâm thơ thì lãnh phần kéo màn: đập chân đồm độp để báo hiệu trên sàn gỗ rồi kéo màn ra, đóng màn vào. Tôi cũng lăng xăng như mọi người để chuẩn bị buổi trình diễn mùa xuân.

Ðêm hôm ấy, Thu Nhi và Liên trình diễn một điệu vũ. Thu Nhi sẽ mặc một cái quần tây. Xin nói rõ: Thủa ấy con gái Ðà Nẵng không mặc quần tây, không mặc váy. Họ đều mang áo dài và cái quần rộng kiểu cổ bằng vải Mỹ A. Chẳng may cái quần tây Thu Nhi mang theo lạc đâu mất trong đám dụng cụ âm nhạc ngổn ngang.

Tôi không nhớ thực sự mình đã trả lời gì khi Liên chạy lại góc sân khấu hỏi mượn cái quần tôi đang mặc cho Thu Nhi, nhưng tôi nhớ rõ đêm hôm ấy tôi mặc cái quần vải “sharkskin” Nhật Bổn màu nâu bóng. Ðứng lom khom sau tấm phông vẽ cánh đồng với mái nhà tranh, tôi cởi ngay cái quần đang mặc, thò tay đưa cho Liên. Tay kia tiếp tục nắm giây màn sân khấu, tôi ngồi thụp xuống che cặp chân và cái quần lót sau tấm phông, tôi kéo màn lên, thò đầu ra sung sướng nhìn Thu Nhi mặc cái quần của tôi vén ống.

Hai cô con gái nhịp nhàng nhẩy một điệu hát vui tươi.

Bây giờ đã ba mươi năm qua, mười năm đi khỏi nước, mỗi lúc nhớ lại điệu nhạc rộn rã đêm ấy, trong lòng tôi lại tưởng ra cái sân khấu gỗ dựng sơ sài trong sân trường, tất cả học trò trai gái và dân chúng trong tỉnh: ngồi, nằm, bò dưới đất, trên các bờ tường, trẻ con leo lên cành cây, còn trên sân khấu, dưới ánh đèn mầu xanh lục, mầu hồng tươi, những khuôn mặt vô tư rạng rỡ, mồm họ là những chữ O, linh hồn họ làm bằng pha lê, họ vui sướng ca hát nhịp nhàng cho tuổi thiếu thời và những mùa xuân bình ổn.

Xuân năm ấy, mùa xuân cuối cùng chúng tôi gần nhau. Ðà Nẵng chưa có trường trung học đệ nhị cấp. Tôi ra Huế trọ học rồi vào Sài Gòn.

Thỉnh thoảng mới có dịp về thăm nhà và không bao giờ gặp lại Thu Nhi nữa.


Ðà Nẵng trở thành một căn cứ quân sự lớn. Suốt đêm ngày phản lực cơ, chiến đấu cơ, trực thăng Mỹ bay túi bụi. Ðạn pháo kích chế ở Tiệp, ở Nga mà Cộng Sản Việt Nam tác xạ đều đặn rót xuống phi trường. Ðám dân Việt sống xúm xít chung quanh chẳng may đụng ai nấy chịu. Nhà nào cũng đào sẵn cái hầm sơ sài, chung quanh chất bao cát. Người theo đạo Phật thì tụng kinh, người theo đạo Chúa thì cầu nguyện và làm dấu thánh giá. Tụng kinh cầu nguyện xong, tối vào hầm cát ngả lưng mà ngủ.

Các con đường cũ thay đổi hẳn. Hàng cây xanh bị cưa đi để mở rộng đường cho xe nhà binh chạy, lộ ra hai mặt phố trơ trẽn. Bảng hiệu bắt đầu đề tiếng Anh. Các tiệm chất đầy rượu bia, các món tuôn ra từ hợp tác xa quân đội Mỹ, gọi là đồ PX, các món hàng kỷ niệm rẻ tiền, những cái áo da thêu huy hiệu binh đội Mỹ trên bản đồ Việt Nam.Tấp nập các cô gái quê bây giờ đánh phấn dầy, mặc váy ngắn. Ðường phố lũ lượt những quân nhân công chức bỏ sở chạy xe Honda để kiếm thêm tiền mua gạo sữa mỗi lúc một đắt. Ðủ thứ động cơ và tiếng nói, sặc sụa mùi chiến tranh và những cuộc vui tạm bợ.

Vài lần từ Huế hoặc Sài Gòn trở về nhà, nhìn những thay đổi, nghe nói Thu Nhi đã lấy chồng rồi có con. Lại nghe chồng Thu Nhi, một chuẩn uý không quân chết vì máy bay nổ ngay phi trường. Rồi cũng nghe tin thầy giám thị qua đời để lại cho Thu Nhi gánh vác gia đình với bà mẹ già, mấy đứa em nhỏ và một đứa con dại.

Một lần về thăm nhà, tôi cũng thoát chết trong một cuộc pháo kích. Cả khu Hoà Ða sát phi trường nơi gia đình tôi dọn về đều bị tiêu hủy. Ðạn bay xé trời, nửa đêm sáng rực như mặt trời mới mọc. Mảnh hoả tiễn rơi rổn rảng trên mái nhà. Hơn hai ngàn dân trong một xóm đạo cháy thành than, cả khu nát vụn, trơ lại góc nhà thờ và những cây cột cháy dở dang.

Tôi cũng lăn mình đi các tỉnh kiếm sống, rồi bị kêu nhập ngũ, rồi bị thương bốn lần, tám năm sau giải ngũ. Tôi đã lăn lộn trong cuộc đời, núi đồi trơ trụi, sình lầy đất đỏ, tiền đồn sặc mùi xác chết, tiếng nổ xé hệ thần kinh, vườn dừa xác xơ gãy ngọn, mảnh thịt vắt trên rào gai, đêm tối im lìm ghê rợn, đói khát máu mủ muỗi mòng, những ngọn chông cắm lút thân người, cặp mắt trợn trừng không khép, thèm muốn không ngừng, những quán rượu và nhà chứa rẻ tiền. Tôi quay theo mọi xung động, trải qua khá nhiều đàn bà ở những nơi tôi đặt chân đến nhưng không bao giờ có lại những rung động trong sáng và êm ả như xưa nữa.

Mỗi lần về lại Ðà Nẵng càng thấy người ta vất vả hơn, máy bay nhiều hơn, chung quanh phi trường ngày một đông hơn lũ trẻ bán rong các thứ hàng cấm. Mọi người bóc trần dưới nắng gay gắt kiếm sống bên đống rác vùi thuốc lá, đồ hộp khẩu phần C. Ðàn bà rủ nhau làm nghề dọn phòng cho sĩ quan Mỹ. Ðàn ông mở bar, đi thầu cho quân đội. Lúc ấy tôi nghe Thu Nhi cũng vào phi trường làm việc trong một căn cứ tiếp vận Mỹ.

Vùng ánh sáng nghiêm trang hiền hậu toát ra từ người con gái kia lúc nào cũng gần mà lại xa xăm. Tưởng không thật. Tưởng như vẫn còn mà như đã mất. Rồi nghe nói Thu Nhi có một đứa con lai Mỹ, bà mẹ mang về nuôi với đứa cháu đầu. Vài năm sau lúc quân Ðại Hàn sang tham chiến, lại nghe Thu Nhi lấy chồng Ðại Hàn, có thêm đứa con nữa, nhưng người chồng về nước.

Tôi không thể kể hết chi tiết những gì đã xảy ra cho cuộc đời một người con gái ở ngôi trường cũ. Hơn nữa, cũng chỉ là những tin rời rạc nghe kể lại từ bạn bè đôi khi tình cờ gặp.

Phần tôi, chưa bao giờ thắc mắc về những gì đã xẩy ra cho Thu Nhi cũng như cho tôi sau mọi biến động không biết tại sao, lúc nào, thực sự bắt đầu từ bao giờ đã cuốn phăng tất cả thời êm ái xa xưa. Những biến động kỳ lạ chôn vùi quá khứ vào sâu thẳm, ngoảnh về, vẫn thấp thoáng những tên lửa rốc-kết, hoả châu chập chờn trên cánh đồng đêm, những người Tầu, người Nhật, người Pháp, người Mỹ, Ðại Hàn, Mông Cổ, Bồ Ðào Nha, Tây Ban Nha... những binh đội xa lạ đặt gót, vươn tay đến vùi dập mảnh đất nhỏ bé có những hàng cau, hàng dừa, con sông, đồng lúa, những ngọn sầu đông ủ ê trong trời tết, và bây giờ vẫn binh đội, vẫn trại tập trung, những người công chức, những người lính cũ khắc khoải, đứa trẻ gầy gò thiếu ăn, lũ người lo âu túng đói, những người bỏ nước vùi thân trong biển cả như thượng đế đã chọn nơi này để thử thách và đầy đoạ con người.

Tôi chưa bao giờ thắc mắc nhiều hơn nữa về đời sống của Thu Nhi cũng như đời sống tôi, cũng như bây giờ, ít khi tôi muốn nghĩ về quá khứ, và cũng không xếp đặt gì cho tương lai.

Khi Cộng Sản chiếm đến Sài Gòn, tôi phiêu bạt ra biển, rồi được bảo trợ sang Mỹ, về Texas, làm đủ các thứ nghề sống qua ngày: gói hàng, rửa chén, tô điểm xác chết trong nhà táng. Mỗi đêm tôi và một người Mễ lui cui trong phòng lạnh với thây người xám ngoét, chúng tôi tô son vẽ phấn để sáng mở cửa cho thân nhân đến viếng, mở lên những bản nhạc nhẹ nhàng êm ái, xác người trở lại hồng hào trong quan tài bên đoá hoa thược dược, lay dơn, hoa cúc.

Ðược hai năm tôi bỏ Texas qua Louisiana ra biển đánh tôm, nhưng gặp xung đột với ngư phủ địa phương. Lại bỏ Louisiana về California học nghề in, kiếm không ra việc, rồi xin vào làm việc vặt cho một cơ quan thiện nguyện phụ trách bảo trợ di dân bên đảo tị nạn hoặc từ Việt Nam qua Mỹ.

Gia đình tôi thất lạc. Ðã chết trên biển? Hay đang ở vùng kinh tế mới? Mỗi ngày đọc thư và hồ sơ của những người ở đảo tị nạn, hay từ Việt Nam gửi sang, đôi khi tôi thấy mình đã trở nên lạnh nhạt. Thư nào ở Việt Nam gửi qua cũng cùng một giọng bi ai "Chúng tôi tuyệt vọng mong chờ". Hơn 600 ngàn lá đơn còn đang đọng tại toà đại sứ Mỹ ở Bangkok, trên một triệu người còn muốn rời khỏi nước. Những người này đôi khi không biết quả đất chúng ta đang sống đều ung thối, bất kể phía đỏ hay trắng, và đàng sau các hồ sơ tị nạn cũng có những trò chính trị thô bỉ của cả đôi bên.

Bên ấy, họ đang chết dần mòn trong các trại tập trung cải tạo, trong những ràng buộc cưỡng chế cực đoan và thiếu thốn đói khổ. Bên này chúng tôi bẽ bàng với nỗi trống không vô nghĩa, những cơn mê hoảng nhớ nhung lẫn lộn trong một đời sống vật chất bất nhân.

Nhưng tất cả đều chưa biết về đâu, đứng đâu, đi đâu, dừng đâu.

Ban đêm tôi nằm toát mồ hôi trong phòng vắng nghe tiếng còi cảnh sát hú chạy trên đường phố, thẫn người nghĩ ngợi mỗi khi gặp một gã da trắng phóng xe qua nhổ nước bọt hoặc đưa ngón tay làm một cử chỉ tục tĩu. Tôi nhìn tất cả những người quen, những người bạn và thấy cặp mắt họ rối mù.

Một hôm ngồi trong sở, tôi giở ra một cái phong bì gửi đến từ Việt Nam viết bằng một thứ tiếng Anh kinh viện nhưng còn nhiều lỗi chính tả, văn phạm. Tạm dịch:

Thành phố Hồ Chí Minh, 8 tháng 1 năm 1985

Kính gửi ông Giám đốc,

Cơ quan thiện nguyện...

Ðề mục: Ðơn xin đi Mỹ trong chương trình Ra Ði Có Trật Tự với tư cách tị nạn chính trị và có liên hệ với các chương trình huấn luyện của Mỹ.

Thưa ông,

Tôi ký tên dưới đây, Nguyễn Văn B. sinh ngày... nguyên là Thượng sĩ nhất Hải quân Việt Nam cũ, hiện cư ngụ tại phường...quận...thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam. Kính đệ đơn này xin ông vui lòng cứu xét và giúp tôi, tình trạng như sau:

- Phục vụ trong hải quân Việt Nam cũ từ 1964 trong nhiều căn cứ và đơn vị khác nhau ở miền nam Việt Nam, đơn vị chót thuộc bộ Tư lệnh vùng II duyên hải đặt tại Cam ranh dưới quyền chỉ huy của Phó đề đốc...

- Khi xẩy ra biến cố 1975, tôi bị đi học tập cải tạo nhiều tháng rồi được thả ra lần đầu vào năm 1977. Liền khi trở về Sài Gòn, lâp tức tôi liên lạc với "Lực lượng chí nguyện bí mật" nhằm mục đích giải phóng Việt Nam khỏi chế độ Cộng Sản. Tiếc thay, tổ chức bí mật của chúng tôi bị phá vỡ, và tôi bị chính quyền điạ phương bắt giữ lần thứ hai, bị gửi đi cải tạo lần nữa ở Bắc Việt sáu năm. Tôi vừa được thả ra ngày 6 tháng 1 năm 1985.

Tôi đã cộng tác với nhiều nhân viên Mỹ trong những ngày cũ, nhưng tôi không tiện kể ra trong thư này. Dẫu vậy, tôi chứng minh bằng giấy tờ kèm theo đây:

- Chứng chỉ lớp huấn luyện với sĩ quan Mỹ D. White về bảo trì, căn cứ Ðồng Tâm.

- Chứng chỉ về sửa chữa hải quân của cơ quan tư vấn giáo dục thuộc USAID.

Hiện nay tôi đang còn ở trong tình trạng quản chế bởi chính quyền địa phương. Tôi cầu mong ông giúp đỡ việc mở một hồ sơ bảo trợ gia đình tôi qua Mỹ.

Tôi tuyệt vọng mong chờ vì gia đình tôi đang ở trong một hoàn cảnh hết sức khó khăn bi đát. Ngoài ra, vợ tôi có một đứa con riêng lai Mỹ, mong được quý ông cứu xét đặc biệt.

Kính đơn,
Nguyễn Văn B.


Hồ sơ của Nguyễn văn B. có kèm theo hai tấm chứng chỉ in hình cờ Mỹ và Việt Nam Cộng hòa bắt chéo, một số giấy tờ khai sinh và một tấm Giấy ra trại:

Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam
Ðộc lập, Tự do, Hạnh phúc

GIẤY RA TRẠI

Theo thông tư số 996-BCA/TT ngày 31-5-1961 của Bộ Nội vụ.

Thi hành án văn quyết định tha số...ngày...

Nay cấp giấy tha cho anh chị có tên sau đây: Nguyễn Văn B.

Nơi sinh...

Nơi đăng ký nhân khẩu thường trú trước khi bị bắt...

Can tội: Tham gia tổ chức phản cách mạng "Chí nguyện quân"

Bị bắt vào ngày... Án phạt: Trung tâm cải tạo

Nay về cư trú tại...

Nhận xét quá trình cải tạo: Quá trình cải tạo ở trại anh B. đã cố gắng. Trong lao động, học tập và chấp hành nội quy trại có tiến bộ. Thời hạn quản chế 12 tháng (mười hai tháng). Tiền đi đường đã cấp từ trại về đến gia đình.

Ðương sự phải trình diện tại Ủy ban Nhân dân phường xã nơi cư trú trước ngày 8 tháng 1 năm 1985.

Suốt một buổi sáng tôi ngồi trong sở nhìn ra cửa sổ, không làm một điều gì. Ở đây, mùa xuân đã về, hè sắp tới. Nhưng trời vẫn lạnh.

Ngoài trời có nắng vàng. Mông lung èo uột.

Tôi đọc lá đơn và hồ sơ của Nguyễn văn B. một lần, rồi nhiều lần, không phải vì nội dung của lá đơn, cũng không phải vì những điều mô tả có vẻ kém dè dặt đối với hàng rào kiểm duyệt nhà nước Cộng Sản. Trong thùng thư tôi đọc mỗi ngày đều có: tuyệt vọng mong chờ, tình trạng ngặt nghèo, tôi đã làm việc cho Mỹ, tôi có quen ông cố vấn X. hay Z., đều chẳng có gì mới mẻ. Ưu tiên một: Có thân nhân trực hệ tại Mỹ. Bạn hoặc vợ đã có làm việc cho công sở của chính phủ Mỹ hoặc hãng Mỹ hay không? Tên họ nhân viên? Chức vụ? Thời gian làm việc? Tên họ giám thị Mỹ? Lý do nghỉ việc? Bạn hoặc vợ đã huấn luyện ở ngoại quốc? Ai đài thọ chương trình huấn luyện? Bạn hoặc vợ đã học tập cải tạo? Nếu được tha, chúng tôi cần một bản sao giấy ra trại.

Những mẫu câu hỏi người nộp đơn làm như ai nấy đều có thể sang Mỹ cả.

Nhưng tôi ngồi im lìm như thế, đọc nhiều lần hồ sơ của Nguyễn văn B. vì kèm theo là danh sách, giấy khai sinh, ngày tháng đẻ của vợ, con chung, con riêng của họ, rồi một vùng trời mơ hồ trở lại, cái vòng đá ở Non Nước, ánh lửa hoả châu, những đứa con có mầu da khác nhau, dấu vết những binh đội khác nhau.

Tên tuổi vợ con gia đình Nguyễn văn B.:

  • Ðoàn thị Thu Nhi, 42 tuổi, sinh tại Hải Châu, Ðà Nẵng (vợ)
  • Nguyễn văn C., 12, sinh tại Sài Gòn (con trai)
  • Trần Ngọc Q., 19, sinh tại phường Thạc Gián, Ðà Nẵng (con riêng của vợ)
  • James B. Brown, 17, sinh tại phường Hoà Ða, Ðà Nẵng (con riêng của vợ)
  • Kim Ok He, 14, sinh tại phường Hoà Ða, Ðà Nẵng (con riêng của vợ)


*


Anh Y,

Có nhiều đêm tôi nhìn lên bầu trời nước Mỹ, khí trời lạnh lẽo ngay cả vào những đêm mùa hè, khi núi đồi vang lên tiếng côn trùng, những vì sao nhấp nháy, mặt hồ lờ mờ ánh sáng thỉnh thoảng rơi nhẹ một ánh sao băng. Những lúc như vậy, có khi lòng tôi êm ả chợt quên đi mọi khắc khoải trong sở làm, những giao động trong tâm hồn và cuộc đời của một người di dân trôi nổi không quá khứ, tương lai.

Những lúc ấy tôi tạm quên rằng trên kia ngùn ngụt bão lửa, cơn lốc, những hành tinh nổ tung trong sức ép của vũ trụ bao la đầy va chạm, quả đất bé nhỏ như hạt cát đang lịm dần, lũ người bé nhỏ chỉ có mặt thoáng qua trong cái chớp mắt của thời gian vô cùng tận.

Bóng tối và băng giá lẫn lộn với tia lửa lả tả trên không trung, kiến thức khoa học cùng niềm tin tôn giáo, tôi quên tất cả và tôi khoan khoái hít thở một cách bình dị bầu trời nước Mỹ như tôi đã từng hít thở bầu trời Việt Nam, hoặc nói đúng hơn, bầu trời ở một vùng mà tôi yêu mến: phía xa là Huế và đỉnh đèo Hải Vân, bên này là Ðà Nẵng, bãi biển đầy phi lao và tiếng sóng cùng áng mây trắng trôi qua nền trời trong vắt.

Và bên này là Hải Châu, Thạc Gián, bên kia là Cẩm Lệ, Hòa Vang với ngôi chùa bà Quảng. Con đường quê, về mùa hè, buổi bãi trường có khi trở nên buồn bã.

Con đường này tôi đã lui tới suốt tuổi thiếu thời, nhìn ngắm những vườn sắn, những con bướm mầu gạch cua bay chập chờn trong gió.

Dưới các rặng tre, đâu đó phảng phất mùi thơm của một thứ hoa dại miền quê: hoa dủ dẻ.

Hoa này đi trên đường ít thấy vì nó nằm kín trong lá, mọc thấp trên mặt đất, khuất trong bụi rậm. Hoa mầu vàng, không rực rỡ, cánh nhỏ mà cứng, có mùi thôn dã dễ chịu.

Lúc bé mỗi lần ngửi thấy mùi hoa ấy, bọn chúng tôi sục sạo tìm kiếm vì thế nào cũng còn thấy cả những trái dủ dẻ chín mọc thành chùm tám trái hay mười trái, ăn ngọt mà thơm.

Những đóa hoa dủ dẻ ấy, tôi không thấy ở miền Bắc Việt Nam, nơi tôi lớn lên, hoặc ở miền Nam Việt Nam, nơi tôi đặt chân gần khắp. Có lẽ cũng không thấy ở bất cứ nơi nào khác trên mặt đất này ngoài cái vùng quê miền Trung Việt nơi tôi sinh ra như một gã thiếu niên sung sướng vô tư.

Ðã 30 năm trôi qua.

Bây giờ vào lúc nửa đêm ở cái thành phố Mỹ chằng chịt xa lộ, đầy nhà máy điện tử và đủ các sắc dân hỗn độn xô bồ, tôi tưởng như tôi ngửi thấy mùi hoa dủ dẻ đâu đây trong trí nhớ, tôi tưởng ra tất cả núi đồi chung quanh thành phố xa xưa, vùng Cẩm Lệ, Phong Lệ, ngọn núi Sơn Chà, bãi biển Tiên Sa, đồng thuốc lá, vườn lá sắn. Tôi nhớ lại nhiều bạn cũ: người còn sống, người đã chết, có người ở Bắc, có người ở Nam, người vất vưởng nơi xứ lạ, người khắc khoải trong các trại tù gần mười năm nay.

Và tôi nhớ lại năm 1955, Ðà Nẵng thức dậy một buổi sớm mai mặt trời trong trẻo, nước biển rào rạt, bãi cát vắng hoe.

Buổi trưa, thành phố vẫn ngái ngủ trong một vùng ánh sáng trôi lấp lánh trên sông Hàn từ phía Non nước, đổ ra Tiên Sa, trôi ra biển Thái Bình Dương.


3.

Việc mới

Nhiều lúc lái xe trên đường dài, trong đầu nảy ra nhiều chuyện để kể. Khi về đến nhà, ngồi xuống với bút và giấy thì không còn gì. Tất cả những ý nghĩ đều đã được kể xong.

Các câu chuyện trong lúc lái xe thường xảy ra với đủ chi tiết. Mắt nhìn thẳng trên xa lộ. Tay đặt trên bánh lái. Cái xe tự nó chạy. Ðầu óc và tâm hồn vẫn là của mình. Nhiều điều mình kể với mình. Rồi định bụng có thể kể cho tất cả mọi người. Ðôi khi những chuyện rất vặt. Có khi hằn học. Có khi quá dài. Có chuyện liên tục. Có những mảnh của toàn bộ cuộc đời. Bạn hữu. Những người quen và không quen trong ngày. Một người Mỹ say rượu nằm lăn trên đường phố. Một cô Mỹ làm cùng sở chẳng biết cô ta nghĩ gì trong đầu khi bảo: "coi chừng đừng quá cynical".

X., gọi người kể chuyện là Nguyễn Văn X., bỏ việc sau mười năm ở Mỹ. Ðến tháng thứ mười lăm thì X. bắt đầu cuống lên về chuyện kiếm việc. Bất cứ việc gì. Cắt cỏ. Bán bảo hiểm. Việc lao động càng tốt. Nhưng đừng cực nhọc quá, đừng phải suy nghĩ nhiều.

Nói là cuống lên thì nghe có vẻ xoàng. Có gan bỏ việc phải có gan chịu. Tuy vậy sau tám tháng tạm thời êm ả với những tấm ngân phiếu hạn chế nhận từ Sở Xã hội (đủ trả tiền nhà, tiền điện nước, tiền điện thoại, đủ mười ngày tiền cơm cho toàn gia đình thực sự là bẩy người chứ không phải ba người như đã khai). Ðến khi Sở Xã hội chấm dứt không gửi ngân phiếu đến nữa thì mấy tháng rồi, quả là phiền.

Phiền nhất vào những ngày mùng một.

Lão chủ nhà người Ý gõ cửa cồm cộp đúng 8 giờ sáng càu nhàu với giọng nói ồm ồm. Lão già to lớn trên 70 tuổi vẫn còn lái xe truck, cắt cỏ, bưng vác, siêng năng chăm sóc những bất động sản của lão. Tám căn nhà song lập. Mười sáu gia đình mà lão chăm sóc như người nuôi gà chăm sóc những cái chuồng. Buồng tắm không có nước nóng. Ống nước hư. Cái máy dội cầu tiêu bị nghẽn. Nhưng cũng đúng 8 giờ sáng mùng một là tất cả những con gà phải đẻ. Lão phải có những cái ngân phiếu four hundred fifty dollars. Bốn trăm năm mươi đồng bạc cho một căn nhà hai phòng có garage. Khu Mễ. Lai rai Mỹ trắng. Quá rẻ. Ai cũng phải có bổn phận đi làm để bảo vệ một cái mái nhà như vậy. Dù là nhà thuê. Nhất là khi gia đình họ có đến bẩy người. Ít chủ nhà nào chịu cho ở đông như thế trong căn nhà hai phòng. Hai phòng chỉ được ở tối đa bốn người. Chẳng bù ở quê nhà 10 mạng chia õ nhau căn nhà thông thốc một phòng ngủ, một nhà bếp.

Lão chủ nhà người Ý với cái lỗ mũi đỏ. X. đã kể nhiều lần trong cuốn sách mới in. Bây giờ quả không có gì đáng kể thêm.

Trong đầu chàng, khi dừng bút lại ngẫm nghĩ thì những con chim bồ câu chợt bay vụt lên.

Những con chim bồ câu đen, xám, những con bồ câu hoang sống lang thang trong thành phố San Francisco. Từ hai tuần nay, mỗi buổi sáng khi chàng đi qua, chúng đậu thành đàn trong công viên. Sáng hôm nay chúng cũng ở chỗ ấy. Mặt trời mới mọc pha hồng trên sương mù đọng lưng chừng các ngọn cây. Chàng đeo trên vai cái túi vải trong đựng cuốn tự điển Anh-Việt Việt-Anh. Một cuốn sách đang đọc dở. Một tờ báo hàng ngày. Một xấp bản thảo gồm những bài tán láo về các tin lượm lặt trong báo Mỹ. Hai mươi lăm đô la một bài, bán cho mấy tờ tuần báo Việt ngữ địa phương. Ðủ tiền cà phê thuốc lá. Tất nhiên trong cái túi vải phải có hai, ba bao thuốc lá. Vừa Marlboro vừa Ba số năm. Hai cuốn sổ điện thoại. Một lá thư.

Kính ông,

Tôi tên là N.N.A. cựu quân nhân, cải tạo từ ngày "đứt phim" và được phóng thích ngày 14-6-84. Vượt biển ngày 14-11-84. Ðến Hồng kông ngày 24-11-84. Kính nhờ ông một việc như sau:

Hôm nay tôi được đọc tập V.H.N.T. số 2 tháng 6 năm 1985 trong bài...của...có những chi tiết khiến tôi nghĩ đó là người quen. Xin ông vui lòng cho tôi biết địa chỉ của tác giả hoặc nếu tiện kính nhờ ông chuyển giùm địa chỉ của tôi cho anh X. cũng được. Cũng nhờ ông nói giúp là tôi có tin tức của P.N.N. bạn của chúng tôi. Xin chân thành cảm ơn ông.

T.B. Thư hơi luộm thuộm mong ông thông cảm vì tôi đang nằm bịnh viện nên không viết dài được.


*


Có những khi ngồi xuống bên cạnh bạn bè, lòng đột khởi niềm vui và tôi kể. Tôi kể liên tiếp nhiều chuyện. Họ đều hào hứng. Bạn tôi tươi tỉnh mặc dầu bộ mặt anh hom hem sau những năm cải tạo, rồi tuổi già và lo lắng, cuộc đời anh ngẫm ra xiết bao đau buồn.

Những lúc ấy nào tôi có nhớ tôi đã kể những gì, mà họ lại lắng nghe? Các câu chuyện có nhất trí không? Có bố cục không? Có một cái gì để kể? Có nét đậm nhạt? Có chủ đề hay không?

Và rất nhiều khi tôi buồn. Chúng tôi gặp nhau ngồi xuống bên một cái bàn trong phòng bếp, trong một tiệm phở, góc tiệm cà phê. Chúng tôi bắt đầu thế nào? Nói những gì? Những câu chuyện ấy trong lòng ai cũng biết. Như những bài hát cũ. Chỉ cần một người nghĩ đến là những người kia cũng hát thầm. Hát theo với nước mắt cạn khô.

Sáng nay X. nhìn những con bồ câu đậu trên công viên. Buổi sáng sớm, San Francisco hãy còn sương mờ. Chàng ngắm tòa thị sảnh bệ vệ. Hàng lá cờ Mỹ bay phất phơ. Những pho tượng đồng in hình trên nền trời làm chàng nhớ đến một chuyện kém lãng mạn (Có gì đâu. Một ông bạn cũ từ Washington D.C. đến thăm, bảo: Thôi đi xem bảo tàng nghệ thuật làm cái gì. Cứ xem nghệ thuật như những pho tượng đồng đặt ngoài công viên kia. Có ai thèm nhìn. Chỉ mấy con bồ câu vừa đậu vừa ỉa trên ấy, với mấy lão già dịch đến đứng đái).

Sáng nay chàng khoác cái túi vải như đã nói, chân đi dép da kiểu sinh viên Mỹ những năm 60 (dạo đó chàng 18), mặc một cái áo sweat shirt mầu xanh nước biển hơi cũ (có vẻ bình thường nhưng lại khác thường trong một phòng làm việc mọi người mặc áo vét, đeo cà-vạt và đi giày). Chàng bước nhanh, mạnh khoẻ như hồi 25 tuổi. Nhìn nhà phố. Trời đất. Tự nhủ: Tại sao không? Chàng đi bộ từ hầm tàu Bart, đi hết 12 blocks thì đến sở làm. Ðã được hai tuần nay.

Mỗi ngày lái xe từ San Jose lên Freemont mất 20 phút đến 30 phút, tùy xa lộ đông hay ít xe. Ðậu xe ở Freemont. Lấy tàu điện Bart. Ngồi với đám đông yên lặng trong chuyến tầu chừng một giờ rưỡi đồng hồ thì đến San Francisco. Từ đó chàng bắt đầu đi bộ mỗi sáng nhìn chim bồ câu khi ngang qua công viên.

Trên tầu Bart chàng ngủ gật vì thiếu ngủ. Hoặc đọc báo. Mấy hôm nay đọc dở cuốn A Vietcong Memoir như đọc chuyện trinh thám. Ðã ít phải dùng đến từ điển. Cuốn sách có những tấm hình đàn ông đàn bà Việt Nam mặc pyjamas đứng ở trong rừng.

Chàng tự nhủ đi xa thế này hơi mệt. Có tốn tiền. Trừ tiền xăng, tiền xe, tiền cơm trưa, số tiền còn lại sau khi trừ thuế, trừ bảo hiểm...lãnh ra chẳng còn bao nhiêu. Hiện vẫn thiếu tiền thuế. Ba năm nay chưa đóng. Không có tiền đóng. Dẫu sao có đi làm mới trả được tiền thuê nhà. Tiền cơm. Không phải xin trợ cấp. Không phải nhờ bạn bè. Ðứa nào cũng nghèo. Vả chăng, không công bằng. Ai cũng có bà con anh em ở nhà cần giúp đỡ. Mặt khác cuốn sách đã in xong. Hơn nữa mình ở đây chân tay mắt mũi đầy đủ (con gái nói với bố như thế). Có lẽ quả thật mình lười.

Vậy công việc mới của chàng ra sao?

Bạn thử tưởng tượng một buổi sớm mai ở Phi Châu. Gà rừng eo óc gáy. (Y như cảnh một sóc thượng ở Ðơn Dương, Ðà Lạt). Hoặc là bầy khỉ vừa thức dậy kêu láo nháo trên ngọn cây. Một anh chàng Phi Châu nhe răng cười. Anh chàng chun lỗ mũi hôn lên bụng vợ. Nhè nhẹ bước ra khỏi lều. Mấy đứa con tóc xoăn tít hãy còn ngủ say sưa.

Anh chàng đeo cái cung (hoặc vác một cái mác). Ði vào rừng săn cái con nai.

Tưởng tượng thêm chút nữa.

Anh chàng đang đuổi theo con nai. Bỗng đùng đùng sấm nổ trên đầu. Một ngày đẹp trời sao lại có sấm nổ vậy cà? Anh chàng tự hỏi. Không phải sấm sao? Thế nó là tiếng súng. Súng nổ đùng đùng bốn phía. Anh chàng té ngửa. Mấy tay da trắng trói gô lại. Mang xuống tầu. Vượt trùng dương đem về Mỹ bán đấu giá.

Tiếp theo là cái cảnh X. đứng trên bục gỗ bên cạnh anh bạn da đen Phi Châu. Chính là X. đây chứ ai. X. vạch răng anh chàng ra nói với quý ông bà đứng bên dưới: "Thưa quý ông bà. Răng còn tốt nguyên. Tiếng Anh chưa nói được nhưng bắp thịt! Nhìn xem này, bắp thịt rắn như đá!". Cái cảnh ấy xảy ra chưa lâu lắm. "Coi chừng đừng quá cynical". Cô bạn làm cùng sở nói.

Nhưng X. nghĩ như vậy đã hai ba lần trong sở mới.

"Thưa quý ông, người tị nạn này nói tiếng Anh quả còn kém. Nhưng anh ta thạo việc ráp nối điện tử. Chúng tôi đã huấn luyện kỹ càng. Chúng tôi bảo đảm. Anh ta là người Á Châu. Khéo tay và chuyên cần. (Còn có thể nói thêm: Anh ta trung thành với công ty. Và nếu cynical thật thì nói: Anh ta không gia nhập nghiệp đoàn. Anh ta không bao giờ dám đòi tăng lương)."

À, có lẽ hơi cynical.

Ðây là một công việc tốt. Có tính nhân bản. Giúp người đồng hương học nghề, kiếm việc. Giúp họ sinh sống một cách lương thiện, độc lập với đầy đủ phẩm giá. (Ðồng thời các ngân khoản chi tiêu công cộng đang thắt lại. Trợ giúp xã hội đang hạn chế. Người tị nạn cần đi làm việc càng sớm càng tốt. Ðừng để họ trở thành những gánh nặng cho người thọ thuế).

Cô Mỹ làm cùng sở nhìn qua cặp mắt kính cận thị. Ðôi mắt lạnh như hai cục ngọc thạch. Không hiểu cô ta thực sự nghĩ gì.

Cô ấy bảo:

"Coi chừng đừng quá cynical."


*


Buổi sáng hôm ấy, X. đưa tay nhận lá đơn xin nhập học của một người Việt gốc Hoa. Ông ta hiền lành rụt rè. Ngượng nghịu. Ngoài 50 tuổi. Bà vợ to béo hơn, bộ mặt vui vẻ. Nhưng dám nói: Bộ mặt vui vẻ ấy là một cuộc tập luyện tài tình. Sau bộ mặt vui vẻ này, X. nghĩ, cũng vẫn chừng ấy âu lo của tất cả những người tị nạn mới đến Mỹ. Chưa có công ăn việc làm. Tiền trợ cấp sắp bị chấm dứt.

Hai vợ chồng lúng túng kéo ghế ngồi trước bàn.

X. nhìn thẳng vào hai vợ chồng một cách chuyên nghiệp rồi hỏi bằng tiếng Anh. (Ðây là phần đầu cuộc trắc nghiệm khả năng Anh ngữ).

"Ông sang đây đã bao lâu rồi?"

Người chồng ngần ngừ.

Ông ta có bộ điệu của một người Tầu thực thà.

Bà vợ nhanh nhẩu trả lời (bằng tiếng Anh):

"Hơn một năm rồi."

"Ông hay bà, ai muốn học lớp điện tử? Cả hai hay chỉ một người?"

Người chồng nghểnh tai nghe. Hàm răng dưới hơi rung động.

Bà vợ lại nhanh nhẩu chỉ vào ngực người đàn ông:

"Chồng tôi muốn xin học lớp ráp nối điện tử."

"Ông có xe không?" (câu này dễ)

Bà vợ định trả lời lần nữa.

Lần này X. chặn lại. Nói bằng tiếng Việt:

"Tôi muốn hỏi ông để xem trình độ Anh ngữ của ông chứ không hỏi bà. Nếu ông không nói được tiếng Anh thì đi học mất công. Vào lớp nghe giảng bài không hiểu. Học xong cũng khó kiếm được việc làm."

Bà vợ trả lời bằng cách toét miệng ra cười. Người chồng cũng cười theo. Bà vợ có cái vẻ tròn trịa của bất cứ người đàn bà Tầu mập mạp nào.

X. nhắc lại (bằng tiếng Anh)

"Ông có xe không?"

Người đàn ông lẩm nhẩm. Rồi trả lời với sự cố gắng:

"Tôi không có xe" (bằng tiếng Anh).

Bà vợ bổ túc (tiếng Việt giọng Tầu)

"Chúng tôi mới qua mà. Chúng tôi chưa có tiền mua xe."

X. nhìn người đàn ông:

"Ở Việt Nam ông làm nghề gì? (Thay vì hỏi: Ở Việt Nam ông làm cái gì?)

Người đàn ông ngoảnh sang nhìn vợ. Người vợ nhìn X.. X. nhìn người chồng, nói lần nữa. Chậm hơn:

"Ở Việt Nam ông làm cái gì?

Người đàn ông "A, a". Hàm răng dưới lại rung động.

"I am... I am... ơ Các pén tờ."

Ông là thợ mộc? Ở Sóc Trăng. Lúc người chồng bắt đầu lắp bắp, bà vợ rũ ra cười.

X. rút hai bài trắc nghiệm. Một bài tiếng Anh cấp thấp. Một bài toán gồm mấy câu phân số và những câu hỏi đơn giản đo trí thông minh.

Chàng yêu cầu bà vợ ra phòng ngoài ngồi đợi.

Người đàn ông chăm chú lắng nghe những chỉ dẫn. Bắt đầu cắm cúi làm bài. Tất cả cố gắng hiện rõ trên nét mặt. Cố gắng, lo âu. Và suy nghĩ.

Có lẽ (tất nhiên) ông ta cũng suy nghĩ như mọi người Việt gốc Tầu hay không gốc Tầu. Suy nghĩ trước những câu hỏi rắc rối về các biến động xẩy ra cho nước Việt Nam nơi ông đã sinh ra. Ðã bị trục xuất. Câu hỏi của mỗi người về gia đình và bản thân. Ban đêm nằm trăn trở. Câu chuyện nghĩ một mình, nói một mình hoài hoài trên xa lộ. Những người bạn đã chết, đang chết. Nỗi đau trong tù ngục. Bà ngoại, bà cố, cậu, dì, em, cháu thiếu đói. Những nghịch lý chính trị. Nga Mỹ. Tầu Mỹ. Tầu Nga. Việt cộng Quốc Gia. Tư Bản Cộng Sản. Mối đăm chiêu thoạt lớn bằng chén cơm nguội trở thành lo âu chính trị. Vụt có khi trở thành một loạt vấn đề tôn giáo, trừu tượng và siêu hình.

Những cơn bão quay cuồng xoáy trên ngọn dừa, ngọn cau, thổi tróc nóc những căn nhà lá. Con tầu vượt biên dìm sâu người sống xuống lòng biển, bốc người sống bay đi phiêu bạt như cọng rác, sợi bông, hạt bụi.

P.N.N. kể như đã chết. Nghĩ về nó, viết về nó thành ra trang điểm. Còn mình, vẫn cứ phải lần mò suy nghĩ tiếp tục trong cái ngã ba mênh mông những dữ kiện mới. Bắt mình nhìn căng mắt to để thấy thêm các sự thực xẩy ra cho thế giới và cho những quốc gia nghèo mà bé. Những điểm nóng lúc nào cũng nóng hoài. Các quốc gia phân hoá đau đớn hoài. Anh em mỗi người mỗi ý. Lâu lâu lại thấy sự thực. Lâu lâu lại chạm trán sự thực mới. Và mình, từ sáng đến chiều vui buồn nóng lạnh thay đổi như thời tiết. Ðêm ngồi với giấy. Ngày ngồi với xe. Với những chuyện buôn người bên Phi Châu. Chuyện ở tù. Chuyện cải tạo. Chuyện vượt biên. Chuyện Ba Giai Tú Xuất vót một cây tre nhọn. Ðứng giữa đình. Ba Giai tụt quần chổng đít ra. Tú Xuất chĩa đầu mũi tre nhọn hoắt vào ngay hậu môn bạn rồi nói: Thưa các cụ. Ở đây có cụ nào can đảm xin cứ vui lòng đóng mạnh vào. Có ai tỉnh táo? Ai có can đảm trong lúc này xin cho chúng tôi biết? Chúng tôi biểu diễn hát xiệc.

Trở lại chuyện ông người Việt gốc Hoa 50 tuổi, ông ngồi mãi ngồi hoài cũng làm xong bài trắc nghiệm. Thật ra phải nói: ông ta cũng đã chịu khó học Anh Văn. Văn phạm trúng, chỉ nói chưa quen.

X. nhìn qua cửa kính thấy khuôn mặt người vợ đã biến mất sự vui vẻ. Chỉ còn có lo âu. Nó biểu lộ: Ông làm đuợc bài hay không cà? Ông cần phải đi học nghề. Tiền trợ cấp sắp hết rồi. Trước ổng làm thợ máy mà sao lại nói là thợ mộc?

Xin kể thêm: Cái ngày đầu tiên X. được một người Mỹ rủ đi ăn. Thay vì nói: "Tôi mời ông đi ăn tối". Người ấy nói: "Tôi sẽ mua cho ông bữa cơm tối." Lúc ấy X. chưa quen.

Bây giờ quen lắm.

Tôi sẽ mua cho anh một cái coke. Làm thế nào để bán chính anh? (Làm thế nào để chủ nhân mướn anh?)

Mua bán. Nó là thế.

X. bước ra tươi cười.

Chàng nhìn bà vợ. Bên cạnh là một đứa con trai chừng 14, 15 tuổi. Thằng bé không biểu lộ cảm xúc nào. Nó im lặng. Bà vợ lập tức trở lại với bộ mặt vui vẻ. Người chồng cũng bước ra theo.

"Tôi nói cho bà biết (X. nói tiếng Việt, thân mật và hơi lớn tiếng) ông chồng bà giỏi tiếng Anh hơn bà nhiều! Toán không sai một chữ. Bà đừng lo cho ổng. Bài của ổng trúng hết (X. liếc nhìn thằng bé và nói xa sự thực một chút). Tôi sẽ nhận ông vào lớp học, bắt đầu ngày 3 tháng 9 này (X. nói như là một người có uy quyền phát biểu sự thực). Tiếng Anh của bà không bằng ổng đâu."

Bà vợ cười sung sướng.

Cười đỏ mặt nhìn chồng.

Chồng cũng cười bẽn lẽn.

Bà vợ nói tiếng Việt giọng Tầu:

"Tôi biết ổng mà. Ông giỏi lắm chớ. Có điều ổng nói chưa quen. Nghe ổng nói tiếng Anh, tui mắc cười hoài."

X. nói:

"Tôi sẽ giúp chồng bà kiếm việc ngay sau khi học xong.

(Chàng nói như cái máy. Chàng là người chuyên nghiệp. Trong việc này chàng nói tiếng Việt dịch từ tiếng Mỹ).

Ðúng lúc đó, chàng nghĩ mình sẽ mặc áo vét. Ðeo cà-vạt. Sẽ gõ cửa một hãng điện. Chàng sẽ chỉ ông các pén tờ mà nói: "Ông này tiếng Anh chưa rành. Nhưng ráp nối điện tử thì ông ta số một. Ngoài ra, thưa quý vị, ông ta là một người Ðông Phương. Khéo tay, chăm chỉ".

Phần mình, ngày ngày thức dậy từ tờ mờ sáng, lái xe, lấy tàu Bart di chuyển từ San Jose lên San Francisco mất hai tiếng đồng hồ. Ngồi trên xe nói chuyện với mình. Ðủ chuyện vụn vặt. Mai nhớ mang giấy bút. Ngồi trên tàu Bart sẽ viết thư trả lời anh bạn ở trại tị nạn Hồng kông. Chẳng cần anh ta nói cũng coi như P.N.N. chết rồi.

Và mỗi ngày cứ đi bộ 12 blocks ngắm nhà phố trời đất. Nhìn bồ câu trong công viên sương mù. Làm việc tám tiếng. Tối về đi ngủ.

Mình cũng là một người Ðông Phương ngoan ngoãn và chăm chỉ.

4.
Hôm nay một ngày cuối năm


Hôm nay một ngày cuối năm 1985 vào giờ ăn trưa tôi đi quanh quẩn ở khu Tederloin, thành phố San Francisco. Khu này trước đây nghèo nàn bẩn thỉu hơn bây giờ, nhưng khi làn sóng những người di dân Ðông Nam Á, người Việt Nam, người Việt gốc Tầu kéo đến thì những tiệm tạp hóa Ðông Phương, tiệm ăn, tiệm phở, cà phê, tiệm sách chữ Việt mọc lên đẩy lùi người da đen sang một khu khác. Những căn buyn-đinh cũ kỹ, nhà bốn tầng năm tầng với cầu thang sắt hoen rỉ bây giờ là hang ổ của đám người da vàng mới đến. Nếu tất cả những ông bà già, người lớn trẻ con từ các tầng lầu chi chít, từ những phòng tối tăm thiếu ánh sáng cùng một lúc tràn ra đường thì chúng ta sẽ có một cuộc biểu dương lực lượng của chừng vài chục ngàn người da vàng. Còn đối với nhiều người Mỹ trắng, tất cả những người da vàng đều lái xe ẩu tả, mắt xếch và hơi ti hí. Tôi nghĩ.

Tôi bước trên hè phố một cách thiếu ngay ngắn. Chân trái đi cà nhắc. Tại sao? Cách đây ba hôm trong phòng làm việc tôi đứng dậy, hai tay bưng khay đồ ăn trưa. Tôi vướng sợi giây điện thoại ngã lăn trên sàn nhà trong một tư thế kém thẩm mỹ. Cái đùi gà nướng cháy, sợi mì ống nát nhẹp, cà chua và rau xà-lách văng ra tung toé. Tôi gượng đứng lên ngồi lại vào ghế trước khi những người đàn ông đàn bà da trắng kịp đưa tay dìu tôi dậy. Tôi nói: Thế là tôi 43 tuổi và tôi đã già rồi. Ở xứ tôi, miền Bắc nước Việt Nam, có thể người ta đã gọi tôi bằng cụ. Tôi giảng về cách xưng hô theo tuổi tác mà xem tất cả mọi người như cùng một gia đình. Ðáng tuổi anh thì mình gọi bằng anh. Ðáng tuổi chị thì gọi bằng chị. Anh chị em cô dì chú bác, bốn bể đều một nhà. Có khi kính trọng nhau hơn nữa thì người ta đôn tôi lên một bậc mà gọi tôi bằng cụ. Cho nên hôm nay chân tôi vẫn còn đau.

Tôi đây chính thực là một nhân vật giả tưởng. Khi bước trên hè phố tôi nghĩ đến những cuốn sách của mấy người bạn mới xuất bản. Họ có ghi: Tên tuổi các nhân vật trong truyện đều là giả tưởng. Nếu chẳng may có sự trùng hợp với những người ngoài đời thì đó là việc ngoài ý muốn tác giả. Nên tôi cũng muốn nói như vậy.

Giả tưởng tôi là một người Việt Nam 43 tuổi di tản sang Mỹ, có lẽ hơi cô độc, chân đi cà nhắc như tôi nói. Giả tưởng mấy hôm nay tôi nồng nặc sặc sụa mùi sách vở hư vô. Giả tưởng sau mười năm nằm khoèo ở Mỹ tôi đã nhai đi nhai lại một cách buồn bã những cuốn sách Việt ngữ cũ mèm tái bản ở Mỹ đến năm lần bảy lượt. Những Nho, Thích, Lão. Cuốn thơ Ðường. Tập bút ký chiến tranh. Cuốn Thánh Kinh miễn phí. Những quyển tiểu thuyết kiếm hiệp. Tiểu thuyết phong tục viết từ những năm 30. Bản dịch quyển Nam Hoa Kinh của ông Trang Tử bên Tầu nghìn năm trước. Quyển Nhà văn Việt Nam hiện đại viết từ 1941 (in lần đầu ở Hà Nội năm 1942) và giả tưởng đó là năm tôi ra đời. Cuối cùng, các thứ sách tư tưởng có tác dụng làm tôi chán ngấy tư tưởng người khác.

Tất cả những cuốn sách đã xua tôi ra khỏi chốn hồn nhiên, không soi sáng mà chụp lên tôi bóng tối, trói tôi vào dĩ vãng như con thú mắc lưới, xô đẩy tôi như cơn sóng dập dờn giữa luận lý và tình cảm. Nhưng nói cho cùng, ít ra cũng thấy một điều: Làm gì có ai thống hợp được tư tưởng mọi người trên quả đất từ Ðông sang Tây, Bắc xuống Nam? Nhưng liệu còn hy vọng rút bớt đôi chút những tai hoạ do mâu thuẫn tư tưởng gây ra hay không thì giả tưởng đến nay tôi vẫn chưa biết.

Giả tưởng tôi bắt đầu hững hờ nhìn các tờ báo hàng ngày. Giả tưởng tôi hững hờ với các tiến bộ khoa học kỹ thuật. Giả tưởng tôi không biết gì hết về máy điện toán là món thông dụng của những năm nay. Giả tưởng rất ít biến cố nào làm tôi xúc động. Còn nói cho đúng: Hôm nay trời lạnh, bầu trời xuống thấp, không mưa không nắng. Giả tưởng tôi sống theo thời tiết tức là hôm nào nắng tôi vui chút đỉnh, trời mưa tôi buồn phất phơ, không nắng không mưa là không vui không buồn như ngày hôm nay.

Có lúc tôi lãnh đạm lắm chăng? Giả tưởng cách đây năm tháng tức là tháng 7 vào dịp lễ Ðộc lập của Mỹ, tôi có mặt ở một vùng du lịch kia thuộc miền Bắc tiểu bang California. Giả tưởng:

Ðêm hôm ấy
trên mặt hồ Tahoe
Giữa ranh giới hai tiểu bang
California và Nevada
các con thuyền thắp đèn san sát.

Tôi lui xe khỏi bãi đậu
đi xuống hướng nam
trở về căn nhà nằm sâu trong khu rừng
im lặng.

Trưa nay
trong lúc mọi người ngồi trên bãi
tôi bước chân đất trên mặt đường nóng
giẫm nhẹ và chậm trên đá và gai nhọn.

Sát bên hồ
một vùng cỏ cháy loang lổ
còn để lại những dấu than
và lá úa
"Nhưng rừng sẽ thay lá"
tôi nghĩ thế
và lập tức nhớ về Việt Nam
thì tôi thấy dễ chịu.

Một thân cây vĩ đại
vươn lên những sớ gỗ quằn quại
vỏ cây nứt nẻ
cho người ta cảm giác khó diễn tả
về sức chiến đấu.

Còn tôi, giả bộ như Tất Ðạt Ða
đi thử một đoạn đường ngắn ngủi
trên đá và gai nhọn
sau đó lại cau có chìm đắm vào
đám sa mù đặc sệt dĩ vãng
hiện tại,
những mối thương tâm
làm tôi lãnh đạm.

Tôi gửi bài thơ này cho G. nhưng vài ngày sau lại gọi điện thoại viễn liên yêu cầu đừng đăng báo làm gì. G. và nhiều người khác ở dưới vùng Los Angeles cách đây chừng bốn năm trăm dặm đường. Tạm gọi tên họ là A, B, C, D, E, F, G và nếu chẳng may có trùng hợp với ai ở ngoài đời thì đó là việc ngoài ý muốn. Giả tưởng tôi nói thêm một lần nữa như vậy.

Trước hết trong bọn họ, B. là một gã đàn ông nhăn nhó hay ăn nói chua ngoa. Tôi vừa đi cà nhắc vừa nghĩ. Theo cách nói người Việt Nam người ta có thể bảo gã hay có tật rít lên như đàn bà. Giả tưởng cách đây vài tuần tôi mua cái vé máy bay đại hạ giá để đi thăm những A, B, C, D thì B. ra đón tôi ở phi trường Los Angeles với một bộ mặt tươi tỉnh. Những lúc có ai khen hoặc ít nhất những lúc không bị ai phê bình thì gã cũng có khi tươi tỉnh.

"Chào nhà văn số một của văn chương Việt Nam hải ngoại", tôi nói.

"Chào thi sĩ số một của Việt Nam hải ngoại", gã cười, hai khoé mép kéo dài, đôi lồng mày rậm nhếch lên. Tất nhiên chúng tôi không ôm chầm lấy nhau như người Nga hay người Mỹ vì chúng tôi là những người Ðông Phương biết tiết chế cảm xúc, không thích nhạc Rock. Lỡ nghe nhạc kích động ồn ào vui vẻ hoặc các loại nhạc quân hành thì cùng lắm chúng tôi chỉ gõ nhịp ngón tay hay đánh nhịp chân chứ không la ó hoặc nhảy dựng ngược lên như điện giật.

Gã đỡ cái túi ở tay tôi cùng bước ra chỗ đậu xe. Hôm ấy tôi chưa đi cà nhắc. Gã hỏi:

"Vùng trên ấy Việt Nam có gì lạ không?"

"Bao giờ chẳng lạ?" Tôi nói. "Thi sĩ T. đã mở phòng răng, thế nào cũng lấy vợ. Nhạc sĩ H. đã mua nhà có vườn nở hậu, lại trồng cả hồng dòn và lê Nhật Bổn. Nhà biên khảo G. (trùng tên với văn sĩ G. dưới Los Angeles) vẫn dịch thơ Tầu, tóc bạc xóa mà vẫn oai hùng. Thi sĩ X. đã bán nhà in với một giá hời. Hoạ sĩ Y. vừa triển lãm tranh, bức nào cũng có mầu nâu đất, mầu quê hương, mầu máu thẫm của vịnh Thái Lan, mầu đen tối của tâm hồn. Phần tôi, tôi nay đã có công ăn việc làm. Mỗi ngày một trăm dặm đường đi về như cái quả lắc đồng hồ giữa San Jose và San Francisco."

Sáng lái xe đi mờ khói phủ
chiều về quạnh quẽ chuyến tầu xuôi
bạn bè thất lạc như sương sớm
thằng chán anh em đứa dở người

Tôi lúc nào chẳng lạ? Tôi kết luận. Còn B. lúc nào chẳng chua ngoa? Tôi nghĩ. Mỗi khi gã không cười, hai khoé mép kéo xệ xuống. Mỗi khi có ai chê bai, môi dưới trề ra, hàm răng rít lên. Nên tôi gọi gã là nhà văn số một của văn chương Việt Nam hải ngoại, như thế tôi kéo hai cái khoé mép của gã thành một nụ cười ngây thơ sung sướng. Văn chương hải ngoại là cái gì? Tôi đâu dám chắc. Nó có sứ mệnh gì? Nhiều người đã trả lời. Sứ mệnh quốc gia hay quốc tế? Người ta nói rồi. Nó dành cho giây phút này hay cho cả kiếp con người và cho những gì vĩnh cửu thiên thu? Ðây là những câu hỏi giả tưởng chứ thực tế tôi nghĩ B. lái xe đưa tôi đi 50 dặm đường nữa xuống vùng Garden Grove tuyệt nhiên không bàn gì về vĩnh cửu hay thiên thu, mà cũng không nói gì về những quyển sách của B. hay của tôi, ngược với mọi dự đoán, chúng tôi chỉ cười. Cười làm mất vẻ trang nghiêm. Tuần trước nữa ông bạn V. đến tận nhà tôi nói như thế. V. đưa bàn tay chặt chẽ bắt lấy tay tôi mà nói: Nhưng giá cậu đừng đùa bỡn cười cợt thì tốt hơn. Tuy nhiên hôm nay tôi giả tưởng những người bạn ở Garden Grove lúc ngồi chờ tôi đến họ cũng cười cợt như tất cả những người khác trong đời sống thực chứ không phải lúc nào cũng nghiêm nghị như trong văn chương. Họ cười nói ầm ĩ. Họ ngồi chung quanh một cái bàn, chính giữa là những lon bia và một đĩa thịt vịt quay. Họ gồm có:

- Chủ nhà, thi sĩ P. có in một quyển sách ở Mỹ cách đây những chín năm, sau đó tuyệt không viết lách gì. Cũng xin nói thêm vì đây là chuyện giả tưởng nên tất cả các nhân vật đều là văn sĩ, thi sĩ, họa sĩ, nhà biên khảo. Còn đối với các chủ nhân, những người hàng xóm, người bản xứ thì họ là những người Việt Nam làm thợ điện, thợ tiện, thợ hàn, thợ ghi đồng hồ ga, bồi bàn, gác cửa, rửa chén. Quả cũng có người là nhà báo nhưng báo chữ Việt không được tuyệt đại đa số 200 triệu người khác lưu tâm, mà có đọc cũng không hiểu.

- Tiếp theo, thi sĩ M. bất mãn kinh niên, dị ứng với đời sống cũ lẫn đời sống mới. Tư Bản lẫn Cộng Sản, thơ phú có mùi chua chát.

- Văn sĩ G. tính chăm chỉ tẩn mẩn, cũng như văn sĩ B., mới sang Mỹ có ba năm mà mỗi người đã xuất bản được ba quyển sách tiếng Việt.

- Thi sĩ D. cựu Thiếu tá Thủy quân lục chiến, hai chân khẳng khiu chịu nguyên một băng đạn AK vào tháng 3/1975 lúc Cộng Sản tiến chiếm miền Nam. Sau khi nằm nhà thương, sau tám năm cải tạo vẫn sống, vẫn đủ sức đi bộ sang Cam bốt, rồi sang Thái Lan, bỏ lại nhà một vợ năm con. Sau đó đi bằng đường hàng không như chim trời bay sang Mỹ tiếp tục làm thơ làm báo.

- Người trẻ tuổi nhất, nhà phê bình văn học P. đeo mắt kính dày cộm như đa số các giáo sư đại học, chuyên về phê bình nhưng lại thích làm thơ, viết tùy bút, mặc dù vẫn bị các văn nghệ sĩ khác can ngăn.

- Sau hết, văn sĩ kiêm thi sĩ Q., một người rong chơi giữa rượu chè và các nền văn hóa xa lạ. Công việc hiện tại về văn học là phiên dịch các tư tưởng vĩ đại của Nhật bản từ tiếng Mỹ sang tiếng Việt cho người Việt lưu vong.

Anh Q.
ngôi sao sáng của các mối tình lãng mạn
khuôn thước của những vẻ đẹp tuyệt vời
người dũng cảm
hào hoa khinh bạc
cười hiên ngang trên đớn đau thống khổ
một tâm hồn sâu thẳm đầy bóng tối âm u
một bóng cây thông
trong buổi chiều tà cô quạnh.

Anh Q.
mặt trời trên đỉnh núi
vì sao anh lại lóng lánh như thế này hở trời?
"Vì anh là một giọt sương mai
chứa đầy ánh sáng của một ngày nắng ráo
khi những trái cây ngon ngọt rất sẵn sàng
và trong lớp học những đứa trẻ bên quê nhà
thúc cùi chỏ nhìn lên bảng đen
ông thày nghiệm nghị nhìn xuống"»
tất cả phá lên cười.

Anh Q.
vì sao hớn hở như thế này hở trời?
"Vì những người bạn phương xa yêu mến anh
đã viết cho anh những bài thơ và những lá thư
bắng một thứ tiếng nơi đây ít người hiểu rõ
nhưng chúng tôi khi đọc xong rồi"
tất cả phá lên cười.

Anh Q.
vì sao anh đẹp đẽ như thế này hở trời?
"Vì khi những cơn đau đớn chợt ngẩng lên nhìn
bằng tia mắt dịu dàng
nói với anh tất cả rồi sẽ qua
và hạnh phúc hay bất hạnh
cũng xảy ra bình thường thôi."

Anh Q.
anh đã vẩy ướt các cô gái bằng những giọt nước mắt?
"chính là anh, một cựu chiến sĩ oai hùng
mái tóc giờ đã điểm sương
vẫn yêu các cô bằng một quả tim nồng nàn vô nhiễm
anh đã đọc cho các cô
những bài thơ tuyệt vời
để các cô làm gối kê đầu trong lúc ngủ mơ
tưởng mãi đến nụ cười của anh
rạng rỡ
trong bộ quân phục
gom đầy lá rừng trên vai áo."

Dẫu cho những cô gái ấy sẽ rơi xuống
những giọt nước mắt đầm đìa
nhớ tiếc xót xa ân hận
van xin anh trở về
trở về
cho em đẩy xe đưa anh đến nhà thờ
nghe tiếng chuông rộn rã
đếm bước cùng anh trên vỉa phố
cho em khóc mãi những khi không có ai nhìn
cho em vỡ vụn như ánh trăng trên dòng nước
cho em chìm trong biển
như xác đứa hài nhi không bao giờ ra đời
cho em ngân như kim loại
cho em tan biến như khí trời
cho em mù mịt như sương mờ trong lòng anh tẻ ngắt.

Cho em nói
một lời không đủ
Cho em hỏi: vì sao thế này hở trời?
"Vì sự thực cũng đơn giản thôi
như gặp rồi thì lìa xa
và lìa xa để bắt đầu trở về
còn nếu chúng ta chịu khó thì bao giờ
cũng có đủ hòa bình trong lòng mãi mãi"
"Vì đây là máu, thịt, xương và da
đây là trái tim
vì tất cả chúng ta đều bước đi cà nhắc trên một con đường thống khổ.
Vì sao anh ngây thơ như thế này hở trời? "
"Vì anh là bạn của những đứa bé con anh
vì khi tất cả những bài hát cũng trỗi lên một lúc
thì đó là tiếng gào
vì khi tất cả những quyển sách khôn ngoan đọc lên một lúc
thì đó là hỗn độn
còn anh với những đoạn thơ rất ngắn
vẫn đủ tưới lên linh hồn chúng tôi bằng nước mắt
và khi linh hồn chúng tôi cào xé rối loạn
trong thế giới tan nát bế tắc
thì anh vẫn mỉm cười."

Anh Q.,
Vì sao anh là ánh sáng của nghệ thuật và thi ca?
Vì sao chúng ta đắm mình vào vũng bùn của chán chường mỏi mệt và lầm lỗi nhưng ô kìa khi chợt nhìn vào gương thì chúng ta đã bay vòng như chim bồ câu trên bầu trời nắng ráo và buổi trưa trở về ngồi gù gù trong bóng mát.
Nhào lộn như chim ó, chim cắt, chim diều
Nhưng cũng có hôm tưởng mình là se sẻ, chim quạ, chim cú
Than ôi
Dẫu thế nào chúng ta cũng có ngày trở về một miền đẹp đẽ
khoan dung thân ái không có những con dơi chờn vờn trong
buổi chiều chập choạng, tiếng eng éc của những con lợn bị cắt
tiết nửa đêm, không có gì ngoài hòa bình an lạc.
Và tất cả cũng đều giản dị thôi.

Vậy giả tưởng tất cả mọi điều xảy ra như thế với những A, B, C, D văn sĩ thi sĩ rồi tôi cứ bước đi cà nhắc như một thi sĩ giả tưởng đến một tiệm sách kia nhìn ngắm cuốn sách giả tưởng của tôi bên cạnh những cuốn sách khác. Giả tưởng có một số độc giả nhận ra tôi. Giả tưởng trong khu Tenderloin thuộc thành phố San Francisco này cách thành phố Los Angeles chừng bốn, năm trăm dặm về hướng Bắc nếu tất cả những ông bà già, người lớn trẻ con từ những từng lầu chi chít, từ những căn phòng tối tăm thiếu ánh sáng ùa ra nắm lấy tay tôi như thể tôi đến từ một miền xa vời, một nơi chỉ có tiếng đàn hạc cầm và những đóa nguyệt lan, giả tưởng họ nắm lấy tôi như thể đây là không khí và ánh sáng, giả tưởng như họ mở hết cõi lòng buồn bã cho tôi xem và nói với tôi bằng tất cả những lời nhớ nhung chân chất. Tôi đỏ mặt bảo họ:

"Xin đừng làm thế. Tôi cũng đang giẫm chân trên mặt đất đầy đá và gai nhọn. Ðây là thịt, xương và da. Ðây là trái tim. Chúng ta đều đang đi cà nhắc trên cùng một con đường vào một ngày cuối năm."

Giả tưởng như đột nhiên mặt trời hiện ra sáng láng tràn ngập trong tiệm sách. Giả tưởng tất cả những đĩa hát cũ, băng nhạc cũ tưng bừng hát lên và tất cả những cuốn sách chữ Việt cùng một lúc nói lên nhưng không phải là những tiếng gào và tiếng hỗn độn. Giả tưởng như đám đông không nghe không nhìn. Giả tưởng như họ chụp vào đầu tôi, một thi sĩ giả tưởng một cái vương miện dẫu cho nó làm bằng vàng ròng, có gắn kim cương, hồng thạch, bạch ngọc, mã não, nhưng giả tưởng nó chỉ làm cho bất cứ đầu tóc ai cũng rối bù lên và không thoải mái chút nào. Giả tưởng họ gọi thêm những người khác đến, sau cùng mọi con đường đều chật ních gây ra phiền phức cho các cảnh sát công lộ Mỹ vì trở ngại lưu thông, vì mất trật tự xã hội, nhưng mặc cho cảnh sát la ó túm gạt, những người da vàng buồn bã trên các buyn-đinh, trên các căn nhà bốn tầng, trong các căn phòng thiếu ánh sáng cứ tiếp tục kéo đến. Họ hô lên:

"Thi sĩ: Xin nói cho chúng tôi rõ. Xin hãy bảo nên ở hay nên về? Tương lai sẽ ra sao? Con cái chúng tôi sẽ ra sao?

Hãy ngâm cho chúng tôi những bài thơ. Hãy hát lại những điệu ru của bà ngoại. Hãy nhìn thấu suốt các quả tim. Hãy nhìn qua thời gian mù tối."

“Hừm”

Giả tưởng đó là lời thi sĩ cất lên:

“Hừm”.

Giả tưởng đó là một lời nữa.

Hai tiếng "hừm, hừm" làm cho mọi người buồn bã thêm. Tại sao trong lòng tôi lại có những tiếng "hừm, hừm". Nó cào xé linh hồn tôi. Nó làm cho chúng tôi cùng thấy đen tối và rối loạn trước một thế giới thương đau, con đường cụt của bom đạn, nhà tù và xác chết, những công xưởng sản xuất vũ khí, bế tắc, phân ly, thất bại giữa mọi chủ nghĩa lý tưởng và tinh thần thực dụng, đất đai ruông đồng thiếu hạt giống và phân bón, cánh rừng tàn tạ trong buổi chiều thoi thóp, lá thư nhà với con tem trị giá hơn một tháng lương, những lời van xin không xấu hổ, hạt gạo vỡ vụn, trẻ con ốm đói, những vợ chồng cha mẹ con cái mong chờ ngày gặp mặt, phút giây ê chề, tháng ngày không mưa không nắng, thi sĩ ơi, tại sao lại "hừm, hừm"? Tại sao không mỉm cười? Và bao giờ nhà tù mở cửa? Chúng tôi sẽ bón xác lên châu Á, châu AÂu hay châu Mỹ? Và tấm lòng, khối óc có thay đổi được như trang giấy, như quyển sách?

Anh Q. thân mến,

Anh biết tính tôi cũng hay ngượng nghịu mặc dầu nhiều khi tôi trâng tráo và dở hơi. Nhưng mỗi khi tôi bị chính lòng mình kêu gọi thì tôi không ngượng nghịu mà cũng không trâng tráo.

Tôi có thể nói thẳng như thế này:

Tôi chống lãng mạn nhưng tôi vẫn cần mộng mơ và lãng mạn. Tôi chống thẩm mỹ nhưng tôi vẫn yêu thẩm mỹ.

Tôi chống lại buồn phiền nhưng tôi cũng chống lại sự an lạc của tâm hồn tôi. Tôi ghét buồn phiền nhưng tôi vẫn để cho buồn phiền chinh phục. Tôi chê sự kể lể, ấy thế tôi vẫn dài giòng trộn lộn văn với thơ, nghệ thuật với nụ cười, tiếng khóc, sự thực vớiø giả tưởng, hiện tại với thiên thu, chiến tranh, đói khổ, ngục tù với hạnh phúc và bất hạnh.

Tôi yêu kính sự thánh thiện nhưng tôi kém kiên nhẫn khi thấy rung cảm thánh thiện trở thành đầu mối của buồn phiền vì tôi không đủ sức vạn năng.

Tôi thích thành thực mà tôi vẫn giả dối.

Tôi bẻ quanh bẻ quẹo như kiểu các thi sĩ và nếu họ làm cho xấu xa trở thành đẹp đẽ thì đấy là nghệ thuật hay kỹ thuật hay là chuyện riêng của họ? Họ than phiền và phê bình đời sống chút chút, họ nhớ nhà, đó là nơi họ sinh ra hay là nơi trở về sau khi ta nhắm mắt? Họ chìm đắm vào dĩ vãng, họ nghiêm nghị, họ diễu cợt, họ đi trước cảm xúc, và quả cũng đôi khi họ phát biểu sự thực, sự thực của chính họ khi mùa đông về, ở một nơi kia mùa thu đang sắp chết, họ trơ trụi giận dữ, rối loạn, diễn tả quanh co ngay cả khi họ cố tình làm ra đơn giản.

Nhưng cách đây mấy năm, hàng ngày nhìn cuốn chỉ rối nùi trong cuộc đời người di dân, trong những xáo trộn đời sống vật chất, tình cảm, trong biến động đẩy đi, bay ra, tôi biết mình cứ phải tiếp tục đơn giản lại nhiều vấn đề.

Tôi tự ghi cho mình những lời nhắc nhở chính mình, còn mỗi bài thơ là một cái mặt nạ, hết mặt nạ này đến mặt nạ khác lột ra hoài để tìm chân diện mục. Ừ, vẫn phải tiếp tục kiếm tìm.

Còn giả tưởng hôm nay đây trong một góc phố San Francisco vào một ngày cuối năm 1985, tôi đứng im lại không thốt lời nào. Không mỉm cười như anh P.. Không rít chua ngoa như anh B.. Không tần ngần như anh G..

Giả tưởng đám đông tràn đến giận dữ, tuyệt vọng và máu đổ từ bốn phía đổ tới thì tôi cũng đứng im. Giả tưởng họ đạp lên thịt da tôi như đạp đôi dép cũ.

Giả tưởng họ xé tôi như người ta xẻ thịt con sơn dương. Nhưng như tôi đã nói, kể cả tôi, tất cả đều là giả tưởng.

Hôm nay trời lạnh. Bầu trời xuống thấp và không nắng không mưa. Hôm nay một ngày cuối năm 1985, tôi bước đi cà nhắc trên hè phố vào giờ ăn trưa, quanh quẩn mãi ở khu Tenderloin nhìn những tiệm phở, tiệm ăn, những hiệu sách chữ Việt. Tôi nghĩ đến Los Angeles, Garden Grove, tôi nhớ những bạn hữu Việt Nam ở khắp bốn phương trời, những cái tên bằng mẫu tự La tinh: A, B, C, D, E, F và lòng tôi có lẽ không buồn vui gì cả.


Chuyện của một người di cư nhức đầu vừa phải (II) tiếp theo


 

 

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.