Nam Ông- người Việt Nam đầu tiên- viết thi thoại
Trang tặng: Tất cả người Việt Nam ở xa Tổ quốc
Xuân Nhâm Thìn 2012
Đào Văn Khởi
… Hiên nay, khi tìm hiểu” Văn học hải ngoại” của người Việt lưu vong (do nhiều nguyên nhân khác nhau), chúng tôi để ý đến tác phẩm Nam Ông mộng lục (NOML) của Hồ Nguyên Trừng. Phát hiện thấy, ngoài tính chất ký ngôn tự sự của tác phẩm, Hồ Nguyên Trừng đã thể hiên là nhà viết thi thoại đích thực đầu tiên trong lịch sử văn học Việt Nam.
Đã có một số nghiên cứu về Hồ Nguyên Trừng, nhưng chủ yếu xoay quanh con người chính trị của Hồ. Chỉ vài tác giả phân tích phần đóng góp văn hỏa, như xác định giá trị sử liệu của NÔML, hoặc bàn về thể loại của tác phẩm này. v v v.
Bài viết này nhằm trích nguyên văn phần văn bản có tính thi thoại của tác phảm.và một đôi lời bàn thêm …
Nam Ông mộng lục 南翁夢錄( ghi chép điều mơ nhớ của ông già nước Nam; tên tác giả ghi trên sách: Lê Trừng). Có bài tựa sách do tác giả ghi rõ ” Ngày 9 tháng 9 năm Mậu Ngọ, niên hiệu Chính Thống thứ ba (1438).”. Đó là thời điểm hoàn thành sách “Mộng Lục”, Căn cứ theo Trung Quốc tùng thư tùng lục thì sách này có trong bản Kỷ lục vựng biên, Thuyết phu tục ( quyển 14); phần Hoàng Minh bách gia tiểu thuyết của sách Ngũ triều tiểu thuyết đại quan, Hàm phân lâu bí kíp ( tập IX), hoặc Sử địa loại thuộc Tùng thư tập thành sơ biên; các bản Kỷ lục vựng biên thuộc Ảnh ấn chí Minh thiện bản tùng thư thập chúng; Bách bộ tùng thư thập thành cùng ảnh ấn sách này đều lấy từ Kỷ lục vựng biên. Xét cuối sách Hàm phân lâu có bài Bạt của Tôn Dục Tu nói rằng:” Các sách Tục thuyết phu của Đào Dĩnh thời Minh, Kỷ lục vựng biên của Thẩm Tiết Phu đều đã từng san hành, nhưng cắt xén không còn đầy đủ. “ Bản sao cũ” này có bài Tựa của Hồ Huỳnh người Tỳ Lăng và các bài Tựa của Tống Chương và Nam Ông đều người Giao Nam, so với hai bản của họ Đào, họ Thẩm thì hơn hẳn…v.v.v. Nay đem so phần chính văn của Kỷ lục vựng biên với Hàm phân lâu thấy không có sai biệt mấy; bởi bản Kỷ lục vựng biên ra đời sớm hơn nên dùng nó và bổ sung thêm hai bai Tựa còn thiếu của của họ Hồ, họ Tống và bài Bạt của họ Tôn đều đưa phụ vào đấy. Lại nói sách này vẫn chưa thấy ở Việt Nam, riêng Lê Quý Đôn trong Kiến Văn tiểu lục nói đã đọc bản Tục thuyết phu của sách này (3). Còn (Theo GS Trần Văn Giáp thì NÔML được in trong bộ tùng thư Hàm phân lâu bí kíp, t. IX, in ảnh bản viết tay cũ từ đời Minh khổ 13.20). Sách ghi chép được nhiều tài liệu văn học và sử học đời Trần, đề cao một số nhân vật trong nước ta.
Sách không chia số quyển, trong mục lục có đề 31 thiên mục. Mỗi mục nói một chuyện đã xẩy ra Ở Việt Nam về thời Lý Trần. Mục lục sách có nêu rõ các đề mục sau đây:
1. Nghệ vương thủy mạt ( 藝王始末: Đầu đuôi chuyện Nghệ Vương)
2. Trúc Lâm thị tịch 竹林示寂(Việc chết của vua Trần Nhân Tông, hiệu Trúc Lâm).
3. Tổ linh định mệnh 祖靈定命 ( Linh hồn của ông là Trần Nhân Tông quyết định ngôi vua cho cháu là Trần Minh Tông).
4. Đức tất hữu vị 德必有位 (việc vua Minh Tông lên làm vua).
5. Phụ đức trinh minh 婦德貞明( việc vợ vua Duệ Tông đi tu).
6. Văn táng khí tuyệt 聞喪氣絕( Nghe tin cha là Trần Thái Tông mất cũng tắt thở).
7. Văn Trinh ngạnh trực 文貞鯁直(Chuyện Chu Văn An tính thẳng).
8. Y thiện dụng tâm 醫善用心( chuyện thầy lang khéo dùng thì giờ chữa bệnh).
9. Dũng lực thần dị 勇力神異( chuyện Lê Phụng Hiểu dùng sức mạnh lạ thường phá giặc).
10. Phu thê tử tiết 夫妻死節( chuyên hai vợ chồng Ngô Miện cùng tử tiết dưới áp lực quân Minh, đời Vĩnh Lạc).
11. Tăng đạo thần thông 僧道神通 (Việc thi tài chống yêu quái giữa Phật tăng Giác Hải và Đạo sĩ Thông Huyền).
12. Tấu chương minh nghiệm 奏章明驗( tờ tấu lên Thiên đình ứng nghiệm).
13. Áp lãng chân nhân 壓浪真人( chuyện đạo sĩ họ La đem pháp thuật dẹp sóng biển cho vua Lý, con cháu của người ấy tên là La Tu).
14. Minh Không thần dị 明空神異( chuyện nhà sư Nguyễn Minh Không thần hóa lạ thường, vẫn ở Giao Thủy mà chữa được bệnh vua Lý, tức đức thánh Không Lộ ở chùa Keo Nam Hà?).
15. Nhập mộng liệu bệnh 入夢療病( chuyện nhà sư Quán Viên chữa mắt cho vua Trần Anh Tông).
16. Ni sư đức hạnh 尼師德行( chuyện bà sư tu đắc đạo).
17. Cảm kích đồ hành 感激 徒行( Chuyện Trần Đạo Tái hăng hái đi bộ).
18. Điệp tự thi cách 疊字詩格 ( Nói về bài thơ điệp tự của Trần Thánh Tông).*
19. Thi ý thanh tân 詩意清鋅 ( Phẩm bình thơ hay của Trần Nhân Tông)*.
20. Trung trực thiện chung 忠直善終 ( Chuyện hai anh em Phạm Ngộ, Phạm Mai trung thực mà giữ được trọn vẹn tiết tháo. Phạm Mại có Kính Khê thi tập).
21. Thi phúng trung gián 詩諷忠諫( Truyện Trần Nguyên Đán làm thơ can vua Nghệ Tông không được, bỏ về. Trần Nguyên Đán giỏi về tính lịch, có sách Bách thế thông kỷ thư).*
22. Thi dụng tiền nhân cảnh cú 詩用前人警句( Dùng câu thơ cũ của thi nhân để làm thơ khen thi nhân ấy; chuyện Nguyễn Trung Ngạn làm thơ viếng Trần Toại hiệu Sầm Lâu, tác giả Sầm Lâu tập)*.
23. Thi ngôn tự phụ 詩言自負( Lời thơ khoe khoang của Nguyễn Trung Ngạn).*
24. Thi tửu kinh nhân 詩酒驚人( Chuyện Hồ Tông Thốc uống rượu khỏe, làm thơ nhiều).*
25. Thi triệu dư khương 詩兆餘羹( Chuyện Nguyễn Thánh Huấn là ông ngoại cha Lê Trừng, tức ông ngoại của Hồ Qúy Lý giỏi thơ, gọi là tổ thơ Phương Nam, làm bài thơ Điền viên mãn hứng có ảnh hưởng đến gia thế Lê Trừng)*.
26. Thi xứng tướng chức 詩稱相職( Thư của hai anh em Trần Nghệ Tông ( khi chưa làm vua) tiễn sứ Nguyên về Bắc.*.
27. Thi thán trí quân 詩歎致君 ( Nói Trần Nguyên Đán làm thơ tự thán để can vua)*.
28. Quý khách tương hoan 貴客相歡( Nói chuyện tướng Mã Kỳ, người Đông Triều làm thơ xướng họa khi đi tiễn sứ Nguyên là Hoàng Thường).*
29. Mệnh thông thi triệu 命通詩兆 ( điềm thơ báo về vận mệnh)*
30. Thi chí công danh 詩志功名 ( Bài thơ nói về chí công danh)*
31. Tiểu thi lệ cú.小詩麗句 (câu thơ hay trong bài thơ ngắn)*
.
………………………………………………..
Chúng tôi trích dẫn một số bài Hồ Nguyên Trừng dùng bút pháp thi thoại để bày tỏ nội lòng của mình đối với các tiền nhân.ở cố hương. Trật tự trích lục các bài theo những chủ đề chúng tôi tự nghĩ ra. ….
I-疊字詩格
陳家弟二代王曰聖王塈傳位世子晚年頗閒. 適嘗游天長故鄉有詩云
景清幽物亦清幽壹十仙洲此一洲百部笙歌禽百舌千行奴僕橘千頭月無事照人無事水有秋涵天有秋四海已清塵已淨今年游勝舊年游
此詩作時蓋經元軍兩度征伐之後國中安樂故結意如此其命意清高疊字振響非老于詩者焉能道此況自性清高天然富貴國君風味與人自別矣
Phiên âm:
Điệp tự thi cách
“Trần gia đệ nhị đại vương viết Thánh vương ký truyền vị Thế tử, vãn niên phả nhàn. Thích thường du Thiên Trường cố hương, hữu thi vân:
Cảnh thanh u vật diệc thanh u,
Nhất thập thiên châu thử nhất châu
Bách bộ sênh ca cầm bách thiệt
Thiên hàng nô bộc quất thiên đầu.
Nguyệt vô sự chiếu nhân vô sự,
Thủy hữu thu hàm thiên hữu thu.
Tứ hải dĩ thanh trần dĩ tịnh,
Kim niên du thắng cưụ niên du.
Thử tác thời, cái kinh Nguyên quân lưỡng độ chinh phạt chi hậu, quốc trung an lạc, cố kết ý như thử. Kỳ mệnh ý thanh cao, điệp tự chấn hưởng, phi lão vu thi giả, yên năng đạo thử? Huống tự tính thanh cao, thiên nhiên phú quý, quốc quân phong vị dữ nhân tự biệt hỹ.
Dịch nghĩa:
Lối thơ điệp tự
Trần Thánh Vương, vua thứ hai Nhà Trần- khi đã truyền ngôi cho Thế Tử, vào tuổi vãn niên, được chút ung dung nhàn nhã. Một lần trở lại Thiên Trường quê cũ, Ngài có làm bài thơ như sau:
Cảnh thanh u, vật cũng thanh u,
Mười đảo Tiên châu dây một châu
Trăm bộ sênh ca, trăm giọng hót,
Ngàn hàng nô bộc quất ngàn đầu
Trăng đủng đỉnh rọi, người đủng đỉnh
Sông mầu thu ôm trời mầu thu.
Bốn bể đã yên, trời đã lặng.
Năm nay hơn trước cuộc nhàn du.(*)
Có thể bài thơ này được sáng tác vào thời đã trải qua hai kỳ bị quân Nguyên xâm phạt,. Đất nước đã yên bình, cho nên ( mới có) thành tạo nên ý thơ như vậy. Ý tứ bài thơ thanh cao, điệp tự âm vang, nếu chẳng phải là bậc lão luyện trong làng thơ sao có thể viết được như vậy. Huống chi, ngài bản tính thanh cao, bẩm sinh phú quý, có thiên tượng làm vua cả một nước. khác với người thường “
Bàn thêm:
Từ Nghệ Tông trở về trước đến Thánh Tông là: 1370-1258= 112 năm, qua 8 đời vua, thế mà Nam Ông còn ghi nhớ một chi tiết tốt đẹp trong cảnh thái bình của cố hương một thuở! Chắc Nam Ông ngậm ngùi cho cảnh lưu đày nơi xứ ngườ, ngán cảnh loạn ly đương thời lắm lắm.
II 詩意清鋅
竹林大士詠梅詩云五出圓葩金攆鬚珊瑚沉影海鱗浮箇三冬白枝前面此一瓣香春上頭 甘露歌凝癡蹀醒夜光如水渴禽愁嫦娥若識花佳處桂冷蟾寒只麼休.
其清鋅雄楗迥出人表千乘之君趣興如此誰謂人窮詩乃工乎又山房滿興二絕句云誰縳更將求解脫不凡何必覓神仙猿閒馬倦人應老依舊雲莊一(禪忒)慝...逐朝花洛名利心隋夜雨寒花盡雨晴山寂寂一聲啼鳥又春殘.
其瀟灑出塵長空一色騷情清楚逸足超群有大香海印集頗多絕唱惜其地遭兵火不得流傳余只記誦一二而已吁可惜哉
Phiên âm:
Thi ý thanh tân
Trúc Lâm Đại Sĩ Vịnh Mai thi vân:
Ngũ xuất viên ba kim niến tu
San hô trăm ảnh, hải lân phù.
Cá tam đông bạch chi tiền diện,
Thử nhất biên hương xuân thượng đầu
Cam lộ ca ngưng si diệp tỉnh
Dã quang như thủy khát cầm sầu.
Thường Nga nhược thức hoa giai xứ.
Quế lãnh thiềm hàn chỉ ma hưu.
Kỳ thanh tân hùng kiện quýnh xuất nhân biểu. Thiên thặng chi quân thú hứng như thử, thùy vị nhân cùng thi nãi công hồ? Hựu Sơn phòng mạn hứng nhị tuyệt cú vân:
I
Thùy phọc cánh sương cầu giả thoát,
Bất phàm hà tất mịch thần tiên
Viên nhàn mã quyện nhân ưng lão,
Y cựu vân trang nhất tháp thiền
I
Thị phi ngôn trục triêu hoa lạc,
Danh lợi tâm tùy dạ vũ hàn
Hoa tận vũ tình sơn tịch tịch
Nhất thanh đề điếu hựu xuân tàn.
Kỳ tiêu lệ xuất trần, trường koong nhất sắc, tao tình thanh sở, dật túc siêu quần. Hữu Đại Hương Hái ấn tập phá đa tuyệt xướng, tích kỳ địa tao binh hòa, bất đắc lưu truyền, dư cxhi ký tụng nhất nhị nhi dĩ. Hu khả tích tai!
Dịch nghĩa
Ý thơ thanh tân
“
Trúc Lâm Đại sĩ có làm bài thơ Vịnh mai như sau:
Năm cánh hoa tròn nhị điểm vàng
Như bóng san hô chìm, như vảy cá biển nổi,
Cành hoa trắng xóa suốt ba tháng mùa đông
Sang mùa xuân còn thoáng một vài cành thơm nhẹ
(khi) Bài ca cam lộ ngừng, (thì)chú bướm mê mệt tỉnh giấc.
Ánh sáng ban đêm như nước khiến chim khát buồn rầu
Thường (hằng) Nga nếu biết vẻ đẹp thanh nhã của hoa mai,
Thì nơi cung quế vắng lặng chỉ đáng bỏ đi
Dịch thơ:
Năm cánh hoa tròn, vàng nhụy phô,
Nổi nênh vảy cá, chìm san hô
Dầm đông ba tháng, cành khoe trắng,
Xuân một làn thơm, nhánh nhẹ đưa.
Đêm ngỡ nước trong, chim ráo cổ
Sương lừng hương ngát, bướm tan mơ
Hằng Nga như biết đây hoa đẹp
Quế lạnh cung Thiềm, há mến ưa.
Cái thanh tân hùng tráng vượt quá người thường. Thi hứng, thi vị của bậc vua một nước có ngàn cỗ xe như vậy, ai dám bảo người ta khi khốn cùng (cùng tất hậu công- Mai Thánh Du -Âu Dương Tu)(&) thì thơ mới hay? Ngài lại có hai bài Sơn phòng mạn hứng theo thể tuyệt cú dịch nghĩa như sau
I
Ai trói buộc mà phải tìm phương giải thoát,
Chẳng phải kẻ phàm tục cần gì tìm thần tiên
Vượn nhàn, ngựa mỏi, người cũng đã già
Vẫn một chiếc giường thiền nơi am may cũ
II
Lời thị phi rụng theo hoa buổi sớm,
Lòng danh lợi lạnh theo trận mưa đêm.
Hoa rụng hết, mưa tạnh rồi, núi non tịch mịch
Một tiếng chim kêu, lại cảnh xuân tàn.
Hai bài thơ đó tiêu sái vượt khỏi chốn bụi trần, bao la một màu, tinh tú tao nhã, trong trẻo rỡ ràng. Tập Đại Hương Hải ấn của Ngài có nhiều bài tuyệt xướng. Tiếc rằng đất nước gặp cơn binh hỏa, không lưu truyền.lai được. Ta chỉ thuộc được vài bài mà thôi. Ôi đán tiếc thay!”
Bàn thêm:
Năm 1428, kết thúc cuộc kháng chiến chống quân Minh..Lê Lợi tuyên bố đất nước đã hoàn toàn giải phóng. Mãi 10 năm sau 1438 Lê Trừng mới viết xong Nam Ông mộng lục. 1407 cha con Hồ Quý Ly bị bắt đưa về Trung quốc, cũng là năm nước ta bị quân Minh đổi thành quận Giao Chỉ! Thì danh tác Đại Hương Hải ấn bị Minh Thành Tổ cho tiêu ra tro là cái chắc. (#)
Cũng cần nhớ rằng Ngoại Tổ 4 đời của Lê Trừng- cụ Nguyễn Thánh Huấn- từng là Trung thư ngoại lang dưới triều Trần Nhân Tông. Có thể cái nạn ngoại thích về sau ( Hồ Quý Ly cướp ngôi Nhà Trần) bắt đầu từ Thánh Huấn!
_____________________________________________________
(#) <<‘ Khi đoàn quân viễn chinh sắp lên đường, Thành tổ ra lệnh cho viên tướng Chu Năng như sau;
“ Một khi binh lính vào nước Nam, trừ các sách vở và bản in của đạo Phật và đạo Lão, còn thì mọi sách vở, văn tự, cả những dân ca, sách dạy trẻ(…) đều phải đốt hết, một mảnh, một chữ cũng không chừa. Những bia nào Trung Hoa xây dựng từ trước thì đều giữ gìn cẩn thận, còn cacsbia do An Nam dựng thì phá hủy cho hết”.
Chính sách của Nhà Minh tàn bạo như vậy.
Nhà Trần bất bình nổi lên chống. Thành Tổ phái Trương Phụ qua lần nữa ( 1413) dẹp được.
Nhưng năm năm sau ( 1418) Lê Lợi khởi nghĩa ở Lam Sơn, được Nguyễn Trãi giúp, quyết đuổi quân Minh về nước. sau 10 năm gian khổ, quân ta thắng được Vương Thông, tướng Minh, và Vương Thông phải xin hàng. Nhưng Thành Tổ đã chết trước rồi, không phải nuốt cái nhục đó>> ( Nguyễn Hiến Lê - trang 131 SỬ TRUNG QUỐC tâp II.)
III. 詩稱相職
陳蓺王初為相時有送元使詩云安南老相不能詩空對金樽送客歸圓傘山高瀘水碧遙瞻玉節五雲飛
其弟恭信性文雅好詩畫後為右相亦有尋幽詩云橋七不重虹宛轉水東西折綠縈迴不人看石尋梅去安得昇平宰相來
Phiên âm:
Thi xứng tướng chức
Trần Nghệ Vương sơ vi tướng hữu thời hữu Tống Nguyên sứ thi vân:
An Nam lão tướng bất năng thi
Không đối kim tôn tống khách quy.
Viên Tản sơn cao Lô thủy bích,
Dao chiêm ngọc tiết ngũ vân phi
Kỳ đệ Cung Tín tính văn nhã, hiếu thi họa, hậu vi Hữu tướng, diệc hữu Tâm u thi vân
Kiều thất bát trùng hồng uyển chuyển
Thủy Đông Tây chiết lục oanh hồi.
Bất nhân khán thạch tầm mai khứ,
An đắc thăng bình Tể tướng lai
Dịch nghĩa:
Thơ xứng chức Tướng quốc
Khi Trần Nghệ Vương mới nhậm chức Tướng quốc, Ngài có bài thơ Tống Nguyên sứ ( tiễn sứ Nhà Nguyên) như sau:
Ông Tướng quốc An Nam không tài làm thơ,
( Nhưng) Chẳng lẽ ngồi suông trước chén vàng tiễn khách về nước?
Núi Tản Viên thì cao, nước sông Lô thì biếc,
Vọng nhìn cờ tiết bay theo năm thức mây.
Dịch thơ
An Nam lão tướng chẳng hay thơ
Không lẽ ngồi suông buổi tiễn đưa
Kìa Tản Viên cao, Lô nước biếc
Vời trông cờ tiết dẫn mây về.
Em ông là Cung Tín , tính tình mềm mỏng, nhã nhặn, thích làm thơ, vẽ tranh, về sau làm Hữu tướng quốc. Cung Tín có bài thơ Tầm u (tìm chốn u nhàn) như sau:
Cầu bảy tám lớp như những mống hồng uốn lượn,
Dòng nước gấp khúc đông tây, màu xanh chảy quanh co
Chẳng nhân lúc này đi ngắm đá tìm mai.
Sao được coi là buổi thanh bình có Tể tướng đến chơi.
Dịch thơ:
Mấy lớp cầu vồng thâm thấp xây
Nao nao dòng nước rẽ đông tây
Không vì thưởng thức mai cùng đá
Ai dễ đưa quan đến chốn này
Bàn thêm
Vì Trần Nghệ Tông làm vua trong khoảng thời gian 1370-1372, như vậy Ngài ở ngôi tướng quốc phải trong gian trước đó. Ta thấy lúc này quan hệ Đại Việt và Nguyên Mông có vẻ thân thiện: Tướng quốc một nước nhỏ tiễn sứ giả thiên triều đến tận biên giới. không khác gì thời nay Thủ tướng tiễn đại sứ Trung quốc ở ải Nam quan! Xưa khi Nhà Nguyên đã ở thời suy mà còn ứng xử ngoại giao như vậy hèn chi!
IV. 詩諷忠諫
至正間交趾陳元旦以陳家宗冑仕窳王為御史大夫王不勤政權臣多不法元旦數諫不納裕王沒其侄昏德嗣立時事愈甚元旦上書不報乃乞骸骨而去有寄待中寮有詩云臺端一去便天涯回首傷心事事違九陌塵埃人易老五湖風雨客思歸儒風不振回無力國勢如懸去亦非今古興亡真可鑑諸公何忍諫書稀
後內難起奔從藝王王即位拜司徒平章事居相位頗多年而卒其人通曉曆法嘗看百世通紀書上考堯甲辰下至宋元日月交蝕星辰纏度與古苻合奉道精煉祈雨有應自號冰壺子.
Phiên âm
Thi phúng trung gián
Chí Chính gian, Giao Chỉ Trần Nguyên Đán dĩ Trần gia tông trụ sĩ Dụ Vương vi Ngự sử đại phu. Vương bất cần chính, quyền thần đa bất pháp, Nguyên Đán sác gián bất nạp. Dụ vương một. Kỳ điệt Hôn Đức tự lập. Thời sự dữ thậm. Nguyên Đán thướng thư bất báo, nãi khất hài cốt nhi khứ. Hữu ký đài trung liêu hữu thi vân.
Đài đoan nhất khứ tiện thiên nhai ,
Hồi thủ thương tâm sự sự vi.
Cửu mạch trần ai nhân dịch lão,
Ngũ Hồ phong vũ khách tư quy
Nho phong bất chấn hồi vo lực,
Quốc thế như huyền khứ diệc phi.
Kim cổ hưng vong chân khả giám,
Chư công hà nhẫn gián thư hy.
Hậu nhân nạn khởi, bôn tòng Nghệ Vương, Vương tức vị, bái Tư đồbình chương sự, cư Tướng vị phả đa niên nhi tốt.
Kỳ nhân thông hiểu lịch pháp, thường khán Bách thế thông kỷ thư. Thượng khảo Nghiêu Giáp Thìn, hạ chí Tống, Nguyên; nhật nguyệt giao thục, tinh thần triền đồ dữ cổ phù hợp, phụng đạo tinh luyện, kỳ vũ hữu ứng. Tự hiệu Băng Hồ Tử.
Dịch Nghĩa
Bài thơ dùng lời trung để can gián
Vào khoảng niên hiệu Chí Chính ( Nhà Nguyên), ở Giao Chỉ có Trần Nguyên Đán- một tôn thất Nhà Trần- giữ chức Ngữ sử đại phu dưới thời Dụ Vương. Dụ Vưng bỏ bê chính sự, để bọn quyền thần lộng hành, phần nhiều không tuân quốc pháp. Nguyên Đán đã mấy làn can gián, nhưng Dụ Vương không nghe. Đến khi Dụ Vương mất, cháu của vương là Hôn Đức nối ngôi, chính sự bấy giờ lại càng quá thể.. Nguyên Đán dâng thư can gián nhưng không có hồi âm, (ông) bèn xin được đem tấm thân ra đi, đồng thời có làm bài thơ gửi lại bạn đồng liêu ở Ngự sử đài:
Rời đài Ngữ sử, đi đến tận nơi chân trời,
Ngoái đầu nhìn lại, lòng đau vì mọi việc đều sai trái.
Giữa chốn Kinh thành, bụi trần làm người mau già.
Nơi Ngũ Hồ, gió mưa làm khách nghĩ đến việc lui về,
Nền Nho phong không chấn hưng được, trở về thì không có sức.
Thế nước như treo đầu sợi tóc, bỏ đi cũng không đúng.
Cuộc hưng vong xưa nay đúng là tấm gương để soi
Các ông sao nỡ ít dâng thư can gián?
Dịch thơ:
Rời đài ngữ sử đến chân trời.
Ngoảnh lại lòng đau việc trái sai.
Chốn bụi kinh thành mau tuổi lão,
Ngũ hồ mưa gió khách xa khơi
Nho phong chuyện cũ , người khong sức
Thế nước mơ hồ những muốn thôi.
Hưng vong kim cổ gương soi đó
Sao chẳng dâng thư đến cõi trời?
Về sau khi nội nạn xẩy ra, Nguyên Đán chạy theo Nghệ Vương. Nghệ Vương lên ngôi phng ông làm Tư đồ Bình chương sự, ở ngôi Tể tướng nhiều năm rồi mất,
Nguyên Đán thông hiểu lịch pháp, từng xem sách Bách thế thông kỷ, khảo thấy các hiện tượng mặt trời, mặt trăng giao nhau thành nhật thực, nguyệt thực, cùng triền độ các vì sao, (trong khoảng thời gian) trên từ năm, Giáp Thìn đời Nghiêu, dưới đến đời Tống. Nguyên (**) đều phù hợp với cổ xưa. Ông còn tinh luyện về Đạo giáo, cầu mưa linh nghiệm và tự đặt cho mình hiệu là Băng Hồ Tử
Bàn thêm:
Làm thơ ngũ ý can gián vốn là một phương cách tế nhị của các bậc hiền nhân quân tử có tâm, có lòng trung quân ái quốc, Từ thời Xuân thu Chiến quốc Thiên tử Nhà Chu cũng như vua các nước chư hầu đều đã đặt chức quan Gián nghị đại phu để làm công việc góp ý cho các bậc quân vương mắc phải những điều không hợp đạo nhân Cái dạng quan can gián này tồn tại cho tận khi chế độ quân chủ chuyên chế diệt vong. Còn trong chế độ Công Sản chuyên chế, loại quan chưc này bị bãi bỏ, vì sinh hoạt Đảng” lấy phê bình và tự phê bình làm nguyên tắc sống còn”!Các lãnh tụ được quan niệm ( do tuyên truyền) là không thể phạm sai lầm!
V. 詩嘆致君
冰壺司徒題玄天觀詩云白日升天易致君堯舜難塵埃六十載回首媿黃冠蓋為相時不有功效而興此歎是亦憂愛在懷情歸忠厚詩人所可取也歟
Phiên âm:
Thi thán trí quân
Băng Hồ Tư Đồ Đề Huyền Thiên quán thi vân:
Bạch nhật thăng thiên dĩ,
Trí quân Nghiêu Thuấn nan.
Trần ai lục thập tải,
Hồi thủ quý hoàng quan.
Dịch Nghĩa:
Quan Tư Đồ Băng Hồ có làm bài thơ Đề quán huyền Thiên như sau:
Giữa ban ngày lên trời còn dễ,
Nhưng (được) phò tá vua Nghiêu, vua Thuấn khó lắm thay.
Sáu mươi năm sống ở chốn trần ai,
Ngoảnh lại (cảm) thấy xấu hổ vì mình đội mũ vàng.
Dịch thơ:
Lên trời vẫn còn dễ,
Phò vua khó lắm thay.
Sáu chục năm sống gắng,
Mình sang, hổ thẹn thay
Chắc là khi còn đương chức Tướng quốc, Băng Hồ (nghĩ rằng) mình chẳng làm được chuyện gì đáng kể ,nên thốt ra những lời than thở như vậy chăng? Âu cũng là điều khả thủ của bậc thi nhân mà lòng trung quân ái quốc chứa chất bên trong dồn nén thành tấm lòng trung hậu vậy?
Bàn thêm
Kể từ thuở còn làm Gián quan đại phu dưới các triều Dụ tông, Hôn Đức, ông đã thất vọng qua nhiều lần can gián nhà vua, mà rồi ông phải bỏ đi xiêu bạt ,cho tới khi theo Nghệ Vương, được ở ngôi Tể tướng mà vẫn không tự vừa lòng. Chẳng qua Nhà Trần đã ở hồi suy vi đấy thôi!
Còn Sử gia Ngô Sĩ Liên chê hoài Trần tể tướng (ĐVSKTT) là không hết lòng với quốc gia. Chỉ lo mưu lợi riêng. Ông viết” Làm rõ điều nghĩa mà không mưu lợi, làm sáng đạo lớn mà không kể công, đó là tấm lòng người quân tử. Nguyên Đán là bậc đại thần cùng họ với vua, biết họ Hồ sắp cướp ngôi, cơ nghiệp Nhà Trần sắp hết, thế mà không biết vững vàng vượt qua gian nan, cùng vui lo với nước, lại đem con mình gửi gắm cho họ Hồ để làm kế lâu dài về sau. Thế là mưu lợi mà không nghĩ đế nghĩa, bỏ đạo mà chỉ tính đến công, sao gọi là người hiền được? Hơn nữa, lúc ấy tai họa người Chiêm là việc cần kíp, mà lại bảo yêu Chiêm Thành như con, thờ nước Minh như cha, thì chỉ là câu nói tầm thường chung chung về đạo thờ nước lớn, yêu nước nhỏ, có bổ ích gì cho việc nước lúc đó? Tiếc rằng học vấn của ông biết trước được mọi điều mà lòng nhân thì không giữ được.”
VI. 詩志功名
范五老事陳仁王為殿帥上將君平生出身戎行頗好讀書倜儻有大志喜吟詩于武事若不經意然所領軍必為父子之兵每戰必勝侍衛勤謹首冠爪牙之臣嘗有詩云橫槊江山恰幾秋三軍貔虎氣吞牛男兒未了功名債羞聽人間說武侯
Phiên âm
Thi chí công danh
Phạm Ngũ Lão sự Trần Nhân Vươn vi điện soái Thượng Tướng quân.Bình sinh xuất thân nhung hàng, phá hảo độc thư thích thảng hữu đại chí. Hỷ ngâm thi, vu vũ sự nhược bất khinh ý, nhiên sở lĩnh quân tất thắng. Thị vệ cần cẩn thủ quan trảo nha chi thần. Thường hữu thi vân:
Hoành sáo giang sơn cáp kỷ thu,
Tam quân tì hổ khí thôn ngưu.
Nam nhi vị liễu công danh trái,
Tu thính nhân gian thuyết Vũ Hầu
Dịch nghĩa
: Thơ tỏ chí công danh
Phạm Ngũ Lão thờ Tràn Nhân Vương, giữ chức Điện soái Thượng tướng quân, Vốn xuất thân từ quân ngũ nhưng ông ham đọc sách, tính tình phóng khoáng, có chí lớn và cũng thích ngâm vịnh Đối với việc võ bị , ông dường như có vẻ không quan tâm, song cai quản quân lính bằng tình cha con, vì thế mỗi khi ra trận đều thắng. Ông làm quan thị vệ cần mẫn, cẩn thận, là một bề tôi nanh vuốt hàng đầu, ông có bài thơ như sau:
Cắp ngang ngọn giáo gìn giữ non sông đã mấy thu rồi.
Ba quân ( khí thế) như hổ nuốt trôi trâu.
Thân nam nhi nếu chưa trả hết nợ công danh,
Ắt thẹn lòng khi nghe người đời kể chuyện Vũ hầu
Dịch thơ;
Múa giáo, non sông trải mấy thu,
Ba quân hùng khí nuốt sao Ngưu.
Công danh nam tử còn mang nợ,
Tự thẹn tai nghe chuyện Vũ Hầu
*****.
Sử gia Ngô Sĩ Liên có lời bàn:
Tôi từng thấy các danh tướng Nhà Trần như Hưng Đạo Vương thì học vấn tỏ ra ở bài Hịch, Phạm điện súy thì học vấn biểu hiện ở câu thơ, không chỉ có chuyện về nghề võ. Thế mà dùng binh tinh diệu, hệ đánh là thắng, đã tấn công là chiếm được, người xưa
cúng không một ai vượt nổi các ông. Lê Phụ Trần thì dũng lược đứng đầu ba quân, một mình một ngựa xông pha trong lúc gian nguy, mà tài văn học của ông đủ để dạy bảo Thái
Tử. Đủ biết, Nhà Trần dùng người, vốn căn cứ vào tài năng của họ để trao trách nhiệm:…
VII. 僧道神通
李氏時嘗有妖物晝夜隱形啼叫于殿梁上連日不止時弟二代王召僧覺海道士通玄同來厭勝覺海以數珠擊柱其聲應手而址通玄以令牌擊柱忽見大手出梁上將一蛤蚧擲地其妖乃止王占口曰覺海心如海通玄道更玄神通能變變化一佛一神仙.
Phiên âm:
Lý thị thời, thường hữu yêu vật trú dạ ẩn hình đề khiếu vu điện lương thượng, liên nhật bất chỉ. Thời đệ nhị đại vương, triệu tăng Giác Hải, đạo sĩ Thông Huyền, đồng laiyeems thắng. Giác Hải dĩ sổ châu kích trụ, kỳ thanh ứng thủ nhi chỉ. Thông Huyền dì lệnh bài kích trụ, hốt kiến đại thủ xuất lương thượng, tương nhất cáp trịch địa., kỳ yêu nãi chỉ. Vương chiếm khẩu viết:
Giác Hải tâm như hải,
Thông huyền đạo cánh huyền.
Thần thông năng biến hóa,
Nhất Phật nhất thần tiên.
Dịch nghĩa:
Phép thần thông của nhà sư và đạo sĩ
Thời Lý thường có con yêu quái náu mình trên thượng lương cung điện nhà vua, đêm ngày kêu gào, ngày nọ qua ngày kia không thôi. Vị vương thứ hai nhà Lý bấy giờ triệu nhà sư Giác Hải và đạo sĩ Thông huyền cùng đến để trấn yểm. Giác Hải lấy chuỗi tràng hạt đập vào cột, tiếng kêu gào ngừng ngay. Thông huyền cầm chiếc lệnh bài đánh vào cột, bỗng thấy một cánh tay ở thượng lương hiện ra, đem con thạch sùng ném xuống đất. Yêu quái hết từ đó.
Vương ứng khẩu đọc :
Tâm của Giác Hải như biển,
Đạo của Thông huyền, càng huyền diệu
Thần thông tài biến hóa
Một người là Phật, một người là thần tiên
Dịch thơ
Tâm Giác Hải như biển,
Đạo Thông Huền càng huyền.
Thần thông tài biến hóa,
Một Phật, một Thần tiên.
Bàn thêm
Đây là chuyện xẩy ra ở triều Nhà Lý mà Lê Trừng ở thời Trần mạt còn nhớ chép vào NOML. “ Con yêu quái kêu hoài ngày đêm trên thượng lương cung điện. Nhà vua phải triệu cả sư, cả đạo sĩ đến trấn yểm” . Chứng tỏ thời đó Nho không thịnh, không được đề cao như Phật và Lão. Cái trạng huống Tam giáo đông giao từ thời nhà Tống vẫn còn được Nguyên Mông coi trọng như là một hệ tư tưởng chính thống.
VIII. 詩兆餘慶
澄太父之外祖曰阮公諱聖訓事陳仁王為中書侍郎性甚仁厚少年登高科最(*)能詩當時無敵後人稱為南方詩祖嘗有田園漫興詩其一聯云
巢鳥寄林休伐木蟻封在地未耕田識者歎其仁心及物必有餘慶後其女配我曾祖生太父及陳明王次妃妃生藝王卒有贈典尊榮門閥 昌盛之福果如識者所言其兆先見于此詩乎以至四世 外孫如澄今者出自幽谷遷于喬木溝斷之餘濫同成器豈非先人之澤未割乃得生逢聖世深沐堯仁而有此寄遇者歟.
Phiên âm:
Trừng thái phụ chi ngoại tổ viết Nguyễn Công, húy Thánh Huấn, sự Trần Nhân Vương vi Trung thư thị lang. Tính thậm nhân hậu. Thiếu niên đăng cao khoa, tối năng thi, đương thời vô địch, hậu nhân xưng vi “ Nam phương thi tổ”. Thường hữu Điền viên mạn hứng thi, kỳ nhất liên vân:
Sào điểu ký lâm hưu phạt mộc
Nghi phong tại địa vị canh điền.
Thức giả thán kỳ nhân tâm cập vật, tất hữu dư khánh.
Hậu kỳ nữ phối ngã tằng tổ, sinh thái phụ cập Trần Minh vương thứ phi. Phi sinh Nghệ Vương,
Tốt hữu tặng điển tôn vinh môn phiệt, xương thịnh chi phúc quá như thức giả sở ngôn..
Kỳ triệu tiên kiến vu thử thi hồ? dĩ chí tứ thế ngoại tôn như Trừng kim giả, xuất tự u cốc, thiên vu kiều mộc, câu đoan chi dư lạm đồng thành khí, khởi phi tiền nhân chi trạch vị cát, nãi đắc sinh phùng thánh thế, thâm mộc Nghiêu nhân nhi hữu thử kỳ ngộ giả dư?
Dịch Nghĩa
Điềm thơ để phúc lành
Ngoại tổ của thái phụ Trừng tôi (*) là Nguyễn Công, húy là Thánh Huấn, thờ Trần Nhân Vương, làm quan đến Trung thư thị lang. Tính cụ cực kỳ hiền hậu; đỗ cao từ thuở thiếu thời, giỏi nhất là khoản làm thơ.đương thời không ai địch nỏi. người đời sau tôn cụ là “Nam phương thi tổ”. Trong bài thơ Điền viên mạn hứng của cụ có câu
Chim làm tổ trong rừng, hãy ngừng chặt cây,
Kiến tụ gò dưới đất, chưa cày cấy vội
Một bậc thức giả khen rằng “ Lòng nhân ái của cụ thươg tới loài vật ắt sẽ có thừa phúc lành” Về sau, con gái của cụ lấy tằng tổ của tôi, sinh ra thái phụ của tôi và thứ phi của Trần Minh vương. Thứ phi lại sinh ra Nghệ Vương.
Khi cụ mất được phong tặng theo điển lễ tôn vinh, phúc nhà càng dồi dào đúng như lời vị thức giả nọ.
Điềm phúc lành của cụ trước hết hiện ra trong thư kể trên chăng? Đến như cháu ngoại bốn đời của cụ là Trừng tôi hiện nay, xuất thân từ nơi hang tối, chuyển tới cây cao, một đoạn ngòi thừa làm ngang với vật quý. Nếu không phải phúc trạch của tổ tiên chưa hết, thì cũng là bởi sinh ra gặp thời thánh chúa, gội nhuần đức vua Nghiêu mà có sự đại ngộ lạ lùng như vậy chăng?
IX. 命通詩兆
黎栝字伯栝清化人也少時游學都下其有友人為官者當元季時奉使燕京栝送詩云驛路三千君據鞍海門十二我還山中朝使者煙波客君得功名我得閒.
識者知栝將貴後栝登科果驟遷櫂居政府先於其友云.
Phiên âm:
Mệnh thông thi triệu
Lê Quát tự Bá Quát, Thanh Hóa nhân dã. Thiếu thời du học, đô hạ kỳ hữu nhân vi quan giả. Đương Nguyên quý thời phụng sứ Yên Kinh. Quát tống thi vân:
Dịch lộ tam thiên quân cứ an,
Hải môn thập nhị ngã hoàn san
Trung triếu sứ giả yên ba khách
Quân đắc công danh ,ngã đắc nhàn
Thức giả tri Quát tướng quý. Hậu Quát đăng khoa, quả sậu thiên trạc. Cư chính phủ tiên ư kỳ hữu vân.
Dịch nghĩa: Điềm thơ báo về vận mệnh
Lê Quát tự Bá Quát, người Thanh Hóa. Thuở nhỏ, ông du học ở Kinhđo.Trong soos bạn bè có người làm quan, đi sứ Yên Kinh. Bấy giờ là vào cuối thời Nhà Nghuyên. Bá Quát làm bài thơ tiễn như sau:
Ba ngàn dặm đường, chàng trên yên ngựa,
Mười hai cửa bể, tôi trở về núi.
Sứ giả của Trung triều là khách trên khói sóng,
Chàng đạt công danh, tôi được chữ “nhàn” .
Dịch thơ:
Người tựa trên yên trải dặm ngàn,
Kẻ vê cửa bể cách quan san.
Sứ thần, đất khách nào hơn kém,
Ông được công danh , lão được nhàn.
Xem thơ, người am hiểu cho rằng Bá Quát sẽ hiển quý. Về sau Quát đỗ đạt, quả được thăng chức rất nhanh, vào làm việc trong chính phủ trước cả bạn mình..
X. 詩用前人警句
陳家宗冑有校岑樓者弱冠能詩二十七歲而卒有岑樓集行于世墳在烏鳶江上介軒阮忠彥亦有詩名不及相識行過烏鳶有追挽詩云平生恨不識岑樓一讀遺編一點頭差笠五湖榮佩印桑厤數鉧勝封侯世間此語誰能道萬古斯文去已休欲酹騷魂何處是煙波萬頃使人愁差笠五湖一聯是岑樓之是句也
Phiên âm:
Thi dụng tiền nhân cảnh cú
Trần gia tông trụ hữu hiệu Sầm Lâu ($) gia nhược quan năng thi, nhi thập thất tuế nhi tốt. hữu Sầm Lâu tập hành vu thế.Phần tại Ô Diên giang thượng.
Giới Hiên Nguyễn Trung Ngạn diệc hữ thi danh, bất cập tương thức. Hành quá Ô Diên., hữu truy vãn thi vân:
Bình sinh hận bất thức Sầm Lâu,
Nhất độc di biên nhất điểm đầu.
“ Soa lạp Ngũ Hồ vinh bội ấn,
Tang ma sổ mẫu thắng phong lưu”
Thế gian thử ngữ thùy năng đạo,
Vạn cổ tư văn khứ dĩ hưu,
Dục loại tao hồn hà xứ thị.
Yên ba vạn khoảnh sử nhân sầu
“ Soa lạp Ngũ Hồ…” nhất liên thị Sầm Lâu chi thị cú giã.
Dịch nghĩa
Dùng câu thơ hay của tiền nhân để làm thơ
Tôn thất Nhà Trần có người tên là Sầm Lâu, từ thuở thiếu thời sáng tác thơ đã sành lắm, nhưng qua đời ở tuổi 27! Ông để lại Sầm Lâu tập, được người đời tìm đọc. Phần mộ ông trên bờ sông Ô Diên.
Giới Hiên Nguyễn Trung Ngạn cũng nổi tiếng về thơ nhưng không kịp làm quen với Sầm Lâu. Khi đi qua sông Ô Diên ông có làm bài thơ điếu Sầm Lâu như sau:
Bình sinh ôm hận không được biết Sầm Lâu,
Nay mỗi lần đọc thơ còn sót lại là một lần gật đầu.
“ Mang tơi nón ở Ngũ Hồ (*)còn vinh hơn mang ấn tín,
Dâu gai mấy mẫu vượt được cả phong hầu’
Lời ấy thế gian ai nói được,
Điệu vãn này muôn thuở, qua rồi thôi.
Muốn rót chén rượu tế hồn thơ, kiếm đâu nhỉ?
Khói sóng muôn khoảnh khiến lòng người sầu não
Dịch thơ:
Đời ta chẳng biết Bác Sầm Lâu,
Mở đọc thơ xưa lại gật đầu
“ Tơi nòn Ngũ Hồ hơn ấn tín,
Dâu gai dăm mẫu át công hầu”
Thế gian lời ấy nào ai nói,
Muôn thuở văn này được mấy câu,
Dám nâng chén rượu người đâu nhỉ,
Mênh mang khói sóng lại dâng sầu(*)
Hai câu thơ “ Tơi nón Ngũ Hồ ..” vốn là thơ của Sầm Lâu.
Theo ĐVSKTT, Sầm Lâu chính là Uy Văn Vương Trần Toại lấy con gái Thượng hoàng là công chúa Thái Bảo. Vua từng hỏi ông nghĩa chữ “Quan gia”Ông đáp “ Năm đời để lấy thiên hạ làm của công (quan), ba đời vương lấy thiên hạ làm của nhà (gia), nên gọi là quan gia. Vua khen ông kiến thức rộng, không may chết sớm (24 tuổi), người trong nước ai cũn thương tiếc.
Bàn thêm:
Hai câu kết phải chăng Nguyễn Trung Ngạn “thuổng thơ Thôi Hiệu <崔顥> trong bài Hoàng hạc lâu <黃鶴樓>?Ngày nay dư luận gọi là “đạo văn-導文”
日 暮 鄉 關 何 處 是
Nhật mộ hương quan hà xứ thị
煙 波 江 上 使 人 愁
Yên ba giang thượng sử nhân sầu ;
Dịch nghĩa : Trời sắp tối, đâu là quê hương mình,
( Nhìn) khói sóng trên sông khiến lòng người đượm buồn .
Tản Đà dịch:
….. Quê hương khuất bóng hoàng hôn,
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai.
Và Trần Trọng Kim:
Chiều hôm lai láng lòng quê,
Khói bay sóng vỗ, ủ ê nỗi sầu.
Rồi gần đây Ngô Văn Phú :
Mặt trời gác núi quê nào thấy
Khói sóng trên sông, nẫu dạ người.
XI. 詩言自負
阮忠彥早有才名頗自負嘗有長千篇詩其略云介軒先生廟廊棄茂齡已有吞牛志年方十二太學生纔登十六充廷試二十有四入諫官二十有六燕京使其自負矜伐如此然事陳明王歷樞要登政府卒有令名不負儒者官至尚書左輔壽八十餘有介軒集行于世
Phiên âm:
Thi ngôn tự phụ
Nguyễn Trung Ngạn (^) tảo hữu phát tài danh, phá tự phụ. Thường hữu trường thiên thi, kỳ lược vân:
Giới Hiên Tiên sinh miếu lang khí,
Mậu lịnh dĩ hữu thôn ngưu chí.
Niên phương thập nhị thái học sinh,
Tài đăng thập lục sung đình thí.
Nhị thập hữu tứ nhập gián quan,
Nhị thập hữu lục Yên Kinh sứ…
Kỳ tự phụ căng phạt như thử. Nhiên sự Trần Minh Vương, lịch sử yếu đăng chính phủ tối hữu lện danh, bất phi nho giả. Quan chí Thượng thư tả phụ. Thọ bát thập dư, hữu Giới Hiên tập hành vu thế.
Dịch nghĩa:
Bài thơ nói về lòng tự phụ
Nguyễn Trung Ngạn rất tự phụ vì sớm nổi tiếng là người có tài. Ông từng làm thơ trường thiên nói về điều đó, đại khái có đoạn thế này:
Tiên sinh Giới Hiên là nhân tài của triều đình,
Thuở thiếu niên đã có chí nuốt trôi trâu,
Tròn tuổi mười hai đã là thái học sinh,
Mới tuổi mười sáu đã vào thi Đình
Hai mươi bốn tuổi vào triều gưc chức Gián quan.
Hai mươi sáu tuổi đi sứ Yên Kinh…
Dịch thơ:
Giới Hiên ta đây vốn tài chí
Sao Ngưu mơ nuốt thời cu tí.
Mười hai đã dư Thái học sinh
Mười sáu đã đến saab Đình thí.
Hai bốn tiến bước chức gián quan
Hai sáu Yên Kinh, nào đi sứ !
Sự kiêu căng của ông là như vậy. Song ông phụng sự Trần Minh Vương đắc lực, từng giữ các chức trọng yếu của triều đình, khi mất lưu lại tiếng tốt, không phụ là bậc nho giả.
Làm quan đến chức Thượng thư Tả phụ, thọ hơn tám mươi tuổi. Ông có Giới Hiên tập lưu hành ở đời.
XII.貴客相歡
軍頭莫記東潮人也出身行伍酷好吟詩元統間伴送元使黃裳裳亦好詩者旬日江行相與唱和多有佳句裳甚歡之至界上留別詩云江岸梅花正白船頭細雨斜飛行客三東北去將君一棹南歸
Phiên âm:
Quý khách tương hoan
Quân đàu Mạc Ký ,Đông Triều nhân dã, xuất thân hành ngũ, khốc ngâm thi. Nguyên Thống gian bạn tống Nguyên Sứ Hoàng Thường. Thường diệc hiếu thi giả. Tuần nhật giang hành tương dữ xướng họa, đa hữu giai cú. Thường thậm hoan chi. Chí giới thượng Lưu biệt thi vân.
Giang ngạn mai hoa chính bạch
Thuyền đầu tế vũ tà phi.
Hành khách tam đông bách khứ
Tướng quân nhất trạo Nam phi..
Dịch nghĩa:
Vui với khách quý
Quân đầu Mạc Ký là người Đông Triều. Ông xuất thân lính tráng nhưng rất thích làm thơ> Vào năm Nguyên Thống ông được tiễn sứ giả Nhà Nguyên tên là Hoàng Thường. Thường cũng là người thích thơ. Suốt một tuần nhật trên sông, Mạc Ký đã xướng họa với Hoàng Thường và làm được nhiều câu thơ hay. Hoàng Thường thích lắm. Tới biên giới Mạc Ký làm bài thơ Lưu biệt như sau:
Bên sông hoa mai trắng nở,
Đàu thuyền mưa nhỏ bay nghiêng.
Hành khachs cuối đông về Bắc,
Tướng quân một mái chèo xuôi về Nam..
Dịch thơ:
Trên bến hoa mai đua trắng
Đầu thuyền mưa bụi tạt ngang
Đông tàn khách nhắm về Bắc,
Tướng quân một mái về Nam
*****
Một đôi lời kết
Tôi không rõ “ thi thoại” có tồn tại trong Lịch sử văn học Phương Tây hay không; chỉ biết ở Trung Hoa cổ đại không có thể loại này. Mãi tới thời Bắc Tống, Âu Dương Tu ( 1007 - !072), ở tuổi vãn niên, mới viết quyển “ Lục nhất thi thoại”,và ông được giới sáng tác tôn là người khai sinh ra thể loại “ thi thoại” trong lịch sử phê bình văn học. Đó là cách bình thơ nhẹ nhàng, linh hoạt, khi thì bình một câu thơ, một bài thơ, khi thì bàn về cách làm thơ, khi thì cho biết một vài mẩu chuyện ít người biết về các nhà thơ. Quả đúng như học giả Nguyễn Hiến Lê từng bàn về thi thoại Ông nhận rằng” Đọc thi thoại còn thú hơn đọc thi. Ta có cảm tưởng một người chơi hoa dắt ta đi coi và kể cho ta nghe các chuyện lạ về từng loài hoa một” Ông bàn thêm” Loại đó (thi thoại) rất ít người viết, đời Đường , đời Tống, mỗi đời dài mấy trăm năm mà trong văn học sử chỉ ghi được độ dăm tập thi thoại… Là vì phải có nhiều điều kiện mới viết được. Trước hết phải là một thi sĩ, cũng như phải là một người chơi hoa mới biết kể chuyện về hoa. Hơn nữa phải là một thi sĩ có danh, nếu không thì không đủ uy tín. Lại phải quen biết nhiều, lịch lãm nhiều, đọc sách nhiều. Nhưng điều kiện này mới khó
nhất: phải vừa là nhà thơ, vừa là nhà văn vì thi thoại là một thể tùy bút, người viết phải khéo tự sự và phê bình sao cho tao nhã, thân mật như trong một cuộc đàm đạo. Mà hạng người làm thơ hay ít khi viết văn hay; còn hạng người vừa làm thơ hay vừa viết văn hay thì ít khi nghĩ đến viết thi thoại; Hàn Dũ, Tô Đông Pha không có thi thoại”.
Thế là đã rõ, Âu Dương Tu - một trong bát đại gia Đường Tống- một chính trị gia lão luyện ; “Lục nhất thi thoại “ của ông chỉ xuất hiện khi ông đã già…
Hồ Nguyên Trừng (1374 – 1446) sinh, sống sau tác giả “Đường Thư” khoảng 370 năm, được coi là người Việt Nam đầu tiên viết thi thoại, mà lại viết ở quê hương của người khai sinh ra thể loại văn học hiếm hoi này! Và trải qua hơn mười lăm thế kỷ số tác phẩm “thi thoại “ đếm chưa hết ngón tay trên một bàn tay?
…………………………….
23 tháng chạp Tân Mão
Khiêm Chi
Email< daovankhoi2009@zing.vn>
……………………………
Chú thích
1>. Hồ Nguyên Trừng (1374-1446) - Thái Tử, tác giả, con cả của Hồ Quý Ly, anh Hồ Hán Thương, tự Mạnh Nguyên hiệu Nam Ông. Tổ tiên ở hương Đào Đột, đất Diễn Châu, đến đời Hồ Liêm dời đến làng Đại Lại, huyện Vĩnh Phúc , lộ Thanh Hoa ( nay thuộc huyện Vĩnh Lộc tỉnh Thanh Hóa). Vì Hồ Liêm là con nuôi tuyên úy Lê Huấn nên cải theo họ Lê, do đó sử cũ chép Hồ Nguyên Trừng là Lê Trừng. Tuy là con trưởng của Hồ Quý Ly nhưng Trừng không kế cha làm vua, chính ông có ý nhường ngôi cho em ( Hồ Hán Thương) (1).nhưng anh em có điều bất hòa. Hồ Quý Ly từng khuyên anh em ông:
“ Thiên giả phú, địa giả tải;
Huynh đệ nhị nhân như hà bất tương ái?
Ô hô! Ai tai hề ca khảng khái”
Nghĩa là: Trời thì che, đất thì chở,
Anh em hai người sao chẳ niềm nở.
````Ô hô ! Xót thay chừ lời ca trăn trở!
Về trước, khi phụ thân ông chưa lật đổ Nhà Trần, dưới triều Trần Thuận đế. Ông phụ trách Thượng Lân tự: một quan thự chuyên xét xử chuyện ngục tụng mà đời trước gọi là Viện Đăng văn kiểm pháp.
Năm Kỉ Mão 1399 ông giữ chức Tư đồ.
Nhà Hồ được dựng lên, ông giữ chức Tả tướng quốc. Mặc du bề ngoài tỏ ý thần phục Nhà Minh, nhưng ông cha và em ông vẫn nghĩ cách chống đối, củng cố chủ quyền độc lập (2). Thời thế không thuận lợi, rốt laị đến ngày 12.5 Âm lịch, năm Đinh Hợi 1407, cả ba cha con và người cháu là Hồ Nhuế ( con Hồ Hán Thương), đều bị quân Minh bắt giải về Kim lăng (Nam Kinh Trung Quốc).
Minh Anh Tông dùng ông giữ chức Tả thị lang bộ Công, chính nghi đại phu tư trị doãn. Lại nữa vua Minh không thừa nhận gia đình ông dòng dõi Ngu Thuấn, bắt buộc phải đổi họ khác, ông đổi lại là Lê Trừng.
Sống cảnh lưu đày ở nước ngoài, ông có sáng chế súng thần công, loại trọng pháo khiến Trung Quốc được tiếng là phát minh khí giới chiến tranh..
“Nam ông mộng lục” là tác phẩm sáng giá của ông kể về nội dung cũng như hình thức. Một điều lạ là ai đọc xong MOML cũng nêu câu hỏi” Tại sao ông không ghi chép thơ của thân phụ ông, tức Hò Quý Ly, bởi vì quý ly làm thơ không it!
2>.Thơ Hồ Quý ly:theo ĐVSKTTcủa Ngô Sĩ Liên
. 1/ Quý ly nằm mộng, thấy một thần nhân đọc bài thơ sau:
Nhị nguyệt tại gia
Tứ nguyệt loạn hoa
Ngũ nguyệt phong ba
Bát nguyệt sơn hà
Thập nguyệt long xa
(Tháng ba ở nhà
Tháng tư loạn hoa
Tháng năm sóng gió
Tháng tám núi sông
Tháng mười xe rồng).
2/ Quý Ly biếm Cảnh Chân làm An Phủ sứ Thăng Hoa. Lấy Nguyễn Ngạn Quang làm Tuyên Phủ Sứ kiêm chức Tri sứ trấn Tân Ninh, ban cho Quang bài thơ:
Biên quân thừa tuyên tư tráng khí
Hùng phiên tiết chế hữu huy du
Thanh tùng bảo nhĩ tuế hàn tiết
Bạch phát khoan dư tây cố ưu.
Huấn tức binh nông giai trực tự
Giản đình trấn thú thị hà thu
Cần lao vật vị vô trei giả
Tứ mục nguyên phi tế miện lưu.
( Trấn trị biên cương nuôi chí mạnh,
Hùng phiên tiết chế sẵn mưu hay.
Thông xanh ngươi hãy bền tiết lạnh
Tóc bạc ta nguôi lo phía tây
Rèn luyện binh nông đều giữ nghiệp
Triệt hồi trấn thú hỏi bao ngày?
Cần lao chí bảo không người biết,
Tua mũ đâu che nổi mắt này.
3/ Hồ Quý Ly sai Nguyễn Cẩn trông coi Thuận Tông; làm bài thơ để Cẩn đưa cho Vua:
Tiền hữu dung ám quân
Hôn Đức cập Linh Đức
Hà bất tài an bài.
Đồ sứ lao nhân lực.
( Trước đó vua hèn ngu,
Hôn Đức và Linh Đức.
Sao không sớm liệu đi
Để cho người nhọc sức)
3> Bát đại gia Đường Tống : Tám văn hào nổi danh nhất thời Đường, thời Tống.
3-1 Hàn Dũ ( 768 – 824) người đời sau tôn là” Tản văn thánh chủ” tên thụy Hàn Xương Lê.
3-2 Liếu Tôn Nguyên (773-819) tự Tử Hậu, người Hà Đông, Người đời sau tôn là thủy tổ của lối tản văn du ký.
3-3 Âu Dương Tu (1007-1072) tự Vĩnh Thúc, quê ở Lô lăng ( Giang Tây ngày nay) Tô Thức đánh giá văn thơ ông:” Luận về đạo lớn thì tựa Hàn Dũ, luận về việc nước thì tựa Lục Chí,, viết văn ký sự như Tư Mã Thiên, mà thơ phú thì tựa Lý Bạch”
3-4 Tô Tuân (1009-1066), thân phụ của Tô Thức và Tô Triệt, nên gọi là Lão Tô., không đỗ tiến sĩ nhưng quan Hàn lâm học sĩ Âu Dương Tu đọc 22= thiên văn của ông, rất khen. Và họ Tô nổi tiếng liền.
3-5 Tô Thức, tự Tử Chiêm, hiệu Đông Pha (1037- 1101) là văn hào nổi danh nhất trong bát đại gia về sự phong phú các thể loại sáng tác, kể cả phẩm và lượng. Học giả Trung Hoa hiện đại Lâm Ngữ Đường rất trọng ông,cho rằng văn ông càng về già càng bình dị, sâu sắc , viết một cuốn kể cuộc đời ông, tức cuốn The gay genius – Lefe and times of Su Tungpo.
3-6 `Tô Triệt là em Tô Thức, tự Tử Do ( 1039-1112), tính ngay thẳng, hoạn lộ chìm nổi, đỗ Tiến sĩ năm 18 tuổi, đồng khoa với Tô Thức, Từng giữ chức Đại học sĩ, Thái thường đại phu. Văn ông hơi có giọng hùng, khoáng đạt như văn Tô Thức.
3-7 Vườg An Thạch (1021-10860 tự Giới Phủ, người gốc giang Tây.. Người khai sinh Tân pháp thời Bắc Tống, Văn hào hùng, nghị luận đanh thép…
3-8 Tăng Củng ( 1019- 1083) quê Kiến Xương.. 12tuooir nổi danh văn chương.. Âu Dương Tu cho là có kỳ tài., đâuh tiến sĩ năm 1057. Văn nhiều ý đột ngột, châm chước Tư Mã Thiên, Hàn Dũ.
*****
Tác phẩm tham khảo.
1. Hồ Nguyên Trừng Nam Ông mộng lục ( Ưu Đàm _ La Sơn soạn, dịch, chú giải. Nguyễn Đăng Na giới thiệu) Nhà Xuất Bản Văn Hoc HÀ NỘI _ 1999.
2. Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên - Đại Việt Sử Ký Toàn thư – Bản in Nội Các Quan Bản, Mộc bản khắc năm Chính Hòa thứ 18 (1697) Dịch giả Viện Khoa học Xã Hội Việt Nam (1985 – 1992) NXB Khoa Học Xã Hội Việt Nam 1993.
3. Nguyễn Hiến Lê- Để tôi đọc lại- NXB VH TP Hồ Chí Minh 2001