Jan 14, 2025

Tùy bút - Bút ký

Bên này trời Tây, mùa thu nhìn lại bóng mình
MH Hoài Linh Phương * đăng lúc 06:48:39 PM, Sep 20, 2011 * Số lần xem: 2497
Hình ảnh
#1
 • Tùy bút mhhoàilinhphương.


* một.

Mùa bắt đầu bằng những đêm xào xạc gió. Tôi nằm nghe tiếng lá bên thềm như lời ca nào xưa cũ, dấu yêu. Tôi cố ru tôi cho hồn mình đừng khóc. Nhưng nước mắt ở đâu đã chực chờ nghẹn ứ, mặn môi.
Phải không Khôi An, Oác Hương có phải đâu là con búp bê biết khóc, biết cười, một cái đồng hồ tic-tac chạy theo guồng máy xứ người không bao giờ ngưng nghỉ. Cái máy đâu biết buồn những khi trời nổi gió, đâu biết đau trong nỗi chia biệt, lìa tan. Ngày xưa anh nói, không biết bao giờ Oác Hương mới bước ra được khỏi cái tháp ngà của mình. Phải chi bây giờ anh trở về, để thấy Oác Hương đã đi hia ngàn dặm.
Không có anh đã phải vững chải một mình, chống chọi với bão táp trùng dương. Đã bao năm như thế rồi. Em không biết nữa. Quên tuổi tên mình, để tập làm một con người khác, sống bằng những ân tình vay mượn qua mau.
Tôi khép kín lòng mình, sống xa lạ với thế giới bên ngoài, tưởng như mình không còn ai thân thuộc. Không có chút xẻ chia. Không có bếp lửa hồng trong đêm Giao-Thừa, quây quần ngồi chờ năm mới. Chị Như Nguyện cười cười bảo tôi : “ Cô nhỏ này chẳng những khép cửa, mà còn đóng cửa, lock cả bên trong lẫn bên ngoài. “ Một lời nói đùa vui, nhưng bỗng làm tim tôi đau nhói.
Nếu thực sự tôi làm được như những điều chị Như Nguyện cợt đùa, thì chiều nay tôi đã không khóc lặng khi nghe tin Wagner không còn bên tôi nữa, và sắp sửa rời xa tôi. Chút niềm vui nhỏ nhoi còn lại sau cùng sau những cơn địa chấn kinh hoàng, giờ cũng lặng lẽ ra đi. Sao tôi chưa tập được cho lòng mình băng sơn, lạnh giá. Tôi yêu quý Wagner như với một người thầy, cái điểm tựa vững vàng mang hình ảnh một người cha, một người anh đã bao trùm đời sống tôi trong những ngày quay về với sách vở. Hình như bên Wagner, tôi không bao giờ buồn được. Hơn nữa cái tế nhị, sâu sắc của Wagner luôn dõi theo trong từng tiếng tôi cười, trong từng lời tôi khan trầm, đục giọng. Vì là coach của tôi, Wagner luôn khuyến khích những khi tôi thất chí, nản lòng bởi con đường tôi đi đâu phải lúc nào cũng đầy hoa thơm cỏ lạ.
Wagner ngoéo tay tôi. Nhất định Wagner sẽ khao tôi một chầu Ishiban trong ngày tôi tốt nghiệp, và Wagner luôn mong mỏi để nhìn thấy ngày này. Tôi có một background, tương lai đang chờ tôi phía trước.
Những lúc đón tôi đi học, hay đưa tôi đến sở làm, ngồi trên xe Wagner, tôi thường yên lặng. ( Theo quy định, mỗi người coach phải làm việc ít nhất với sinh viên của mình mỗi tuần một giờ. Có những lúc bận, Wagner phải sắp xếp giờ giấc sao cho thuận lợi cả hai bên, nên việc đưa đón sinh viên là một việc rất bình thường của những người huấn luyện.) Wagner hay hỏi tôi đang nghĩ gì vậy, chọc cho tôi cười, và trêu ghẹo ... hay là “ thi sĩ “ đang làm thơ. Đôi khi tôi đã quên hẳn Wagner là một người Mỹ, hoàn toàn khác hẳn với tôi trong quan niệm, trong cách nhìn cuộc sống. Chẳng qua, vì Wagner đã hiểu tôi hơn bất cứ người Việt Nam nào mà tôi tưởng chừng họ thực sự đã chia xẻ cùng tôi. Tôi đã kể cho Wagner nghe về Khôi An, về một cánh chim đại bàng đã gãy, về những mộng ước đầu đời tôi đã cất dấu trong một ngăn khuất nhất riêng tư. Một mình mình biết. Một mình mình hay. Tưởng như thế sẽ mãi mãi trôi đi, nhưng hôm nay vẫn còn có người nghe cho con Oác Hương bước ra khỏi cái vỏ của mình ngậm ngùi, kể lể.
Và tôi đã tự hỏi ta yêu người, hay ta yêu ta một thuở bên người. Chỉ biết không còn ai mong chờ một người đã mất dấu 25 năm. Một chặng đường dài, cho tuổi hồng tôi héo úa. Một đoạn đời qua, còn ai nhìn lại bao giờ? Nhưng tôi vẫn hoài hoài quay đầu ngoái lại. Những giấc mơ kín đầy môi mắt yêu thương, hương thuốc Bastos xanh thơm nồng, quyến luyến cho tôi tưởng như một đời chồng vợ với Khôi An. Mộng ước nhỏ nhoi, nhưng làm sao lớn quá, đã ra ngoài và khuất hẳn một tầm tay. Wagner ngạc nhiên khi nghe tôi nhắc về một chuyện tình buồn như cổ tích, nhưng giọng tôi trầm trầm như chuyện mới hôm qua. Rất gần và rất mới. Rất xa và rất hôm nay. Môn học Empowerment hình như vẫn không nhồi nhét được trong đầu. Tôi vẫn còn những xúc động bàng hoàng, không thể chế ngự mình để dễ lãng quên, thay đổi cách nghĩ, cách nhìn giống y như một người Mỹ.

* hai.
Quán ăn nằm ở đường Lexington, được trang trí theo lối kiến trúc cổ của Pháp. Tôi đến nơi này lần đầu tiên cách đây 5 năm. Lúc đó tôi như một con sâu còn nằm trong ổ kén. Quà thưởng Noel của tôi là một phiếu tặng ăn tối trị giá một trăm đồng, từ nơi tôi làm việc……………...  Ngày tháng ấy, hồn tôi như một trang giấy mới. Rất trong lành, và rất đổi ngây ngô. Trở lại trường làm cô sinh viên nhỏ, những giờ học đầu đời ở xứ người vụng dại và thật dễ thương. Sau trường là Loring Park, tôi thường ngồi dựa vào gốc thông trên đồi cỏ mịn , nhìn những con thiên nga lội nước quanh hồ vào những ngày không có lớp. Hay nằm trên lá vàng, thở nhẹ trong cỏ ướt hương hoa. Pho tượng đồng đen của người nghệ sĩ kéo đàn violin với khuôn mặt trầm tư, chìm xuống, vẫn theo đuổi tôi trong những bước lang thang xạc xào dưới chân lá vàng quấn quít. Eâm đềm và thơ mộng. Như gió. Như mây. Nhẹ như sương mai và thơm tho như quả ngọt đầu mùa………….. .
Và tôi đã đến đó .. với Toàn. Những ngọn nến lung linh không soi sáng đủ mặt người. Mừng sinh nhật tháng giêng của tôi chỉ có hai người. Tĩnh lặng nhưng đầm ấm. Bây giờ trở lại nơi đây theo lời mời của Wagner – thầy tôi, để ông chúc Tết Việt Nam, tôi vẫn còn mang theo cảm giác hạnh phúc vô ngần về một nơi bình yên chim hót.
Chúng tôi uống rượu chát đỏ. Tôi ngập ngừng giây lát, vì bất chợt nhìn thấy bức tranh “ Rừng Thu “, gợi nhớ năm tháng nào tôi bé bỏng bên cạnh Khôi An, cho tôi cuống quít mắt môi một trời kỷ niệm. Mười sáu tuổi, chân rón rén những chiều hẹn hò, những ngày mưa, sáng nắng. Một thuở yêu người thánh thiện, hồn nhiên. Khu vườn Continental trong mát như thạch vào buổi sớm mai. Mùi hương hoa cau thơm nồng ngan ngát. Tiếng muỗng khuấy café của Khôi An nghe lanh canh cho ly café tôi đậm đà tình nhớ. Wagner hỏi tôi sao không nghĩ đến việc có một người nào đó cho riêng mình. Tôi cười trong mắt ướt. Không phải dễ để tìm được một Mr. Right, một người khuấy được những ly café xưa. Wagner ngạc nhiên sao tôi còn sống với kỷ niệm nhiều quá, khi thực tế của ngày tháng Mỹ kỷ niệm làm sao giúp được tôi giải quyết những khó khăn của đời cơm áo, trong những khổ lụy, xót xa, khi thiếu một người xẻ chia, vỗ về, an ủi.
Ở một góc nào đó, Cung vẫn còn vô vọng chờ tôi bên trời Tây Bắc. Ở nơi làm việc, Peter vẫn yêu tôi lặng lẽ như đã thầm lặng tự bao giờ. Tôi không tin người Mỹ có thể ấp ủ mãi một tình yêu câm nín. Cuối cùng thì Peter cũng đã bày tỏ khi nghe tôi quyết định rời bỏ công việc của mình. Những bông hoa tulip vàng từ tay Peter mùa đông lạnh giá vẫn không làm nên định mệnh. Tôi vẫn là con Oác Hương mong manh, gầy guộc của Khôi An, của người lính đã dám vượt ngục để tìm đường sống trong cái chết vì những lằn đạn của kẻ thù săn bắt, đuổi theo. Tôi không biết Khôi An chết ngày nào, tháng mấy, chỉ nghe bạn bè Khôi An kể ở Suối Máu, và anh là một trong những người tù trốn trại đầu tiên sau hai năm bị giam cầm. Và bởi vì tôi không thấy, tôi không chịu tin Khôi An đã chết. Anh vẫn còn sống trong tôi, và anh sẽ trở về. Chắc chắn như vậy. Tôi vẫn còn mơ thấy anh trong giấc ngủ, những giấc mơ thật đẹp và thật hiền, như tình tôi ngày xưa trẻ dại, như anh yêu tôi bằng nỗi nhớ của giòng sông quê hương mà anh đã rời bỏ từ một thuở ấu thơ. Anh mong ước tôi là một nơi chốn trở về của anh bình yên một đời, suốt kiếp. Hay có phải những ước ao đó đã trở thành một lời nguyền để tôi trở thành đá sỏi ngu ngơ, không còn xúc động được ở những mối tình sau, để giữ tôi lại là của riêng anh cho linh hồn anh có một chỗ để trở về nương náu. Tôi cũng không dám nghĩ tôi sống cô quạnh nghĩa là tôi chung thủy với anh. Nhưng có lẽ một điều thật nhất, những gì tôi cần, không thể nào tìm thấy nữa ở những bước chân qua, ở những cuộc vui chỉ là thoáng chốc, ở những môi cười dịu ngọt, điêu ngoa………………..
Tôi không phủ nhận bên những ngôn từ gọi mời giả trá, tôi vẫn còn những bến đời vắng im, lặng lẽ chờ tôi, chờ con tàu tôi quay lại. Nhưng tình yêu có phải là một cái gì không thể tự nói với mình: “ Ừ, thôi cũng được! “, mà phải là những xúc động đích thực của trái tim.
Làm sao tôi quên được, Cung đã riêng dành cho tôi một thứ tình yêu từ một thời tuổi ngọc, với những mơ mộng ngất trời. Cung luôn nhắc nhở trong những trang thư: “ Anh sẽ đưa em về Dalat, và mình sẽ sống một đời bình yên ở đó, với nông trại, với nương khoai.. Và Oác Hương, em sẽ bỏ hết thơ văn, bỏ hết những rong chơi của một thời con gái. Bên anh, hạnh phúc nhỏ nhoi nhưng có thật. Vì em yêu thành phố sương mù ấy, nếu ta cưới nhau, anh muốn gió lạnh và thông ngàn sẽ là những sợi chỉ hồng giam giữ chân em để chỉ còn lại những đứa con mắt trong ngời sáng….. “
Cung miên man trong mơ ước, nhưng Cung quên hẳn một điều tôi thân với Cung bằng một thứ tình học trò ăn chưa no, lo chưa tới. Lí lắc, nghịch ngợm như một tên bạn trai, chứ không phải là một người tình nhỏ. Nếu tuần trước, Cung rủ tôi đi nghe Lệ Thu hát “ Mùa thu chết “ ở Ritz của Jo Marcel thì sau đó lãnh tiền thưởng của ông cụ tôi, tôi ới Cung: “ Oác Hương sẽ bao anh đi coi “ Tuổi Đôi Mươi “ – phim Nhật, có Reiko Dan dễ thương mắt cười trong nón ở Hồng Bàng, chịu không?
Cung lắc đầu: “ Để dành tiền mà ghé ô mai me Bích Lan ở Tân Định, không thì lại ngủ gục trong giờ “ Luật Hiến Pháp “ của thầy M.”
Ngày tháng đó, quanh tôi có biết bao nhiêu bạn bè thân thiết, và có cả Khôi An nồng ấm, yêu thương. Tôi kể tỉnh bơ cho Khôi An nghe tôi đi ciné và nghe nhạc với Cung bằng giọng rất đổi hồn nhiên. Rất cao ngạo và đầy bản lĩnh, Khôi An dặn dò tôi: “ Thằng bé nào yêu em, hôm nào em dắt nó lại thử cho anh coi, nếu anh thấy nó yêu em chân thật là anh gật đầu liền. Và em, muốn đi với bất cứ ai phải hỏi anh, anh sẽ đưa em đi đến tận đó, rồi anh về. Nhớ không? “ . Tôi suy nghĩ một hồi rồi gật đầu.
Và khi tôi nhận ra được Khôi An là bóng mát che rợp kín đời tôi, là lúc chúng tôi sắp sửa mất nhau. .. Khi tôi biết đợi chờ, là đã đến lúc đứa con gái bỗng dưng thành góa phụ, để năm tháng trôi qua lụi tàn đời thiếu nữ..

* ba.
Wagner đi rồi! Nhắn lại cho tôi một mail, nhớ check mailbox.
Cầm lá thư viết bằng tay của Wagner, tôi quay lưng bỏ chạy. Văn phòng làm việc của Wagner trống lốc. Bàn trơ bên ghế ngồi. Lẳng phong lan không còn nữa. Quyển lịch Việt Nam “ Một thời áo trắng “  tôi cho, Wagner ân cần treo trên tường bên cạnh tấm tranh sơn mài  “Mưa đêm “ cũng đã theo người ở tận chốn trời xa. “Không phải dễ để nói lời từ biệt với tôi, bởi tôi – người sinh viên Việt Nam đã cho Wagner những cảm tình sâu đậm. Wagner học được ở tôi là tấm lòng tình nghĩa, là tận tụy, thủy chung của người châu Á.. Hãy giữ tất cả những thứ đó với tôi để làm hành trang trong cuộc đời. “
Lá thư rơi khỏi tay tôi, bay nhòa trong gió..
Mùa thu còn dài quá, mà nỗi buồn không phải dễ để nguôi ngoai. Từ một sự quỵ ngã nào, anh Nguyên đã dìu tôi đứng dậy, tôi đã bắt đầu bước đi được để tiếp tục nhìn lại bóng mình sau những năm tháng ngủ vùi trong cơn ác mộng của văn chương. Những hệ lụy mà mỗi khi nghĩ về vẫn không sao cầm được những giòng nước mắt. Cái vẹn toàn đầy ắp của anh Nguyên đã cho tôi thật nhiều ái ngại. Bởi anh đã cho tôi những gì hơn cả lòng tôi mong mỏi. Bởi tôi bây giờ, như con chim bị đạn, luôn luôn bàng hoàng sợ hãi trước những lằn tên, không muốn bước theo dấu mòn của một vết xe đã đổ.  Nhưng anh Nguyên vẫn xác quyết với tôi: “ Anh là một con người xã hội, anh luôn chia xẻ những âu lo với tất cả mọi người.”
Tôi cũng mong như vậy. Tôi không có gì đặc biệt, anh không dành gì cho tôi một sự khác biệt nào hơn những người anh đã biết, đã quen, để tôi và anh không có một ngày phải nói với nhau những điều cay đắng, không phải nhìn nhau xa lạ, hận thù như tôi đã có với anh Kha.
Tôi tự dỗ dành mình đừng khóc nữa trong chiều lộng gió, trong hương thu buồn trời ẩm đục mù sương. Những cơn mưa muộn màng hình như vẫn còn về ngang đâu đó..
Nửa khuya, khi tôi rời công việc, bên ngoài như thác lũ. Cơn trốt từ Saint Cloud vần vũ kéo sang. Tôi đẩy cửa bước ra, tiếng của Aimee gọi vói theo: “ Oác Hương đừng về, nguy hiểm lắm! “
Nhưng mà không kịp nữa. Sức gió thổi thốc, sức nước quất vào mặt như những ngọn roi, và mưa gió đã cuốn tôi đi, đã xô tôi ngã, đã cuốn tôi trôi về một bờ bến nào. Có phải bờ bến đó có Khôi An chờ tôi mòn mỏi, có Bố tôi mở rộng vòng tay chờ đợi đứa con xa..
Trả hết cho người những oan khiên, nghiệp chướng. Trả cả những yêu thương đã biến thành thù hận vì dối gian, lừa bịp cho nhau...
Tôi nhẹ tênh bay trong môi cười vụt tắt, trong cỏi người lận đận, long đong. Cho tôi về, về với quê hương tôi – một nơi tôi vẫn hằng mong một ngày nhìn thấy lại………….. …..

M.H.HOÀI-LINH-PHƯƠNG
Minneapolis mùa thu 2000
.
 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Ý kiến bạn đọc

Vui lòng login để gởi ý kiến. Nếu chưa có account, xin ghi danh.